Dịch thể loại Thoạt nhìn, có vẻ như là lỗi thời khi bàn về thể loại trong kỷ nguyên hậu hiện đại này: liệu còn gì để thảo luận trong các ngành nghiên cứu văn học nữa hay không, khi nghiên cứu văn học dường như đã vượt ra khỏi những phạm trù thể loại? Những thảo luận gần đây về văn bản văn chương bị đóng khung trong một diễn ngôn cứ nhấn nhá những khó khăn trong việc phân loại và định nghĩa: ta nhấn mạnh tính lai ghép (hybridity), tính tại ngưỡng (liminality), tính lưỡng biên (in-betweenness) và quan niệm về nghiên cứu văn học bằng thứ ngôn ngữ đồ hình (mapping): nào là dấu vết, giới hạn, ngưỡng, xuyên biên giới, ranh giới, những phạm trù bất ổn luôn trong một trạng thái chuyển động. Như Trinh Minh-ha đã chỉ ra: “Thao tác ngay tại giới hạn của nhiều phạm trù và hướng tiếp cận có nghĩa rằng ta chẳng hoàn toàn nằm ở bên trong hay bên ngoài. Ta phải đẩy tác phẩm của mình thật xa trong chừng mực có thể, tới những ranh giới nơi ta không ngừng đi trên gờ mép, không ngừng dấn thân vào mối nguy bị rơi vào phía này hoặc phía kia của giới hạn, nhưng đồng thời phá dỡ, tu chỉnh, tu bổ lại giới hạn này” (1) . Lối diễn đạt hình tượng này phản ánh một trào lưu đang phổ biến trên diện rộng, đồng thời nó cũng phản ánh sự chuyển biến trong quan niệm về ý nghĩa của những giới hạn và đường biên. Sau khi Bức màn sắt sụp đổ (2) , thời kỳ Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta đã chứng kiến một cuộc tái khái niệm hóa châu Âu. Ngay từ năm 1993 ta đã có thể thấy công trình chỉnh sửa lại bản đồ châu Âu bằng việc mở rộng lục địa ra tận biển Caspian, trong khi đó lại hoàn toàn lờ đi Iceland cùng các vùng Bắc Âu. “Châu Âu” như một chỉ định từ, cho phép linh hoạt tập hợp các nước khác nhau theo những tiêu chí khác nhau (cuộc thi Tiếng hát Eurovision là một trường hợp tiêu biểu ở đây). Bước chuyển vị thuật ngữ này còn thể hiện trong toàn bộ các kiểu loại cấu hình khác: người ta chẳng gọi Thế giới thứ Nhất, Thế giới thứ Ba nữa, mà gọi bằng Bắc bán cầu, Nam bán cầu, hoặc “Vành đai Thái Bình Dương” (Pacific Rim) để chỉ một nhóm xuyên lục địa bao gồm nhiều nước và nhiều nền văn hóa khác nhau. Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, những phân cực khác trên phạm vi toàn cầu lại nổi lên; chúng thường được củng cố bằng những phân chia phát sinh từ, hoặc làm phát sinh, những vấn đề xung đột trên các bình diện quốc gia, vùng (và đôi khi trên bình diện từng nền văn hóa cụ thể), chính trị (và/hoặc đạo đức-chính trị). Lưu vong, di cư ồ ạt trên toàn cầu; hàng triệu người quá cảnh là hiện tượng tiêu biểu cho cảnh tượng địa chính trị cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Đâu đâu cũng gợi nhắc sự tương phản giữa những quốc gia có vẻ như là cố định, bền vững và những quốc gia bất ổn với cộng đồng dân cư liên tục biến đổi. Một điều hiển nhiên là chúng ta phải không ngừng đặt định và tái đặt định chính mình, bởi thế chuyện “tự xác định vị trí bản thân” (positioning ourselves) đã trở nên mòn sáo. Không ai, ở bất cứ đâu, còn có thể xem tọa độ là tất yếu được nữa. Nhưng mục đích của bài luận này không phải là khái quát hóa sự thay đổi toàn cầu đó. Đúng hơn, tôi cho rằng cần thiết phải tiếp tục quan tâm tới vấn đề thể loại, không phải theo những cách thức có tính chất quy tắc hay công thức, mà là để