Kế sách giữ nước thời Lý-Trần Cùng với sự phát triển của chính quyền về mặt hành chính là quá trình kiện toàn chức năng lập pháp và hành pháp của nó. Ởnước ta, đến thời Lý - Trần, các hoạt động lập pháp của nhà nước đã xuất hiện và phát triển. Năm 1042, Lý Thái Tông ban hành bộ Hình thư - bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Sang thời Trần, bên cạnh bộ Quốc triều thống chế gồm 20 quyển, xác định các quy chế chính quyền, nhà nước còn tổ chức biên soạn và nhiều lần sửa đổi bổ sung bộ Hình thư của mình. Các bộ luật này đã thất truyền. Tuy nhiên, căn cứ vào các lệnh dụ của nhà vua, các việc làm cụ thể được sử sách ghi chép, có thể nghĩ rằng luật pháp thời Lý - Trần đã đề cấp đến nhiều lĩnh vực, trong đó có những chế định về quyền hạn và trách nhiệm của mỗi thành viên đối với xã hội, về nghĩa vụ binh dịch của các đinh tráng, về nghĩa vụ đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước, về chức năng của các loại quân trong việc bảo vệ chính quyền và biên giới Tổ quốc. Các hoạt động lập pháp ngày càng quy củ đó chứng tỏ nhà nước quân chủ trung ương tập quyền thời Lý - Trần ngày một ổn định, và hoàn bị để thực hiện tốt các chức năng của nó. Công cuộc xây dựng đất nước thời Lý - Trần tiến hành trong hoàn cảnh nạn ngoại xâm luôn luôn là nguy cơ trực tiếp và thường xuyên. Trong giai đoạn này, đã diễn ra liên tục bốn cuộc chiến tranh giữ nước lớn. Đó là chưa kể đến những lần triều đình phải động binh xử lý các vụ xâm phạm biên giới của các lực lượng phàn lộng phía tây và nam Tổ quốc. Do đó, để củng cố nền thống trị của nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ và đồng thời để tăng cường lực lượng quốc phòng sẵn sàng ứng phó với nguy cơ xâm lược của nước ngoài, chính quyền Lý - Trần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng lực lượng vũ trang của mình. Lực lượng vũ trang đó gồm có quân chính quy của triều đình, quân địa phương của các lộ, phủ, giả binh của vương hầu và dân binh, hương binh ở làng xã. Cấm quân là lực lượng quân đội thường trực nòng cốt của trung ương, được coi trọng phát triển và thường xuyên túc trực bảo vệ kinh đô. Quân đội nhà nước Đại Việt là quân đội chính quy, đã đạt đến một trình độ tổ chức, trang bị, huấn luyện và chỉ huy tốt. Các lực lượng vũ trang thời Lý - Trần đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chính quyền và đã lập nhiều chiến công rực rỡ trong công cuộc đánh giặc giữ nước. ___________________________________ III. NHỮNG THÀNH TỰU KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI Trải qua hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc thống trị, các mặt kinh tế, văn hóa dân tộc bị kìm hãm, thậm chí nhiều bộ phận bị xói mòn và bị hủy hoại. Thế kỷ thứ X là thế kỷ giành độc lập, là thời kỳ phục hưng dân tộc. Từ thế kỷ XI, công cuộc xây dựng đất nước bắt đầu bước vào quy mô lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự phát triển dân tộc và quốc gia phong kiến dân tộc. Nước Đại Việt thời Lý - Trần đã trở thành một quốc gia văn minh, thịnh vượng nối tiếng trong vùng Đông Nam Á. Trong xã hội Lý - Trần, nền kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo và là cơ sở của mọi hoạt động trong nước. Chính quyển phong kiến coi trọng nghề nông và đề ra nhiều