1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Diện mạo phố phường hà nội giai đoạn 1873 1945 ( trường hợp tuyến phố tràng tiền hàng khay tràng thi )

113 466 1

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 113
Dung lượng 2,68 MB

Nội dung

Trong công trình này, ta thấy tác giả đã dành nhiều tâm huyết để khảo cứu diện mạo phố phường Hà Nội xưa trên các khía cạnh: mô tả về kiến trúc nhà cửa, các công trình công cộng, những h

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG

DIỆN MẠO PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI

GIAI ĐOẠN 1873-1945

(TRƯỜNG HỢP TUYẾN PHỐ TRÀNG TIỀN – HÀNG KHAY – TRÀNG THI)

LUẬN VĂN THẠC SĨ Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam

Hà Nội - 2015

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG

DIỆN MẠO PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI

GIAI ĐOẠN 1873-1945

(TRƯỜNG HỢP TUYẾN PHỐ TRÀNG TIỀN – HÀNG KHAY – TRÀNG THI)

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam

Mã số: 60 22 54

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Phan Phương Thảo

Hà Nội - 2015

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Phan Phương Thảo

Các số liệu, tài liệu tham khảo trong luận văn đều trung thực và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2015

Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Huyền Trang

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến cô giáo hướng dẫn luận văn của tôi – PGS.TS Phan Phương Thảo Trong suốt quá trình nghiên cứu, cô đã tận tình hướng dẫn, động viên, giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này

Tôi xin trân trọng cảm ơn các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ công tác tại Khoa Lịch sử, phòng Sau đại học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN; các cán bộ Thư viện Quốc Gia Việt Nam,Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I… đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình hoàn thành đề tài

Tôi cũng xin cảm ơn bạn bè, các anh, chị em cùng lớp và gia đình đã luôn bên cạnh, cổ vũ và động viên những lúc khó khăn để tôi có thể vượt qua

và hoàn thành luận văn này

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2015

Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Huyền Trang

Trang 5

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

Chương 1: VÀI NÉT VỀ PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI TRƯỚC NĂM 1873 9

1.1 Khái quát chung về phố phường Hà Nội 9

1.2.Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi trước thời Pháp thuộc 19

1.2.1.Vài nét sơ lược về tuyến phố 19

1.2.2 Cảnh quan chung của tuyến phố 21

Tiểu kết chương 1 23

Chương 2: PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 1873-1920 (Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi) 25

2.1 Hệ thống chính quyền thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc 25

2.2 Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi trong những năm 1873-1888 28

2.3 Diện mạo tuyến phố đến năm 1920 36

Tiểu kết chương 2 50

Chương 3: CẢNH QUAN ĐÔ THỊ CỦA PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 1920-1945 (Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi) 51

3.1 Chương trình quy hoạch đô thị Hà Nội của thực dân Pháp 51

3.2 Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – những đổi thay qua tư liệu địa chính 54

3.2.1 Cảnh quan đường phố 56

3.2.2 Không gian ở 58

3.2.3 Sở hữu nhà đất 65

3.3 Một số công trình lịch sử văn hóa trên tuyến phố 75

Trang 6

3.3.1 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 76

3.3.2 Thư viện Quốc gia Việt Nam 78

3.3.3 Trung tâm Văn hóa Pháp 80

Tiểu kết chương 3 81

KẾT LUẬN 83

TÀI LIỆU THAM KHẢO 86

PHỤ LỤC 95

Trang 7

MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

1.1 Mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư

về Đại La, đổi tên kinh thành là Thăng Long Kể từ mùa thu năm ấy, cho đến nay, lịch sử Thăng Long – Hà Nội đã trải dài hơn một ngàn năm Một ngàn năm qua, những biến động không ngừng của lịch sử đã để lại những dấu ấn đậm nét trong diện mạo, cảnh quan của đô thị Hà Nội Những dấu ấn đó như

“những điều nhắc nhở của quá khứ”, mang lại cho Hà Nội một tính cách “độc đáo” “đặc hữu”1

, một sự hấp dẫn hiếm gặp nếu so sánh với các đô thị khác trên thế giới Đúng như học giả W.S.Logan đã nhận xét: “Môi trường của Hà Nội ngày nay phủ đầy những hình tượng chính trị, mỗi một chế độ đã sản sinh

ra những tòa nhà, quang cảnh đường phố và toàn bộ những khu vực để chứng minh cho ý thức hệ của nó, và với việc làm đó, minh chứng cho quyền lực của chế độ đó đối với đô thị và cư dân đô thị” [87, tr.29] Do vậy, để tìm hiểu lịch

sử của đô thị Hà Nội, nghiên cứu diện mạo là một việc làm cần thiết

1.2 Trong nghiên cứu diện mạo đô thị Hà Nội, giai đoạn từ năm 1873 đến năm 1945 đóng vai trò quan trọng và có nhiều ý nghĩa Trong những tháng năm này, dưới tác động của những văn bản, Nghị định và các đề án quy hoạch mà chính quyền thuộc địa ban hành, thành phố Hà Nội từng bước được định hình về mặt địa giới hành chính và có sự thay đổi mạnh mẽ về cảnh quan

đô thị Nghiên cứu diện mạo trục phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi sẽ cho ta thấy rõ sự đổi thay này Bởi lẽ, với vị trí địa lý đặc biệt, trục phố đã trở thành nơi lưu giữ khá đầy đủ những dấu ấn của Hà Nội trong suốt thời Pháp thuộc Do vậy, nghiên cứu diện mạo phố phường Hà Nội thời kỳ này, không thể không quan tâm nghiên cứu diện mạo tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi

1

Chữ dùng của PGS.TS.Nguyễn Thừa Hỷ

Trang 8

1.3 Trong những năm vừa qua, ở Hà Nội, việc phát triển đô thị một cách tự phát đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan môi trường và

di sản văn hóa của thủ đô Điều đó được thể hiện rõ nét thông qua sự hiện diện của những ngôi nhà siêu mỏng, những ngõ nhếch nhác, những khu dân

cư tự phát Đặc biệt những hoạt động kinh doanh sôi động của nền kinh tế thị trường đang tràn ra mặt tiền các khu phố Tất cả đã làm hỗn loạn cấu trúc văn hóa truyền thống của không gian đô thị Trong bối cảnh đó, nghiên cứu về diện mạo Hà Nội, nghiên cứu để bảo tồn và lưu giữ những nét đẹp của thủ đô nghìn năm văn hiến, qua đó đóng góp vào việc xây dựng và điều chỉnh quy hoạch thành phố trong thời kỳ hiện đại, vì thế càng quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn hơn

Từ những nhận thức trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài nghiên cứu Diện

mạo phố phường Hà Nội giai đoạn 1873-1945 (Trường hợp tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi) Với đề tài này, chúng tôi muốn đi từ

sự tiếp cận diện mạo một tuyến phố cụ thể trong khu phố Tây, từ đó tái hiện lại phần nào diện mạo phố phường Hà Nội giai đoạn 1873-1945

Nghiên cứu tổng thể diện mạo Hà Nội có công trình của học giả

Nguyễn Văn Uẩn với tựa đề Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX (2002) Trong công

trình này, Nguyễn Văn Uẩn đã tái hiện diện mạo Hà Nội thông qua việc khảo sát, tìm hiểu 18 khu vực cụ thể Trong từng khu vực, cách tiếp cận của tác giả

là đi vào miêu thuật về cảnh quan xung quanh khu vực, cùng những nét khái

Trang 9

lược về đời sống sinh hoạt của cư dân nhằm dựng nên bức tranh toàn cảnh về

Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX Mặc dù những thông tin tác giả mang đến rất hữu ích, nhưng vì những thông tin đó chủ yếu mang tính miêu thuật nên chưa làm

rõ được diện mạo của Hà Nội nói chung và phố phường Hà Nội nói riêng trên một số phương diện như: quy hoạch và phân bố nhà cửa, sở hữu nhà đất

Ngoài công trình của Nguyễn Văn Uẩn còn phải kể đến một số công trình

nghiên cứu mang tính tổng hợp khác về Hà Nội như: Lịch sử Thăng Long – Hà

Nội của nhóm tác giả do GS.Phan Huy Lê chủ biên (2012) hay Lịch sử Hà Nội

của Philippe Papin (2010) Trong hai công trình này, những vấn đề kinh tế - chính trị - lịch sử - văn hóa của Hà Nội từ khi đô thị mới hình thành cho đến thời điểm hiện nay đều được đề cập tới Tuy nhiên, cũng giống như Nguyễn Văn Uẩn, các tác giả của hai công trình này đều chưa quan tâm khảo sát một cách kỹ càng diện mạo Hà Nội nói chung, phố phường Hà Nội nói riêng

Bên cạnh việc nghiên cứu tổng thể, các nhà nghiên cứu còn tiếp cận diện mạo Hà Nội trên từng phương diện cụ thể Trên phương diện kinh tế có

luận án Phó Tiến sỹ của Nguyễn Thừa Hỷ với tựa đề Kinh tế Thăng Long –

Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX (1983) Trên phương diện văn hóa có công

trình Văn hóa Thăng Long – Hà Nội hội tụ và tỏa sáng (2000) của học giả

Trần Văn Bính Trên phương diện kiến trúc, có nhiều công trình nghiên cứu

của các học giả trong nước như: Đặng Thái Hoàng với Kiến trúc Hà Nội thế

kỷ XIX – thế kỷ XX (1999); Trần Quốc Bảo và Nguyễn Văn Đỉnh với Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc (2011) Lĩnh vực này cũng nhận

được nhiều sự quan tâm của các học giả nước ngoài, trong đó, đáng chú ý là

công trình Hà Nội chu kỳ của những đổi thay (2005) do Pierre Clément và

Nathalie Lancret chủ biên Là kết quả của những quan điểm và phương pháp tiếp cận khác nhau, cuốn sách bao gồm nhiều bài viết của các kiến trúc sư người Pháp và Việt Nam với cùng một chủ đề chung là tìm hiểu về Hà Nội qua nghiên cứu bản đồ và các yếu tố cấu thành ở nhiều cấp độ

Trang 10

Mặc dù chỉ tái hiện được những đặc tính của Hà Nội ở một khía cạnh, phương diện cụ thể nhưng những công trình này đã đem lại những thông tin rất hữu ích cho công tác nghiên cứu về Hà Nội Đặc biệt trên phương diện kiến trúc, những đóng góp của Đặng Thái Hoàng, Pierre Clément và Nathalie Lancret là hết sức đáng kể Các tác giả đã cung cấp cho chúng ta những nghiên cứu chi tiết về loại hình nhà ở, công trình công cộng trong từng thời

kỳ cụ thể (tập trung là từ thế kỷ XIX – XX) Những nghiên cứu này rất hữu ích trong việc tái hiện diện mạo tổng thể của Hà Nội nói chung và phố phường Hà Nội nói riêng

Nằm trong nội dung những nghiên cứu về diện mạo Hà Nội, phố phường thủ đô cũng là vấn đề được nhiều học giả quan tâm, tìm hiểu Tuy nhiên, mỗi học giả lại có những cách tiếp cận khác nhau

