Một số chú thích trong Phong Kiều dạ bạc [1] Các chữ Hán trong bài: Bạc: bỏ neo, đỗ thuyền, dạ bạc: đỗ thuyền lúc về đêm. Lạc: rơi rụng, mất đi, nguyệt lạc: trăng khuất, bị mất đi, không thấy được (mây che, sương phủ), không nhất định phải có nghĩa là trăng lặn lúc về sáng. (Có lẽ vì hiểu như thế nên cũng có dư luận đặt câu hỏi, về thời gian, sao tác giả mở bài lúc trăng lặn, gần sáng, lại kết thúc bài lúc nửa đêm.) Ô: con quạ, Đề: Kêu, tiếng kêu, ô đề: quạ kêu thành tiếng. Mãn: đầy, (như nước lên đầy tới bờ.), trọn vẹn, toàn khắp (sung mãn) sương mã thiên: sương phủ đầy bầu trời. Giang phong: cây phong, hàng phong, mọc theo bờ sông, phong: (chiết tự: mộc + phong: cây uốn theo gió) cây phong Tàu, theo người sinh trưởng tại vùng này, cho biết tương tự như giống phong (maple) ở Ontario, Canada, nhưng nhỏ cây và nhỏ lá hơn. Ngư hỏa: đèn (hay ánh đèn) của thuyền đánh cá trên sông. Miên: giấc ngủ, sầu miên: giấc ngủ buồn. Dạ bán: nửa đêm, thời khắc đêm bị cắt làm đôi. Chung thanh: tiếng chuông. Đáo: đến, tới nơi, đến khắp (Phật học: đáo bỉ ngạn: sang bờ bên kia, giác ngộ) [2] Trương Kế: Tự là Ý Tôn, người Tương Châu (tỉnh Hồ bắc). Năm 573, đỗ tiến sĩ đời Đường Huyền Tông, Từng giúp việc trong mạc phủ và làm quan thu đo thuế muối, sắt (diêm thiết phán quan). Cuối đời Đại Lich, Đường Đại Tông, vào triều làm tư bộ viên ngoại lang. Rồi ra coi việc tài phú tại Hồng Châu, mất tại đây. Theo Trần trọng San, Thơ Đường. Toronto: Bắc Đẩu, 1993. p.127. Trương chỉ làm vài bài thơ, và như chỉ còn bài thơ này được truyền tụng (bài duy nhất của Trương trong tập Đường Thi Tam Bách Thủ - 300 bài thơ đời Đường), nhưng lưu danh thiên cổ vì giai thoại đi kèm. [3] Phong Kiều: Tên đất ở phía tây huyện Ngô, tình Giang Tô, nay là Tô Châu, gần Hàng Châu, trong vùng đất cổ nhiều di tích lịch sử., châu thổ hạ lưu sông Dương Tử. Cũng là vùng đất Ngô Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc: Tô châu lớp lớp phù kiều Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang nam (thơ Hồ Dzếnh) [4] Cô Tô: ở Tô Châu, Đời Đông Chu, vua nước Ngô là Phù Sai, đắp đài cho Tây Thi tại đây Vua Ngô Hạp Lư xây thành bao quanh Tô Châu, đặt tên là thành Cô Tô (484 B.C.) Con Hạp Lư là Phù Sai có tướng giỏi, đánh thắng rồi thu nước Việt của Câu Tiễn. Câu Tiễn chạy về Cối Kê, theo mưu của Phạm Lãi dùng mỹ nhân kế để phục quốc. Phạm Lãi đem trăm nén vàng đến thôn Trữ La đón hai người đẹp nước Việt là Tây Thi và Trinh Đán về dạy múa, hát. Rồi dâng hai nàng cho Ngô Phù Sai. Phù Sai mê Tây Thi, dựng Cô Tô đài cho nàng. Cô Tô “cao năm trăm trượng rộng bốn mươi tám trượng”. Lại cho xây Ngoạn Nguyệt Trì (hồ ngắm trăng), cất Cầm Đài, chỗ cho nàng đánh đàn, Sơ trang đài cho nàng trang điểm, giếng Nguyệt Tĩnh để làm chỗ nàng tắm. Mê đắm Tây Thi, miệt mài ở Cô Tô đài, Phù Sai bỏ bê chính sự, Tây thi âm thầm