Về tự nhiên, với tư cách là khu vực địa-kinh tế, Hoa Nam là một vùng rộng lớn nên Luận văn chỉ tập trung vào tìm hiểu mối quan hệ thương mại giữa vùng Hoa Nam chủ yếu trên địa bàn tỉnh V
Trang 1ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Trang 2ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Trang 3MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
CHƯƠNG 1 CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ THƯƠNG MẠI GIỮA TỈNH VÂN NAM, QUẢNG TÂY (TRUNG QUỐC) VÀ BẮC
KỲ (VIỆT NAM) 10
1.1 Điều kiện tự nhiên và tiềm năng kinh tế 10
1.1.1 Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên 10
1.1.2 Tài nguyên khoáng sản 11
1.1.3 Điều kiện giao thông 12
1.2 Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử 15
1.2.1 Quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại ……….… 15
1.2.2 Quan hệ buôn bán giữa các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây với Bắc Kỳ từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1885 27
CHƯƠNG 2 QUAN HỆ THƯƠNG MẠI GIỮA VÂN NAM, QUẢNG TÂY VÀ BẮC KỲ TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐÂU THẾ KỶ XX 34
2.1 Cơ sở mới của quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc 34
2.1.1 Sự thâm nhập của Pháp vào Vân Nam, Quảng Tây và Việt Nam 34
2.1.2 Chế độ bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Chiến tranh Pháp-Trung (1884-1885) và những điều kiện mới của việc giao thương Bắc Kỳ - Trung Quốc 41
2.1.3 Những cơ sở pháp lý của trao đổi thương mại Trung-Việt 54
2.1.3.1 Cơ sở pháp lý của trao đổi thương mại giữa Bắc Kỳ và các tỉnh biên giới Trung Quốc ……… 55
Trang 42.1.3.2 Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ giao
thương ……… …… 59
2.2 Trao đổi thương mại giữa Vân Nam, Quảng Tây và Bắc Kỳ.67 2.2.1 Hoạt động thương mại Việt-Trung qua cửa khẩu Lào Cai… 68 2.2.2 Trao đổi thương mại Việt-Trung qua đường Lạng Sơn …… 78
2.2.3 Trao đổi thương mại Việt-Trung qua đường Móng Cái …… 80
CHƯƠNG 3 TÁC ĐỘNG CỦA HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐẾN SỰ BIẾN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI BẮC KỲ ……….… 86
3.1 Tác động của hoạt động thương mại đến sự hình thành thị trường thống nhất ……….………… 87
3.1.1 Hệ thống chợ ở Bắc Kỳ ……… 87
3.1.2 Sự giao lưu, trao đổi giữa các khu vực ở Bắc Kỳ ….…… 93
3.2 Sự hình thành hệ thống đô thị kiểu mới ở Bắc Kỳ ………… 97
3.2.1 Các đô thị cận đại ……… 97
3.2.2 Đời sống kinh tế-xã hội ……… 99
KẾT LUẬN ……… 103
PHỤ LỤC ……… 107
TÀI LIỆU THAM KHẢO ……… 111
Trang 5PHẦN MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
Vùng Hoa Nam là một khái niệm xuất hiện từ thời Cách mạng Tân Hợi (1911) nhằm chỉ các tỉnh phía Nam Trung Quốc Theo đó, vùng này gồm 6 tỉnh: Phúc Kiến, Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam và các vùng đất: Hương Cảng, Áo Môn và Hải Nam (Trung Quốc) [111] Vùng Hoa Nam là khu vực có quan hệ lâu đời với Việt Nam Vì vậy, việc nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện mối quan hệ thương mại giữa khu vực này với khu vực Bắc Bộ (Việt Nam) là một vấn đề cấp thiết Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ hai nước đều có chiến lược phát triển vùng Nam
và Tây Nam (Trung Quốc) và Bắc-Tây Bắc (Việt Nam) thì việc tìm hiểu mối quan hệ trong lịch sử nhằm thấy rõ thế mạnh của mỗi bên là một chủ đề nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có giá trị thực tiễn
Về tự nhiên, với tư cách là khu vực địa-kinh tế, Hoa Nam là một vùng rộng lớn nên Luận văn chỉ tập trung vào tìm hiểu mối quan hệ thương mại giữa vùng Hoa Nam (chủ yếu trên địa bàn tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc – có liên hệ với các tỉnh khác) với Bắc Kỳ (Việt Nam) từ cuối thế
kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX Hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây là địa bàn tiếp giáp với Bắc Kỳ, Việt Nam trên bộ với triều dài đường biên giới trên đất liền lên đến 1463,4km Đây được coi là khu vực giàu tiềm năng phát triển kinh tế, với hệ thống các cửa khẩu, đường bộ, đường sắt, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, là cơ sở quan trọng để phát triển quan hệ thương mại với Bắc Kỳ (Việt Nam) thời cận đại
Cùng với việc áp đặt ách đô hộ lên Việt Nam nói chung và Bắc Kỳ nói riêng, thực dân Pháp cũng tích cực gia tăng ảnh hưởng lên vùng đất phía Nam Trung Quốc, đặc biệt là hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây Với việc ký kết Hiệp ước Thiên Tân (9-6-1885) và các Hiệp ước về thương mại và biên giới từ năm
Trang 61886 đến năm 1895, thực dân Pháp đã từng bước gây ảnh hưởng và thâu tóm các nguồn tài nguyên trên địa bàn hai tỉnh này Các chính sách của Pháp đối với vùng đất này vô hình chung đã kích thích quan hệ thương mại giữa Bắc
Kỳ với Vân Nam, Quảng Tây không ngừng phát triển Quan hệ thương mại giữa hai vùng thường được diễn ra theo các tuyến thương mại: Vân Nam-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và tuyến Quảng Tây-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng Hàng hóa thường được trao đổi qua các cửa khẩu chính như Lào Cai-Hà Khẩu trên địa bàn giáp ranh giữa Lào Cai và Vân Nam cũng như trấn Nam Quan trên địa bàn giáp ranh giữa Lạng Sơn và Quảng Tây
Trong thời kỳ này, hàng hóa của Bắc Kỳ được xuất sang địa bàn hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp của Bắc Kỳ, cũng như lúa gạo, muối… Còn chiều ngược lại, hàng hóa của Trung Quốc được đưa sang Bắc Kỳ chủ yếu là khoáng sản, các sản phẩm gốm, gỗ, …
Quan hệ thương mại phát triển đã dẫn tới sự biến đổi của tình hình kinh tế-xã hội các tỉnh Bắc Kỳ với sự phát triển của hệ thống chợ; sự trao đổi, giao lưu hàng hóa giữa nông thôn và đô thị, giữa vùng núi và đồng bằng diễn ra ngày càng sôi động Đặc biệt là, sự phát triển của quan hệ thương mại giữa hai vùng đã dẫn đến sự hình thành một hệ thống các đô thị kiểu mới trên địa bàn Bắc Kỳ với những đặc tính xã hội, văn hóa mang dáng dấp của một đô thị hiện đại
Có thể nói, nghiên cứu đề tài trên, chúng tôi muốn làm rõ mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là vùng Hoa Nam với các tỉnh miền Bắc Việt Nam trong lịch sử; thấy được tiềm năng và vị thế kinh
tế của hai nước, đặc biệt là hai khu vực; hiểu rõ chính sách của thực dân Pháp đặc biệt là với vùng Hoa Nam; hơn nữa cũng nhận biết những hệ quả kinh tế -
xã hội của chính sách này đối với vùng Bắc Kỳ (Việt Nam)
Trang 7Bởi những lý do trên, tôi chọn đề tài: “Quan hệ thương mại giữa vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và Bắc Kỳ (Việt Nam) từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX” làm đề tài luận văn thạc sĩ
2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Những công trình viết về thương mại Việt - Trung qua các giai đoạn lịch sử đã ít nhiều đề cập đến quan hệ thương mại giữa Vân Nam, Quảng Tây
và Bắc Kỳ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX
Ngay từ năm 1959, Nhà xuất bản Văn Sử Địa đã cho xuất bản cuốn
Những thủ đoạn bóc lột của tư bản Pháp ở Việt Nam của tác giả Nguyễn
Khắc Đạm Trong đó tác giả có đề cập một cách khái lược những chính sách cũng như hoạt động thương mại giữa Bắc Kỳ với vùng Vân Nam, Quảng Tây
Tiếp đó, trong tác phẩm Một số vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam Nxb
Chính trị Quốc gia, H 1998, tác giả Lê Quốc Sử đã đề cập đến quan hệ thương mại giữa các cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn Việt Nam với hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ
nhất của Pháp Tác giả Nguyễn Thế Anh trong cuốn Việt Nam thời Pháp đô
hộ, Nhà xuất bản Văn học, H, 2008 cũng đã đề cập đến chính sách phát triển thương mại ở thuộc địa Đông Dương, trong đó có viết về vấn đề mở rộng hệ thống giao thông, đặc biệt là tuyến đường sắt Việt – Điền và ảnh hưởng của
nó đối với quan hệ thương mại giữa Vân Nam và Bắc Kỳ Tác giả Phùng Hữu
Phú trong cuốn Lịch sử đường sắt Việt Nam cũng đề cập đến quan hệ thương
mại giữa Vân Nam – Bắc Kỳ từ sau khi hoàn thành tuyến đường sắt Việt –
Điền; Trong cuốn Lịch sử Việt Nam 1858 – 1898 Nxb Khoa học Xã hội, H
2003, tác giả Vũ Huy Phúc cũng nhắc đến quan hệ thương mại giữa vùng Hoa Nam và Bắc Kỳ trong những năm đầu của chính quyền thực dân cai trị Bắc
