CÔNG DÂN GENET VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI Tuy một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ mới là củng cố nền kinh tế trong nước và làm cho quốc gia được an toàn về tài chính, song Hoa Kỳ không thể coi thường những vấn đề đối ngoại. Những nền tảng của chính sách đối ngoại của Washington là duy trì hòa bình, giúp đất nước có thời gian phục hồi những vết thương và tiếp tục quá trình hợp nhất dân tộc. Những sự kiện ở châu Âu đã đe dọa các mục tiêu này. Nhiều người Mỹ theo dõi một cách say sưa và dành thiện cảm sâu sắc cho cuộc cách mạng Pháp. Tháng 4/1793, những tin tức dồn dập đổ về, thông báo Pháp đã tuyên chiến với Anh và Tây Ban Nha, đồng thời đặc phái viên mới của Pháp, Edmond Charles Genet - công dân Genet - đang trên đường sang Mỹ. Sau cuộc cách mạng Pháp dẫn tới việc Vua Louis XVI bị xử tử tháng 1/1793, Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan đã can dự vào cuộc chiến với nước Pháp. Theo Hiệp định Liên minh Pháp - Mỹ năm 1778, Hoa Kỳ và Pháp là những đồng minh vĩnh viễn và nước Mỹ có nghĩa vụ giúp nước Pháp bảo vệ khu vực Tây ấn. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn còn là một nước rất yếu về quân sự và kinh tế, và do vậy không có khả năng can dự vào một cuộc chiến tranh mới với các cường quốc châu Âu. Ngày 22/4/1793, Washington đã bãi bỏ thành công các điều khoản của Hiệp ước 1778 - điều ước đã giúp Mỹ có thể giành độc lập thông qua việc tuyên bố Hợp chủng quốc mong muốn hữu nghị và vô tư, không thiên vị với tất các cường quốc đang tham chiến. Khi tới nước Mỹ, Genet được nhiều công dân hoan hô, nhưng được tiếp đón bằng nghi thức lạnh nhạt của Chính phủ. Genet nổi giận và vi phạm lời hứa, không cung cấp một chiếc tàu chiến Anh bị bắt giữ với tư cách là tàu lùng (tàu của tư nhân được chính phủ giao nhiệm vụ chuyên đi bắt tàu buôn địch). Sau đó Genet đe dọa trực tiếp nêu vấn đề cho nhân dân Mỹ thấy. Ngay sau đó Hoa Kỳ đã yêu cầu Chính phủ Pháp triệu hồi ông về nước. Sự kiện Genet đã làm căng thẳng những mối quan hệ giữa Mỹ với Pháp giữa lúc quan hệ với nước Anh còn lâu mới được coi là khăng khít. Quân đội Anh còn chiếm đóng các pháo đài ở miền Tây, tài sản bị binh lính Anh chiếm đoạt trong thời cách mạng vẫn chưa được khôi phục hay trả lại, và hải quân Anh đang chặn các tàu Mỹ chuẩn bị tới các cảng Pháp. Hai nước dường như vẫn tiến đến bên bờ của một cuộc chiến. Trước tình hình đó, Washington đã cử John Jay, Chánh án Tòa án Tối cao đầu tiên, làm đặc phái viên tới Luân Đôn. Jay đã đàm phán một hiệp ước bảo đảm việc rút quân Anh ra khỏi các pháo đài miền Tây và về lời hứa của Luân Đôn sẽ đền bù thiệt hại do việc nước Anh chiếm giữ các tàu và hàng hóa Mỹ vào năm 1793 và 1794, nhưng lại không nêu cam kết sẽ không có các vụ bắt giữ trong tương lai. Hơn nữa, hiệp định đã không giải quyết vấn đề hết sức nhức nhối là người Anh vẫn cưỡng bức tòng quân các thủy thủ Mỹ tham gia lực lượng Hải quân Anh, cản trở ghê gớm việc buôn bán của Mỹ với Tây ấn, đồng thời chấp nhận quan điểm của Anh cho rằng đồ quân trang quân dụng của hải quân và các vật liệu chiến tranh đều là hàng lậu, và sẽ bị bắt giữ nếu chở tới cảng biển của quốc gia thù địch trên tàu của các quốc gia trung lập. Nhà ngoại giao người Mỹ Charles Pinckney thì thành công hơn trong thương thuyết với Tây Ban Nha. Năm 1795, ông đã đàm phán một hiệp định quan trọng giải quyết vấn đề biên giới Florida theo yêu cầu của Mỹ và cho phép người Mỹ tiếp cận cảng New Orleans. Cũng tương tự như vậy, Hiệp định Jay