chính sách chăm lo phát triển nông nghiệp. Sức lao động và sức kéo trong nông nghiệp được nhà nước bảo vệ. Nông dân có ruộng cày, xóm làng ồn định. Quân lính được thay phiên nhau về tham gia sản xuất theo chính sách Ngụ binh ư nông. Các công trình khẩn hoang và thủy lợi được tiến hành hằng năm, quy mô ngày một lớn. Thời Lý, nhiều đoạn đê quan trọng dọc theo những sông lớn, nhất là đê Cơ Xá (đê sông Hồng) được đắp. Năm 1248, triều Trần ra lệnh cho các lộ đắp đê từ đầu nguồn đến bờ biển gọi là đê quai vạc. Đến đời Trần, hệ thống đê sông Hồng và các sông lớn ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ đã hoàn chỉnh. Chức hà đê chánh và phó sứ được đặt để quản lý và trông coi đê điều. Nhiều kênh ngòi được đào và khơi sâu thêm. Những công trình đó đã tạo ra những điều kiện tốt cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp. Sứ thần nhà Nguyên là Trần Phu đã ghi lại rằng: “Ở Đại Việt lúa mỗi năm chín bốn lần, tuy vào giữa mùa đông mà mạ vẫn mườn mượt”1. Từ thời Trần: nhà nước khuyến khích khai phá đất hoang lập thành các trang trại lớn. Các khu định cư và các vùng đất canh tác mới xuất hiện. Ở các lộ có đặt chức đồn điền chánh và phó sứ để quản lý, đôn đốc việc khẩn hoang. Năm 1266, vua xuống chiếu cho phép các vương, công chúa, phò mã, cung phi chiêu tập dân nghèo không có đất làm nô tỳ, đi khai hoang ven biển lập các điền trang. Thời kỳ này xuất hiện một loại hình kinh tế mới, đó là kinh tế điền trang. Sự phát triển của kinh tế điền trang thái ấp cùng với việc cho phép các vương hầu quý tộc xây dựng phủ đệ và lực lượng vũ trang riêng vừa có ý nghĩa kinh tế vừa có ý nghĩa quân sự, càng tăng thêm thế nước, chính quyền có thêm lực lượng vật chất để bảo vệ vương quyền và phòng giữ đất nước. Dưới thời Lý - Trần, các nghề thủ công trong nước được tạo điều kiện phát triển. Đó là những nghề truyền thống như dệt, gốm sứ, luyện kim, mỹ nghệ, chạm khắc, đúc đổng, v.v Trong nông thôn Đại Việt xuất hiện những làng thủ công chuyên sản xuất những sản phẩm truyền thống của mình, như nghề dệt lĩnh ở Trích Sài (Hà Nội); nghề dâu ở Nghi Tàm (Hà Nội); nghề dệt ở Từ Sơn (Hà Bắc); nghề làm nón ở Ma Lôi (Hải Hưng)… Kinh thành Thăng Long có 61 phường, mỗi phường làm một nghề thủ công, phố xá buôn bán các sản phẩm ngày một sầm uất. Từ thời Lý, nhà nước đã áp dụng những biện pháp tạo điều kiện cho các nghề thủ công trong nước phát triển. Chẳng hạn, mở lớp dạy dệt gấm cho các cung nữ và khuyến khích dùng những sản phẩm thủ công nội địa. Năm 1040, Lý Thái Tông đã ra lệnh phát gấm vóc trong kho để may lễ phục cho vua quan, cấm mua gấm vóc của nhà Tống. Nghề dệt lụa của Đại Việt vì thế mà đã trở thành nổi tiếng trong vùng với đủ các thứ vải, lụa, gấm vóc, the đoạn có nhiều màu sắc và họa tiết trang trí đặc sắc. Nhu cầu vải mặc và một số trang bị khác cho quân đội đã được nghề dệt trong nước cung cấp. Nghề gốm sứ có truyền thống từ lâu đời, đến thời Lý đã tiến thêm một bước dài, cung cấp nhiều vật dụng cho cung đình và nhu cầu ở các làng xã. Nghệ thuật gốm sứ thời Lý - Trần mang đậm sắc thái dân tộc, có trình độ thẩm mỹ cao và đạt tới đỉnh cao trong lịch sử phát triển của nó. Nghề khai mỏ và luyện kim, chủ yếu là đồng và sắt, đã cung cấp thỏa mãn nguyên vật liệu cho nhà nước đúc