VUA TRẦN NHÂN TÔNG VÀ CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC NĂM 1285 9 Sông Sách của Nguyên sử và Kinh thế đại điển tự lục, An Nam chí lược gọi là sông Nam Sách. Mà sông Nam Sách theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên 5 tờ 22a3 là “ở phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương ngày nay”. Tất nhiên, trận sông Sách không thể xảy ra ở phủ Nam Sách, vì nó không nằm trên đường rút quân của Thoát Hoan. Sông Sách phải nằm sát Vạn Kiếp, nơi mà theo ĐVSKTT đã diễn ra trận đánh giữa Trần Hưng Đạo với Thoát Hoan và Lý Hằng. Sông Sách do thế, phải là sông Thương. Từ đó, trận sông Sách trong sử liệu Trung Quốc chính là trận Vạn Kiếp, mà ĐVSKTT nói tới. Trận này là một trận phục kích lớn bất ngờ, làm cho đại quân của Thoát Hoan dẫm đạp lên nhau để tháo chạy, gãy cầu phao, chết chìm rất nhiều. Lý Hằng phải kịch chiến với quân của Hưng Đạo Vương để bảo vệ cho Thoát Hoan chạy về được Tư Minh, đúng như Bản kỷ của Nguyên sử 13 tờ 9b 11-12 viết: “(Tháng 5 ngày Mậu Tuất ) Hằng đi sau chống cự, để bảo vệ Trấn Nam Vương, đầu gối trái trúng tên độc, đến Tư Minh độc phát ra mà chết”. Tuy nhiên, để qua được bên kia biên giới, đoàn quân chiến bại của Thoát Hoan còn chịu một trận phục kích cuối cùng tại Vĩnh Bình, mà chỉ văn bia của Lý Hằng, tức Trung thư tả thừa Lý công gia miếu bi do Diêu Toại (1238-1314) viết trong Mục am tập 12 tờ 8b5, ghi nhận: “Giặc đóng cửa Vĩnh Bình, dùng tên độc bắn ông bị thương xuyên qua đầu gối. Ông cướp được cửa quan, ra khỏi cõi. Vì thuốc độc phát tác, ông chết ở châu Tư Minh”. Trận Vĩnh Bình này, Lý Hằng truyện của Nguyên sử 129, tờ 9a12-11b5cũng không đề cập tới. Nó viết: “Quân mọi đuổi, đánh bại hậu quân. Vương liền đổi lệnh, sai Hằng đi sau, vừa đánh vừa đi. Tên độc bắn xuyên vào đầu gối Hằng. Một tên lính cõng Hằng chạy đến Tư Châu, thuốc độc ngấm ra, rồi chết. Lúc ấy 50 tuổi”. Chiến thắng Phù Ninh Trong khi Trần Hưng Đạo truy kích cánh quân của Thoát Hoan ở phía đông bắc, thì Trần Nhật Duật đánh đuổi cánh quân của Nạp Tốc Lạt Đinh (Nàsir ud Din) đang tìm đường trở về Vân Nam. Cánh quân này, khi Thoát Hoan tiến vào nước ta, không thấy Bản kỷ và An Nam truyện của Nguyên sử nói tới. Chỉ có Nạp Tốc Lạt Đinh truyện phụ trong Nguyên sử 125 tờ 3b là có đề cập đến, nhưng thay vì Chí Nguyên năm 22 (1285), nó lại chép thành Chí Nguyên năm 32 (1295), nên nhiều người không chú ý tới. Tại đây, ta được biết: “Chí Nguyên năm 22, Nạp Tốc Lạt Đinh đem 1000 quân Hợp lạt chương (qarajang, tức quân Ô thoán của Vân Nam, LMT) và Mông Cổ theo Hoàng thái tử Thoát Hoan đi đánh Giao Chỉ. Luận công, được thưởng 2000 lạng bạc”. Về phía sử ta thì cánh quân của Nạp Tốc Lạt Đinh này cũng không được đề cập. Chỉ đến khi Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật mất năm 1330, ĐVSKTT 7 tờ 3a7- b3, mới nói tới việc Trần Nhật Duật tham gia cuộc kháng chiến chống Minh năm 1285 với chi tiết: “Đến cuối đời Thiệu Bảo, ông giữ trại Thu Vật ở Tuyên Quang. Giặc Nguyên mới đến cõi, Chiêu Quốc tâu rằng: ‘Chiêu Văn ở Tuyên Quang, chắc ở trên ấy gọi giặc Nguyên sang’. (Vì Nhật Duật thích chơi với người Tống, nên Chiêu Quốc nói thế). Khi Tuyên Quang thất thủ, Nhật Duật thuận dòng xuôi xuống. Quân giặc rượt theo hai bên bờ sông. Nhật Duật ngăn lại, thấy quân giặc đi thong thả, nói với quân ta rằng: ‘Phàm quân đuổi theo, tất phải đi nhanh, nay lại đi thong thả, e có quân chặn ở đằng trước’. Ông vội sai người dò xem, quả nhiên thấy giặc đã chặn ngay hạ lưu. Ông bèn lên bộ chạy thoát “. Thế là khi Nạp Tốc Lạt Đinh từ Vân Nam dọc theo sông Hồng kéo quân xuống nhắm hướng Thăng Long, đã bị Trần Nhật Duật chặn đánh, rồi