MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ KHÁI NIỆM “NHÂN VỊ” ThS. NGUYỄN THỊ THANH HẢI Bộ môn Những nguyên lý cơ bản của CNMLN Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Giao thông Vận tải Tóm tắt: Bài báo tập trung làm rõ quan niệm “Nhân vị” trong triết học Thomas Aquino (1225-1270)-1 nhà triết học Kyto giáo ở Tây Âu thời trung cổ. Từ đó thấy rõ giá trị của quan điểm này đối với sự phát triển của tư tưởng nhân loại. Tác giả còn nêu lên một vài biểu hiện của nhân vị trong cuộc sống hiện nay. Summary: The journal jocus on bringging out the concept “ Nhân Vị” in philosophy of Thomas Aquino (1225-1274) – a Christmas philosopher in Medieval Occident. Since then, this point of view is found to be important to the development of manlcind. The author alos put forward som expressino of “Nhân Vị” at present life. I. ĐẶT VẤN ĐỀ MLN- KTVT Hơn 20 năm đổi mới, nước ta đã thoát khỏi những nước kém phát triển và gia nhập vào nhóm nước phát triển trung bình. Có được những thành tựu này là nhờ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng với giá trị đích thực của nó là khai phóng được tiềm năng sáng tạo và đổi mới của nhân dân ta. Tuy vậy, quá trình chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể tránh khỏi những điểm vênh văn hoá nói chung và điểm vênh giữa quan điểm truyền thống về cá nhân - tập thể - xã hội đã hằn sâu vào nếp nghĩ, cách ứng xử của nhân dân ta với quan điểm mới về mối quan hệ này. Để khắc phục hiệu quả những điểm vênh đó, việc tìm hiểu quan điểm về “nhân vị” của các triết gia Đông, Tây là một việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. II. NỘI DUNG Có thể nói trong lịch sử nhân loại, ít khi gặp một ý tưởng đã để lại ảnh hưởng sâu đậm như quan điểm của Kitô giáo về nhân vị. Có học giả còn đánh giá đây là một đóng góp độc đáo của Kitô cho nhân loại bởi vì chúng ta ít thấy nó trong văn hoá Hi Lạp, La Mã, Ấn Độ hay Trung Hoa. Chẳng hạn, trong xã hội phương Đông “con người là của gia đình, của họ, của làng, nước. Bản thân họ không có gì là của mình: thân thể là của cha mẹ cho, phân vị là của vua cho, số mệnh là của trời cho. Có được gì cũng là nhờ ơn Vua, ơn Trời. Giá trị của nó được tính theo chỗ nó là con ai, thuộc họ nào, làng nào, có chức sắc gì, chứ không theo chỗ bản thân nó là gì. Trong xã hội tất cả là thần dân của Vua, đều được xếp vào bậc thang tước vị, rồi lại chia thành hạng cha chú hay con cháu. Con người phải nhìn xuống, nhìn lên trong cái thang trật tự trên dưới đó, tự xác định vị trí của mình mà ăn mặc, nói năng, đi đứng cho phải phép. Đó là con người chức năng trong xã hội luân thường chứ không có nhân cách độc lập”[2; 394 - 395]. Quan niệm “nhân vị” xuất hiện vào thế kỷ IV-V ở Tây Âu. Đây là thời kỳ mà các nhà tư tưởng Kitô giáo đang cố gắng tìm kiếm quan niệm thích hợp để giải thích một vấn đề thần học: Sự khác biệt và tính đồng nhất giữa Ba ngôi Thiên Chúa. Làm thế nào để giải thích một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba ngôi khác nhau? Và họ đã nối kết hai từ có gốc Hi Lạp: “Prosopon” và “Hypostasic” để diễn tả sự khác biệt này. Theo nguyên ngữ “Prosopon” là chiếc mặt nạ các diễn viên dùng để tả diện mạo của một nhân vật nào đó mà họ muốn trình bày. Từ việc trình bày cái mặt nạ bên ngoài của một nhân vật nào đó, từ này tiến dần đến chỗ diễn tả vai trò và thực chất của chính nhân vật đó. Tuy