với người Anh đã phản ánh vị thế tiếp tục suy yếu của Mỹ so với một siêu cường trên thế giới. Hiệp định này không được công chúng ủng hộ rộng rãi, nhưng lại được những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang công khai ủng hộ bởi lẽ họ đề cao mối quan hệ kinh tế và văn hóa với nước Anh. Washington ủng hộ hiệp định này vì nó là món quà mặc cả tốt nhất có thể có trong bối cảnh lúc bấy giờ. Sau một cuộc tranh luận nảy lửa, Thượng viện đã thông qua hiệp định này. Vụ trò hề công dân Genet và Hiệp ước Jay đã chứng minh cả những khó khăn mà một nước nhược tiểu phải đương đầu khi bị kẹt giữa hai cường quốc, và khoảng cách rất xa trong quan điểm giữa phe ủng hộ chủ nghĩa liên bang và những người theo chủ nghĩa cộng hòa. Đối với những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang, những kẻ theo chủ nghĩa cộng hòa ủng hộ cuộc Cách mạng cấp tiến và đầy bạo lực ở Pháp là những tên cấp tiến đầy nguy hiểm (Gia-cô-banh). Đối với những người cộng hòa, những người ủng hộ chính sách thân Anh là những kẻ bảo hoàng, dám vứt bỏ quyền tự nhiên của người Mỹ. Những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang gắn hiệu quả và phát triển quốc gia với thương mại; còn những người chủ trương cộng hòa lại coi tương lai của nước Mỹ là tương lai của một nền cộng hòa thuần nông rộng lớn. Cuộc cạnh tranh trong quan điểm mâu thuẫn nhau của họ ngày càng trở nên trầm trọng. ADAMS VÀ JEFFERSON Washington nghỉ hưu năm 1797, kiên quyết rời nhiệm sở sau hơn sau hơn tám năm làm Tổng thống. Thomas Jefferson, người bang Virginia (chủ trương cộng hòa), và John Adams (ủng hộ liên bang) cạnh tranh nhau để kế nhiệm ông. Adams đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử với số phiếu sít sao. Tuy nhiên, ngay từ đầu, ông là đã người đứng đầu một đảng và một chính quyền bị chia rẽ giữa những người ủng hộ ông và những người thuộc phe của Hamilton đối nghịch với ông. Adams gặp muôn vàn khó khăn ở bên ngoài. Giận dữ trước việc hiệp ước của Jay được ký với Anh, Pháp quay sang áp dụng định nghĩa đồ buôn lậu của hiệp định trên và bắt đầu bắt giữ tàu của Mỹ khi trên đường sang Anh. Đến năm 1797, Pháp đã chiếm giữ 300 tàu của Mỹ và đã cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Khi Adams gửi ba người đại diện tới Paris để đàm phán, các đại diện của ngoại trưởng Charles Maurice Talleyraud (những người được Adams đặt biệt hiệu X, Y và Z trong báo cáo của mình gửi Quốc hội) đã thông báo cho người Mỹ rằng những cuộc đàm phán chỉ có thể bắt đầu nếu Hoa Kỳ cho Pháp vay 12 triệu đô-la và hối lộ các quan chức Chính phủ Pháp. Sự thù địch của nước Mỹ đối với nước Pháp đã dâng lên tới tột điểm. Vụ áp-phe XYZ đã dẫn tới việc tuyển binh lính và củng cố lực lượng hải quân còn non trẻ của nước Mỹ. Vào năm 1799, sau một loạt trận hải chiến với Pháp, chiến tranh dường như không thể tránh khỏi. Trong cuộc khủng hoảng này, Tổng thống Adams đã bác bỏ những lời khuyên từ Hamilton - người muốn tiến hành chiến tranh - và nối lại đàm phán với Pháp. Napoleon lúc ấy vừa mới lên nắm quyền, ông đã tiếp các phái viên của Mỹ rất chân tình và hiểm họa của cuộc xung đột đã lắng xuống sau khi có cuộc đàm phán về Hiệp định năm 1800. Hiệp định này đã chính thức giải phóng nước Mỹ khỏi liên minh quân sự đã được ký kết với Pháp 1778. Tuy nhiên, do biết được thế yếu của Mỹ nên Pháp từ chối việc trả 20 triệu đô-la đền bù cho những chiếc tàu Mỹ bị hải quân Pháp chiếm giữ. Sự thù địch với nước Pháp đã khiến Quốc hội thông qua các Đạo luật về Ngoại kiều và nổi