Kế sách giữ nước thời Lý-Trần CHƯƠNG V KHOAN THƯ SỨC DÂN - THƯỢNG SÁCH GIỮ NƯỚC II. NHỮNG CHÍNH SÁCH “DĨ DÂN VI BẢN”, “KHOAN THƯ SỨC DÂN” THỜI LÝ - TRẦN Quan điểm thân dân của nhà nước và giới quý tộc thời Lý - Trần không dừng lại trên lý thuyết mà nó đã được thể hiện trên thực tiễn trong quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước. Ở nước ta thời phong kiến, đặc biệt từ thời Lý - Trần, kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Mặc dù đã xuất hiện một số đô thị, những trung tâm thương mại lớn, song hấu hết cư dân vẫn sống ở các làng xã. Trong cấu trúc xã hội thời đó, hệ thống cộng đồng các làng xã đã đóng một vai trò rất quan trọng. Có thể coi đây là những tế bào cơ sở nuôi dưỡng cả cơ thể dân tộc, đã được phát huy cao độ trong những dịp thử thách, trở thành lực lượng quan trọng đánh tan giặc ngoài. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân vì thế được coi là những nhân tố cơ bản, chủ yếu trong đời sống xã hội. Dân giàu nước mạnh lúc đó vẫn dựa trên cơ sở nông nghiệp phát triển, mùa màng phong đăng, lương thực nhiều, cuộc sống nhân dân no đủ. Vì vậy, để động viên được nhiều nhân lực, vật lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, để có được sức mạnh “cả nước góp sức”, các triều đại phong kiến đều phải dựa vào nông thôn và nông dân. Thực hiện điều đó, triều Lý và triều Trần đã chăm lo sức dân, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân bằng nhiều biện pháp, trước hết là tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển, coi “việc nông là gốc rễ của nước nhà”. Để tỏ rõ sự quan tâm với việc nông trang, triều đình Lý - Trần đã vận dụng các hình thức như: ra chiếu khuyến nông, nhà vua thân cày ruộng tịch điền, đi xem gặt hay tổ chức tế lễ thần nông. Năm 1056, trong chiếu, vua Lý Thánh Tông khẳng định: “Việc nông là việc trọng đại của nước nhà”, vua động viên nhắc nhở nông dân phải chăm lo việc cấy trồng, không để lỡ thời vụ. Sử gia Ngô Sĩ Liên có lời bình về sự kiện Lý Thái Tông về Bố Hải Khẩu sai đắp đàn, làm lễ tế thần nông và tự cầm cày khởi đầu nông vụ rằng: “Thái Tông làm lại lễ cổ, thân cày ruộng tịch điền xướng suất thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân. Công hiệu trị vì khiến cho của giàu người nhiều là đúng lắm”1. Việc làm có ý nghĩa nêu gương và khích lệ, tỏ rõ sự quan tâm của nhà vua và triều đình đối với nghề nông trên đây được khởi đầu từ năm 987, khi vua Lê (Lê Hoàn) tổ chức lễ cày tịch điền ở Đại Sơn và được các vua đời sau như Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Trần Minh Tông tiếp tục thực hiện. Vua Lý và vua Trần đều có những biện pháp tích cực và kiên quyết ngăn chặn nạn giết trộm trâu bò, nhằm bảo vệ sức kéo nông nghiệp. Đặc biệt nhà nước Lý - Trần rất quan tâm đến khai hoang mở rộng diện tích canh tác, đắp đê phòng lụt, khắc phục tình trạng dân xiêu tán nhằm ồn định dân cư phát triển nông nghiệp, củng cố cơ sở vật chất và cơ sở xã hội cho chính quyền phong kiến, đồng thời có tác dụng nâng cao đời sống dân sinh, làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phú