Cảm hứng lịch sử trong tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng Tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô xây dựng một thế giới nhân vật đông đảo hơn và cá tính cũng phức tạp hơn. Không có nhiều thời gian dành cho những suy tư của tâm trạng nhân vật, mấy chục tiếng đồng hồ trong tác phẩm là quãng thời gian đầy ắp những sự kiện mà ở đó, ta có thể thấy được những cảnh huống các nhân vật tự bộc lộ cá tính của mình. Trong hơn năm trăm trang tiểu thuyết, các nhân vật lần lượt xuất hiện, dù ít dù nhiều vẫn để lại những dấu ấn khó phai. Từng ấy con người, những cá tính bổ sung cho nhau, sát cánh bên nhau trên một chiến tuyến. Ở tiểu thuyết này, chân dung phe phản diện không được khắc họa rõ ràng, riêng biệt mà chỉ là những mảng đám đông hành động song để lại ấn tượng khá đậm nét. Có khi đó là hình ảnh đoàn xe Háp-tờ -rắc ầm ầm lao trên phố với lũ lính mũ đỏ và bọn me Tây nhâng nháo gây chiến. Có lúc là bọn quỷ khát máu đang tàn sát ngõ Yên Ninh. Nhưng cũng có khi, chân dung kẻ thù lại hiện ra trong một sắc diện trái ngược hẳn: lời chào thân thiện trong tiếng đệm đàn piano của đám Tây đầm ở ngôi nhà cạnh chiến tuyến của những người lính tự vệ Thủ đô trong khoảnh khắc trước giờ nổ súng. Phải chăng điều tác giả muốn gửi gắm qua những mảng tranh lắp ghép ấy là thông điệp: nhìn kẻ thù không nên chỉ nhìn từ góc độ đối địch hằn học, mà hãy nhìn họ cả ở khía cạnh con người. Như vậy, nhìn từ hệ thống các tuyến nhân vật, có thể thấy thế giới nhân vật trong ba tiểu thuyết dù là chính diện hay phản diện, loại nhân vật lịch sử hay nhân vật hư cấu, được mô tả đầy đặn từ diện mạo, tiểu sử đến đời sống nội tâm, hay chỉ sơ qua một vài nét tính cách, hành động, đều thể hiện sự sắc sảo, tinh tế của nhà văn trong việc nắm bắt thần thái nhân vật. Các nhân vật đều rất rõ ràng, không hề trộn lẫn, dù có quan hệ tương đồng hay bổ sung. Những mối quan hệ này giúp cho việc khắc họa cá tính các nhân vật lịch sử rõ nét hơn, và thế giới nhân vật hư cấu cũng sắc sảo và đời thực hơn. 2. Điểm nhìn nghệ thuật Nhìn chung, trong cả ba tiểu thuyết, nhà văn xác định cho mình một điểm nhìn tương đối độc lập, là ngôi thứ ba ẩn mình. Giữ một thái độ khách quan, nhà văn không đưa ra những thiên kiến đánh giá mà tập trung miêu tả nhân vật một cách khách quan, tái hiện sự kiện như là nó vốn có, không phải vì ông không có chủ kiến rõ ràng mà muốn để người đọc tự cảm nhận, tự tìm thấy giá trị của từng bài học lịch sử ấy. Đây cũng là điểm khác biệt giữa văn phong của Nguyễn Huy Tưởng với bậc tiền bối có nhiều ảnh hưởng tới ông là tiểu thuyết gia Nguyễn Triệu Luật. Điểm nhìn trần thuật khách quan sẽ giúp cho tác giả dễ dàng tái hiện lại bối cảnh không gian rộng lớn, những tình tiết phức tạp, nắm bắt nhân vật không chỉ ở hành động, lời nói, mà còn cả chiều sâu tâm trạng với những uẩn khúc. Nhờ đó, thế giới tiểu thuyết không còn là sự lược thuật, khảo cứu lịch sử mà trở thành những thước phim sống động. Nhờ tính khách quan của điểm nhìn trần thuật mà tác giả dễ dàng có thể gửi gắm tình cảm của mình với Thăng Long yêu dấu bằng những hình ảnh thơ mộng, hào hùng hay đau thương. Nhà văn cũng có thể bày tỏ lòng kính ngưỡng, sùng bái của mình với lịch sử của mình bằng cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng trong mỗi tác phẩm. Đêm hội Long Trì là khúc ca chiến thắng của chính nghĩa, An Tư là khúc khải hoàn của sức mạnh dân tộc và nhân dân, Sống mãi với thủ đô tuy còn dang dở nhưng cũng có thể thấy niềm tin chiến thắng ngời lên trong khí phách của những cảm tử quân. Ở Sống mãi với thủ đô, nếu chỉ có điểm nhìn tác giả thì tiểu