VUA TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM 1 Thiền phái Trúc Lâm lâu nay trong các sách lịch sử đều ghi nhận là do vua Trần Nhân Tông thành lập. Đến nửa cuối thế kỷ thứ 18 khi Tính Quảng và Hải Lượng tập hợp các tư liệu để cho ra đời tác phẩm Tam tổ thực lục, thì từ đó cho đến ngày nay, người ta thường cho rằng phái thiền này chỉ truyền được ba đời là chấm dứt. Nhất là sau ba vị này, người ta quan niệm dòng thiền Trúc Lâm không có người kế thừa kiệt xuất nữa. Và có người đã coi như hết một thời thịnh vượng của Phật giáo, trong đó tất nhiên có dòng thiền Trúc Lâm. Sự thật, ta đã thấy, sau cái chết của thiền sư Huyền Quang năm 1334, Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và còn có nhiều nhân vật xuất sắc kế thừa dòng thiền này, mà ta sẽ gặp dưới đây. Cho nên, đúng ra vấn đề vua Trần Nhân Tông với dòng thiền Trúc Lâm không đáng để bàn cãi trong tác phẩm này. Nhưng vì những ngộ nhận vừa nêu, nên phải nói sơ một ít về dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông thành lập. Ta đã bàn về một số vấn đề tư tưởng của vua Trần Nhân Tông, đặc biệt là tư tưởng Cư trần lạc đạo với chủ trương: Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết sức, Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật khá đồ công Và coi chủ trương này là cột trụ của học thuyết thiền Trúc Lâm. Vì thế, việc trình bày thiền phái Trúc Lâm như một dòng thiền của các thiền sư, nhất là các thiền sư xuất gia, mà trước đây các nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam thường hay làm, phải chăng đã thỏa đáng. Tất nhiên, trong quá khứ cũng có những người đã trình bày lại lịch sử thiền phái này như một dòng tu không phân biệt tại gia hay xuất gia. Cụ thể là tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thời Nhiệm trong phần mở đầu của tác phẩm ấy. Tuy nhiên, cách trình bày của Ngô Thời Nhiệm vẫn chưa được tiếp thu và phổ biến rộng rãi. Thậm chí có người coi cách trình bày của Ngô Thời Nhiệm là không phản ảnh đúng truyền thống Phật giáo, thậm chí là một xuyên tạc. Tuy vậy, những trình bày của Ngô Thời Nhiệm không phải là không có cơ sở, nhất là khi ta đã trình bày giai đoạn vua Trần Nhân Tông xuất gia là một giai đoạn đầy những hoạt động chính trị và quân sự, trong đó gồm cả việc tiếp các phái bộ ngoại giao Trung Quốc, việc chỉ đạo quan hệ với Chiêm Thành và mở mang bờ cõi về phương Nam cũng như việc cầm quân bình định nước Ai Lao quấy rối biên giới phía Tây Bắc. Giai đoạn xuất gia của cuộc đời vua Trần Nhân Tông, do thế, không phải là một giai đoạn tĩnh tu, như nhiều người còn quan niệm và đã mô tả. Ngược lại, đó là một giai đoạn đầy ắp những công việc của dân của nước. Vì vậy, không phải không có lý do và cơ sở cho việc trình bày “hành trạng của ba tổ” Trúc Lâm theo hướng mà Ngô Thời Nhiệm đã đưa ra. Phải nói đây là một hướng trình bày đúng, dù rằng ngày nay do nhận thức lệch lạc ở cả giới tăng sĩ Phật giáo cũng như giới nghiên cứu, sự đúng đắn của lối trình bày vừa nói đã không được thừa nhận và phát