binh cường (xem mục Phát triển nông nghiệp ở chương II). Sử gia Ngô Thì Sỹ có nhận xét: “Đại để, chính sự triều Lý cốt chăm nghề nông, làm cho nước nhà giàu có”. Còn bia chùa Linh Xứng ở Ngưỡng Sơn ca ngợi công đức của Lý Thường Kiệt như sau: “ Thái úy làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Thái úy biết lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc của nước, cái thuật yên dân; sự tốt đẹp đều ở đấy cả”2. Về mặt kinh tế, cùng với việc mở mang nông nghiệp, chính sách “khoan thư sức dân” còn biểu hiện trên lĩnh vực địa tô và thuế khóa. Nhà nước Lý - Trần thường vận dụng một chế độ thuế khóa không quá nặng nề. Mức tô thuế của nhà nước hay của quý tộc tông thất được ban cấp ruộng đất đối với nông dân thường mỗi mẫu 100 thăng thóc. Nếu so với tô ruộng quốc khố do tội nhân cày cấy mỗi mẫu ruộng hạng nhất nộp 680 thăng, hạng nhì 400 thăng hay hạng ba 100 thăng thì mức thuế nói trên là nhẹ. Triều Trần còn quy định, ai có ruộng đất nếu là 1-2 mẫu thì nộp 1 quan, nếu là 3-4 mẫu nộp 2 quan; 5 mẫu trở lên nộp 3 quan tiền. Bài minh trên chuông Thông Thánh Quán ở Bạch Hạc (Vĩnh Phú) thời Trần ghi lại công đức của trưởng công chúa Thiên Chân (con Trần Anh Tông) được phong thang mộc ấp ở Bạch Hạc rằng: "công chúa thu thuế nhẹ, giảm lao dịch, giúp người nghèo khổ, yêu kẻ cô quả, sinh linh cả một hương không ai không bái tạ”3. Thần tích Trần Nhật Hạo thì ghi: “Tướng quốc thu thuế nhẹ nhân dân đều cảm phục, biết ơn”. Chế độ thuế khóa nói trên đã tạo nên một không khí chính trị lành mạnh, góp phần hòa hoãn mâu thuẫn xã hội, tạo điều kiện cho chính quyền phong kiến huy động nhân lực, vật lực cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Lý Thái Tông có quan điểm rằng: “Nếu nhân dân đã no đủ thì trẫm còn thiếu với ai?”. Vì thế đã ra lệnh xá thuế. Một ưu điểm của nhà Trần là luôn biết động viên nhân dân không phải chỉ trong thời kỳ đất nước có chiến tranh mà cả trong thời bình và ngay từ khi chiến tranh vừa kết thúc. Sau khi chiến thắng quân xâm lược Nguyên, vua Trần Nhân Tông định xây lại thành Thăng Long cho nguy nga lộng lẫy, Trần Quốc Tuấn đã can vua và nói rằng: “Việc sửa chữa thành không cần kíp lắm. Việc cần kíp của triều đình phải làm ngay không chậm trễ được là úy lao nhân dân. Hơn bốn năm qua, giặc sang đánh phá; từ nơi rừng núi đến ruộng đồng bị tàn phá hầu hết. Vậy mà nhân dân vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài xuất lực, đi lính đóng thuế, làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống nhau với giặc. Nay nhà vua trở về yên ổn việc phải làm trước hết là phải chú ý ngay đến những nơi nào bị tàn phá. Tùy tình hình nặng nhẹ mà cứu tế, những nơi bị tàn phá nặng có thể miễn thuế trong mấy năm, có như thế nhân dân mới nức lòng, càng quy hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa nói “chúng chí thành thành” ý chí của quần chúng là bức thành kiên cố, đó mới là cái cần sửa chữa ngay. Xin nhà vua xét kỹ”4. Vua Trần Nhân Tông cho là phải, đã tạm đình chỉ xây thành Thăng Long và ra lệnh