Hoàng Đạo Thúy là một trong những học giả sớm tiếp cận việc nghiên

cứu phố phường Hà Nội với công trình Phố phường Hà Nội xưa Công trình

được xuất bản lần đầu tiên năm 1974, sau đó đã được tái bản nhiều lần Trong công trình này, ta thấy tác giả đã dành nhiều tâm huyết để khảo cứu diện mạo phố phường Hà Nội xưa trên các khía cạnh: mô tả về kiến trúc nhà cửa, các công trình công cộng, những hình thức phường hội nghề nghiệp trong phố phường Tuy nhiên, những thông tin mà tác giả cung cấp còn sơ giản Mô tả kiến trúc nhà cửa: Hoàng Đạo Thúy chỉ tập trung đến các loại hình nhà ống, nhà chồng diêm trong khu phố cổ; các công trình công cộng được xây dựng khi Pháp sang chỉ được điểm qua mà chưa có sự miêu thuật về kiến trúc; những thông tin mô tả về quang cảnh đường phố còn ít và cũng chỉ tập trung

ở hai phố tiêu biểu là hàng Gai và hàng Đào

Bước sang thập niên 80 của thế kỷ XX, có chuyên khảo Phố phường

Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII – XVIII – XIX của Nguyễn

Thừa Hỷ, đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3 (210) và 4 (211) năm

1983 Chuyên khảo này đã tái hiện rất rõ diện mạo phố phường Hà Nội thế

Trang 11

kỷ XVII – XVIII – XIX (chủ yếu là diện mạo khu phố cổ) trên hai phương diện: diện mạo vật chất (quang cảnh đường phố, kiến trúc nhà cửa, cổng phố) và đời sống kinh tế - xã hội của cư dân sinh sống trong phố phường Trong chuyên khảo, tác giả còn đưa ra nhiều nhận xét xác đáng về bước đường phát triển lịch sử của phố phường Thăng Long – Hà Nội

Trong những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ XX, một số công trình nghiên cứu về phố phường thủ đô tiếp tục được công bố Ngoài công

trình Thành lũy phố phường và con người Hà Nội trong lịch sử (1999) của Nguyễn Khắc Đạm còn có Hà Nội phố phường (1999) của Giang Quân cùng một số bài viết trên tạp chí của các tác giả: Lưu Đình Tuân với Sự hình thành

khu phố Tây ở Hà Nội (1999), tạp chí Xưa và Nay, số 70

Trong thời gian gần đây, những nghiên cứu về phố phường Hà Nội càng được đẩy mạnh hơn nữa So với các thời kỳ trước, nhiều nguồn tư liệu phục vụ cho việc tái hiện diện mạo phố phường Hà Nội đã được khai thác khá

triệt để Đó là công trình nghiên cứu của học giả Vũ Văn Quân với Phố cổ Hà

Nội qua các thời kỳ lịch sử: không gian phố cổ Hà Nội giữa thế kỷ XIX qua tư liệu địa bạ, in trong: Kỷ yếu hội thảo “Tôn tạo phố cổ ở các thành phố châu Á

và châu Âu – Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn và nâng cao giá trị

di sản” (2005) Và đặc biệt là công trình Khu phố cổ Hà Nội nửa đầu thế kỷ

XX qua tư liệu địa chính (2013) do Phan Phương Thảo chủ biên Công trình

này đã khai thác một cách triệt để không chỉ các hồ sơ về khu phố cổ thuộc phông Sở địa chính Hà Nội hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia

I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, mà còn khai thác các phiếu thông tin chi tiết về từng sở, thửa nhà đất phố cổ Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX lưu trữ tại Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất – những phiếu này trước đây chưa từng được bất kỳ một công trình nào quan tâm khai thác

Bên cạnh các công trình nghiên cứu trên, không thể không kể đến một số cuốn sách tiếp cận phố phường Hà Nội trên phương diện địa danh

Trang 12

như: Nguyễn Vinh Phúc với Phố và đường Hà Nội (2004); Từ điển đường

phố Hà Nội (2009) của Giang Quân; gần đây nhất là cuốn Từ điển đường phố Hà Nội (2010) do Nguyễn Viết Chức chủ biên Những công trình này

cung cấp những thông tin rất ngắn gọn về tên gọi các con phố ở Hà Nội, kèm theo đó là những mô tả đơn giản về chiều dài các phố, khu vực lệ thuộc, một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu

Nhìn một cách tổng quát, các công trình nghiên cứu về phố phường Hà Nội mang những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, phần lớn các công trình chủ yếu tập trung mô tả chi tiết diện

mạo phố phường Hà Nội trên các phương diện: quang cảnh đường phố, kiến trúc nhà ở và các công trình công cộng Đã có công trình tiến hành khảo cứu sâu về diện mạo phố phường (công trình của Nguyễn Thừa Hỷ) nhưng chưa

đi vào từng tuyến phố cụ thể và cũng mới chỉ dừng lại ở phạm vi thời gian là các thế kỷ XVII – XVIII – XIX

Thứ hai, đã có một số công trình quan tâm sử dụng nguồn tư liệu địa

chính, địa bạ để tái hiện diện mạo phố phường Hà Nội trên các phương diện: cảnh quan tự nhiên, tình hình sở hữu nhà đất, quy mô và cơ cấu sử dụng đất, không gian ở nhưng mới chỉ tập trung nghiên cứu trong khu vực phố cổ

Thứ ba, dường như chưa có một công trình chuyên sâu nào khảo cứu về

diện mạo khu phố Tây ở Hà Nội giai đoạn 1873-1945 Những tuyến phố mang tính điển hình trong đô thị Hà Nội cũng chưa được quan tâm nghiên cứu một cách sâu sắc Do vậy, những đổi thay mạnh mẽ của phố phường Hà Nội thời kỳ này chưa được khắc họa rõ ràng

Trong bối cảnh nghiên cứu trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài nghiên

cứu Diện mạo phố phường Hà Nội giai đoạn 1873-1945 (Trường hợp tuyến

phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi) Hướng nghiên cứu, tiếp cận của

chúng tôi sử dụng chủ yếu nguồn tư liệu địa chính kết hợp với khảo cứu các tài liệu liên quan, sẽ không chỉ dừng lại ở sự miêu thuật đơn thuần những thay

Trang 13

đổi về diện mạo phố phường Hà Nội mà sẽ cố gắng luận giải những căn nguyên chính trị - văn hóa – quân sự của sự biến đổi diện mạo đó

3 Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở các nguồn tài liệu có liên quan, nghiên cứu một cách toàn

diện để tái hiện được diện mạo phố phường Hà Nội giai đoạn 1873-1945

(Trường hợp tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi), bước đầu đưa

ra những luận giải về sự biến đổi diện mạo phố phường so với các thời kỳ trước Trên cơ sở đó có thể xem xét áp dụng hoặc thừa hưởng những yếu tố tích cực nào có lợi cho công cuộc cải tạo thành phố trong giai đoạn hiện nay

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Chúng tôi chọn Diện mạo phố phường Hà Nội (Trường hợp tuyến

phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi) làm đối tượng nghiên cứu và

được giới hạn trong khoảng thời gian từ năm 1873 đến năm 1945

5 Phương pháp nghiên cứu

- Luận văn áp dụng đồng thời các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể của các ngành khoa học như: Sử học, Văn hoá học, Địa lý học lịch sử để thu thập, xử lý và phân tích thông tin

- Phương pháp chủ yếu của luận văn là nghiên cứu khu vực học

- Luận văn có tham khảo một số lượng lớn tư liệu địa chính nên quá trình xử lý và trình bày thông tin không thể thiếu phương pháp định lượng

6 Đóng góp của luận văn

- Luận văn góp phần làm sáng tỏ diện mạo phố phường Hà Nội nói chung, tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi nói riêng trong một giai đoạn lịch sử của Thủ đô

- Khắc họa lại hiện trạng kiến trúc, biến đổi cảnh quan của một số di tích văn hóa – lịch sử tiêu biểu của Hà Nội trên tuyến phố nghiên cứu

- Trên cơ sở các nguồn tài liệu lưu trữ, đặc biệt là nguồn tư liệu địa chính, luận văn bước đầu đưa ra những luận giải về sự biến đổi diện mạo phố

Trang 14

phường Hà Nội nói chung, tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi nói riêng so với các thời kỳ trước, làm rõ ảnh hưởng của người Pháp đối với quá trình đô thị hóa của Hà Nội thời cận đại

- Luận văn đưa ra những phác họa về diện mạo phố phường Hà Nội

giai đoạn 1873 -1945 trong đó có nêu lên cả những ưu điểm và hạn chế trong quy hoạch đô thị Hà Nội qua từng thời kỳ Đó là những bài học lịch sử rất có

ý nghĩa cho Hà Nội trong qui hoạch và cải tạo Thành phố giai đoạn hiện nay

7 Cấu trúc luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục, Luận văn sẽ được triển khai trong ba chương :

Chương 1 : Vài nét về phố phường Hà Nội trước năm 1873

Chương 2 : Phố phường Hà Nội giai đoạn 1873-1920 (Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi)

Chương 3: Cảnh quan đô thị của phố phường Hà Nội giai đoạn

1920-1945 (Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi)

Trang 15

Chương 1:

VÀI NÉT VỀ PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI TRƯỚC NĂM 1873

1.1 Khái quát chung về phố phường Hà Nội

Từ một làng nhỏ ven sông, trải qua bao đổi thay của thời gian, cho đến đầu thế kỷ XI với sự kiện Lý Thái Tổ dời đô từ vùng rừng núi Hoa Lư về nơi thành Đại La cũ, Thăng Long đã chính thức đi vào lịch sử như một thành thị trung đại Việt Nam Trong buổi đầu thành lập, phần “thành” được thành lập trước tiên, sau đó kéo theo phần “thị” Điều này được giải thích như sau: thành trì phong kiến – nơi giai cấp thống trị ở cần rất nhiều nhu cầu sinh hoạt

xa xỉ Chính vì thế, các phiên họp chợ ngoài thành (nơi cung cấp hàng hóa cho giai cấp thống trị) từ chỗ họp thường kỳ rồi ai về nhà nấy đã dần dần có người cư ngụ lại trên đó để bán hàng Những người thường trú này có thể là thợ thủ công hay thương nhân hoặc làm các nghề linh tinh khác Khi cư ngụ lại, họ phải lập phố để ở Theo sự phát triển của kinh tế hàng hóa cũng như nhu cầu của giai cấp thống trị và của nhân dân địa phương, các phố chợ dần được kéo dài ra, lợp mới, nối chợ nọ với chợ kia, biến dần dần các làng và ruộng làng thành các khu phố

Trong nhiều thế kỷ tiếp theo đó, dù đã trưởng thành khá nhiều về quy

mô nhưng Thăng Long hầu như không thay đổi về cấu trúc cơ bản Suốt thời

kỳ Lý – Trần, qua thời Lê sơ, thành thị này vẫn bao gồm hai bộ phận chính là

“thành” và “thị” Trong đó, khu vực “thành” đóng vai trò hạt nhân quyết định, khu vực “thị” là một bộ phận cộng sinh, tồn tại được là nhờ vào phần “thành” Bước sang giai đoạn XVI – XVIII, kinh thành Thăng Long có bước phát triển đột khởi không những ở khu vực “thành” mà cả ở khu vực “thị” Đối với khu vực “thành”, đây là giai đoạn mà kinh thành đã trải qua ba đợt xây cất, mở rộng và tu bổ lớn Lần thứ nhất do vua Lê Tương Dực tiến hành để thực hiện

