37Số 8 - Tháng 6 - 2014 VĂN HÓA THỜI KỲ CẬN ĐẠI NGHIÊN CỨU V Ă N H Ó A CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG TIÊU BIỂU Ở BẮC NINH TRẦN ĐỨC NGUYÊN Tóm tắt Bắc Ninh là địa phương giàu truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng. Truyền thống đó đã hình thành nên một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đa dạng và phong phú, trong đó có các di tích lịch sử cách mạng, đặc biệt là các di tích gắn với thời kỳ hoạt động của Đảng đầu thế kỷ XX, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là những di tích tiêu biểu, gắn liền với nhiều sự kiện, nhiều cá nhân ưu tú của Đảng ta trong thời kỳ đầu ra đời và lãnh đạo quần chúng. Ngày nay, những di tích ấy vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Từ khóa: Di tích, di tích lịch sử cách mạng, Bắc Ninh Abstract Bac Ninh is a province which is rich in historic and revolutionary struggle tradition. That tradition has formed a system of diversied historical - cultural monuments, including revolutionary historical ones, especially the relics associated with the period of activity of the Party in the very early twentieth century, the period of resistance against the French colonialists. These are typical monuments associated with many events, many eminent individuals of our Party in the early stage of formation and leadership. Today, those monuments still have an important role in social life, and having great contribution in education of patriotic tradition for the young generation. Keyword: Monuments, revolutionary historic sites, Bac Ninh. 1. Giới thiệu chung về di tích lịch sử cách mạng ở Bắc Ninh B ắc Ninh là vùng đất có lịch sử từ lâu đời, người dân ở đây có truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Bắc Ninh là địa bàn hoạt động bí mật của nhiều cán bộ cách mạng, nhiều địa điểm đã ghi dấu những sự kiện quan trọng gắn với lịch sử cách mạng của đất nước. Bắc Ninh cũng đóng góp những người con ưu tú cho cách mạng như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt Họ sớm giác ngộ, tham gia hoạt động và trở thành những nhà cách mạng tiền bối, có công lao trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, gây dựng cơ sở và phong trào cách mạng khắp cả nước. Truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của người dân đã góp phần hình thành nên các di tích lịch sử - cách mạng, đặc biệt là các di tích gắn với thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp hiện được lưu giữ ở nhiều địa phương của Bắc Ninh. Các di tích đó tồn tại đến nay chứa đựng nhiều giá trị, ý nghĩa to lớn, góp phần làm cho bản sắc văn hóa của xứ Bắc thêm đa dạng phong phú, đồng thời cùng các di sản văn hóa khác tạo nên nguồn nội lực to lớn, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Số 8 - Tháng 6 - 201438 NGHIÊN CỨU V Ă N H Ó A Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Ninh có 1259 điểm di tích, trong đó 498 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Các di tích lịch sử cách mạng có 17 di tích, tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước xếp hạng được 15/17 di tích, trong đó 12 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 3 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích này gồm hai loại: + Các di tích vốn là các căn nhà, địa điểm sinh hoạt của các gia đình. + Các di tích thuộc công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Về nội dung phản ánh, các di tích trên chủ yếu gắn với các sự kiện của lịch sử cách mạng thời kỳ trước năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1945 đến năm 1954. Các di tích được phân bố chủ yếu ở các địa phương sau: thị xã Từ Sơn: 8 di tích; huyện Tiên Du: 4 di tích; huyện Yên Phong: 2 di tích; huyện Thuận Thành: 2 di tích và thành phố Bắc Ninh: 1 di tích. Có thể thấy sự phân bố các di tích tập trung chủ yếu ở các địa phương nằm sát bờ bắc sông Đuống. Đây là khu vực gần với Hà Nội, lại là vùng đất người dân có truyền thống yêu nước, phong trào đấu tranh cách mạng diễn ra mạnh mẽ hơn các vùng khác; về địa hình, địa thế, dễ dàng di chuyển đi các nơi nên các vùng này được chọn làm cơ sở hoạt động của phong trào cách mạng. 2. Một số di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu * Khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ Khu di tích lưu niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Cừ nằm tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn. Toàn bộ khu di tích nằm ngay đầu làng Phù Khê Thượng trên một khu đất rộng hơn 4000m2. Đây chính là quê hương - nơi sinh của đồng chí Nguyễn Văn Cừ - người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của Đảng ta những năm 1938 – 1940. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 tại làng Phù Khê Thượng (thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1928, Nguyễn Văn Cừ ra nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1930, đồng chí tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở khu mỏ Hồng Quảng. Tháng 10/1930 theo chỉ thị của Trung ương Đảng, đồng chí tiến hành thành lập đặc khu mỏ Hồng Quảng. Tháng 2/1931 đồng chí bị địch bắt và kết án chung thân, đày đi Côn Đảo. Ra khỏi nhà tù, đồng chí lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3/1938, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định), đồng chí được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, khi đó mới vừa tròn 26 tuổi. Ngày 17/1/1940, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại Sài Gòn. Kẻ thù đã dùng nhiều hình thức tra tấn dã man nhưng không hề khuất phục được tinh thần của người chiến sĩ cách mạng. Ngày 26/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí tại Ngã ba Giồng. Ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, ngay sau ngày thống nhất đất nước (1976), ngôi nhà của đồng chí tại Phù Khê Thượng đã được phục dựng lại trên nền đất cũ dựa theo lời kể của các thân nhân trong gia đình và dòng họ của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Toàn bộ ngôi nhà gồm các hạng mục: nhà 5 gian nền đất, tường vách đất, lợp mái lá cọ; nhà bếp 3 gian, tường vách đất; cổng tre, chuồng gà và các đồ dùng sinh hoạt hết sức đơn sơ, giản dị. Bộ ván ngựa xẻ mỏng và hai chiếc giường tre, bộ trường kỷ bằng tre (thường được sử dụng nhiều trong các gia đình nông dân Việt Nam), đều là những kỷ vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Di tích lưu niệm nhà đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng năm 1988 là di tích lưu niệm cách mạng. Năm 1987, để làm rõ thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí, đồng thời nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho các thế hệ ngày hôm nay, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định cho xây dựng nhà trưng bày lưu niệm nằm sát ngay cạnh ngôi nhà của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Nhà trưng bày có diện tích hơn 240m 2 , gồm ba phòng trưng bày theo các nội dung: Phòng thứ nhất: Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; 39Số 8 - Tháng 6 - 2014 VĂN HÓA THỜI KỲ CẬN ĐẠI NGHIÊN CỨU V Ă N H Ó A Phòng thứ hai: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng; Phòng thứ ba: Tấm gương cách mạng rạng rỡ. Các hiện vật trưng bày được bảo tàng tỉnh Bắc Ninh sưu tầm bổ sung, giới thiệu gắn với những sự kiện lịch sử tiêu biểu và gắn với thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Một số tư liệu khác giới thiệu về quê hương Phù Khê với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa đã hun đúc nên một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc. Năm 2012, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư kinh phí hơn 100 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp khu nhà trưng bày lưu niệm với quy mô lớn hơn, bổ sung trang thiết bị cùng nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị cho các nội dung trưng bày, đồng thời dựng tượng đài đồng chí Nguyễn Văn Cừ với chiều cao gần 4,5m và nặng hơn 5 tấn, đặt ngay phía trước nhà trưng bày. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục như đường giao thông, sân vườn, hồ bán nguyệt, nhà khách… cũng được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu tham quan, tưởng niệm của nhân dân. * Khu di tích lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự Di tích nằm tại xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, đây là khu nhà của gia đình đồng chí Ngô Gia Tự, được cụ Ngô Gia Du xây dựng năm 1916, bao gồm các hạng mục như nhà thờ họ, nhà điện, nhà ngang, nhà bếp, cổng ra vào, hệ thống tường bao quanh và hai căn nhà tranh. Về sau hai căn nhà tranh bị cháy, gia đình đã xây lại thành ngôi nhà ba gian ngay trên nền cũ. Đây chính là ngôi nhà mà đồng chí Ngô Gia Tự thường học tập, vui chơi khi còn nhỏ. Khi rời trường Bưởi về nhà, đồng chí lấy ngôi nhà này làm cơ sở để mở lớp dạy học, nhằm tránh sự theo dõi của thực dân Pháp. Tháng 9 năm 1928, lấy danh nghĩa là tổ chức khao Ngô Gia Tự đỗ tú tài, kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đã họp tại điện thờ của gia đình. Tại đây đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đề xướng chủ trương “vô sản hóa”. Đầu năm 1929 phong trào này đã lan rộng khắp cả nước và trở thành phong trào mạnh mẽ. Khu nhà thờ chính là nơi ở của cụ Ngô Gia Du, kiến trúc gồm 5 gian 2 dĩ, đầu hồi bít đốc, lợp ngói vảy cá. Nhà có bộ khung bằng gỗ lim, kết cấu vì kèo kiểu tiền kẻ hậu bẩy; trên các con chồng, kẻ, cốn và câu đầu đều được chạm khắc hoa lá đơn giản. Hiện nay, trong ngôi nhà, các hiện vật còn giữ lại, được bài trí như sau: Tại gian chính là bàn thờ tổ tiên với ảnh thân phụ, thân mẫu của cụ Ngô Gia Du, phía dưới có khay đài, ống hương. Tiếp theo đặt ban thờ cụ Ngô Gia Du với ảnh, bình hương, lọ hoa, đài nước… Phía ngoài cùng đặt hương án, trên bài trí các đồ thờ như mâm bồng, chân đèn, lọ lộc bình, bình hương Hai bên cột treo đôi câu đối bằng chữ Hán, phía trên có treo bức hoành phi với bốn chữ: “Di mưu dực yên”. Trong khu di tích còn khá nhiều hiện vật gắn với gia đình và đồng chí Ngô Gia Tự từ những ngày còn sinh sống tại quê hương như: bộ phản gỗ, nơi đồng chí Ngô Gia Tự nghỉ ngơi mỗi khi dạy học xong; bộ tràng kỉ gỗ lim gồm một bàn và hai ghế là nơi tiếp khách; nhiều hiện vật là đồ dùng sinh hoạt của gia đình vào thời điểm đó như mâm gỗ, thau đồng, tráp đựng trầu cau, chậu đồng, tủ đứng, chum vại Một số hiện vật liên quan đến hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự cũng được lưu giữ như: chiếc đèn tọa đăng dùng trong các cuộc hội họp của tổ chức cách mạng; bát gốm dùng để mài mặc in tài liệu sách báo cách mạng Các công trình bên ngoài như sân gạch, vườn cây, bể nước, chậu cây cảnh vẫn lưu giữ được nguyên trạng. Trên chính giữa cổng ra vào của ngôi nhà, có đề ba chữ “Cửa như chợ”, thể hiện tấm lòng của người chiến sĩ cách mạng, luôn mở rộng cửa đón đợi những người cùng tâm huyết, chí hướng. Tinh thần cách mạng còn được thể hiện rõ bằng đôi câu đối ở hai bên cổng do chính đồng chí Ngô Gia Tự viết: Cổng độc lập tha hồ khép mở Nhà tự do mặc sức ra vào Với ý nghĩa, giá trị của di tích, Nhà nước đã ra quyết định công nhận khu nhà ở của gia đình đồng chí Ngô Gia Tự là “Di tích lưu niệm danh nhân cách mạng” cấp quốc gia vào năm 1989. Số 8 - Tháng 6 - 201440 NGHIÊN CỨU V Ă N H Ó A * Chùa làng Đồng Kỵ Chùa làng Đồng Kỵ thuộc phường Đồng Quang, thị xã Từ Sơn. Căn cứ theo các tư liệu, hiện vật còn lưu lại thì chùa làng Đồng Kỵ được khởi dựng từ thế kỷ XVII. Trải thời gian, đến nay chùa còn lưu giữ được nhiều hạng mục kiến trúc cũng như các di vật, cổ vật có giá trị. Về kiến trúc, chùa Đồng Kỵ là công trình gồm nhiều hạng mục kiến trúc có quy mô khá bề thế: gác chuông hai tầng; tòa Tam Bảo có kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, gồm 7 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện; hai dãy hành lang và tòa nhà hậu. Các đơn nguyên này đều mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Nghệ thuật chạm khắc được thể hiện với nhiều đề tài như rồng, mây, hoa lá, tập trung ở các bức cốn, cửa võng, đầu dư tại tòa Tiền đường. Các di vật hiện còn tại di tích khá phong phú và mang nhiều giá trị. Hệ thống tượng được bài trí theo phong cách các ngôi chùa Việt, phần lớn các tượng đều có niên đại thời Lê và Nguyễn, tập trung chủ yếu ở Tam bảo và nhà Hậu. Ngoài ra, chùa hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật như cây hương đá có