vậy, Prosopon chưa thể lột tả hết nội dung của quan niệm ngôi vị mà người ta muốn diễn tả nên phải bổ sung từ thứ hai là “Hypostasic”. MLN- KTVT Hypostasic có nghĩa là bản thể, là yếu tính. Từ này sử dụng như nguyên tắc nhất thể hoá một ngôi vị, bổ sung cho quan niệm Prosopon nói trên và cho phép trình bày một Thiên Chúa duy nhất nhưng có ba ngôi vị. Nhờ kết nối hai từ này các giáo phụ đã giải quyết được một số khó khăn. Bởi lẽ việc đồng nhất này cho thấy quan niệm ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ trình bày việc Ngài biểu lộ cho nhân loại biết mà còn diễn tả phần nào thần tính vừa duy nhất vừa mang tính khác biệt và độc lập của Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh thần. Giáo lý Ba Ngôi đặt nổi chiều kích tương quan của quan niệm ngôi vị và cho phép nghĩ đến một sự duy nhất của đời sống thần linh được xây dựng trên mối tương quan thiết yếu liên ngôi vị giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, trong đó mỗi Ngôi đều là Thiên Chúa như nhau nhưng vẫn duy trì nét cá biệt và sứ vụ riêng. Như vậy, trong quan niệm nguyên thuỷ về ngôi vị, các giáo phụ Hi Lạp đề cao chiều kích tương quan. Nhưng khi du nhập sang phương Tây thì các thần học gia thuộc văn hoá La Tinh lại thường có khuynh hướng nhấn mạnh đến chiều kích cá nhân cụ thể. Chẳng hạn Severino Boezio (thế kỷ VI) đã hiểu quan niệm nhân vị dưới góc độ cá thể này. Ông cho rằng nhân vị là một bản thể cá biệt của lý tính. (“Persona est rationalis naturae individua Substantia” (Contra Eutichen et Nestorium, c.4)). Với nghĩa như vậy, nhân vị là một hữu thể cá biệt, tự tại có lý trí và bất khả thay thế. Tuy vậy, quan niệm này của Boezio lại quá nhấn mạnh tính cá thể, cá biệt của nhân vị mà bỏ qua chiều kích tương quan. Tiếp thu tư tưởng của Boezino, Thomas Aquinô (một nhà triết học Kitô giáo thế kỷ XIII) cũng định nghĩa nhân vị theo chiều hướng đó nhưng đồng thời cũng cố gắng giải thích bản thể tự tại của nó trong mối tương quan. Theo Thomas Aquinô, chúng ta chỉ có thể hiểu ý nghĩa sâu thẳm của nhân vị, nhất là ngôi vị nơi Thiên Chúa ngang qua chiều kích tương quan. Điều này chúng ta có thể tìm thấy trong Tổng luận thần học của ông [qI - 2, vấn đề từ 27 - 43, (mục 1, mục 2, mục 3, mục 4)]. Trong đó, Thomas Aquinô đã phân tích một cách tỉ mỉ về vấn đề này và chỉ ra sự tương quan thiết yếu Ba ngôi Thiên Chúa biểu hiện một bản tính duy nhất. Sau khi phân tích ý kiến khác nhau ấy, Thomas Aquinô kết luận: “Theo những gì đã trình bày ở trên, phải nói hạn từ nhân vị trực tiếp là tương quan và gián tiếp mới là yếu tính”[3 ; qI - 2, vấn đề 29, mục 4]. Như vậy, nhân vị là một bản thể có tương quan phẩm chất với người khác, cái khác (mối tương quan này là thiết yếu) đồng thời nó là một hữu thể tự tại, không thể phân chia, cá biệt và độc nhất vô nhị. Nhân vị là một tạo vật đẹp nhất và cao quý nhất bởi lẽ nó là một hữu thể tự tại và có lý tính. Do đó, nó có vị trí cao trong các loài thụ tạo và có một giá trị, một phẩm giá bất khả xâm phạm. Với những quan niệm như thế, có thể nói Thomas Aquinô đã có những đóng góp lớn cho lịch sử tư tưởng nhân loại, mở đường cho việc khẳng định phẩm giá và bảo vệ phẩm giá của các cá nhân con người. Tuy nhiên, con đường giải phóng loài người, khẳng định và bảo vệ phẩm giá của con người một cách hiện thực thì triết học Kitô giáo không vạch ra và nếu có thì đó cũng là