huy. Người ta cứ quan niệm vua xuất gia đi tu là rũ bỏ hết mọi việc liên quan với đời, để dồn tâm dồn sức cho việc tu đạo. Nếu vậy, thì làm gì có chuyện gả công chúa Huyền Trân và sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào bản đồ Đại Việt ? Nếu vậy, thì làm gì có việc vua Trần Nhân Tông đã ngăn việc phong tước quá nhiều của vua Trần Anh Tông? Nhìn vào cuộc đời vua Trần Nhân Tông trong những năm tháng xuất gia, chưa bao giờ ta thấy nhà vua lơi là việc nước việc dân, chưa bao giờ nhà vua không quan tâm đến các hoạt động của chính quyền do con mình là vua Anh Tông điều khiển. Tuy nhiên, từ lâu trong giới xuất gia của Phật giáo đã hình thành một quan niệm là khi vua Trần Nhân Tông xuất gia cũng là lúc nhà vua “bỏ ngôi báu, vào cửa thiền, quên mình vì đạo, vừa khi cơ thiền đáp ứng, thì quả nhiên gương sáng chẳng nhọc”, như Diệu Trạm đã viết trong lời tựa in lại Tam tổ thực lục tờ 1a5-6 vào năm Thành Thái thứ 9 (1897). Quan điểm nhìn nhận vua Trần Nhân Tông như thế, sau này, đã được các sách sử tiếp tục lặp lại, coi giai đoạn xuất gia của nhà vua là một giai đoạn dồn hết tâm lực cho việc đạo. Có người đã viết: “Nhưng thắng giặc không lâu, Nhân Tông nhường ngôi cho Anh Tông để đi tìm một cuộc sống tĩnh tại trong cảnh tu hành, trở thành ông tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm và gửi hơi thở cuối cùng ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử tĩnh mịch, lúc mới 51 tuổi”. Không chỉ viết vua Trần Nhân Tông xuất gia là để tìm một cuộc sống tĩnh tại, họ còn nói: “Ông muốn dứt bỏ những bận rộn thường tình của xã hội để đi tìm lẽ huyền vi chi phối cuộc sống con người”1. Rõ ràng một quan điểm nhìn nhận như thế là không thỏa đáng và phù hợp với sự thật lịch sử, mà ta đã biết về cuộc đời vua Trần Nhân Tông, như sử sách ghi lại, cụ thể là ĐVSKTT và Thánh đăng ngữ lục. Hơn thế nữa, nếu phân tích buổi lễ trao truyền vị thế kế thừa dòng thiền Trúc Lâm cho Pháp Loa, như chính văn bia của Pháp Loa ghi lại trong Tam tổ thực lục tờ 18b3 -19a8, ta thấy nổi bật một sự kiện rất khác thường, không tìm thấy ở bất cứ một trường hợp truyền trao nào khác dù ở Trung Quốc hay Việt Nam. Bài văn bia này cho ta biết trước hết “vào tháng 5 Điều Ngự lên ở am tại đỉnh núi Ngọa Vân. Ngày rằm bố tát xong, đuổi tả hữu ra, đem y bát và viết tâm kệ giao cho sư, bảo phải giữ gìn. Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308), sư vâng lệnh làm trụ trì nối dòng pháp ở Cam Lộ đường chùa Siêu Loại. Để khai đường và làm lễ trao truyền, vua cho đặt bài vị của liệt tổ, tấu Đại nhạc, đốt hương thơm. Điều Ngự dẫn sư lên lễ tổ đường xong. Sau khi ăn cháo, sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập hợp đại chúng lên pháp đường. Bấy giờ Anh Tông xa giá đến chùa. Sau khi đặt ngôi chủ khách xong, vua Anh Tông vì là đại thí chủ của Phật pháp đứng vào ngôi khách ở pháp đường, thượng tể đem bá quan đứng ở dưới sân. Điều Ngự lên tòa thuyết pháp. Giảng xong, bèn đi xuống, đỡ sư lên tòa. Điều Ngự đứng đối diện chắp tay hỏi han. Sư