1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Những dạng cơ bản của tiểu thuyết tâm lý trong văn học việt nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 (qua tố tâm, lấy nhau vì tình, bướm trắng, sống mòn)

218 725 5

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 218
Dung lượng 1,87 MB

Nội dung

Chọn đề tài nghiên cứu những dạng cơ bản của tiểu thuyết tâm lý Việt Nam qua bốn tác phẩm: Tố Tâm 1922 của Hoàng Ngọc Phách, Lấy nhau vì tình 1937 của Vũ Trọng Phụng, Bướm trắng 1939 của

Trang 1

ĐÀO ĐỨC DOÃN

NHỮNG DẠNG CƠ BẢN CỦA TIỂU THUYẾT TÂM LÝ TRONG VĂN HỌC

TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN 1945

(QUA TỐ TÂM, LẤY NHAU VÌ TÌNH, BƯỚM TRẮNG, SỐNG MÒN)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

HÀ NỘI - 2011

Trang 2

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

ĐÀO ĐỨC DOÃN

NHỮNG DẠNG CƠ BẢN CỦA TIỂU THUYẾT TÂM LÝ TRONG VĂN HỌC VIỆT

NAM

TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN 1945

(QUA TỐ TÂM, LẤY NHAU VÌ TÌNH, BƯỚM TRẮNG, SỐNG MÒN)

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Trang 3

MỤC LỤC

Trang

3 Giới hạn đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và

đóng góp mới của luận án

16

4 Kết cấu luận án

19

Chương I

NHỮNG TIỀN ĐỀ CHỦ YẾU VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA

TIỂU THUYẾT TÂM LÝ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐẦU

THẾ KỶ XX ĐẾN 1945

20 1.1 Những tiền đề chủ yếu của tiểu thuyết tâm lý Việt Nam nửa đầu

1.2.2 Những chặng đường phát triển và các dạng cơ bản của tiểu thuyết

tâm lý Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

40

Chương II

NHỮNG DẠNG CƠ BẢN CỦA TIỂU THUYẾT TÂM LÝ TRONG

VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN 1939

Trang 4

tiểu thuyết tâm lý tình cảm

2.2 Lấy nhau vì tình và tiểu thuyết tâm lý bản năng

2.2.3 Lấy nhau vì tình và các phương thức, phương tiện nghệ thuật chủ yếu

của tiểu thuyết tâm lý bản năng

93

Chương III

NHỮNG DẠNG CƠ BẢN CỦA TIỂU THUYẾT TÂM LÝ TRONG

VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ 1939 ĐẾN 1945

3.1.3 Bướm trắng và các phương thức, phương tiện nghệ thuật chủ yếu

trong tiểu thuyết tâm lý ý thức cá nhân khép kín

3.2.3 Sống mòn và các phương thức, phương tiện nghệ thuật chủ yếu trong

tiểu thuyết tâm lý nhân cách

Trang 5

MỞ ĐẦU

1 LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

1.1 Văn học là nhân học, là phương tiện khám phá thế giới tâm hồn đầy bí

ẩn của con người Cho nên, tác phẩm văn học dù ở thời đại nào cũng miêu tả tâm lý, miêu tả thế giới nội tâm nhân vật Tâm lý là vấn đề muôn thủa của văn học

Mặc dù văn học thời đại nào cũng miêu tả tâm lý, nhưng trong văn học cổ và trung đại, trọng tâm của tác phẩm tự sự dồn về phía sự kiện, biến cố và hành động của nhân vật, còn sự miêu tả tâm lý chỉ giữ vai trò thể hiện tính cách và biến cố xã hội Phải đến văn học hiện đại, quá trình tâm lý mới trở thành đối tượng miêu tả, phân tích trực tiếp của tác phẩm tự sự Tiểu thuyết tâm lý, vì vậy, vừa là sản phẩm của văn học hiện đại, vừa là dấu hiệu trưởng thành của nền văn học dân tộc Nó là

một hiện tượng lịch sử

Chọn đề tài nghiên cứu những dạng cơ bản của tiểu thuyết tâm lý Việt Nam qua bốn tác phẩm: Tố Tâm (1922) của Hoàng Ngọc Phách, Lấy nhau vì tình (1937) của Vũ Trọng Phụng, Bướm trắng (1939) của Nhất Linh, Sống mòn (1944) của Nam

Cao, luận án nhằm một mặt khẳng định thành tựu của văn học dân tộc giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến 1945 trên cơ sở những cứ liệu cụ thể, mặt khác góp phần làm

sáng tỏ hơn sự vận động của lịch sử văn học nói chung, của tiểu thuyết tâm lý nói

riêng - một sự vận động với những qui luật nội tại của nó theo hướng hiện đại hoá

1.2 Tiểu thuyết tâm lý không chỉ là một hiện tượng lịch sử mà còn là một

hiện tượng loại hình Mỗi tác phẩm là một chỉnh thể nghệ thuật không lặp lại

Đồng thời, nhiều tác phẩm lại có những yếu tố tương đồng, những đặc điểm chung,

tạo thành các kiểu, các dạng tiểu thuyết tâm lý khác nhau Nghiên cứu tiểu thuyết tâm lý như một hiện tượng loại hình sẽ giúp đưa ra những khái quát lý thuyết về

những kiểu, dạng tiểu thuyết tâm lý, từ đó có thêm cơ sở để khám phá giá trị các

tiểu thuyết tâm lý trong một tương quan mới - tương quan về phương diện loại hình

Trang 6

Ở ta, việc nghiên cứu tiểu thuyết tâm lý giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến 1945

đã đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện ngôn ngữ, nhân vật, kết cấu, nội

dung tư tưởng, nhưng lại chưa thật sự quan tâm đến phương diện loại hình

Những gì mà nghiên cứu, phê bình đạt được chủ yếu mới chỉ là những khám phá, phát hiện về giá trị nội dung và hình thức của các tác phẩm cụ thể Chúng ta vẫn còn thiếu những công trình thể hiện một cái nhìn toàn diện, xem tiểu thuyết tâm lý như là một loại hình văn học riêng, vận động như một dòng chảy riêng trong nguồn mạch chung của văn học dân tộc theo hướng hiện đại hoá Nói cách khác, ở ta, việc nghiên cứu tiểu thuyết tâm lý như là những hình thức thể loại mang tính nội dung chưa được chú ý đúng mức Bởi vậy, nghiên cứu tiểu thuyết tâm lý, vừa như một

hiện tượng lịch sử, vừa như một hiện tượng loại hình, theo chúng tôi là cần thiết và

vẫn còn đang là một công việc có nhiều ý nghĩa, hứa hẹn nhiều đóng góp mới

1.3 Tiểu thuyết tâm lý giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến 1945 chiếm một vị trí

quan trọng trong chương trình giảng dạy ở các trường phổ thông và đại học Do những hạn chế như đã nói ở trên trong nghiên cứu về tiểu thuyết tâm lý nên giảng dạy văn học vẫn chỉ dừng ở phân tích từng tác phẩm riêng biệt Các tiểu thuyết tâm

lý đã được soi sáng và phân tích trong nhiều mối tương quan khác nhau như tương quan với trào lưu, với phương pháp sáng tác, với phong cách nhà văn,v.v nhưng

lại chưa được đặt trong quan hệ với các tác phẩm cùng dạng để xem xét từ góc độ

loại hình Vì vậy, việc nghiên cứu các dạng tiểu thuyết tâm lý ở đề tài này sẽ giúp

cho việc giảng dạy có thêm cơ sở để khám phá tiểu thuyểt tâm lý với một góc nhìn mới

Đối với giới sáng tác và công chúng yêu thích tiểu thuyết tâm lý, luận án còn

hy vọng rằng những tư liệu và kết luận của luận án sẽ trở thành tài liệu tham khảo

bổ ích, vừa có thể góp phần tác động đến các nhà tiểu thuyết đương đại, vừa có thể góp phần vào quá trình tiếp nhận của công chúng cả với các tiểu thuyết tâm lý giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, cả với các tiểu thuyết trong giai đoạn hiện nay

2 LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

Do nghiên cứu các dạng tiểu thuyết tâm lý trên cơ sở khảo sát bốn tiểu thuyết

tiêu biểu là Tố Tâm, Lấy nhau vì tình, Bướm trắng, Sống mòn nên chúng tôi chỉ

Trang 7

trình bày trong phần Lịch sử vấn đề các ý kiến trực tiếp bàn về nghệ thuật miêu tả

tâm lý và dạng tiểu thuyết tâm lý của bốn tác phẩm này

2.1 Về Tố Tâm và tiểu thuyết tâm lý tình cảm

Bài viết đầu tiên về Tố Tâm là bài Quyển Tố Tâm ra đời của Lê Hữu Phúc,

viết năm 1922 [131, tr.111] Từ đó cho đến nay, tiểu thuyết Tố Tâm luôn nhận được

sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học cả trong và ngoài nước

Nhìn chung, khi xem xét tác phẩm dưới góc độ lịch sử, các nhà nghiên cứu,

phê bình đều nhất trí khẳng định vị trí mở đầu của tác phẩm đối với sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết Việt Nam nói chung, của tiểu thuyết lãng mạn và tiểu

thuyết tâm lý nói riêng theo hướng hiện đại hóa, tiêu biểu là: Lê Thanh [156, tr.192]; Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng [58, tr.327]; Phan Cự Đệ [26, tr.29]; Nguyễn Đăng Mạnh và Nguyễn Đình Chú [74, tr.75]; v.v Cho đến gần đây, vị trí

của tác phẩm đối với tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc vẫn được tiếp tục

khẳng định Tố Tâm vẫn được đánh giá là “một gương mặt tiểu thuyết sáng gía, tiêu

biểu, một đỉnh cao trong vòng ba mươi năm đầu thế kỷ XX” [147, tr.137]

Tuy nhiên, dưới góc độ loại hình, sự xem xét tác phẩm vẫn có những ý kiến

chưa thống nhất Huỳnh Lý [127], Nguyễn Đăng Mạnh [81, tr.35], Hà Minh Đức [32, tr.14], Phan Cự Đệ [26, tr.23-25], Hoàng Như Mai [69, tr.6];v.v đều cho

rằng Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên trong văn xuôi đầu thế kỷ ở ta,

nhưng, Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng lại nói: “Tố Tâm và Đạm Thuỷ không

hẳn là nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn Tố Tâm chưa đạt tới một tiểu thuyết lãng

mạn chủ nghĩa” [58, tr.323] Trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Trần Đăng Suyền

và Lê Quang Hưng cũng chỉ coi Tố Tâm là “có tính chất lãng mạn”, là “mầm mống

của chủ nghĩa lãng mạn” [147, tr.149]

Trong giai đoạn trước năm 1945, đa số các nhà nghiên cứu tán thành ý kiến

của Hoàng Ngọc Phách, coi Tố Tâm là tiểu thuyết tâm lý Lê Hữu Phúc lưu ý:

“Độc giả xem quyển Tố Tâm xin nhớ là một quyển tâm lý tiểu thuyết” [131, tr.113]

Trương Tửu khẳng định: “Ông Song An là người đầu tiên dùng quốc văn viết một

quyển tiểu thuyết tâm lý” [13, tr.546] Lê Thanh nhận xét: “Quyển Tố Tâm là

quyển tâm lý tiểu thuyết đầu tiên ở ta” [156, tr.192].v.v Nhưng, Thạch Lam lại

Trang 8

không thừa nhận Tố Tâm là một cuốn tiểu thuyết tâm lý, vì “chỉ phân tách có cái

tâm lý hời hợt bề ngoài, một cái thái độ của tâm hồn mà thôi” [102, tr.365] Vũ

Ngọc Phan cũng nói: “Tác giả đã lầm là đi đặt Tố Tâm vào loại tâm lý tiểu thuyết,

vì đọc cả cuốn tiểu thuyết không thấy tính chất tâm lý ở đâu cả” [129, tr.174]

Sau 1945, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình khẳng định Tố Tâm là một tiểu

thuyết tâm lý, chẳng hạn: Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng nói: “Tố Tâm là một

cuốn tiểu thuyết tâm lý( ) Đạm Thuỷ và Tố Tâm thực sự có nội tâm phong phú”

[58, tr.323]; Nguyễn Huệ Chi nói: “phân tích tâm lý là đặc điểm nổi bật của cuốn

tiểu thuyết này nên xếp nó vào loại hình tiểu thuyết tâm lý là thích hợp” [13, tr.104]

Nhưng, một số nhà nghiên cứu, phê bình khác lại vẫn dè dặt, chẳng hạn: Huỳnh Lý: “Tác giả gọi cuốn sách là tâm lý tiểu thuyết Có những nhà phê bình bảo nên

chữa là ái tình tiểu thuyết hoặc bi tình tiểu thuyết; có người sau này gọi nó là xã hội tiểu thuyết Đều đúng cả Nhưng nếu cứ phải xếp loại nó theo “mốt” đương thời, thì

cho nó là tâm lý tiểu thuyết vẫn đúng” [127]; Phan Cự Đệ: “Hoàng Ngọc Phách gọi

Tố Tâm là “tâm lý tiểu thuyết” Điều đó có phần đúng” [26, tr.25]; Đỗ Đức Hiểu:

“Có thể gọi Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là tiểu thuyết tâm lý Song, đó là tâm

lý cổ điển, tâm lý trên mặt phẳng” [49, tr.125]

Điều chúng tôi rất lưu ý là: đa số các bài viết và các công trình của các tác

giả đi trước đều thống nhất cho rằng sự độc đáo của tác phẩm là ở sự miêu tả tâm lý

ái tình và tác phẩm là tiểu thuyết ái tình Thiếu Sơn nhận xét: “Tố Tâm cũng là tiểu

thuyết tình” Trúc Hà ca ngợi tác giả Tố Tâm đã “chịu khó đem ngọn bút tinh tế vẽ vời mọi nỗi u ẩn, ly kỳ, bí mật của ái tình một cách rõ ràng, sáng sủa” Trương Tửu khẳng định: tác giả Tố Tâm “có tài tả những sự phát hiện lặng lẽ của ái tình” Phạm