thuyết chỉ là bản tường thuật tin chiến sự. Chất tiểu thuyết được tạo ra từ những điểm nhìn nhân vật. Tác phẩm lấy bối cảnh hoạt động sôi động, với không gian biến chuyển linh hoạt, không gian cộng đồng, xã hội nhiều hơn không gian cá nhân, vì thế mỗi nhân vật khi xuất hiện dù trực tiếp hay gián tiếp cũng được soi chiếu từ rất nhiều điểm nhìn của những nhân vật còn lại. Khái niệm điểm nhìn bên ngoài được hiểu là những góc độ quan sát và phản ánh hiện thực khách quan. Ở góc độ này người đọc có thể cảm nhận rõ rệt những cảm xúc của chính nhà văn đối với hiện thực mà ông đang tái hiện. Dựng lại những không gian, sự kiện, con người của lịch sử xa xưa, Nguyễn Huy Tưởng tỏ ra là người am hiểu vô cùng sâu sắc quá khứ. Từ Hội nghị Diên Hồng của bảy thế kỷ trước, trong không gian điện Tập Hiền, đến cảnh trận chiến Hàm Tử, Chương Dương ngất trời hào khí Đông A, vang lừng tiếng hô “Sát Thát”; cảnh ăn chơi xa hoa của phủ chúa Trịnh trong những đêm hội Long Trì bên hồ Tây thơ mộng, hay khung cảnh và con người thủ đô trong những năm đầu Độc lập, được dựng lại tỉ mỉ, sống động. Điểm nhìn bên trong biểu hiện bằng hình thức tự quan sát của nhân vật, bằng cái tự cảm thấy trong nội tâm nhân vật. Điểm nhìn bên trong thể hiện cách nhìn nhận đánh giá của bản thân nhân vật với đối tượng khách thể nhưng cũng là cách để nhân vật tự bộc lộ mình. Những trăn trở đau đớn của Trịnh Sâm khi đến thăm người con gái ốm yếu vừa được quan sát từ điểm nhìn bên ngoài (qua cảm nhận của Quỳnh Hoa), vừa là cái nhìn soi chiếu tự trách từ bản thân nội tâm ông ta. Nhưng từ điểm nhìn bên trong của nội tâm nhân vật, ta thấy đọng ở đó những nỗi đau, những hờn tủi mà không một dòng lịch sử trang trọng nào có thể xoá nhoà. Đó là tâm trạng bẽ bàng của An Tư sau mỗi lần chung đụng thân xác với Thoát Hoan. Người đàn ông đó không phải là người nàng yêu, thậm chí là kẻ thù, nên mỗi cuộc ân ái trở thành một cuộc chiến thực sự trong nội tâm người con gái hoàng tộc này. So với những nhà văn cùng thời và cả sau này, có thể thấy, Nguyễn Huy Tưởng khá mạnh dạn khi lồng vào tiểu thuyết của mình những cảnh ái ân, vốn là điều cấm kị trong giai đoạn văn học đó trở về trước. Không táo bạo và sống sượng như một số tiểu thuyết gia cuối thế kỷ XX miêu tả, cũng không né tránh bằng điển cố như các nhà tiểu thuyết lịch sử cùng thời, Nguyễn Huy Tưởng miêu tả cảnh chăn gối của An Tư với Thoát Hoan rất thực tế mà không thô lậu bằng sự thấu hiểu, đồng cảm. Như Tây Thi đem thân mình làm vũ khí, An Tư cũng phải vận dụng thuật “nhu chế cương”, để vắt kiệt sinh lực của Thoát Hoan. Một người con gái trong trắng, sinh ra trong môi trường gia giáo khắt khe là hoàng tộc, không có một ngày được đào luyện nghệ thuật quyến rũ lại có thể dùng ngôn ngữ thân xác để chinh phục gã chiến binh Mông Cổ sành sỏi trên tình trường; đó phải chăng là bản năng, là văn hóa phồn thực bản địa, hay là sức mạnh tiềm ẩn của một dân tộc bé nhỏ nhưng kiên cường “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Ở Sống mãi với thủ đô, điểm nhìn liên tục được thay đổi luân phiên bên trong bên ngoài, giữa người trần thuật và nhân vật. Nhân vật Trần Văn - người trí thức tiểu tư sản được khắc hoạ đan xen từ điểm nhìn của người trần thuật và điểm nhìn của nhân vật, có cái nhìn bên trong và bên ngoài, thể hiện rõ tính cách của người trí thức tiểu tư sản với nhiều lưỡng lự, đắn đo trước thời thế. Chất men say rất tiểu tư sản ấy đã đem đến cho cuộc chiến tàn khốc những sự tươi mát, thi vị, làm giảm đi sức nóng ngột ngạt của mất mát hy sinh, gieo vào lòng người tham gia niềm hy vọng tin tưởng về sự bất diệt của chính nghĩa, của