Tiếng chuông chùa trong Phong Kiều Dạ Bạc Lê Dọn Bàn "Tiếng chuông đêm ấy vang vọng đến mãi chiều nay. Ở đây không có bến Cô Tô, nhưng có lá phong rụng đầy trong nắng, vẽ những đỉnh đồi rực màu thu lộng lẫy, soi trên mặt sáng bừng ánh nước hồ lắng sóng. Xa lắm bến Phong Kiều, cách nửa vòng trái đất, không có đêm trên sông với hàng phong ngái ngủ, nhưng có chiều thu đang xuống, giữa chập chùng." 楓楓楓楓楓楓 楓楓 月落烏啼霜満天 江楓漁火満愁眠 姑蘇城外寒山寺 夜半鐘満到客船 Thơ: Phong Kiều Dạ Bạc Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên Giang phong ngư hỏa đối sầu miên Cô Tô thành ngoại Hàn San tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền [1] Trương Kế (? -756?) [2] Nghĩa: Đêm đỗ thuyền trên bến Phong Kiều [3] Trăng khuất, quạ kêu, sương đầy trời Cây phong bờ sông, đốm lửa thuyền chài, đối nhau trong giấc ngủ buồn Ngoài thành Cô Tô [4], từ chùa Hàn San[5] Lúc nửa đêm, tiếng chuông vọng đến thuyền khách. Tạm dịch: Trăng lặn, quạ kêu, trời đầy sương Lửa chài, phong bến, giấc buồn vương “Cô Tô thành ngoại, Hàn San tự” Chuông vọng đến thuyền lúc nửa đêm. Bản dịch phổ biến (Tản Đà): Trăng tà tiếng quạ kêu sương Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San. [6] Thi thoại: Chuông chùa nào nửa đêm? Chuyện kể rằng một tối kia, vị sư chùa Hàn San làm được hai câu thơ, tả mảnh trăng non: Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung Bán tự ngân câu bán tự cung (Mùng ba, mùng bốn, trăng non chưa rõ nét Nửa như cái móc bạc, nửa như cái cung…) Rồi chú tiểu làm tiếp hai câu: Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn Bán trầm thủy để bán phù không ((Như) một phiến ngọc trắng, xẻ làm hai Nửa chìm dưới nước, nửa nổi giữa trời không) Sau đó, vị sư này vui mừng, dù lúc ấy đang nửa đêm[7], vẫn bảo chú tiểu thắp hương rồi thỉnh chuông để tạ ơn Phật vì cả hai vừa cùng làm được một bài thơ xứng ý. Chính tiếng chuông của hai thày trò yêu thơ này đã vọng đến thuyền Trương Kế, khi ấy đang đỗ bến Phong Kiều, khiến ông viết hai câu cuối của bài thơ trên. Câu chuyện quanh thơ [8] (thi thoại) đẹp như một bài thơ xuôi, trước sau chỉ có thơ, lòng yêu thơ, sự làm thơ. Tiếng chuông từ kẻ yêu thơ rơi vào trang giấy của kẻ chờ thơ, thành hai câu cho trọn bài thơ đang đợi ý. Thơ nối thơ bằng tiếng chuông chùa ngân [9] Bài thơ mở tất cả các cánh cửa cho người đọc đem mình vào: Tiếng chuông chùa buông trên tranh thủy mặc Xin đọc lại, từng câu: - Câu đầu: Trăng khất, đêm tối, có tiếng quạ kêu, trời đầy sương. Đêm, nhưng khoảng nào? Quạ kêu, sương phủ, ở đâu? Đây là câu tả cảnh trong bài thất ngôn luật thi, nhưng không gian còn mơ hồ, thời gian chưa rõ rệt, tất cả còn ẩn sau lớp sương trời. Chưa rõ. - Câu hai: Rõ hơn, có thêm các chi tiết: cây phong mọc bờ sông (giang phong), lửa đèn thuyền đánh cá (ngư hỏa). Cảnh hiện thành bến nước về khuya. Đây là câu tả tình, nên cây và đèn chài le lói chung giấc ngủ buồn, nhìn nhau. Hay cây bến, lửa đèn đối diện với giấc ngủ buồn của con người. - Câu thứ ba, như một câu văn nói: Xa ngoài thành Cô Tô, ở chùa Hàn San. - Câu cuối: có tiếng chuông chùa nửa đêm, âm thanh vọng đến tận thuyền khách. Có cảnh nào trong tranh Tàu mà thiếu người, nên câu cuối, có khách trên sông, nửa đêm giữa