Kỳ, nhấn mạnh đến chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của P.Đume trong việc ưu tiên phát triển thương mại với việc thiết lập hệ thống giao
Trang 8thông, đặc biệt là giao thông đường sắt để có thể kết nối các địa phương với nhau và tạo tiền đề thâm nhập sâu vào vùng Nam Trung Quốc của Pháp Đặc
biệt, năm 2001 tác giả Nguyễn Minh Hằng chủ biên cuốn Buôn bán biên giới Việt Nam – Trung Quốc (lịch sử - hiện trạng – tương lai), Nxb Khoa học Xã
hội, Hà Nội đã đề cập tương đối sâu sắc lịch sử quan hệ buôn bán Việt – Trung trong các giai đoạn lịch sử và cũng dành một phần quan trọng nói về quan hệ thương mại giữa Bắc Kỳ và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây thời cận đại
Đặc biệt năm 1999 Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn dành một phần quan trọng nói về sự phát triển của hệ thống giao thông đường bộ và đặc biệt
là sự hình thành hệ thống đường sắt đã kích thích quan hệ buôn bán, giao lưu hàng hóa giữa Quảng Tây với Lạng Sơn và đồng bằng Bắc Kỳ Bên cạnh đó,
Địa chí Quảng Ninh, tập 2, năm 2002 của Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Quảng Ninhcũng đã dành một phần để giới thiệu quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) thời kỳ cận đại
Ngoài các tác phẩm được đề cập trên đây, còn có các công trình nghiên cứu của các học giả khác nằm tản mạn trong các bài viết trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành cũng như các bài tham luận hội thảo khoa học tại các địa phương Trong đó, đáng chú ý nhất cần phải kể đến các công trình khảo cứu của Trần Hữu Sơn Tác giả đã đề cập đến quan hệ thương mại giữa Bắc Kỳ và Vân Nam thông qua hệ thống giao thông trên sông Hồng và hệ thống giao thông đường sắt Việt – Điền trong thời kỳ cận đại; Tác giả Lê
Trung Dũng trong bài viết Vài nét về vận chuyển hàng hóa quá cảnh giữa Hồng Kông và Vân Nam qua đường sông Hồng từ 1889 đến 1899 (qua báo cáo của Sở Thuế quan và độc quyền Đông Dương), Tạp chí Nghiên cứu Lịch
sử, số 7 năm 2009 đã đề cập đến khối lượng và giá trị của hàng hóa quá cảnh qua Bắc Kỳ giữa Vân Nam và Hồng Kông trong 10 năm cuối thế kỷ XIX…
Trang 9Trong số các công trình nghiên cứu của người nước ngoài, chủ yếu là người Pháp trước đây, có nhiều công trình đề cập đến vấn đề quan hệ thương mại giữa Bắc Kỳ với vùng Vân Nam, Quảng Tây Trong bài tham luận về
Chợ phiên ở Bắc Kỳ (Les mar chés périodiques au Tonkin) do E Chassigneux
trình bày ngày 1 tháng 3 năm 1928 tại Hội địa lý Pháp, tác giả đã nêu lên những biến đổi sâu sắc trong quan hệ thương mại với vùng phía Nam Trung Quốc, đặc biệt là sau khi hệ thống giao thông được tu sửa và xây dựng hệ thống đường sắt ở Bắc Kỳ Tác giả Jean Chesneaux cũng đã dành một phần quan trọng nói về quan hệ thương mại giữa Bắc Kỳ và tỉnh Vân Nam, Quảng
Tây trong thời kỳ thuộc Pháp trong cuốn Góp phần tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam (Contribution à l ,,
histoire de la nation vietnamienne) xuất bản năm
1955 tại Paris
Trong công trình viết chung với Pierre Brocheux: Đông Dương, cuộc thực dân hóa đầy tham vọng 1858 – 1945 (Indichine, la colonisation ambigue
1858 – 1945), nhà sử học D Hesesmeery đề cập đến vấn đề trên qua phân tích
các công trình trước đây về công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương
Bên cạnh đó, một số học giả Trung Quốc cũng đề cập đến vấn đề quan
hệ thương mại giữa hai vùng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX Năm
1996, tác giả Thạch Lập Dân trong công trình “1885-1949 niên Quế-Việt biên cương mậu dịch đích phát triển (Sự phát triển mậu dịch vùng biên giới Quảng Tây-Bắc Kỳ từ 1885-1949)” được công bố trên Quý san Đông Nam Á Tung
hoành, số 2, đã đề cập đến sự phát triển của quan hệ thương mại giữa tỉnh Quảng Tây với vùng biên giới Bắc Kỳ nói chung và đặc biệt là quan hệ thương mại dọc theo tuyến biên giới của tỉnh Quảng Tây Nói về quan hệ
thương mại giữa Quảng Tây và Bắc Kỳ còn có cuốn Quảng Tây thông sử do
Trung Văn Điển chủ biên, nhà xuất bản Nhân dân Quảng Tây xuất bản năm
Trang 101999 Trong tác phẩm này, tác giả đã dành một thời lượng không nhỏ, đề cập đến tình hình tỉnh Quảng Tây sau khi ký Hiệp ước Thiên Tân và đặc biệt là sự phát triển quan hệ thương mại với Bắc Kỳ từ cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX
Ngoài ra, trong quyển 3 tác phẩm Hồng Hà Châu chí do Nhà sách liên
kết Tân trí-Độc thư đời sống xuất bản năm 1997 tại Bắc Kinh có đề cập đến quan hệ thương mại giữa vùng Vân Nam với Bắc Kỳ thông qua hệ thống giao
thương dọc theo sông Hồng Đặc biệt trong tác phẩm Cá cựu thị chí do nhà
xuất bản Nhân dân Vân Nam ấn hành năm 1998 đã đề cập tương đối tỷ mỉ về quan hệ giao thương giữa các địa phương của Vân Nam với Bắc Kỳ từ cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX…
Như vậy, nhìn một cách khái quát, những công trình trên đây phần nào cho thấy tình hình trao đổi thương mại giữa Bắc Kỳ và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây trước và sau năm 1885 song nó vẫn chưa cho thấy được một bức tranh tổng thể về mối quan hệ giữa hai vùng bởi các công trình đó chỉ đề cập đến một vài lĩnh vực hoặc ở một giai đoạn riêng lẻ, hơn nữa, những đánh giá còn tản mạn, rải rác, chưa được tập hợp phân tích có hệ thống và chuyên sâu
Trang 113 Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam diễn ra giữa vùng Hoa Nam và Bắc Kỳ
3.2 Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn là quan hệ thương mại giữa vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và Bắc Kỳ (Việt Nam) giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX Tuy nhiên, để làm rõ những đặc điểm của giai đoạn mới, luận văn cũng cố gắng tìm hiểu và so sánh với tình hình buôn bán giữa hai vùng trong các giai đoạn lịch sử
4 Nhiệm vụ của đề tài
Đề tài khái quát, tổng hợp và trình bày có hệ thống tình hình trao đổi, buôn bán giữa vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và Bắc Kỳ (Việt Nam) trong giai đoạn từ sau cuộc chiến tranh Trung Pháp (1885) đến năm 1919, thông qua đó tìm hiểu những tác động của hoạt động thương mại đối với sự biến đổi kinh tế
- xã hội trên địa bàn Bắc Kỳ
Bước đầu tìm hiểu về các điểm trao đổi, buôn bán ven biên giới, các mặt hàng chủ yếu là thế mạnh của mỗi bên, từ đó góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc thời cận đại Về thực tiễn, qua việc nghiên cứu lịch sử buôn bán giữa vùng Hoa Nam (Trung Quốc)
và Bắc Kỳ (Việt Nam) có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm nhất định, góp phần vào việc hoạch định và phát triển thương mại Việt Nam - Trung Quốc vùng biên giới trong giai đoạn hiện nay
Trang 125 Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
5.1 Nguồn tài liệu
Nguồn tài liệu sử dụng khi viết luận văn chủ yếu tham khảo các công trình viết hoặc đề cập đến quan hệ thương mại giữa vùng Vân Nam, Quảng Tây với Bắc Kỳ qua các giai đoạn
Bên cạnh đó, luận văn khai thác và sử lý một số tư liệu tiếng Pháp, tiếng Trung của Trung tâm Lưu trữ Trung ương I, Viện Sử học, Thư viện Quốc gia
Ngoài ra trong quá trình hoàn thiện luận văn chúng tôi còn tham khảo các báo, tạp chí có liên quan đến vấn đề nghiên cứu như: Tạp san Văn Sử Địa, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc, Tạp chí nghiên cứu Kinh tế và các báo, tài liệu điện tử truy cập qua internet…
5.2 Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp luận sử học Mác xít, đặt hoạt động thương mại giữa vùng Hoa Nam Trung Quốc và Bắc Kỳ Việt Nam trong mối quan hệ biện chứng với điều kiện và hoàn cảnh xã hội của mỗi nước Phương pháp lịch sử trình bày vấn đề theo mạch thời gian kết hợp với phương pháp logic để khái quát hóa những kết quả nghiên cứu, rút ra những đánh giá, nhận xét
Ngoài ra, luận văn còn sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích để thấy được mối liên hệ, tác động qua lại giữa hoạt động thương mại giữa Bắc
Kỳ và Vân Nam, Quảng Tây với sự biến đổi tế - xã hội các tỉnh Bắc Kỳ trong thời kỳ từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX
6 Đóng góp của đề tài
Luận văn trình bày có hệ thống, toàn diện và cụ thể tình hình quan hệ thương mại giữa Vân Nam, Quảng Tây và Bắc Kỳ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX Trên cơ sở nghiên cứu cụ thể tình hình phát triển của
