VUA TRẦN NHÂN TÔNG VÀ CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC NĂM 1285 3 Trận Vạn Kiếp Cuộc tấn công Nội Bàng vào ngày 26 Tết năm Giáp Thân của Thoát Hoan, mà An Nam chí lược ghi là ngày 27, chắc chắn đã kéo dài mấy hôm. Thế mà năm Giáp Thân sắp hết, Tết năm Ất Dậu đã gần kề, quân dân Đại Việt đang rộn ràng ăn Tết bằng chiến đấu và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Trận Nội Bàng đã kết thúc. Trần Hưng Đạo đã rút về Vạn Kiếp và tập kết quân từ các lộ để sửa soạn cho cuộc chiến sắp tới. ĐVSKTT 5 tờ 45b2-3 cho ta biết: “Ngày mồng 6 tháng giêng mùa xuân năm Ất Dậu Thiệu Bảo thứ 7 (1285) Ô Mã Nhi nhà Nguyên đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại, quan quân vỡ chạy”. Tuy nhiên, Nguyên sử 13 tờ 6a6 lại ghi: “Tháng đó (tức tháng 12 năm Chí Nguyên thứ 21), Hưng Đạo Vương của An Nam đem quân chống lại ở Vạn Kiếp, bèn tiến quân đánh bại nó. Vạn hộ Nghê Nhuận đánh, chết ở Lưu Thôn”. Thế là từ chiến thắng Nội Bàng, Thoát Hoan đã triển khai ngay kế hoạch tấn công Vạn Kiếp, chứ không chờ gần 10 ngày mới cho lệnh tấn công, như ĐVSKTT đã có. Dẫu sao đi nữa, trong trận chiến Nội Bàng và những trận trước như Động Bàng, Khâu Ôn, nếu quân ta có tổn thất, thì nhất định quân địch cũng tổn thất không kém do tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân đội ta. Vì vậy, cả hai bên đều cần thời gian, gấp rút tổ chức lại quân đội và sắm sửa khí tài phục vụ cho cuộc chiến sắp tới. Theo An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 6b6-7, Thoát Hoan cho dựng công trường đóng chiến thuyền và thành lập các cánh quân thủy giao Ô Mã Nhi chỉ huy, tiến xuống Vạn Kiếp. Trên đường tiến, chúng đã lượm được hai lá thư vua Trần Nhân Tông gửi cho Thoát Hoan và A Lý Hải Nha về việc yêu cầu chúng chấp hành lệnh năm Trung Thống thứ 2 (1261) của Hốt Tất Liệt và đòi chúng rút quân về. Đồng thời, A Lý Hải Nha gửi thư cho vua Trần Nhân Tông yêu cầu mở đường “cho triều đình đem quân đánh Chiêm Thành”, rồi giao cho sứ ta bị chúng giữ lại là Nguyễn Văn Hàn đem tới Vạn Kiếp. Đến giờ phút đó, A Lý Hải Nha vẫn còn dở giọng như An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 6b11-7a3 đã ghi: “Triều đình đem quân đánh Chiêm Thành, nhiều lần đưa thư cho thế tử, bảo mở đường, chuẩn bị lương, không ngờ đã trái mệnh triều đình, để bọn Hưng Đạo Vương đem quân chống lại, đánh bị thương quân ta. Để cho sinh linh An Nam chịu tai họa, chính là do nước ngươi làm ra. Nay đại quân qua nước ngươi, để đánh Chiêm Thành, hoàng đế truyền lệnh cho thế tử hãy nghĩ kĩ đi. Nước ngươi quy phụ đã lâu, nên nghĩ đến đức thương yêu to lớn của hoàng đế, mà lập tức ra lệnh rút quân mở đường, khuyên bảo trăm họ ai nấy cứ làm ăn sinh sống. Quân ta đi qua, không mảy may xâm phạm. Thế tử hãy ra đón Trấn Nam Vương, cùng bàn việc quân. Nếu không, đại quân sẽ đóng lại ở An Nam, mở phủ”. Về phía Đại Việt, thì như đã thấy, vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo đã