bến nước, không ngủ. Khách là kẻ nhìn cảnh vật đã kể ở trên, và bởi tiếng chuông ngân nên giờ ra chính diện. Tiếng chuông từ ngoài thành xa, trên chùa vắng đưa đến thuyền khách, và âm thanh cũng tỏa vọng về mọi vật đã kể trong bài. Về câu thứ hai, giờ có thể hiểu: đám cây phong, đám lửa chài đối diện với giấc chập chờn của khách. Về đến câu đầu: khách là kẻ vọng mảnh trăng khuất, nghe tiếng quạ kêu, và là người nhìn sương trời đang giăng phủ. Sự vật không “chết” nữa, đã có một cái nhìn…có một người trong cảnh. Đến đây thơ thành một bức họa sơn thủy Tàu quen thuộc: có sông, có cây phong, có đám thuyền đánh cá, có nền xa là đồi núi chập chùng, ẩn hiện cổ thành, chắc có mái cong, tháp chuông của ngôi chùa lẫn trong đám lá dày. Trong đám thuyền trên sông, chiếc thuyền nào là của tác giả? Có phải đây không? trong một góc tranh, có kẻ áo văn nhân, bút mực trước mặt, đang nhìn trời… như nghe tiếng chuông ngân. Mọi chốn trong tranh, tiếng chuông chùa đều vọng đến. Trăng hẳn vẫn còn mờ, nhưng tiếng quạ chắc đã tắt. Có chút đột nhiên (suspense) ở câu cuối. Câu thứ ba đưa cái bất ngờ lên bằng vào nhịp và vận thơ đổi, mạch thơ đến cuối câu ba phải ngừng lại, như chờ đợi, trước khi sang câu cuối có chuông đổ nửa đêm. Khi tiếng chuông buông, mọi vật sống dậy, như tỉnh giấc sầu miên. Cả bài thơ có tiếng chuông điểm khắp cảnh vật. Tiếng chuông cũng soi cho thấy người trong cảnh. Đêm trong Đường thi, thường có trăng mà thành thơ, như trong Lý Bạch hay Trương nhược Hư (Xuân giang hoa nguyệt dạ), trăng đi với hoa, rượu, gợi những hoài tình, dựng bao sầu mộng. Nhưng đêm ở đây, trên bến Cô Tô, chỉ có tiếng quạ kêu sương, lửa chài le lói, hàng phong bên cầu vắng gió. Nhưng tất cả đã nhờ một tiếng chuông buông nên sống động thành thơ. Tiếng chuông đến bất ngờ sau nhịp điệu chờ đợi Hai câu đầu đang theo nhịp thơ: 2 - 2 - 3 TT - BB - BTB Nguyệt lạc / ô đề / sương mãn thiên 2 - 2 – 3 BB - TT - TBB Giang phong / ngư hỏa / đối sầu miên đối vận tề chỉnh và đều hết câu ở vận bằng, êm ả (thiên, miên) Đến câu thứ ba, ở đây, đột chuyển sang nhịp khác: 4 – 3 B B B T - B B T Cô Tô thành ngoại / Hàn San tự lại dừng câu ở vận trắc “… Hàn San tự”, lững lờ chờ đợi…… tiếng chuông ngân … đến trong câu câu cuối, đưa tất cả về êm ả nhịp cũ, kết như một cadence nhạc: 2 - 2 -3 TT - BB – TTB Dạ bán / chung thanh / đáo khách thuyền Đọc lại một lần nữa để cảm nhận các âm tiếng của các nguyên âm “ô”, “a”, “an” trong:“Cô tô thành ngoại, Hàn San tự…”. Nhịp thơ buộc người đọc phải ngừng tại cuối câu ba, lơ lửng âm “ư”, rồi chờ đợi … Câu cuối: Việc bất ngờ là giữa nửa đêm, có tiếng chuông ngân vọng đến thuyền. Tiếng chuông dẫn người đọc đến tác giả, bây giờ mới thực ra mặt, ở tận cùng câu cuối. Tách ra, câu thứ ba giống như một câu nói, để vào trong bài 28 chữ, nó thành một câu thơ đầy sức gợi. Giá trị của nó nằm trong tổng thể của toàn bài với toàn thể cấu trúc trên âm vận và nhịp điêu. Giá trị của nó còn trong ý-gợi-dẫn. Ở một cách nhìn nào đó, Đường thi gần với thơ tượng trưng, các điển cố làm nghĩa chữ thêm cô đọng. Các âm Hán Việt đọc lên có mang thi vị riêng, phép đối câu – khiến câu 1-2 ôm lấy nhau, rồi trong câu lại đối chữ có cùng vị trí ở