miễn tô thuế cho dân trong ba năm. Nói đến “khoan thư sức dân”, bên cạnh việc dè dặt huy động thuế khóa còn phải kể đến chính sách xã hội, biểu thị sự quan tâm đến lợi ích của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp lao động mà sử chép là dân nghèo. Trước hết dân nghèo ở đây nhằm chỉ một bộ phận khá đông đảo trong xã hội nông nghiệp. Họ được quyền sử dụng phần ruộng công của nhà nước giao cho làng xã quản lý, hoặc có thể có chút ít ruộng tư, nhưng không đủ sống phải bán sức lao động cho người khác (vương hầu, quý tộc, người giàu có ). Họ chưa phải là nô tỳ nhưng rất dễ rơi vào thân phận nô tỳ khi mất mùa, đói kém, công nợ. Họ là sản phẩm của quá trình phân hóa xã hội, đồng thời là nạn nhân của mọi bất công xã hội. Nhưng chính họ là lực lượng nòng cốt trong lao động dựng nước cũng như trong chiến đấu giữ nước. Qua một số thông tin từ biên niên sử, ta biết nhà nước Lý - Trần rất có ý thức ngăn chặn, không để họ bị rơi vào thân phận nô tỳ bằng hai biện pháp: cứu trợ xã hội và ngăn cấm bán hoàng nam. Về cứu trợ xã hội, ta gặp rất nhiều dịp nhà vua “đại xá” như khi vua mới lên ngôi, sinh hoàng tử, khánh thành chùa quán, thắng giặc, mất mùa đói kém và thường với một diện rất rộng “cả thiên hạ”. Điều đó có nghĩa không chỉ dân nghèo, mà tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều được hưởng xá thuế tô, xá nợ, xá tội. v.v Tất nhiên trong cái “thiên hạ” bao la này, dân nghèo chiếm đa số. Sau đây là một số trường hợp đại xá, cứu tế xã hội mà đối tượng dân nghèo được nhấn mạnh1: - Năm 1010, khánh thành cung Thúy Hoa, vua Lý Thái Tổ đại xá cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cả - Năm 1070, đời Lý Thánh Tông, đại hạn, phát thóc và tiền, lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo. - Năm 1103, thời Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo phải bán mình đi ở đợ, đem gả cho người góa vợ. - Năm 1200, đời Lý Cao Tông, gặp đói to, phát thóc chẩn cấp cho dân nghèo. - Năm 1242, Trần Thái Tông miễn thuế thân đánh cho người không có ruộng đất, hạn hán, miễn một nửa tô ruộng. - Năm 1288, Trần Nhân Tông, sau thắng Nguyên lần thứ ba, đại xá thiên hạ, những nơi bị binh hỏa cướp phá nhiều, thì miễn toàn phần tô, dịch, các nơi khác thì miễn giảm theo mức độ khác nhau. - Năm 1290, đời Trần Anh Tông, gặp đói to, nhiều người bán ruộng, đất, con trai, con gái làm nô tỳ, xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo, miễn thuế nhân đinh. - Năm 1303, Thượng hoàng Nhân Tông mở hội Vô lượng phép (một hình thức sinh hoạt của Phật giáo) bố thí vàng bạc tiền, lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước. - Năm 1343 đời Trần Dụ Tông, hạn hán, xuống chiếu giảm một nửa thuế nhân đinh. - Năm 1354 đời Trần Dụ Tông, sâu cắn lúa, giảm một nửa tô ruộng. - Năm 1358, đời Trần Dụ Tông, hạn hán, sâu cắn lúa xuống chiếu khuyến khích nhà giàu ở các bộ bỏ thóc ra chẩn cấp cho dân nghèo - Năm 1362, đời Trần Dụ Tông, đói to, xuống chiếu cho nhà giàu dâng thóc để phát chẩn cho dân nghèo, bàn tính theo thứ bậc khác nhau. - Năm 1375, đời