TRỞ LẠI VẤN ĐỀ ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO ĐỐI VỚI NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI TRUNG CẬN ĐẠI GS. Nguyễn Đình Chú Tạm chưa nói đến những ý kiến của các sử gia, các bậc đại nho thời trung cận đại, khi nói đến sự du nhập của nền Hán học vào nước ta mà từ đã không thể không chạm vào vấn đề ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học trung cận đại Việt Nam vốn chưa thực sự tự giác trong nhận thức mà một phần là do quan niệm văn sử triết bất phân, do tính độc lập tương đối của văn học chưa được phát hiện tới mức cần có. Cũng tạm chưa nói đến nhiều ý kiến của nhiều chí sĩ ái quốc đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, như các nhà Đông Kinh nghĩa thục, kể cả nhiều nhà cựu học, và một vài nhà vừa cựu vừa tân học vào những năm 20 của thế kỷ XX nói về nền cựu học, về vấn đề quốc học của nước nhà mà ở đấy ít nhiều cũng đụng chạm đến vấn đề ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học trung cận đại Việt Nam. Chỉ nói riêng trong phạm vi các công trình văn học sử Việt Nam, kể từ ngày nó có mặt chính thức vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX cho tới nay thì hầu như không một công trình nào khi viết về lịch sử văn học Việt Nam thời trung cận đại không nói đến ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học. Cuốn sách "Việt Nam văn học sử yếu" của Dương Quảng Hàm, từng được coi là công trình mở đầu của Khoa văn học sử Việt Nam, trong thiên thứ hai nói "Ảnh hưởng của nước Tàu" đã có chương thứ 2 nói về "Văn chương cổ điển - những điều giản ước về sách giáo khoa cũ để học chữ Nho" và chương thứ 3 nói về "Công dụng của văn học Tàu xét qua bộ Tứ thư" đã có đoạn viết: "… dân tộc Việt Nam ngay từ khi thành lập đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu. Cái văn hóa ấy truyền sang nước ta có nhiều cách, nhưng thứ nhất là do văn học, tức là nhờ sự học chữ nho và sách chữ nho của người Tàu tràn sang. Chính cái văn học của người Tàu ấy đã chi phối tư tưởng, học thuật, luân lý, chính trị, phong tục của dân tộc ta. Trong các trào lưu tư tưởng của người Tàu tràn sang bên ta, có ảnh hưởng sâu sắc đến dân tộc ta, nhất là Nho giáo. Các sách làm gốc cho Nho giáo là Tứ thư và Ngũ kinh. Các sách ấy vừa là kinh điển của các môn về đạo Nho, vừa là những tác phẩm văn chương tối cổ ở nước Tàu"(1). Đúng là không một công trình văn học sử nào về văn học Việt Nam thời trung cận đại không nói đến ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học nhưng nhìn chung đều đang ngừng ở trạng thái nhìn xa, gián tiếp, chưa phải là nhìn gần, trực tiếp. Nói một cách khác là nhìn từ góc độ văn hóa làm nền cho văn học, chứ chưa trực tiếp chỉ ra ảnh hưởng cụ thể của Nho giáo đối với văn học là gì. Trừ những công trình nghiên cứu thuộc phạm vi các tác giả, tác phẩm cụ thể. Trong phạm vi nghiên cứu tác gia cụ thể, có lẽ công trình đầu tiên cho người đọc thấy rõ hơn về ảnh hưởng của Nho giáo đối với cuộc đời và văn nghiệp một nhà văn là cuốn sách "Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ" (1943) của Nguyễn Bách Khoa. Ở đây, Nguyễn Bách Khoa, chính là người đầu tiên đã giới thuyết về khái niệm "Nhà nho tài tử" để từ đó giải mã cuộc đời và văn chương Nguyễn Công Trứ. Năm 1974, trong bài nói chuyện của giáo sư Đặng Thai Mai tại Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ, có nhan đề "Ảnh hưởng của Hán học đối với văn học Việt Nam", đã cho người đọc thấy rõ thêm ít nhiều ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam nhưng chủ yếu mới ngừng ở văn học Lý Trần. Phải đợi đến năm 1981 với tiểu luận "Nho giáo và văn học nghệ thuật", tiếp