Trang 16

mục đích ăn chơi xa xỉ Lần thứ hai do Mạc Mậu Hợp khởi xướng nhằm đề phòng những đợt tấn công của họ Trịnh Và lần thứ ba có ý nghĩa và quan trọng nhất là do các chúa Trịnh tiến hành trong suốt thế kỷ XVII và đầu thế

kỷ XVIII

Sự phát triển của phần “thành” tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực

“thị” của Thăng Long phát triển mạnh mẽ Sở dĩ có thể khẳng định như vậy

là vì khi tiến hành việc sửa sang, xây dựng quần thể các công trình kiến trúc, chính quyền phong kiến đã buộc phải huy động một lực lượng rất lớn những thợ thủ công thuộc các ngành nghề khác nhau từ các địa phương xung quanh về kinh đô để làm việc Đến kinh đô và sau khi làm việc trong các công xưởng của nhà nước, nhiều thợ thủ công đã ở lại lập nghiệp tại các phố chợ, khiến cho khu vực “thị” ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ Không những thế, trong suốt thời kỳ tồn tại của mình, nhà nước phong kiến

Lê – Trịnh còn duy trì ở Thăng Long một bộ máy quan liêu chính trị - quân

sự thường trực khổng lồ Điều này đã tạo ra một nhu cầu cung ứng lớn lao

về lương thực, thực phẩm, vật dụng, hàng hóa không chỉ trong những phố chợ nội tại của kinh thành mà còn từ các vùng phụ cận đổ về

Vốn đang trên đà phát triển, lại được kích thích bởi nhiều yếu tố thuận lợi, khu vực “thị” của Thăng Long đã có sự phát triển trội vượt Cùng với khu vực “thành” nó đã đưa Thăng Long – Kẻ Chợ trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế lớn nhất trong cả nước, một trong những thành thị lớn của vùng Đông Nam Á và phương Đông nói chung, trước sự chiêm ngưỡng không phải không có cơ sở của các lái buôn và giáo sỹ phương Tây: “Quy mô của Kẻ Chợ sánh ngang nhiều thành thị khác ở châu Á” [31, tr.141]

Trong khu vực “thị” của Thăng Long, nơi phát triển nhộn nhịp nhất chính là khu vực buôn bán phía Đông, thường được dân gian gọi với cái tên

“36 phố phường” Tên “phường” xuất hiện rất sớm trong lịch sử Việt Nam, có thể từ thời Bắc thuộc Nghĩa đầu tiên của khái niệm “phường” là chỉ một khu

Trang 17

vực địa lý được coi là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở kinh thành Thăng Long Dưới thời Trần, Trần Thái Tông tiến hành định các phường về hai bên tả hữu của kinh thành, chia thành 61 phường Vào đầu thời Lê, cả nước có 56 phủ,

187 huyện, 54 châu hương, 9728 xã, 294 thôn, 59 phường Khu vực thượng kinh có 1 phủ, 2 huyện và 36 phường [79, tr.271] Ngoài ý nghĩa là một đơn

vị hành chính, “phường” còn có ý nghĩa là một đoàn thể, một nhóm người có

tổ chức cùng làm một nghề nghiệp (phường bạn, phường thợ, phường chèo)

Bên cạnh khái niệm “phường” là khái niệm “phố” “Phố” có nhiều

nghĩa khác nhau: “Phố” theo Lê Qúy Đôn trong Thượng kinh phong vật chí là

những chỗ bờ sông bến nước, trên bến dưới thuyền Ngoài tính chất như đã nêu trên, “phố” ở đây còn ám chỉ “phố xá”2

của từng khu phường hoặc làm nghề thủ công hoặc làm nghề buôn bán Điều này có nghĩa là nếu như

“phường” nguyên là một khu vực trong thành thị thì “phố” nguyên nghĩa là một chỗ bán hàng, nơi bày hàng (theo cách nói ngày nay là cửa hàng, cửa hiệu) Phố có thể là ngôi nhà bày hàng bán hoặc cũng có thể là một túp lều, một chỗ trống được lấy làm nơi bày hàng hóa để buôn bán Nhiều ngôi nhà, nhiều các phố như vậy tập trung san sát nhau tạo thành một dãy phố Qua thời gian các dãy gồm nhiều phố ấy cũng được gọi tắt là phố và dần dần từ “phố” với nghĩa là một dãy các cửa hàng cửa hiệu đã lấn át từ “phố” với nguyên nghĩa là ngôi nhà bày bán hàng

Chính vì sự biến nghĩa này mà ngày nay khi phân biệt “phường” và

“phố”, người ta coi phố như đường trục của phường gồm có một con đường, hai bên có nhà cửa – nhà ở và thường là cửa hiệu – có bề mặt trông ra ngoài đường Trong khi các phường nặng về hoạt động sản xuất thì ở các phố lại chú trọng đến hoạt động buôn bán Chính hoạt động này mới thể hiện rõ nét yếu tố “thị” của Thăng Long Vậy phố phường Thăng Long buôn bán những mặt hàng gì?

2 “Phố xá” là một từ quen thuộc trong ngôn ngữ dân tộc, trong tiếng Việt cổ “xá” có nghĩa là nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu

Trang 18

Thăng Long là đất đế đô, nơi kết tinh tài hoa tứ xứ Những người thợ thủ công ở khắp nơi kéo về nội đô làm ăn Họ mang theo những nghề đặc sắc của quê hương mình, họ làm hàng ở trong phường rồi bày bán ở các mặt phường là phố Thường mỗi phố chỉ bán hoặc sản xuất sản phẩm của đôi ba làng nhất định Những phố nghề được hình thành từ đây Tên của các phố được lấy từ chính tên nghề thủ công sản xuất và kinh doanh để đặt tên cho phố đó Có thể kể tới các phố tiêu biểu như: phố hàng Lọng, hàng Mã, hàng Quạt, hàng Buồm, hàng Tre, hàng Thiếc, hàng Đào, hàng Bạc… Sự gắn bó thân thiết đó đã khiến cho người ta có cảm giác giữ tên phố hàng là đã giữ được cả linh hồn của nghề thủ công đó

Sự đa dạng của các mặt hàng thủ công và sự phát triển về hoạt động buôn bán đến mức các phố hàng của Thăng Long thời kỳ này còn thu hút cả những thương nhân người nước ngoài đến buôn bán và sinh sống như người

Hà Lan, Anh, Pháp từ thế kỷ XVII và đặc biệt là tầng lớp thương nhân Hoa kiều đến buôn bán và cư trú từ đời Trần Phố hàng không còn dừng lại ở một khu vực buôn bán riêng của kinh thành nữa mà còn có xu hướng mở rộng đón nhận hoạt động ngoại thương từ bên ngoài

Trong bối cảnh đó diện mạo của phố phường Hà Nội hiện lên với những nét phác họa rõ nét và độc đáo

Như trên đã trình bày, những người nước ngoài đến Thăng Long từ rất sớm Họ đã ghi chép, mô tả phố phường Thăng Long một cách tỉ mỉ, chi tiết

và sống động Dưới những ghi chép của họ, quang cảnh đường phố trong các thế kỷ XVII – XVIII hiện lên thật rõ nét

“Những đường phố chính ở Kẻ Chợ thường rất rộng rãi, tuy vẫn có một vài ngõ phố chật hẹp Phần lớn các phố đều được lát đá, đúng hơn là được vá víu bằng những phiến đá nhỏ, nhưng rất cẩu thả Về mùa mưa, chúng rất bẩn thỉu và về mùa khô, vẫn còn những vũng nước đọng và một số mương rãnh đầy những bùn đen bốc mùi hôi thối ở trong và chung quanh thành phố Điều

Trang 19

đó làm cho nơi đây trở nên không được ưa thích và có người cho rằng chúng cũng rất mất vệ sinh Tuy nhiên theo những điều tôi cảm thấy và từng biết, thì

nơi đây vẫn khá trong lành” [31, tr.227]

Không chỉ miêu tả diện mạo đường sá mà quang cảnh phố phường mỗi khi có phiên chợ cũng được đề cập đến thật chi tiết Chợ tràn ra cả lòng đường, hàng hóa bày la liệt cùng với người đi lại mua bán đổi chác làm cho đường sá của kinh thành gần như tắc nghẽn: “…dân số của Kẻ Chợ lớn hơn nhiều, nhất

là vào phiên chợ ngày 1 và ngày 15 âm lịch hàng tháng khi người dân cùng với hàng hóa từ các làng ven đô đổ về đây nhiều không đếm xuể Những con phố ngày thường vốn rộng rãi và quang đãng giờ đây trở nên chật chội đến nỗi chỉ

nhích được 100 bước trong vòng 30 phút đã là tốt lắm rồi” [31, tr.141]

Nhà cửa ở hai bên mặt phố liền sát nhau, thường được dựng bằng tre và lợp bằng rơm rạ Chiều cao của các ngôi nhà ở Thăng Long lúc bấy giờ tuân thủ nghiêm ngặt những quy định mà chính quyền phong kiến đã đề ra: “Vua chúa không cho phép những thần dân của mình xây nhà cao, vì sợ rằng họ có thể gây mưu hại Tất cả các nhà cửa đều phải xây thấp, ngoại trừ các cung điện, và nếu ai muốn sống thì đều phải lánh trốn khỏi đường phố mà đức vua

cưỡi voi hoặc ngồi kiệu đi qua” [31, tr.234]

Chúng ta thấy nhận xét đó cũng phù hợp với điều quy định về đẳng cấp

đã được san định thành văn vần lưu truyền trong dân gian:

Dân phường nhà giáp đường quan Không được làm gác trông ngang ra đường

Có cần làm chỗ chứa hàng Chiều cao không được cao bằng kiệu quan [30, tr.48]

Bên cạnh những ngôi nhà được làm bằng gỗ hoặc bằng tre nứa, trong thời kỳ này cũng đã xuất hiện một số nhà làm bằng gạch Tuy nhiên số lượng những ngôi nhà này rất ít Một vài nhà gạch trong số này chính là các thương điếm của người nước ngoài Sự tồn tại phổ biến của những ngôi nhà tranh

Trang 20

vách đất đã đưa tới một nguy cơ thường trực giữa kinh thành náo nhiệt, đó là hỏa hoạn Cha Baldinotli khi đến Đàng ngoài vào thế kỷ XVII, đã đề cập đến những vụ hỏa hoạn này trong những ghi chép của mình: “ nhà cửa được dựng bằng những cây sậy ở trong xứ, to như những cây gỗ mà người ta gọi là tre Những ngôi nhà đó lợp rơm rạ và không có cửa sổ Trong thành phố có những ao vũng nước lớn cho phép dập tắt nhanh chóng ngọn lửa khi bén cháy vào nhà Có những vụ hỏa hoạn thiêu cháy đến 5,6 nghìn nóc nhà, nhưng sau

đó người ta dựng lại nhà cửa sau độ 4, 5 ngày” [31, tr.67]

