Dịch thể loại Khi văn bản đang dịch không có được cái hình thức tương đương trong nền văn học đích, ấy là lúc dịch giả có thể kiến tạo một hình thức hoặc một thể loại hoàn toàn mới cho nền văn học đó, hoặc phá tung văn bản gốc để cho nó phù hợp với tầm đón nhận của độc giả đích. Fitzgerald – người đã viết một cách tự tin trong cái thời đại mà Macauley có thể hứng khởi tuyên bố rằng toàn bộ các nền văn học Ấn Độ và Ả Rập chẳng đáng bằng một cái giá sách của một thư viện tốt ở châu Âu – đã chẳng chút e ngại khi thao túng dân tộc Ba Tư, thậm chí tới mức thêm những yếu tố không thể nào tồn tại trong nền văn học nguồn, các yếu tố được xác định là có cả tính chất Cơ đốc giáo lẫn cổ đại Hy Lạp. Trong khi quan điểm nêu trên có thể gây sốc ở thời điểm đầu thế kỷ XXI, thì đồng thời chúng ta hẳn phải thừa nhận rằng bản dịch của Fitzgerald là một trong số vài bản dịch đã nhập vào được hệ thống văn học Anh ngữ và giành được vị trí điển phạm. Vị trí của nó quan trọng đến nỗi công chúng độc giả đã chẳng hề mảy may để ý đến công việc của Robert Graves khi ông cộng tác chặt chẽ với một người Ba Tư để cố gắng đem lại một bản dịch hòng vạch ra phạm vi thao túng của Fitzgerald và dựng lại bối cảnh cho bài thơ. Điều Fitzgerald cố gắng làm là giới thiệu một thể loại mới, thể roba’i hay là thể thơ tứ tuyệt vào trong hệ thống văn học Anh ngữ, và có thể nói rằng thành công về mặt thể loại đó thậm chí còn lớn hơn thành công nằm ở bài thơ của Fitzgerald, và thành công đó đã khiến độc giả không chút phản ứng trước một bản dịch khác. Khi giới thiệu các thể loại mới, dịch giả có khi đạt được thành công hơn cả trông đợi. Thơ haiku là một trường hợp tiêu biểu. Thể thơ này đã du nhập vào thi pháp phương Tây, và mặc dù khác biệt rõ ràng với xuất phát điểm của nó ở Nhật Bản, nó là một hình thức được các nhà thơ sử dụng trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng các thể loại khác thì lại kháng cự lại dịch và vì vậy vẫn không được biết tới bất chấp lịch sử tồn tại lâu đời và vị trí điển phạm của nó. Một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là hình thức thơ Ả Rập, qasidah. André Lefevere đã quan sát cái khó của việc chuyển dịch thi pháp Hồi giáo vào các nền văn học phương Tây và cho rằng những khác biệt về hình thức, quy tắc và thể loại của thi pháp phương Tây là những trở ngại không thể vượt qua. Ông bình luận về các chiến lược mà một số dịch giả có triển vọng sử dụng: “Jones (Sir William, thế kỷ XIX) đã dịch một phần trong đoạn Labid miêu tả cảnh mặt trời mọc trên sa mạc, như câu: “những chú chim thức giấc, hót vang trên mỗi ngọn cây/ Những báo hiệu trong buổi sớm mai của chúng không thanh thản như chúng ta” (343) đã hoàn toàn bỏ qua sự thật rằng - chưa cần chú ý tới mấy cái cây - sự xuất hiện của chim trên sa mạc nói chung là khó có thể xảy ra, mặc dù chúng là một thành tố thiết yếu của những bài thơ “eclogue” (12) mà ông muốn sử dụng để cải biến thể loại quasidah. Nicholson (1922) đã thu ngắn đáng kể việc miêu tả con lạc đà trong khi ông dịch Labid, nhưng lại không cho độc giả biết điều đó. Theo truyền thống, các nhà thơ gây dựng nền móng thơ ca buổi đầu của hệ thống văn học Hồi giáo thường dành những đoạn rất dài miêu tả lạc đà, trong khi đó lại dành rất ít dòng để miêu tả những người phụ nữ mà họ yêu thương. Thi pháp phương Tây luôn hướng tới một quan điểm khá khác biệt về mặt tỉ lệ trong việc xử lý vấn đề này (13) . Một xuất phát điểm cho cuốn sách Xây dựng các nền văn hóa (Constructing Cultures) (Bassnett và Lefevere, 1998) là phát triển ý tưởng về “những lược tuyến văn bản” (textual grid) dựa trên cơ sở nghiên cứu của [Pierre] Bourdieu. Một lược tuyến văn bản là cái mà một nền văn hóa sử dụng; nó là tập hợp những lối viết được chấp nhận; theo đó, các nền văn học Pháp, Đức, Anh sử dụng khá nhiều một lược tuyến văn bản giống nhau có gốc từ truyền thống Hy-La. Có thể có những biến thể khác nhau trong các bản dịch Homer, nhưng Homer vẫn là hình tượng điển phạm trung tâm. Đi ra ngoài phạm vi châu Âu, hệ thống lược tuyến này sẽ khác. Các nền văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản chẳng hạn có những lược tuyến văn bản riêng biệt không có ở các nền văn hóa khác. Những lược tuyến này có thể được nhìn nhận không hoàn toàn là những hệ thống cố định và cứng nhắc mà như một tập hợp các chuẩn tắc và kỳ vọng có tác động lên toàn bộ sản phẩm văn chương. Chúng sản sinh ra luật lệ và quy ước, và dĩ nhiên, cũng