Trần Duệ Tông, xuống chiếu cho những người giàu ở các lộ đem dâng thóc, được ban tước theo thứ bậc khác nhau. Qua sử sách ghi chép, ta biết nhà nước thời Lý - Trần trong khoan thư sức dân nói chung có đặc biệt quan tâm cứu trợ xã hội cho dân nghèo bằng một trong ba biện pháp: 1. Tha tô, thuế (toàn phần hoặc một nửa) cả năm, nhiều nhất là ba năm. 2. Phát tiền, thóc, vải trong kho để chẩn cấp. 3. Khuyến khích nhà giàu dâng thóc lúa hỗ trợ nhà nước thực hiện việc chẩn cấp khi cần thiết. Vào thời Lý - Trần, sự xuất hiện ngày càng đông tầng lớp sở hữu lớn về ruộng đất các loại (vương hầu, tông thất, quý tộc quan lại, người giàu không quan tước), tất nhiên dẫn đến tình trạng phân hóa xã hội, tầng lớp dân nghèo khá phổ biến. Nhưng chính họ lại là nguồn nhân lực chính trong lao động sản xuất, binh dịch, phu phen. Vì vậy, nhà nước có ý thức “khoan thư”, “cứu trợ” nhằm ngăn chặn nạn nghèo đói dẫn đến dân nghèo phải bán mình làm nô tỳ. Một khi trở thành nô tỳ (bộ phận tư nô) họ tuột khỏi sự huy động của nhà nước, trở thành sở hữu của chủ, thuộc quyền sai khiến của chủ. Ngay từ buổi đầu triều Lý, vào năm 1043, vua Lý Thái Tông đã xuống chiếu cấm bán hoàng nam trong dân làm gia nô, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích 20 chữ vào mặt, chưa bán mà đã làm việc cho người ta thì cũng đánh 100 trượng, thích 10 chữ, người biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc2. Năm 1292, thời Trần Nhân Tông, trước nạn đói kém nghiêm trọng vào các năm 1290, 1291, dân nghèo phải bán mình làm nô tỳ, nhà vua hạ chiếu những người dân lương thiện làm nô tỳ phải cho chuộc lại3. Hậu quả của nạn đói, dân phải bán ruộng, bán mình đã diễn ra khá nghiêm trọng, cho nên vào năm 1299, vua Trần Anh Tông còn xuống chiếu nhắc lại việc cho chuộc đó4. Thời Lý - Trần, nhà nước đã tạo điều kiện cho ruộng tư phát triển. Tuy nhiên, về cơ bản ruộng đất ở nông thôn vẫn là ruộng đất công của làng, xã do các công xã nông nghiệp quản lý. Chế độ công điền, công thổ vẫn tồn tại phổ biến. Xét về góc độ thuần túy kinh tế thì chế độ sở hữu đó là sự trì trệ lịch sử ở phương Đông so với phương Tây phong kiến. Nhưng xét trên yêu câu khoan thư sức dân để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và tăng cường khối đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước thì duy trì ruộng đất công, việc các công xã phân chia ruộng đất cho nông dân cày cấy theo mức tô thuế và lao dịch vừa phải là một điếu cần thiết, một chính sự tốt của một giai đoạn lịch sử. . Kế sách giữ nước thời Lý-Trần CHƯƠNG V KHOAN THƯ SỨC DÂN - THƯỢNG SÁCH GIỮ NƯỚC II. NHỮNG CHÍNH SÁCH “DĨ DÂN VI BẢN”, “KHOAN THƯ SỨC DÂN” THỜI LÝ - TRẦN Quan. nhà nước và giới quý tộc thời Lý - Trần không dừng lại trên lý thuyết mà nó đã được thể hiện trên thực tiễn trong quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước. Ở nước ta thời. là luôn biết động viên nhân dân không phải chỉ trong thời kỳ đất nước có chiến tranh mà cả trong thời bình và ngay từ khi chiến tranh vừa kết thúc. Sau khi chiến thắng quân xâm lược Nguyên,