mỗi câu: nguyệt lạc – ô đề, giang phong – ngư hỏa. Tất cả tạo tác dụng đặc biệt vào cảm thức người đọc. Một thế giới riêng với các chữ có ma lực gợi dẫn, những ý chưa thành, những dẫn-đến chưa trọn, cái mông lung ở một tầng gần cảm thức hơn nhận thức (chữ chưa rõ trọn nghĩa). Có hiệu năng tạo những xúc động khác lạ. Cho nên thơ Đường phải đọc lên, phải ngâm nga cho các âm thành nhạc, để cảm trước khi để hiểu, cho xao xuyến đến trước nhận thức. [10] Tiếng chuông màu cổ kính gợi lịch sử dẫn đến vô thường. Cô Tô thành: Tất cả huyền thoại về Ngô vương Phù Sai, Việt vương Câu Tiễn, mỹ nhân kế của Phạm Lãi dâng Tây Thi,… vang vọng về trong hai chữ Cô Tô. Chỉ hai âm này gợi một chuỗi những thiên cổ lụy trong đó có thành tan nước mất, có tiếng cười xé lụa của sắc đẹp. Bao biển dâu thế sự, thăng trầm lịch sử. Hàn San tự: chùa Hàn San, nơi hai vị danh tăng Hán San và Thập Đắc vốn thường lui tới, Chữ “sơn” quen thuộc, nay đọc thành “san”. Cái lạnh của “hàn” phủ hết “núi”. Âm của chữ gợi cảnh cao sơn cô lạnh, chốn của quán tưởng về cuộc sống, thế giới của thoát tục. Nơi mọi thế sự chỉ còn trong quán niệm lạnh lẽo, từ đó tiếng chuông buông ngân, nhắc đạo giác ngộ cho đời. Cô Tô thành ngoại đối với Hàn San tự: thế sự biển dâu đối với hành trình chứng nghiệm vô thường? Một câu mới đọc tưởng như văn nói, “Chùa Hàn San ở ngoài thành Cô Tô”, nhưng ma lực của “Cô Tô”, huyền diệu của “Hàn San” đẫ đẩy tâm tưởng người đọc đi đến những bờ bến ngược thời gian! Chúng thành những ký hiệu [11], mang đầy hành lý [12] trên lưng. Khi đọc các câu thơ, mớ hành lý ấy chuyển sang người đọc. Hành lý nhiều đến đâu, chuyển vào xa tới đâu, lại cũng tùy mỗi người đọc, lần đọc. Chỉ là âm-đọc và nghĩa-gợi mà đánh thức dậy biết bao trong lòng người! Sự mầu nhiệm của thơ, biến cái nói-đây thành cái-khác-gợi-đến. “Thuyền” đã trôi từ giòng nước sang giòng đời. “Khách” đã từ kẻ cô lữ đêm ấy trên sông, thành muôn người trọ giữa trần gian. Nên chuông Hàn San ở chốn Cô Tô, đã thành âm của giác ngộ soi mặt biển dâu để phơi hiện thực vô thường. Cả bài thơ là một tổng thể quanh tiếng chuông ngân.[13] Tiếng chuông có màu thiên cổ vang trên những lối đi về của nghìn năm, phơi mở những miếu đài, đình tạ, gợi những nghiệp chướng trần ai. Tiếng chuông đêm ấy vang vọng đến mãi chiều nay. Ở đây không có bến Cô Tô, nhưng có lá phong rụng đầy trong nắng, vẽ những đỉnh đồi rực màu thu lộng lẫy, soi trên mặt sáng bừng ánh nước hồ lắng sóng. Xa lắm bến Phong Kiều, cách nửa vòng trái đất, không có đêm trên sông với hàng phong ngái ngủ, nhưng có chiều thu đang xuống, giữa chập chùng. Những vòm cao đang đổi sắc, im lắng, chỉ có tiếng lá, mỗi chiếc lá là một sự rạng rỡ quằn qụai trong gió tháng mười, là một bi tráng của cái đẹp kiêu hãnh biết mình sẽ tàn tạ nhưng vẫn mong mãi sống giữa lòng ngưỡng mộ. Cảnh thu nơi đây không có tiếng quạ kêu đêm, nhưng có tiếng nhạc của Hòa Tấu Khúc Dang Dở [14], hồ cầm, vĩ cầm tremolo rồi cả bộ huyền bi tráng, òa lên cao như tiếng khóc không giữ được khi phải đối diện với cái đẹp sắp mất. Những mảnh thu đang tự huỷ trong gió chớm lạnh. Chuông ngân đâu phải chỉ trên bến Cô Tô, đêm ấy giữa Đường Thi; chuông ngân khắp chốn, vọng đến mọi