Bệnh do ba mẹ bé gây ra Bệnh do thầy thuốc gây ra, y học gọi là iatrogenic, nhưng bệnh do ba mẹ bé gây ra cho bé thì không thấy có sách y học nào đề cập. Trong nhiều năm khám chữa bệnh trẻ con, tôi thấy có một số bệnh thường gặp sau đây do ba mẹ bé gây ra cho bé cần được báo động: Bé tiểu nhiều: Người mẹ dẫn con đến khám khai rằng trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày, thường gặp vào mùa nắng nóng, viêm nhiệt. Bác sĩ dễ nghĩ tới nhiễm trùng đường tiểu, cho làm các xét nghiệm và điều trị. Nếu kết quả xét nghiệm không có gì, bác sĩ sẽ rất lúng túng vì điều trị không kết quả, bé vẫn cứ tiếp tục đi tiểu nhiều lần trong ngày. Trong trường hợp này, nên nhớ hỏi xem người nhà đã có cho bé uống “nước mát” không. Nước mát thường được cho bé uống trong mùa nóng nực để giải nhiệt là nước mía lau, rễ tranh, râu bắp, mã đề Các loại này vẫn được bán ở ngoài chợ, như một loại thuốc nam mà nhà nào cũng hay mua về nấu uống cho “giải nhiệt” trong mùa nắng nóng. Một tập quán đã có từ lâu đời. Cần biết rằng đây là các loại thuốc có tính lợi tiểu (diuretic), uống vào làm cho đi tiểu liên tục. Trong trường hợp ba mẹ không cho con uống thì hỏi xem bé có sống chung với người lớn tuổi như ông bà nội ngoại không, nếu có thì thường do người lớn trong nhà cho uống. Ngưng uống nước mát, bé hết “bệnh” ngay. Gọi là “mát”, thực ra các loại thuốc đó gây tiểu nhiều, làm nóng bức trong người, buộc phải uống nhiều nước thêm. Và cái vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn. Thường tôi khuyên bà mẹ ngưng cho bé uống và tự mình nên uống “nước mát” đó nhiều lần trong ngày. “Để làm gì?” bà mẹ ngạc nhiên hỏi. “Để đi tiểu suốt ngày chơi cho biết thế nào là nước mát!”. Tôi nói. Bé vàng da: Bé ba bốn tháng trở đi hay bị vàng da. Bé vẫn khỏe mạnh, bụ bẫm. Chỉ vàng da và vàng sậm ở lòng bàn tay, bàn chân, chóp mũi. Tròng mắt không vàng, nước tiểu không vàng. Ba má bé dễ nghĩ đến viêm gan và rất lo lắng, đưa con đi bác sĩ. Khám, xét nghiệm âm tính. Nhưng cũng cho một lô thuốc! Thực ra nếu hỏi kỹ về dinh dưỡng sẽ thấy bé đã được cho ăn quá nhiều cà-rốt, củ dền, bí đỏ, đu đủ và do đó thừa caroten. Cách chữa duy nhất là ngưng các loại rau củ có màu vàng như đã kể trên trong hai tuần lễ. Bệnh sẽ tự nhiên khỏi. Không hiểu do đâu, bà mẹ trẻ nào cũng cứ “khoai tây cà rốt” như là bà mẹ Tây chính cống vậy, thực ra các thứ khoai lang, rau muống có khi còn tốt hơn và dễ kiếm hơn. Sách Tây dạy cho các bác sĩ ở trường Y cứ sao chép như bên Tây nên bác sĩ cũng khuyên bà mẹ như Tây khuyên. Nhiều bé bị nghi là bệnh gan, bị đè ra lấy máu xét nghiệm và bắt uống thuốc gan nhiều tháng, vừa tốn tiền, vừa hành hạ bé tội nghiệp. Tôi từng thấy có nơi xét nghiệm thấy bé vàng da, bắt cữ ăn đến mười lăm thứ thức ăn, làm sao bé lớn nổi. Bé bón: Tội nghiệp nhất là các bé bú sữa mẹ, năm bảy ngày mới đi tiêu một lần, bà mẹ tưởng bé bón bèn bơm cho bé một ống thuốc. Nhiều lần như thế, ruột bé sẽ không hoạt động nữa, cứ chờ cho đến khi được bơm một ống thuốc vào hậu môn mới chịu đi như một phản xạ có điều kiện. Trong khi thực ra bé không hề bị bón. Nhắc lại là một bé bú sữa mẹ, có khi năm bảy ngày mới đi tiêu một lần cũng được coi là bình thường, nếu phân vẫn mềm. Ấy là vì sữa mẹ rất bổ dưỡng, được hấp thu trọn vẹn, không còn chất bã. Bà mẹ vì “suy bụng ta ra bụng bé”, nghĩ rằng mỗi ngày phải đi tiêu một lần mới tốt. Bé khác với ta, bé có thể mỗi ngày bú hằng chục lần, còn ta mỗi ngày chỉ ăn có ba bữa. Ta mỗi ngày có thể đi tiêu một lần còn bé không nhất thiết vì thức ăn không giống nhau. Nên nhớ các loại thuốc bơm hậu môn rất nóng rát, gây kích thích niêm mạc trực tràng rất mạnh, tạo co bóp dữ dội, gây đau bụng và điều quan trọng, nếu bơm nhiều lần sẽ làm mất phản xạ co bóp trực tràng để tống phân ra ngoài. Lâu ngày, bé bị lệ thuộc thuốc và chờ bơm mới đi cầu được. Từ bón giả thành bón thật. Nếu bé đủ lớn, cho ăn thêm bột, rau trái, có chất bã, bé sẽ đi tiêu tốt hơn. Trong những trường hợp bón giả bị bơm đít hằng ngày như vậy tôi thường khuyên bà mẹ ngưng bơm cho bé mà hãy bơm cho mình. “Để làm gì vậy bác sĩ?” bà mẹ ngạc nhiên hỏi. “Để biết thế nào là nóng rát và đau bụng do thuốc kích thích ruột gây ra”. Tôi nói. Bé khò khè, ho hoài: Bé ho, khò khè kéo dài trong nhiều tháng, nếu kèm với sốt nhẹ hoặc sụt cân chữa hoài không khỏi thì phải nghĩ đến lao. Hiện nay, chúng ta biết dịch lao đang bộc phát trở lại trên toàn thế giới, nhất là từ khi có bệnh AIDS thì bệnh lao như có bạn đồng hành. Bé rất dễ bị lao. Ngay cả đã được chủng ngừa vẫn phải cảnh giác. Trường hợp đề cập ở đây là ho, khò khè không do lao, do suyễn hay viêm phổi mà do khói thuốc lá, do nhang muỗi. “Cha hút con ho” ngay tức khắc chớ không phải “cha ăn mặn con khát nước” theo nghĩ đời sau. Khói thuốc lá kích thích niêm mạc họng, cuống phổi làm cho trẻ ho. Ngày nay, người ta biết rõ có hai loại hút thuốc lá: loại hút chủ động và loại hút thụ động. Hút thụ động là hít khói của người khác nhả ra. Hút thụ động cũng nguy hiểm như hút chủ động. Phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của hút thụ động này. Thương con thì cũng nên bỏ thuốc lá. Còn nhang muỗi thường được làm với thuốc trừ sâu. Bé vừa hít khói vừa hít thuốc trừ sâu, gây xuất tiết gia tăng, toát mồ hôi, co đồng tử Bé biếng ăn: Bà mẹ nào cũng khổ vì bé biếng ăn, bỏ ăn. Và khi đi khám bệnh bất cứ đâu cũng thường năn nỉ xin thêm thuốc bổ cho bé ăn tốt hơn. Thực ra bé bình thường cũng có giai đoạn biếng ăn do mọc răng, biết lật, biết bò do thay đổi thời tiết hoặc do thức ăn bị thay đổi đột ngột. Thường với một thức ăn mới lạ, trẻ mất vài tuần mới làm quen được nhưng nhiều bà mẹ thay đổi thức ăn hàng ngày, nghĩ rằng như vậy bé sẽ thích hơn. Thực ra cũng là “suy bụng ta ra bụng bé” thôi. Thay đổi thức ăn hằng ngày có thể làm cho ba của bé thích ăn ở nhà hơn ăn ở ngoài đường, nhưng không làm cho bé thích ăn hơn. Điều cần nói ở đây là thuốc bổ. Thuốc bổ thường