Thế Ngũ cho rằng: “Cả câu chuyện là một cuộc phân tích tâm lý ái tình” [13, tr 516,529,543,595] Phan Cự Đệ nói: Hoàng Ngọc Phách đã: “có biệt tài khi miêu tả

những phát hiện lặng lẽ của ái tình” [26, tr.26] Hà Minh Đức cũng nói: “Tố Tâm là một cuốn tiểu thuyết ái tình” [32, tr.14] Ngay cả Vũ Ngọc Phan, người vốn không

thừa nhận Tố Tâm là tiểu thuyết tâm lý, lại vẫn coi Tố Tâm là tiểu thuyết ái tình:

“Nói về loại, Tố Tâm chỉ là một quyển ái tình tiểu thuyết” [129, tr.174]

Trang 9

Khái niệm “ái tình” mà các nhà nghiên cứu nói ở trên không phải chỉ để chỉ

phạm vi đề tài của tác phẩm, mà còn để chỉ nội dung tâm lý được miêu tả là tâm lý

tình cảm Song Vân nhắc nhở: “Câu chuyện đó muốn gọi là tâm lý tiểu thuyết hay

ái tình tiểu thuyết, chẳng qua chỉ là một sự giải phẫu khôn khéo những tình cảm”

[13, tr.530] Huỳnh Lý nhận xét: “Tố Tâm vẫn là lịch sử của một nỗi lòng, là tâm lý của một cảm tình chuyển từ khâm phục đến si ái” [127] Hà Minh Đức khẳng định:

“Sức hấp dẫn của tác phẩm là ở những tình cảm xúc động của người con gái lần đầu đến với tình yêu và đau khổ vì tình Dòng tình cảm vừa chân tình vừa lãng mạn, thơ mộng bao trùm nhiều trang sách Có thể xem Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết lãng

mạn đầu tiên trong văn xuôi ở đầu thế kỷ góp phần mở đầu cho trào lưu lãng mạn trong văn học Chất lãng mạn này ít nhiều mang tính chất tiến bộ Nó được nuôi

dưỡng bằng mạch tình cảm tương đối trong sáng” [32, tr.14]

Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình còn coi sự tác động chủ yếu nhất và mạnh

mẽ nhất của Tố Tâm đối với bạn đọc là sự tác động về tình cảm Thiếu Sơn nói:

“Tố Tâm quả đã chinh phục trái tim người đọc từ Bắc chí Nam”; Trúc Hà cho biết:

“Trong lúc đọc Tố Tâm, tôi vẫn thấy thứ tình cảm xúc ấy, giá ở những kẻ nhu cảm

đa tình, có thể vì Tố Tâm mà nhỏ đôi giọt lệ”; Trần Đình Ý nhận xét: “Tố Tâm là

một cuốn tiểu thuyết về tình cảm Tác giả đa cảm trước hết chỉ muốn cho chúng ta

rung động, xúc cảm” [13, tr.515, 524, 557]; Lê Trí Viễn tâm sự: “Không truyện

nào in vào lòng tôi sâu bằng Tố Tâm Tôi đã thật sự vui sướng với hai nhân vật

chính lúc họ yêu nhau, rồi tôi lại thầm rơi nước mắt lúc cô gái lìa đời” [180, tr.178];

Công trình Văn học Việt Nam thế kỷ XX do Trần Đăng Suyền và Lê Quang Hƣng

chủ biên cũng khẳng định: “chưa có cuốn tiểu thuyết nào vừa ra đời đã làm rung

động trái tim độc giả nhiều như Tố Tâm” [147, tr.137]; v.v

Nhìn chung, các công trình, bài viết trước đây đều chưa đặt ra việc xác định

dạng (kiểu) tiểu thuyết tâm lý của Tố Tâm Tuy vậy, những ý kiến của các tác giả đi

trước - đặc biệt là những ý kiến phân tích tác phẩm như một cuốn tiểu thuyết ái tình

- thật sự là những gợi ý bổ ích cho chúng tôi trong việc khẳng định Tố Tâm là tiểu

thuyết tâm lý tình cảm

2.2 Về Lấy nhau vì tình và tiểu thuyết tâm lý bản năng

Trang 10

Nổi bật trong các ý kiến đánh giá về Lấy nhau vì tình là các ý kiến cho rằng

Lấy nhau vì tình là tác phẩm chứng tỏ tư tưởng bảo thủ và lòng tin ở thuyết tính dục

của Vũ Trọng Phụng Vũ Ngọc Phan nói: “Từ Kỹ nghệ lấy Tây cho đến Lấy nhau

vì tình, không một phóng sự nào, không một tiểu thuyết nào của ông lại không có

những chuyện hiếp dâm với những ảnh hưởng tai hại của nó Ông tin ở chủ nghĩa tính dục một cách thái quá và tưởng rằng bất kỳ việc gì ở đời cũng có thể đem chủ

nghĩa ấy ra để giảng giải” [96, tr.109] Trương Chính nhận xét: “Trong các tác

phẩm của ông, phóng sự hay tiểu thuyết, từ Kỹ nghệ lấy Tây cho đến Lấy nhau vì

tình, ông chú trọng tả khía cạnh dâm đãng của con người” [96, tr.142] Phan Cự Đệ

cho rằng Lấy nhau vì tình là tác phẩm “rơi rớt những quan điểm bảo thủ hoặc cải

lương phong kiến của chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực” [30, tr.355]

Về nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, các nhà nghiên cứu đều cho rằng

miêu tả tâm lý vốn không phải là sở trường của Vũ Trọng Phụng Phạm Thế Ngũ

nói: “Sau Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng đổi hướng, bước sang một lô tiểu thuyết có khuynh hướng phân tích tâm lý: Dứt tình, Lấy nhau vì tình, Trúng số độc đắc Song

ở đây ta thấy mấy sở đoản của Vũ Trọng Phụng Ông chỉ khéo chụp được những

xen, những dáng bề ngoài, nhất là tài tình để điểm vào đó nụ cười chua chát, giọng nói mỉa mai, do đó ông thành công ở loại phóng sự, loại tiểu thuyết có động tác ồ ạt bên ngoài, có tính chất hoạt kê bông lơn Nhưng đến loại tâm lý tiểu thuyết, cần đặt một tâm trạng dưới con mắt phân tích theo dõi, cần để cái cơ mưu chìm vào trong,

mô tả những hành động nguyên nhân hơn là những hành động kết quả, cần tạo cả không khí tâm lý ở chỗ vô hình nó linh hoạt hoá nhân vật, Vũ Trọng Phụng tỏ ra

cộc cằn, vụng về Nhân vật của ông khi đó hiện ra nếu không vô lý thì cũng rất khó

hiểu, khó cắt nghĩa trong sự hành động Câu chuyện thường kềnh càng những động tác, những cảnh, những khung, những lời, trong khi nhân vật suy nghĩ hay xử sự một cách rất nông cạn, tầm thường, kỳ cục nữa Đó là những khuyết điểm rõ rệt thường thấy trong mấy tiểu thuyết tâm lý trên của Vũ Trọng Phụng” [96, tr.168]

Nguyễn Đăng Mạnh nói: “Vũ Trọng Phụng rất ham thích phân tích, lý giải những

quá trình tâm lý của nhân vật của mình Thủ pháp được dùng phổ biến ở đây là đưa

ra những mệnh đề có tính khái quát triết lý làm căn cứ suy luận” [78, tr.51]; “Làm đĩ

Trang 11

thực chất là sự thuyết minh cho các quan niệm hết sức bi quan về tình yêu nam nữ:

“giao cấu là mục đích cuối cùng của ái tình” (…) Lấy nhau vì tình lại thuyết minh

cho một luận đề khác được Vũ Trọng Phụng dùng đặt tên cho một truyện ngắn của

mình: Cái ghen đàn ông (1937) (…) Ông cho rằng “lấy nhau vì tình” tất sẽ dẫn đến

tan vỡ và bất hạnh, vì tình yêu thực ra chỉ là sự “yêu mình qua người khác” [79,

tr.6,7] Nguyễn Hoành Khung nhận xét: bên cạnh những trang viết “tỏ ra khá sắc sảo

trong việc thăm dò, phân tích tâm lý phức tạp của con người”, Vũ Trọng Phụng đã bộc lộ những hạn chế như: đã nhập làm một “chủ nghĩa định mệnh lịch sử - xã hội” với “chủ nghĩa định mệnh sinh lý” do ông tiếp thu của Phrớt một cách dung tục để rồi

đi đến chỗ “rời bỏ những nguyên tắc hiện thực chủ nghĩa để sa hẳn vào chủ nghĩa tự

nhiên”; đã “sẵn sàng gò ép tâm lý tính cách nhân vật để minh họa cho quan niệm của

mình”; đã sáng tạo ra một loạt những tác phẩm “giống như những nghiên cứu tâm lý, tất cả đều chứng minh luận đề tâm lý: bản chất con người là ích kỷ” [63, tr.413] v.v

Rải rác trong nhiều bài viết, công trình khác về Vũ Trọng Phụng, chúng ta còn

có thể gặp nhiều ý kiến tương tự Chẳng hạn, nhận xét của Trần Đăng Thao: “nhân

vật của Vũ Trọng Phụng thường động về vị trí và tĩnh về tâm lý” [159]; nhận xét của

Đinh Trí Dũng: những nhân vật nạn nhân, “tha hóa” của Vũ Trọng Phụng “đã có

chiều sâu tâm lý đáng kể”, nhưng ở những nhân vật khác như Nghị Hách, Xuân tóc đỏ “đời sống tâm lý có khi còn xộc xệch” [17]; v.v

Nhìn chung, tuy chưa có nhà nghiên cứu, phê bình nào xem xét tác phẩm dưới

góc độ loại hình tiểu thuyết tâm lý, nhưng rải rác trong các ý kiến của họ, chúng tôi đã

nhận được những chỉ dẫn có ý nghĩa định hướng rất quan trọng Những nhận xét về

“lòng tin ở thuyết tính dục”, về sự “cộc cằn, vụng về”, “điều khiển như những con

rối” trong miêu tả tâm lý, về việc coi Lấy nhau vì tình là tiểu thuyết luận đề, về

“khuynh hướng khái quát triết lý” và sự “thích thú phát biểu những quy luật tâm lý

của “loài người”, về sự “gò ép tâm lý tính cách nhân vật để minh họa cho quan niệm

của mình”,v.v… là những gợi ý rất bổ ích cho chúng tôi trong việc xếp tác phẩm vào

dạng tiểu thuyết tâm lý bản năng

2.3 Về Bướm trắng và tiểu thuyết tâm lý ý thức cá nhân khép kín

Trang 12

Phần lớn những công trình, bài viết trước đây về Bướm trắng chủ yếu tập

trung nghiên cứu nội dung tư tưởng của tác phẩm Tiêu biểu cho khuynh hướng đề

cao là ý kiến của các tác giả: Đặng Tiến, Bùi Xuân Bào, Phạm Thế Ngũ, Trần

Hữu Tá, Đỗ Đức Hiểu, v.v Đặng Tiến cho rằng Bướm trắng chịu “ảnh hưởng

của Trang tử” và viết Bướm trắng, Nhất Linh muốn thể hiện quan niệm của ông về hạnh phúc: “hạnh phúc chỉ ở lòng mình, hạnh phúc chỉ ở sự yên tĩnh của tâm hồn”

[165] Phạm Thế Ngũ cho rằng nhân vật Trương là con người “muốn phá hoại

nhân phẩm, tự thân trụy lạc, mà vẫn không thể nào không hướng về những nẻo

đường thiện mỹ” Trần Hữu Tá nhận xét: viết Bướm trắng, “tác giả đâu có ý muốn

ca ngợi cuộc sống vô luân”, Bướm trắng đã có những trang viết có “giá trị nhân văn

đích thực” [98, tr.160, 378] Đỗ Đức Hiểu cho rằng miêu tả chuyện tình của nhân

vật Trương trong Bướm trắng, Nhất Linh muốn nói: “Tình yêu, cái đẹp như con

bướm trắng, trẻ thơ không bao giờ bắt được, nó luôn ở phía trước con người Và con người không ngơi nghỉ đuổi bắt cái đẹp” [49, tr.131]; v.v

Nhưng ngược lại, đúng như nhận xét của Trương Chính: cũng như Con

đường sáng của Hoàng Đạo và Đẹp của Khái Hưng, Bướm trắng của Nhất Linh

thường bị các nhà phê bình “phê phán là bệnh hoạn, nghệ thuật vị nghệ thuật, hoặc theo chủ nghĩa cải lương tư sản” [14] Tiêu biểu cho khuynh hướng này là ý kiến

của các nhà nghiên cứu: Thế Phong, Phan Cự Đệ, Nguyễn Hoành Khung, Hà Minh Đức,v.v Thế Phong khẳng định: Nhất Linh viết tác phẩm này chỉ vì “chán chường cách mệnh và chính trị, con người trở về với nội tâm” [98, tr.168] Phan

Cự Đệ nhận xét: nhân vật Trương là con người “sống gấp, hưởng thụ và phá

phách”, “sa đọa về nhân phẩm”, là “con người hạ xuống hàng con vật”, con người

có “lối sống hưởng thụ ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân tư sản”, là “chủ nghĩa cá nhân

cực đoan và chủ nghĩa vô luân”, và Bướm trắng là tác phẩm “lãng mạn suy đồi”

được viết trong “thời kỳ xuống dốc”, “đi vào ngõ cụt, bế tắc” của Nhất Linh và Tự

Lực Văn Đoàn [91, tr.10-19] Nguyễn Hoành Khung cho rằng Bướm trắng đã “đi

vào đồi bại với chủ nghĩa vô luân trắng trợn”, đã “thắm đượm một chủ nghĩa bi quan đen tối và chủ nghĩa cá nhân lúc này bộc lộ đầy đủ tính chất đồi bại của nó, trở

Trang 13

thành chủ nghĩa vô luân” [62, tr.33]; Bướm trắng “là một chủ nghĩa cá nhân cực

đoan, với thứ tình yêu ích kỷ đến bệnh hoạn, một tâm trạng bi quan đen tối và thái