rút quân vào cuối đời Thiệu Bảo, tức những năm 1284-1285. Cho nên, lúc Thoát Hoan họp bộ chỉ huy của hắn ở Thăng Long và quyết định rút quân, chắc chắn Nạp Tốc Lạt Đinh được phân công chỉ huy cánh quân Tây Bắc, nhắm hướng Vân Nam, để triệt thoái. Trên đường triệt thoái này, chúng đã bị quân ta dưới sự chỉ huy của Hà Đặc, Hà Chương tấn công ráo riết. ĐVSKTT tờ 47 khi viết về việc Toa Đô và Ô Mã Nhi từ ngoài biển tiến vào đánh cứ điểm Thiên Mạc ngày 17 tháng 05 năm At Dậu (1285), đã viết tiếp: “Du binh đi đến huyện Phù Ninh, viện phụ đạo huyện ấy là Hà Đặc lên Trỉ Sơn cố giữ. Quân giặc đóng ở động Cự Đà. Đặc lấy tre đan thành hình người to lớn, cho mặc áo, cứ đến tối thì dẫn ra dẫn vào, lại dùi thủng cây to, cắm tên lớn vào giữa lỗ, để giặc ngờ sức bắn khoẻ, xuyên được cây to. Giặc sợ không dám đánh với Đặc, quân ta hăng hái xông ra đánh, phá được giặc. Đặc đuổi đến A Lạp, làm cầu nổi sang sông, hăng đánh quá nên bị chết. Em là Chương bị giặc bắt, lấy trộm được cờ xí và y phục của giặc trốn về, đem dâng lên vua, xin dùng cờ ấy giả làm quân giặc để đến doanh trại chúng. Giặc không ngờ là quân của ta. Bèn đánh tan quân giặc”. Trận chặn đánh quân của Nạp Tốc Lạt Đinh này do ĐVSKTT chép chung với sự kiện Ô Mã Nhi và Toa Đô tiến đánh cứ điểm Thiên Mạc, nên thường gây hiểu lầm. Khâm định Việt sử thông giám cương mục 7 tờ 41b1-3 nhận thấy việc này nên đã viết: “Toa Đô từ đường biển tiến ra, đánh vào sông Thiên Mạc. Thế mà quân tuần tiễu lại đến huyện Phù Ninh, xa cách nhau hàng ba bốn ngày đường. Tất nhiên không có lẽ như thế. Việc này nghi là chép nhầm, sẽ nghiên cứu sau”. Dĩ nhiên ĐVSKTT đã không chép sai. Nhưng do việc những sự kiện được chép liên tục, nên dễ gây hiện tượng nhầm lẫn. Huyện Phù Ninh là một huyện của tỉnh Phú Thọ bây giờ và động Cự Đà ngày nay tuy không tìm thấy, nhưng xã Tử Đà hiện còn lại thuộc huyện Phù Ninh. Và theo thần phả thì Hà Đặc là người xã Tử Đà. Cũng thế, địa điểm A Lạp ngày nay không tìm thấy, nhưng Đồng khánh địa dư chí có chép tên các xã An Lạp và Đức Lạp thuộc huyện Lập Thạch tỉnh Sơn Tây. Vậy có khả năng Cự Đà là Tử Đà và A Lạp là An Lạp. Thế thì các trận đánh của Hà Đặc, Hà Chương đã xảy ra dọc theo sông Hồng tại tỉnh Phú Thọ ngày nay. Khải hoàn về Thăng Long Sau các chiến thắng Vạn Kiếp, Phù Ninh quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng và các tướng lĩnh như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung. v. v đã khải hoàn trở về kinh đô Thăng Long trong tiếng reo hò hoan hô của hàng chục vạn quân dân Thăng Long vừa mới đập tan mưu đồ chiếm đóng nước ta của quân xâm lược Nguyên Mông. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải với tư cách là một trong những danh tướng chỉ huy giải phóng thủ đô Thăng Long và người đang trực tiếp điều hành toàn bộ chính quyền dân sự của đất nước đã làm bài thơ tổng kết cuộc chiến tranh vệ quốc đầy hy sinh gian khổ vừa qua và kêu gọi mọi người ra sức xây dựng nền thái bình muôn đời cho Tổ quốc, cho con cháu mai sau: Chương Dương cướp giáo giặc Hàm Tử bắt quân Hồ Thái bình hãy gắng sức Non nước ấy nghìn thu . VUA TRẦN NHÂN TÔNG VÀ CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC NĂM 1285 9 Sông Sách của Nguyên sử và Kinh thế đại điển tự lục, An Nam chí lược gọi là sông. quân thù ra khỏi bờ cõi, vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng và các tướng lĩnh như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung. v. v đã khải. hướng Thăng Long, đã bị Trần Nhật Duật chặn đánh, rồi rút quân vào cuối đời Thiệu Bảo, tức những năm 1284 -1 285. Cho nên, lúc Thoát Hoan họp bộ chỉ huy của hắn ở Thăng Long và quyết định rút quân,