đáp lễ xong, nhận pháp y mặc vào. Điều Ngự bèn bước sang một bên, ngồi trên giường khúc lục, nghe sư thuyết pháp. Đem chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử sai sư kế thế trụ trì làm đời thứ hai của dòng Trúc Lâm. Lại đem ngoại thư kinh sử 100 hộp và Đại Tạng 20 hộp nhỏ chép bằng máu chích ra, để mở rộng việc học nội và ngoại điển”. Căn cứ vào lời thuật của văn bia về việc truyền y bát cho Pháp Loa, ta thấy có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, vào tháng 5 năm Hưng Long thứ 15 (1307), Pháp Loa đã được gọi lên am Ngọa Vân ở núi Kỳ Đặc để được trao y bát và tâm kệ. Bài kệ này ngày nay đã mất, nên ta không biết có nội dung gì. Tuy nhiên, bảy tháng sau, vào ngày mồng một tết năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308) vua Trần Nhân Tông đã chính thức hóa việc truyền y ở Cam Lộ đường của chùa Siêu Loại thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay với sự chứng kiến của chính vua Trần Anh Tông và thượng tể Trần Quốc Trấn. Thứ hai, tại buổi lễ này, sau việc trao y và nghe Pháp Loa thuyết pháp, vua Trần Nhân Tông còn đem ngoài 20 hộp nhỏ kinh điển Phật giáo, còn đem 100 hộp “kinh sử ngoại thư” giao cho Pháp Loa và dặn dò “mở rộng việc học bên trong và bên ngoài”. Chỉ một việc giao sách kinh sử ngoại thư này thôi trong buổi lễ truyền y bát chính thức tại Cam Lộ đường của chùa Siêu Loại, ta thấy phản ảnh rất rõ mẫu người Phật GIÁO lý tưởng, mà vua Trần Nhân Tông nhằm tới trong Cư trần lạc đạo phú: Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm. Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu Thế rõ ràng con người trượng phu và con người bồ tát phải kết hợp với nhau để thành một con người Phật giáo của thiền Trúc Lâm. Học Phật giáo không loại bỏ những cái học bên ngoài Phật giáo. Và những môn học bên ngoài Phật giáo không loại bỏ cái học Phật giáo. Dĩ nhiên, quan điểm giáo dục này đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ta biết nó hiện diện tối thiểu là từ thời Mâu Tử (160 -220 ?) và Khương Tăng Hội (?-280), rồi vẫn được kế thừa một cách mạnh mẽ sau thời Trần Nhân Tông với những tên tuổi lẫy lừng như Hương Chân Pháp Tính (1470-1550?), Minh Châu Hương Hải (1628 -1715) và đặc biệt là Hải Lượng Ngô Thời Nhiệm (1746 -1803) v.v Mẫu người lý tưởng của thiền phái Trúc Lâm như thế rất khác xa những mẫu người của Phật giáo thiền Trung Quốc. Trước khi trao truyền y bát, Pháp Loa cũng trãi qua một tiến trình tham vấn có vẻ giống như bất cứ thiền sinh nào trong các thiền viện Trung Quốc, như văn bia của sư đã chép lại trong Tam tổ thực lục tờ 17b1 -8: “Một hôm sư từ chỗ Tín Giác trở về tham yết, gặp lúc Điều Ngự đang thuyết pháp, nêu lên bài tụng ‘Thái dương ô kê’. Sư như có tỉnh ngộ. Điều Ngự biết điều đó, bèn sai theo hấu hai bên. Một đêm nhân khi trình bài tụng Tam yếu, bị Điều Ngự một bút sổ toẹt. Sư bốn lần thỉnh ích. Điều Ngự chỉ dạỵ nên tự tham cứu. Bèn vào phòng trong lòng rất xao xuyến. Đến nửa đêm, nhân thấy hoa đèn rơi, bỗng nhiên đại ngộ, bèn đem điều sở