Phòng GD-ĐT Phù Mỹ ĐỀ THI TUYỂN HỌC SINH GIỎI MÔN VĂN. LỚP 9 . Ngày thi: 07 /10/2010 Thời gian làm bài :150 phút (không kể thời gian chép đề) Câu1 (4 điểm): Trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ (sách Ngữ văn 9, tập I), lời nói nào của bé Đản có liên quan đến cái bóng ? Phân tích ý nghĩa và tác dụng nghệ thuật của chi tiết cái bóng đó. Câu 2 (6 điểm): Kết thúc văn bản Cổng trường mở ra, nhà văn Lí Lan đã để cho người mẹ nói với con: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra.”. Em đã cảm nhận được điều gì về thế giới kì diệu ấy ? Qua đó hãy trình bày những suy nghĩ của mình về vai trò của nhà trường đối với bản thân mình và đối với xã hội . Câu 3 (10 điểm): Điểm giống và khác nhau về tình yêu thiên nhiên đất nước qua các bài thơ: Quê hương của Tế Hanh, Khi con tu hú của Tố Hữu và bài Cảnh khuya của Hồ Chí minh. Phòng GD-ĐT Phù Mỹ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN HỌC SINH GIỎI MÔN VĂN. Lớp 9 . Ngày thi: 07/10/2010 Câu 1(4 diểm): + Lời nói của bé Đản có liên quan đến chi tiết cái bóng: - Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít. Hoặc: Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng không bao giờ bế Đản cả. (0,5 điểm) - Cha Đản lại đến kia ! ( Nó chỉ cái bóng của Trương sinh ở trên vách) (0,5 điểm) + Phân tích ý nghĩa và tác dụng nghệ thuật: - Cái bóng xuát hiện 2 lần: Lấn một, khi Vũ Nương còn sống, đó là cái bóng của nàng. Vũ Nương nói dối với con như thế là để cho con được vui, con nàng như luôn có cha bên cạnh. Một phần để nàng tự an ủi mình, thấy mình luôn gắn bó cùng chồng , hạnh phúc bên chồng con. Và đó cũng là mơ ước, khát vọng được hạnh phúc của nàng . Nhưng đối với Trương Sinh, đây là nguyên nhân làm sôi lên sự ghen tức điên cuồng, bộc lộ tất cả bản chất của kẻ ít học, đa nghi, hồ đồ, cả ghen. Lần hai, khi Vũ Nương đã chết, lần này cái bóng là bóng của Trương Sinh. Cái bóng đã làm cho chàng tỉnh ngộ, giúp chàng hiểu được lòng chung thuỷ sắt son của vợ và giúp giải oan cho Vũ Nương . (1,5 điểm) - Cái bóng là chi tiết sáng tạo nghệ thuật đặc sắc (Trong truyện cổ tích, cái bóng chỉ được nói đến một lần). Nó có giá trị thắt nút, mở nút. Cái bóng đã đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, khiến Trương Sinh ghen tức lồng lộn, điên cuồng, mất cả trỉ khôn, đã khiến cho Vũ Nương phải chết oan . Chính cái bóng đã chiêu tuyết cho nàng . Chi tiết cái bóng còn có ý nghĩa triết lí sâu xa. (1,5 điểm) Câu 2 (6 điểm): Yêu cầu chung: Biết cách làm một bài nghị luận xã hội, bài viết có bố cục ba phần, có luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, sáng tạo, lí lẽ sắc bén, giàu sức thuyết phục. Yêu cầu cụ thể: Mở bài: Giới thiệu nội dung văn bản “Cổng trường mở ra”, nêu luận điểm . (0,5 điểm) Thân bài: (5 điểm) 1. Cảm nhận được những điều kì diệu trong học đường: (2 điểm) Đó là thế giới của tri thức, của chữ nghĩa, của khoa học kỹ thuật và công nghệ đến trường chúng ta học được bao điều mới mẻ, kì diệu. Quả thật nhà trường là lò đúc nhân tài . Nhà trường còn là thế giới của ý chí, nghị