1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Chuyên đề: Mô típ thời gian trong ca dao Việt Nam

5 2,9K 27

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 5
Dung lượng 83,5 KB

Nội dung

CHUYÊN ĐỀ:MÔ TÍP THỜI GIAN TRONG CA DAO VIỆT NAM PHẦN I: MỞ ĐẦU Ca dao là một thể loại đặc sắc của văn học dân gian Việt Nam, à sáng tác của quần chúng nhân dân nhằm thể hiện, gửi gắm t

Trang 1

CHUYÊN ĐỀ:

MÔ TÍP THỜI GIAN TRONG CA DAO VIỆT NAM

PHẦN I: MỞ ĐẦU

Ca dao là một thể loại đặc sắc của văn học dân gian Việt Nam, à sáng tác của quần chúng nhân dân nhằm thể hiện, gửi gắm tâm tư, tình cảm, suy nghĩ…của mình Đó cũng là một món ăn tinh thần không thể thiếu được với mỗi con người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là với các em học sinh

Để “bóc vỏ” được những lớp ý nghĩa của mỗi bài ca dao thì chúng ta không thể không chú ý đến thời gian nghệ thuật trong mỗi tác phẩm đó Nhưng nhìn chung trong SGK THCS chưa đưa ra một tiết học nào nghiên cứu một cách tập trung và có

hệ thống về vấn đề này

Mặt khác, qua khảo sát cho thấy phần lớn học sinh chưa hiểu được ý nghĩa của thời gian nghệ thuật trong ca dao hoặc hiểu một cách hời hợt và nông cạn Các em chưa biết được thời gian cũng chính là một yếu tố thể hiện sâu sắc tâm trạng , tình cảm của nhân vật trữ tình (nhân vật diễn xướng) trong các bài ca dao

Vậy làm thế nào để hiểu hết ý nghĩa của thời gian nghệ thuật trong ca dao?

Chuyên đề này đã giúp tôi hoàn thành tốt hơn các bài giảng về ca dao Mong rằng

nó sẽ có ích cho các đồng nghiệp cũng như các em học sinh trong việc đọc hiểu các văn bản ca dao

PHẦN II: NỘI DUNG

1.Thời gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong ca dao

a.Thời gian nghệ thuật:

Thời gian nghệ thuật là thời gian trong tác phẩm nghệ thuật, được tác giả tái tạo,

tổ chức lại theo một dụng ý nghệ thuật nào đó Thời gian nghệ thuật có khi trùng với thời gian

hiện thực, có khi lại hoàn toàn khác (ví dụ: thời gian trôi nhanh, thời gian dồn nén…)

Thời gian nghệ thuật vừa là khách thể vì nó tồn tại độc lập, vừa là chủ thể vì đó

là cách nhìn, cách cảm, cách nghỉ của chủ thể Thời gian nghệ thuật cũng vừa là nội dung phản ánh vừa là phương tiện biểu hiện

Thời gian trong các tác phẩm nghệ thuật bao gồm các lớp:

- Thời gian hiện thực khách quan

- Thời gian tâm lý

- Thời gian đồng hiện

- Thời gian chuyển tải một nội dung, quan điểm mang tính triết lý về số phận con người, số phận nhân vật(thời gian triết học)

- Thời gian lịch sử

- Thời gian của các thời gian( cõi trời, cõi đất, cõi âm )

- Thời gian sinh học(ví dụ: kiếp phù du…)

Các lớp thời gian này được tác giả tổ chức, tái tạo trong các tác phẩm nghệ thuật

để thể hiện nội dung tư tưởng tác phẩm cũng như tình cảm, cảm xúc, suy ngẫm của nhân vật

Trang 2

b.Thời gian nghệ thuật trong ca dao

Vì ca dao cũng là một trong những thể loại của văn học dân gian nên nó mang tất cả các đặc điểm của văn học dân gian như: Tính truyền miệng, tính nguyên hợp,tính tập thể,tính dị bản ,tính diễn xướng… Chính vì mang đặc điểm diễn xướng và truyền miệng nên thời gian nghệ thuật trong ca dao phần lớn là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng ( thời gian hiện tại diễn xướng)

Qua khảo sát ta thấy có 2 nhóm ca dao:

 Nhóm ca dao có từ ngữ biểu thị thời gian:

+ Quá khứ: đêm qua, ngày nào, ngày xưa…

+ Hiện tại: hôm nay, bây giờ, sáng ngày…

+ Tương lai: bao giờ, mai sau, mai…

Nhưng nhìn chung thời gian quá khứ và thời gian tương lai chỉ là thời gian được nhắc đến để lột tả một tâm tư tình cảm nào đó của nhân vật trữ tình lúc hiện tại

Ví dụ: Hôm qua anh đến chơi nhà,

Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm dường,

Thấy em nằm đất anh thương, Anh về mua gỗ tám thang cho em nằm

Thời gian quá khứ “ hôm qua” chỉ là cái cớ để chàng trai thổ lộ tình yêu thương của mình đối với cô gái

Tuy nhiên vẫn có trường hợp thời gian được đẩy về quá khứ xa xôi ( khi xưa, ngày nào…)

Ví dụ: Khi xưa anh bủng ,anh beo

Tay tôi cầm chén thuốc, tay tôi đèo múi chăn

Bây giờ anh khoẻ anh lành, Anh mê nhan sắc anh tình phụ tôi

Quá khứ ở đây để trách cứ thói phụ bạc của chàng trai, làm cho quá khứ có sức nặng hơn

 Nhóm thời gian không có từ ngữ chỉ thời gian:

Thời gian của nó là thời gian hiện tại - diễn xướng ( tức là thời gian mà người diễn xướng – nhân vật trữ tình trình bày bài ca dao)

2 Các công thức miêu tả thời gian trong ca dao( mô típ thời gian nghệ thuật của ca dao)

Qua khảo sát cho thấy, ca dao việt nam thường có sự lặp lại một cách có ý nghĩa các từ ngữ biểu thị thời gian Căn cứ vào hệ thống từ ngữ biểu thị thời gian này chúng ta sẽ nắm vững hơn nội dung ý nghĩa của những bài ca dao cũng như hiểu sâu sắc hơn về tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật trữ tình… Sau đây là một

số công thức miêu tả thời gian( mô típ thời gian) trong ca dao:

a Mô típ thời gian “ trăm năm”:

Mô típ thời gian “ trăm năm” mang ý nghĩa tượng trưng nói đến thời gian đời người

_Trăm năm lòng gắn dạ ghi, Dầu ai đem bạc đổi chì cũng không

_Trăm năm dạ ở đinh ninh, Nào ai phụ ngãi quên tình mặc ai

_Trăm năm ước bạn chung tình, Trên trời dưới đất có mình có ta

Trang 3

_Trăm năm thề trọn một bề, Gối loan gối phụng thiếp kê cho chàng

_Trăm năm tạc một chữ đồng,

Dù ai thêu phụng vẽ rồng cũng không (…)

Thời gian “ trăm năm” được nhắc đi nhắc lại trong ca dao để nói lên tình cảm thuỷ chung, son sắt ( nó thường gắn với những từ ngữ: thề, nguyền, ghi nhớ, tạc dạ…)

b Mô típ thời gian “ chiều chiều”

Đây là một thời khắc nhạy cảm trong ngày, thường gợi lên một nỗi tâm tình, một nỗi lòng nào đó của con người đặc biệt là người phụ nữ Thời gian này trong qui luật tự nhiên giống như là một thời khắc trở về, đoàn tụ Thời gian này trong tình cảm của con người cũng chính là thời khắc gia đình đoàn tụ “ Chiều chiều” là tiếng nói của những người con xa xứ hoài vọng, thương nhớ quê nhà Đó là tình cảm, tâm tư của họ hướng về quê hương

Ví dụ: _Chiều chiều ra đứng đầu truông,

Gió thổi từng luồng đứt ruột em ơi

_Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

_Chiều chiều mây phủ Sơn Trà, Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm (…)

c Mô típ thời gian “Đêm khuya” (đêm năm canh, đêm nằm…)

Đêm khuya là thời khắc yên tĩnh, quạnh vắng, mờ mịt, tăm tối Trong đêm khuya nhiều khi cũng xuất hiện yếu tố ánh sáng ( trăng, sao, đèn…) nhưng ánh sáng thường được miêu tả một cách mờ nhạt: Trăng: Mờ, tàn, lụi, xế; Sao: mờ; Đèn:dầu cạn, tim bấc cháy lụi, đĩa dầu hao…

Những yếu tố này góp phần hỗ trợ cho không gian u tối, mờ mịt của đêm khuya

Không gian đêm khuya còn còn là không gian lạnh lẽo, gió bấc, sương sa Trong hoàn cảnh đó, nhân vật trữ tình được miêu tả một cách lẻ loi, đơn chiếc