soi rọi các quá trình trao đổi liên văn hóa bằng cách tiếp cận vấn đề thể loại trong bối cảnh xuyên văn hóa. Tìm hiểu về dịch thuật có lẽ là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này. Dịch thuật chưa bao giờ được quan tâm nhiều trong thế giới Anh ngữ. Chưa tới 3% số sách được xuất bản hàng năm ở Anh là sách dịch, trong khi đó ở Thụy Điển chẳng hạn, con số này là trên 60%. Ta vẫn nói về các tác giả Brecht hoặc Ibsen hay Strindberg cứ như thể họ là những kịch tác gia nói tiếng Anh. Ta gật gù theo chân các nhà tiểu thuyết Nga như Tolstoy hoặc Dostoyevsky; để rồi mấy tiểu thuyết gia lỗi lạc cứ thế mà tranh luận về tác động của tiểu thuyết Nga đối với tiểu thuyết Anh thế kỷ XX mà chẳng buồn một lần đề cập đến từ “dịch”. Và nếu trong quá khứ người nói tiếng Anh chẳng màng đến dịch thuật thì hiện tại lại càng ít lý do để mà quan tâm đến nó. Việc tiếng Anh được phổ biến toàn cầu khiến cho mọi người trên toàn thế giới đều nói, hoặc muốn nói tiếng Anh. Nhưng những người mà Anh ngữ là tiếng mẹ đẻ vẫn cần lưu ý tới mặt trái của Anh ngữ toàn cầu: một mặt, sức mạnh vô song của tiếng Anh đồng nghĩa với việc nhiều ngôn ngữ thiểu số cảm thấy bị đe dọa. Nhiều ngôn ngữ đã biến mất, số khác thì đang bị suy vong nhanh hơn cả dự báo chỉ mới vài năm trước đây. Mặt khác, việc Anh ngữ lan rộng toàn cầu đã gây bất lợi cho bản thân nhiều người nói tiếng Anh nếu họ không thụ đắc một ngôn ngữ nào khác. Trong khi đó, hễ ai mà có thêm tiếng Anh ngoài (các) thứ tiếng khác của riêng mình thì có thể tiến vào cộng đồng quốc tế ngày càng lớn mạnh của những con người đa ngôn ngữ, những người có thể thao tác xuyên ngôn ngữ. Chưa hết, người nói tiếng Anh có nguy cơ ngày càng trở nên đơn ngữ, và bởi ngôn ngữ là trung tâm của cơ thể văn hóa, họ cũng có nguy cơ ngày càng trở nên đơn văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà việc đào tạo nâng cao nhận thức liên văn hóa trong cộng đồng kinh doanh là một lĩnh vực rộng lớn trong thế giới Anh ngữ bởi kiến thức về các ngôn ngữ khác đang suy giảm ngay tại thời điểm mà nhu cầu phải tìm hiểu nhiều hơn về các nền văn hóa khác cần được nâng cao trên trường quốc tế. Năm 1965, Paul Ricoeur viết về sự căng thẳng giữa văn hóa dân tộc và cái mà ông gọi là “văn minh phổ quát”, và cho rằng trong quá trình hướng tới văn minh hiện đại, các nền văn hóa sẽ phải vượt qua hoặc thậm chí là từ bỏ quá khứ của mình tại chính thời điểm mà việc bám giữ lấy quá khứ đó là một bình diện thiết yếu để xây dựng một tinh thần dân tộc (3) . Suy nghĩ này thật thú vị, bởi một trong những lập luận coi thường tầm quan trọng của dịch thuật lại xoay quanh những quan điểm của chủ nghĩa phổ quát (universalism). Người ta cho rằng nếu tồn tại một sự hiểu phổ quát thì nghĩa có thể được dịch một cách suôn sẻ, do đó nhiệm vụ của dịch giả chẳng có gì là đặc biệt nặng nhọc. Dĩ nhiên nói vậy là vô lý. Umberto Eco trong một tiểu luận nhan đề Dịch và được dịch (Translating and Being Translated) đã nói rất cô đọng: “Tương đương về nghĩa không thể được xem như là một tiêu chí thỏa đáng cho một bản dịch đúng, trước hết bởi khi định nghĩa cái khái niệm vẫn còn chưa được minh xác là dịch thì ta vẫn phải sử dụng một quan niệm mơ hồ không kém là sự tương đương về nghĩa, và có người còn nghĩ rằng nghĩa là cái không