ghi niên đại Vĩnh Trị thứ 4 (1679), chuông đồng đúc năm 1822, trong lòng chuông có khắc chữ Hán. Trong chùa còn có hệ thống các câu đối, hoành phi, bát hương, lọ độc bình, lọ hoa, hương án có niên đại thời Nguyễn. Bên cạnh những giá trị về kiến trúc nghệ thuật cùng hệ thống di vật đặc sắc thì chùa Đồng Kỵ còn là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng. Chùa Đồng Kỵ là địa điểm bí mật được các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng lựa chọn vào những năm 1941, 1945. Nhà khách của chùa là nơi ăn nghỉ, tổ chức các cuộc hội họp, soạn thảo nhiều văn bản quan trọng của cách mạng và đặc biệt vào ngày 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp Hội nghị mở rộng, đánh giá về tình hình thực tế và ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tuy nhiên, địa điểm này bị lộ nên cuộc họp được rút về cơ sở tại nhà cụ Đám Thi ở Đình Bảng để họp tiếp. Hiện nay tại nhà khách của chùa, còn trưng bày nhiều hiện vật như mâm đồng, khay mây, ấm chén là những đồ dùng sinh hoạt của các đồng chí trong Trung ương Đảng đã từng hoạt động tại đây. Tại nhà khách cũng đặt bàn thờ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị Chùa Đồng Kỵ là một công trình kiến trúc tôn giáo mang giá trị văn hóa nghệ thuật đồng thời là di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu, do vậy đã được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào năm 1974. * Di tích gác nhà cụ Đám Thi Nhà cụ Nguyễn Tiến Tuận (thường gọi là cụ Đám Thi) nằm tại xóm Thọ Môn, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn. Toàn bộ khu nhà gồm có 5 gian nhà chính, 3 gian nhà khách, 3 gian nhà kho, nhà bếp cùng các công trình phụ khép kín. Tất cả các hạng mục được bố trí trên bình đồ hình chữ Môn. Đặc biệt là gần nhà chính và nhà khách có căn nhà gác hai tầng được xây dựng từ năm 1929. Vào thời điểm những năm đầu thế kỷ XX, thì đây là căn nhà có chiều cao hơn hẳn so với các nhà xung quanh, từ cửa sổ của tầng hai có thể quan sát khắp các mái nhà, đường ngang ngõ tắt trong xóm, ở đây có nhiều lối thoát hiểm bí mật, tiện dụng khi có báo động. Chính vì vậy, Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã chọn nơi đây làm cơ sở hoạt động cách mạng. Các đồng chí như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Duy Kỳ đã từng sống và hoạt động trong căn nhà này giai đoạn từ 1939 đến tháng 8/1945. Tại đây đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 họp từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 1940. Năm 1941, vẫn tại tầng hai của căn nhà lại diễn ra cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 3/1941, nhận thấy mâu thuẫn Nhật - Pháp tất yếu sẽ dẫn đến hành động quyết liệt hất cẳng nhau và căn cứ vào thái độ chuẩn bị đảo chính của phát xít Nhật, tối ngày 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Lúc đầu cuộc họp diễn ra tại chùa làng Đồng Kỵ, tuy nhiên bị địch phát hiện, các đại biểu đã rút về cơ sở bí mật tại nhà cụ Đám Thi để họp tiếp. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Trường Chinh và đã đưa ra bản chỉ thị lịch sử “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể, trước mắt lúc này là phát xít Nhật; khẩu hiệu 41Số 8 - Tháng 6 - 2014 VĂN HÓA THỜI KỲ CẬN ĐẠI NGHIÊN CỨU V Ă N H Ó A hành động lúc này là “Đánh đuổi phát xít Nhật” và đề ra mục tiêu “Thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân”. Hội nghị cũng đề ra nhiều vấn đề cụ thể, các hình thức đấu tranh nhằm phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa và khẳng định tinh thần dựa vào sức mình là chính. Cùng với toàn bộ các hạng mục công trình kiến trúc thì tại đây còn lưu giữ được nhiều đồ dùng sinh hoạt trong thời kỳ hoạt động bí mật của các đồng chí trong Trung ương Đảng như: bàn ghế, mâm, bát đũa, ấm chén, đèn Di tích Nhà gác cụ Đám Thi được xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1979. * Di tích nhà cụ Tú Ba Di tích nhà cụ Tú Ba hiện nay ở thôn Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn. Cụ Tú Ba là ông ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, ngôi nhà của cụ là cơ sở cách mạng của Đảng ta trước và trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại ngôi nhà này, gia đình cụ Tú Ba - một nhà nho nghèo yêu nước - dùng làm nơi ăn ở và dạy học. Cụ Tú Ba dạy dỗ nhiều học trò trong vùng trưởng thành, trong đó có người cháu ngoại là Nguyễn Văn Cừ. Từ năm 1939, ngôi nhà cụ Tú Ba còn là địa điểm hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng như Ngô Văn Hiệp, Lê Hoàn, Phạm Văn Đồng Các đồng chí đã dùng ngôi nhà này vừa làm nơi dạy học vừa để che mắt địch, tuyên truyền thành lập chi bộ Đảng cộng sản Cẩm Giang (Phù Lưu huyện Đình Bảng). Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở Từ Sơn, ngôi nhà cụ Tú Ba được dùng làm kho vũ khí của quân đội cách mạng. Khu nhà của gia đình cụ Tú Ba gồm 7 gian, tường xây gạch, mái lợp ngói, hệ thống cột, kèo bằng gỗ lim, bên cạnh là ngôi nhà 3 gian làm nơi dạy học. Sau cải cách ruộng đất, nhà nước chia lại đất nên gia đình chỉ còn lại ngôi nhà 3 gian. Từ năm 1963, ngôi nhà này trở thành nhà thờ chính của gia đình. Hiện nay, tại di tích, còn lưu giữ được một số hiện vật gốc như: hòm gỗ sơn son mà cụ Tú Ba đã cho Nguyễn Văn Cừ làm hòm đựng sách vở; chiếc bàn và ghế tay ngai được cụ Tú Ba dùng để dạy học; mâm gỗ gia đình dùng hằng ngày… Gần đây có bổ sung thêm một số hiện vật là bản sao có liên quan đến đồng chí Nguyễn Văn Cừ như: ảnh chân dung thời niên thiếu, ảnh thời kỳ bị giam cầm tại nhà tù đế quốc; văn bằng “Việt Nam sơ đẳng tiểu học” của Nguyễn Văn Cừ do Đốc học và Công sứ tỉnh Bắc Ninh cấp tháng 9/1925; văn bằng tiểu học Pháp - Việt của Nguyễn Văn Cừ, do Chánh thanh tra Tiểu học và Văn phòng phủ Thống sứ Bắc Kỳ cấp Di tích nhà cụ Tú Ba đã được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa năm 1996. * Di tích núi Lim - chùa Hồng Ân Núi Lim - Hồng Ân sơn - là quả núi nhỏ, nằm ngay tại trung tâm của thị trấn Lim, huyện Tiên Du. Chùa Hồng Ân đặt trên đỉnh núi Lim là một di tích còn lưu giữ nhiều giá trị thông qua các di vật còn lưu giữ trong chùa. Chùa Hồng Ân là địa điểm hội tụ của đông đảo khách thập phương về dự hội Lim - hội hát quan họ nổi tiếng của xứ Bắc từ xưa đến nay. Chùa Hồng Ân được khởi dựng từ bao giờ thì nay chưa có tư liệu cụ thể, chính xác. Nhưng theo một số tư liệu ở địa phương thì có thể chùa được xây dựng vào thế kỷ XV; được trùng tu, mở rộng nhiều lần vào các thế kỷ XVIII - XIX. Đến nay, công trình kiến trúc của chùa bao gồm nhiều đơn nguyên như tam quan, gác chuông, tam bảo, nhà tổ, nhà thờ mẫu Cùng với đó là nhiều cổ vật quý có giá trị như: chuông đồng ”Hồng An tự chung” đúc năm 1795, chuông đồng nhỏ đúc năm 1850; hệ thống sắc phong gồm 16 đạo trong đó có 2 đạo sắc ghi niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1783) còn lại là của thời Nguyễn. Núi Lim và chùa Hồng Ân là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử cách mạng nước ta cũng như của địa phương. Ngày 4/8/1929, tại núi Hồng Vân, hơn 20 hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã được triệu tập để thành lập Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh - Bắc Giang. Sau hội nghị hợp nhất ở Hương Cảng, tháng 2 - 1930, tổ chức này chuyển thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang. Đồng chí Phạm Văn Chất được giữ chức Bí thư tỉnh ủy. Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Số 8 - Tháng 6 - 201442 NGHIÊN CỨU V Ă N H Ó A Ninh - Bắc Giang được thành lập chứng tỏ mối quan hệ khăng khít về truyền thống đấu tranh của hai tỉnh, tạo ra điều kiện cơ bản để quyết định những bước nhảy vọt của tiến trình đấu tranh cho độc lập tự do của đất nước. Núi Lim cũng là nơi các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự… thường qua lại trong quá trình hoạt động cách mạng của mình. Núi Lim - Chùa Hồng Ân được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1999. Ngoài những di tích được giới thiệu trên ở Bắc Ninh còn một số di tích lịch sử cách mạng khác như: - Chùa làng Đồng Hương ở xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn: tại đây vào những năm từ 1940- 1945, nhiều đồng chí tiền bối cách mạng đã lấy chùa làm địa điểm bí mật để hoạt động và được nhà sư trụ trì chùa là Phạm Thông