nơi của tâm cảnh sâu thẳm và ngoại cảnh bao la. Chuông ngân mãi trong tâm thức người đọc, nhắc nhở cuộc hiện sinh là những mảnh luân hồi ngắn ngủi trong bất tận cõi sống vô thường. Và còn gì đẹp hơn cái Đẹp phô sắc trên những cuống mong manh với sắc lá vẽ màu thời gian đi, trong các đang-trở- thành ở mỗi khoảnh khắc? [15] Tiếng chuông rơi mở ra một hành trình nhận thức Bay lên thành một hành trình sáng tạo thơ Hai câu đầu có thể tách thành một đoạn (stanza): Câu đầu: cho biết các chủ và thuộc từ sau: Trăng - lặn, Quạ - kêu, Trời - đầy sương. Cảnh chưa có người, các thuộc từ khách quan. Câu hai: Cây phong - ngủ buồn, Lửa thuyền đánh cá - ngủ buồn: các thuộc từ đã nhuốm chủ quan, có người đâu đó đang nhìn, gửi cảm quan của mình (sầu miên) vào cảnh vật vô tình khiến chúng thành hữu tình Hai câu cuối có thể xem là một đoạn khác Trong hai câu thơ đầu …thiên nhiên tự tại, trong đó trăng, hoa, cây cỏ, chỉ là trăng hoa, cây cỏ. Vẫn có đó, trước khi có con người, và mai sau, khi không còn có con người… Hai câu sau, khi tiếng chuông buông xuống vạn vật, một thế giới văn hóa mở ra, ở đó trăng thành nguyệt, phong thành thu mộng, hoa cỏ thành thơ…Tiếng chuông là biểu tượng của thế giới có văn hóa, đã nhân hóa, Từ tiếng chuông, con người đem cái nhìn của mình chiếu lên vạn vật, làm cho muôn vật sống dậy, mang một ý nghĩa, vạn vật thành vạn pháp. Tiếng chuông từ một hành trình đi tìm giải thoát, đêm nay đã vang đến một hành trình thơ, nâng cánh cho thơ bay lên, giúp người thơ lý giải được những khổ đau của cuộc sống, thấy được vị mặn của đời người. Thế giới của gỗ đá nay thành thế giới của cây và núi. Sông là giòng đời, trăng mờ là chân thực còn ẩn dấu, quạ kêu như nhắc vô minh. Sau tiếng chuông, một thế giới mở ra trong tri kiến giải thoát. Ba câu thơ, ba bước trên một hành trình: Vật hóa, nhân hóa, văn hóa: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên (1) Vật Giang phong ngư hỏa đối sầu miên (2) Vật +Tình = Nhân hóa Cô Tô thành ngoại Hàn San tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền (4) Ẩn một tri kiến giải thoát = Văn hóa. Tiếng chuông ngân cho biết có một lối giải thích vượt đời. Trăng tàn rồi lại tròn, sương đầy trời rồi mai lại nắng ấm, quạ kêu đêm nay, nhưng chim sẽ hót ngày mai… Sinh trụ, hoại, không, vạn pháp tương khởi, tương sinh, những chuỗi thành trụ hoại không bất tận …Phật giáo, thời Trương Kế, lúc ấy thấm nhuần khắp khắp đất Đường thi, thế tục đã được hiểu là tục lụy, cõi hồng trần đã mang nghĩa trần ai. Những thi nhân lỗi lạc cũng thường là các đạo sư, thiền sư [16]. Thơ thường đề ở chùa, khắc ở đền miếu. Thơ mở ra trên mọi cuộc đời, nếp sống, từ triều đình cho đến thiền viện, từ lầu rồng, gác phụng đến mái chợ bên sông. Thơ có bao giờ tạo được giữa hư không? Nên có tác giả viết “bài này đến tự bài kia” [17].Viết, đọc xây dựng trên nhiều ước định. Làm thơ, đọc thơ là sinh hoạt có tính xã hội. Đường là thời đại mà tư tưởng Phật phát triển, đem nhiều nghĩa mới cho chữ quen, những ẩn dụ, hình tượng thơ được thành hình. Các nghĩa ẩn sau mỗi chữ tin rằng sẽ được chia xẻ, trên những cái-được-viết, cái-nhắn-gửi mong có thể lập lại được. Cho nên Đường là thời hoàng kim của thi ca