độ buông xuôi trong sa đoạ” [60, tr.113] Hà Minh Đức khẳng định nhân vật

Trương là con người “đang thoái hoá”, “mất hết khả năng chống lại những cám dỗ của vật chất”, “không có sức đề kháng, tự ý thức kém và hoàn toàn buông xuôi

trước những cám dỗ và xô đẩy của cuộc đời” và “Bướm trắng cũng ghi nhận ở

chính tác giả ngòi bút chân thành và mệt mỏi ở một chặng đường mà xã hội mờ mịt

và đầy biến động, người viết dễ mất hướng đi” [33, tr.12]; Bướm trắng “không còn

mang thuần tuý tính chất lãng mạn nữa mà đã nhiễm triết lý hiện sinh, lối sống hưởng lạc” [35, tr.78]

Việc đánh giá giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm không phải là nhiệm vụ

trọng tâm của luận án, nhưng cũng không phải là vấn đề mà luận án có thể bỏ qua,

vì việc làm sáng tỏ giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm luôn là cơ sở cho sự xác lập một cái nhìn thống nhất về hình thức nghệ thuật, trong đó có sự đánh giá về phương diện loại hình

Về nghệ thuật miêu tả tâm lý, đa số các nhà nghiên cứu, phê bình coi Bướm

trắng là tác phẩm miêu tả tâm lý thành công nhất của Nhất Linh Thế Uyên cho

rằng Bướm trắng là cuốn sách: “lúc mới ra đời bị thờ ơ” nhưng chính nó mới là “có

giá trị hơn” Nguyễn Vỹ nói: Bướm trắng “là tác phẩm duy nhất mà anh - tức Nhất Linh - ưng ý” Tường Hùng nhận xét: “Ngày trước, thời của các cuốn Đôi bạn,

Đoạn tuyệt, tiểu thuyết của Nhất Linh là một phương tiện tranh đấu Nghệ thuật chỉ

đứng sau, nhưng cũng rất rõ rệt, đủ để chứng tỏ một văn sĩ có tài Và dần dần nghệ

thuật trở nên quan trọng, trong Bướm trắng chẳng hạn” Phạm Thế Ngũ coi Bướm

trắng là “thành tựu của một văn tài đã chín” Bùi Xuân Bào cho rằng Bướm trắng

là tác phẩm “đánh dấu một chặng đường phát triển mới của Nhất Linh”, ở Bướm

trắng, kỹ thuật tiểu thuyết của Nhất Linh đã “đạt đến hoàn hảo” Trần Hữu Tá cho

rằng “đến Bướm trắng, Nhất Linh thực sự đã đạt được thành tựu đáng kể trong quá trình hiện đại hoá nghệ thuật viết tiểu thuyết của mình”, và Bướm trắng là tác phẩm

thể hiện “những tìm tòi đổi mới của Nhất Linh về phương diện nghệ thuật” [98,

Trang 14

tr.496,430,516,151,130,136,380] Đỗ Đức Hiểu cũng nhận xét “Bướm trắng là một

thành tựu mới trong sự nghiệp văn chương của Nhất Linh, một bước ngoặt quan

trọng Bướm trắng là một tiểu thuyết hiện đại” [49, tr.118] Hà Minh Đức nói: “Có

thể nói Nhất Linh đã thành công trên nhiều trang phân tích tâm lý nhân vật, đặc biệt

trong tình cảm yêu đương của Trương” [33, tr.12] Trịnh Hồ Khoa nhận xét: “xét

về nghệ thuật kết cấu tâm lý” thì Bướm trắng “là tác phẩm tiêu biểu và thành công

hơn cả của Nhất Linh” [99, tr.101] Chính Nhất Linh cũng khẳng định rằng Bướm

trắng là cuốn truyện mà ông thích nhất, là “cuốn truyện phân tích tâm lý căn bản có

thể vượt không và thời gian” [108, tr.103]

Nhiều công trình, bài viết đã có những tìm tòi, khám phá sâu sắc về nội dung

tâm lý và phương thức, phương tiện nghệ thuật thể hiện tâm lý của tác phẩm Phan

Cự Đệ nhận thấy cốt truyện của Bướm trắng “có khuynh hướng thu vào những

vòng tròn tâm lý hướng tâm” [29, tr.289] Hà Minh Đức nhận xét: “Trương là nhân

vật có nhiều mâu thuẫn trong tâm trạng”, nhân vật nhiều khi như “bị vây bọc trong những mắt lưới khó tìm được lối ra”, “Dòng ý thức của nhân vật không trôi chảy”

[33, tr.10] Đỗ Đức Hiểu gọi sự vận động của cuộc sống tâm linh nhân vật là “hành

trình bên trong” và nhận thấy Nhất Linh đã xây dựng nhân vật theo cách của Stendhal, Flaubert và Dostoievski, là “nhân vật không có tính cách định hình sẵn;

nó chủ động biến đổi, nó xây dựng từng bước, nó tự hình thành dần, từ trang này sang trang khác Người kể chuyện để ngòi bút “phiêu lưu” với cuộc sống tâm linh nhân vật” [49, tr.125]

Nhìn chung, vẫn chưa có công trình, bài viết nào nghiên cứu, phê bình Bướm

trắng từ góc độ loại hình Tuy nhiên, những nhận xét của các nhà nghiên cứu, đặc

biệt là những đánh gía về “dòng tâm lý”, “dòng ý thức”, “hành trình bên trong”,

“khuynh hướng thu vào những vòng tròn tâm lý hướng tâm”, tâm lý như “bị vây bọc trong những mắt lưới khó tìm được lối ra”, v.v như vừa nói ở trên là những gợi

ý thực sự có ý nghĩa đối với chúng tôi trong việc xếp Bướm trắng vào dạng tiểu

thuyết tâm lý ý thức cá nhân khép kín

2 4 Về Sống mòn và tiểu thuyết tâm lý nhân cách

Trang 15

Kể từ bài viết đầu tiên về Sống mòn của tác giả Nguyễn Huy Tưởng với

nhan đề: Tưởng nhớ Nam Cao, đọc tại hội nghị tranh luận hội họa ngày 31/12/1951 đến nay, sự nghiệp sáng tác của Nam Cao nói chung và Sống mòn nói riêng ngày

càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao nghệ thuật miêu tả tâm lý của tác phẩm

Hà Minh Đức coi “Sống mòn là một trong những tác phẩm có giá trị nhất”

trong giai đoạn 1939 - 1945; là “tác phẩm có cấu trúc tâm lý độc đáo” [35, tr.126]

và Thứ là “kiểu nhân vật tổng hợp hơn cả cho các loại tính cách tiểu tư sản trí thức của Nam Cao” [31, tr.26]; là “nhân vật mang ý nghĩa tổng hợp cho nhiều tâm trạng”

[94, tr.408] Nhà nghiên cứu nhận xét: “Cấu tạo của Sống mòn vừa đi sát vào sườn cốt truyện, vừa gắn liền với dòng tâm lý Tác giả luôn tôn trọng tính khách quan

của tâm lý từng loại người và tạo điều kiện cho tâm lý bộc lộ tính cách” [31, tr.47]

Phan Cự Đệ cho rằng “Trong tiểu thuyết Sống mòn, Nam Cao tập trung đi sâu vào

cái bi kịch nội tâm, vào những suy nghĩ luẩn quẩn, bế tắc của anh tiểu tư sản trí

thức Ánh đèn pha của nhà tiểu thuyết chiếu từ trong ra” [26, tr.120,309] Phong Lê

cho rằng nhân vật của Nam Cao có “cả sức chứa và sức mở”, “thế giới nội tâm các nhân vật của Nam Cao không phải là thế giới nội tâm của con người khép kín trong bốn bức tường”, mà là đời sống tâm lý “có một hàm lượng xã hội đáng kể” [116,

tr.75]; Sống mòn là “cuốn tiểu thuyết không có cốt, không có truyện, không có gay

cấn và ly kỳ; bối cảnh truyện chỉ là sinh hoạt của mấy nhà giáo dạy tư, nhưng sao

lại có sức gắn đến thế với cả cuộc đời rộng lớn” [117]; “Sống mòn không chỉ là một tiểu thuyết hướng nội như cách ta hiểu lâu nay Đó cũng chính là một tiểu thuyết rất

tài năng trong các khả năng hướng ngoại” [118] Nguyễn Hoành Khung cho rằng

ngòi bút Nam Cao “đặc biệt sắc sảo khi phát hiện những bi kịch tâm hồn”, “đặc biệt sinh động khi miêu tả diễn biến tâm lý”, “luôn luôn có những nhận xét tinh tế về tâm lý con người”, tính cách nhân vật của Nam Cao “được khắc họa rõ nét chủ yếu bằng sự soi sáng bên trong”, mỗi nhân vật “đều có một diện mạo tâm lý riêng”, Nam Cao “nắm rất vững quy luật tâm lý con người và rất chú ý quá trình tâm lý nhân vật Do đó, có khi sự diễn biến tâm lý rất đột ngột, nhưng vẫn tự nhiên vì nó

Trang 16

hợp lý, hợp cái lô gích nội tại của tính cách, được quy định bởi cái lô gích của hiện thực Qua những quá trình tâm lý nhân vật và những tương quan tâm lý giữa các nhân vật là bộ mặt xã hội với những quan hệ thực tế của nó Chính vì vậy mà mặc

dù đi vào miêu tả, phân tích tâm lý nhiều khi tỉ mỉ, Nam Cao vẫn không giống với những cây bút “tâm lý tiểu thuyết” tư sản chỉ biết nhấm nháp mớ tâm tư vụn vặt của

cá nhân” [59, tr.80] Nguyễn Đăng Mạnh coi Sống mòn là “một sự tổng hợp mọi

tấn bi kịch tiểu tư sản viết rải rác trên nhiều truyện ngắn của Nam Cao” [71]; Sống

mòn “đâu phải là một sự rút lui vào lĩnh vực nhỏ bé và khép kín của tâm sự một anh

giáo khổ trường tư!” [73, tr.23]; “Sống mòn chỉ viết về một anh giáo viên cấp I,

nhưng lại đúng là một nhân vật trí thức với những vấn đề của trí thức” [80, tr.501];

“Nam Cao chú ý nhiều đến nội tâm hơn là ngoại hình nhân vật (trừ những trường hợp có dụng ý đặc biệt) ( ) Tài hoa của Nam Cao càng được phát huy đầy đủ khi ông đi vào những quá trình tâm lý phức tạp, những tính cách lưỡng hóa ( ) Tiểu

thuyết Sống mòn nếu không có cái sâu sắc, phong phú của ngòi bút phân tích tâm lý

thì làm sao có thể thu hút được sự chăm chú của người đọc trên hàng trăm trang sách viết toàn về những chuyện “chẳng có gì cả” chung quanh một bữa ăn, một căn nhà trọ, một chuyện ghen tuông vớ vẩn của mấy anh chị tiểu tư sản nghèo?” [71]

Trần Đăng Suyền nhận xét: “Nam Cao đã lấy thế giới nội tâm nhân vật làm đối

tượng chính của sự miêu tả”; Nam Cao “là nhà văn có biệt tài khi miêu tả những trạng thái tâm lý phức tạp, những hiện tượng lưỡng tính dở say dở tỉnh, dở khóc dở cười, mấp mé gianh giới giữa thiện với ác, giữa hiền với dữ, giữa con người với con vật Ngòi bút của Nam Cao có khả năng miêu tả trực tiếp cả quá trình vận động và phát triển của tâm lý tính cách nhân vật”; “Đối với Nam Cao, việc phân tích tâm lý nhân vật không tách rời việc phân tích cuộc sống xã hội nói chung( ) Thế giới nội tâm của những nhân vật Nam Cao không phải là thế giới riêng khép kín, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài”; “Chủ nghĩa tâm lý đã trở thành một ý thức nghệ thuật

thấm nhuần trong sáng tác của Nam Cao” [144, tr.170-185] Hà Văn Đức đánh giá:

các nhân vật tiểu tư sản của Nam Cao đều “không phải là những con người hoàn toàn tách biệt với quần chúng lao động”; “Trong cách miêu tả tâm lý, Nam Cao có ý

Trang 17

thức kết hợp rất biện chứng con người với hoàn cảnh xã hội”, “Dòng tâm lý của Thứ được mở rộng trên nhiều hướng Qua các mối quan hệ đa dạng, phức tạp đó, Nam Cao làm nổi bật lên được tâm lý, cốt cách con người tiểu tư sản” [38, tr.487-491]

Trong nhiều công trình, bài viết khác, nghệ thuật miêu tả tâm lý của Nam Cao vừa được xem như là một đóng góp độc đáo cho sự phát triển của văn xuôi

nước nhà, vừa được xem như là nét đặc sắc nghệ thuật của tiểu thuyết Sống mòn

Đó là: Phạm Quang Long với Một đặc điểm của thi pháp truyện Nam Cao [121]; Đinh Trí Dũng với Bi kịch tự ý thức - nét độc đáo trong cảm hứng nhân đạo của

Nam Cao; Phạm Xuân Nguyên với Nam Cao và sự lựa chọn một chủ nghĩa hiện thực mới; Nguyễn Ngọc Thiện với Bút pháp tự sự đặc sắc trong Sống mòn; Đỗ

Đức Hiểu với Hai không gian trong Sống mòn [114]; Bích Thu với Sức sống của

một sự nghiệp văn chương [94]; v.v

Điều đáng chú ý hơn nữa là hầu hết các nhà nghiên cứu, phê bình đều có

chung nhận xét: Nam Cao rất chú trọng vấn đề nhân cách Nguyễn Đăng Mạnh

khẳng định: “Nam Cao là người hay băn khoăn về vấn đề nhân phẩm, về thái độ khinh trọng đối với con người” [71]; “Nếu như ở tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi,

thui chột đi, huỷ diệt đi” [75] Nguyễn Minh Châu nhận xét: “Nam Cao có biệt tài

trước những biểu hiện tâm lý mang tính nhân cách (Tôi nhấn mạnh - Đ.Đ.D)”; “Cả

một đời cầm bút của Nam Cao cứ đau đáu nhìn vào cái nhân cách Cái sự săn đuổi chính mình đầy ráo riết cũng chính là sự săn đuổi cái nhân cách con người ta nói chung”; “Ông kêu gọi chính mình và thông qua việc kêu gọi chính mình, ông kêu gọi mọi người chung quanh hãy giữ vững lấy cái neo cuối cùng là nhân cách con người” [12] v.v