Chính điều này đã dẫn đến khi xây dựng những ngôi nhà tranh, cư dân không quên sáng tạo thêm những công cụ để phòng chống hỏa hoạn: “Phần lớn những nhà đều có một cái sân hoặc khu sau nhà Trong mỗi sân người ta trông thấy một kiến trúc nhỏ xây vòm giống như một cái lò cao chừng sáu bộ (=1,8m), cửa mở sát mặt đất Cái khám đó xây bằng gạch từ đỉnh tới đáy, bên ngoài lại trát dầy một lớp bùn đất Nếu nhà nào thiếu sân, thì họ xây loại khám

lò đó ngay ở trong giữa nhà nhưng nhỏ hơn và hầu như chẳng có nhà nào trong thành phố lại không có một cái khám lò như vậy Công dụng của chiếc khám xây này là đưa vào đó những đồ hàng trọng yếu nhất mỗi khi xảy ra đám cháy,

vì những ngôi nhà tranh này rất dễ bị bén lửa, đặc biệt trong những mùa hanh khô Hỏa hoạn đã thiêu hủy nhiều ngôi nhà trong chốc lát, đến nỗi họ thường chỉ đủ thời gian để bảo quản những hàng hóa của họ trong những khám lò nóc vòm đỏ, mặc dù họ cũng ở ngay sát gần đó Vì mọi người đều có sáng kiến đó, nên chính quyền đã nghiêm cẩn ra lệnh cho mọi nhà phải có những phương tiện phòng cháy chữa cháy, không để ngọn lửa lan rộng ra chung quanh Cứ mỗi khi đến mùa khô, mọi nhà đều phải đặt một vại nước lớn bên trên nóc nhà, sẵn sàng kéo đổ xuống mỗi khi cần thiết Ngoài ra, mọi người phải có sẵn một cây sào dài, ở đầu buộc một chiếc thúng hay một cái gầu để múc nước từ những ngòi rãnh tưới lên những ngôi nhà Nhưng khi ngọn lửa đã bốc cháy quá to, thì

cả hai cách thức trên đều trở thành vô hiệu, lúc đó họ bèn cắt những mối buộc

Trang 21

của lớp mái tranh, để chúng rơi từ những rui kèo xuống đất một cách tương đối

ít khó khăn Vì mái nhà được lợp bởi nhiều mảng tranh kết với nhau ở một vài chỗ buộc nên việc tháo dỡ cũng dễ Nếu có mảng mái cháy nào rơi lên trên hoặc gần cái khám lò trong chứa đựng hàng hóa, thì họ cũng dễ kéo ra chỗ khác Bằng cách đó những nhà bên cạnh có thể nhanh chóng tháo dỡ mái nhà trước khi ngọn lửa lan bén tới và những tấm mái tranh có thể mang đi xa hoặc

ít nhất cũng để nó tự cháy một mình ở một chỗ riêng Để dùng cho mục đích

đó, ngôi nhà được lệnh phải để một cây sào tre dài trước cửa có móc câu liêm ở đầu để dỡ mái tranh nhà Nếu người nào bị phát hiện không có vại nước trên nóc nhà, cái cần gầu và chiếc sào có câu liêm ở trước cửa họ sẽ bị trừng phạt

nặng nề vì tội chểnh mảng” [31, tr.226-227]

Như vậy, trong các thế kỷ XVII – XVIII, quang cảnh phố phường Hà Nội đặc biệt là khu buôn bán phía đông rất nhộn nhịp đông vui, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của kinh thành Bước sang thế kỷ XIX, từ địa vị trước đây là kinh đô của cả nước, nay rút lại về mặt hành chính còn là hai huyện của một tỉnh nên Hà Nội không còn được coi như một biệt khu độc lập nữa Do đó, tính chất thành thị trước kia nay cũng bị pha loãng đi rất nhiều Ảnh hưởng của nông thôn, nếu trước đây đã có ở một mức độ nhất định thì nay càng có điều kiện xâm nhập ồ ạt vào phố phường Hà Nội, tạo nên một sự hòa đồng đáng kể giữa phương thức sinh hoạt và quang cảnh của các phố phường Thăng Long cũ với các vùng phụ cận chung quanh [30, tr.55-56] Điều này có thể thấy rõ khi chúng ta tìm hiểu cảnh quan tự nhiên của phố phường Hà Nội giai đoạn này

Vào đầu thế kỷ XIX, các con phố của Hà Nội lúc bấy giờ đều thuộc về

1 hoặc 2-3 đơn vị hành chính thôn/phường Ví như phố hàng Gai nằm trọn vẹn trong phường Diên Hưng thuộc tổng Đông Thọ, hoặc phố hàng Khoai một phần thuộc thôn Huyền Thiên, một phần thuộc thôn Vĩnh Trù của tổng

Trang 22

Đồng Xuân Chính vì thế nếu khai thác nguồn tư liệu địa bạ chúng ta hoàn toàn có thể phác họa cảnh quan tự nhiên của phố phường Hà Nội

Khảo sát tư liệu địa bạ, có thể thấy một nét nổi bật trong cảnh quan tự nhiên khu phố cổ Hà Nội chính là mật độ dày đặc của những ao, hồ, sông, ngòi Có thể kể tên các hồ ao trong khu vực này là: hồ Hàng Cân, Hàng Bồ,

hồ ở sau Hàng Thiếc, Hàng Quạt, hồ ở sau Hàng Bông, Hàng Hòm, hồ Hàng Than, hồ vây quanh đền Huyền Thiên ở Hàng Khoai… Các hồ ao trong khu vực phần lớn đều có diện tích nhỏ Điều này hoàn toàn đúng với những nhận định về Hà Nội là một thành phố sông hồ [68, tr.132]

Khai thác tư liệu địa bạ, một điều không thể không chú ý tới là những cột mốc, những vật làm giới hạn địa giới của các đơn vị hành chính Bởi lẽ đây chính là một kênh thông tin phản ánh phần nào quang cảnh tự nhiên của phố phường Hà Nội thời kỳ này Các vật dùng làm ranh giới nhiều nhất là: thành Đại La, quan lộ, đường lớn, đường nhỏ, ao hồ, sông ngòi, nhà cửa dân cư… Thậm chí những hàng rào tre, bờ tre, tre xanh vẫn còn là giới hạn của không ít thôn, phường Ví dụ: giáp giới của thôn Cựu Lâu tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương như sau :

Đông giáp quan tang thổ cùng chân thành Đại La và quan hồ Hữu Vọng cùng quan lộ, đối diện với xưởng đúc tiền, lấy quan lộ làm giới, lại một đoạn giáp quan lộ, đối diện với địa phận thôn Hồi Mỹ tổng Kim Hoa, cùng lấy nửa đường làm giới

Tây giáp địa phận thôn Vũ Thạch tổng Kim Hoa cùng quan lộ, đối diện với dân cư thôn ấy, cùng lấy nửa đường làm giới, lại giáp xưởng đúc tiền cùng địa phận thôn Vọng Hà và ruộng tịch điền, ruộng mạ, công thổ thôn Hồi

Mỹ tổng Kim Hoa cùng công thổ thôn Yên Trung Thượng tổng Vĩnh Xương, cùng lấy cây gạo làm giới

Nam giáp hồ Hữu Vọng và địa phận thôn Vọng Đức tổng Thanh Nhàn cùng quan lộ, đối diện với thôn ấy và địa phận thôn Hồi Mỹ, cùng lấy nửa

Trang 23

đường làm giới, lại giáp quan lộ và địa phận thôn Vũ Thạch, lấy bờ rào của dân cư bản thôn làm giới, lại giáp quan hồ phường Phục Cổ cùng quan tang thổ và ruộng tịch điền, ruộng mạ, cùng lấy cây gạo làm giới

Bắc giáp chân thành Đại La và địa phận thôn Vũ Thạch tổng Kim Hoa, lấy bờ rào của dân cư bản thôn làm giới, lại giáp công thổ thôn Vọng Hà bản tổng, lấy cây gạo làm giới, lại giáp dân cư thôn Yên Trung Thượng tổng Vĩnh Xương và quan lộ, đối diện với địa phận công thổ thôn ấy và ruộng tịch điền, ruộng mạ, cùng lấy quan lộ làm giới [41, tr.57]

Sự tồn tại của những vật làm giáp giới đó như là chứng chỉ cảnh quan

“làng trong phố” ở Thăng Long đầu thế kỷ XIX [68, tr.135]

Không chỉ được phác họa thông qua những nghiên cứu trên cơ sở nguồn tư liệu địa bạ, diện mạo phố phường Hà Nội thế kỷ XIX từng bước được hiển hiện thông qua những ghi chép của những người châu Âu từng có thời gian sống và làm việc tại đây

Những người Hoa ở vùng ven biển phía nam Trung Hoa, rất thạo nghề buôn bán và đi biển, đã tràn sang nhiều đô thị ở Đông Nam Á từ thế kỷ XVII, trong đó có Thăng Long - Kẻ Chợ Thế kỷ XIX, triều đình Huế thi hành chính sách ngoại giao lấy lòng nhà Thanh, ưu ái Hoa kiều, nhiều đợt nhập cư mới của người Hoa lại tràn vào Hà Nội Tuy số dân không nhiều nhưng hầu như

họ nắm tất cả các hoạt động kinh tế chủ yếu của thành phố Họ sống trong những căn nhà gạch đẹp nhất, ở phố khang trang nhất Trong giai đoạn này, quang cảnh phố phường Hà Nội có một sự đối lập rất lớn giữa những khu phố của người An Nam và khu phố Hoa kiều: “Trên khu phố được những Hoa kiều lát đá thì những phố phường của người An Nam như thể một đám rong rêu mọc ký sinh” [31, tr.493] Sở dĩ có thể khẳng định như vậy là vì, trong khi: “Phần lớn những phố Hoa kiều được lát ở khoảng đường bằng những tảng đá cẩm thạch lớn, nguyên thô Như vậy đường phố có thể đi lại được trong những ngày mưa” [31, tr.494] thì những đường phố người An Nam ở

Trang 24

không hề được lát đá “Chỉ cần một cơn mưa nhỏ là bùn lầy ngập ngụa, trong

đó lẫn lộn cả đủ mọi thứ rác rưởi mà dân chúng đã đổ vứt ra ngay giữa đường phố”[31, tr.497]

Các phố khác nhau của Hà Nội lúc bấy giờ được phân cách với nhau bởi những cánh cổng lớn chắn ngang các con phố và được đóng lại khi trời tối Các cổng này cực kỳ vững chắc và người ta bố trí ở phía trên một hành lang nhỏ cho người canh gác Một khi các cổng này đóng lại thì không thể nào vào được các phố bởi lẽ: “Các cổng phân giới các phường phố cổ có một cách thức đóng cửa rất độc đáo: một bức tường đá được xây ngang từ đầu này tới đầu kia của con phố; trong bức tường này trổ một cửa lớn hình chữ nhật được đóng khung vững chãi và được đóng bằng bốn cây đà gỗ tạo thành khung vuông Những cây đà cả phía trên và dưới của khung này được khoan

lỗ theo khoảng cách đều nhau để tra vào từ hai đầu một loạt những thanh gỗ tròn dựng song song với nhau Những lỗ phía trên được khoan rất sâu, đến mức người ta có thể nâng từng thanh gỗ từ dưới lên cao, đủ để nhấc đầu phía dưới của nó và từ đó mở ra một lối đi Hệ thống này cho phép mở cửa hết cỡ, bằng cách nâng hết các thanh gỗ, hoặc chỉ hé ra một lối đi nhỏ bằng cách đơn giản chỉ nâng lên một hoặc hai thanh gỗ”[31, tr.616]