quy định luôn thể loại. Bây giờ chúng ta hãy lướt qua một ví dụ về cách thức dịch thuật tập trung chú ý vào vấn đề thể loại: một trong những văn bản được dịch thường xuyên nhất của nền văn hóa phương Tây là Iliad của Homer. Lịch sử dịch anh hùng ca này là vô cùng phong phú và là nguồn tranh cãi vô tận trong hầu hết các nền văn học châu Âu. Chẳng hạn thế kỷ XVIII ở Đức, việc dịch Homer đã giúp làm giàu đáng kể cho nền văn học Đức, và cùng với việc dịch Shakespeare, nó đã đem lại những hướng phát triển mới cho cả ngôn ngữ lẫn nền văn học Đức. Ở Pháp, Homer được cải tác theo những quy ước của thời đại. Antoine de La Motte viết năm 1714: “Tôi đã tuân theo những phần của Iliad mà đối với tôi đáng được giữ lại, và tùy nghi thay đổi bất cứ cái gì mà tôi cho là không thú vị. Ở nhiều chỗ tôi là một dịch giả và ở nhiều chỗ khác tôi lại như là tác giả của văn bản gốc. Tôi tự xem mình chỉ là một dịch giả ở chỗ nào tôi đem lại thay đổi không đáng kể. Tuy nhiên, tôi thường mạnh bạo vượt ra khỏi điều này; có khi tôi cắt bỏ cả quyển, hay thay đổi phương thức sắp xếp vấn đề và thậm chí sáng tạo thêm Chất liệu mới (14) . Dĩ nhiên, Iliad là một thiên anh hùng ca cổ mẫu của châu Âu, và một trong những khó khăn mà các dịch giả từ thế kỷ XVIII trở đi phải đối mặt là sự suy tàn, thực vậy, sự tiêu biến của anh hùng ca. Nhưng trong thế kỷ XIX khi tiếng Hy Lạp được dạy trong hệ thống trường công lập ở Anh, và Hy Lạp cổ đại được xem như một hình mẫu của triết học chính trị, của thành tựu văn học, kiến trúc và nghệ thuật, thì hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm bản dịch đã xuất hiện. Nhìn chung, các dịch giả có xu hướng dịch Iliad dưới một hình thức thơ ca nào đó, tuy một số người lựa chọn hình thức văn xuôi có vần, và đây là điểm thú vị gây tranh luận rằng liệu một bài thơ được dịch sang thể văn xuôi thì tác phẩm đó có bị biến đổi về mặt thể loại hay không. James Holmes, người viết rất hay về việc dịch thơ ca, đã xem việc dịch ra văn xuôi như là một giai đoạn tiếp theo của việc dịch ra thơ trên đường tiến đến thể loại tiểu luận phê bình (Holmes, 1988). Điểm chung trong hầu hết các bản dịch này là đều sử dụng ngôn ngữ cổ với chủ định rõ ràng là báo hiệu giá trị anh hùng ca của văn bản gốc. Hình thức ngôn ngữ cổ này cũng được các dịch giả thế kỷ XIX sử dụng để dịch các saga của người Norse. Trong thế kỷ XX, các chiến lược thay đổi bởi lượng độc giả có thể đọc được tiếng Hy Lạp đã suy giảm. Trong bản dịch năm 1951 rất thành công của mình, Richmond Lattimore đã quan tâm nhiều đến yếu tố nhịp độ trong tác phẩm của Homer cùng với các vấn đề khác như tốc độ và nhịp điệu. Ông sử dụng dòng thơ sáu nhịp tự do, không phải là loại thơ sáu âm tiết (hexameter) trong tiếng Anh, và viết bằng thứ “Anh ngữ giản dị ngày nay” (15) . Trong những năm 1950 cũng xuất hiện bản dịch của E.V. Rieu. Vào năm 1945, Rieu cũng đã dịch Odyssey, một bản dịch khá cách tân bởi ông cho rằng với cái chết của anh hùng ca, tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa đã trở thành thể loại tương đương để thay thế hiệu quả cho nó. Theo đó, ông tìm cách làm cho các bản dịch tác phẩm của Homer có thể được đọc như tiểu thuyết, biến đổi các thành tố phong cách sao cho phù hợp: “Chính trong nỗ lực bảo lưu một hiệu ứng nào đó giống như trong bản gốc, thực tế với vai trò như là một dịch giả, tôi thường thấy cần thiết phải bỏ đi, hay đúng hơn là phải biến đổi các đặc ngữ và cú pháp của tiếng Hy Lạp” (16) . Điều mà cả Rieu lẫn Lattimore theo nhiều cách khác nhau cố gắng trả lời là vấn đề mà bất kỳ một dịch giả nào dịch anh hùng ca trong thế giới hiện đại cũng phải đối mặt: làm thế nào để dịch một thể loại đã chết cho một thế hệ độc giả mới, và dịch thế nào để vừa giữ lại được cảm nhận nào đó về sức mạnh của bản gốc đồng thời lại giúp độc giả có thể thưởng thức được cái văn bản trước mặt cho dù nó xa lạ. . Dịch thể loại Khi văn bản đang dịch không có được cái hình thức tương đương trong nền văn học đích, ấy là lúc dịch giả có thể kiến tạo một hình thức hoặc một thể loại hoàn. nói chung là khó có thể xảy ra, mặc dù chúng là một thành tố thiết yếu của những bài thơ “eclogue” ( 12) mà ông muốn sử dụng để cải biến thể loại quasidah. Nicholson (1 922 ) đã thu ngắn đáng. nhiên, cũng quy định luôn thể loại. Bây giờ chúng ta hãy lướt qua một ví dụ về cách thức dịch thuật tập trung chú ý vào vấn đề thể loại: một trong những văn bản được dịch thường xuyên nhất của