Nhìn chung, tuy chưa đặt ra việc tìm hiểu Sống mòn về phương diện loại

hình, song rải rác trong nhiều bài viết khác nhau, các nhà nghiên cứu, phê bình đi trước đã để lại cho chúng tôi nhiều chỉ dẫn, gợi ý có giá trị trong việc xác định dạng

Trang 18

(kiểu) tiểu thuyết tâm lý của tác phẩm Đánh gía của Hà Minh Đức: Nam Cao “luôn

tôn trọng tính khách quan của tâm lý từng loại người”; nhận xét của Phong Lê: đời

sống tâm lý ở các nhân vật của Nam Cao “có một hàm lượng xã hội đáng kể”; ý kiến của Nguyễn Hoành Khung: diễn biến tâm lý nhân vật của Nam Cao vừa hợp

cái lô gích nội tại của tính cách, vừa được quy định bởi cái lô gích của hiện thực;

nhận định của Nguyễn Đăng Mạnh: tác phẩm của Nam Cao “là tiếng kêu cứu lấy

nhân cách” và Sống mòn “đâu phải là một sự rút lui vào lĩnh vực nhỏ bé và khép kín

của tâm sự một anh giáo khổ trường tư”; kết luận của Trần Đăng Suyền: Nam Cao

“miêu tả những diễn biến tâm lý do hoàn cảnh quyết định một cách rất chính xác”,

thế giới nội tâm của những nhân vật Nam Cao “không phải là thế giới riêng khép

kín”; ý kiến của Hà Văn Đức: “trong cách miêu tả tâm lý, Nam Cao có ý thức kết hợp rất biện chứng con người với hoàn cảnh xã hội”; nhận xét của Nguyễn Minh Châu: “Nam Cao có biệt tài trước những biểu hiện tâm lý mang tính nhân

cách”;v.v là những gợi ý quý giá cho chúng tôi trong việc xác định Sống mòn là tiểu

thuyết tâm lý nhân cách

Qua khảo sát các công trình, bài viết về bốn tác phẩm: Tố Tâm, Lấy nhau vì

tình, Bướm trắng, Sống mòn, chúng tôi nhận thấy cho đến nay, việc xác định dạng

(kiểu) cho bốn tiểu thuyết tâm lý nói trên cũng như cho tiểu thuyết tâm lý trong văn học Việt Nam nói chung trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX vẫn chưa được đặt ra Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhiều gía trị đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật miêu tả tâm lý của các tác phẩm nói trên đã được khám phá và khẳng định

ngày càng sâu sắc, ngày càng phong phú Trong việc xác định dạng (kiểu) tiểu

thuyết tâm lý của từng tác phẩm, chúng tôi coi những khám phá và những sự khẳng định đó có ý nghĩa gợi ý, chỉ dẫn và định hướng quan trọng

3 GIỚI HẠN ĐỀ TÀI, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU, PHƯƠNG PHÁP

NGHIÊN CỨU VÀ ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

3.1 Giới hạn đề tài

Trang 19

3.1.1 Đề tài luận án là Những dạng cơ bản của tiểu thuyết tâm lý trong văn học Việt

Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 (qua Tố Tâm, Lấy nhau vì tình, Bướm trắng,

Sống mòn) Vì vậy, luận án sẽ chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu là tiểu thuyết tâm lý

trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945

3.1.2 Do giới hạn trong khuôn khổ của một bản luận án và nhất là để tập trung cho

việc xác định các dạng cơ bản của tiểu thuyết tâm lý, đối tượng khảo sát chủ yếu của luận án là bốn tiểu thuyết: Tố Tâm (1922) của Hoàng Ngọc Phách, Lấy nhau vì

tình (1937) của Vũ Trọng Phụng, Bướm trắng (1939) của Nhất Linh, Sống mòn

(1944) của Nam Cao Chúng tôi chọn khảo sát chủ yếu vào bốn tiểu thuyết trên vì cho rằng đây là bốn tác phẩm tiêu biểu nhất cho bốn dạng cơ bản của tiểu thuyết tâm lý trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX; mỗi tác phẩm là sự kết tinh nghệ thuật cho mỗi dạng, là sự thể hiện tập trung nhất, rõ nét nhất đặc điểm của từng dạng (từ đặc điểm về mô hình con người, nội dung tâm lý được thể hiện trong tác phẩm, đến đặc điểm về phương thức, phương tiện nghệ thuật miêu tả tâm lý)

Ngoài bốn tác phẩm Tố Tâm, Lấy nhau vì tình, Bướm trắng, Sống mòn, đối

tượng nghiên cứu của luận án, ở một mức độ nhất định, còn được mở rộng đến một

số tiểu thuyết tâm lý hiện đại ra đời từ đầu thế kỷ XX Nếu có đề cập đến truyện ngắn thì chẳng qua chỉ là để so sánh, đối chiếu

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Trên cơ sở nhiệm vụ chung là tìm hiểu các dạng cơ bản của tiểu thuyết tâm

lý ở Việt Nam trong cả một giai đoạn văn học, chúng tôi xác định các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể của luận án là:

3.2.1 Chỉ ra những tiền đề chủ yếu và quá trình phát triển của tiểu thuyết tâm lý

Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945

3.2.2 Tiến hành xác định các dạng tiểu thuyết tâm lý ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ

XX thông qua khảo sát bốn tiểu thuyết tâm lý tiêu biểu (Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Lấy nhau vì tình của Vũ Trọng Phụng, Bướm trắng của Nhất Linh, Sống

mòn của Nam Cao) và những tác phẩm cùng loại

3.2.3 Khẳng định những thành công, chỉ ra những hạn chế và làm rõ đặc điểm của

từng dạng trên cơ sở khảo sát bốn tiểu thuyết tiêu biểu nói trên, góp phần soi sáng

Trang 20

sự vận động của tiểu thuyết tâm lý giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến 1945 nói riêng, của văn học dân tộc nói chung trong quá trình hiện đại hoá

3.3 Phương pháp nghiên cứu

3.3.1 Nhiệm vụ chủ yếu của luận án là nghiên cứu tiểu thuyết tâm lý về phương

diện loại hình nên phương pháp được đề lên hàng đầu tất nhiên phải là phương pháp

loại hình - một phương pháp vừa có ưu thế trong việc khám phá ra “tính cộng đồng

nhất định về văn học - thẩm mỹ” của các hiện tượng văn học phong phú, vừa có ưu thế đặc biệt trong việc xác định “một hiện tượng nhất định thuộc về một kiểu, một loại hình nhất định” [65, tr.338]

3.3.2 Tiểu thuyết tâm lý vừa là một hiện tượng loại hình, vừa là một hiện tượng lịch

sử Vì vậy, đồng thời với việc vận dụng phương pháp loại hình, luận án còn rất chú trọng vận dụng phương pháp lô gích - lịch sử Đây là phương pháp vừa giúp nhận ra

mối liên hệ giữa các dạng tiểu thuyết tâm lý với nhau, vừa cho thấy tiểu thuyết tâm

lý đã thể hiện những bước tiến quan trọng của nó như thế nào

3.3.3 Ngoài ra, luận án còn kết hợp sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác,

như: phương pháp hệ thống - cấu trúc, phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp thống kê - phân loại, phương pháp so sánh, v.v

3.4 Đóng góp mới

3.4.1 Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách khá hệ thống và toàn diện

tiểu thuyết tâm lý trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX từ góc độ loại hình,

khảo sát những dạng cơ bản của nó và chỉ ra rằng dù rất phong phú và đa dạng,

nhưng có thể khái quát thành bốn dạng (kiểu) tồn tại chủ yếu: (1) Tiểu thuyết tâm lý

tình cảm, tiêu biểu là Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách); (2) Tiểu thuyết tâm lý bản năng, tiêu biểu là Lấy nhau vì tình (Vũ Trọng Phụng); (3) Tiểu thuyết tâm lý ý thức

cá nhân khép kín, tiêu biểu là Bướm trắng (Nhất Linh); (4) Tiểu thuyết tâm lý nhân cách, tiêu biểu là Sống mòn (Nam Cao)

3.4.2 Với cái nhìn loại hình, luận án mong muốn có những đóng góp nhất định

trong việc khảo sát tiểu thuyết tâm lý Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến

1945 từ góc độ thi pháp, xem tiểu thuyết tâm lý như những hình thức thể loại mang tính nội dung Theo hướng này, mỗi tiểu thuyết tâm lý là một chỉnh thể nghệ thuật

Trang 21

độc đáo, không lặp lại, đồng thời là một bộ phận không tách rời của một hệ thống

các tác phẩm cùng dạng Sự miêu tả tâm lý trong từng tác phẩm, vì vậy, không phải

được xem như những yếu tố hình thức thuần tuý, mà được xem như những yếu tố hình thức manh tính nội dung, mỗi một yếu tố riêng lẻ vừa mang những nét đặc sắc

nghệ thuật của riêng nó, vừa đại diện cho những đặc điểm chung của dạng Trên cơ

sở phân tích giá trị nghệ thuật của bốn tác phẩm tiêu biểu nói trên, luận án chỉ ra những đặc điểm, khẳng định những thành công, làm rõ những hạn chế của từng

dạng và mong muốn góp phần soi sáng sự vận động của tiểu thuyết tâm lý nói

riêng, của văn học dân tộc nói chung trong quá trình hiện đại hoá

4 KẾT CẤU LUẬN ÁN

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội dung gồm ba chương:

Chương I:

Những tiền đề chủ yếu và quá trình phát triển của tiểu thuyết tâm lý trong văn

học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945

Trang 22

1.1.1 Hoàn cảnh kinh tế - xã hội và văn hóa

Xã hội Việt Nam giai đoạn giao thời (1900 - 1930) là một xã hội đầy biến

động về tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,v.v Thực dân Pháp đã đặt xong ách đô hộ lên đất nước ta và biến chế độ phong kiến nước ta thành chế độ thực dân nửa phong kiến Nền kinh tế tự nhiên của Việt Nam vốn cơ bản là sản xuất phong kiến, giờ biến đổi theo hướng tư sản hóa và bị kéo vào quỹ đạo của chủ nghĩa

tư bản Giao lưu hàng hóa phát triển Giao thông được mở mang Nhiều tuyến đường bộ, đường thuỷ và cả đường hàng không được xây dựng mới, cùng với sự xuất hiện của điện tín, làm cho môi trường sống của con người về tất cả các mặt không còn khép kín trong mỗi làng, mà mở rộng, liên thông với mọi vùng trong cả nước và với cả nước ngoài Không còn bị bó hẹp trong không gian của làng quê, chợ quê, con người có thể đi đến nơi mình cần đến, liên hệ với người mình cần liên

hệ Chính sách bế quan toả cảng của triều đình phong kiến bị phá vỡ Hàng loạt các

đô thị được hình thành đông đúc khắp trong Nam ngoài Bắc Theo Đại cương Lịch

sử Việt Nam, chỉ trong vòng 8 năm, từ 1913 đến 1921, số dân Hà Nội tăng 10.000

người, số dân Sài Gòn tăng 33.000 người, số dân Hải Phòng tăng 40.000 người Cho đến năm 1928, thành phố Nam Định đã có 35.000 dân, thành phố Hải Phòng có 98.000 dân, Hà Nội có 130.000 dân, thành phố Huế có 41.600 dân, Sài Gòn có 125.000 dân, Chợ Lớn có 192.000 dân Vào năm 1920, số dân thành phố mới chỉ chiếm 3,6% dân số, nhưng đến năm 1930 đã lên tới từ 8% - 10%, cá biệt như ở Sài Gòn - Chợ Lớn, số dân thành phố chiếm tới 14% dân số [107, tr.235] Các đô thị

Trang 23

đông đúc không chỉ đẩy mạnh nền kinh tế hàng hóa, mà còn thúc đẩy sự ra đời của

con người cá nhân - nhân tố nội tại chi phối sự ra đời tiểu thuyết tâm lý

Những thay đổi cơ bản như thế về cơ cấu chính trị và kinh tế đã kéo theo cả

“một phen thay đổi sơn hà” trên lĩnh vực xã hội Quan hệ giai cấp vốn là quan hệ

nền tảng của xã hội bị xáo trộn Giai cấp phong kiến vẫn tồn tại nhưng đã mất quyền thống trị và không còn uy tín trước nhân dân Nho học lỗi thời Tầng lớp Nho

sĩ bị phân hóa Nho giáo thất bại hoàn toàn trước thử thách mới của lịch sử Xã hội hình thành các giai cấp, tầng lớp mới: giai cấp tư sản, giai cấp vô sản và các tầng lớp trung gian như dân nghèo thành thị, tiểu tư sản,v.v trong đó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ra đời của nền văn học mới nói chung và của tiểu thuyết

tâm lý nói riêng là sự xuất hiện các nhà Nho duy tân và tầng lớp trí thức Tây học Chịu ảnh hưởng từ các sách Tân thư của phái cải cách Trung Hoa của Khang Hữu

Vi (1857-1927) và Lương Khải Siêu (1873-1929),v.v nhiều nhà Nho Việt Nam

tỉnh ngộ, trở thành nhà Nho duy tân Đó là những người nhìn thấy sự yếu kém của

Nho giáo và có chủ trương học hỏi, tiếp thu các tư tưởng từ văn minh phương Tây

để canh tân đất nước Tầng lớp trí thức Tây học là những học sinh, sinh viên, viên

chức của bộ máy Nhà nước thực dân, những người tiếp thu sách báo phương Tây, lối sống và văn minh vật chất phương Tây, sức hấp dẫn của hình bóng con người cá nhân tự do của phương Tây và có những nhu cầu mới về văn hóa, lối sống và đạo

đức Theo Đại cương Lịch sử Việt Nam, vào năm 1929, nước ta ước tính có khoảng

12.000 giáo viên tiểu học và trung học, 328.000 học sinh tiểu học, 7.545 học sinh trung học, hàng trăm sinh viên các trường cao đẳng, 23.000 công chức đang làm việc trong các công sở [107, tr.234] Đây chính là lực lượng tác giả mới và công chúng văn học mới có tác động trực tiếp đến công cuộc hiện đại hóa văn học nước nhà nói chung và sự ra đời tiểu thuyết tâm lý nói riêng