Những cổng phố ở Hà Nội lúc bấy giờ như là một hình ảnh thu nhỏ của cổng làng - một công trình tự vệ mang phong vị của làng quê ở giữa chốn đô thành Cổng phố mang tính chất khép kín, riêng tư, ôm ấp ở trong nó một không gian đặc thù [68, tr.140]

Kiến trúc nhà cửa của phố phường Hà Nội thời kỳ này cũng rất đặc thù:

“Những căn nhà được xây dựng không đều, mỗi một nhà theo một đường chỉ giới khác nhau, đã tạo nên con phố một dãy nối tiếp những góc lồi lõm” [31, tr.497] Những ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà ở - cửa hàng với mái nhà được lợp ngói hay rơm rạ Loại nhà này chia thành hai phần có hai chức năng khác nhau: Gian ngoài, giáp mặt phố dùng làm cửa hàng còn những gian bên

Trang 25

trong là nhà ở có một đặc điểm là mặt tiền hẹp và chạy dài vào trong Loại nhà này được chia thành nhiều phòng, thường có một lối đi hẹp và dài, giữa các phần thường có một hay nhiều khoảng sân nhỏ để hút gió trời và ánh sáng cho các phòng chính, tuy nhiên các phòng này thường vẫn rất tối

Vì tận dụng ngôi nhà vừa để ở, vừa làm cửa hàng nên những cửa hiệu ở

Hà Nội lúc bấy giờ không có gian trưng bày hàng rực rỡ như những cửa hàng

ở châu Âu Cửa hiệu chỉ là “Những mái tranh sà xuống đất thấp Mặt trên căn nhà trông ra đường phố thường chỉ là một tấm khung liếp cơ động, buộc ở bên trên và người ta nâng nó lên vào ban ngày, giữ nó nằm nghiêng nhờ vào 2 cái gậy chống Chính ở dưới túp lều ngẫu hứng đó, vừa để trú mưa đồng thời tránh nắng, mà người bán hàng bày biện đồ hàng của mình” [31, tr.497 - 498] Đây là hình ảnh phố biến trên các con phố ở Hà Nội thời kỳ này

Thông qua những nét phác họa trên, có thể thấy trước khi người Pháp đặt chân tới Hà Nội, thành phố vẫn chưa có bước chuyển mình theo hướng đô thị hiện đại Phố phường Hà Nội vẫn mang những nét đặc trưng của người Hoa và người Việt được quy hoạch một cách tự phát mà không có sự định hướng của nhà nước

1.2.Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi trước thời Pháp thuộc

1.2.1.Vài nét sơ lược về tuyến phố

Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi ngày nay là một tuyến phố đẹp

và náo nhiệt thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội Theo trục đông – tây, bắt đầu từ đường Trần Quang Khải đến phố Hàng Khay là phố Tràng Tiền dài 708m Tiếp đó là phố Hàng Khay - con phố nối liền phố Tràng Tiền với phố Tràng Thi, dài 160m Bắt đầu từ phố Hàng Khay đến đầu phố Nguyễn Thái Học – đường Điện Biên Phủ (cuối) là phố Tràng Thi dài 860m

Trước thời Pháp thuộc, tuyến phố chỉ là sự ghép nối của những đoạn đường mòn thuộc đất các thôn làng ở huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức

Trang 26

Tên gọi mỗi phố do dân chúng tự đặt ra và đã quen gọi từ lâu gắn với những đặc điểm nổi bật trên con phố: gọi là phố Tràng Thi vì phố đi qua khu vực Trường Thi Hà Nội thế kỷ XIX; gọi là Hàng Khay vì có lẽ lúc đầu việc khảm trai – nghề chính của cư dân sống trên phố chủ yếu làm trên khay; gọi là Tràng Tiền vì có một xưởng đúc tiền lớn được mở tại đây vào năm 1803 và hoạt động cho đến khi bị bắt bỏ vào năm 1887

Sau khi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp (1888), tuyến phố bắt đầu có tên chính thức Thời kỳ đầu thuộc Pháp, phố Tràng Thi được gọi là Rue Camp des Lettrés; phố Hàng Khay và Tràng Tiền (đoạn từ quảng trường Nhà hát lớn đến hết phố Hàng Khay ngày nay) được gọi Rue Incrusteurs3; một đoạn phố Tràng Tiền (đoạn từ quảng trường Nhà hát lớn đến đường Trần Quang Khải) được gọi là Rue de France Sau đó, phố Camp des Lettrés được đổi lại là Rue Borgnis Desbordes còn phố Incrusteurs được đặt tên là Rue Paul Bert4 Cách mạng tháng Tám thành công, Hà Nội từ trung tâm đầu não của thực dân Pháp đã trở thành trung tâm cách mạng của cả nước, thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Ngày 1-12-1945, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Trần Duy Hưng đã ký duyệt tờ trình về việc đặt tên cho các phố ở Hà Nội Lần đầu tiên, việc đặt tên phố được quy định theo những nguyên tắc thống nhất của Nhà nước Việt Nam mới, trong đó nguyên tắc đầu tiên là phải giữ nguyên tên cũ của Hà Nội 36 phố phường Chính vì vậy, một loạt tên phố gần gũi, thân thương với người dân thủ đô như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Thiếc, Hàng Mắm, Hàng Đường đã được trở lại với tên gọi từ

4 Tên phố này đặt theo tên của Tổng trú sứ Trung - Bắc kỳ Paul Bert - Người đã có những đóng góp lớn trong việc phối hợp với chính quyền Hà Nội hoàn thành công việc quy hoạch và chỉnh trang đô thị, tạo nên một khu phố Âu kiểu mẫu đầu tiên ở phía đông và nam hồ Hoàn Kiếm Paul Bert qua đời ngày 11-11-1886 ở tuổi

53 vì bệnh tật

Trang 27

ngàn xưa, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội Cũng theo văn bản này, phố Borgnis Desbordes được đổi là phố Tràng Thi, phố Paul Bert được tách ra làm hai phố gọi là phố Tràng Tiền và Hàng Khay, đoạn phố Rue de France được đổi là phố Đồn Thủy

Thời tạm chiếm, theo Nghị định ngày 28-2-1951 của Thị trưởng thành phố Hà Nội Thẩm Hoàng Tín về việc đặt tên mới cho các phố, phố Tràng Thi được đổi là phố Mỹ quốc; một đoạn phố Paul Bert và phố Đồn Thủy được đổi là phố Pháp quốc; một đoạn phố Paul Bert (đoạn từ ngã tư Đồng Khánh – phố Hàng Bài đến Ty Cảnh binh – Công an quận Hoàn Kiếm, tức phố Hàng Khay cũ) được đổi là phố Anh quốc Từ ngày giải phóng thủ đô, ta xóa bỏ các tên này, khôi phục lại các tên cũ Phố Mỹ quốc được đổi là phố Tràng Thi, phố Anh quốc được gọi là phố Hàng Khay, phố Pháp quốc đổi là phố Tràng Tiền Các tên gọi này được giữ nguyên cho đến ngày nay

1.2.2.Cảnh quan chung của tuyến phố

Ở phần trên chúng ta đã phác họa một số nét cơ bản về diện mạo phố phường Hà Nội trước thời kỳ Pháp thuộc Vậy trong bối cảnh chung đó, tuyến đường Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi hiện lên như thế nào?

Đường Hàng Khay – Tràng Tiền vốn có sẵn từ thế kỷ XVI khi Chúa Trịnh cho đắp một con đường từ cửa Tuyên Võ trước Phủ Chúa ra đến bờ sông Hồng, ngăn đôi hồ Hoàn Kiếm thành hồ Tả Vọng và hồ Hữu Vọng Con đường Chúa ngự được lát đá tảng để voi ngựa có thể đi lại được mỗi khi nhà Chúa ra lầu Ngũ Long ở cạnh cửa ô Tây Long Thế nhưng đến năm 1788, khi Phủ Chúa cũng như lầu Ngũ Long không còn, thì con đường lát đá tảng bị người ta cạy ra

để làm việc khác, cỏ mọc làm che lấp dần, lối đi chỉ còn là con đường mòn bình thường lầy lội về mùa mưa

Được hình thành muộn hơn đường Hàng Khay - Tràng Tiền, đường Tràng Thi là một con đường cũ có từ đầu thế kỷ XIX khi lập ra Trường thi

Trang 28

Hương Hà Nội ở phía đông nam thành Thăng Long trên địa điểm tại giữa con đường này Là những con phố từng tồn tại thời xưa cũ nên quang cảnh tuyến phố cũng giống như quang cảnh chung của đường phố Hà Nội lúc bấy giờ William S.Logan đã miêu tả trục tuyến này vào thời điểm đầu những năm tám mươi của thế kỷ XIX là: “Một con đường ngoằn nghèo dài 1,5km, dựng liền sát với cổng thành nhưng chỉ với một cụm rải rác các ngôi nhà giữa những ruộng lúa về phía Tràng Thi Ở phía hồ Hoàn Kiếm, sự phát triển của khu nhà ở liên tục hơn, nhưng ruộng lúa vẫn có đầy ở bên trong các khối phố” [87, tr.121-122]

Hồi ký của Bonnal – trú sứ đầu tiên ở Hà Nội – càng khẳng định tính chính xác của những mô tả trên khi ông đưa ra những nhận xét về phố Thợ Khảm lúc bấy giờ: “Đường phố đó hẹp và lầy lội, hai bên có những túp lều tranh, là nơi ở của đám dân chúng khốn khổ bao gồm những cửa hiệu nhỏ của người dân bản xứ và những phu phen” [31, tr.539]

Xung quanh tuyến phố tồn tại rất nhiều các nhà tranh vách đất “thấp thỏi và bẩn thỉu” [15, tr.42] che lấp tầm nhìn trông ra hồ Hoàn Kiếm Kiến trúc những ngôi nhà này vẫn là kiểu nhà ống truyền thống “ có nhiều những gian hàng nhỏ Những gian tầng trệt, khá bẩn, trần trụi và xấu xí Một dãy những căn phòng hẹp, bị cắt quãng bởi những mảnh sân, ở đó nước mưa chảy xuống đã làm mốc rêu những phiến gạch, kéo dài từ mặt tiền nhà đến trong vườn, hoặc đến bờ hồ, xa, rất xa Những gian buồng và những kho hàng ở bên trong nhà, những xưởng thợ ở phía bên ngoài, người qua lại đều nhìn thấy rõ” [31, tr.536]

Như vậy, trước khi có những hoạt động xây dựng của người Pháp, tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi vẫn mang đặc điểm truyền thống Việt Nam Đường phố hẹp, hai bên là những ngôi nhà vừa ở vừa sản xuất và buôn bán với các mặt hàng gỗ khảm xà cừ độc đáo Đó là kiểu nhà ở