nữa vào năm 1983, với tiểu luận "Về ảnh hưởng của Nho giáo trong văn học Việt Nam cổ cận đại" của giáo sư Trần Đình Hượu - thì đầu tiên mới có được một sự giải mã về ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại mang tính hệ thống với nhiều nhận định sâu sắc. Với Trần Đình Hượu, ngoài hai tiểu luận trên, còn một loạt bài viết về tác giả, trong đó có nói tới ảnh hưởng của Nho giáo mà tất cả đã được tập hợp, in chung thành sách "Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại"(2). Đúng là ở độ bao quát và mang tính hệ thống, cho đến nay, chưa ai ngang tầm, không nói là vượt qua những gì giáo sư Trần Đình Hượu đã có. Dĩ nhiên, riêng ở phương diện khảo sát sâu vào một loại hình nho sĩ - văn gia được mệnh danh là "Nhà nho tài tử" thì không thể không ghi nhận những đóng góp mới của người học trò ruột của giáo sư Trần Đình Hượu là phó giáo sư - tiến sĩ Trần Ngọc Vương với công trình "Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam"(3). Cuốn sách ngoài "Mở đầu" và "Phụ lục", gồm 4 chương: Chương I: Hai loại hình nhà nho chính thống và hai khuynh hướng song song trong văn chương Nho giáo chính thống. Chương II: Sự hình thành và phát triển của loại hình nhà nho tài tử trong môi trường xã hội phi cổ truyền. Chương III: Nhà nho tài tử và sự phát triển của văn học Việt Nam trong các thế kỷ XVIII - XIX. Chương IV: Chung cục và nối tiếp. Quả đấy là một công trình học thuật có nhiều đóng góp mới. Nhưng vấn đề ảnh hưởng của Nho giáo chủ yếu chỉ mới được xem xét trong phạm vi loại hình nhà nho tài tử chưa phải với toàn bộ nhà nho - văn gia của thời trung cận đại. Gần đây nhất, GS. TSKH Phương Lựu với tham luận "Khái quát về quan niệm văn học Nho giáo ở Việt Nam" tại Hội thảo quốc tế do Viện Hán Nôm Việt Nam và Viện Harward - Yenching Hoa Kỳ tổ chức (2004) tại Hà Nội đã có những đóng góp mới đáng ghi nhận trong việc nhận diện "ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại" theo hướng miêu tả cụ thể điều mà học thuật đang cần. Việc nhận diện về ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại đã từng bước phát triển như trên vừa nói nhưng thiết tưởng vẫn đòi hỏi những khám phá mới, những nhận thức mới. Đúng với bản chất của sự nghiên cứu khoa học là Recherche trong tiếng Pháp, tức là tìm đi, tìm lại, đã tìm được còn phải tìm thêm. Trong việc tìm thêm này, một điều không thể thiếu là cần nhận ra những hạn chế để có hướng khắc phục dần với vai trò cá nhân đã đành, mà quan trọng nữa là vai trò của tập thể. Trong việc nhận diện ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học trung cận đại Việt Nam, cái vướng, cái phức tạp, để cần có điều chỉnh mới, bổ sung thêm trước hết vẫn từ sự nhận thức về Nho giáo là gì, văn học là gì, vốn trực tiếp liên quan đến việc nhận diện ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học nói chung, văn học Việt Nam trung cận đại nói riêng. Chúng ta đều biết Nho giáo là một vấn đề vô cùng phức tạp ngay trên quê hương của Nho giáo và cả ở Việt Nam, chưa nói là với cả thế giới. Ở Trung Hoa, Nho giáo có cả một lịch sử vận động lâu đời qua các thời đại, từ nảy sinh đến tiếp biến, phái sinh với những nội dung mang tính lịch sử cụ thể của từng thời đại. Khi nói đến "Ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học trung cận đại Việt Nam" vốn có liên quan mật thiết với Nho giáo của Trung Hoa mà né tránh, bỏ qua tính lịch sử cụ thể của nó thì liệu là không rơi vào tình trạng nhìn ngọn không nhìn gốc, chung chung, xô bồ sao. Còn ở Việt Nam, Nho giáo cũng không phải không có quá trình vận động, tiếp biến, phái sinh - nhưng điều cần nói là khái niệm Nho giáo lại có phần khác ở Trung Hoa. Ở Trung Hoa, Nho giáo là khác Lão giáo, khác Mặc gia, khác Pháp gia… Nhưng ở Việt Nam, Nho giáo lại là một khái niệm mở. Dường như nó ôm gần hết mọi thứ được viết bằng chữ Hán, cũng gọi là chữ Nho. Ngày trước, nói học chữ Nho là học đủ thứ của văn hóa Trung Hoa trong đó có Nho giáo. Nhà nho là đồng nghĩa với nhà Hán học. Cho nên, khi xét đến ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại tuy không ai mở rộng đến mức với cả nền văn hóa Trung Hoa, văn hóa Hán nhưng cũng cần thấy nét đặc thù đó để có ý thức giới hạn chặt chẽ hơn, tự giác hơn. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng ôm đồm, chơi vơi mà đó đây vẫn thấy. Có một điều giống nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc là ở thời hiện đại, với những người chịu ảnh hưởng của học thuyết Mác xít một cách máy móc, thô thiển, đã nảy sinh khuynh hướng đồng nhất Nho giáo với chế độ phong kiến trong cảm hứng, phủ nhận, phê phán nặng nề, thiếu khách quan, khoa học. Đành là Nho giáo đã được chế độ phong kiến ở Trung Hoa cũng như Việt Nam, đặt lên địa vị chính thống, dựng làm chỗ dựa. Nhưng Nho giáo vẫn có tính độc lập của nó. Chứng cứ, chế độ phong kiến ở Trung Hoa, ở Việt Nam, đã tiêu vong. Nhưng ai dám nói ở Trung Hoa và cả Việt Nam, Nho giáo đã hoàn toàn chấm dứt. Phải thấy điều đó để tránh sự lên án Nho giáo một cách thô thiển, hời hợt đã đành, mà còn thấy hậu phong kiến, nho giáo vẫn không phải không còn ảnh hưởng gì đối với văn học một khi chính nó không chỉ là sản phẩm của một hình thái xã hội mà còn là sản phẩm tinh thần, sản phẩm văn hóa mang tính nhân loại, có sức sống bền vững. Gần đây, báo chí chẳng đã đưa tin ở Trung Hoa hiện thời, Khổng giáo, tức Nho giáo đang được phục hưng đến mức có một số trí thức đã đề nghị lấy Nho giáo làm quốc giáo là gì. Ở Việt Nam trong thời hiện đại, cách đây chưa lâu, lại còn có khuynh hướng đồng nhất Nho giáo với cuộc xâm lược của nhà Hán đối với Việt Nam mà từ đó đã coi "Nho giáo là phản động", và hùng dũng tuyên bố: "Dân tộc ta tồn tại là nhờ chống được Nho giáo". Rõ ràng quan niệm này tuy có căn cứ ở chỗ Nho giáo đã được du nhập vào Việt Nam cùng cuộc xãm lăng của nhà Hán. Nhưng quan niệm này đã chứng tỏ tác giả của nó chưa nhìn thấy ở văn hóa vốn có hai quy luật. Một là, liên quan đến chính trị, ở đây là việc nhà Hán xãm lăng Việt Nam và sau đó thống trị Việt Nam. Nhưng còn có quy luật thứ hai là quy luật của tự thân văn hóa nằm ngoài quan hệ giữa nó với chính trị. Chứng cớ là: Nho giáo đi theo đội quân xâm lược của nhà Hán vào Việt Nam và từng là công cụ thống trị của nhà Hán ở Việt Nam nhưng sau khi nhà Hán xâm lược cút khỏi Việt Nam thì văn hóa Hán, Nho giáo vẫn ở lại Việt Nam, góp phần tạo ra nền văn hóa Việt Nam bề thế trong lịch sử Việt Nam, được người Việt Nam tự hào, coi là của chính mình. Không nhận ra quy luật thứ hai để lên án Nho giáo một cách gay gắt và phiến diện thực tế đã chi phối rõ rệt một thời với nhiều người Việt Nam khi nghĩ về Nho giáo, và do đó là về "Ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại". Việc nhận diện về ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam, xét cho cùng là lệ thuộc vào tình hình, vào chất lượng cao thấp của việc nghiên cứu, đánh giá về Nho giáo và về văn học. Trong thực tế phải thừa nhận rằng: thành quả nghiên cứu văn học đã có bề dày lịch sử lớn hơn thành quả nghiên cứu Nho giáo. Ở đây, tôi muốn nói đến thành quả của Nho giáo trong sự tiếp biến, phái sinh của người Việt Nam trên đất Việt Nam - có thể gọi là Việt Nho - chứ không phải của người Việt Nam nghiên cứu về Nho giáo gốc của Trung Hoa. Kể từ ngày có các công trình sáng