lấy tin triều Ngô gửi về cho vua Việt. Cuối cùng Phù Sai bị Câu Tiễn diệt. Câu Tiễn lấy lại nước, lên ngôi, nhưng Pham Lãi, kẻ minh triết biết luật “hết thỏ, giết chó săn, hết chim, bẻ cung nỏ” nên từ quan, cùng Tây Thi rong chơi Ngũ Hồ rồi biệt tích … [5] Chùa Hàn Sơn: ngôi chùa nhỏ ở Tô châu. Trong chùa có tranh tượng của hai vị sư Hàn Sơn (Han Shan) và Thập Đắc (Shi De). Chùa lập tự đời Lương (502-557) . Cổ tự đã bị hủy trong loạn Thái Bình Thiên Quốc, ngôi chùa ngày nay mở cửa cho khách du lịch, là chùa mới tân tạo cuối đời Thanh. Tại địa phương, có truyền tích vẫn truyền tụng về chuông chùa: Kể rằng sau một trận mưa như thác đổ, dân chúng thấy một cái chuông nổi trên sông, trước cửa chùa, va đập vào bờ đá, vang tiếng ngân lạ kỳ. Mọi người ra xem, trong có có Hàn San và Thập Đắc. Tất cả đã cố sức thử mọi cách, nhưng không sao kéo chuông lên được. Thập Đắc bèn cầm gậy tre, nhảy vào chuông, chống mạnh, chuông vụt trôi đi, lạc đi đến một xứ lạ. Lên bờ, được dân xứ này chào đón. Thập Đắc truyền bá Phật pháp tại đây, thỉnh chuông mỗi ngày. Cây gậy chống thành bụi cây tốt tươi, Ở lại, Hàn San nhớ sư huynh của mình vô cùng, chẳng bao lâu, ông nghe có tiêng chuông và đoán rằng âm thanh đó phát ra từ chiếc chuông Thập Đắc. Hàn San gọi thợ làm một chiếc chuông, là chuông Hàn San, có âm vang rất xa, mỗi khi thỉnh, chuông vọng âm đến chỗ Thập Đắc. Hai người giao cảm bằng cách này. Cũng theo truyền thuyết, Chỗ Thập Đắc đến là Nhật bản ngày nay. Nguyễn Tường Bách trong thiên du ký Mùi Hương Trầm, cho biết gốc tích chùa Hàn San: “Hàn Sơn một cuồng sĩ sống ở khoảng thế kỷ VII, trong hang đá núi Thiên thai, nơi có hòa thượng Tế Điên ở. Trên núi Thiên Thai có chùa Quốc Thanh nổi tiếng, bấy giờ do thiền sư Phong Can trụ trì. Hàn Sơn hay lui tới chùa này, giao du với Thập Đắc. Thập Đắc (lượm được) cũng không khá gì hơn, vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi, được Phong Can lượm đem về chùa nuôi. Thập Đắc quí hàn Sơn, thường thu góp thức ăn, đựng trong một ống tre, cho Hàn Sơn mang đi. Thế nhưng Hàn Sơn không biết thân phận, đã không biết cám ơn chùa mà còn chửi đời. Sách Tống cao tăng truyện viết “Hàn Sơn đi trong hành lang chùa, chốc chốc lại kêu gào chửi bới lăng mạ mọi người, hoặc ngẩng mặt lên trời mà chửi đổng. Các vị sư trong chùa không chịu nổi vác gậy đuổi thì Hàn Sơn lăn lộn, vỗ tay cười hà hà rồi bỏ đi. Quần áo rách bươm, mặt mũi hốc hác, đầu đội mũ bằng vỏ cây hoa, chân kéo lê đôi guốc mộc” Hán Sơn, Thập Đắc thường bá cổ bá vai đi chơi với nhau và cũng thường lui tới chùa Hàn Sơn. Ngày nọ có vị quan là Lưu Khâu Dẫn đến hỏi Phong Can, ở đây có ai là người hiền? Phong Can là một thiền sư đắc đạo, cảm hóa được cả cọp, đáp: “Có Hàn Sơn tức là Văn Thù, có Thập Đắc tức là Phổ Hiền, dáng dấp của một người nghèo, điệu bộ như người cuồng”. Lưu Khâu Dẫn