Hòa cùng nhân dân địa phương đã nuôi dưỡng, bảo vệ. - Chùa Dận (Ứng Tâm tự) ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn là cơ sở cách mạng, nhiều cán bộ đã từng sống và hoạt động tại đây. - Đình Long Khám thuộc xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du là nơi sản xuất vũ khí thô sơ bổ sung cho hơn 400 tự về huyện Tiên Du trong cách mạng tháng Tám năm 1945. - Đình Liễu Khê nằm ở thôn Liễu Khê, xã Song Khê, huyện Thuận Thành. Thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tại đình đã diễn ra sự kiện thành lập Ủy ban Kháng chiến lâm thời, là nơi cất giấu vũ khí tập luyện quân sự của đội tự vệ Liễu Khê. Đình cũng là địa điểm mà nhiều đồng chí của Trung ương Đảng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo… đã về hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng, được nhân dân địa phương nuôi dưỡng, che chở và bảo vệ an toàn - Nhà cụ Nguyễn Duy Lại ở xã Đại Đồng, huyện Tiên Du là địa điểm đồng chí Trường Chinh cùng một số đồng chí trong Xứ ủy Bắc Kỳ ở và làm việc thời kỳ 1939 – 1941 3. Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng ở Bắc Ninh Các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là những di tích đã gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Bắc Ninh nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhằm giành độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước. Mỗi di tích ấy đều chứa đựng những giá trị khác nhau về lịch sử, văn hóa. Ngày nay chúng ta cần phải quan tâm, gìn giữ và phát huy nhằm giáo dục cho các thế hệ công dân nhất là thế hệ trẻ. Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm, đầu tư nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng. Năm 2007, đề án “Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2007 - 2010” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở thuận lợi để thực hiện những hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cách mạng. Theo chương trình của dự án, nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo cho các di tích. Khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Ngô Gia Tự là hai di tích đặc biệt quan trọng nên được đầu tư kinh phí rất lớn để tu bổ theo chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tiến hành nâng cấp hệ thống giao thông đến di tích, xây dựng khuôn viên cảnh quan, dựng tượng đài Ở hai di tích này, tỉnh còn đầu tư kinh phí để tiếp tục sưu tầm, bổ sung các tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày, giới thiệu, làm rõ thân thế, sự nghiệp của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Ngô Gia Tự. Các di tích cách mạng là công trình tôn giáo tín ngưỡng như chùa Đồng Hương, chùa Đồng Kỵ, chùa Yên Lã, đình Long Khám cũng được đầu tư kinh phí để tu bổ, chống xuống cấp. Hàng năm, Ban quản lý di tích tỉnh đã xây dựng kế hoạch đánh giá thực trạng của các di tích. Đến nay, hầu hết các di tích đã được khoanh vùng bảo vệ, không còn hiện tượng xâm lấn đất đai trong khu vực của di tích. Bên cạnh việc đầu tư kinh phí để trùng tu, tu bổ, tôn tạo cho các di tích thì việc quan tâm tới chế độ chính sách cho những người làm công tác quản lý, bảo vệ, trông coi trực tiếp tại các di tích cũng được chú ý. Năm 2011, UBND tỉnh đã thông qua Quyết định về việc quy định chế độ thù lao đối với những người trông coi, bảo vệ di tích lịch sử cách mạng. Quyết định đã 43Số 8 - Tháng 6 - 2014 VĂN HÓA THỜI KỲ CẬN ĐẠI NGHIÊN CỨU V Ă N H Ó A quy định rõ số lượng người làm công tác này ở mỗi di tích là 1 cán bộ, riêng hai di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Ngô Gia Tự, số lượng là 2 cán bộ, mỗi người sẽ được hưởng 85% mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định. Có thể nói, đây là quyết định có ý nghĩa rất thiết thực, tạo sự yên tâm, ổn định cho người trông coi, quản lý di tích, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ di tích. Hoạt động phát huy giá trị của di tích cũng được đa dạng hóa hình thức tiến hành. Các di tích được mở cửa thường xuyên để đón khách địa phương trong nước cũng như khách nước ngoài tới thăm. Hàng năm, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã tới các di tích để tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ cách mạng tiền bối nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí hoặc nhân các ngày lễ lớn của đất nước. Các tổ chức đoàn thể quần chúng, tiêu biểu là Đoàn thanh niên của các cơ quan đã tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa Uống nước nhớ nguồn, như tổ chức thăm viếng, kể chuyện truyền thống, thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của danh nhân cách mạng. Đối tượng dự thi tập trung vào học sinh, sinh viên, tuổi trẻ học đường. Nhiều hoạt động có ý nghĩa khác cũng được tổ chức như thanh niên tham gia xây dựng tượng đài Nguyễn Văn Cừ, phong trào Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự Hiện nay, tỉnh Đoàn đang thực hiện chương trình “Tuổi trẻ Bắc Ninh hành trình theo dấu ấn lịch sử” với nhiều hoạt động thiết thực gắn với các di tích lịch sử cách mạng tại địa phương Thời gian qua ở nhiều di tích còn thu hút được các đoàn khách quốc tế, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng về tham quan, học tập và nghiên cứu. Nhìn chung, những năm qua các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã bước đầu được đầu tư bảo tồn, gìn giữ. Nhiều di tích đã phát huy được giá trị trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nâng cao ý thức trách nhiệm của họ đối với cộng đồng, với xã hội Tuy nhiên việc phát huy giá trị này mới chỉ được thực hiện tốt ở một số di tích trọng điểm, những di tích được tu bổ đầy đủ. Còn nhiều di tích bị xuống cấp, chưa thực hiện được việc phát huy giá trị. Trên thực tế cho thấy, di tích lịch sử cách mạng chưa được nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thiết thực. Không chỉ riêng Bắc Ninh mà còn ở nhiều nơi khác, tình trạng các di tích lịch sử cách mạng còn chưa được coi trọng so với các di tích lịch sử văn hoá gắn với tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền chùa… trong việc thu hút các nguồn lực từ cộng đồng để đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ còn ít, chỉ đáp ứng một phần cho việc khắc phục tình trạng xuống cấp về mặt kiến trúc của di tích; còn thiếu trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác lưu giữ, bảo quản tài liệu, hiện vật trưng bày tại di tích. Di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho nhân dân và các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, số lượng khách tham quan các di tích còn ít, chỉ tập trung chủ yếu vào một số di tích tiêu biểu. Bản thân các di tích còn chưa hấp dẫn khách tham quan, các hiện vật trưng bày còn nghèo nàn; đội ngũ thuyết minh cho di tích chưa được quan tâm đầu tư về chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí còn nhiều di tích quan trọng chưa có đội ngũ thuyết minh Sự quảng bá, giới thiệu về di tích còn quá nghèo nàn, không hấp dẫn, nhiều địa điểm không có biển chỉ dẫn đường tới di tích… những điều này đã làm cho công chúng có rất ít thông tin về các di tích lịch sử cách mạng. Bắc Ninh là địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về kinh kế, xã hội. Để các di tích lịch sử văn hóa trở thành một thế mạnh, góp phần vào sự phát triển chung đó, theo chúng tôi cần có những định hướng đầu tư nhất định. Thực hiện được điều đó, một mặt chúng ta gìn giữ được các di sản văn hóa quý giá của các thế hệ trước để lại, góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác khai thác các tài sản văn hóa đó đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đưa chúng trở thành một bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Do đó, cần tập trung vào một số vấn đề như sau: - Tăng cường sự quản lý của nhà nước đối Số 8 - Tháng 6 - 201444 NGHIÊN CỨU V Ă N H Ó A với các di tích lịch sử cách mạng, có sự phân cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các ban quản lý trực tiếp tại các di tích. Tăng cường đầu tư để bảo tồn các di tích, nhất là đối với các di tích cách mạng thuộc công trình tôn giáo tín ngưỡng, cần đầu tư kinh phí chống xuống cấp để trùng tu, tôn tạo. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phong trào xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực từ xã hội để quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích. Cần có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, những cá nhân trong và ngoài nước có lòng hảo tâm tham gia đóng góp nhân lực, vật lực vào việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích. - Tại các di tích có phần trưng bày, cần sưu tầm bổ sung các tài liệu, hiện vật có liên quan đến nội dung sự kiện đã xảy ra tại di tích. Một số tài liệu, hiện vật nên phục chế phục vụ cho trưng bày, làm cho nội dung trưng bày thêm phong phú, khách tham quan thuận lợi nắm bắt nội dung. Bên cạnh đó, các phần trưng bày thường xuyên cần được chỉnh lý, nâng cấp, thay đổi các hiện vật, tạo nên sự hấp dẫn, thu hút được công chúng tới tham quan. - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa giá trị của các di tích lịch sử cách mạng. Công tác tuyên truyền giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân về giá trị của các di tích lịch sử cách mạng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mang ý nghĩa xã hội, chính trị rộng lớn. Các di tích lịch sử cách mạng thường nằm rải rác trong các cộng đồng dân cư hoặc nằm ngay trong các gia đình người dân, xa các trục đường giao thông nên cần tổ chức tốt các hình thức quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu, cụ thể như: xuất bản, phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, giới thiệu về di tích; tiến hành quy hoạch, xây dựng hệ thống biển báo chỉ dẫn, giới thiệu về di tích với nội dung ngắn gọn, súc tích, hình thức trang trọng; đầu tư và duy trì tổ chức các hoạt động như lễ hội, sinh hoạt tập thể nhằm giới thiệu về lịch sử truyền thống tại các di tích. - Có sự liên kết, phối hợp giữa các sở, ban ngành chức năng để thường xuyên tổ chức các chương trình học tập thực tế tại các điểm di tích, gắn các bài giảng về lịch sử, sự kiện lịch sử với các điểm di tích; phát động các phong trào như “Em yêu di tích quê em”, “Tìm về địa chỉ đỏ” để đưa học sinh tới các di tích, tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật liên quan tới di tích… - Nâng cao chất lượng, tinh thần thái độ phục vụ khách tham quan của các cán bộ quản lý di tích, đặc biệt cần chú ý nâng cao hơn nữa chất lượng thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại các di tích. Đây chính là yếu tố, là cầu nối quan trọng giữa di tích với khách tham quan, làm cho di tích sống động, hấp dẫn hơn bằng những thông tin quan trọng, bổ ích T.Đ.N (ThS, Khoa Di sản văn hóa) Tài liệu tham khảo 1. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh (2010), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh 1926-2008, Nxb Chính trị quốc gia, Tái bản lần thứ nhất. 2. Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bắc Ninh, bài đăng trên website của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch. 3. Địa chí Hà Bắc (1982), Ty Văn hóa Thông tin Hà Bắc xuất bản, Hà Bắc. 4. Trần Đình Luyện (2006), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Kinh Bắc, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh. 5. Lê Viết Nga (2013), Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh. 6. Nguyễn Duy Nhất (chủ biên) (2009), Các di tích tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh. 7. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2007), Đề án “Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2007 - 2010”. Ngày nhận bài: 5 - 3 - 2014 Ngày phản biện, đánh giá: 13 - 6 - 2014 Ngày chấp nhận đăng: 16- 6- 2014 . ủy Bắc Kỳ ở và làm việc thời kỳ 1939 – 1941 3. Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng ở Bắc Ninh Các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là những di. NGHIÊN CỨU V Ă N H Ó A CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG TIÊU BIỂU Ở BẮC NINH TRẦN ĐỨC NGUYÊN Tóm tắt Bắc Ninh là địa phương giàu truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng. Truyền thống đó đã. hình, địa thế, dễ dàng di chuyển đi các nơi nên các vùng này được chọn làm cơ sở hoạt động của phong trào cách mạng. 2. Một số di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu * Khu di tích lưu niệm đồng chí