tiền, đúc chuông, tượng, các nông cụ cũng như các thứ binh khí, chiến cụ trang bị cho quân đội. Đường giao thông thủy, bộ trong nước được mở mang và phát triển đồng thời với các phương tiện vận chuyển như các loại thuyền lớn, nhỏ, tạo điều kiện tốt không chỉ đối với sự phát triển giao lưu kinh tế mà còn cho công cuộc phòng giữ đất nước, là cơ sở tốt để nhà nước huy động, sử dụng khi có chiến tranh. Một số trung tâm thương nghiệp xuất hiện như Tư Phố (Thanh Hóa), Long Biên (Hà Nội), Luy Lâu (Hà Bắc), Phố Hiến (Hải Hưng), Thăng Long - Kẻ Chợ, v.v nhiều làng quê đã xuất hiện chợ búa. Nền kinh tế hàng hóa phát triển góp phần đẩy lùi yếu tố phân tán trong xã hội. Quan hệ buôn bán giữa Đại Việt với các nước khác như Trung Quốc, Chiêm Thành, Java (Inđônêxia), Chân Lạp, Xiêm, Hồi Hột (vùng Tân Cương), v.v… được thực hiện chủ yếu qua đường biển và qua một số thương cảng lớn như Vân Đồn (Quảng Ninh) và một số cửa biển ở miền Trung. Sứ giả đời Nguyên, Trần Phu chép trong An Nam tức sự rằng: “Phủ Thanh Hóa cách thành Giao Chỉ hơn 200 dặm, các phiên thuyền ở hải ngoại tụ tập ở đây, họp chợ ngay trên thuyền rất đông Thật là một thị trấn lớn”2. Đường biên giới đối với các quốc gia láng giềng cũng được mở, tạo điều kiện giao lưu buôn bán thuận tiện. Trên biên giới Tống - Lý đã xuất hiện các bạc dịch trường (chợ biên giới). Sách Trung Quốc Đảo di chỉ lược chép: “Đất Giao Chỉ nhiều vàng bạc, đồng, chì, thiếc, ngà voi, lông chim trả, nhục quế cau. Hàng trao đổi thì dùng các thứ như the, lĩnh các màu, lụa, vải thanh bố, lược ngà, giấy, đồng, sắt Lưu thông sử dụng tiền đồng”. Nhà nước Lý - Trần không hạn chế ngoại thương, nhưng luôn luôn có những biện pháp quản lý rất chặt chẽ để đề phòng âm mưu do thám của người nước ngoài, nhằm bào vệ an ninh trong nước. Những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế đã tạo ra những cơ sở vật chất vững vàng cho sự tồn tại quốc gia độc lập tự chủ và mở ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nền văn hóa dân tộc. Trong xã hội thời Lý - Trần. người nông dân công xã vẫn bảo lưu những phong tục tập quán cổ truyền, vẫn duy trì quan hệ cộng đồng chặt chẽ, sớm kết hợp ý thức tình làng nghĩa xóm với ý thức quốc gia dân tộc, nước gắn liền với làng. Yêu cầu của công cuộc giữ nước trong giai đoạn này đã thúc đẩy nền văn hóa phát triển mang đậm ý thức dân tộc. Thơ Nam quốc sơn hà và Lộ bố văn của Lý Thường Kiệt cùng với các sáng tác thời Trần như Hịch tướng sỹ của Trần Quốc Tuấn, các áng văn thơ của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, v.v…, thể hiện sinh động chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và niềm kiêu hãnh với sự nghiệp giữ nước oai hùng của dân tộc. . Kế sách giữ nước thời Lý-Trần Cùng với sự phát triển của chính quyền về mặt hành chính là quá trình kiện toàn chức năng lập pháp và hành pháp của nó. nước ta, đến thời. quân sự, càng tăng thêm thế nước, chính quyền có thêm lực lượng vật chất để bảo vệ vương quyền và phòng giữ đất nước. Dưới thời Lý - Trần, các nghề thủ công trong nước được tạo điều kiện phát. dựng đất nước thời Lý - Trần tiến hành trong hoàn cảnh nạn ngoại xâm luôn luôn là nguy cơ trực tiếp và thường xuyên. Trong giai đoạn này, đã diễn ra liên tục bốn cuộc chiến tranh giữ nước lớn.