ngộ trình lên Điều Ngự. Điều Ngự rất bằng lòng. Từ đó sư thề tu hạnh 12 đầu đà”. Quá trình tham cứu để giác ngộ của thiền Trúc Lâm như vậy có những nét trông có vẻ như tương tự với quá trình giác ngộ của các thiền sinh ở Trung Quốc cũng như Việt Nam trước thời Trần Nhân Tông. Và thực tế các bài giảng của vua Trần Nhân Tông tại chùa Sùng Nghiêm năm Hưng Long thứ 7 (1299) do Thánh đăng ngữ lục tờ 18b6 -20b8 ghi lại và tại viện Kỳ Lân của chùa này do Tam tổ thực lục tờ 36a2 -39b6 trích chép đã một phần nào cho thấy cách diễn giảng về thiền của nước ta vào thời vua Trần Nhân Tông. Chúng có những nét giống hao hao với những buổi giảng thiền tại các thiền viện Trung Quốc và Việt Nam trước đó, mà ta có dịp đọc qua ở Cảnh đức truyền đăng lục hay Thiền uyển tập anh. Tuy nhiên, qua buổi lễ truyền trao của ngày mồng một tết của năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308), ta thấy một sự trao truyền tinh thần Phật giáo hoàn toàn khác. Việc trao cho Pháp Loa 100 hộp sách kinh sử ngoại thư cùng với 20 hộp kinh Đại Tạng chép bằng máu và dặn dò Pháp Loa “phải mở rộng cái học bên trong và bên ngoài” không chỉ thể hiện quan điểm giáo dục của vua Trần Nhân Tông và của Phật giáo Việt Nam mà ta đã nói tới. Nó còn thể hiện chủ trương “giáo lý của đức Phật ta phải nhở tiên thánh mà truyền lại cho đời” do vua Trần Thái Tông nêu lên trong Thiền tông chỉ nam tự. Và chủ trương này chắc chắn đã được vua Lý Thánh Tông thực hiện, khi vua vừa cho thành lập thiền phái Thảo Đường, lại vừa mở ngôi trường đại học đầu tiên của quốc gia Đại Việt qua việc xây dựng Văn miếu vào năm 1070, rồi tiếp theo thiết lập Quốc tử giám. Mẫu người Phật giáo lý tưởng này như vậy phải là một mẫu người được giáo dục toàn diện, không cho bất cứ nguồn tri thức nào là xa lạ với nguồn tri thức Phật giáo. Không phải học kinh sử của nhà nho là chối bỏ Phật giáo, thậm chí chống lại Phật giáo, như nhiều sách vở đã từng rao giảng một cách vô bằng. Nho giáo trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ chiếm ưu thế, chứ khoan nói chi tới chuyện độc tôn. Có thể nói có bao nhiêu nhà nho là có bấy nhiêu Phật tử, dù rằng đôi khi vì lý do này hay lý do khác đã xảy ra những phê phán một dạng Phật giáo này, một dạng Phật giáo khác, xuất phát từ những người đã trải qua các kỳ thi nho. Và sự tình này có đầu dây mối dợ của nó. Đó là Nho giáo tồn tại ở Việt Nam thông qua mẫu hình Phật giáo. . VUA TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM 1 Thiền phái Trúc Lâm lâu nay trong các sách lịch sử đều ghi nhận là do vua Trần Nhân Tông thành lập. Đến nửa cuối thế kỷ thứ 18 khi Tính. vấn đề vua Trần Nhân Tông với dòng thiền Trúc Lâm không đáng để bàn cãi trong tác phẩm này. Nhưng vì những ngộ nhận vừa nêu, nên phải nói sơ một ít về dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông. gì có việc vua Trần Nhân Tông đã ngăn việc phong tước quá nhiều của vua Trần Anh Tông? Nhìn vào cuộc đời vua Trần Nhân Tông trong những năm tháng xuất gia, chưa bao giờ ta thấy nhà vua lơi là