Dịch thể loại Trong thế kỷ XX, các chiến lược thay đổi bởi lượng độc giả có thể đọc được tiếng Hy Lạp đã suy giảm. Trong bản dịch năm 1951 rất thành công của mình, Richmond Lattimore đã quan tâm nhiều đến yếu tố nhịp độ trong tác phẩm của Homer cùng với các vấn đề khác như tốc độ và nhịp điệu. Ông sử dụng dòng thơ sáu nhịp tự do, không phải là loại thơ sáu âm tiết (hexameter) trong tiếng Anh, và viết bằng thứ “Anh ngữ giản dị ngày nay” (15) . Trong những năm 1950 cũng xuất hiện bản dịch của E.V. Rieu. Vào năm 1945, Rieu cũng đã dịch Odyssey, một bản dịch khá cách tân bởi ông cho rằng với cái chết của anh hùng ca, tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa đã trở thành thể loại tương đương để thay thế hiệu quả cho nó. Theo đó, ông tìm cách làm cho các bản dịch tác phẩm của Homer có thể được đọc như tiểu thuyết, biến đổi các thành tố phong cách sao cho phù hợp: “Chính trong nỗ lực bảo lưu một hiệu ứng nào đó giống như trong bản gốc, thực tế với vai trò như là một dịch giả, tôi thường thấy cần thiết phải bỏ đi, hay đúng hơn là phải biến đổi các đặc ngữ và cú pháp của tiếng Hy Lạp” (16) . Điều mà cả Rieu lẫn Lattimore theo nhiều cách khác nhau cố gắng trả lời là vấn đề mà bất kỳ một dịch giả nào dịch anh hùng ca trong thế giới hiện đại cũng phải đối mặt: làm thế nào để dịch một thể loại đã chết cho một thế hệ độc giả mới, và dịch thế nào để vừa giữ lại được cảm nhận nào đó về sức mạnh của bản gốc đồng thời lại giúp độc giả có thể thưởng thức được cái văn bản trước mặt cho dù nó xa lạ. Vấn đề thể loại trong dịch thuật đặc biệt tinh tế khi văn bản cách biệt về thời gian so với độc giả trong ngôn ngữ đích. Đặc biệt là phần lớn việc lý thuyết hóa hào hứng và cách tân nhất về vấn đề dịch thuật và thể loại ngày nay lại xuất hiện ở ngoài châu Âu, ở những khu vực mà nhiệm vụ chất vấn điển phạm đang được thực hiện trong một bối cảnh hậu thực dân. Thuyết thực nhân tập tục (cannibalistic theory) của anh em nhà de Campos ở Brazil đã tóm tắt một quan điểm hậu thực dân đối với cả vấn đề dịch thuật lẫn biến đổi thể loại. Lý thuyết đó cho rằng dịch giả cần thiết phải “luộc” (17) văn bản nguồn; văn bản nguồn phải được hấp thu theo một nghi thức vừa có tính hủy diệt vừa có tính bồi hoàn, giống như hành động ăn thịt người của các bộ lạc bán khai ở Brazil yêu cầu giết thịt chỉ những cái nhất (chẳng hạn kẻ can đảm nhất, thông thái nhất, chân thành nhất trong số những nạn nhân mà họ chọn ra). Haraldo de Campos trong cuốn sách của ông nhan đề Ruptura dos Generos na Literatura Latino- Americana (Genre breakdown in Latin American Literature - Sự phá vỡ thể loại trong văn học Mỹ Latin) cho rằng mặc dù các phạm trù thể loại đã bị tan rã từ thế kỷ XVIII, xu hướng này trong tiến trình văn học Mỹ Latin vẫn được nhìn nhận là đang trong giai đoạn tăng tốc (18) . Trong một thế giới hậu thực dân, khái niệm dịch (translation) chuyên chở những hàm ý rộng hơn. Nói ngắn gọn, nếu một thuộc địa là một bản “sao” của một cộng đồng gốc ở một nơi nào đó, một “bản dịch” của cái gốc đó, thì khi vùng thuộc địa tái khẳng định bản sắc của mình và hướng đến độc lập, nó tất yếu sẽ xem xét lại mối quan hệ giữa những văn bản nó đã sản sinh với cái gốc là những cái có thể đã ảnh hưởng tới những văn bản đó. Theo đó, một quan điểm hậu thực dân về dịch thuật sẽ chất vấn toàn bộ cái quan điểm về nguyên tính (originality). Vì lý do đó, Octavio Paz cho rằng dịch thuật là phương tiện cơ bản giúp chúng ta hiểu thế giới mà chúng ta đang sống, bởi mỗi văn bản dù là độc nhất cũng luôn là một bản dịch của một văn bản khác, trong khi de Campos đã mô tả dịch như là sự truyền máu, như là “ký ức không muốn nhớ về tội giết cha” (parricidal dis-memory) (19) . Nó có tính chất của tội giết cha bởi nó liên quan đến việc triệt tiêu sức mạnh của cái gốc và tái khẳng định quyền của dịch giả (chủ thể bị thực dân hóa) được nói bằng chính