là các loại vitamin, acid amin uống vào càng làm cho bé có cảm giác no, không thấy đói nữa, không cần ăn nữa. Ta hiểu tại sao bé càng uống thuốc bổ càng biếng ăn. Các nhà du hành vũ trụ không ăn như ta mà chỉ cần “uống” một vài viên thuốc là đủ no cả ngày rồi! Thuốc bổ không phải luôn luôn có lợi. Có thứ như vitamin A, D bị thặng dư cũng gây bệnh cho bé, làm bé mất ngủ, rụng tóc, thóp phồng, cứng xương Loại thuốc gọi là kích thích cũng không tốt gì hơn. Hết kích thích hết ăn. Thuốc giúp mau tiêu cũng vậy, làm cho bé “lười biếng” thêm vì đã có “viện trợ” tới tấp từ bên ngòai, cơ thể bé thấy không cần cố gắng tiết các men tiêu hóa nữa. Dĩ nhiên, phải loại trừ các trường hợp biếng ăn do bệnh: Rối loạn tiêu hóa, viêm hô hấp, chảy mủ tai Phải chữa dứt bệnh bé mới ăn lại được. Ở đây, chỉ muốn nhắc phải thận trọng khi dùng thuốc bổ và không nên thay đổi thực đơn hằng ngày. Cạo gió: Da bé không giống như da người lớn, mạch máu dày đặc ở ngoại biên nên cạo gió dễ làm vỡ các mạch máu li ti, gây bầm tím dưới da mà ta tưởng là “có gió”. Tội nghiệp bé không biết nói, không biết phản đối. Nhiều người lớn cạo rất mạnh tay, cạo càng bể mạch máu, càng bầm tím, càng mừng. Cho nên sau đó bé tơi tả, ngất ngư là chuyện dĩ nhiên. Có người cạo gió chưa đủ, còn xoa dầu nóng, trầu hoặc thuốc lào lên, gây cho bé bị ngộ độc nicotine ngưng thở từng cơn nguy hiểm. Nếu bé nóng cao, còn được ủ kỹ dưới nhiều lớp chăn mền, nilông cho nóng cao hơn nữa, đến nỗi làm kinh co giật đùng đùng. Khi bé co giật, hôn mê, mất phản xạ nuốt thì đổ chanh, sả chạy tọt hết vào cuống phổi, gây tình trạng ngộp thở nặng hơn, gây viêm phổi. Còn rất nhiều thứ bệnh “do ba mẹ bé gây ra” mà trong các sách y học đông tay chưa hề nói tới, thí dụ cho bé nằm máy lạnh, lạnh run, dễ viêm mũi, viêm phế quản; cho mặc tã xứ lạnh kín mít đến nỗi hăm đít, lở da; thoa đủ thứ mỹ phẩm cho bé do ảnh hưởng của quảng cáo làm cho bé bị dị ứng tùm lum Có người còn nấu cháo cho bé bằng nước khoáng cho được tinh khiết, cho trẻ uống la hán quả, nước sâm chớ không uống nước thường; có người bán thịt, trứng gà để mua bột ngọt, mì gói cho bé. Tất cả những điều kỳ cục này là một loại bệnh của văn minh, của “cơ chế thị trường”', làm cho bé không bình thường nữa: có đứa phì nộn, mập ú, đờ đẫn; có đứa ốm nhom, bỏ ăn nhiều tháng Tóm lại đây là những chuyện cần cảnh giác cho người em trẻ! . Bệnh do ba mẹ bé gây ra Bệnh do thầy thuốc gây ra, y học gọi là iatrogenic, nhưng bệnh do ba mẹ bé gây ra cho bé thì không thấy có sách y học nào đề cập. Trong nhiều năm khám chữa bệnh trẻ. nhiều năm khám chữa bệnh trẻ con, tôi thấy có một số bệnh thường gặp sau đây do ba mẹ bé gây ra cho bé cần được báo động: Bé tiểu nhiều: Người mẹ dẫn con đến khám khai rằng trẻ đi tiểu nhiều lần. đùng. Khi bé co giật, hôn mê, mất phản xạ nuốt thì đổ chanh, sả chạy tọt hết vào cuống phổi, gây tình trạng ngộp thở nặng hơn, gây viêm phổi. Còn rất nhiều thứ bệnh do ba mẹ bé gây ra mà trong