đến chùa gặp hai vị đó liền cúi lạy vái chào. Các vị sư khác kinh ngạc hỏi “ngài là quan to sao lại cúi lạy kẻ cuồng phu?” Hàn Sơn Thập Đắc cười hà hà nói “Phong Can lắm chuyện!” rồi bỏ đi. Về sau Lư đến tìm thì Hàn Sơn chỉ la lớn “Các người hãy cố gắng” rồi biến mất trong hang để lại nhiều thơ ca. Còn Thập Đắc cũng bỏ đi đâu không ai biết. Ngày nay hậu thế còn lại Hàn Sơn thi tập do Lưu Khâu Dẫn đề tựa và Đạo Kiều ghi chép, phụ thêm cả thơ Thập Đắc và Phong Can, còn hơn 300 bài gọi chung là Tam Ẩn Tập. Chùa ở Tô Châu nơi hai vị này lui tới, được gọi là Hàn San tự, để nhớ đến vị cuồng sĩ này. Trong chùa có tranh tượng của hai vị.” (Nguyễn Tường Bách. Mùi Hương Trầm. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ, 2000. p. 263-268.) [6] Bài dich này thường được cho là của Tản Đà, nhưng GS Nguyễn Quảng Tuân đính chính trong một bài viết của ông, cho biết tác giả là Nguyễn hàm Ninh. Tuy nhiên bài dẫn của GS, hai câu đầu có khác, xin ghi lại như sau: Quạ kêu, trăng lặn, trời sương, Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ. GS cũng bác bỏ lối giải thích cho giang phong và sầu miên là các địa danh. (Nguyễn Quảng Tuân. “Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương kế”. CA: nguyệt san Văn học, số 191, tháng 3, 2002) Trong Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà Vận Văn, toàn tập. Arlington: Sống Mới tái bản tại USA, không ghi năm. Mục Tản Đà Thơ Dịch, không có bài PKDB. Bài dịch này chuyển thất ngôn tứ tuỵệt thành 6/8 nhưng vẫn không bỏ thể bỏ hai chữ cổ kính Cô Tô và Hàn San. Như tôi phân tích câu thứ 3 của bài PKDB, khi tách ra câu này chỉ còn là một câu văn xuôi. Khi đứng trong bài, ý và vận làm thành tuyệt bút. Người dịch đã phá câu này, vì không thể giữ vận của thất ngôn trong lục bát. Nên hai câu 3-4 đã nhập ý thành hai câu tuyệt tác, có âm hưởng, thi vị riêng mà gần trọn ý. Duy chữ “nghe tiếng chuông” không cùng ý với “chung thanh đáo khách thuyền”. Chữ “đáo” trong nguyên bài là một động từ thể chủ động, trong bản dịch thành thụ động, tiếng chuông đến thuyền, sánh với người trên thuyền nghe tiếng chuông. Chữ “đáo” có thiền vị, đậm đà hơn, chữ nghe không bằng được. Các bài dịch quen thuộc khác: Quạ kêu trăng lặn sương rơi Lửa chài cây bãi đối người nằm co Con thuyền đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn (Trần Trọng Kim) Quạ kêu sương tỏa trăng lui Đèn chài cây bến đối người nằm khô Chùa đâu trên núi Cô Tô Tiếng chuông đưa đến bên đò canh khuya ( Ngô-Tất-Tố) Trăng lặn sương mờ nghe tiếng quạ Lửa chài cây ánh giấc chưa yên Cô Tô bên mái Hàn sơn tự Đêm muộn chuông ngân vẳng đến thuyền (Bùi Khánh Đản) Quạ kêu trăng lẩn sương trời Buồn hiu giấc ngủ lửa chài Bến Phong Đêm Cô Tô vẳng tiếng chuông Chùa Hàn Sơn đến thuyền sông Phong Kiều (Trần Trọng San) [7] Cũng theo GS Nguyễn Quảng Tuân, chuyện chuông chùa