điều động quân các lộ vùng đông bắc như Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm và các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh và Long Nhãn về đóng ở Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Núi Phả Lại, theo An Nam Chí Nguyên 1 tờ 42 mục Sơn xuyên thì “ở huyện Từ Sơn, mặt kề Bình Than, sông Như Nguyệt quanh bên trái, sông Ô Cách bọc bên phải, cảnh vật mỹ lệ, là cảnh đẹp một phương”. Bản thân Trần Nhân Tông theo An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 7a3-4 thì đem “các quân Thánh Dực hơn một nghìn thuyền giúp Hưng Đạo Vương cự chiến”. Vậy là, khi Tết Ất Dậu chưa tới, theo Bản kỷ của Nguyên sử, Ô Mã Nhi đã ra lệnh tấn công căn cứ Vạn Kiếp. Một trận đánh ác liệt đã nổ ra. Tướng Nguyên là vạn hộ Nghê Nhuận đã tử trận tại Lưu Thôn. Điều này phù hợp với mô tả trong An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 6b5-6. Theo đó, sau trận Nội Bàng, “Hưng Đạo Vương trốn đi, quan quân đuổi đến Vạn Kiếp, đánh các ải, đều phá được”. Trận Vạn Kiếp đã xảy ra như vậy trước Tết Ất Dậu. Trận Bình Than Đến ngày mồng 9 Nhâm Ngọ tháng giêng, theo An Nam chí lược 4 tờ 54 vua, Trần Nhân Tông “đem 10 vạn quân, đại chiến ở Bài Than. Nguyên soái Ô Mã Nhi, chiêu thảo Nạp Hải (Naqai), và trấn phủ Tôn Lâm Đức đem những thuyền bắt được từ trước đến đánh tan”. Cũng ngày này, Bản kỷ của Nguyên sử 13 tờ 7a8-9 ghi nhận: “Ô Mã Nhi dẫn quân gặp Hưng Đạo Vương của An Nam bèn đánh bại”, tuy không nói ở đâu. Thế thì, trận Bài Than với 10 vạn quân do vua Trần Nhân Tông chỉ huy chắc chắn phải gồm cả nghìn chiến thuyền do Trần Hưng Đạo bố trí cách Vạn Kiếp chừng 10 dặm, mà Nguyên sử nói tới ở trên. Bài Than ở đây tức chính là Bình Than, bởi vì An Nam Chí Nguyên 1 tờ 46-47 khi viết về sông Bình Than, đã nói: “Một tên là Bàn Than, lại có tên Bài Than ở tại huyện Chí Linh, phát nguyên từ Xương Giang đến sông Thị Cầu, thì hai nhánh hợp lưu chảy qua hai núi Chí Linh và Phả Lại, quanh co mênh mông không rõ đâu là bờ bến, đến cửa sông Đồ Mộ thì rẽ thành hai nhánh và chảy vào biển”. Bài Than trong trích dẫn này là đọc theo thủ bản B do Gaspardone đã ghi lại ở phần khảo dị trang 47.1 Vậy, Bình Than “mặt kề” với núi Phả Lại, nơi ba năm trước đã chứng kiến hội nghị quân sự đánh Nguyên do vua Trần Nhân Tông chủ trì, thì bây giờ đang là địa điểm diễn ra trận thủy chiến dữ dội nhất của lịch sử quân sự dân tộc do chính vua Trần Nhân Tông trực tiếp chỉ huy với cả 10 vạn quân tham dự. Có thể nói đây là một trong những trận thủy chiến lớn nhất, để tiêu hao sinh lực địch, đồng thời thể hiện chủ trương rút lui chiến lược của bộ chỉ huy tối cao. Trận Thăng Long Sau các trận Vạn Kiếp, Phả Lại và Bình Than, quân địch tiến đánh Vũ Ninh và Đông Ngạn, rồi tiến xuống Gia Lâm.Trong khi đó, quân ta rút về Thăng Long theo đường sông Thiên Đức và có những trận đánh lẻ tẻ với quân Nguyên trên đường sông này. ĐVSKTT 5 tờ 45b3-5 ghi: “Ngày 12 giặc đánh Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngạn, bắt được quân ta, đều có thích vào cánh tay hai chữ sát thát bằng mực, chúng rất giận, đem giết rất nhiều, rồi tiến đến Đông Bộ Đầu, dựng cờ lớn. Vua muốn sai người xem rõ hư thực của giặc mà chưa được người. Chi hầu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: ‘Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi’. Vua mừng nói: ‘Đâu biết trong đám ngựa kéo xe muối, lại có ngựa ký ngựa kỷ’. Rồi Chung nhận thư xin đi”. Nhưng thực tế, theo Nguyên sử 13 tờ 7a9 thì đó là ngày “Ất Dậu thế tử An Nam là Trần Nhật Huyên đem hơn nghìn chiến thuyền chống cự. Ngày Bính Tuất, đánh nhau, đại phá. Nhật Huyên trốn đi, bèn vào thành y, rồi trở ra đóng ở bắc sông Phú Lương”. An Nam chí lược 4 tờ 54 viết: “Ngày 13 Bính Tuất, thế tử giữ Lô Giang, lại bị vỡ, bỏ chạy.Trấn Nam Vương vượt sông, vào yến tiệc ở cung đình”. Kinh tế đại diễn tự lục trong Nguyên văn loại 41 tờ 27a4-56 cũng ghi tương tự: “Quan quân đến sông Phú Lương, Nhật Huyên chính mình cự chiến, bị thua, bỏ thành chạy về phủ Thiên Trường, quan quân vào quốc đô”. An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 7a4 viết về trận đánh này càng rõ hơn: “Trấn Nam Vương liền cùng quan hành tỉnh tự mình đến Đông Ngạn, sai quân đánh, giết được rất nhiều, bắt được 20 thuyền. Hưng Đạo Vương thua chạy. Quan quân buộc bè làm cầu, sang bờ bắc sông Phú Lương. Nhật Huyên bố trí binh thuyền, dựng rào gỗ dọc theo sông. Thấy quan quân đến bờ, lập tức nổ pháo, hô lớn, thách đánh. Đến chiều lại sai Nguyễn phụng ngự mang thư đến Trấn Nam Vương và quan hành tỉnh, xin rút đại quân. Hành tỉnh lại đưa thư trách, rồi lại tiến quân. Nhật Huyên liền bỏ thành chạy, đồng thời sai Nguyễn Hiệu Nhuệ đem thư xin lỗi và biếu phương vật, cùng xin rút quân. Hành tỉnh lại đưa thư chiêu dụ, rồi điều quân sang sông, đóng ở dưới thành An Nam. Hôm sau, Trấn Nam Vương vào quốc đô nước đó. Cung thất đều trống trơn, chỉ lưu lại mấy tờ chiếu sắc và mấy lá thư của hành tỉnh, tất cả đều bị xé nát”. Qua báo cáo này ta rút được ba nhận xét. Thứ nhất, trận Bình Than, tuy là một trận thủy chiến lớn với sự tham dự của cả một tập đoàn quân trên 10 vạn người, vẫn là một trận vận động chiến, đánh để rút và chủ động nhử địch vào nơi mình muốn. Cho nên, khi Thoát Hoan cho quân buộc bè làm cầu để vượt sông Thiên Đức, tức sông Đuống ngày nay, để lên bờ sông Phú Lương, tức sông Hồng, vua Trần Nhân Tông, một lần nữa, lại “nổ pháo, hô to, đòi đánh”, trực tiếp chỉ huy trận thành Thăng Long. Thứ hai, tuy thách đánh quân thù, nhưng vua Trần Nhân Tông vẫn duy trì hành lang quan hệ nào đó với quân thù, để phục vụ cho ý đồ chiến thuật và tình báo của ta. Nguyên sử ghi việc Nguyễn Phụng Ngự và Nguyễn Hiệu Nhuệ được vua Trần Nhân Tông sai mang thư cho Thoát Hoan. Những tên này không thấy sử ta nói tới. thay vào đó, ĐVSKTT 5 thì ghi tên Đỗ Khắc Chung. Thứ ba, vua Trần Nhân Tông có thể chủ động quan hệ với giặc như thế là nhờ bảo toàn lực lượng từ trận Bình Than, cùng kéo về Thăng Long để làm cuộc triệt thoái chiến lược về Thiên Trường, rút toàn quân và dân thủ đô, nhằm tránh ba mũi gọng kìm, tức mũi gọng kìm cánh quân phía đông bắc của chính Thoát Hoan và A Lý Hải Nha, cánh quân phía tây bắc do Nạp Tốc Lạt Đinh (Nasir ud Din), và đặc biệt là gọng kìm phía nam do Toa Đô chỉ huy. Chính trong ngày 14 tháng giêng năm Ất Dậu ấy (1285), khi Thoát Hoan vào kinh thành yến tiệc với thuộc hạ, xong rồi rút ra đóng ở phía bắc sông Hồng, Bản kỷ của Nguyên sử 13 tờ 7a10-11 báo cho ta biết “bọn Toa Đô, Đường Cổ Đãi (Tangutai)Ợ đem quân hội với Trấn Nam Vương”. Đường Cổ Đãi là tên tướng, mà khi xuất quân, Thoát Hoan đã sai đến Chiêm Thành gọi Toa Đô đem quân về cùng hợp đồng chiến đấu, như An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 5b12-13 đã ghi: “Sai Tả thừa Đường Ngột Đãi chạy dịch đến Chiêm Thành, hẹn với Tả thừa Toa Đô đem quân cùng dến hội”. Tuy nhiên, Toa Đô mới đem quân đi, chứ chưa đến hội kịp, như sẽ thấy. Vậy là, tất cả những cánh quân chủ yếu do Thoát Hoan chỉ huy, đã tập hợp về Thăng Long, để rồi chúng sẽ nhận những đòn phản công giáng trả sấm sét của quân dân Đại Việt với những chiến thắng Chương Dương, Tây Kết, Hàm Tử lẫy lừng. Nhưng trước khi có những chiến thắng này, thì từ trung tâm ở Thăng Long, Thoát Hoan một mặt “sai Vạn hộ Lý Bang Hiến và Lưu Thế Anh đem quân mở đường từ Vĩnh Bình vào An Nam, mỗi 30 dặm lập một trại, 60 dặm đặt một trạm, mỗi một trại, một trạm đóng quân 300 tên để trấn giữ và tuần tra, lại sai Thế Anh dựng đồn, chuyên đôn đốc công việc của trại, trạm”, như An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 7b7-9 đã ghi. Đây là biện pháp củng cố hậu phương của chúng đối với những vùng chúng đã chiếm được, nhưng luôn luôn bị quân ta quấy nhiễu. Mặt khác, cũng theo An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 7b-9-10, Thoát Hoan đã ra lệnh cho “Hữu thừa Khoan Triệt (KoỊnaỊk) dẫn Vạn hộ Mang Cổ Đãi (Manqudai) và Bột La Hợp Đát Nhi (Bolqadar) bằng đường bộ và Lý tả thừa dẫn Ô Mã Nhi Bạt Đô (Omar ba’atur) bằng đường thủy”, truy đuổi và tiến đánh các cánh quân của ta đang rút lui cùng những cứ điểm đóng quân dọc theo sông Hồng cùng các chi lưu của nó, để phòng vệ cho Thiên Trường ở phía nam Thăng Long. Và trận đầu tiên đã diễn ra ở bãi Thiên Mạc. . VUA TRẦN NHÂN TÔNG VÀ CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC NĂM 1285 3 Trận Vạn Kiếp Cuộc tấn công Nội Bàng vào ngày 26 Tết năm Giáp Thân của Thoát Hoan, mà An Nam. thấy, vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo đã điều động quân các lộ vùng đông bắc như Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm và các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh và Long Nhãn về đóng ở Vạn Kiếp và. chúng đã lượm được hai lá thư vua Trần Nhân Tông gửi cho Thoát Hoan và A Lý Hải Nha về việc yêu cầu chúng chấp hành lệnh năm Trung Thống thứ 2 (1261) của Hốt Tất Liệt và đòi chúng rút quân về.