giọng nói của mình, đồng thời vẫn thừa nhận cái gốc như là nguồn cảm hứng. Quan điểm này cách rất xa quan điểm về dịch của Fitzgerald bởi nó có ý thức tôn trọng bản gốc đồng thời thừa nhận rằng dịch giả có trách nhiệm chuyển đổi bản gốc đó sang một hệ thống khác phù hợp với người đọc. Chẳng hạn, anh em nhà de Campos đã trình ra một bản dịch dài 40 trang tác phẩm Faust của Goethe và một bản dịch cụ thể bằng hình cho bài thơ The Sick Rose [Bông hồng bệnh] của [William] Blake. Giới hạn của bài luận này không cho phép trình bày chi tiết về những cách thức dịch có thể biến đổi địa vị của một tác giả và do vậy cũng làm biến đổi một thể loại. Chẳng hạn, thơ ca Ossian (20)(*) đã ảnh hưởng to lớn tới các nền văn học Nam và Đông Âu; Burns và Byron thuộc số các nhà thơ được dịch nhiều nhất mọi thời đại ở Nga; Jack London là một hình tượng điển phạm ở Đông Âu và Trung Quốc; Robert Louis Stevenson và A. J. Cronin là những nhà văn Scotland được dịch nhiều nhất trên thế giới. Hơn nữa, lịch sử của những tác giả hay những tác phẩm không được dịch cũng quan trọng không kém. Điều khiến cho hiện tượng Harry Potter trở nên thú vị không chỉ ở chỗ bộ sách đã làm hồi sinh một thể loại mà những nhà giáo dục học cảm thấy hoàn toàn không phù hợp với trẻ em ngày nay, mà còn ở việc bộ sách đã được bán ra hàng triệu bản, được dịch sang hàng chục ngôn ngữ, và thậm chí giờ đây còn được tiếp thị riêng rẽ cho đối tượng người lớn và trẻ em. Thực tế, toàn bộ vấn đề phân loại mà nền văn học trẻ em và việc dịch loại văn học này trong vài thế kỷ qua đã tuân theo hẳn cung cấp một tập hợp khá tốt các ví dụ điển hình để nghiên cứu sự chuyển đổi thể loại. Không nghi ngờ gì nữa, đây là một lĩnh vực mời gọi tiếp tục nghiên cứu. Ngược lại với quan điểm của những người cho rằng các phạm trù thể loại trong thế kỷ XXI là chuyện của quá khứ, chúng ta có thể phản bác rằng, thời điểm hiện tại đang “được thể loại hóa” hơn bao giờ hết. Sách vẫn thường được xếp bán theo thể loại của chúng hoặc theo thể loại mà các đại lý muốn gắn cho chúng, một thực tế đã khiến cho các phân loại mới tiếp tục xuất hiện. Cửa hàng sách hiện thời sẽ vẫn phải phân chia cái gọi là loại sách lịch sử thường thức bên cạnh loại sách khoa học thường thức. Bên trong các loại hạng sẽ có những phân chia nhỏ hơn: trong loại văn học huyễn tưởng chẳng hạn, kiếm hiệp và phù thủy sẽ được xếp ở ngăn khác với truyện khôi hài, trong khi đó truyện ma cà rồng và chằn tinh cũng được xếp theo những ngăn riêng biệt. Sẽ không chính xác khi cho rằng hiện tượng này chỉ do yêu cầu về mặt thương mại. Sẽ là hơi gượng gạo, nhưng dường như chính vì phân chia thể loại có thể cung cấp một cái khung chấp nhận được, một cơ cấu an toàn thuận tiện cho việc bán sách mà từ đó nó cũng là một phản đề đối với cái chất vấn can đảm của chủ nghĩa hậu thực dân về việc phân chia thể loại. Bài luận này bắt đầu với hình ảnh Trinh Minh-ha đưa ra về việc phải cơi nới ra đến đường biên, đi trên viền mép, thường xuyên chấp nhận nỗi hiểm nguy bị rơi vào phía này hoặc phía kia của giới hạn trong khi phá dỡ, tu chỉnh, sửa đổi lại cái giới hạn này. Đây chính là điều đã diễn ra trong dịch thuật, và thông qua dịch thuật, chúng ta có thể quan sát, có lẽ sáng rõ nhất, các quá trình biến đổi thể loại như là những quá trình sửa đổi bất tận . trù thể loại trong thế kỷ XXI là chuyện của quá khứ, chúng ta có thể phản bác rằng, thời điểm hiện tại đang “được thể loại hóa” hơn bao giờ hết. Sách vẫn thường được xếp bán theo thể loại. vấn đề mà bất kỳ một dịch giả nào dịch anh hùng ca trong thế giới hiện đại cũng phải đối mặt: làm thế nào để dịch một thể loại đã chết cho một thế hệ độc giả mới, và dịch thế nào để vừa giữ. đề phân loại mà nền văn học trẻ em và việc dịch loại văn học này trong vài thế kỷ qua đã tuân theo hẳn cung cấp một tập hợp khá tốt các ví dụ điển hình để nghiên cứu sự chuyển đổi thể loại.