Đời sống văn hóa cũng có những biến đổi to lớn Chữ Hán bị thay thế bằng

chữ Quốc ngữ Các nhà in, các nhà xuất bản, báo chí và dịch thuật ra đời và phát triển mạnh Các trường học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp đua nhau mọc lên ở nhiều nơi Văn hóa Việt Nam, nhờ đó, được giao lưu rộng rãi và mạnh mẽ với văn hóa

Trang 24

phương Tây, được văn hóa phương Tây thổi vào những luồng gió mới, làm lung lay, rung chuyển những khuôn thước và giá trị cũ, làm đổ vỡ và thay đổi những quan hệ xã hội vốn được hình thành từ bao đời và vốn được coi là nền tảng vững chắc cho sự tồn tại của xã hội Cuộc sống tràn ra ngoài khuôn khổ luân thường chật hẹp, trở thành cuộc sống phức tạp và sôi động với những liên hệ giữa các cá nhân với nhau Đời sống tinh thần của con người Việt Nam bấy lâu khép kín trong sách

vở và chữ nghĩa thánh hiền, trong quan hệ họ hàng và làng xã, giờ bị xáo động Văn minh và lối sống vật chất phương Tây, kinh tế hàng hóa và cuộc sống nơi thành thị đông đúc, đua chen đã gây cho con người bao tâm lý mới Sự hưởng thụ thú vui vật chất được coi là quyền lợi tự nhiên Cái ngon, cái đẹp, cái tiện lợi trở thành có sức hấp dẫn Người ta cần hưởng thụ, cần tiền Người ta phải tự ý thức, phải sống, mơ ước, suy nghĩ và tính toán cho riêng mình, phải vật lộn trong những quan hệ lạnh lùng theo lối trả tiền ngay “Những cái lố lăng do chủ nghĩa thực dân đưa vào nước

ta xúc phạm một cách trắng trợn những truyền thống dân tộc lành mạnh của người Việt Nam” [130, tr.225] “Quốc gia, gần hơn nữa, gia đình đối với một vài người, không còn là gì nữa Người ta cần phải sống cuộc đời riêng của người ta trước đã” [156, tr.414] Cả một hệ thống các quan niệm truyền thống của nhà Nho từ “tam cương”, “ngũ thường”, từ “xuất” và “xử” đến các quan niệm về lối sống, về đạo đức, về ý thức thẩm mỹ, bị rơi vào khủng hoảng Con người không còn bị ràng buộc bởi trật tự thứ bậc trong quan hệ họ hàng và trong những phong tục, luật lệ của làng xã, mà ít nhiều đã có quyền tự do của đời sống thành thị tư sản, được thành thị

hóa, tiểu tư sản hóa và dần dần trở thành con người cá nhân Mô hình con người

đạo lý theo quan niệm truyền thống của nhà Nho bị phá sản, mở đường cho sự xuất

hiện mô hình con người mới: con người cá nhân Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng

to lớn, vì con người cá nhân là nhân tố nội tại chi phối sự ra đời của tiểu thuyết tâm

1.1.2 Con người cá nhân và sự ra đời tiểu thuyết tâm lý

Khái niệm tiểu thuyết tâm lý mà luận án sử dụng không chỉ: “bao gồm tiểu

thuyết - tự truyện, tiểu thuyết - tự thú, tiểu thuyết - nhật ký, tiểu thuyết bằng thư và

Trang 25

các biến thể của tiểu thuyết phân tích” [25, tr.230], mà bao gồm những tác phẩm tự sự: (1) có quy mô lớn; (2) thể hiện cuộc sống từ cái nhìn đời tư; (3) xoá bỏ khoảng cách sử thi để thể hiện cuộc sống như một thực tại đang tiếp diễn nhằm xây dựng một thế giới hình tượng đầy mâu thuẫn, với “mọi yếu tố ngổn ngang bề bộn của cuộc đời” [43, tr.224]; và (4) coi những trạng thái, quá trình tâm lý là đối tượng trực tiếp của sự chiếm lĩnh nghệ thuật Đó là một đời sống tâm lý “đang tiếp diễn” của con người cá nhân cá thể, được thể hiện như một tập hợp những yếu tố đối lập nhau, không ngừng mâu thuẫn với nhau Các biện pháp nghệ thuật khác như: giới thiệu nhân vật, xây dựng cốt truyện, đối thoại, độc thoại,v.v đều hướng vào mục đích là thể hiện tâm lý Mọi vấn đề của tác phẩm chủ yếu được giải quyết qua tâm lý

Tiểu thuyết tâm lý, như vậy là thuộc phạm trù tiểu thuyết hiện đại Nó khác

tiểu thuyết trong văn học truyền thống không chỉ ở sự chi phối của quan điểm mỹ học phương Tây, mà còn ở điểm cơ bản: gắn liền với con người cá nhân, do con người cá nhân chi phối

Thời trung đại, con người “không ý thức bản thân mình như một cá tính tự trị” mà “thuộc về chỉnh thể và phải thực hiện cái vai trò được trao cho nó trong

khuôn khổ của chỉnh thể” [40, tr.326]; “chưa tồn tại tự nó và cho nó mà bị lệ thuộc

vào cộng đồng”; “không được đánh giá, xác định chủ yếu ở phẩm chất cá nhân của riêng nó mà ở địa vị, đẳng cấp của gia tộc, tập đoàn” [144, tr.164] Con người đó chỉ là “một nhân cách đẳng cấp” [40, tr.324], là “con người siêu cá thể” [144, tr.164], “con người vũ trụ, tự nhiên và tâm linh” [151, tr.434] Nó chỉ là “một bộ phận của đẳng cấp, gia tộc, bị đồng nhất trực tiếp vào cộng đồng, tự cảm thấy các thuộc tính của cộng đồng ấy như là thuộc tính tự nhiên của chính mình” [92, tr.175]

Do những đặc điểm đó, tâm lý, cá tính của con người bị khuất lấp và che giấu, sự khám phá đời sống nội tâm con người không được văn học quan tâm đúng mức Tâm lý con người không thể được coi là đối tượng trực tiếp của nghệ thuật Đối tượng trực tiếp đó chỉ có thể là những lý tưởng, những khuôn mẫu, quy ước chung,

mà con người và tâm lý của nó, nếu có, chỉ là phương tiện thể hiện mà thôi Truyện

Kiều của Nguyễn Du sở dĩ được coi là “kiệt tác trong loại tiểu thuyết tâm lý ở Việt

Trang 26

Nam” [150, tr.336] với những trang phân tích tâm lý đạt đến trình độ “phân tích tâm

lý hiện đại” [88, tr.139], vì nó xuất hiện khi ý thức cá nhân bắt đầu thức tỉnh trước

sự khủng hoảng sâu sắc của ý thức hệ và tư tưởng mỹ học phong kiến Nhưng

Truyện Kiều chỉ là một hiện tượng đơn lẻ, là dấu hiệu đi trước thời đại của một cá

nhân xuất sắc và nó vẫn không thể trở thành tiểu thuyết tâm lý hiện đại, vì con

người trong Truyện Kiều, vẫn chỉ là “con người cá nhân phổ biến” Trong Những

thế giới nghệ thuật thơ, khi coi Truyện Kiều “là một loại truyện tâm lý độc đáo”,

nhà nghiên cứu Trần Đình Sử vẫn không quên chỉ ra những hạn chế của Nguyễn Du

và xem xét sự phân tích tâm lý của tác phẩm trong “giới hạn của thể loại truyện thơ” Ông viết: “Trong giới hạn của thể loại truyện thơ, Nguyễn Du tạo điều kiện cho nhân vật được bộc lộ đầy đủ tâm trạng của nó như là những con người cá nhân phổ biến” [150, tr.345]

Đến đầu thế kỷ XX, sự đổi thay dữ dội đời sống kinh tế – xã hội do công

cuộc tư sản hóa của thực dân Pháp gây ra đã làm cho con người cá nhân dần xuất hiện Khi con người cá nhân xuất hiện như một hiện tượng tất yếu và phổ biến trong đời sống sẽ tạo ra cho văn học một đối tượng miêu tả mới, công chúng văn học mới,

và kiểu tác giả mới Đó là những nhân tố quyết định sự thay đổi quan điểm thẩm

mỹ, đổi mới hệ thống thể loại, chuyển hướng đề tài và cảm hứng nghệ thuật, hướng

văn học vào miêu tả sự phong phú, phức tạp của đời sống cá nhân cá thể và thôi

thúc sự kế thừa khuynh hướng hướng nội vốn có của văn học cổ - trung đại, thôi thúc sự tiếp thu ảnh hưởng của tiểu thuyết nước ngoài

Theo quan điểm mỹ học Nho gia, Văn là biểu hiện của Đạo được dùng để truyền đạt đạo lý thánh hiền, đem gương sáng đạo đức để giáo hóa Nhà văn không quan tâm nhiều đến quan sát, phân tích và mô tả con người thực, cuộc sống thực, không nói tiếng nói của cái “tôi” riêng tư, mà quan tâm hàng đầu đến Đạo Lý, tức là

sự hài hòa của trật tự theo đạo đức cương thường và nói tiếng nói của cương thường

đạo lý Khi các quan hệ luân thường bị phá vỡ, công chúng văn học là con người cá

nhân không thể thoả mãn với những lời giáo huấn về đạo lý cương thường thông qua những tấm gương đạo đức có tính khuôn mẫu đơn điệu, mà có nhu cầu hiểu biết

Trang 27

cuộc sống với tất cả những tình tiết bề bộn, ngổn ngang của cuộc đời, với những cảnh ngộ, số phận của những con người cụ thể đang biến đổi trong cuộc sống bình

thường, thế tục Người sáng tác có thể ngay từ đầu chưa ý thức tự giác được ngay

những quan niệm văn học mới, nhưng đứng trước đối tượng miêu tả mới và thị hiếu của công chúng văn học mới, lý tưởng thẩm mỹ và quan niệm văn học của anh ta cũng phải khác trước Anh ta trọng sự thực hơn đạo lý, trọng nhận thức, khám phá

và mô tả hơn nêu những tấm gương có sẵn, trọng tìm kiếm, sáng tạo cái đẹp trong cuộc đời hơn giáo huấn, truyền đạt cái đẹp theo những khuôn mẫu có sẵn Hướng về thể hiện cuộc sống con người cá nhân, hệ thống đề tài, nhân vật và cảm hứng nghệ thuật cũng thay đổi, từ đề tài tài tử - giai nhân chuyển sang đề tài thế sự, đời tư, từ

nhân vật đấng, bậc chuyển sang những con người dung dị đời thường,v.v Thể loại

tiểu thuyết vốn bị coi là thuộc loại hạ đẳng hơn hẳn so với các thể loại văn học chức năng như: chính kinh, liệt truyện, ngôn chí, thuật hoài, giờ được quan tâm đặc biệt Văn không gắn với triết, với sử theo kiểu “bất phân” mà được coi là một nghệ thuật Khi Ngô Đức Kế, một Tiến sĩ Nho học nhận thấy chỗ yếu của văn học nhà nho:

“Văn học cũ chỉ tả được những cảnh cầu sương, điếm nguyệt, mục thụ, tiều phu, mà không lấy gì cho lạ tai, mới mắt, thêm tri thức, thêm học vấn” [89, tr.156] và Nguyễn Bá Học coi thơ, phú, lục của nhà nho là “tô điểm sai cả cảnh thực”, “dù hay cho quỷ khốc thần kinh cũng không đáng giá một đồng tiền kẽm” [58, tr.285],v.v thì cũng có nghĩa là tiểu thuyết Việt Nam đang cấp bách đòi được thoát khỏi sự trì trệ của nền văn học cũ để đi theo hướng nền văn học hiện đại Sự ra đời

của hàng loạt tiểu thuyết tiếp sau Truyện thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản như: Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Chánh Chiếu; Ai làm

được (1912) của Hồ Biểu Chánh; Cành hoa điểm tuyết (1921) của Đặng Trần

Phất;v.v đã cho thấy điều đó

Tuy nhiên, trong các sáng tác trên, ta vẫn chưa thấy xuất hiện tiểu thuyết tâm

lý vì cơ sở tư tưởng của nó là con người cá nhân vẫn chưa đủ sức trưởng thành Trong các tiểu thuyết đó, nhân vật đã là con người Việt Nam có tiểu sử, số phận, hoàn cảnh riêng, có đời sống tâm lý, tính cách riêng, nhưng mỗi con người lại đều

Trang 28

chỉ là đại diện cho đạo đức của giai cấp, tầng lớp của mình Chi phối nhân vật là cái nhìn hướng về phía đạo đức xã hội, chứ không phải hướng vào tính cách, cá tính,

nội tâm Con người thực chất vẫn chỉ là con người theo truyền thống đạo lý phương Đông, chưa đạt đến trình độ cái “Tôi” cá thể Những thay đổi về kinh tế - xã hội có làm thay đổi ít nhiều nội dung tâm lý mà con người đó phục tùng và thể hiện, nhưng cơ bản đó vẫn là con người đạo lý

Đến Tản Đà, con người cá nhân mới phát triển thành cái “Tôi” cá thể Tản

Đà “lấy mình làm đề tài, viết tự truyện về đời mình, nói những tâm tư, tình cảm của mình, những mộng mị của mình, viết thư cho người yêu trong mộng của mình, làm thơ cho những bạn có thật của mình, kể những nơi mình đã du lịch, các thú ăn chơi mình đã lịch lãm,v.v ” và “đưa ra lừng lững hiện diện một cái sầu”, “đem hiện tượng của cái sầu đặt lên trang sách, tức là trước xã hội, đồng thời nói: “tôi” một cá

thể, cá nhân, sầu” [16, tr.18,21] Đó là cái sầu cá nhân, cá thể, sầu riêng có của Tản