Trang 13quan hệ thương mại giữa hai vùng, tác giả tiến hành phân tích sự biến đổi kinh tế xã hội trên địa bàn Bắc Kỳ trong giai đoạn này
Luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử quan hệ thương mại Trung Quốc – Việt Nam thời cận đại
7 Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, các bảng biểu, phụ lục và tài liệu tham khảo, Luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Các yếu tố tác động đến quan hệ thương mại giữa các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) và Bắc Kỳ (Việt Nam)
Chương 2: Quan hệ thương mại giữa Vân Nam, Quảng Tây và Bắc Kỳ
từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX
Chương 3: Tác động của hoạt động thương mại đến sự biến đổi kinh tế
- xã hội Bắc Kỳ
Trang 14CHƯƠNG 1 CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ THƯƠNG MẠI GIỮA CÁC TỈNH VÂN NAM, QUẢNG TÂY (TRUNG QUỐC)
VÀ BẮC KỲ (VIỆT NAM) 1.1 Điều kiện tự nhiên và tiềm năng kinh tế
1.1.1 Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Vân Nam và Quảng Tây là hai tỉnh nằm phía cực Nam và Tây Nam Trung Quốc, có đường biên giới giáp với Việt Nam Tỉnh Vân Nam, phía Đông giáp với Quảng Tây và Quý Châu, phía Bắc giáp với tỉnh Tứ Xuyên, và phía Tây Bắc giáp với Tây Tạng Vân Nam có đường biên giới phía Tây giáp với Myanma, phía Nam giáp Lào, và phía Đông Nam giáp với Việt Nam
Quảng Tây nằm ở phía Nam Trung Quốc, giáp giới với Vân Nam phía Tây, Quý Châu phía Bắc, Hồ Nam phía Đông Bắc, và Quảng Đông phía Đông Nam Phía Tây Nam, Quảng Tây có biên giới với Việt Nam
Hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam là vùng đất giàu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, với đa dạng các loài động - thực vật, và tập trung nhiều loại khoáng sản Vân Nam không những là địa phương có sự đa dạng sinh học vào bậc nhất Trung Quốc, với đủ các loài thực vật nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới,
mà còn có nhiều loài thực vật cổ Trong số khoảng 30.000 loài thực vật tại Trung Quốc thì trên địa bàn Vân Nam có tới khoảng 18.000 loài Đây cũng là nơi nhiều loài động vật quý hiếm trên thế giới sinh sống, đặc biệt là hổ, voi và
bò tót…[10, 48]
Nếu Vân Nam có sự đa dạng sinh học cao thì Quảng Tây với đặc thù của vùng khí hậu cận nhiệt đới, các loài thực vật ở đây cũng mang tính chất của vùng khí hậu này Tại Quảng Tây có khoảng 6.000 loài thực vật, trong đó
có 113 loài có nguy cơ tuyệt chủng và được Trung Quốc đưa vào diện cần bảo
vệ [111]
Trang 15Nhìn chung, hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây là vùng đất có sự đa dạng sinh học vô cùng to lớn, với nhiều loài thực vật mang tính chất của khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới với nhiều loài thực vật cổ Hơn thế, vùng đất này còn tập trung nhiều loài động vật quý hiếm không những của riêng Trung Quốc mà còn của châu Á và thế giới Sự đa dạng sinh học này là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển một nền kinh tế với đa dạng các sản phẩm mang tính chất riêng của mình Tiềm năng tự nhiên ở đó có thể khiến cho Việt Nam, Trung Quốc có thể phát triển thương mại với những vùng khác của Trung Quốc cũng như với thị trường nước ngoài
Tỉnh Vân Nam, Quảng Tây là vùng đất có vị trí địa lý đặc thù, ở vùng cực Nam và Tây Nam Trung Quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Việt Nam, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giao lưu buôn bán giữa hai nước Hơn nữa, với tính chất đa dạng của điều kiện khí hậu đã tạo ra sự phong phú về số lượng và chủng loại các loài động - thực vật vào bậc nhất Trung Quốc Đây chính là sự ưu đãi của thiên nhiên cho vùng đất này có thể phát triển đa dạng các sản phẩm từ trồng trọt và chăn nuôi cung cấp cho thị trường Trung Quốc và khu vực Hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây còn là nơi tập trung một số lượng lớn các loại khoáng sản với trữ lượng lớn
1.1.2 Tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn Vân Nam, Quảng Tây tập trung một khối lượng khoáng sản không những đa dạng, phong phú về chủng loại mà nơi đây còn có trữ lượng khoáng sản lớn vào bậc nhất Trung Quốc
Theo thống kê, riêng trên địa bàn tỉnh Vân Nam người ta đã phát hiện hơn 200 loại khoáng sản Khoáng sản ở đây chủ yếu thuộc các loại khoáng sản có chứa kẽm, chì, thiếc, măng gan, cadmi, indi, tali và crocidolit Theo đánh giá ngày nay, trong số tài nguyên khoáng sản tại đây thì, đến hơn 40%
số khoáng sản là các loại khoáng sản cung cấp nhiên liệu, 7,3% là khoáng sản
Trang 16kim loại và 52,7% là các loại khoáng sản phi kim loại Trên địa bàn hai tỉnh này có khoảng 13% trong số các loại khoáng sản trầm tích có trữ lượng lớn nhất trong số các mỏ khoáng sản tại Trung Quốc, và 2/3 các trầm tích có trữ lượng lớn nhất tại lưu vực sông Dương Tử và miền Nam Trung Quốc [10, 47]
Không phong phú về chủng loại khoáng sản như ở Vân Nam nhưng Quảng Tây được mệnh danh là “đô thị của khoáng sản phi kim loại” Nơi đây tập trung 145 loại khoáng sản thì trong đó có đến 97 loại là khoáng sản phi kim loại Các loại khoáng sản có trữ lượng lớn có mặt tại Quảng Tây phải kể đến: mangan, bạc, thiếc, sắt, asen, bentonit, vanadi, vonfram, indi, chì, kẽm, antimon, bạc [111]
Sự phong phú về chủng loại và tập trung với trữ lượng lớn khoáng sản trên địa bàn hai tỉnh là điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản phát triển Và hơn thế, sự giàu có tài nguyên thiên nhiên nơi đây còn tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ thương mại giữa vùng đất này với các nước khác
Tuy là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng đến cuối thế kỷ XIX, nơi đây vẫn là vùng đất nghèo nàn, cư dân chủ yếu vẫn sống bằng nông nghiệp với lối canh tác truyền thống thô sơ, lạc hậu, người dân ở đây chủ yếu phải yên phận với cuộc sống nghèo đói Đánh giá về thực trạng kinh tế Vân Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, học giả người Pháp
Paul Marabail viết: “… mặc cho những tài nguyên đủ loại vốn có của mình, tỉnh Vân Nam vẫn không sản xuất đủ cho việc tiêu thụ của bản thân mình” [10, 47]
1.1.3 Điều kiện giao thông
Vân Nam và Quảng Tây vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có điều kiện giao thông lạc hậu Do địa hình chủ yếu là núi cao và rừng rậm, nên hệ
Trang 17thống giao thông đường bộ nơi đây chủ yếu dựa vào những lối mòn, vận chuyển chủ yếu bằng những phương tiện thô sơ như: ngựa, la, lừa
Tuy nhiên, nơi đây cũng có hệ thống sông, suối rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa với bên ngoài Từ tỉnh Vân Nam, có thể vận chuyển sản vật theo ba con sông lớn, gồm sông Hồng, sông Lô và sông Quảng Châu (Canton)
Trong khi sông Lô bắt nguồn từ Vân Nam, đổ vào Việt Nam qua các tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang, khó có thể ra biển Đông; sông Quảng Châu chảy ra phía Đông dẫn tới Quảng Châu, thì sông Hồng, từ Vân Nam tới Hải Phòng, đến biển Đông chỉ có độ dài 750km Ở đây cũng cần lưu ý rằng con đường từ Vân Nam tới các trung tâm xuất nhập khẩu khác là khá xa, như: Vân Nam - Rangoum (Myanma) với độ dài 1.827km; Vân Nam – Hán Khẩu (Hồ Bắc) có độ dài 1.700km; Vân Nam – Quảng Châu (Quảng Đông) là 1.500km Điều này cho thấy việc lựa chọn sông Hồng làm con đường giao lưu thương mại giữa Vân Nam với Bắc Kỳ và ra với thế giới là một sự lựa chọn tối ưu [10, 48]
Giao thông giữa tỉnh Quảng Tây với Lạng Sơn đi vào Bắc Kỳ có thuận lợi hơn Từ Quảng Tây có thể vận chuyển hàng hóa theo hệ thống đường bộ
và hệ thống đường thủy Nếu theo tuyến đường bộ, Quảng Tây có hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận tiện cho việc phát triển quan hệ giao thương với Việt Nam, như: từ Nam Ninh (Quảng Tây) đi Na Sầm – Lạng Sơn rồi xuống Phủ Lạng Thương; đường từ Long Châu (Quảng Tây) đến Đồng Đăng…
Ngoài hệ thống đường bộ, Quảng Tây cũng có hệ thống giao thông đường thủy nối liền với Bắc Kỳ, rất thuận lợi cho việc phát triển quan hệ giao thương giữa hai vùng Đó chính là sông Kỳ Cùng, tuy bị cắt ngang vài đoạn,
và nhiều thác ghềnh, nhưng có thể sử dụng được bắt đầu từ Bi Nhi (một điểm
Trang 18giáp ranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc trên địa phận Lạng Sơn), điểm cuối cùng của con đường đi từ Phủ Lạng Thương Về con đường này, người Pháp đã đánh giá là:
“Do có con đường thủy sông Kỳ Cùng, là cho đường Phủ Lạng Thương kéo dài, tự nhiên, chúng ta có thể hy vọng đưa sản phẩm của chúng ta vào Trung Quốc với giá rẻ hơn hàng hóa của các nước ngoài khác Người Anh, người Đức phải mượn đường Pa Khoi hoặc Quảng Đông dài hơn và tốn kém hơn” Và “Bằng những Hiệp ước thương mại (sẽ nói ở dưới đây), Long Châu
đã mở cửa cho chúng ta, đây chính là một thị trường biên giới quan trọng khi chúng ta biết tận dụng nó” [45, 23]
Qua những trình bày trên đây, có thể thấy hệ thống giao thông của hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây vào cuối thế kỷ XIX về cơ bản là tương đối khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa trong nội địa cũng như giao thương với các địa phương, quốc gia láng giềng khu vực Tuy nhiên, hệ thống giao thông thủy, đặc biệt là sông Hồng và sông Kỳ Cùng lại là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển quan hệ giao thương giữa vùng này với Bắc Kỳ trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX
Những điều kiện về tự nhiên, tài nguyên khoáng sản là tiềm năng lớn cho việc phát triển quan hệ giao thương giữa Bắc Kỳ và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây Đặc biệt, với những điều khoản được ký kết giữa thực dân Pháp
và nhà Thanh đã kích thích sự đầu tư của Pháp nhằm xây dựng và mở mang
hệ thống giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai vùng
Quan hệ thương mại giữa Bắc Kỳ và Vân Nam, Quảng Tây còn có khả năng phát triển nữa là, hai vùng đã có truyền thống quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa rất lâu đời trong lịch sử
Trang 191.2 Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử
1.2.1 Quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ cổ trung đại
Trung Quốc và Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 1463,4
km [3], ngoài ra còn có chung đường biên giới trên biển Khu vực biên giới Trung Quốc tiếp giáp với tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh (Việt Nam) bao gồm 2 tỉnh: Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang thuộc tỉnh Quảng Tây
Quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc và Việt Nam đã có từ lâu đời nhưng cũng trải qua nhiều thăng trầm bởi nó cũng chịu tác động của mối quan
hệ chính trị giữa hai nước trong từng giai đoạn lịch sử
Ngay từ thời cổ đại, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam
đã bước đầu được hình thành, trong sách Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên từng viết: “Thời Thành Vương nhà Chu, nước Việt ta mới sang thăm nhà Chu, xưng là Việt Thường tới dâng chim trĩ trắng Chu Công nói: “nước nào chính lệnh không đến thì người quân tử không bắt họ thần phục” Sai làm xe chỉ nam đưa họ về nước [24, 62] Sự kiện này tuy mang nhiều dấu tích huyền
bí, nhưng cũng phần nào chứng tỏ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam
đã hình thành từ rất sớm
Năm 207 trước Công nguyên, sau khi xâm chiếm Âu Lạc, Triệu Đà thành lập nước Nam Việt Từ đây, quan hệ buôn bán trao đổi giữa Trung Quốc và vùng đất Nam Việt dần dần hình thành và phát triển Trong thời kỳ này, sông Tây Giang là đường giao thông thiên nhiên quan trọng được các bộ lạc người Lão, người Khương ở Tây Nam Trung Quốc vận chuyển hàng hóa
từ đất Thục đến Phiên Ngung trao đổi Các mặt hàng được đem đến đây gồm có: đồ điền khí, đồ sắt, vàng, trâu bò, ngựa, dê…
Trang 20Sau khi nhà Hán thống nhất Trung Quốc (206 TCN), Hán Cao Tổ sai Lục Giả xuống phong cho Triệu Đà làm Nam Việt Vương (năm 196 TCN), nước Nam Việt chính thức thần phục chính quyền trung ương Lúc này quyền lực của nước Nam Việt vẫn được đảm bảo như cũ Chính yếu tố đó là điều kiện thuận lợi, kích thích sự phát triển quan hệ buôn bán trao đổi giữa Trung Nguyên với Nam Việt (trong đó có đất Việt Nam)
Trong thời kỳ nhà Tây Hán - đặc biệt là dưới triều vua Hán Vũ Đế (128 – 88 TCN) - các vua Hán thường xuyên tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược xuống vùng đất phương Nam nhằm mở mang phạm vi ảnh hưởng cũng như thúc đẩy mối giao lưu kinh tế thương mại với nơi đó Chính sách xâm lấn của đế chế Trung Hoa vô hình chung đã trở thành điều kiện khách quan khuyến khích quan hệ trao đổi buôn bán giữa Trung Quốc và Giao Châu Thật vậy, sau khi chinh phục được Nam Việt (bao gồm Âu Lạc), tình hình trao đổi buôn bán giữa Trung Quốc và Việt Nam phát triển mạnh và diễn ra chủ yếu ở khu vực Hải Nam Các mặt hàng chính được thương nhân trao đổi gồm: sừng
tê, ngà voi, đồi mồi, châu ngọc, bạc, đồng, hoa quả, vải,…
Từ thế kỷ I đến thế kỷ VI, dưới sự đô hộ của các triều Đông Hán, Tam Quốc, Lục triều (Trung Quốc), kinh tế nông nghiệp quận Giao Chỉ (vùng đất Bắc Bộ, Việt Nam) có sự phát triển hơn cả Quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc và Việt Nam lúc đó càng có thêm điều kiện Ngoài các mặt hàng truyền thống vẫn được hai bên trao đổi, thương nhân cả người Hán và người Việt thường chở lúa gạo từ phương Nam sang đem bán cho các quận Cửu Chân, Hợp Phố
Ngoài các mặt hàng kể trên, các thương nhân còn thường xuyên chuyên chở châu báu, đồ đồng, đồ sắt, đồ gốm của các địa phương phía Nam đế quốc Hán đến Giao Châu trao đổi Qua kết quả khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện trên địa bàn miền Bắc nước ta một số hiện vật là vũ khí, gương
Trang 21đồng, bình đồng thuộc văn hóa Hán Ngoài ra, ở Việt Nam cũng tìm được nhiều tiền đồng thời Vương Mãng
Qua những phát hiện trên chúng ta có thể đoán định vào thời điểm đó các thương nhân người Hán thường xuất sang Giao Châu những đồ điền khí bằng sắt là nông cụ, một số vũ khí và trở về mặt hàng muối, sừng tê, ngà voi… Sự buôn bán đồ sắt, muối do chính quyền đô hộ nắm độc quyền Các mặt hàng của Trung Quốc đưa sang phần lớn được vận chuyển đến các trung tâm hành chính và quân sự như Luy Lâu, Long Biên (Bắc Ninh), Tứ Phố (Thanh Hóa), Lạch Trường (Hậu Lộc – Thanh Hóa)
Ngoài việc buôn bán với vùng đất phương Nam, các thương nhân người Hán từ thời Đông Hán đến thời Lục triều còn phát triển quan hệ giao thương với các nước miền Nam Dương, Ấn Độ Con đường hàng hải từ Giao Châu, Nhật Nam, qua Ấn Độ, chạy tới Địa Trung Hải chính thức được hình thành trong giai đoạn này
Đến thời Đường (618 – 907), chính quyền đô hộ nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống giao thông trong việc giữ gìn trật tự xã hội cũng như
mở mang quan hệ giao thương giữa hai bên nên đã cho mở mang hệ thống giao thông nhằm nối liền Trung Quốc với Việt Nam và các nước phía Nam Ngay từ năm 638, Đô đốc Giao Châu là Lý Đạo Ngạn đã khai thông và duy trì con đường giao thông đường bộ nối liền An Nam với Quảng Tây, Vân Nam cho tới tận kinh đô Trường An Về đường biển, chính quyền đô hộ tiếp tục duy trì tuyến đường nối liền Quảng Châu – Giao Châu và các nước vùng Hải Nam Năm 867, Cao Biền còn cho đào ghềnh Bắc Thú, phá đá ngầm để thuyền bè tiện đi lại
Chính nhờ việc mở mang giao thông, đường xá đi lại thuận lợi hơn đã kích thích nhu cầu trao đổi hàng hóa theo hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ giữa Trung Quốc và Giao Châu Nhờ đó, quan hệ buôn bán trao đổi
Trang 22giữa miền Nam Trung Quốc và Giao Châu ngày càng phát triển Các thương nhân người Hán thường đem sản phẩm thủ công của họ như đồ sứ, chè, thuốc bắc bán sang Giao Châu và mua các sản phẩm địa phương như ngà voi, lông trả, châu báu … đem về Trung Quốc
Vào thế kỷ VIII – IX, do nhu cầu hàng hóa của tầng lớp quý tộc nhà Đường tăng lên, quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc và Việt Nam có thêm điều kiện phát triển Bộ phận quan lại đô hộ ở An Nam và số thương nhân Trung Quốc thường xuyên mua các hàng hóa nhẹ và là sản phẩm ưa thích của giới quý tộc Trung Hoa như: đồ đồng, hải vị, áo vóc, ngà voi, long trả, hương trầm, mật trăn… từ Giao Châu đem về bán ở Trung Quốc
Có thể khẳng định rằng vào thời kỳ Bắc thuộc, quan hệ buôn bán trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và Giao Châu dưới sự đô hộ của các triều đại quân chủ phong kiến phương Bắc đã có sự phát triển nhất định Các thương nhân người Hán thường chuyên chở các hàng hóa là các nông cụ bằng sắt, các sản phẩm thủ công, … theo các tuyến đường bộ nằm trên hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam rồi vận chuyển theo đường mòn vào buôn bán tại các trung tâm chính trị, quân sự của nước ta; hoặc hàng hóa được các thương nhân vận chuyển theo hệ thống đường biển, cập cảng Vân Đồn, Vạn Ninh để rồi sau đó được vận chuyển theo các dòng sông đến nơi tiêu thụ Ngược lại, số thương nhân này đã thu mua những mặt hàng như: gạo, lông trả, ngà voi, muối… từ vùng đất này đem về bán trên thị trường Trung Quốc Sự phát triển quan hệ thương mại trong thời kỳ này chủ yếu do các thương nhân người Hán kiểm soát