con đường sai lầm. Chỉ đến khi chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời thì con đường đó mới đúng đắn, mới hiện thực. C.Mác đã phân tích xã hội Tư bản chủ nghĩa một cách tỷ mỷ và khoa học, tìm ra con đường giải phóng nhân loại đó là con đường cách mạng vô sản. Chỉ có xã hội xã hội chủ nghĩa mới tạo điều kiện để mỗi một cá nhân có thể tự giải phóng mình, phát huy hết năng lực của mình, vươn tới tự do và khẳng định nhân vị. MLN- KTVT Ở Miền nam Việt Nam trước đây, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã từng đề xướng chủ nghĩa nhân vị. Thậm chí họ đã thành lập Đảng cần lao nhân vị. Đảng này chịu ảnh hưởng học thuyết nhân vị của E.Mounier – một nhà triết học Kitô giáo người Pháp. Về thực chất đây không phải là một trào lưu triết học mà chỉ là một công cụ chống Cộng, chống chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta đang tập trung khả năng của toàn Đảng, toàn dân để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Xây dựng nước Việt Nam giàu, mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh cũng chính là hướng tới một xã hội vì con người, giải phóng con người. Nhấn mạnh mối quan hệ giữa con người và cộng đồng trong chiều kích khẳng định nhân vị và phẩm giá của họ. Trong cuộc sống hiện nay, hoặc quá đề cao tự do cá nhân, coi thường tự do của người khác, coi thường tổ chức, kỷ luật hoặc quá hạ thấp mình, xu nịnh bề trên thì đều là những biểu hiện sai lệch của quan niệm nhân vị. Khẳng định địa vị của mình trong tập thể, trong xã hội, có ý thức, sống đúng đạo lý và vươn tới lý tưởng tốt đẹp đó là biểu hiện sâu sắc của quan niệm này. Với nghĩa như vậy, nhân vị đã trở thành nấc thang giá trị mà loài người đã đạt được trên con đường phát triển của mình. III. KẾT LUẬN Tóm lại, nhân vị là một khái niệm có nội hàm rất phong phú. Tuy nhiên, trong dòng chảy tư tưởng của nhân loại, mỗi triết gia, mỗi trường phái triết học tiếp cận khái niệm này ở những chiều cạnh khác nhau. Chúng ta cần hiểu nhân vị theo nghĩa, một mặt, nó khẳng định con người với tư cách con người là phải sống trong cộng đồng, có mối quan hệ xã hội, tham gia tiếp nhận những di sản văn hóa do thế hệ trước để lại. Mặt khác, con người phải khẳng định phẩm giá của riêng mình, khẳng định đời sống cá nhân như một hữu thể tự tại, không phân chia và bất khả xâm phạm. Như thế, mỗi một nhân vị mới có được sự phát triển toàn diện. Đó vừa là mục đích vừa là bản chất mà xã hội Việt Nam đang hướng tới. Tài liệu tham khảo [1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội X, NXB CTQG, HN, 2006. [2]. Trần Đình Hượu. Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn hoá, in lần thứ 2, 1996. [3]. Dịch giả Nguyễn Văn Liêm, Thosmat Aquino. Tổng luận thần học, NXB Trẻ, HN, 2001♦ . MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ KHÁI NIỆM “NHÂN VỊ” ThS. NGUYỄN THỊ THANH HẢI Bộ môn Những nguyên lý cơ bản của CNMLN Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Giao thông Vận tải Tóm tắt: Bài báo tập. ta với quan điểm mới về mối quan hệ này. Để khắc phục hiệu quả những điểm vênh đó, việc tìm hiểu quan điểm về “nhân vị” của các triết gia Đông, Tây là một việc làm có ý nghĩa lý luận và thực. 395]. Quan niệm “nhân vị” xuất hiện vào thế kỷ IV-V ở Tây Âu. Đây là thời kỳ mà các nhà tư tưởng Kitô giáo đang cố gắng tìm kiếm quan niệm thích hợp để giải thích một vấn đề thần học: Sự khác