Công ty Trách nhiệm hữu hạn là loại công ti trung gian giữa công ti đối nhân và công ti đối vốn, là sự kết hợp hoàn hảo những ưu điểm của công ti Hợp danh và công ti Cổ phần, ngay từ khi mới xuất hiện, công ti TNHH hai thành viên trở lên đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của các nhà kinh doanh. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, mô hình công ti TNHH hai thành viên trở lên đang ngày càng được các nhà kinh doanh ưa chuộng. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2005 được ban hành đã tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thành lập, hoạt động cũng như giải thể công ti TNHH hai thành viên trở lên. Số lượng của loại hình công ti này không ngừng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, sau gần 10 năm áp dụng, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập trong đó có quy định về công ti TNHH hai thành viên trở lên. Một số quy định chưa rõ ràng hoặc chồng chéo nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật trên thực tế còn nhiều vướng mắc. Nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được pháp luật điều chỉnh cũng gây không ít khó khăn cho các chủ thể khi thành lập cũng như điều hành hoạt động công ti TNHH hai thành viên trở lên. Đặc biệt, vấn đề vốn điều lệ và góp vốn điều lệ luôn được các nhà đầu tư quan tâm hơn cả từ quy định cho đến thực tiễn. Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ti (khoản 6 điều 4 LDN 2005). Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ti để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ti. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ti do thành viên góp để tạo thành vốn của công ti (khoản 4 điều 4 LDN 2005). Khác với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 không có quy định bắt buộc về vốn khi thành lập doanh nghiệp, nhưng vấn đề vốn điều lệ của doanh nghiệp là yếu tố tối quan trọng , là cơ sở tồn tại, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời là căn cứ để các thành viên phân chia lợi nhuận khi kinh doanh có lãi cũng như xác định về mức độ chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp phá sản. Việc góp vốn như thế nào, thời hạn bao lâu,thủ tục pháp lý đã hoàn thành hay chưa?...sẽ góp phần xác định tư cách thành viên của các chủ thể góp vốn và nhiều vấn đề liên quan khác. Vì thế, việc hoàn thiện pháp luật về công ti TNHH hai thành viên trở lên nói chung và vốn điều lệ, góp vốn điều lệ nói riêng đang trở thành nhu cầu cấp thiết