nửa đêm cũng bị các nhà phê bình Tàu ngờ là hư tạo, theo bài viết dẫn trên: “Hai câu này cũng gây thắc mắc cho người đọc vì vào lúc nửa đêm làm gì có tiếng chuông chùa.Vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ấu Dương Tu thì cho rằng: "Thi nhân tham cầu hảo cú nhi lý bất thông giả, diệc ngữ bệnh dã" (Nhà thơ vì muốn đặt câu cho hay nên lý không được thông, đó là một ngữ bệnh vậy). Sô Nghiêu trong quyển Đường thi tam bách thủ độc bản thì cho rằng: "Hậu nhân dĩ vi dạ bán vô chung thanh tương cấu bệnh, vị miễn xuy mao cầu tì". (Người đời sau lấy cớ nửa đêm không có tiếng chuông và cho là một ngữ bệnh, như thế thì chưa tránh khỏi cái thói bới lông tìm vết.) Diệp Thiếu Uẩn trong Thạch lâm thi thoại lại cho rằng: "Cái công vị thường chí Ngộ trung(3), kim Ngô trung tự thực bán dạ đả chung." (Vì ông không thường tới Ngô trung chứ hiện nay chùa ở đó vào lúc nửa đêm có đánh chuông thật.) [8] Genette, Gerard. Paratexts: thresholds of intepretation: Có thể xem thi thoại là paratext – gồm tất cả các yếu tố nằm trên “ngưỡng cửa” của thi, văn bản. Lại còn phân ra peritext (lời dẫn, tự, giới thiệu, bạt, nhan đề các chương, chú giải, …) và epitext (phỏng vấn, tiểu sử, tóm lược văn nghiệp, các bài phê bình, nhận xét, phỏng vấn, tóm lược đăng kèm,…) Tất cả không thuộc vào văn bản, nhưng giúp và có ảnh hưởng đến cách đọc, cách tiếp nhận tác phẩm. [9] Cũng theo Nguyễn Quảng Tuân, bài viết dẫn trên, về sau, nhiều thi sĩ Tàu đều nhắc đến bài thơ này: “Nhà thơ Lục Du đời Tống trong bài Túc Phong Kiều đã viết: Thất niên bất đáo Phong Kiều tự Khách chẩm y nhiên bán dạ chung. (Bảy năm không tới thăm lại chùa Phong Kiều, Nằm gối đầu ngủ lại ở đất khách nghe tiếng chuông chùa đánh lúc nửa đêm thấy vẫn y như cũ). Nhà thơ Tôn Địch cũng đời Tống trong bài Phong Kiều đã viết: Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự, Ỷ chẩm do văn bán dạ chung. (Quạ kêu, trăng lặn, cầu ở bên chùa, Nằm gối đầu ngủ còn nghe thấy tiếng chuông nửa đêm.) Nhà thơ Cố Trọng Anh đời Nguyên trong bài Bạc Xương môn đã viết: Tây phong chỉ tại Hàn San tự, Trường tống chung thanh giảo khách miên. (Chỉ tại chùa Hàn San mà gió tây Đưa xa tiếng chuông tới quấy động giấc ngủ của khách.) Nhà thơ Cao Khải đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết: Kỷ độ kinh qua ức Trương Kế, Ô đề nguyệt lạc hựu chung thanh. (Mấy lần qua Phong Kiều đều nhớ Trương Kế, Quạ kêu, trăng lặn với tiếng chuông nửa đêm.) Nhà thơ Văn Trưng Minh đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết: Thủy minh nhân tĩnh Giang thành cô, Y nhiên lạc nguyệt đề sương ô. (Nước trong, lòng tĩnh, Giang thành vắng, Trăng lặn, quạ kêu trong sương vẫn y như cũ.)” [10] Các âm Hán Việt trong các câu có cú pháp Hán, đẩy người Việt đọc thơ, trước hết, vào một tầng chưa có nhận thức toàn vẹn, nếu so với khi đọc các chữ Việt, hay