→tâm trạng ngóng trông, đợi chờ khắc khoải, buồn, xót xa

Ví dụ: _Đêm khuya ngồi dựa phòng loan,

Thực tình nhớ bạn hai hàng luỵ rơi

_Đêm khuya nguyệt lặn,sao tàn, Đồng hồ nhặt điểm nhớ nàng không nguôi

_Đêm khuya thắp chút dầu dư, Tim lang cháy lụi sầu tư một mình

_Đêm khuya em ngồi dựa mé hiên đình Sương sa, gió lạnh không thấy mình vãng lai

_ Đêm khuya trăng lặn,dầu hao, Anh ở chỗ nào nói lại em hay

Trang 4

_ Đêm nằm ôm gối thở than,

Gối ơi gối hỡi bạn lang xa rồi

d Mô típ thời gian “đêm trăng thanh” ( trăng vàng, trăng tỏ, trăng rằm…)

Ở đây không gian đêm không còn là không gian tăm tối lạnh lẽo nữa mà là không gian tươi mát để các đôi trai gái hẹn hò, trò chuyện đầm ấm và nghĩ về tương lai tươi đẹp

Ví dụ: _Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

Đan sàng thiếp cũng xin vâng

Tre vừa đủ lá nên chăng hỡi chàng?

_Sáng trăng trải chiếu hai hàng,

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ

Quay tơ thì giữ mối tơ

Dù năm, bảy mối cũng chờ mối anh

_Đêm hè gió mát trăng thanh

Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng

Lạt chẳng mỏng sao thừng chắc được

Duyên đôi ta đã chót cùng nhau

Trăm năm thề những bạc đầu

Chớ tham phú quí, chớ cầu trăng hoa

Trăng rằm đã tỏ lại tròn,

Củ lang đất cát đã ngon lại bùi

Em gặp anh đây đã khoẻ lại vui,

Tam tứ sầu giải hết mặt tươi như thường

e Mô típ thời gian đối lập

Hai yếu tố thời gian đối lập nhau( a  b đựơc đặt cạnh nhau: a thường là thời gian quá khứ, b là thời gian hiện tại, tuy nhiên cũng có trường hợp a là hiện tại,

b là tương lai)

Việc đặt hai yếu tố thời gian đối lập nhau không phải là sự ngẫu nhiên mà đó

là sự biểu hiện của thi pháp ca dao

Ví dụ: Thời gian quá khứ đặt bên cạnh thời gian hiện tại để biểu thị sự vận động, thay đổi Thời gian thay đổi, con người, sự vật cũng thay đổi Thường đây là sự thay đổi của đối tượng trữ tình (ở đây là sự thay đổi tình cảm)

Trong công thức miêu tả thời gian này tác giả dân gian thường sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ

Ví dụ: _Khi đi bóng hãy còn dài,

Khi về bóng đã nghe ai bóng tròn

_Ngày đi em chửa có chồng,

Ngày về em đã tay bồng tay mang

_Ngày đi trúc chửa mọc măng,

Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre

Trang 5

Sử dụng mô típ thời gian đối lập thường để thể hiện nỗi ngậm ngùi, xa xót, nuối tiếc, đau thương của nhân vật trữ tình về những sự đổi thay trong tình yêu, trong cuộc sống

PHẦN III: KẾT LUẬN

1 Kết luận

Trên đây là những công thức miêu tả thời gian trong ca dao Mỗi công thức thể hiện tương ứng một ý nghĩa nhất định nào đó Xác định được các mô típ thời gian và ý nghĩa của nó tức là chúng ta đã có thêm mấu chốt để “ bóc vỏ” lớp ngôn ngữ trong ca dao Từ đó tiến đến hiểu một cách thấu đáo các tác phẩm nghệ thuật sâu sắc và tinh tế của cha ông ta Giáo viên có thể kết hợp dạy cho học sinh những mô típ thời gian nghệ thuật này trong từng mảng đề tài ca dao học sinh cũng có thể dựa vào đây để có cơ sở tự tìm tòi, khám phá nội dung ý nghĩa của mỗi bài ca dao cụ thể

2 Kiến nghị:

Nhà trường nên tăng cường cho thư viện một số đầu sách về Văn học dân gian nói chung và ca dao nói riêng./

Người thực hiện: Đào Thị Thanh Thuỷ Trường THCS Kỳ Nam

Ngày đăng: 15/05/2015, 15:00

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w