lực, khát vọng và niềm tin giúp ta ra sức tôi luyện và phấn đấu để vươn tới tương lai. Một điều lớn lao và gần gũi khác: nhà trường là thế giới của tình bạn, tình thầy trò, sự cảm thông, quan tâm giúp đỡ, sẻ chia, là thế giới của tình yêu thương, lòng nhân hậu bao dung (2 điểm) 2. Suy nghĩ về vai trò giáo dục của nhà trường hiện nay: (3 điểm) -Giáo dục trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Đảng và nhà nước ta đã xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” , “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” - Ngày nay, hình như ai ai cũng thấy vai trò quan trọng và lợi ích to lớn của giáo dục. Nhà trường trở thành môi trường tốt đẹp, trong sáng, thân thiện nhất đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em . -Nền giáo dục ở bất kì thời đại nào đều đào tạo ra những người tài trí để phục vụ cho đất nước, đồng bào. Đặc biệt nhà trường hiện nay đào tạo ra một thế hệ trẻ , những chủ nhân tương lai để xây dựng Tổ quốc giàu đẹp sánh vai với các cường quốc năm châu, thể theo lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cũng cần thấy rằng :”Mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả thế hệ mai sau”. Kết bài: Tổng hợp ý kiến, đề ra được bài học về nhận thức, tư tưởng. (0,5 điểm) Câu 3 (10 điểm): Yêu cầu chung: Học sinh viết một văn bản nghị luận văn học tổng hợp, so sánh, trình bày cảm nhận, hiểu biết, suy nghĩ của mình về tình yêu thiên nhiên đất nước của các nhà thơ qua các tác phẩm thơ ứng với những hoàn cảnh đất nước khác nhau. Bài viết đảm bảo được bố cục ba phần, ý mạch lạc, rõ ràng ; lập luận chặt chẽ, thuyết phục; văn giàu hình ảnh, cảm xúc, không có nhiều sai sót về chính tả, dùng từ, đặt câu. Nội dung cần đạt: + Mở bài : Nêu ngắn gọn, có nghệ thuật về vấn đề chung: tình yêu quê hương đất nước thiết tha thể hiện qua ba tác phẩm thơ có hoàn cảnh ra đời khác nhau (bài Khi con tu hú viết 1939, bài Quê hương viết khoảng năm 1939 và bài Cảnh khuya viết năm 1947) của ba tác giả khác nhau . (1điểm) + Thân bài: (Bài viết có thể trình bày theo nhiều kiểu bố cục khác nhau: trình bày theo phép đối chiếu so sánh, trình bày theo mạch cảm xúc, trình bày theo từng tác phẩm, trình bày theo từng khía cạnh của vấn đề Những nội dung sau chỉ là gợi ý) -Về bài thơ Quê hương của Tề Hanh: thiên nhiên trong bài Quê hương là một làng chài ven biển , có hình ảnh làng quê, có cảnh trai làng bơi thuyền đi đánh cá, cảnh dân làng tấp nập đón ghe về, có cánh buồm vôi, con cá bạc, vị mặn của biển Tình yêu quê hương trong thơ Tế Hanh thật trong trẻo, đằm thắm. Cảm hứng về quê hương trong nhà thơ được cất lên từ cuộc sống gian lao, mạnh mẽ của cái làng chài ông từng ôm ấp, ru vỗ trong suốt tuổi thơ của đời mình. Xa quê, nhớ về làng quê là nỗi nhớ thường trực, nỗi nhớ khôn khuây luôn ám ảnh trong hồn thơ Tế Hanh. Tình yêu, nỗi nhớ ấy đã trở thành một đề tài thơ xuyên suốt trong cuộc đời thơ ông (Quê hương, 1939- Nhớ con sông quê hương, 1956 và Trở lại con sông quê hương, 1976 ). (2điểm) -Về bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu: Bài thơ viết vào tháng 7-1939, lúc nhà thơ lên 19 tuổi, đang bị giam ở nhà lao Thừa phủ.Thiên nhiên trong bài thơ là những hình ảnh của tâm tưởng được khơi gợi lên từ tiếng chim tu hú. Tiếng tu hú làm sống dậy một mùa hè ở đồng quê sôi động tràn đầy sức sống, có lúa chiêm chín, trái cây ngọt , vườn râm , ve ngân , sáo diều bay lượn Đó là không gian thanh bình, ấm no của cung trời tự do mà người tù yêu tha thiết, khát khao đến cháy bỏng được sống, được tan loãng vào đó. Và chính tiếng chim tu hú đã làm bừng cháy tình yêu tự do, khát vọng sống mãnh liệt của người tù, người chiến sĩ, hun đúc ý chí cách mạng đập tan tù ngục, gông cùm , giải phóng quê hương đất nước . (2điểm) - Về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh: Bài thơ viết vào năm 1947, thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong lúc quân Pháp ồ ạt tiến công lên Việt Bắc và ta đã cố sức đánh bại ý đồ đen tối của chúng. Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đất nước đầy khó khăn, nhưng không gian thơ lại tươi tắn, thơ mộng . Bức tranh thơ là cảnh trăng nước sơn thuỷ hữu tình trong đêm khuya, ở giữa núi rừng Việt Bắc. Vẻ đẹp thiên nhiên vẫn như bao bức tranh cổ khác, có tiếng suối trong, có bóng trăng lồng trong tàng cây ngọn cỏ. Chỉ có khác là chủ thể trữ tình không phải là tao nhân mặc khách, hay một ông nhàn lánh đục tìm trong , thảnh thơi vui thú điền viên mà chủ thể trữ tình là một lãnh tụ cách mạng đang bận trăm công nghìn việc, lòng đau việc nước, nặng việc quân. Thế mà đứng trước cảnh thiên nhiên non nước gấm hoa, trong người chiến sĩ hồn thi sĩ vẫn thăng hoa, tình yêu thiên nhiên đất nước đã làm tăng thêm sức mạnh cho người chiến sĩ. (2điểm) -Tổng hợp so sánh (lập luận đối sánh xen kẽ hoặc trình bày tổng hợp chung): ba bài thơ có hoàn cảnh ra đời khác nhau, nguồn hứng khởi khác nhau, cảnh vật không gian khác nhau, phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng cả ba đều bộc lộ tình yêu thiên nhiên đất nước thiết tha sâu lắng, dù đó là hình ảnh một làng chài, một cảnh núi rừng hay một miền quê vào hè. Tất cả, tất cả đều là quê hương Việt Nam trong thời kì chịu ách ngoại xâm Mọi tiếng nói yêu thiên nhiên đất nước như thế đều góp phần thổi bùng ngọn lửa yêu quê hương Tổ quốc , bồi dưỡng cho ta tình cảm nhân văn đằm thắm, sâu lắng (1điểm) + Kết bài : Nêu kết luận chung, rút ra được bài học tư tưởng, tình cảm . (1điểm) *Bài viết sai không quá 5 lỗi các loại , văn viết giàu hình ảnh, giàu cảm xúc. (1điểm) . Phòng GD-ĐT Phù Mỹ ĐỀ THI TUYỂN HỌC SINH GIỎI MÔN VĂN. LỚP 9 . Ngày thi: 07 /10/2010 Thời gian làm bài :150 phút (không kể thời gian chép đề) Câu1 (4 điểm): Trong “Chuyện. Tố Hữu và bài Cảnh khuya của Hồ Chí minh. Phòng GD-ĐT Phù Mỹ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN HỌC SINH GIỎI MÔN VĂN. Lớp 9 . Ngày thi: 07/10/2010 Câu 1(4 diểm): + Lời nói của bé Đản có. bài: Tổng hợp ý kiến, đề ra được bài học về nhận thức, tư tưởng. (0,5 điểm) Câu 3 (10 điểm): Yêu cầu chung: Học sinh viết một văn bản nghị luận văn học tổng hợp, so sánh, trình bày cảm nhận,