Việt gốc Hán nhưng theo cú pháp thuần Việt. Thí dụ, khi đọc: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên”, câu này mở ra nhiều lối giải - vì là ngọai ngữ, (hay cổ ngữ) hơn là khi đọc “Trăng lặn, quạ kêu, trời đầy sương”, câu này đến thẳng với nhận thức bằng con đường nhanh, gần hơn – vì là tiếng mẹ. Trong tiến trình nhận thức: đọc - hiểu, câu thơ Hán có thêm một bước, bước chuyển dịch, đọc – lập nghĩa - hiểu. Câu thơ Việt không có bước lập/tìm nghĩa này, nên tiến trình ngắn hơn. Trong bóng tối của các chữ đang-trở-thành-vẹn-nghĩa, các âm Hán Việt có thêm sức-gợi. Có lẽ vì thế, vẫn có tác giả Việt thích viết thơ Hán Việt, rồi cung cấp bản Việt ngữ của mình liền sau đó. Trong trường hợp này, bài chuyển dịch của tác giả sang Việt ngữ, đóng vai của một trong nhiều bản dịch có thể có. Một trong nhiều lối hiểu có thể xây trên bài thơ chữ Hán. [11] Peirce, Charles Sanders (1894) What is a Sign? – theo ông, ký hiệu (sign) truyền thông gồm: dấu thay (icon), dấu chỉ (index) và dấu hiệu (symbol) [12] Điển cố có tác dụng làm mỗi chữ, mỗi âm có thêm rất nhiều chiều dày, tựa trên cái-nhắc-đến để đẩy thêm sức gợi-lên, đem đến ý-tại-ngôn-ngoại. Điển cố là chữ mang theo hành lý ẩn tàng, là những hình thay (icons), hình ảnh thu nhỏ để thay thế cho cái nói về, nhắc đến. [13] Cuiller, Jonathan. Structuralist poetics. NY: Cornell U Press, 1976. p. 170. Bốn thành tố (factors) trong thơ: Distance and deixis - Organic wholes – Theme and epiphany- Resistance and recuperation. [14] Shubert, Frank. Symphony no. 8 - in B minor (1822) phần Allegro moderato [15] Trong quyển sách bàn về Thơ, The Dyer's Hand, thi hào W. H. Auden (1907-1973) khuyên khi đọc thơ, bạn phải để cho bài thơ “đọc” bạn (when reading a poem, you must let the poem read you) Bởi mỗi chữ nghĩa trong mỗi chúng ta đều có một dĩ vãng riêng, bài thơ thành một đối thoại giữa nhà thơ và người đọc trong một vũ trụ của ngôn ngữ giữa hai người. Cùng một bài thơ, mỗi người đọc một khác và cùng một người, cũng có nhiều cách đọc, khác nhau theo từng chặng đời. [16] Nhà Đường (618-906): Thời phát triển mạnh nhất của Phật giáo trên đất Tàu. Thời này, nhiều tông phái ra đời, (trong đó có hai phái Thiền nổi tiếng: Lâm Tế và Tào Động.), nhiều kinh sách được thỉnh (Huyền Trang) và chú dịch, nhiều chùa lớn được xây cất. Thơ Vương Duy trình bày tư tưởng Phật giáo, nên được gọi là Thi Phật, Đại thi hào Bạch cư Dị rất hâm mộ Phật giáo, hiệu Hương Sơn Cư Sĩ. [17] “Poems can only be made out of other poems”. Northrop Frye [18] Chữ đáo 到 : tạo bởi ghép chữ chí 至 (nghĩa) + đao 刂(âm). Nghĩa nằm ở chữ “chí”: hình con chim chạm, đáp xuống đất…Đáo cho nghĩa của sự đến, đáp xuống đích, tới nơi, đạt được. Đến với chủ ý, không ngẫu nhiên. [19] Có một vị thiền sư (Thanh Nguyên Duy Tín) khi ngộ đã tuyên bố: Lúc chưa tu ông thấy núi chỉ là núi, sông chỉ là sông. Sau ông nhập đạo tu hành, ông thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Nhưng đến khi giác ngộ, ông lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông. Hay : Lư sơn yên tỏa Triết giang triều Vị đáo sinh bình hận bất tiêu Ðáo đắc hoàn lai vô biệt sự Lư sơn yên tỏa Triết giang triều (Lư Sơn - Tô Ðông Pha) Mù tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang Khi chưa đến dó luống mơ màng Ðến rồi, hóa chẳng không gì khác Mù toả Lô Sơn sóng Chiết Giang. (Trúc Thiên dịch ) Tô Thức muốn nói về chuyện di tìm cái Tâm (Tự Tánh).Khi chua gặp thì thấy thật xa vời, siêu việt, khi gặp rồi thì lại thấy không khác với diều dã biết, cung chỉ là cái tâm bình thuờng (bình thuờng tâm thị đạo). [20] “Tout dit dans l’infini quelque chose à quelqu’un”. – Victor Hugo Nhưng có phải những gì giữa-các-chữ cũng diễn tả nhiều như chính các chữ? những gì không “nói”cũng bằng những gì “nói”.( “Mais si le langage exprime autant par ce qui est entre les mots que par les mots? Par ce qu’il ne “dit” pas que par ce qu’il “dit”) - Merleau-Ponty. [21] Khác với phê bình cổ điển quen thuộc; trong đó có mọi cố gắng nhằm tìm cho được chủ đích, tư tưởng, đại ý,… của tác giả. (Lối phê bình chịu ảnh hưởng của truyền thống diễn dịch kinh thánh tây phương; tìm ý tác giả như tìm thánh ý sau lời kinh, phê bình là diễn dịch (intepretation) – lấy ra cái ý mà tác giả đã đưa vào - ). Khi tuyên bố cái chết của tác giả, quan niệm tác giả là kẻ tạo văn bản từ không, là gốc, là kẻ thai nghén, là cha đẻ, …đã bị thay thế bằng quan niệm “tác giả” chỉ cũng là một sản phẩm, một phần vụ trong quá trình viết (“deconstructing" the idea that the author is the origin of something original, and replacing it with the idea that the "author" is the product or function of writing, of the text.) Thi sĩ, tác giả, như con tằm nhả tơ, nhưng không tạo ra tơ. Tơ đến từ mây trắng, dâu xanh, rồi tay ngà đưa hoa văn cổ truyền vào khung dệt,… Nay, khi “tác giả đã chết“ (Foucault & Barthes), cái ý gửi (context) đã được tách riêng, và xem không hoàn toàn là của tác giả, thi sĩ được lui vào hậu trường. Còn văn bản và người đọc. [22] Theo Jakobson, ngôn ngữ có 6 chức năng, trong đó chức năng thơ (poetic function) là một. Đọc thơ là nhận lời nhắn của người gửi thi sĩ. Theo ông, tất cả các hình thái của ngôn ngữ truyền thông; từ người nói, gửi đến người nghe, nhận; đều thưc hiện ít nhất một trong các chức năng sau: nhắc-đến cái gì, với xúc-cảm, để giao tiếp, để nghe nhận, bằng hệ thống ký hiêu – ngôn ngữ chung, và trong thông điệp có chất-thơ (all instances of language fulfil at least one of the six functions: the referential, the emotive, the phatic, the conative, the metalingual, and the poetic). Jakobson cũng nhấn mạnh suy nghĩ về thơ là “the linguistic study of the poetic function in the