giá như "Nho giáo" của Trần Trọng Kim, "Khổng học đăng" của Phan Bội Châu, "Kinh Dịch" của Ngô Tất Tố, "Khổng giáo phê bình tiểu luận" của Đào Duy Anh… ra đời vào những năm 30-40 của thế kỷ XX và tiếp theo là nhiều công trình khác hoặc ít hoặc nhiều bàn giải về Nho giáo của các nhà nghiên cứu lớp sau như: Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Nguyễn Duy Cần…, cả đến sau này nữa như Bùi Văn Nguyên, Trần Trọng Sâm, Hoàng Tuấn, Lê Văn Quán, Đỗ Anh Thơ… quả đã ngày một phong phú thêm, nhưng đó chủ yếu vẫn thuộc nội dung nghiên cứu Nho giáo gốc của Trung Hoa. Còn Việt Nho mà tôi đang muốn nói là có trong nhiều thư tịch Hán Nôm, trong không ít sách của nhiều bậc đại nho, trong văn sách thi đình của nhiều thế hệ với yêu cầu thí sinh nhớ kinh truyện Nho giáo đi đôi với phần bình luận mang dấu ấn cá nhân người thi, trong loại sách gia huấn thường có trích lời thánh nhân của Nho giáo kèm theo lời giải thích, giảng giải của người viết… Tham luận có nhan đề "Thư tịch Hán Nôm Việt Nam luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm" của PGS. Viện trưởng Viện Hán Nôm - Trịnh Khắc Mạnh, tham luận có nhan đề "Tổng quan tài liệu Nho giáo và Nho học ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm" (Khảo sát đánh giá về trữ lượng và giá trị) của thạc sĩ Nguyễn Xuân Diện, tham luận "Sách Hán Nôm có nội dung Nho giáo và Nho học tại thư viện quốc gia" của tiến sĩ Nguyễn Thuý Nga trong Hội thảo Khoa học về "Nho giáo ở Việt Nam" do Viện Hán Nôm (Việt Nam) phối hợp tổ chức với Viện Harvard Washington (Hoa Kỳ) năm kia (2004) đã hé cho biết vốn liếng Việt Nho này hẳn là không đến quá nghèo. Chỉ tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào mang tính chất chuyên luận có độ bề thế tương xứng với những gì vốn có của Việt Nho đó. Mặc dù đó đây đã có không ít những khám phá, phát hiện đích đáng trong các công trình như: "Ý thức hệ phong kiến và sự bất lực trước nhiệm vụ lịch sử" của Trần Văn Giàu, "Lịch sử tư tưởng Việt Nam" của Nguyễn Đăng Thục, "Tư tưởng phương Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu" của Cao Xuân Huy, "Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam - Tập I" của Viện triết học, v.v… và hai công trình tập hợp các tham luận của hai cuộc hội thảo khoa học về Nho giáo: "Nho giáo tại Việt Nam"(4), "Nho giáo ở Việt Nam"(5)… Việc nhận diện "ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học trung cận đại Việt Nam" rõ ràng là không thể chỉ nhìn một phía là quan hệ giữa Nho giáo gốc Trung Hoa với văn học mà còn phải là giữa Việt Nho với văn học. Với yêu cầu sau, chính là điều cần được quan tâm nhiều hơn nữa. * * * Trở lên là những gì có liên quan đến Nho giáo từ đó liên quan tới việc nhận diện ảnh hưởng của nó đối với văn học Việt Nam trung cận đại mà cần được điều chỉnh, bổ sung, khắc phục. Đến đây xin nói về phía nhận thức văn học vốn cũng đã chi phối việc nhận diện ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại. Như mọi người đã thấy, quan niệm về văn học cũng lại là một chuyện vô cùng phức tạp trong muôn đời. Người xưa chẳng đã nói "văn chương tự cổ vô bằng cứ", "văn mình vợ người", thứ tôi thích, chắc gì người khác thích. Việc đánh giá văn học dù nói ra hay không nói ra, ít nhiều đều mang dấu ấn cá nhân mà ngay trong một người thì cũng đã có một quy luật cộng hưởng rất phức tạp, có vận động. Có thứ trước đó mình thích nhưng nay không thích, hoặc ngược lại. Chuyện quả là phức tạp, vô cùng phức tạp. Ở đây chỉ muốn nói một vấn đề thuộc quan niệm văn học trực tiếp liên quan đến việc nhận diện ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam thời trung cận đại, là quan niệm "Văn dĩ tải đạo" và "Thi ngôn chí" vốn là quan niệm chủ đạo của văn học Việt Nam trung cận đại. Với quan niệm này, đạo đức vừa là nền tảng vừa là cứu cánh của văn học. Từ đó, chung quanh mối quan hệ giữa văn và đạo cũng đã diễn ra hai khuynh hướng khác nhau. Một khuynh hướng chỉ coi văn là phương tiện đơn thuần để chở đạo. Một khuynh hướng vừa coi văn là phương tiện để chở đạo vừa chú trọng đến tính độc lập tương đối của văn. Hai câu thơ của cụ đồ Chiểu: "Văn chương ai cũng muốn nghe/ Phun châu nhả ngọc báu khoe tinh thần" là thuộc khuynh hướng thứ hai và là khuynh hướng tối ưu trong sáng tạo nghệ thuật. Nói theo ngôn ngữ ngày nay là sự kết hợp hài hoà giữa nội dung và hình thức nghệ thuật trong sáng tác văn chương. Nền văn học Việt Nam thời trung cận đại đã tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan điểm văn dĩ cải tạo ở cả hai hướng nhận thức đó. Quan niệm "Văn dĩ tải đạo" cũng như "thi ngôn chí" chính là sản phẩm truyền thống văn hóa của phương Đông - trong đã có vai trò rất lớn của Nho giáo - với đặc trưng lấy đức trị làm đầu, khác với phương Tây, coi pháp trị là chính. Có thể nói trong các học thuyết đã có của nhân loại từ xưa tới nay, không một học thuyết nào coi trọng vấn đề đạo đức, trước hết là đạo đức cá nhân, coi trọng vấn đề tu thân bằng Nho giáo. Trong lịch sử phương Đông, trong đó có Việt Nam, thời trung cận đại, với môi trường văn hóa đó, đã có một bầu khí quyển đạo đức dày đặc dù rằng trong cuộc sống bấy giờ vẫn không thóat khỏi quy luật muôn đời: thiện ác tương tranh. Trong đó, dù có những nguyên lý đạo đức cứng nhắc, nhưng vẫn chứa chan chất nhân bản, cả trên phương diện lý trí, cả trên phương diện tình cảm, cảm xúc, đủ làm cơ sở cho sự kết tinh nghệ thuật văn chương. Sự thật là thế, nhưng đến thời hiện đại, chưa nói với cả phương Đông, chỉ có riêng ở Việt Nam ta thì trước sự áp đảo của văn hóa phương Tây dẫn đến tình trạng ít nhiều bị cắt đứt với quá khứ, thực tế đã có hiện tượng suy giảm về đạo lý. Nhìn về đạo đức truyền thống, không ít người chỉ thấy phần nguyên lý cứng nhắc mà không thấy phần tích cực, nhân bản chân chính của nó. Trong văn học, từ đó mà có xu hướng coi nhẹ, thậm chí là muốn phủ nhận chức năng giáo huấn, vốn lấy đạo đức làm nền tảng cho văn chương. Quan niệm "văn dĩ tải đạo", "thi ngôn chí" của thời kỳ trung cận đại do đó dường như cũng bị coi là lạc hậu. Khái niệm "văn học chức năng", "văn học hành chức" mà các lý thuyết gia hiện đại từng dành để nói về văn học trung đại, ít nhiều đã đơn giản hóa trong cách hiểu về hiện tượng đạo đức trong sáng tác văn chương trung cận đại. Điều này có liên quan đến việc nhận diện "Ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại" theo chiều hạ thấp vai trò của Nho giáo đối với văn học, bởi lẽ theo họ Nho giáo chỉ là đạo đức cứng nhắc. Hôm nay muốn nhận diện đúng đắn "Ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học trung cận đại" không thể không có sự nhận thức đúng đắn về bản chất của vấn đề đạo đức, vốn có vai trò nền tảng của văn chương trung cận đại. Cần tránh tình trạng suy nghĩ về vấn đề đạo đức với văn chương trung cận đại mà Nho giáo có vai trò nâng đỡ rất lớn trong điều kiện bầu khí quyển đạo đức đang dày đặc của thời trung cận đại bằng tâm thế của thời nay, một khi bầu khí quyển đạo đức đã bị loãng đi một cách rõ rệt. * * * Những gì được trình bày trên đây chủ yếu chỉ là những gợi ý có ý nghĩa phương pháp luận nhằm nâng cao chất lượng nhận diện "ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại" để mong có sự hưởng ứng, triển khai cụ thể trong tương lai lâu dài. Riêng với người viết tham luận này, hiện thời thì có những