Đà: “ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu Mưa dầm lá rụng mà sầu, một mình tịch mịch mà sầu, đông người cười nói mà càng sầu, nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu Sầu không có mối, chém sao cho dứt, sầu không có khối, đập sao cho tan” [16, tr.442] Cái “tôi” cá thể, cá nhân, sầu” đồng thời còn là cái “Tôi” cậy tài thất vọng, chán đời, ngông nghênh trong một kẻ đa tình

bị hắt hủi, luôn luôn cô đơn, luôn luôn khát khao tình cảm, trong một thằng Kiết muốn thoát khỏi cuộc đời để lên mây với Chiêu Quân, trong một con người cá nhân với những buồn vui, lo ăn, lo mặc, lo tiền hết sức đời thường, Xuân Diệu đã rất

đúng khi khẳng định rằng: “chủ nghĩa lãng mạn với cá thể individu đã bật nứt trong

văn học Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX bằng Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu” [16, tr.21, 23]

Nhưng đến Tản Đà, tiểu thuyết tâm lý vẫn chưa thể ra đời, vì Tản Đà vẫn chỉ

là nhà Nho, vẫn chỉ là kẻ tôn thờ học thuyết Khổng tử, tôn thờ đạo lý, luân thường theo nền nếp phong kiến, coi việc bảo vệ đạo lý gia đình phong kiến là việc thiêng liêng Cái “Tôi” cá nhân trong các sáng tác của ông cơ bản vẫn là cái “Tôi” của các nhà Nho tài tử, cho dù ông có là “nhà Nho tài tử trong xã hội tư sản” [57, tr.540]

Trang 29

Con người cá nhân cá thể trong các sáng tác của Tản Đà, đúng như nhận xét của

Xuân Diệu, chỉ là mới “bật nứt”, còn đầy bỡ ngỡ, non yếu và vẫn bị ràng buộc, bị

chi phối bởi con người đạo lý chính thống Bởi thế mà Tản Đà chỉ có thể diễn tả cái

tâm tình man mác - vốn được coi là sở trường của ông - mà không thể (hay là chưa thể) diễn tả cái tâm lý phong phú, phức tạp, đầy bí mật của tâm hồn Ở Tản Đà, cái thế giới tâm lý phong phú, phức tạp, đầy bí mật của tâm hồn đó chưa thể được coi là đối tượng trực tiếp của nghệ thuật

Tiểu thuyết tâm lý chỉ ra đời khi con người cá nhân phát triển thành con

người cá nhân tư sản Vì sao vậy? Vì con người cá nhân tư sản là cái “tôi” tự nó và cho nó Khi con người là cái “Tôi” tự nó và cho nó thì văn học tất yếu không thể

hướng vào việc truyền tải đạo lý thánh hiền, hay miêu tả những phẩm chất đạo đức

xã hội của giai cấp phong kiến, mà phải thay đổi để hướng cái nhìn vào bên trong

con người tự nó và cho nó, nói cái mà con người tự nó và cho nó cần và miêu tả cái

mà con người tự nó và cho nó có Đó là sứ mệnh mà các tiểu thuyết khác lúc đương

thời không đảm đương nổi, kể cả các tiểu thuyết của Tản Đà Sứ mệnh ấy chỉ có thể

thực hiện được ở Tố Tâm, một tiểu thuyết dựa trên cơ sở tư tưởng là con người cá nhân tư sản, với đối tượng miêu tả mới là con người cá nhân tư sản và kiểu tác giả

mới là kiểu tác giả cá nhân tư sản

Điểm khác biệt quan trọng giữa Hoàng Ngọc Phách với các nhà văn cùng

thời, kể cả Tản Đà, chính là ở chỗ: Hoàng Ngọc Phách là hiện thân của một kiểu tác

giả mới: kiểu tác giả cá nhân tư sản Là một trong số ít trí thức Tây học được đào

tạo có hệ thống nhất vào thời kỳ bấy giờ, Hoàng Ngọc Phách đã “xây đắp tư tưởng với những tài liệu nhặt trong văn chương Pháp”, đã “đọc rất nhiều sách của các văn nhân và thi nhân Pháp” [156, tr.190] Truyền thống Nho giáo mà Tản Đà được truyền thụ vốn chỉ chú trọng noi gương, thuộc lòng, rập khuôn “Những tài liệu” mà Hoàng Ngọc Phách “nhặt” được trong văn hóa Pháp lại truyền cho ông óc phê phán

và phân tích Truyền thống Nho giáo tạo nên kiểu tác giả nhà nho Văn hóa phương Tây tạo nên kiểu tác giả cá nhân tư sản Bởi thế, quan niệm văn học coi tâm lý là đối tượng trực tiếp của nghệ thuật, và khả năng phân tích, diễn tả cái thế giới tâm lý

Trang 30

phong phú, phức tạp của con người tự nó và cho nó không thể có ở Tản Đà, mà chỉ

có ở Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách Chỉ với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, đối

tượng miêu tả mới của văn học là con người cá nhân tư sản mới thực sự chi phối tác giả trong sự sáng tạo nghệ thuật, và do đó, mới thực sự chi phối thế giới hình tượng nghệ thuật của tác phẩm Trong Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, con người cá nhân

cá thể mặc dù cuối cùng vẫn vâng mệnh theo chữ Hiếu và Tín của lễ giáo phong

kiến, nhưng đã rất rõ là con người cá nhân tư sản Lần đầu tiên, với tiểu thuyết Tố

Tâm, con người biết tự ý thức về mình cao hơn hẳn so với tự nhiên, biết đề cao vẻ

đẹp của thân thể tự nhiên và có thể yêu chỉ “bởi tâm tình tự nhiên”, có thể chủ động nói trước với người mình yêu một cách thẳng thắn, trung thực và mạnh dạn, rằng:

“Em biết yêu là yêu”, “Em đã đem lòng yêu anh thì em cứ biết yêu anh” Lần đầu

tiên, với tiểu thuyết Tố Tâm, mâu thuẫn giữa con người cá nhân với xã hội là mâu

thuẫn không thể điều hòa được, để đến kết cục là con người cá nhân phải gánh chịu thất bại, đau thương Tố Tâm phải chết và Đạm Thuỷ phải mang mãi vết thương lòng, nhưng người đọc không lấy đó làm bài học răn đời như ý muốn của tác giả,

mà chỉ thấy “Chỗ hèn kém của luân lý nước nhà” [13, tr.519] Với Tố Tâm, con

người cá nhân dù “chưa đủ sức tách ra khỏi hệ thống cũ mà nó đã sinh ra, thậm chí

nó quay lại thoả hiệp với hệ thống đó” [58, tr.324], nhưng bằng nỗi khát khao đòi giải phóng tình cảm, đòi tự do yêu đương, bằng nỗi đau khi hạnh phúc cá nhân bị tan vỡ, chia lìa và bằng mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa tình cảm của con

người cá nhân với lý trí của con người đạo lý, con người tâm lý cá nhân đã thực sự được đề cao hơn hẳn con người đạo lý của tập đoàn, giai cấp Với Tố Tâm, lần đầu tiên con người cá nhân cá thể được thể hiện rất rõ là con người cá nhân tư sản Nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Lý nói: “Tố Tâm là một chiến thắng của chủ nghĩa cá nhân tư sản” [127] Cao Thị Như Quỳnh và John Schafer cũng nói: “Tố Tâm xuất

hiện khi chủ nghĩa cá nhân tư bản chủ nghĩa đã nổi lên” [13, tr.644]

Như vậy là con người cá nhân phát triển đến đâu thì tiểu thuyết tâm lý được

hình thành đến đó Chỉ khi con người cá nhân phát triển thành con người cá nhân tư

Trang 31

sản, tiểu thuyết tâm lý mới thực sự được khai sinh - mà Tố Tâm của Hoàng Ngọc

Phách xứng đáng được coi là “quyển tâm lý tiểu thuyết đầu tiên” [156, tr.192]

Là một hiện tượng mới mẻ, đột xuất của văn học Việt Nam hiện đại, Tố Tâm

- cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của Việt Nam - còn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ

các tiểu thuyết tâm lý phương Tây Các nhà nghiên cứu đã đưa ra đến 10 cuốn tiểu

thuyết Tây Âu mà theo họ, “ít hay nhiều Tố Tâm là hình bóng”, chưa kể đến Tuyết

hồng lệ sử của Từ Trẩm Á so với Tố Tâm “có những điểm giống nhau nổi bật” [13,

tr.135, 650] John Schaffer và Thế Uyên nhận xét: “Tố Tâm xuất hiện như một quả bom rớt quá mạnh mà không gì báo trước” Trần Đình Hượu quả quyết: “Văn học

mới (thơ, kịch, tiểu thuyết như một hệ thống thể loại) hình thành ở Việt Nam đầu thế kỷ không phải do sự vận động nội tại, tự thân của văn học Việt Nam, vốn là nền

văn học theo truyền thống phương Đông Nó là vật ngoại lai (Tôi nhấn mạnh -

Đ.Đ.D) cần trải qua một quá trình dân tộc hóa, trở thành cái bản địa” [57, tr.537] Khái niệm “văn học mới” mà nhà nghiên cứu nói ở đây dĩ nhiên bao hàm cả tiểu thuyết tâm lý Như vậy, phải chăng là sự ra đời của tiểu thuyết tâm lý Việt Nam

cũng chỉ là một sản phẩm nhập ngoại, chỉ là “một vật ngoại lai”, mà không phải do những nguyên nhân nội sinh, không phải do sự vận động nội tại, tự thân của văn

học Việt Nam?

1.1.3 Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX và sự ra đời tiểu thuyết tâm lý

Nguyên nhân nội sinh của sự ra đời tiểu thuyết tâm lý xuất hiện ngay từ

trong văn học thời trung đại, bởi vì con người cá nhân - nhân tố nội tại chi phối sự

ra đời của tiểu thuyết tâm lý, tuy đến Tố Tâm mới trở thành con người cá nhân tư sản, nhưng thực ra, đã vốn manh nha với con người cô đơn, cô độc trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, con người đầy bản lĩnh với những ngang tàng phá phách, những

nhu cầu bản năng trong thơ Hồ Xuân Hương, con người hành lạc phóng túng của

Nguyễn Công Trứ, con người với chí khí to lớn, nhân cách phi thường của Cao Bá Quát,v.v Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, con người cá nhân đó hiện ra với Hồ Tôn Hiến, với Hoạn Thư, và đặc biệt với Thuý Kiều, khi thì hối tiếc: Nhị đào thà

bẻ cho người tình chung, khi thì tham lam một cách thật cá nhân, ích kỷ: Lễ nhiều

Trang 32

lời ngọt dễ xiêu, khi thì run sợ, hãi hùng: Nghe thôi kinh hãi xiết đâu/ Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời Cùng với những con người ngày càng được biểu hiện

như những cá nhân, với “một quá trình tự ý thức chậm chạp, lâu dài nhưng mạnh mẽ” [92, tr.194] đó, nhiều yếu tố về thể loại của tiểu thuyết tâm lý cũng đã được chuẩn bị ngay từ thời trung đại Đó là những nhận xét sắc sảo về cá tính, về tâm lý của nhiều nhân vật và lối kể chuyện không theo trình tự thời gian để ngược dòng về

quá khứ theo hồi ức của Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái); là những lời

than - một hình thức độc thoại nội tâm - cất lên từ khát vọng sâu kín về hạnh phúc

tự nhiên, thường ngày của con người trong Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn) và

Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều); là thiên tự truyện về mối tình đầy bi kịch của

Phạm Thái trong Sơ kính tân trang; và đặc biệt, là sự phân tích tâm lý đạt đến đỉnh cao trong Truyện Kiều của Nguyễn Du;v.v

Là một trí thức Tây học, dĩ nhiên Hoàng Ngọc Phách chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây rất mạnh mẽ Nhưng, truyền thống gia đình và vốn Nho học thu lượm được từ buổi thiếu thời đã tạo cho ông “một cái cốt Nho học” [156, tr.190] Ông không phải là người “cắt đứt thẳng thừng với cổ truyền” [13, tr.557] như Trần Đình Ý đã nhận xét Ý thức nghệ thuật tự giác chi phối ngòi bút của

Hoàng Ngọc Phách khi sáng tạo Tố Tâm là: “Văn chương ta có một tinh thần riêng,

cần phải giữ tinh thần ấy” [156, tr.196] Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi mở

đầu tiểu thuyết Tố Tâm, nhà văn đã để cho nhân vật người kể chuyện trong tác

phẩm nhắc đến các tiểu thuyết tài tử - giai nhân trong văn học truyền thống: “Phàm

những chuyện hay phần nhiều chỉ bởi ái tình cả Kim Vân Kiều, Tây Sương ký, Trà

hoa nữ, Lục Vân Tiên, Mai nương lệ cốt, có tiếng là truyện hay, chẳng qua là một

pho tình sử, chép nhặt lấy lúc tan lúc hợp, cái vui cái buồn, cái yêu cái ghét của loài người mà thôi” Cũng không phải ngẫu nhiên mà cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là cảm hứng về cái “Bi” gắn liền với đôi trai tài gái sắc khát khao tình yêu đôi lứa, hạnh phúc cá nhân nhưng gặp nhiều trắc trở Và, chắc cũng không phải ngẫu nhiên

mà nhân vật trong tác phẩm vừa sống hết mình cho tình yêu, vừa vẫn biết cân nhắc

“bên tình bên hiếu” theo đạo lý truyền thống, vừa khao khát hạnh phúc cá nhân và

Trang 33

rất nhạy cảm, vừa rất e ấp, kín đáo Đó là những dấu hiệu nghệ thuật cho thấy mối

liên hệ máu thịt giữa Tố Tâm với văn học truyền thống

Nhưng, văn học truyền thống của ta căn bản là văn vần, được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, lại chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, bị chi phối nhiều bởi quan niệm Nho giáo Nó tạo những tiền đề thẩm mỹ - tư tưởng vô cùng quan trọng nhưng không thể tự cách tân dần dần để chuyển biến thành tiểu thuyết tâm lý hiện

đại Phải trải qua cả một quá trình tìm đường trong suốt hơn 30 năm kể từ Truyện

thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản, tiểu thuyết tâm lý Tố Tâm