đô thị Hà Nội thế kỷ XIX, nhà một tầng lợp tranh xen lẫn nhà gạch phát triển

Trang 29

liên tiếp theo chiều sâu với các sân trong Điều này hoàn toàn tương đồng với cảnh quan chung của phố phường Hà Nội lúc bấy giờ

Tiểu kết chương 1

Trước khi người Pháp đặt chân tới Việt Nam, Hà Nội là một đô thị phong kiến Cấu trúc đô thị Hà Nội mang những đặc trưng điển hình của một thành phố nông nghiệp truyền thống Đông Nam Á Đó là sự hòa trộn giữa làng xã trong không gian đô thị, tính gắn kết cộng đồng trong đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh tế nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp [5, tr.12] Hai thành phần chính tạo nên cấu trúc không gian đô thị, chi phối sự phát triển của đô thị Hà Nội trong lịch sử chính là khu thành nội và khu thị dân buôn bán - thường được gọi là “36 phố phường”

Toàn bộ khu vực 36 phố phường tập trung nhiều phường hội thủ công, mỗi phường sản xuất một mặt hàng riêng, chiếm một hoặc vài phố Cách tổ chức phường đô thị hoàn toàn khép kín, các phố được ngăn cách với nhau bởi những chiếc cổng lớn, mang phong vị của một ngôi làng truyền thống Mạng lưới đường sá trong khu vực nhỏ hẹp, đa phần các phố là đường đất, không có vỉa hè, thường lầy lội lúc trời mưa và bụi bặm khi trời nắng Ở các phố Hoa kiều, đường sá có khá hơn nhưng nhìn chung vẫn chưa được cải thiện:

“Những con phố thường là khá hẹp, được lát gạch theo kiểu Trung Quốc, nghĩa là chỉ được lát ở mặt lòng đường trên một bề rộng khoảng chừng 1m và những viên gạch vuông thì phần lớn đã bị vỡ nứt hoặc xô lệch Dọc theo hai bên đường, thực sự là những vũng nước đọng hôi thối hoặc không có lối thoát” [32, tr.62] Hai bên đường những mái tranh lụp xụp xuất hiện dày đặc không tuân theo bất kỳ một hàng lối và quy định nào đan xen với những ngôi nhà ống xây gạch có mặt tiền hẹp, lòng nhà sâu Sự phát triển theo dạng tự nhiên trong hướng của các tuyến phố cùng các ngôi nhà bên đường khiến cho hình thái cấu trúc đô thị của khu vực có đặc điểm tự do, không đồng đều Đây

là yếu tố tạo nên nét đặc trưng đậm đà và riêng biệt cho phố phường Hà Nội

Trang 30

nói chung và tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi nói riêng Đúng như học giả Nguyễn Quốc Thông từng nhận xét: “Chính cấu trúc đô thị không đồng đều, những dãy phố ngắn và hẹp, những ngôi nhà thấp nhộn nhịp dân cư đến từ ngoại ô và những vùng quê xa xôi đã mang lại cho Hà Nội một dáng vẻ đặc biệt về diện mạo đô thị” [71, tr.21-22]

Trang 31

Chương 2:

PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 1873-1920

(Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi)

2.1.Hệ thống chính quyền thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc

Năm 1867, sau khi đánh chiếm được toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh, cùng với việc thiết lập hệ thống chính quyền cai trị ở Nam Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu nhòm ngó ra Bắc Kỳ Những phát đại bác đầu tiên bắn vào Cửa Bắc thành

Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 1873 đã mở đầu cho kế hoạch xâm chiếm Hà Nội Trong lần đụng độ này, mặc dù quân dân ta đã chiến đấu rất dũng cảm nhưng do chênh lệch lực lượng, thành Hà Nội đã rơi vào tay Pháp Nhằm vãn hồi tình thế, nhà Nguyễn đã ký với Pháp hiệp ước 1874 nhượng cho Pháp một khu đất rộng 2,5ha ở Hà Nội để xây dựng chỗ ở cho Lãnh sự Pháp với một lực lượng lính bảo vệ không quá 100 người Sự lấn dần của Pháp cộng với sự bất lực của triều đình Huế đã dẫn đến diện tích khu nhượng địa được mở rộng tới 18,5ha Ngày 28-8-1875, Pháp bắt đầu đặt lãnh sự quán tại Hà Nội Như vậy, về mặt pháp lý, mặc dù Bắc Kỳ chưa chính thức trở thành đất “bảo hộ” của Pháp, nhưng trên thực tế, Pháp đã đặt được chân vào Hà Nội, quá trình ảnh hưởng của Pháp ở Hà Nội chính thức bắt đầu

Mặc dù buộc phải trao trả thành Hà Nội cho triều đình Huế sau khi đạt được những thỏa thuận có lợi, nhưng tham vọng của Pháp không dừng lại ở đó Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ, Pháp lại xúc tiến kế hoạch xâm lược Bắc Kỳ lần 2 Ngày 25 tháng 3 năm 1882, quân Pháp do Henri Riviere chỉ huy đem theo 2 chiến hạm cùng 300 quân ra Bắc

Kỳ và ngày 3 tháng 4 năm 1882 bất ngờ đổ bộ lên Hà Nội Đến trưa ngày

25 tháng 4 năm 1882, quân Pháp đã chiếm được thành Hà Nội Sau đó, với các hiệp ước Harmand và Patenôtre, Pháp thực sự chiếm lĩnh Hà Nội đồng thời làm chủ hoàn toàn Việt Nam và Đông Dương

Trang 32

Ngay sau khi làm chủ được Hà Nội, thực dân Pháp rất chú trọng đến việc xây dựng cho Hà Nội một bộ máy cai trị về mặt hành chính Ở cấp thành phố, bộ máy đó bao gồm Hội đồng thành phố và Tòa Đốc lý thành phố Ở cấp cơ sở là hộ và phố

Hội đồng Thành phố

Ngày 19-7-1888 Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập tại

Hà Nội một Hội đồng thành phố, đứng đầu là một Đốc lý kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành phố và và 16 ủy viên (lúc đầu là 12 người Pháp, 2 người Việt, 2 người Hoa, sau là 4 người Việt, không còn người Hoa tham gia nữa) Các uỷ viên của Hội đồng Thành phố đều do Tổng Trú sứ bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 3 năm Giúp việc cho Đốc lý còn có hai phó Đốc lý và Toà Đốc lý

Cách tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thành phố được Nghị định ngày 19-7-1888 quy định: Hội đồng Thành phố họp thường kỳ mỗi năm bốn lần, vào đầu các tháng hai, năm, tám và mười một, mỗi phiên họp kéo dài 10 ngày, các phiên họp bất thường sẽ được tổ chức nếu có đề nghị của từ 3 uỷ viên trở lên Hội đồng Thành phố được quyền đưa ra các ý kiến về các vấn đề

có liên quan đến việc quy hoạch các đường lớn trong nội thành; việc sửa đổi giới hạn địa giới hành chính Thành phố và cuối cùng là tất cả các vấn đề được quyết định bởi các quy tắc và nghị định của Thành phố

Hội đồng Thành phố Hà Nội đã được hoàn thiện thêm về tổ chức bằng một loạt các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương và các Sắc lệnh của Tổng thống Pháp trong những năm tiếp theo Tổ chức này ngừng hoạt động sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945

Trang 33

31-12-1888 của Công sứ - Đốc lý Thành phố với chức năng tương đương với các Toà Công sứ các tỉnh Thời gian đầu, tổ chức của Toà Đốc lý chỉ bao gồm một số phòng, ban sau: Văn phòng, Phòng Kế toán, Phòng Cảnh sát, Phòng Quản lý giao thông đường bộ, Phòng Địa chính Về sau, tổ chức và chức năng của các phòng, ban thuộc Toà Đốc lý Thành phố mới được bổ sung và sửa đổi lại cho phù hợp với sự phát triển về địa giới hành chính và đô thị hoá của Thành phố [20, tr.34-41]

Hộ trưởng và Phố trưởng

Cấp cơ sở ở thành phố Hà Nội là các khu – hộ và phố, cùng với đó là

hệ thống các hộ trưởng (trưởng khu phố) và phố trưởng người Việt, do chính quyền Pháp sắp đặt Trong con mắt của người Pháp, hệ thống này, đặc biệt là các Phố trưởng được đánh giá là có vai trò hữu hiệu Một Nghị định năm

1897 quy định chung chung, mập mờ về nhiệm vụ các Trưởng phố là: dàn

xếp, hòa giải những xích mích, tranh chấp giữa những người Việt, để chính quyền thuộc địa bớt đi một nhiệm vụ mà họ không thể nào làm được Các

Nghị định những năm sau đó quy định cụ thể hơn, theo đó, những viên chức này có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo Đốc lý những sự vụ liên quan đến việc giữ gìn trật tự chung; lập danh sách những đối tượng đóng thuế, theo dõi tình hình đóng thuế của những người đã thay đổi nơi cư trú; phối hợp với các viên chức chuyên môn của thành phố trong thực thi các quy định về vệ sinh thành phố; có quyền nhận và chứng thực một số giấy tờ Ngoài ra, khi được cấp trên yêu cầu, họ còn phải tiến hành điều tra, xác minh những sự việc đối tượng thuộc phạm vi khu vực mình quản lý [61, tr.170-171]

Với việc thiết lập bộ máy hành chính mới, thực dân Pháp có được một công cụ đắc lực để triển khai những dự án quy hoạch, chỉnh trang lại Hà Nội trong những năm tiếp theo Trong bối cảnh ấy, đô thị Hà Nội nói chung và tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi nói riêng có những chuyển biến quan trọng về quy hoạch và diện mạo

Trang 34

2.2 Tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi trong những năm 1873-1888

Mở tuyến đường chiến lược nối khu Nhượng địa và thành Hà Nội

Khi mới chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã tiến hành công việc quy hoạch, xây dựng một số tuyến phố Trước hết, nhà cầm quyền cho mở một trục phố mới từ cổng khu nhượng địa giáp bờ sông tới cửa Nam thành Hà Nội trong đó có quân đội Pháp đồn trú Trục phố đó chính là tuyến đường Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi ngày nay Có hai lý do khiến chính quyền thực dân lựa chọn mở tuyến đường này:

Thứ nhất, dựa trên những nhận định về vị trí mang tính chiến lược của tuyến phố Đầu năm 1883, đội quân viễn chinh của Henri Riviere ở Hà Nội chỉ đóng ở hai địa điểm: ở phía Đông là khu nhượng địa và ở phía Tây là trong thành Hà Nội Mọi liên lạc thường xuyên giữa hai địa điểm bị cắt đứt từ ngày 19-5-1883, ngày Riviere tử trận tới ngày 3-6-1883, ngày lực lượng trong thành Hà Nội được tăng viện lên tới 500 người Ngày 4-6-1883, chỉ huy trưởng Morel – Beaulieu gửi thư cho Thống đốc Nam Kỳ cho biết: “Khu nhượng địa ngổn ngang đủ thứ, hiện nay rất khó xây dựng Toàn bộ phần phía Tây ngập bùn sau mỗi trận mưa, những chỗ giữa các công trình và taluy cọc thực sự biến thành đầm lầy Khu thành Hà Nội sẽ là tâm điểm chúng ta, trong đó khu nhượng địa sẽ chỉ là lối ra sông để nhận tiếp tế” [81, tr.F] Trong những điều kiện đó, người Pháp đã nhận ra tầm quan trọng của tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi - con đường trực tiếp nối nhượng địa với thành Hà Nội và khu phố buôn bán Chính vì thế, người Pháp đã ra sức cải tạo, quy hoạch tuyến phố này và biến nó trở thành trục chính của một khu phố Pháp sẽ nảy sinh sau đó