ý tưởng cơ bản sau đây về "ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại": 1. Xét về mối quan hệ giữa Nho giáo, dù là Nho giáo gốc Trung Hoa hay Việt Nho, với văn học nói chung, với văn học Việt Nam trung cận đại nói riêng, ở bình diện tư duy, thì thấy: tư duy Nho giáo không thuận lợi (cũng có thể nói phần nào là cản trở) đối với hoạt động văn chương. Bởi tư duy Nho giáo nhìn chung nặng về tuyến tính, về lý tính, về tính chừng mực. Trong khi tư duy văn học cũng như tư duy nghệ thuật nói chung vốn mang tính hỗn hợp giữa tư tưởng và tình cảm, giữa lý tính và cảm tính, giữa nhận thức và cảm thức, giữa ý thức và vô thức, tiềm thức, tiền ý thức. Trong đó, phải có tính trội của cảm tính, của trực giác của vô thức, cảm thức, kể cả tính cực đoan trong trường hợp cần thiết. Ở phương diện này, quả thật tư duy Phật giáo, tư duy Lão Trang, nhất là Trang gần gũi với tư duy văn học hơn, do đã có sự nâng đỡ đắc lực cho hoạt động văn chương hơn là tư duy Nho giáo. Bởi tư duy Phật giáo, tư duy Lão Trang vốn cũng thiên về trực giác, vô thức, cảm thức. Tư duy Nho giáo có thuận lợi chủ yếu là với thể loại văn chương chính luận. Do đó, có thể nói ảnh hưởng rõ nhất của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại, trước hết là ở những tác phẩm thuộc thể loại chính luận. Ví như: Tứ thư thuyết ước của Chu Văn An (đã thất truyền), Luận ngữ ngu án của Phạm Nguyễn Du, Nam Sơn tùng thoại của Nguyễn Đức Đạt, Bùi gia huấn hài của Bựi Dương Lịch v.v… và thể loại văn sách thi Đình, thể loại gia huấn như đã nói. riêng với văn chương mỹ thuật (belles lettres), ảnh hưởng của Nho giáo bộc lộ trực tiếp, dễ thấy là ở thành tố triết luận mà loại tác phẩm này tuy đã mang tính nghệ thuật nổi trội nhưng vẫn chưa thóat hẳn khỏi quy luật văn triết bất phân của văn học trung cận đại. Lời mở đầu Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo" (học thuyết nhân nghĩa), hai câu thơ mở đầu Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau"(thuyết tài mệnh tương đố), hai câu thơ mở đầu truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu: "Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh là câu sửa mình" (đạo đức trung hiếu tiết hạnh)… là những dẫn chứng. Tất nhiên, ở đây sự ảnh hưởng còn được tan biến vào nội dung kết cấu, hình tượng nghệ thuật. 2. Nho giáo góp phần hướng văn học vào cuộc sống. Có lẽ cho đến nay, trong các học thuyết xã hội ít nhiều có tính chất triết học, thì Nho giáo và chủ nghĩa Mác là hai học thuyết có tính chất nhập thế sâu sắc nhất, tự giác nhất. riêng Nho giáo thì như mọi người đã thấy, với tính chất nhập thế này, nó có tuổi thọ hơn hai ngàn năm tại các nước Đông Á, kể cả một phần thuộc Nam Á. Trên quê hương của mình, Nho giáo từng kết duyên với chế độ phong kiến hơn hai ngàn năm. Qua thời đại Mác xít, nó bị hất hủi, nhưng nay đang là gì trên quê hương đó, ai có điều kiện theo dõi sẽ thấy. Với Nhật Bản thì Nho giáo đã gắn bó từ xa xưa và luôn luôn được bảo vệ, được lợi dụng và được coi là một trong bốn cây cột cái của cái gọi là "tinh thần Nhật Bản" từ buổi đầu đón nhận "kỹ thuật phương Tây" để nhanh chóng trở thành siêu cường, và đến nay có thể dõng dạc tuyên bố với thế giới: "tinh thần Nhật Bản" và "kỹ thuật Nhật Bản". Rồi nữa, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore mấy con rồng ấy đều là những xứ sở biết tận dụng khai thác tính chất nhập thế của Nho giáo. Tính chất nhập thế của Nho giáo đã góp phần hướng văn học vào cuộc sống. Ở phương diện này, Nho giáo có vai trò hơn Phật giáo vốn mang tính chất xuất thế, hoặc nhập thế dưới hình thức xuất thế. Trần Đình Hượu trong tiểu luận "Nho giáo và văn học