(1922) của Hoàng Ngọc Phách mới có thể ra đời Quá trình tìm đường này rất khó khăn và lâu dài vì thực chất, nó là quá trình hiện đại hoá ý thức nghệ thuật của nhà văn - những người vốn quen thân với văn học truyền thống, lại chưa thật sự nắm vững chữ quốc ngữ Sự tiếp xúc với văn hóa và văn học hiện đại phương Tây, chủ yếu là văn hoá, văn học Pháp có vai trò hết sức quan trọng giúp cho công chúng và nhà văn nhanh chóng am hiểu những vấn đề đương thời của văn học hiện đại, nhận

ra chỗ yếu của văn học cũ, hình thành quan niệm văn học mới, đặc biệt là hình thành ý thức tự giác về thể loại

Ngay trong Truyện thầy Lazaro Phiền - tác phẩm đánh dấu bước chuyển

sang tiểu thuyết phương Tây của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam, Nguyễn Trọng Quản

đã có ý thức đổi mới kỹ thuật viết văn xuôi nghệ thuật với chủ trương sử dụng tiếng

thường mọi người hằng nói: “Tôi một có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng

nói, mà làm ra một truyện” và hướng ngòi bút vào truyện đời nay là sự thường có

trước mắt ta luôn: “Đã biết rằng xưa nay dân ta chẳng thiếu chi thơ, văn, phú,

truyện nói về những đấng anh hùng hào kiệt, những tay tài cao trí cả rồi đó, mà những đấng ấy thuộc về đời xưa chớ đời nay chẳng còn nữa Bởi đó, tôi mới dám bày đặt một truyện đời nay là sự thường có trước mắt ta luôn” [82, tr.535] Với một loạt các yếu tố nghệ thuật gắn liền với sự thể hiện tâm lý như: ngôn ngữ được sử dụng là ngôn ngữ đời thường; nội dung truyện là lời thú tội của nhân vật chính; người thuật truyện ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi”; nhân vật được đặt vào những tình huống đối lập và được xét tâm lý thông qua mâu thuẫn; kết thúc truyện không có

Trang 34

hậu như trong tiểu thuyết truyền thống mà bằng cái chết do đau khổ;v.v Truyện

thầy Lazaro Phiền xứng đáng được coi là “theo truyền thống phân tích tâm lý Pháp”

[89, tr.152] và do đó, tuy không gây được tiếng vang trong công chúng đương thời

nhưng chắc chắn có ảnh hưởng ít nhiều đến Hoàng Ngọc Phách khi ông viết Tố

Tâm

Không chỉ có Truyện thầy Lazaro Phiền (1987), trước khi Tố Tâm (1922) ra

đời, văn xuôi quốc ngữ Việt Nam còn có nhiều tác phẩm khác cũng đi theo xu

hướng hiện đại, như: Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Chánh Chiếu; Ai làm

được (1912) của Hồ Biểu Chánh; Cành hoa điểm tuyết (1921) của Đặng Trần Phất;

truyện ngắn Sống chết mặc bay (1918), Câu chuyện thương tâm (1919), của Phạm Duy Tốn; Chuyện cô Chiêu Nhì (1921), Câu chuyện một tối của người tân hôn

(1921) của Nguyễn Bá Học;v.v Các sáng tác này cũng có nhiều yếu tố của tiểu thuyết hiện đại, như: đối tượng miêu tả là cuộc đời thực tế trước mắt của những con

người bình thường, không phải của thời xa xưa như ở truyền thống Truyền kỳ mạn

lục, truyện Nôm; kết cấu và cốt truyện không theo lối của tiểu thuyết chương hồi;

ngôn ngữ đối thoại được chú ý sử dụng đan xen với miêu tả; tâm lý nhân vật được chú trọng thể hiện; nhiều phương thức, phương tiện nghệ thuật được sử dụng nhằm tạo thuận lợi cho sự thể hiện tâm lý;v.v Với một người “chuyên viết văn xuôi, hăng hái nghiên cứu tìm một lối để dung hòa hai văn hóa Đông Tây” [156, tr.188] như Hoàng Ngọc Phách, những tiểu thuyết đó chính là những bài học quý

Tuy nhiên, những tác phẩm này đều không vượt lên được khỏi hạn chế của tiểu thuyết truyền thống, không sửa chữa được nhược điểm nặng về mô tả hành động, sự kiện, Bài học do chúng cung cấp không đủ cho Hoàng Ngọc Phách hình thành ý thức tự giác về thể loại tiểu thuyết và tiểu thuyết tâm lý Để có thể thực hiện

mục đích của mình là “viết một quyển tiểu thuyết khác hẳn những tiểu thuyết đã

có” [156, tr.192], Hoàng Ngọc Phách vẫn cần phải “hăng hái nghiên cứu tìm một lối”

Giữa lúc đó, Bàn về tiểu thuyết (1921) của Phạm Quỳnh - chuyên luận đầu

tiên trình bày ý thức tự giác về thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam đã ra đời (đăng trên

Trang 35

Nam phong số 43) Ngay trong phần “giải nghĩa tiểu thuyết”, chuyên luận này đã

chỉ ra rằng miêu tả tâm lý là một trong những đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại:

“tiểu thuyết là một truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục

xã hội, hay là những sự lạ tích kỳ, đủ làm cho người đọc có hứng thú” [97, tr.10] Trong phần bàn về kết cấu của tiểu thuyết, Phạm Quỳnh không chỉ lưu ý: tiểu thuyết “là một truyện bịa đặt”, “phần cốt yếu trong phép làm tiểu thuyết là sự kết cấu”, “trước khi kết cấu phải lập ý”, “phải gây lấy cái hoàn cảnh để làm nơi trường

sở cho người hành động, cho việc trình bày”, “phải chọn lấy những cảnh ngộ nào là cảnh có ý nghĩa chung”, mà còn chỉ dẫn về nghệ thuật miêu tả tâm lý trong tiểu

thuyết, như: “phải căn cứ ở cái tính thông thường của loài người” để kết cấu các nhân vật, nhân vật “phải có sinh hoạt như người thường, cử động như người thật”, mỗi nhân vật phải “làm biểu hiện cho một tính cách riêng”, “phàm tả người phải tả

cả hình dung diện mạo, lại phải tả cả tư cách tính tình”,v.v Để thực hiện được

những yêu cầu đó, Phạm Quỳnh đòi hỏi nhà tiểu thuyết không những phải có tài văn

chương, có kinh lịch, có tài quan sát, mà còn “phải thuộc tâm lý người ta lắm Cái

cơ quan trong lòng người vận động làm sao, phản phúc thế nào, phải rõ tỏ như trên bàn tay, những tình u uẩn, ý tiềm tàng phải khám phá cho vỡ” [97, tr.12-22] Trong

phần “phô diễn” (tức là nghệ thuật trần thuật), Phạm Quỳnh lưu ý nhà tiểu thuyết

phải “biết khéo tham bác các lối tả cảnh tả tình”, tránh lối kể “toàn một giọng”, chú

ý “nói đến người nào, phải tả cái tình của người ấy ngụ trong lòng”, sử dụng ngôn ngữ đối thoại sao cho “người nào nói theo tính cách riêng của người ấy”, “mỗi câu nói là một nét bút tả cái tâm tính một người” [97, tr.23-25] Ông gọi tiểu thuyết tâm

lý là tiểu thuyết ngôn tình, và khẳng định: “trong tiểu thuyết ngôn tình, thì tình là

chủ động” Ông chỉ ra điểm khác biệt giữa tiểu thuyết ngôn tình với các tiểu thuyết

khác là ở “phép kết cấu” và “cách phô diễn” Theo ông, tiểu thuyết ngôn tình có hai

cách kết cấu: “một là tả một cuộc tình duyên từ lúc mới dan díu, qua lúc đương khăng khít, cho đến lúc sau giải tán, hay là quyết liệt ra làm sao; hai là đem cái ái

tình ra đối đãi với một cái nghĩa vụ hay là một cái tình cảm khác (tình cha mẹ, tình

vợ chồng, nghĩa gia tộc, nghĩa quốc gia,.v.v ) rồi tả hai bên xung đột nhau thế nào”

Trang 36

Về “cách phô diễn”, ông yêu cầu nhà tiểu thuyết ngôn tình phải “tả được hết những

khoé u uẩn trong lòng người, những vẻ ly kỳ của ái tình” [97, tr.26-30] Khi nói về

tiểu thuyết tả thực, ông yêu cầu phải chú ý miêu tả lòng tham của và tính hiếu danh:

“Lòng tham của, tính hiếu danh là hai cái động lực lớn trong xã hội” nên nhà tiểu thuyết tả thực phải “suy nguyên cho đến thâm căn, cho rõ rằng người ta ăn ở trên đời, dẫu vạn trạng thiên hình mà rút cục lại cũng là không qua một tấc dã man, là cái lòng hiếu danh tham của đó” Khi nói về tiểu thuyết truyền kỳ, ông lưu ý phải

chú trọng “kích thích cái trí tưởng tượng” và “đối phó với cái căn tính tự nhiên” của con người là lòng hiếu kỳ, vì “Lòng hiếu kỳ cũng là một căn tính của người ta” [97,

tr.33]

Những quan điểm, quan niệm trên là sự tiếp thu, vận dụng thành tựu của lý luận và sáng tác phương Tây hiện đại Tuy ra đời rất sớm ở Việt Nam nhưng nó đã nêu được những vấn đề khá cốt yếu, rất đáng tin cậy về đặc điểm thể loại của tiểu thuyết, trong đó, nghệ thuật miêu tả tâm lý được coi là một trong những đặc trưng

cơ bản nhất Hoàng Ngọc Phách là người “luôn luôn được trực tiếp với các bậc đàn

anh: cụ Vĩnh, cụ Quỳnh, cụ Tố” và lại “viết nhiều trong các báo chí, nhất là Nam

Phong” [156, tr.188, 192] Lý luận về tiểu thuyết và nghệ thuật thể hiện tâm lý

trong tiểu thuyết được trình bày trong chuyên luận của Phạm Quỳnh chắc chắn có

ảnh hưởng lớn, giúp ông có thể viết Tố Tâm với ý thức tự giác về thể loại: “Hồi ấy, tôi có mục đích viết một quyển tiểu thuyết khác hẳn những tiểu thuyết đã có, cả về

hình thức và tinh thần Về hình thức, chúng tôi xếp đặt theo những tiểu thuyết mới của Pháp, lối kể chuyện, tả cảnh, theo văn chương Pháp cả Về tinh thần, chúng tôi đem vào những tư tưởng mới, tâm lý nhân vật được phân tích theo phương pháp của những nhà tiểu thuyết có tiếng đương thời” [156, tr.192]

Như vậy, rõ ràng Tố Tâm không phải là “một vật ngoại lai”, “một sản phẩm

nhập ngoại” Hoàn cảnh kinh tế - xã hội và văn hóa, sự vận động nội tại của nhân tố con người cá nhân, cùng với sự vận động nội tại, tự thân của văn học Việt Nam đầu

thế kỷ XX (nội sinh) đã chứa đựng khả năng ra đời của tiểu thuyết tâm lý, mà ảnh

Trang 37

hưởng của tiểu thuyết tâm lý phương Tây (ngoại nhập) như một điều kiện cần thiết

giúp cho khả năng đó thành hiện thực

1.2 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TIỂU THUYẾT TÂM LÝ VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN 1945

1.2.1 Bức tranh toàn cảnh tiểu thuyết tâm lý Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1918 - 1929), thực dân Pháp thực hiện chính sách đàn áp dã man về chính trị, tăng cường bóc lột về kinh tế, đẩy mạnh việc nô dịch và truyền bá văn hóa, làm cho đất nước ta càng kiệt quệ, đời sống dân

ta rơi vào cảnh điêu đứng, khốn cùng Nếu như trước năm 1930, sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây mới chỉ là bắt đầu và mới chỉ có tác động đến một số trí thức Tây học, thì từ 1930 trở đi, nó trở thành nguồn ảnh hưởng chủ yếu nhất đến đời sống văn hóa tinh thần của xã hội ta Bên cạnh đội ngũ những học sinh người Việt Nam tốt nghiệp trong các trường Pháp - Việt, chúng ta có thêm những thanh niên du học ở Pháp đã trở về Họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn hóa Pháp và trở về với ham muốn “xây dựng lại cả Đông dương bằng những tảng đá chở từ Pháp về” [13, tr.587] Báo chí cũng phát triển mạnh hơn hẳn giai đoạn trước Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, quyền tự do báo chí được nới rộng Bên cạnh việc giới thiệu và dịch các tác phẩm văn học Trung quốc, văn học Pháp, văn học Nga,

và các quan điểm tư tưởng triết học của Bergson, Freud, Nietzche,v.v báo chí còn đăng tải các bài viết dạy thanh niên cách hưởng thụ cuộc đời, cách chinh phục phái đẹp, dạy phụ nữ cách cải tiến y phục, cách đánh phấn tô môi, đăng ảnh biểu dương các hoa khôi trong các kỳ thi sắc đẹp, đưa tin những vụ tự tử vì tình, những cảnh ăn chơi truỵ lạc, số liệu phụ nữ làm nghề mãi dâm và đăng tải những bài bàn luận về

chủ nghĩa cá nhân,v.v (Xin xem các báo Phong hóa, Ngày nay, Ích hữu, thời kỳ

này) Những thông tin, bài viết đó, một cách khách quan đã truyền vào Việt Nam thành tựu khoa học và tư tưởng mới của phương Tây, với cả hai mặt tích cực và tiêu

cực của nó, làm cho cái “Tôi” cá nhân cá thể được thức tỉnh, không “chơi vơi, man

mác, vô định” (Xuân Diệu) như Tản Đà, cũng không yếu đuối, bất lực như Tố Tâm

và Đạm Thuỷ, mà vượt ra ngoài phạm vi tình cảm cá nhân để tự ý thức về mình như

Trang 38

một cá thể tồn tại một cách độc lập tương đối trong các quan hệ xã hội, với tất cả cái xấu và cái đẹp, cao thượng và thấp hèn, nghĩa vụ và quyền lợi, tình cảm và tư tưởng, bản năng và ý thức,v.v của con người cá nhân Nó sẵn sàng đấu tranh với những trói buộc của gia đình và xã hội phong kiến để tự khẳng định mình Nó chứa chất “cái khát vọng nói rõ những điều tín niệm u uất, cái khát vọng được thành thực” [157, tr.53], chứa chất “khát vọng làm đầy trái tim, khát vọng sống đầy đủ

cuộc sống tinh thần” [62, tr19] Sự ra đời của cái “Tôi” cá nhân đã thức tỉnh như

vậy là cơ sở tư tưởng cho sự phát triển của tiểu thuyết tâm lý, đưa tiểu thuyết tâm lý đến trình độ khám phá thế giới bên trong con người ngày càng phong phú, ngày càng sâu sắc hơn, khiến cho tiểu thuyết tâm lý ngày càng phát triển cả về số lượng

và chất lượng, với nhiều tác giả có tài và nhiều tác phẩm có gía trị

Trong những năm trước 1930, tiểu thuyết Việt Nam chủ yếu là tiểu thuyết

lịch sử, với: Phan Bội Châu (Trùng Quang tâm sử), Đinh Gia Thuyết (Ngọn cờ vàng), Nguyễn Tử Siêu (Việt Thanh chiến sử, Trần Nguyên chiến kỷ ) và tiểu thuyết thế sự, với: Đặng Trần Phất (Cuộc tang thương, Cành hoa điểm tuyết), Trọng