context of verbal messages in general and in poetry in particular”. Mỗi khi phát ngôn (in every speech act: “The addresser sends a message to the addressee. To be operative the messgage requires a context referred to, seizable by the addressee, and either verbal or capable of being verbalized; A code fully or at least partially, common to the addresser and the addressee; and, finally, a contact, a physical chanel and psychological connection between the addresser and the addressee, enabling both of them to enter and stay in communication.’ (Jakobson, Roman. “Linguistics and Poetic”, in Style in language, ed. T. Sebeok, MIT Press, Cambrige, 1960, p. 353) Trong bài thơ trên : 1) Tiếng chuông chùa Hàn San là context, cả bài thơ chỉ còn là một tiếng chuông buông giữa nửa đêm trên bến Cô Tô. 2) Cái ẩn dấu, code (để giải mã) trong = [ “Cô Tô” + ”Hàn San” + “dạ bán”+ “thanh chung” + “đáo”] 3) Cái nền giao cảm, contact hay gọi cho rõ hơn trong bài PKDB là the medium of contact, cái nền chung cho sự giao cảm là ở trong sự hiểu biết của người đọc về các dật sử do địa danh vùng Tô Châu mang lại; Cô Tô, Hàn San. Thiếu sự hiểu biết phải có này, là mất contact, bài thơ mất đi nhiều chất-gợi, cho nên bài thơ luôn đi với thi thoại của nó đã kể lại trên. Trong một ngôn ngữ ở ngoài quĩ đạo văn hóa Tàu và thiếu chiều dày Phật giáo, bài thơ dễ trở nên nhạt nhẽo, khó gợi được những điều như chúng ta, người Việt (hay Hàn, Nhật) cảm nhận. Dịch sang Anh, Pháp ngữ, thường có bốn câu văn xuôi vô cảm. Cái contact đã bị mất, cái code đã bị lạc khi sang một văn hóa lạ. Đó cũng là hiện tượng chung khi dịch thơ. (A Night-Mooring Near Maple Bridge While I watch the moon go down, a crow caws through the frost; Under the shadows of maple-trees a fisherman moves with his torch; And I hear, from beyond Suzhou, from the temple on Cold Mountain, Ringing for me, here in my boat, the midnight bell Witter Bynner - trích từ: http://etext.lib.virginia.edu/etcbin/chinesebin/chinese-search? poem=273) Với thiên nhuệ thi hào, Tản Đà đã thu gọn tất cả [context + code+ contact] rồi chuyển lại tất cả trong: Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San Tôi không thể làm hơn, đành để nguyên các âm cổ kính! “Cô Tô thành ngoại, Hàn San tự” Chuông vọng đến thuyền lúc nửa đêm . Một số chú thích trong Phong Kiều dạ bạc [1] Các chữ Hán trong bài: Bạc: bỏ neo, đỗ thuyền, dạ bạc: đỗ thuyền lúc về đêm. Lạc: rơi rụng, mất đi,. giải thích cho giang phong và sầu miên là các địa danh. (Nguyễn Quảng Tuân. “Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương kế”. CA: nguyệt san Văn học, số 191, tháng 3, 2002) Trong. này: “Nhà thơ Lục Du đời Tống trong bài Túc Phong Kiều đã viết: Thất niên bất đáo Phong Kiều tự Khách chẩm y nhiên bán dạ chung. (Bảy năm không tới thăm lại chùa Phong Kiều, Nằm gối đầu ngủ lại