Mối quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh, đặc biệt là sau khi Việt Nam hoàn toàn thoát
khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc
Trang 23Cuộc khởi nghĩa của Ngô Quyền năm 938 đã đập tan ách đô hộ của thời kỳ Bắc thuộc kéo dài một nghìn năm, đưa đất nước ta bước sang thời kỳ độc lập Sau sự kiện này, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn được duy trì và phát triển
Sau khi nhà Lý lên nắm quyền (1010), vua Lý Công Uẩn sai sứ thần sang nhà Tống, xin được buôn bán với người Trung Quốc ở Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) nhưng không được chấp nhận Triều Tống chỉ đồng ý cho thương nhân Việt Nam buôn bán tại hai điểm là Liên Châu và trấn Như Hồng
Tuy không được vua Tống chấp nhận cho các thương nhân vào Ung Châu buôn bán nhưng quan hệ buôn bán vẫn được duy trì Các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam giai đoạn này chủ yếu được diễn ra tại các địa điểm buôn bán dọc biên giới Trung – Việt Các địa điểm buôn bán này được gọi là “Bạc dịch trường” Trong thời gian này chúng ta có thể kể đến một số Bạc dịch trường tiêu biểu, thường xuyên diễn ra các hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước, như: Bạc dịch trường Hoành Sơn, Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Tô Mậu…
Bạc dịch trường ở trại Hoành Sơn (Na Sầm, Lạng Sơn) có tầm quan trọng đối với việc buôn bán giữa hai nước Bạc dịch trường Hoành Sơn là điểm giao thương thuận lợi, có thể thu hút đa số thương nhân từ Quảng Nguyên (Cao Bằng) và thương nhân từ nước Đại Lý (Vân Nam) đem hàng hóa đến buôn bán Hàng hóa được đem đến thường là các kim loại quý của vùng Quảng Nguyên (Cao Bằng) và Đại Lý (Vân Nam – Trung Quốc) như: vàng, bạc, đồng, chu sa, diêm tiêu… Đó là những hàng hóa được các thương nhân người Hán rất ưa chuộng Ngoài ra, tại đây còn diễn ra hoạt động buôn bán ngựa, các lâm sản, dược vật… của các dân tộc thiểu số sống dọc biên giới Các thương nhân người Hán đến đây buôn bán phần lớn đều đến từ Quảng Châu
Trang 24Bạc dịch trường Vĩnh Bình (chợ Kỳ Lừa, Lạng Sơn) là Bạc dịch trường
có tầm quan trọng hơn cả trong giao dịch hàng hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ này Nơi đây là điểm giao thương rất thuận lợi, điểm tiếp giáp giữa Ung Châu (Trung Quốc) và Giao Chỉ (Việt Nam) chỉ với dòng sông Kỳ Cùng Các thương nhân Trung Quốc thường đem các mặt hàng như vải vóc,
đồ sành sứ đổi lấy các mặt hàng như ngà voi, sừng tê, vàng, bạc, muối của Việt Nam
Trong thời kỳ này, quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa thương
nhân hai nước còn thường xuyên diễn ra tại Bạc dịch trường ở Khâm Châu Trong sách Lĩnh Ngoại đại đáp, Chu Khứ Phi cho biết: “Bạc dịch trường ở
ngoài thành, tại trạm Giang Đông Những người thuyền chài Giao Chỉ mang
cá, sò đến để đổi lấy đấu gạo, thước vải Phú thương nước ấy (chỉ Giao Chỉ)
đến buôn bán thì từ châu Vĩnh An phải thông điệp cho Khâm Châu, ấy là tiểu cương (buôn nhỏ), còn nước ấy sai sứ đến Khâm Châu để buôn bán, thì gọi là đại cương (buôn to) Hàng đem bán có bạc, đồng, tiền, trầm hương, trân châu,
ngà voi, sừng tê Những tiểu thương nước ta (chỉ Trung Quốc) bán các thứ bút giấy, gạo, vải, hàng ngày trao đổi một ít với người Giao Chỉ, không đáng kể… Phú thương nước ta (tức Trung Quốc) sai người nhà buôn bán nhỏ, đến
tự cấp dựng nhà, cày ruộng để ở lâu Phú thương nước ấy cũng ngoan cố không nhúc nhích, giữ giá lâu làm cho ta khốn đốn Khi lái buôn hai bên gặp nhau, mời uống rượu làm vui, lâu rồi mới nói đến buôn bán Những người tả, hữu đi theo dần dần nâng cao giá, gần bằng nhau rồi đến ngang nhau Bấy giờ mới có quan cân hương và giao gấm” [68, 9b - 10a - 10b] Các thương nhân Việt Nam đến buôn bán tại Bạc dịch trường Khâm Châu thường đem theo các mặt hàng là trầm hương và mua về các sản phẩm như giấy, bút, tơ, vải, gấm vóc của Trung Quốc
Trang 25Dưới triều Lý, quan hệ buôn bán không chỉ diễn ra giữa người Hán và người Việt mà còn được thực hiện bởi cư dân là các dân tộc thiểu số vùng
biên giới Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm 1012, người Man (thuộc
tộc Thái ở miền Tả Giang và Hữu Giang Trung Quốc vượt qua cột đồng (do
Mã Viện dựng ở Tả Giang và Hữu Giang) đến bến Kim Hoa (Mục Mã, Cao Bằng) châu Vị Long (thuộc huyện Châu Hóa, Tuyên Quang) buôn bán Vua (Lý Thái Tổ) sai người bắt được người Man và hơn một vạn con ngựa [24, 194]
Quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời kỳ này không chỉ diễn ra tại các Bạc Dịch trường nằm dọc theo tuyến biên giới trên bộ, mà nó còn được tiến hành tại Bạc Dịch trường Vân Đồn Tuy không được ghi chép lại, nhưng Vân Đồn là điểm có đường giao thông với Khâm Châu, Quảng Châu, Liêm Châu của Tống và với các nơi miền Đông và Nam Trung Quốc rất thuận lợi Ngày nay các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản đã tìm thấy ở Vân Đồn nhiều tiền đời Tống và các mảnh gốm sứ đời nhà Tống Điều đó cho thấy, rất có thể vào thời Tống, các thương nhân Trung Quốc cũng thường xuyên đến Vân Đồn trao đổi buôn bán với thương nhân người Việt và thương nhân các nước khác như Trảo Oa, Xiêm…
Vào đầu thế kỷ XIII, sau khi thôn tính toàn bộ nhà Tống, lập ra triều Nguyên, quân Mông Cổ tiếp tục mở cuộc chinh chiến nhằm xâm chiếm Đại Việt Những cuộc xâm lược của quân Nguyên đều bị quân dân Đại Việt đẩy lui Sau cuộc chiến, quan hệ chính trị giữa triều Nguyên và Đại Việt được nối lại Lúc này, quan hệ thương mại tuy không phát triển như giai đoạn trước nhưng nó vẫn được thường xuyên diễn ra tại các Bạc Dịch trường nằm dọc biên giới hai nước Các thương nhân người Hán và người Việt thường xuyên qua lại trao đổi hàng hóa tại các Bạc dịch trường Vĩnh Bình và Khâm Châu
Trang 26Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, triều Lê cho thi hành chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngoại thương, đặc biệt là đối với các hoạt động buôn bán tư nhân Trên các cửa ải ở miền biên giới và các cửa biển dọc theo miền duyên hải, triều đình nhà Lê lập các cơ quan kiểm soát ngoại thương rất khắt
khe Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì: các thương nhân ngoại quốc đến
buôn bán phải ở các nơi quy định là Vân Đồn, Càn Hải, Hội Thống, Hội Triều, Thông Lãnh, Phú Lương, Tam Kỳ, Trúc Hoa… [39, 211] không được
tự ý vào nội trấn… Các thuyền buôn ngoại quốc chỉ được ra vào hạn chế ở một số cửa biển quy định – mà chủ yếu là Vân Đồn Ở những cửa biển ấy có Sát Hải sứ kiểm soát thuyền bè, có An Phủ ty và Đề Bạc ty kiểm tra việc buôn bán, đi lại
Các điều luật được quy định trong bộ Quốc triều hình luật, quy định rõ
việc buôn bán ở Vân Đồn như sau: “Người ở trang Vân Đồn, chở hàng hóa Trung Quốc lên kinh thành, mà không có giấy của An Phủ ty cấp cho, khi đến bến Triều Đông lại không cho Đề Bạc ty kiểm soát, mà đã về thẳng trang, thì đều phải biếm một tư, và phạt tiền 100 quan; thưởng người tố cáo 1/3 số tiền phạt…” [39, 95; 96]
Luật nhà Lê còn quy định rõ về việc buôn bán của các quan lại, các trang chủ, các hải đảo mà tự ý mua hàng hóa của người ngoại quốc hoặc đón tiếp thuyền buôn ngoại quốc, đều bị nghiêm trị, phạt tiền rất nặng Điều 616,
Quốc triều hình luật quy định: “Thuyền bè ngoại quốc đến trang Vân Đồn
buôn bán mà quan Sát Hải sứ đi riêng ra ngoài cửa biển kiểm soát trước thì biếm một tư Thuyền buôn ấy muốn đậu lại lâu, thì trang chủ phải làm giấy trình An Phủ ty làm bằng mới được ở lại, nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại, thì xử biếm hai tư và phạt tiền 200 quan; thưởng cho người cáo giác 1/3 Nếu chứa những người ngoại quốc chưa đủ tuổi theo luật đã định thì xử biếm một tư và phạt tiền 50 quan, thưởng cho người tố cáo 1/3” [25, 334]