Khiêm (Kim Anh lệ sử), Hồ Biểu Chánh (Cha con nghĩa nặng, Con nhà nghèo ) Tiểu thuyết hướng nội xuất hiện không nhiều, chỉ có vài tác phẩm như Giấc mộng

con (1916), Giấc mộng lớn (1929) của Tản Đà, Nho Phong (1926) của Nguyễn

Tường Tam và Tố Tâm (1922) của Hoàng Ngọc Phách Sự thể hiện tâm lý của các

nhà văn trong giai đoạn này chủ yếu dựa theo kinh nghiệm Nhận thức về tiểu

thuyết và tiểu thuyết tâm lý còn hết sức sơ khai và ấu trĩ Giấc mộng con, Giấc

mộng lớn chủ yếu là hai cuốn du ký, Nho phong chủ yếu vẫn theo tinh thần nệ cổ

Chỉ có Tố Tâm được coi là tiểu thuyết tâm lý

Kể từ sau 1930, trong nghiên cứu văn học cũng như trong sáng tác, nghệ thuật miêu tả tâm lý ngày càng được ý thức tự giác và tiểu thuyết tâm lý ngày càng phát triển Ngay sau khi Tự Lực văn đoàn ra đời, người đọc đã được đón nhận cuốn

tiểu thuyết tâm lý nổi tiếng của Khái Hưng: Hồn bướm mơ tiên (đăng Phong hóa năm 1932, NXB Đời nay xuất bản năm 1933) và tiếp theo là những Gánh hàng hoa (đăng Phong hóa năm 1933, NXB Đời nay xuất bản năm 1934), Đời mưa gió (đăng

Trang 39

Phong hóa năm 1934, NXB Đời nay xuất bản năm 1935) của Khái Hưng và Nhất

Linh, Nắng thu (1934) của Nhất Linh,v.v Cho đến cuối những năm 30, tiểu thuyết

tâm lý trở thành cả một khuynh hướng phổ biến trong văn học, với nhiều cây bút miêu tả tâm lý có tài và nhiều tác phẩm có giá trị lấy tâm lý làm đối tượng nhận thức trực tiếp của nghệ thuật

Khái Hưng và Nhất Linh là hai tác giả đi tiên phong trong lĩnh vực này Bên

cạnh những tiểu thuyết luận đề: Nửa chừng xuân (đăng Phong hóa năm 1933, NXB

Đời nay xuất bản năm 1934), Đoạn tuyệt (1934), Lạnh lùng (1936); tiểu thuyết lịch

sử: Tiêu sơn tráng sĩ (đăng Phong hóa năm 1934, NXB Đời nay xuất bản năm 1937), tiểu thuyết phong tục: Gia đình (đăng Ngày nay 1936, NXB Đời nay xuất bản năm 1937), Thừa tự (đăng Ngày nay năm 1938, NXB Đời nay xuất bản năm 1940), Thoát ly (1938) và rất nhiều truyện ngắn, kịch: Đợi chờ, Anh phải sống, Lời

nguyền, Nhung, Tối tăm, Hai buổi chiều vàng, Khái Hưng và Nhất Linh cho ra đời

liên tiếp những tiểu thuyết tâm lý như: Hạnh (đăng Ngày nay năm 1938, NXB Đời

nay xuất bản năm 1940), Đôi bạn (1939), Bướm trắng (1939), Đẹp (đăng Ngày nay

năm 1939 - 1940, NXB Đời nay xuất bản năm 1941), Thanh Đức (1943),

Thạch Lam vốn được đánh giá là nhà văn có biệt tài về truyện ngắn, nhưng sau một loạt những truyện ngắn thể hiện rất rõ sở trường của mình là “tả những tâm

trạng” (Nguyễn Tuân), nhà văn này liền cho ra đời tiểu thuyết tâm lý Ngày mới

(1939) Dù có bị chê là “xây dựng không được vững cho lắm” (Vũ Ngọc Phan) hay

“không thành công” (Nguyễn Tuân), nhưng tiểu thuyết Ngày mới vẫn có những

trang viết “diễn tả rất đúng và thấu đáo cái tâm lý uyển chuyển của người” - theo cách nói của chính nhà văn - và thể hiện rất rõ quan niệm của nhà văn về tiểu thuyết

là “suy xét đến những tính tình bất diệt của loài người” và tìm đến “cái bí mật không tả được ở trong mỗi con người” [102, tr.366]

Nguyễn Tuân vốn được xem là nhà văn “thường quan sát và miêu tả sự vật

và con người ở phương diện thẩm mỹ”, nhưng sau một loạt những du ký, truyện

ngắn, phóng sự như Một chuyến đi (1938), Ngọn đèn dầu lạc (1939), Vang bóng

một thời (1939), nhà văn thường “tự đặt mình trong vương quốc của cái đẹp, của

Trang 40

nghệ thuật” này đã cho ra mắt tiểu thuyết Thiếu quê hương (1940) - tác phẩm thể

hiện tập trung và nhất quán chủ nghĩa xê dịch của Nguyễn Tuân, đồng thời cũng là một tiểu thuyết tâm lý thể hiện rất sinh động một tâm hồn mệt mỏi và chán chường

vì sự nổi loạn

Đỗ Đức Thu được đánh giá là “một nhà tiểu thuyết tình cảm”, “đặc biệt am hiểu tâm lý của người tiểu tư sản trí thức, của tầng lớp viên chức nhỏ trong xã hội thực dân nửa phong kiến và của cả những người phụ nữ vào hạng trung lưu” Tuy chưa phản ánh những vấn đề có ý nghĩa xã hội rộng lớn, nhưng “bằng nét bút thanh, nhẹ và rất gợi cảm”, ông đã “thật sâu sắc, tinh tế khi đi vào thế giới tình cảm của nội tâm” [82, tr.108]

Vũ Trọng Phụng vốn được bạn đọc biết đến như một “ông vua phóng sự” với

những Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Lục xì (1937) và như một nhà tiểu thuyết phóng sự với những Giông tố (1936), Số đỏ (1936), Vỡ đê (1936),

nhưng ông còn là nhà văn “rất ham thích phân tích, lý giải những quá trình tâm lý của nhân vật của mình” [78, tr.51], “thích thú phát biểu những quy luật tâm lý của

loài người” [70, tr.7] Với các tiểu thuyết như Dứt tình (1934), Làm đĩ (1936), Lấy

nhau vì tình (1937), Trúng số độc đắc (1938), Vũ Trọng Phụng đã xuất hiện trước

bạn đọc như một nhà tiểu thuyết tâm lý

Nam Cao đến với văn học tuy muộn màng nhưng về phương diện phân tích tâm lý, ông nổi lên như một cây bút bậc thầy “có khả năng tìm hiểu mọi ngóc ngách của nội tâm nhân vật” [82, tr 267] Bên cạnh nhiều truyện ngắn tâm lý thể hiện rất chính xác quan niệm văn học của ông là: “Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những

cái gì chưa có” (Đời thừa), tiểu thuyết Sống mòn (1944) rất xứng đáng được coi là

kiệt tác vì đã đạt tới trình độ điêu luyện trong nghệ thuật phân tích tâm lý

Ở những tác giả này, nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý luôn được chú trọng, trở thành phương thức nghệ thuật cơ bản tạo nên chiều sâu tính cách nhân vật, tạo nên sự hấp dẫn của hầu hết các tác phẩm và sự độc đáo trong phong cách nghệ thuật Chẳng hạn như Khái Hưng và Nhất Linh Như đã nói ở trên, Khái Hưng

Ngày đăng: 26/04/2016, 14:54

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
3. Vũ Tuấn Anh (2001), Văn học Việt Nam hiện đại - nhận thức và thẩm định, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn học Việt Nam hiện đại - nhận thức và thẩm định
Tác giả: Vũ Tuấn Anh
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
Năm: 2001
4. Lê Tú Anh (2007), Quan niệm về tiểu thuyết trong văn học giai đoạn 1900-1930, Tạp chí Văn học, số 9, tr.85 - 99 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quan niệm về tiểu thuyết trong văn học giai đoạn 1900-1930", Tạp chí "Văn học
Tác giả: Lê Tú Anh
Năm: 2007
5. Lại Nguyên Ân (1992), Nam Cao và cuộc canh tân văn học đầu thế kỷ XX, Tạp chí Văn học, số 1, tr.40 - 43 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nam Cao và cuộc canh tân văn học đầu thế kỷ XX", Tạp chí "Văn học
Tác giả: Lại Nguyên Ân
Năm: 1992
6. Lại Nguyên Ân (2001), Thêm vài phát hiện xung quanh các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Tạp chí Văn học, số 1, tr.38 - 42 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thêm vài phát hiện xung quanh các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng", Tạp chí "Văn học
Tác giả: Lại Nguyên Ân
Năm: 2001
7. M.Bakhtin (1979), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki
Tác giả: M.Bakhtin
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1979
8. M.Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết", Phạm Vĩnh Cư "dịch
Tác giả: M.Bakhtin
Năm: 1992
9. Nguyễn Ngọc Bích (2000), Tâm lý học nhân cách, một số vấn đề lý luận, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tâm lý học nhân cách, một số vấn đề lý luận
Tác giả: Nguyễn Ngọc Bích
Nhà XB: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm: 2000
10. Nam Cao (1997), Tuyển tập Nam Cao (tập 2), Hà Minh Đức biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tuyển tập Nam Cao
Tác giả: Nam Cao
Nhà XB: Nxb Văn học
Năm: 1997
11. Nam Cao (1975), Nam Cao tác phẩm (2 tập), Hà Minh Đức sưu tầm và giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nam Cao tác phẩm
Tác giả: Nam Cao
Nhà XB: Nxb Văn học
Năm: 1975
12. Nguyễn Minh Châu (1987), Nam Cao, Báo Văn nghệ, số 29, ngày 28/7 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nam Cao", Báo "Văn nghệ
Tác giả: Nguyễn Minh Châu
Năm: 1987
13. Nguyễn Huệ Chi (1996), Hoàng Ngọc Phách, đường đời và đường văn NXB Văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Hoàng Ngọc Phách, đường đời và đường văn
Tác giả: Nguyễn Huệ Chi
Nhà XB: NXB Văn học
Năm: 1996
14. Trương Chính (1989), Tự lực văn đoàn, Báo Giáo viên nhân dân số 27,28,29,30,31 tháng 7 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tự lực văn đoàn", Báo "Giáo viên nhân dân
Tác giả: Trương Chính
Năm: 1989
15. Nguyễn Đình Chú (2007), Thượng Chi bàn về tiểu thuyết trên tạp chí Nam Phong, Tạp chí Văn học, số 4, tr.16 - 20 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thượng Chi bàn về tiểu thuyết trên tạp chí Nam Phong", Tạp chí "Văn học
Tác giả: Nguyễn Đình Chú
Năm: 2007
16. Xuân Diệu (1982), Lời giới thiệu “Tuyển tập Tản Đà”, Nxb Văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lời giới thiệu" “Tuyển tập Tản Đà
Tác giả: Xuân Diệu
Nhà XB: Nxb Văn học
Năm: 1982
17. Đinh Trí Dũng (1996), Sự thể hiện con người tha hoá trong các tiểu thuyết hiện thực của Vũ Trọng Phụng, Tạp chí Văn học, số 5, tr.29 - 32 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sự thể hiện con người tha hoá trong các tiểu thuyết hiện thực của Vũ Trọng Phụng", Tạp chí "Văn học
Tác giả: Đinh Trí Dũng
Năm: 1996
18. Đinh Trí Dũng (2005), Nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng
Tác giả: Đinh Trí Dũng
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
Năm: 2005
19. Vũ Dũng (chủ biên, 2000), Từ điển Tâm lý học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ điển Tâm lý học
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
21. Tôn Thất Dụng (1993), Thể loại tiểu thuyết trong quan niệm của các nhà văn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, Tạp chí Văn học, số 2, tr.36 - 39 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thể loại tiểu thuyết trong quan niệm của các nhà văn Nam Bộ đầu thế kỷ XX", Tạp chí "Văn học
Tác giả: Tôn Thất Dụng
Năm: 1993
22. Đặng Anh Đào (2001), Gió Đông gió Tây: ảnh hưởng và giao thoa trong văn học Việt Nam hiện đại, Tạp chí Văn học, số 1, tr.23 - 28 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Gió Đông gió Tây: ảnh hưởng và giao thoa trong văn học Việt Nam hiện đại", Tạp chí "Văn học
Tác giả: Đặng Anh Đào
Năm: 2001
23. Đặng Anh Đào (1994), Văn học Pháp và sự gặp gỡ với văn học Việt Nam 1930 - 1945, Tạp chí Văn học số 7, tr.1 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn học Pháp và sự gặp gỡ với văn học Việt Nam 1930 - 1945", Tạp chí "Văn học
Tác giả: Đặng Anh Đào
Năm: 1994

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w