loạn. Những đạo luật này này ngược lại nghiêm trọng những quyền tự do dân sự của Mỹ. Đạo luật Nhập quốc tịch thay đổi yêu cầu nhập quốc tịch từ năm năm lên tới 14 năm là nhằm vào người nhập cư Ai-len và Pháp vốn bị nghi ngờ ủng hộ những người chủ trương cộng hòa. Đạo luật Ngoại kiều chỉ có hiệu lực trong hai năm đã trao cho tổng thống quyền trục xuất hay tống giam những công dân nước ngoài trong thời chiến. Đạo luật Nổi loạn cấm việc viết, nói hay xuất bản bất cứ nội dung giả dối, xúc phạm và ác ý chống lại tổng thống hay Quốc hội. Một vài vụ kết án thành công theo Đạo luật Nổi loạn chỉ đẻ ra những kẻ tử vì đạo chiến đấu vì sự nghiệp tự do dân sự và càng gia tăng sự ủng hộ cho phe Cộng hòa. Các đạo luật đã vấp phải sự chống đối. Jefferson và Madison đã bảo trợ cho việc thông qua các nghị quyết của hai bang Kentucky và Virginia do các cơ quan lập pháp của họ trình vào tháng 11 và 12/1798. Khẳng khái tuyên bố các quyền của tiểu bang, các nghị quyết nhấn mạnh các tiểu bang có thể nêu những quan điểm của họ về những hành động của liên bang cách và vô hiệu hoá các hành động ấy. Học thuyết về vô hiệu hóa sau này được các bang miền Nam sử dụng chống lại thuế quan bảo hộ và chế độ nô lệ. Đến năm 1800, nhân dân Mỹ đã sẵn sàng thay đổi. Dưới sự lãnh đạo của Washington và Adams, phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang đã thiết lập được một chính quyền mạnh, nhưng đôi khi đã không tôn trọng nguyên tắc Chính phủ Liên bang phải lắng nghe nguyện vọng của dân vì chính phủ đã theo đuổi các chính sách xa lạ với đông đảo nhân dân. Chẳng hạn, năm 1798, họ đã ban hành sắc thuế về nhà cửa, đất đai và nô lệ, làm ảnh hưởng tới tất cả chủ sở hữu ở Mỹ. Jefferson dần dần đã tập hợp một lực lượng quần chúng gồm đông đảo các chủ trại nhỏ, những chủ cửa hàng và những người làm công ăn lương khác ủng hộ ông. Ông đã đắc cử với kết quả sít sao. Jefferson rất được lòng dân bởi ông kêu gọi thực hiện chủ nghĩa lý tưởng Mỹ. Trong bài diễn văn nhậm chức - diễn văn nhậm chức đầu tiên tại thủ đô mới là Washington, D.C. - ông cam kết xây dựng một chính quyền khôn ngoan và tiết kiệm, đảm bảo trật tự cho dân chúng nhưng sẽ cũng để cho công chúng tự do theo đuổi nghề nghiệp và tiến bộ. Chỉ có sự hiện diện của Jefferson ở Nhà Trắng mới có thể khuyến khích những tiến trình dân chủ. Ông giảng giải và thực hiện những triết lý đơn giản về dân chủ, tránh xa hoa và phô trương thường gắn liền với chức vụ tổng thống. Theo tư tưởng cộng hòa, ông đã cắt giảm chi tiêu quân sự. Do tin rằng nước Mỹ là thiên đường của những người bị áp bức, ông đã thông qua luật nhập quốc tịch tự do. Đến cuối nhiệm kỳ hai của ông, vị Bộ trưởng Tài chính nhìn xa trông rộng của ông, Albert Gallatin, đã giảm nợ công xuống còn dưới 560 triệu đô-la. Vì được lòng dân nên Jefferson đã tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo một cách dễ dàng. . CÔNG DÂN GENET VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI Tuy một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ mới là củng cố nền kinh tế trong nước và làm cho quốc gia được an toàn về tài chính, song. những vấn đề đối ngoại. Những nền tảng của chính sách đối ngoại của Washington là duy trì hòa bình, giúp đất nước có thời gian phục hồi những vết thương và tiếp tục quá trình hợp nhất dân tộc Edmond Charles Genet - công dân Genet - đang trên đường sang Mỹ. Sau cuộc cách mạng Pháp dẫn tới việc Vua Louis XVI bị xử tử tháng 1/1793, Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan đã can dự vào cuộc chiến