Trang 27Chính sách hạn chế của triều đình nhà Lê khiến tình hình buôn bán giữa Trung Quốc và Việt Nam không có điều kiện phát triển Thuyền buôn Trung Quốc đến Việt Nam buôn bán với số lượng ít ỏi, các chợ miền biên giới cũng dần lụi tàn
Tuy nhiên, những chính sách của triều Lê không thể thủ tiêu hoàn toàn nhu cầu buôn bán, trao đổi của nhân dân hai nước, quan hệ trao đổi, buôn bán giữa nhân dân hai nước với nhiều hình thức khác nhau vẫn thường xuyên diễn
ra Trong giai đoạn nhà Minh ở Trung Quốc và nhà Lê ở Việt Nam kinh tế hàng hóa rất phát triển đã dẫn đến hiện tượng các thương nhân hai nước thường xuyên buôn bán lén lút với nhau
Quan hệ buôn bán không chỉ diễn ra giữa thương nhân người Hoa và người Việt mà nó còn được giới quan lại, sứ thần hai bên trực tiếp tham gia trong các chuyến đi công cán giữa hai triều đình Điển hình là đoàn sứ thần của triều Lê sang sứ nhà Minh do Lê Vĩ là chánh sứ, khi trở về đã mua hơn 30 gánh hàng đem về Hoặc một đoàn sứ bộ của triều Lê phái sang Trung Quốc
và trở về năm 1435 cũng đem rất nhiều hàng hóa về Việt Nam Sách Đại Việt
Sử ký toàn thư cho biết: “Thái Quân Thực và Nguyễn Tông Trụ sang sứ nhà
Minh… Tông Trụ đem nhiều tiền bạc sang mua hàng phương Bắc, vua ghét Trụ vi phạm lệnh cấm mà làm tiền, liền lấy hết hành trang chia cho các quan” [25, 334]
Các sứ giả của triều Minh khi sang Việt Nam cũng thường mang hàng hóa sang rồi đặt giá cao bắt triều đình nhà Lê mua, lúc về lại mua nhiều hàng
hóa của ta mang về Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 12 năm Ất
Mão (1435) sứ Minh là Chu Bật, Tạ Kính sang báo việc vua Minh lên ngôi (Minh Anh Tông) và việc gia tôn Thái hoàng Thái hậu… Bọn Bật tham lam thô bỉ, trong bụng rất hám tiền của nhưng ngoài mặt ra vẻ liêm khiết, mỗi khi
có tặng lễ vật vàng bạc, đều từ chối không nhận, nhưng lại nhìn những người
Trang 28đi theo nét mặt ngần ngại Triều đình biết ý mới đưa những người đi theo sang
dự yến ở phòng khách, rồi nhân lúc rót rượu, ngầm lấy mấy nén vàng ấn vào lòng bọn Bật Bọn Bật mừng rỡ khôn xiết Bọn Bật lại mang nhiều hàng hóa phương Bắc sang, đặt giá cao, ép triều đình phải mua Đến khi về nước, phải bắt đến gần 1000 người dân phu khiêng gánh đồ cống vật và hành lý của bọn Bật” [25, 358]
Để hạn chế những hành vi buôn lậu của các sứ thần, triều đình nhà Lê đặt ra lệ: Hễ sứ thần nào mua hàng hóa về thì bị khám xét rồi tạm thu lấy
hàng hóa ấy trưng bày ra giữa điện đình cho “xấu hổ” rồi mới cho lấy về
Việc khám xét ấy đã thành thường lệ nên có thể khẳng định việc buôn bán lén lút của giới quan lại, sứ thần triều Lê sơ cũng là hiện tượng phổ biến và thường xuyên diễn ra
Sang thế kỷ XVII, nhà Minh bị lật đổ, nhà Thanh lên thay Không chịu khuất phục nhà Thanh, một số quan lại và thương nhân người Hán đã chạy
sang Việt Nam sinh sống Số người này tập trung phần nhiều ở Đàng Trong
Họ chủ yếu tập trung sinh sống ở các thành thị hoặc trung tâm buôn bán Sự xuất hiện của số người này là cầu nối giúp cho quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc và Việt Nam phát triển
Quan hệ buôn bán giữa triều Thanh và chính quyền Đàng Trong, Đàng Ngoài thế kỷ XVII, XVIII có điều kiện phát triển mạnh mẽ Vào thời kỳ này, những thuyền buôn Trung Quốc thường từ các hải cảng Quảng Châu, Thiều Châu, Triều Châu, Phúc Kiến… theo mùa gió bấc vượt biển sang nước ta
buôn bán Sách Phủ biên tạp lục chép rằng: “Khách buôn bán Quảng Đông có
người họ Trần, quen mua bán, hắn nói rằng từ phủ Quảng Châu do đường biển đến trấn Thuận Hóa, được gió thuận thì chỉ ba ngày đêm, vào cửa Eo đến phố Thanh Hà ở Phú Xuân, vào cửa Đại Chiêm, đến phố Hội An ở Quảng Nam cũng thế… Phàm hóa vật ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi,
Trang 29Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ, đi thuyền,
đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế khách phương Bắc đều tụ tập ở đấy
để mua về nước Trước đấy hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được…” [8, 74]
Ở Đàng Ngoài, thuyền buôn Trung Quốc thường vào sông Bạch Đằng cửa sông Thái Bình hay cửa sông Đáy đi lên Phố Hiến hay Thăng Long (Kẻ Chợ) Họ thường mang đến các thứ hàng hóa như: đồ sứ, giấy, chè, thuốc bắc, vải lụa, gấm vóc, diêm tiêu, diêm sinh, chì… Đến mùa gió nồm họ lại xuôi buồm trở về Hàng hóa họ mua về chủ yếu là tơ, quế, đồng Việc mua bán này phải tuân theo những thể lệ quy định của nhà nước
Năm 1720, triều đình Lê - Trịnh định phép đánh thuế đồng, quế Sách
Đại Việt sử ký tục biên chép: “Tháng 11 Canh Tý (1720) bắt đầu thi hành
phép đánh thuế đồng và quế Chúa (Trịnh Cương) cùng bọn Công Hãng họp bàn cho rằng: đồng và quế là sản phẩm quốc gia, lệ cũ cho phép được mua bán riêng tư như vậy mối lợi quy về người buôn mà không giúp ích gì cho việc dùng công, bèn quy định phép đánh thuế, sai quan trông coi việc này Phàm hộ nào đi buôn đồng, bóc quế, khi đi phải nhận giấy chứng nhận, lúc về bắt xuất trình khám nghiệm Nếu trao đổi với lái buôn nước ngoài thì phải đợi lệnh chỉ rồi mới cấp phát giấy, nếu mua bán ở trong nước thì chỉ phải nộp bản giao khế ở quan giám đương làm bằng chứng Còn những việc lén lút, chuyên chở và làm vụng trộm đều bị nghiêm cấm” [38, 80]
Theo quy định trên, từ nay thương nhân Trung Quốc muốn mua quế, phải làm tờ trình lên giám đương xét và chờ chỉ của chúa Trịnh hạn định số lượng quế được mua và cho phép quế hộ đem số quế tích trữ ra bán Sách
Lịch triều hiến chương loại chí cho biết quy định thuế mua quế dưới triều Lê
– Trịnh như sau: “Cứ 100 cân quế định giá 100 quan tiền quý, thì đánh thuế 5/10, tức 1 quan tiền quý thì nộp 5 tiền … khách buôn khi trở về thì trấn quan
Trang 30sai binh lính đưa ra khỏi địa hạt, cứ mỗi lần phải nộp lệ phí 10 quan tiền quý” [2, 39; 100]
Năm 1723, chúa Trịnh Cương còn quy định thêm về giá cả mua đồng Trong nước giá đồng thường là 100 cân giá 12 quan, nhưng khách buôn nước ngoài phải theo giá quy định tối thiểu là 100 cân giá 15 quan; nếu giá đồng trong nước lên cao quá mức quy định ấy thì khách buôn ngoại quốc phải theo thời giá [16, 35]
Mặc dù có những quy định tương đối nghiêm khắc về cách đánh thuế cũng như hạn chế về số lượng một số hàng hóa thu mua, nhưng do những mối lợi đem đến từ những món hàng này nên các thương nhân nước ngoài, đặc biệt là thương nhân Trung Quốc vẫn tăng cường buôn bán, trao đổi với Việt Nam tại Kinh Kỳ (Hà Nội) và Phố Hiến
Ở Đàng Trong, thuyền buôn Trung Quốc thường ra vào buôn bán ở Hội
An (Quảng Nam) hay ở Thanh Hà (Thuận Hóa) Các chúa Nguyễn đã đưa ra quy định về mức thuế đối với thuyền buôn Trung Quốc đến buôn bán ở Đàng Trong Theo quy định, thuyền buôn Thượng Hải cập bến nộp thuế 3000 quan, xuất bến nộp 300 quan; Thuyền buôn Quảng Đông cập bến nộp 3000 quan, xuất bến nộp 300 quan; Thuyền buôn Hải Nam cập bến nộp 500 quan, xuất bến nộp 50 quan; Thuyền buôn Phúc Kiến cập bến nộp 2000 quan, xuất bến nộp 200 quan [16, 36]
Những Hoa kiều sinh sống ở Việt Nam phần lớn tập trung ở các thành phố buôn bán và làm môi giới trung gian thu mua, bán hàng hóa cho các thuyền buôn Trung Quốc và các nước khác
Một điều dễ nhận thấy là hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa Trung Quốc - Việt Nam được diễn ra một cách thường xuyên, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử cổ - trung đại Tuy mức độ có sự khác nhau tùy thuộc vào chính sách phát triển ngoại thương cũng như mối quan hệ chính trị của
Trang 31mỗi giai đoạn, nhưng nó cũng chính là tiền đề cho mối quan hệ thương mại giữa hai bên từ đầu thế kỷ XIX đến khi có yếu tố phương Tây vào can thiệp
1.2.2 Quan hệ buôn bán giữa các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây với Bắc
Kỳ từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1885
Quan hệ thương mại giữa Bắc Kỳ với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây
đã hình thành từ rất sớm và trải qua nhiều thăng trầm cùng với mối quan hệ chính trị giữa hai nước Trung Quốc – Việt Nam trong lịch sử Có thể khẳng định rằng, mối quan hệ này đã hình thành từ thời cổ đại với việc giao lưu, buôn bán của các tộc người Giao Châu và các dân tộc vùng phía Nam sông Dương Tử Mối quan hệ thương mại giữa hai vùng thời cổ trung đại đã được nhắc đến ở phần trên, phần này chúng tôi tập trung đề cập đến tình hình trao đổi hàng hóa giữa Bắc Kỳ và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1885 (từ khi triều Nguyễn thành lập đến khi Pháp xâm chiếm hoàn toàn Bắc Kỳ và gây ảnh hưởng với vùng Nam Trung Quốc bằng Hiệp ước Thiên Tân Năm 1885)