nghệ thuật" có ý kiến cho rằng: Nho giáo, cụ thể là Khổng Tử, trong quan niệm văn chương của mình, chỉ nói đến "thiện" và "mỹ" mà không nói đến "chân"(6). Và theo ông "Nho giáo đã đưa văn học nghệ thuật bỏ xa cuộc sống thực tế, xa xúc cảm chân thực… ngăn cản văn học nghệ thuật phát triển theo hướng chủ nghĩa hiện thực"(7). Người viết tham luận này có quan niệm hơi khác một khi nghĩ đến tính chất nhập thế vốn là đặc trưng nổi trội của Nho giáo so với các học thuyết khác và không phải không có liên quan gì đến chữ "chân". Mặc dù, cũng thấy Nho giáo có những hạn chế không nhỏ trong việc hướng văn học vào chủ nghĩa hiện thực. Có thể nói Nho giáo chưa đủ khả năng đưa văn học Việt Nam trung cận đại đi tới chủ nghĩa hiện thực. Nhưng nó góp phần không nhỏ vào việc tạo nên tính chất hiện thực bên cạnh những tính chất khác của văn học Việt Nam trung cận đại mà chúng ta từng nói tới. 3. Nho giáo góp phần tạo nên giá trị đạo đức vốn là một nét nổi trội của văn học Việt Nam trung cận đại. Như trên đã nói, trong các học thuyết của loài người, cổ kim Đông Tây, không một học thuyết nào coi trọng vấn đề đạo đức con người, vấn đề tu thân bằng Nho giáo. Nho giáo chủ trương lý tưởng tôn quân, nhưng cũng có tư tưởng thân dân khá đậm đà. Tiếc rằng, đời nay, trong bối cảnh khí quyển đạo lý đã bị loãng đi quá đáng, lại có sự cắt đứt với quá khứ không ít nên không ít người đã hiểu sai, thậm chí xuyên tạc Nho giáo, chỉ thấy phần hạn chế của nó mà bỏ quên mất phần chân chính của nó trong việc chăm lo đạo lý cho con người. Thử hỏi trong lịch sử Việt Nam ta, cho đến nay, về mặt đạo đức cá nhân, đã có mẫu người nào vượt qua mẫu người chân quân tử vốn là mô hình nhân cách của Nho giáo, của chân Nho. Trong việc nghiên cứu văn học Việt Nam trung cận đại, gần đây đã có sự phân loại tác gia nho sĩ thành mấy loại: nhà nho nhập thế, nhà nho xuất thế, nhà nho tài tử. Tôi muốn nói thêm nhà nho - nghĩa khí, dù có liên quan đến nhà nho - nhập thế, nhưng so với nhà nho nhập thể nói chung thì loại nhà nho - nghĩa khí này có phẩm chất cao đẹp hơn nhiều. Mà nhà nho - nghĩa khí không phải không có nguồn gốc từ mẫu người quân tử của Nho giáo. Nhiều chí sĩ cần vương cuối thế kỷ XIX, cùng nhiều sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX là thuộc loại nhà nho - nghĩa khí mà phẩm chất cao đẹp của họ sẽ sống mãi với non sông, với lịch sử. Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cộng sản nhưng ở Người, không hề thiếu vắng cái cốt cách nhà nho - nghĩa khí. Đạo tu thân của Nho giáo mà Hồ Chí Minh ít ra đã hai lần nói tới và đề cao, không phải là yếu tố góp phần quyết định nhân cách vĩ đại của Hồ Chí Minh đó sao. Nói đến văn học Việt Nam trung cận đại, không thể không ghi nhận những giá trị đạo đức cao đẹp, sâu đậm bao gồm cả tư đức và công đức trong đó có tư tưởng thân dân, vốn đã không tồn tại dưới dạng nguyên lý khô cứng mà đã trở thành Tâm huyết không dễ gì thấy lại ở loại văn chương thời hiện đại. Đặc biệt là thứ tâm huyết gắn chặt với nghĩa khí thành nghĩa khí - tâm huyết đáng được coi là một phạm trự mỹ học. Mà từ đó, lại không thể không nghĩ đến một phần cội nguồn của nó là Nho giáo, chân Nho. Nho giáo có bao nhiêu danh ngôn để đời như: "Kiến nghĩa bất vi vụ dũng giả", "Sát thân thủ nghĩa", "Xá thân thành nhân", "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất", "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân", "Thế thiên hành đạo", "Quân tử thận kỳ độc", "Nhất nhật tam tỉnh ngô thõn", "Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc" v.v… Thử tưởng tượng, ở thời trung cận đại, trên đất nước ta, thiếu đi những ý tưởng đó của Nho giáo, của