Tàu Cấu trúc của PKDB: Ngoại Cảnh Dấu Hiệu (Sign) Ẩn Nghĩa Sông Trăng khuất,quạ kêu, sương đầy trời bờ phong,lửa chài, giấc ngủ buồn Danh, Sắc Vô Minh thành Cô Tô, chùa Hàn San tiếng chuông vọng đến nửa đêm, Sáng Tỏ Sông thuyền. Kiến, Ngộ Cái đẹp, sự sống khách Nhắn, Gửi Thơ Tiếng chuông đến thuyền tác giả lúc “dạ bán”. Là khoảnh khắc đặc biệt của chu kỳ sinh diệt, ngày cũ vừa qua nhưng vẫn tưởng còn, ngày mới tuy chưa thấy, nhưng đã bắt đầu…Con chim chạm đất [18], chuông không phải chỉ đơn giản vang đến thuyền, vọng đến khách, nhưng “đáo khách thuyền”. Thanh âm giải thoát đến với người. Chữ “đáo” cho cả bài thơ một thiền vị. Lúc ấy, với người trầm tư, hay đang thiền quán, tiếng chuông cũng có thể có tác dụng của tiếng quát, tiếng gậy đập như trong các công án Thiền. Sông nước mở ra dưới sương mờ, rồi tiếng chuông nửa đêm chiếu lên cảnh vật, sông nước như vẫn là sông nước [19] cũ (nên không nói đến nữa) nhưng trên sông nước ấy, có thơ theo tiếng chuông bay lên … Từ tâm khách trên thuyền., đã đổi… Tiếng chuông buông “giữa vô cùng, nói đôi điều cùng ai”.[20] Tác giả đang có tâm trạng nào? ông chờ đợi gì? Làm nghề thu đo thuế muối sắt, ông lẫn giữa đám thương hồ. Đêm ấy thuyền buông ở bến Tô Châu, ông không ngủ, vì sao? Trương đang nghĩ gì lúc ấy? hay ông hành thiền quán? Thi thoại cho biết ông kết bài thơ trên sau khi nghe tiếng chuông. Phải chăng ông đợi một cảm hứng để viết cho trọn bài thơ đã mở sẵn? Hay cảm hứng đến từ tiếng chuông, bài thơ được tạo từ hai câu cuối chính để ngược về hai câu đầu là phần mở, thêm vào cho trọn bài luật thi? Tiếng chuông bất ngờ nửa đêm đã đem thi hứng và đánh thức nguồn sáng tạo cuả thi sĩ. Cảnh có đó, nhưng chưa có tình trọn ý, còn chết, nên chưa có thơ. Chỉ khi tiếng chuông đổ vọng đến thuyền, đem cái kỳ diệu làm bừng tia sáng tạo, Trương vội hạ bút với lòng xúc cảm. Cái xúc cảm ấy ông không san xẻ với người đọc, để chúng ta ngẩn ngơ bâng khâng mãi mãi, tự hỏi đêm khuya trên bến Cô Tô, tiếng chuông Hàn San tự ấy đã đánh lên những sắc màu, âm hưởng gì trong lòng Trương Kế? Có lẽ Trương cũng không thể biết rõ, ông chỉ “sống” cái giây phút đó, “chứng ngộ” giây phút đó, xong tiếng chuông ngân, trang giấy vội đầy. Tiếng chuông đó ra sao? Lòng Trương nghe thế nào? [21] Không bao giờ biết được. Nhưng Trương đã chọn gửi tiếng chuông đến chúng ta [22] Buông tỏa giữa vô minh, tiếng chuông chuyển kiến ngộ đến thế giới danh sắc cho cả người viết xưa lẫn người đọc ngàn sau. Đâu đó trong A lại gia thức, thêm những chủng tử sáng … Hãy lắng nghe tiếng chuông chùa rơi… … Vẫn vang đến từ chùa Hàn San ở đêm Cô Tô ấy Lê Dọn Bàn . Tiếng chuông chùa trong Phong Kiều Dạ Bạc Lê Dọn Bàn " ;Tiếng chuông đêm ấy vang vọng đến mãi chiều nay. Ở đây không có bến Cô Tô, nhưng có lá phong rụng đầy trong nắng, vẽ. có chuông đổ nửa đêm. Khi tiếng chuông buông, mọi vật sống dậy, như tỉnh giấc sầu miên. Cả bài thơ có tiếng chuông điểm khắp cảnh vật. Tiếng chuông cũng soi cho thấy người trong cảnh. Đêm trong. bút mực trước mặt, đang nhìn trời… như nghe tiếng chuông ngân. Mọi chốn trong tranh, tiếng chuông chùa đều vọng đến. Trăng hẳn vẫn còn mờ, nhưng tiếng quạ chắc đã tắt. Có chút đột nhiên (suspense)