Sau khi nhà Nguyễn thành lập (1802), mặc dù có những chính sách hạn chế việc buôn bán với nước ngoài nhưng quan hệ buôn bán với Trung Quốc vẫn tiếp tục được duy trì và có những phát triển mới Đối với triều Nguyễn, ngay từ triều vua đầu tiên, Gia Long đã định ra mức thuế buôn bán đường bộ (1813) cho người Thanh ở Bắc Thành Lệ như sau: những người lái buôn người Thanh, đi qua đường Lạng Sơn về, cùng các thuyền công, tư chở người lái buôn, thì quan sở tại đánh thuế hàng hóa Cứ giá hàng hóa 100 quan, thì nộp 2 quan 5 tiền thuế
Ở Bắc Thành thì do phủ Hoài Đức cho giấy “thông quản”, đến Lạng Sơn thì trấn đổi cấp giấy khác Năm 1815, triều đình định số tiền thuế nhà của số thương nhân người Thanh lưu trú tại Bắc Thành (tức Hà Nội) Nhà Nguyễn chọn một người Minh Hương là Phan Gia Thanh cho làm Cai phố ở
Trang 32Bắc Thành, coi việc thuế nhà của người nhà Thanh ở đây, mỗi năm nộp bạc 1.500 lạng Đối với các thương nhân người Trung Quốc, đôi khi vì chính sách hòa hiếu giữa hai nước, ta thấy Gia Long tỏ ra khá ưu ái, xử nhẹ trước lỗi lầm của họ
Về phía triều Thanh, vào đầu thế kỷ XIX, dưới triều vua thời Càn Long (Trung Quốc) tại ba tỉnh Vân Nam (Điền), Quảng Tây (Quế), Quảng Đông (Việt) tiếp giáp biên giới với Việt Nam, nhà Thanh đã đặt ra một số quy định, luật lệ và chính thức mở 5 cửa khẩu để buôn bán với nước ta (Trấn Nam Quan; Bình Nhi quan; Thủy Khẩu quan; Do Thôn ải và Đông Hưng thị) [16, 57] Những ải trên đều thuộc địa phận Móng Cái ngày nay, tiếp giáp với vùng Đông Hưng thuộc Khâm Châu của nước Thanh Nơi đây là địa bàn giáp giới của hai nước, còn có sông Thác Mang (tức sông Ka Long bây giờ) cho thuyền lớn có thể ngược sông để cập bến Vạn Ninh của nước ta
Trên cơ sở của những chính sách giữa hai bên đã tạo điều kiện thuận lợi, kích thích hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa hai vùng Đặc biệt, vùng Vạn Ninh nước ta vào thế kỷ XIX đã dần trở thành một trạm trung chuyển hàng hóa của thương nhân Trung Quốc qua đường biên giới Bản tâu của quan Bắc Thành năm 1830 nói về việc các lái buôn nước Thanh chở hàng hóa bằng đường bộ: "khi đến phố thì thuê thuyền chở hàng đi hai trấn Quảng Yên, Hải Dương và đến Thành (tức Bắc Thành – Hà Nội) Lái buôn ai đứng
ra chiêu tập thuyền ghe mà chở thì mỗi năm phải nộp tiền thuế là 5000 quan" [58, 105] Tuy chưa có số liệu cụ thể về số lượng và giá trị hàng hóa trao đổi giữa hai bên nhưng qua thuế "quan tân" nộp hàng năm của người lĩnh trưng cũng có thể đoán định về một số lượng hàng hóa không nhỏ được nhập vào nước ta qua các cửa khẩu ở vùng này Năm 1838, theo báo cáo của tỉnh Lạng
Sơn, hiện "có nhiều người Thanh sang buôn bán mưu sinh, không dưới vài trăm người" [58, 106]
Trang 33Sau cuộc cải cách hành chính thời Minh Mạng (nhà Nguyễn) năm
1831, những thủ tục xuất nhập cảng với thuyền buôn nước Thanh còn được cải tiến hơn, bớt đi sự rườm rà: "Trước đây thuyền bè sang nước ta trước hết
do đồn Cửa Lác xét hỏi, rồi tường trình với Nam Định, hộ tống lên Bắc Thành
để đánh thuế Khi thuyền trở lại, lại giao về Nam Định hộ tống ra các cảng Mọi việc đã thành lệ cả Từ nay thuyền đến Cửa Lác thì viên trấn thủ xét hỏi theo lệ rồi báo lên tỉnh Nếu thuyền buôn ấy muốn ở lại Nam Định dỡ hàng đem bán thì xét rõ ràng rồi đánh thuế Nếu họ muốn đi Hà Nội thì ủy giao Hà Nội khám xét và thu thuế Khi họ về lại giao Nam Định hộ tống ra Cửa Lác" [58, 107]
Những chính sách này tiếp tục được duy trì trong các triều đại vua nhà Nguyễn là điều kiện thuận lợi, kích thích quan hệ buôn bán giữa hai bên Đặc biệt, vào triều vua Minh Mạng, với việc thực hiện chính sách cải cách hành chính càng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho thương mại hai bên
Tới triều vua Tự Đức (1848 – 1883), do có sự xâm lược của Pháp ở Việt Nam, tình trạng buôn bán của các thuyền buôn Trung Quốc với Việt Nam gặp nhiều khó khăn đã tạo thêm điều kiện cho quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Bắc Kỳ và Vân Nam, Quảng Tây càng có điều kiện phát triển Sự thuận lợi này đã được thể hiện rõ trong chính sách của nhà Nguyễn
Vào năm 1866, triều Nguyễn đặt sở thuế quan Nhu Viễn ở cửa sông Cấm thuộc tỉnh Hải Dương và ở cửa sông Trà Lý thuộc tỉnh Nam Định Đó là thể theo lời xin của các đoàn thuyền buôn người Thanh đã giúp triều đình đánh giặc biển, xin được mở cửa biển, lập phố chợ, buôn bán, mua gạo Từ năm này, Tự Đức định lại ngạch thuế nhập cảng của các thuyền buôn từ Trung Quốc sang buôn bán tại Bắc Kỳ (trừ 69 chiếc thuyền giúp việc đánh giặc được miễn thuế): các hạng thuyền trên lại phải nộp thêm thuế hàng hóa xuất cảng, chiểu theo lệ nhập cảng thu 3/10
Trang 34Trong các mặt hàng nhập cảng, những thứ hàng nào liên hệ đến việc binh như kẽm, sắt, đồ đồng, diêm tiêu, lưu hoàng phải bán thẳng cho triều đình, không được bán riêng cho tư nhân Riêng đối với thuốc phiện, kể từ triều Gia Long, Minh Mệnh đến Thiệu Trị, Tự Đức đều thực hiện chính sách cấm nhập cảng rất khắt khe
Những điều kiện khách quan như Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, những điều chỉnh trong chính sách buôn bán dưới triều vua Tự Đức đã khiến cho mối quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Bắc Kỳ và Vân Nam, Quảng Tây được diễn ra thường xuyên, đều đặn với lưu lượng hàng hóa phong phú hơn tại vùng Lạng Sơn và vùng Quảng Yên (Quảng Ninh), đặc biệt là hai điểm: đô thị Lạng Sơn – Kỳ Lừa và đô thị Móng Cái – Vạn Ninh
Chính sử triều Nguyễn cho biết, vào thế kỷ XIX, có một số cửa thông thương được mở giữa Bắc Kỳ với Quảng Tây, Vân Nam, đặc biệt tại tỉnh
Quảng Yên có “cửa ải Thác Mang”, tức Móng Cái ngày nay Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Cửa ái Thác Mang ở xã Vạn Xuân, cách châu Hải Ninh
hai dặm về phía Bắc, giáp đồn phủ Đông Hưng Ở nơi phân giới với Khâm Châu nước Thanh Phàm hai nước có công văn đều do cửa ải này giao đệ đến tỉnh (tức thị xã Quảng Yên) phải 8 ngày đường bộ Lại có ải Bạch Thanh, ải Thôn Thiên, ải Hoàng Trúc, ải Bương, ải Lý Lê, đều ở xã Yên Lương, tiếp giáp động Tư Lặc nước Thanh, cũng là đường buôn bán của người phương
Nam, phương Bắc qua lại” [35, 43;44] Sách Đại Nam nhất thống chí, còn
cho biết thêm vẻ sầm uất của địa điểm Móng Cái: “phố Thác Mang ở châu Vạn Ninh, người nước Thanh tụ họp buôn bán, nhà ngói như bát úp, cũng là nơi phồn thịnh Lại có các phố Yên Lương, Yên Lạc, Na Tiền, Mã Tê, Đại Hoàng, Lạc Tu, Đầm Hà” [34, 44]
Việc buôn bán ở Lạng Sơn giữa các thương nhân Trung Quốc và Việt Nam diễn ra chủ yếu ở chợ Kỳ Lừa và các phố xá xung quanh chợ Từ đầu thế
Trang 35kỷ XIX, nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận xét: “Phố Kỳ Lừa ở phía Tây
động Nhị Thanh, buôn bán đông đúc” Sách Đại Nam nhất thống chí, cũng
cho biết: “Phố Kỳ Lừa có 7 đường là phố có tiếng về phía Bắc tỉnh Lạng Sơn”
Dưới triều Nguyễn, chính quyền quân chủ Trung ương nhận thấy tại các địa điểm buôn bán trong tỉnh Lạng Sơn, nhất là Đồng Đăng, Kỳ Lừa, có hiện tượng các thương nhân Trung Quốc đem hàng sang bán, cư trú một thời gian vài ba tháng lại trở về Để có thể quản lý được số thương nhân này, vào năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bộ Hộ ra quy định: “Tỉnh Lạng Sơn có nhiều người Thanh buôn bán làm ăn, không dưới vài trăm người, so với người đến ngụ cư thành ngạch vào sổ có khác, nhưng sang từ tháng 3 đến tháng 8, 9 hoặc cuối năm mới về, cho nộp tiền 5 quan Tỉnh ấy tới kỳ cấp bằng phải xét
sổ, chiếu thu ngay Nhưng cho 3 tháng 1 kỳ, đem các bằng đã phát tiền, họ, tên, tuổi, quê quán người khách ấy và hạn số tháng được cấp, rồi tư lên bộ, để tâu chiếu, đến cuối năm số tiền thu thuế được bao nhiêu, sẽ đóng thành sách kính đệ tâu” [11, 309; 310]
Tuy chưa tìm được nguồn tài liệu nào nói về số lượng cũng như giá trị hàng hóa được trao đổi giữa Bắc Kỳ và Vân Nam, Quảng Tây, nhưng chúng tôi xin ghi lại đây tiền ngạch thuế, do chính quyền Trung ương Nguyễn, định
ra cho hai cửa Lạng Thành (Lạng Sơn) và An Lương (Quảng Yên) phải nộp hàng năm
Sách Hội điển cho biết rõ: “Tiền ngạch thuế cửa Lạng Thành, thuộc
tỉnh Lạng Sơn (có 1 cửa chính, 8 chi phụ: Quang Lang, Sơn Trung, Khuất Xá, Bắc Hợp, Thác Lịch, Hoa Sơn, Vân Mạc và Bình Quân) Năm Gia Long thứ