chân nho, thì con người Việt Nam ta, và cũng là văn học Việt Nam ta sẽ thế nào? Chắc chắn, không như những gì nó đã có và đã là nguồn tư tưởng tình cảm nuôi dưỡng tinh thần nhân dân ta, làm đẹp con người Việt Nam ta, văn học Việt Nam ta, ít ra là ở thời trung cận đại mà văn học là một trong các phương tiện chuyển tải hữu hiệu. 4. Xét về hạn chế của Nho giáo đối với văn học trong đó có văn học trung cận đại Việt Nam một cách tương đối đầy đủ thì như sau: 4.1 Trước hết, như đã nói là sự hạn chế do kiểu tư duy Nho giáo ít khả năng phù hợp, thậm chí cũng có thể nói phần nào cản trở hoạt động sáng tác văn chương mặc dù Nho giáo rất coi trọng văn chương trong sứ mệnh xây dựng cuộc sống con người. 4.2 Trong Nho giáo, bên cạnh thành phần chân chính, có ý nghĩa nhân văn cao cả, vẫn có không ít nguyên lý đạo đức cứng nhắc, đen trắng lẫn lộn như trong đạo tam cương, thậm chí phản nhân văn như trong đạo tam tùng… kể cả một số quan điểm nhân sinh, phản tiến hóa như tinh thần phục cổ (dù rằng cũng đã có ý thức duy tân: "Nhật nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân" - Đại học), quan điểm coi rẻ phụ nữ (dù đã có quan niệm: "đức hiền tại mẫu" (đạo đức hiền lành của con là cốt ở mẹ) "tương kính như tân" (vợ chồng kính trọng nhau như kính trọng khách), "tao khang chi thê bất khả hạ đường" (vợ chồng lấy nhau từ buổi còn ăn tấm ăn cám, khi đã làm quan không được bỏ vợ)… dù trong văn học nho gia không thiếu những gương sáng về phụ nữ được đề cao) ảnh hưởng tiêu cực đến văn học. 4.3 Nho giáo với tính chất nhập thế đã hỗ trợ cho văn học hướng về cuộc sống nhưng như đã nói Nho giáo chưa đủ sức đưa văn học tiến tới chủ nghĩa hiện thực, chỉ đủ sức góp phần tạo nên tính chất hiện thực trong văn học. Hạn chế này, có thể có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân thuộc về trình độ tư duy, trình độ ý thức văn học của không riêng gì người Việt Nam mà còn là cả nhân loại nói chung trong thời trung đại. Tuy nhiên, với Nho giáo, một lý do không đưa văn học tiến sâu vào việc khám phá thế giới con người vốn là yêu cầu cao nhất của văn học, cũng là của chủ nghĩa hiện thực, chính là ở chỗ Nho giáo mang tính chất phi ngã. Nói một cách khác là không phát hiện được cái Tôi - cá thể (l'individu, le Moi) trong sự sống con người, dù Nho giáo, hơn học thuyết nào khác đã rất tự giác xây đắp cái Tôi đạo lý bằng đạo tu thân vốn là đặc sản của nó. (1) Trích theo sách "Dương Quảng Hàm - con người và tác phẩm. NXB Giáo dục năm 2002 - tr.204". (2) NXB Văn hóa Thông tin - Hà Nội 1995. (3) NXB Giáo dục 1995. (4) Sách này gồm những tham luận trong hội thảo khoa học về Nho giáo do Viện Triết học thuộc UBKDXHVN tổ chức vào năm 1972 nhưng phải tạm đình. Mãi đến năm 1994, các tham luận mới được NXB Khoa học Xã hội in ấn phát hành. (5) Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Nho giáo do Viện Hán Nôm (Việt Nam) và Viện Harvard - Washington (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức năm 2004. NXB Khoa học Xã hội - 2006. (6) , (7) Tài liệu đã dẫn. 6-4-10 . người Việt Nam khi nghĩ về Nho giáo, và do đó là về " ;Ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại& quot;. Việc nhận diện về ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam, . " ;ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại& quot;: 1. Xét về mối quan hệ giữa Nho giáo, dù là Nho giáo gốc Trung Hoa hay Việt Nho, với văn học nói chung, với văn học Việt. " ;ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung cận đại& quot; theo hướng miêu tả cụ thể điều mà học thuật đang cần. Việc nhận diện về ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam trung