thay đổi trong quá trình dịch” (4) . Bộ môn Nghiên cứu dịch thuật (Translation Studies), như nó đã phát triển từ những năm đầu thập kỷ 1980, khởi đầu với một nhóm nhỏ những nhà cấp tiến từ vài quốc gia, đáng chú ý là Bỉ, Hà Lan, Israel, Tiệp Khắc (tất cả đều là những nước đa ngôn ngữ). Họ bất mãn với sự gò bó của các cách tiếp cận công việc dịch thuật của những nhà ngôn ngữ học cũng như những học giả văn chương. Mấy nhà ngôn ngữ học thời đó có xu hướng tiêu khử bối cảnh của dịch, còn mấy học giả văn học (nói chung) lại phủ nhận dịch, xem nó như một hoạt động thứ cấp, phái sinh để rồi chỉ chăm chăm đánh giá dịch. Các học giả trong ngành dịch thuật, một bộ môn liên ngành, muốn xem xét lại chuyện dịch thuật, cả ở quá trình chuyển tải thực tế một văn bản qua ranh giới ngôn ngữ lẫn mối quan hệ giữa bản dịch và văn bản gốc trong những bối cảnh khác nhau. Họ muốn tìm hiểu điều gì xảy ra đối với một văn bản một khi nó được dịch và được tiếp nhận trong những bối cảnh khác nhau một hệ thống văn học khác; họ muốn nghiên cứu những chuẩn mực được áp dụng trong dịch thuật ở các thời điểm và không gian khác nhau. Ban đầu, vấn đề tranh luận then chốt là “sự tương đương” (equivalence), “sự trung thành” (faithfulness) và “tính bất khả dịch” (untranslatability). Trước giờ đã có rất nhiều bàn tán về chuyện mất gì trong bản dịch, ấp ủ trong mấy tuyên bố hết sức bí truyền về “tinh thần” hay “bản chất” của một tác phẩm mà dịch giả tồi không bao giờ hiểu thấu hết được. Trung thành là chuyện rắm rối khác nữa: dịch giả luôn được cho là phải trung thành với văn bản, hành động như tôi tớ hoặc điều giải viên cho văn bản. Mục tiêu của dịch là sự tương đương để đảm bảo rằng người đọc văn bản dịch đang đọc cùng một văn bản như trong ngôn ngữ gốc. Một nguyên lý cơ bản củng cố cho tất cả những thảo luận này là: niềm tin vào tính ưu việt của văn bản gốc so với bất cứ phiên bản nào khác. Bản dịch, như thường được quan niệm, ít nhiều chỉ là bản sao, mà đã là sao chép thì không bao giờ có cùng giá trị. Việc dịch thuật nổi lên như một chuyên ngành độc lập, một chuyên ngành quy tụ nhiều ngành học khác như ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học, lịch sử, nhân học, xã hội học và văn hóa học, đã cho thấy một nỗ lực tái chất vấn các quan niệm về tính phổ quát cũng như cái gốc đầy uy thế, và trong nỗ lực đó, quan niệm về khác biệt có vai trò thiết yếu. Nhận định của Edward Sapir về tương đối luận trong văn hóa là một xuất phát điểm hữu dụng: “Không có hai ngôn ngữ nào giống nhau hoàn toàn để có thể được xem như là biểu trưng cho cùng một hiện thực xã hội. Các thế giới dung chứa các xã hội khác nhau là những thế giới khác biệt, chứ không đơn thuần là cùng một thế giới được gắn cho những nhãn hiệu khác nhau” (5) . . Dịch thể loại Thoạt nhìn, có vẻ như là lỗi thời khi bàn về thể loại trong kỷ nguyên hậu hiện đại này: liệu còn gì để thảo. lại phủ nhận dịch, xem nó như một hoạt động thứ cấp, phái sinh để rồi chỉ chăm chăm đánh giá dịch. Các học giả trong ngành dịch thuật, một bộ môn liên ngành, muốn xem xét lại chuyện dịch thuật,. tâm tới vấn đề thể loại, không phải theo những cách thức có tính chất quy tắc hay công thức, mà là để soi rọi các quá trình trao đổi liên văn hóa bằng cách tiếp cận vấn đề thể loại trong bối cảnh