18 (1819) là 14.500 quan Năm Thiệu Trị thứ 4 (1884) định giá trung bình cả năm là 13.000 quan, tháng nhuận thêm một thành, cộng 14.083 quan, lệ nộp nửa bạc nửa tiền
Trang 36- Tiền ngạch thuế cửa An Lương (châu Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên) có một cửa chính, một chi phụ ở An Dương Gia Long năm thứ 18 (1819) là 7.500 quan Thiệu Trị năm thứ 4 (1884), định giá trung bình cả năm là 8.000 quan, tháng nhuận thêm một thành, cộng 8.666 quan, lệ nộp nửa bạc, nửa tiền” [11, 447; 448]
***
Có thể khẳng định, từ đầu triều Nguyễn, quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Bắc Kỳ và vùng Vân Nam, Quảng Tây đã có những bước phát triển vượt bậc Ngay từ đầu triều Nguyễn, các vua Nguyễn đã cho thi hành những kích thích nhằm phát triển mối quan hệ này lên một tầm cao mới, đặc biệt là chính sách cải cách hành chính triều vua Minh Mạng càng kích thích quan hệ thương mại giữa hai vùng Đến triều vua Tự Đức với sự xâm nhập và xâm lược của thực dân Pháp đã khiến cho mối quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam chỉ diễn ra ở Bắc Kỳ Chính điều này
đã kích thích mối quan hệ thương mại giữa hai bên phát triển đến khi thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Bắc Kỳ Tuy nhiên sự xâm lược của thực dân Pháp chỉ là sự đứt đoạn tạm thời của quan hệ thương mại giữa Bắc Kỳ và Vân Nam, Quảng Tây Mối quan hệ này được phát triển sang một giai đoạn mới từ sau khi Chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh ký Hiệp ước Thiên Tân (9/6/1885)
Tiểu kết chương 1
Qua sự trình bày trên đây, chúng ta có thể rút ra một số điều như sau:
1 Hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) có địa giới giáp ranh với Bắc Kỳ (Việt Nam) Trên địa bàn hai tỉnh này của Trung Quốc có nguồn tài nguyên phong phú Nơi đây có hệ động – thực vật đa dạng, với nhiều loài quý hiếm vẫn được khai thác thành các sản phẩm thương mại Nơi đây còn tập trung một trữ lượng khoáng sản được đánh giá là
Trang 37lớn nhất trong số các địa phương của Trung Quốc với số lượng các loại khoáng sản phong phú… Điều kiện tự nhiên này có thể giúp phát triển một nền kinh tế với sự đa dạng các sản phẩm không những làm giàu cho đời sống người dân mà còn tạo ra một nguồn hàng lớn phát triển nền thương nghiệp với bên ngoài
2 Vân Nam và Quảng Tây là hai tỉnh có địa hình chủ yếu là đồi núi và rừng rậm nên điều kiện giao thông tại đây có nhiều khó khăn Tuy nhiên, tại hai tỉnh này cũng có những thuận lợi nhất định là có các dòng sông lớn, có thể vận chuyển hàng hóa về các vùng đồng bằng và đem trao đổi với các quốc gia láng giềng khu vực Các dòng sông này không những chuyên chở hàng hóa của Trung Quốc đem bán ra thị trường nước ngoài mà cũng là điều kiện lý tưởng để hàng hóa của nước ngoài
có thể thâm nhập vào địa phận Trung Quốc
3 Truyền thống quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Vân Nam, Quảng Tây trong lịch sử là minh chứng rõ nét nhất cho những tiềm năng của vùng đất này với sự trao đổi hàng hóa giữa hai bên Ngay từ thời Bắc Thuộc cho đến thời các triều đại quân chủ Việt Nam, mặc dù
có những thăng trầm trong quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa đôi bên, nhưng nhìn chung mối quan hệ này luôn được duy trì và có những bước phát triển
Trang 38CHƯƠNG 2 QUAN HỆ THƯƠNG MẠI GIỮA VÂN NAM, QUẢNG TÂY VÀ BẮC KỲ TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX
2.1 Cơ sở mới của quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc
2.1.1 Sự thâm nhập của Pháp vào Vân Nam, Quảng Tây và Việt Nam
Từ đầu thế kỷ XIX, sau một thời kỳ phát triển huy hoàng dưới triều Càn Long (1735-1796), triều đình nhà Thanh ở Trung Quốc dần lâm vào tình trạng suy thoái Lợi dụng cơ hội này, các nước thực dân phương Tây - vốn từ lâu đã thèm khát, nhòm ngó vùng đất phương Đông kỳ bí và giàu tài nguyên này – ráo riết tìm cách thâm nhập, nô dịch Trung Quốc Thất bại trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1839-1842) chống lại Anh, năm 1842, triều đình Mãn Thanh buộc phải ký Điều ước Nam Kinh chấp nhận sự nô dịch của Anh Điều ước Nam Kinh năm 1842 gồm các nội dung cơ bản:
- Nhượng Hồng Kông cho Anh
- Mở 5 cảng: Hạ Môn (Xiamen), Quảng Châu (Canton), Phúc Châu (Fuzhou), Ninh Ba (Ningbo) và Thượng Hải cho các tàu nước ngoài vào buôn bán Người Anh có quyền sinh sống cùng gia đình và làm việc tại đây
- Bồi thường cho Anh 21 triệu lạng bạc, bằng 1/3 quốc khố hàng năm của triều đình nhà Thanh
- Anh cùng Trung Quốc thoả thuận số thuế Anh phải trả cho Trung Quốc trong khi buôn bán với nước này
- Anh nắm giữ quyền tài phán trong trường hợp có tranh chấp xảy ra giữa người Anh với người địa phương
- Trung Quốc không được ký hiệp ước ưu đãi nào với nước ngoài nếu không có sự chấp thuận của Anh [108]
Trang 39Điều ước Nam Kinh 1842 đánh dấu sự khởi đầu cho việc các nước thực dân phương Tây ồ ạt xâu xé Trung Quốc Ngay sau Điều ước này, các nước phương Tây như Mỹ, Pháp liên tục gây sức ép với triều đình Nhà Thanh đòi được những nhượng bộ mới trong việc nô dịch Trung Quốc Ngay trong năm
1842, Mỹ buộc chính quyền Bắc Kinh phải ký Hiệp định Vọng Hạ (một địa điểm gần Macao) chấp nhận cho Mỹ những điều kiện buôn bán thuận lợi Năm 1844, với Hiệp ước Hoàng Phố, triều đình nhà Thanh trao cho Pháp quyền tự do buôn bán, truyền đạo, cũng như quyền xây dựng một số nhà thờ
và nghĩa địa công giáo trên đất Trung Quốc [108]
Không dừng lại ở đó, năm 1856 cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai bùng nổ với một bên là triều đình Mãn Thanh và bên kia là liên quân các nước Anh, Pháp, Nga, Mỹ Sau 4 năm chiến tranh, năm 1860 chiến tranh chấm dứt với việc Thanh triều ký các Hiệp ước Thiên Tân năm 1858 với từng nước riêng biệt và Công ước Bắc Kinh năm 1860 chung với các nước tham chiến
Nội dung chính của các Hiệp ước Thiên Tân và Công ước Bắc kinh gồm những điểm sau :
- Các nước Anh, Pháp, Nga Mỹ có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao bên cạnh triều đình nhà Thanh ở Bắc Kinh ;
- Mở thêm 11 cảng trên toàn đất nước cho tàu thuyền nước ngoài tự do buôn bán, trong đó có cảng Thiên Tân với tư cách cảng thông thương tới Bắc Kinh Tàu thuyền các nước có quyền đi lại tự do trên sông Dương Tử ;
- Nhượng bán đảo Cơ Long cho Anh ;
- Tự do truyền đạo Cơ Đốc ;
- Trung Quốc phải trả bồi thường chiến phí tới 8 triệu lạng bạc cho mỗi nước Anh và Pháp;
Trang 40- Cho phép Anh được thuê nhân công Trung Quốc ra nước ngoài làm việc [109]
Nhìn chung, đây là những hiệp ước bất bình đẳng đối với Trung Quốc Chúng cho phép các nước thực dân Phương Tây những quyền hạn rộng rãi hơn trong việc vơ vét, bóc lột tài nguyên và nhân lực Trung Quốc Đối với Pháp, các Hiệp ước này đem lại cho Pháp những quyền lợi ngang bằng với Anh trong cuộc vơ vét bóc lột Trung Quốc Từ lúc này, Pháp xâm nhập ngày càng nhiều vào các vùng Hoa Nam của Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây
Ngay sau khi đặt được chân tương đối vững chắc vào miền Nam Trung Quốc, Pháp ráo riết tiến hành khảo sát, điều tra tiềm năng kinh tế của vùng này, đặc biệt là vùng Vân Nam, nơi vốn đã được biết tới như một vùng đất giàu có về các loại khoáng sản chưa được khai thác Trên thực tế, hoạt động thăm dò này đã được những cá nhân người Pháp có mặt ở Trung Quốc tiến hành từ nhiều năm trước Ngay từ thế kỷ XVIII, nhiều cuộc thám hiểm của người Âu như Anh, Pháp đã được tiến hành trên vùng đất này, đặc biệt là các cuộc thám hiểm Vân Nam của người Pháp Năm 1714 – 1718, 3 vị giáo sỹ truyền đạo Dòng Tên người Pháp là Bonjour, Fridelli và Régis đã trình lên Hoàng đế Trung Hoa một bức bản đồ vùng Vân Nam do họ tự khảo sát và vẽ Tấm bản đồ này trong một thời gian dài đã được coi như tấm bản đồ chính thức của Vân Nam [91, 230] Năm 1867, đoàn thám hiểm của Doudart De Lagrée, xuất phát từ Nam Kỳ (Việt Nam) ngược sông Mê Công tới Vân Nam vào đầu tháng 12 năm 1867 Tại đây, một phần của đoàn thám hiểm này, do viên sỹ quan Francis Garnier (kẻ sau này bị quân Cờ Đen giết chết trong trận Cầu Giấy năm 1873), tách thành một nhóm đi khảo sát theo một nhánh sông Hồng tới tận Mạn Hảo Trong quá trình đi khảo sát, Garnier đã gặp Jean Dupuis (một tên lái súng người Pháp từ Hồng Kông đi Vân Nam), hai nhân