Vị trí địa lý mang tính chiến lược của tuyến phố càng được André

Masson khẳng định trong Hà Nội giai đoạn 1873-1888: “Không gì có thể

báo trước một phố nằm ở ngoại ô toàn đầm lầy như phố Hàng Khảm có ngày

Trang 35

lại trở thành một trung tâm náo nhiệt của Hà Nội Khu phố kiểu Pháp chỉ này sinh từ con đường đó mà không ở nơi nào khác đơn giản vì con đường này trực tiếp nối khu nhượng địa với thành Hà Nội và với khu phố buôn bán” [1, tr.69-70]

Thứ hai, từ việc quy hoạch và cải tạo tuyến đường Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi, chính quyền thực dân có thể phát triển và mở rộng khu nhượng địa ra bên ngoài thành phố mới chinh phục đồng thời có điều kiện để phô trương về cái gọi là “sứ mạng khai hóa” của nền văn minh Pháp quốc đối với những người bản xứ

Năm 1883, người Pháp cho mở con đường đầu tiên là đường Paul Bert Những quy hoạch của chính quyền thực dân đã làm bộ mặt tuyến phố có những thay đổi mạnh mẽ Từ một “con đường rộng chưa tới 3m đầy những hố nước hôi thối” (năm 1883), năm sau phố đã được “mở rộng như một đại lộ” [31, tr.515] và đến năm 1885 nó đã trở thành “một phố được trải đá dăm khá tốt, rộng từ 16 đến 18m” [32, tr.66] Không chỉ quan tâm đến việc lát đá ở lòng đường, chính quyền thuộc địa còn cho lát vỉa hè và quy hoạch không gian hai bên đường phố Ngày 15-1-1887, một khoản tín dụng 600 franc được chấp thuận cho phó công sứ Hà Nội để lát vỉa hè phố Paul Bert với mép bằng gạch [1, tr.137] Và sau đó ở hai bên đường, người ta cho trồng những cây phượng vĩ hoa đỏ rực Quang cảnh này đã được Dr.Hocquard ghi lại rất rõ nét: “Khi vượt qua cổng, chúng tôi thấy ngay một đại lộ lớn trồng nhiều cây

và hai bên đường là những cái nhà lợp tranh: Đó là phố Hàng Khảm (Thợ Khảm)” [31, tr.598] Nhưng sau đó các chủ hiệu đề nghị đẵn bỏ đi để lấy ánh sáng, không khí đỡ ẩm thấp và bớt muỗi về mùa mưa và cũng là để làm mất cái nạn ve sầu kêu làm bọn Tây khó ngủ [82, tr.663]

Sau đường Paul Bert, chính quyền thuộc địa tiếp tục cho cải tạo và quy hoạch đường Tràng Thi Vào năm 1884, nếu như Tràng Tiền – Hàng Khay đã

là một con đường được mở rộng thì đường Tràng Thi chưa phải là một đường

Trang 36

phố Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi đọc những dòng hồi ký của một sĩ quan Pháp: “Ra khỏi thành phố (tức là đi hết phố Hàng Khay) thì đến con đường đầy bóng râm mát, bên trái là đồng ruộng, bên phải là lũy tre dày trong

có tiếng sẻ chiếp chiếp Lề đường cành tre rậm và cao ngã xuống tận đầu người qua đường, bên trong lũy tre những cô gái nhìn khách nước ngoài vẻ tò

mò Phía trái con đường, giữa đám ruộng thấp có một khu nền đất chung quanh có tường xây bao bọc khá cao Đó là trường thi Hương Lúc này thì cả khu bỏ hoang tàn và đổ nát, tường nhà vỡ, mái sụt, cỏ mọc khắp nơi ” [82, tr.783] Tuy nhiên, sau năm 1890, diện mạo này đã hoàn toàn biến mất Đường Tràng Thi đã là một đường phố Tây với cái tên Borgnis Desbordes:

“Đường phố thẳng tắp, mặt đường rộng, trải đá và có vỉa hè, hai bên đường trồng những cây bàng lớn soi bóng mát, tối có đèn thắp sáng” [82, tr.784]

Sau khi được cải tạo theo hướng giao thông hiện đại, trục phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi thực sự trở thành trung tâm, xuất phát điểm của hệ thống giao thông kiểu phương Tây ở Hà Nội Sở dĩ có thể khẳng định như vậy, là vì, từ sau tuyến phố này, các phố vuông góc về hai phía với phố Hàng Khay – Tràng Tiền được mở ngay sau đó là Jules Ferry (phố Hàng Trống) nối với Rue Gia Long (phố Bà Triệu), Boulevard Đồng Khánh (phố Hàng Bài) Đây là hệ thống đường phố đầu tiên ở Hà Nội được trang bị kỹ thuật hạ tầng, làm cơ sở cho sự phát triển khu trung tâm hành chính Hà Nội thời thực dân ở phía Đông hồ Hoàn Kiếm

Dỡ bỏ và nghiêm cấm việc làm nhà tranh, xây dựng nhà gạch

Mặc dù đã tiến hành đầu tư cải tạo nhưng tuyến phố có vị trí chiến lược này vẫn làm chính quyền thuộc địa cảm thấy đau đầu vì quang cảnh hai bên đường vẫn đầy ắp những ngôi nhà lá và thiếu hụt những ngôi nhà kiểu châu

Âu Sự tồn tại các khu nhà tranh là một vấn đề rất lớn không chỉ trong quy hoạch tuyến phố nói riêng, đô thị thành phố nói chung mà còn liên quan đến

an toàn trong khu vực Do nhà được làm bằng các vật liệu dễ cháy, lại nằm

Trang 37

chen chúc và san sát nhau nên thường xuyên xảy ra hỏa hoạn, có khi thiêu trụi

cả một dãy phố hàng mấy trăm nóc nhà Trước tình hình đó Phó Công sứ Hà Nội ký Nghị định ngày 17-9-1886 nghiêm cấm xây dựng cũng như sửa chữa các công trình bằng tranh ở khu vực có mặt tiền trên các phố Hàng Khay, Hàng Trống, Hàng Chiếu [16, tr.222] Đến ngày 26/12/1886, Tổng trú sứ Paul Bert lại ký một Nghị định gia hạn đến ngày 1/1/1888, phải dỡ bỏ tất cả các nhà làm bằng tranh ở phố Paul Bert5 Tiếp đó, ngày 16/3/1888 Công sứ Pháp

ở Hà Nội lại ra một Nghị định cấm xây cất những nhà bằng lá cách dưới 15 mét những nhà xây bằng gạch và lợp ngói trên đại lộ Hoàn Kiếm, các bến sông, các phố Tràng Tiền, Hàng Thêu, Ngô Quyền, Nhà Chung, Hàng Bông, Hàng Chiếu, Đường Thành, Hàng Bài, Hàng Cá, Mã Mây, Hàng Buồm và đoạn đầu phố Tràng Thi [72, tr.27]

Chính sự đầu tư cải tạo và tác dụng của những Nghị định được ban hành đã làm quang cảnh nhà cửa xung quanh khu phố cũng có sự thay đổi rõ rệt Nếu như vào năm 1884 hai bên phố Tràng Tiền – Hàng Khay: “là những ngôi nhà tranh, hai hay ba cửa hiệu của người Trung Quốc, rất sạch sẽ và hầu như sang trọng, bắt đầu cho một dãy những gian hàng nhỏ” [31, tr.533], thì sau khi những ngôi nhà tranh trên tuyến phố bị dỡ bỏ, lần lượt thay thế là những nhà gỗ tre lợp tranh lá xen kẽ với một số ít nhà xây gạch bình thường được dựng lên Dần dần dọc đường phố, những nhà hàng của người Pháp mọc lên và họ bắt đầu xây cất nhà gạch có gác thay thế cho nhà gỗ lụp xụp Sự

thay đổi này càng được khẳng định khi tờ Tương lai Bắc Kỳ miêu tả về những

ngôi nhà trên phố Hàng Khay vào năm 1888: “Chúng ta đang chứng kiến sự đổi thay của khu phố này Khắp nơi, những ngôi nhà gạch lịch sự và những cửa hàng đẹp đẽ đã đang mọc lên trên những mảnh đất mà xưa kia là nơi cư

5 Trong thực tế, Nghị định này đuổi dân nghèo ra khỏi nơi sinh sống của họ, tạo điều kiện cho chính quyền thuộc địa cướp không được một diện tích đất đai đáng kể

Trang 38

trú tập trung của những người An Nam, những ngôi nhà làm mồi cho hỏa hoạn và dịch bệnh” [87, tr.142]

Lúc đầu, chỉ có những cửa hiệu nhỏ như cửa hiệu sản xuất nước có ga, tiệm bánh, tiệm tạp hóa Sau đó, có thêm các quán cà phê (quán cà phê của

bà Beire được mở đầu tiên ở khu phố này vào năm 1883), quán rượu (năm

1885 đã có tới sáu quán rượu ở phố này), một hiệu thợ cạo có bán nước hoa, một cửa hàng dược phẩm (nhà Julien Blanc ở chỗ góc bờ hồ), một phòng đọc sách và cho thuê truyện Tất cả đều là những vật phẩm phục vụ cho đám quan chức Pháp và gia đình, các nhà thực dân tư bản cùng các sĩ quan, binh lính Pháp J.Boissiere mô tả phố Tràng Tiền vào cuối thế kỷ XIX: “Dọc theo phố Paul Bert có những cửa hàng bóng lộn như tiệm cà phê, nhà hàng ăn, như

để cho người du khách mới cặp bến biết được rằng muốn nói gì thì nói, Hà Nội vẫn là một thành phố Pháp Hãy đi qua để phát hiện ra những biển hiệu

“Bazar de Paris” (Chợ phiên Paris) “Aux fabriques de France” (ở các xưởng chế tạo Pháp quốc) Hiệu tạp hóa, cửa hàng thảm, cửa hàng đồ sắt, hiệu thuốc tây, hãng buôn bán hàng thuộc địa, thôi thì đủ thứ” [32, tr.67]

Xây dựng một số công trình công cộng

Mặc dù chưa “bình định” được Bắc Kỳ nhưng ngay từ tháng 10-1875, người Pháp đã chú trọng xây dựng Hà Nội nhằm biến Hà Nội thành một trung tâm chính trị, quân sự ở Bắc Kỳ để nhanh chóng thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa, bắt đầu bằng việc khởi công xây dựng các công trình kiên cố trên khu nhượng địa Các công trình ở khu nhượng địa bao gồm tòa Lãnh sự, sở chỉ huy quân đội, nhà ở cho sĩ quan, trại lính Tất cả các công trình này đều được bao quanh bằng các ụ đất và các hàng rào cọc gỗ Tuy nhiên, một thời gian sau đó, vì cho rằng chúng gây nên những điều bất lợi, làm cách biệt khu nhượng địa với thành phố nên tất cả các cọc gỗ và các ụ đất bao quanh khu nhượng địa đã được dỡ bỏ trong năm 1886 Ngoại trừ Tòa lãnh sự, toàn bộ các ngôi nhà ở đây đều được xây dựng một cách đơn giản theo chủ nghĩa

Trang 39

công năng duy lý Đặc điểm chung của các công trình là mặt bằng hình chữ nhật đơn giản với hành lang rộng bao quanh Vật liệu chủ yếu sử dụng là vật liệu địa phương kết hợp với kết cấu thép nhẹ mang từ Pháp sang

Sau khi làm chủ được Hà Nội và tiến hành chỉnh trang về mặt đường

sá, chính quyền thuộc địa rất quan tâm đến việc quy hoạch không gian xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đặc biệt chú trọng xây dựng khu phố Tây mà trục phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi là trung tâm

Để có đất làm đường và xây dựng khu phố Pháp, vào năm 1886, chính quyền thuộc địa đã phá hủy nhiều ngôi chùa cổ ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm bất chấp những lá đơn khiếu nại của dân chúng trong khu vực Trong đó điển hình là việc phá hủy chùa Phổ Giác Chùa Phổ Giác tục gọi là

chùa Tàu (người Pháp viết Chua Tao) vì ngôi chùa cổ này xưa kia có một Tàu

tượng (chuồng voi) do các tù binh người Chăm trông nom Sau năm 1882, thực dân Pháp chiếm đóng nơi này làm cơ quan tình báo quân sự Năm 1886 -

1887, chùa bị phá dỡ, chuyển về khu Y Miếu cũ thuộc thôn Lương Sử gần Văn Miếu

Không chỉ tiến hành phá hủy các di tích chùa chiền, chính quyền thuộc địa còn cho dỡ bỏ các cửa ô ở Hà Nội Trước năm 1883, lũy đất Đại La vẫn còn đến 15 cửa ô (trước là 16, sau cửa ô Nhân Hòa quãng bệnh viện Quân đội

108 ngày nay đã bị mất, có thể do bị sụp lở xuống sông Hồng) Nhưng sau khi khi Pháp hạ Thành Hà Nội lần thứ 2, các cửa ô đều bị dỡ bỏ (chỉ để lại ô Quan Chưởng do có ý kiến bảo tồn của trường Viễn Đông Bác Cổ), trong đó

có cửa ô Tây Luông ở Tràng Tiền Nếu như trước đây cửa ô này có thể là

“một vòm cuốn uốn cong rộng lớn xây gạch chắc chắn vuông vắn” thì đến năm 1886 nó đã bị phá hủy và được thay bằng một cửa ô mới đơn giản hơn rất nhiều Cửa ô mới này được gọi là cửa Pháp Quốc, ở lối đi vào khu nhượng địa, với 2 cột trụ xây thẳng đứng, trên có đắp hình 2 con lân [32, tr.63]

Trang 40

Từ phần đất chiếm dụng được, chính quyền thực dân đã xây dựng một cụm công trình công sở hành chính - chính trị, thường được gọi là “Bốn Tòa”

ở phía đông nam hồ Hoàn Kiếm Cụm công trình kiến trúc này được xây dựng trong những năm 1886-1887, gồm tòa Đốc lý, Kho bạc, Bưu điện và Phủ Thống sứ, ở 4 góc đối xứng nhau, giữa là vườn hoa Paul Bert với bức tượng của viên quan cai trị này Tiếp đó, chính quyền thuộc địa còn xây dựng một số công trình phục vụ hoạt động quản lý hành chính trên trục phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi Điển hình là công trình Nha Kinh lược Bắc Kỳ Nha Kinh lược Bắc Kỳ bắt đầu được thiết lập trong năm đầu niên hiệu Hàm Nghi (1885) Sự tồn tại của tổ chức này là kết quả của một sự thỏa hiệp nửa vời của hai thế lực trước là đối địch sau thành cấu kết Triều đình Huế muốn thông qua cơ quan này để vớt vát chút quyền lực còn lại của mình ở Bắc Kỳ, còn Pháp thì coi Kinh lược như một công cụ để nắm lấy trong việc bình định và cai trị Bắc Kỳ, qua đó thực hiện âm mưu tách Bắc Kỳ ra khỏi triều đình Huế

Sự thỏa hiệp này được thể hiện rõ nét trong những quy định về quyền hạn của người đứng đầu Nha Kinh lược: Kinh lược Bắc Kỳ có toàn quyền thay mặt triều đình để cai quản Bắc Kỳ; mọi hoạt động của Kinh lược Bắc Kỳ đều phải đặt dưới sự chỉ đạo và giám sát của Thống sứ Bắc Kỳ

Nha Kinh lược Bắc Kỳ bắt đầu được xây dựng từ tháng 7-1886, đến tháng 2-1887 thì hoàn thành Địa điểm được chọn để xây dựng cơ quan này là tại khu đất vốn trước đây là Trường Thi Hà Nội Công trình nằm trên một mảnh đất vuông vắn quay mặt ra ba phố Borgnis Desbordes (Tràng Thi), đại lộ Jauréguiberry (Quang Trung) và đại lộ Rollandes (Hai Bà Trưng) Kiến trúc của dinh Kinh lược được mô tả: “là một tòa nhà lớn, khiêm nhường nhưng được trang trí sang trọng, bên trong có một khoảng sân rộng với một bể cá vàng, hòn non bộ và nhiều chậu hoa Tòa nhà đã được trang trí lộng lẫy nhiều bức màn trướng gấm thêu, hoành phi câu đối và những bản văn khắc thiếp vàng trên những bài vị sơn son đỏ của xứ Bắc Kỳ, những đồ gỗ đẹp, những

Ngày đăng: 28/01/2016, 19:22

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. André Masson (2003), Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Nxb Hải Phòng 2. Trần Huy Bá (1997), Hà Nội có 36 phố phường từ bao giờ?, Xưa vàNay, số 46, tr.39 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Hà Nội giai đoạn 1873-1888", Nxb Hải Phòng 2. Trần Huy Bá (1997), Hà Nội có 36 phố phường từ bao giờ?", Xưa và "Nay
Tác giả: André Masson (2003), Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Nxb Hải Phòng 2. Trần Huy Bá
Nhà XB: Nxb Hải Phòng 2. Trần Huy Bá (1997)
Năm: 1997
3. Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (2002), Di tích lịch sử - văn hóa trong khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Nxb Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Di tích lịch sử - văn hóa trong khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm
Tác giả: Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
Nhà XB: Nxb Hà Nội
Năm: 2002
4. Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (2000), Di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội
Tác giả: Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội
Nhà XB: Nxb Chính trị quốc gia
Năm: 2000
5. Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh (Chủ biên) (2011), Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc, Nxb Xây dựng, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc
Tác giả: Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh (Chủ biên)
Nhà XB: Nxb Xây dựng
Năm: 2011
6. Nguyễn Chí Bền (chủ biên) (2010), Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Chí Bền (chủ biên)
Nhà XB: Nxb Hà Nội
Năm: 2010
7. Trần Văn Bính (2000), Văn hóa Thăng Long – Hà Nội hội tụ và tỏa sáng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn hóa Thăng Long – Hà Nội hội tụ và tỏa sáng
Tác giả: Trần Văn Bính
Nhà XB: Nxb Chính trị quốc gia
Năm: 2000
8. Charles B.Maybon (2006), Những người châu Âu ở nước An Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những người châu Âu ở nước An Nam
Tác giả: Charles B.Maybon
Nhà XB: Nxb Thế giới
Năm: 2006
9. Charles Meyer (1998), Người Pháp ở Hà Nội những năm đầu thời thuộc địa, Xưa và Nay, số 47, tr.39 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Xưa và Nay
Tác giả: Charles Meyer
Năm: 1998
10. Nguyễn Hồng Chi (2010), Qúa trình đô thị hóa của Hà Nội thời Pháp thuộc (1885-1945), Luận văn Thạc sĩ Khoa học lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Qúa trình đô thị hóa của Hà Nội thời Pháp thuộc (1885-1945)
Tác giả: Nguyễn Hồng Chi
Năm: 2010
11. Christitan Pédélahore de Loddis (2001), Hà Nội diện mạo và di sản kiến trúc, (Đào Hùng dịch), Xưa và Nay, số 103, tr.G,H,I,J Sách, tạp chí
Tiêu đề: Xưa và Nay
Tác giả: Christitan Pédélahore de Loddis
Năm: 2001
12. Nguyễn Viết Chức (chủ biên) (2002), Những giá trị lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những giá trị lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Viết Chức (chủ biên)
Nhà XB: Nxb Chính trị quốc gia
Năm: 2002
13. Nguyễn Viết Chức (chủ biên) (2010), Từ điển đường phố Hà Nội, Nxb Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ điển đường phố Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Viết Chức (chủ biên)
Nhà XB: Nxb Hà Nội
Năm: 2010
14. Claude Bourrin (1999), Hà Nội 1911-1912, Xưa và nay, số 68, tr.7 15. Claude Bourrin (2007), Bắc Kỳ xưa, Nguyễn Tiến Quỳnh (dịch), NxbGiao thông vận tải, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Xưa và nay", số 68, tr.7 15. Claude Bourrin (2007), "Bắc Kỳ xưa
Tác giả: Claude Bourrin (1999), Hà Nội 1911-1912, Xưa và nay, số 68, tr.7 15. Claude Bourrin
Nhà XB: Nxb Giao thông vận tải
Năm: 2007
91. Kiến trúc biệt thự phong cách Tân cổ điển, http://kientruc.co/kien-truc-biet-thu-phong-cach-tan-co-dien/, 20/10/2014 Link
92. Kiến trúc nhà công cộng phong cách Art Deco, http://kientruc.co/kien-truc- nha-cong-cong-phong-cach-art-deco-p1/, 12/08/2014 Link
93. Những bức ảnh thú vị về Hà Nội xưa và nay, http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/108965/nhung-buc-anh-thu-vi-ve-ha-noi-xua-va-nay.html, 09/02/2013, 15:00 Link
94. Phong cách Đông Dương, http://www.truongkientruc.com/THU-VIEN/1124131/8433/Phong-cach-Dong-Duong.html, 06/11/2010, 20:52 95. Phong cách kiến trúc tân cổ điển (P1), http://kientruc.co/phong-cach-kien-truc-tan-co-dien-p1/, 18/10/2014 Link
96. Phong cách kiến trúc tân cổ điển (P2), http://kientruc.co/phong-cach-kien-truc-tan-co-dien-p2/, 19/10/2014 Link
97. Phố Tràng Tiền, http://phoco.vn/3056/news-detail/652894/xua-va-nay/pho-trang-tien-1-.html, 01/07/2013 Link
98. Quá trình biến đổi kiến trúc nhà ở thị dân Hà Nội thời Pháp thuộc, http://kientruc360.net/tintuc/news/Kien-Truc-Viet-Nam/Qua-trinh-bien-doi-kien-truc-nha-o-thi-dan-Ha-Noi-thoi-Phap-thuoc-110/, 15/12/2013, 22:06Tài liệu tiếng pháp Link

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w