những giá trị nhân bản, nhân văn. 3. Không gian và thời gian nghệ thuật Cảm hứng lịch sử ở Nguyễn Huy Tưởng giúp ông tạo dựng, tái thiết những không gian đậm sắc thái lịch sử. Dù đó là không gian của hàng trăm năm trước hay là của vài năm trước, nhà văn vẫn tạo được một khoảng cách nhất định về thời gian, bao phủ những không gian bằng gam màu cổ kính, thâm nghiêm. Không gian nghệ thuật trong ba tiểu thuyết này có thể phân loại như sau: không gian cung đình, không gian phố phường, không gian thiên nhiên và không gian chiến trận. Cung đình trong hai tiểu thuyết An Tư và Đêm hội Long Trì đã được nhà văn tái thiết dựa trên nguồn sử liệu ít ỏi của những tác giả thời trung đại, bằng sự mày mò, tự khảo cứu, kết hợp với trí tưởng tượng, nhà văn đã dựng lên khung cảnh của những cung Cảnh Linh, điện Tập Hiền, ao Ngoạn Thiềm, hồ Long Trì, Bội Lan thất xa hoa tráng lệ của các bậc vua chúa. Không gian cung đình là nơi diễn ra những tấn tuồng lịch sử, cũng là nơi đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong những bước ngoặt trọng đại của lịch sử. Trong An Tư, cung điện nhà Trần ở Thăng Long là một đấu trường lớn, ở đó diễn ra những nước cờ chính trị biến ảo khôn lường. Ở góc độ nhìn nhận và đánh giá lịch sử, cung đình là nơi diễn ra mọi tội ác, cũng là nơi tạo công đức đối với cả cộng đồng. Tái hiện không gian cung đình của lịch sử xa xưa không phải là công việc dễ dàng với những nhà tiểu thuyết lịch sử đương đại Việt Nam, bởi do hoàn cảnh chiến tranh tàn phá, dấu tích của sử học, cũng như các công trình kiến trúc không còn lại được là bao, đòi hỏi người cầm bút phải cần mẫn kiếm tìm tư liệu, kết hợp với sự hư cấu để tái hiện chi tiết và sinh động không gian quá khứ. Nguyễn Huy Tưởng đã làm được hơn thế, ông không chỉ tạo dựng không gian kiến trúc mà còn tìm ra những giá trị, những bài lịch sử sau mỗi không gian nghệ thuật ấy. Không gian phố phường là không gian quen thuộc thứ hai trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Nhà văn đã bộc lộ tình yêu với Thăng Long xưa và nay trong những dòng miêu tả đậm màu sắc lãng mạn về không gian phố phường ấy. Đó là Thăng Long rộn vang tiếng hô Sát Thát trong tiểu thuyết An Tư, ba mươi sáu phố phường hỗn loạn vì kẻ ác lộng hành trong Đêm hội Long Trì. Nhưng có lẽ không gian Hà Nội được tập trung tái hiện rõ ràng và sinh động nhất là trong tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô. Đó là một Thăng Long trong hiện tại, rạo rực trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Người Hà Nội gắn bó với mảnh đất tinh hoa của ngàn năm chung đúc. Trong con mắt của những người yêu quý thủ đô, nó vẫn đẹp trong những ngày đông trước giờ khắc chiến tranh nổ ra, nó mang vẻ đẹp “buồn nghiêm nghị”. Hà Nội chuẩn bị bước vào kháng chiến không có dáng vẻ của thành phố bi thương, ảm đạm mà trái lại vẫn ánh lên cái đẹp cương nghị, trầm lắng. Không gian phố phường ấy khi lâm trận lại trở thành không gian chiến trận: những đường phố trở thành giao thông hào, những nồi đất ụ cát ngổn ngang, những căn nhà ầm ĩ tiếng đục tường, tiếng nói cười, hô hào nhau. Ở trong không gian ngổn ngang ấy, người ta thấy như quá khứ đang đồng hiện với hiện tại, những chiến công Chương Dương, Đông Bộ Đầu, Đống Đa năm nào đang được tiếp nối theo dòng lịch sử. . Cảm hứng lịch sử trong tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng Tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô xây dựng một thế giới nhân vật đông. tự cảm nhận, tự tìm thấy giá trị của từng bài học lịch sử ấy. Đây cũng là điểm khác biệt giữa văn phong của Nguyễn Huy Tưởng với bậc tiền bối có nhiều ảnh hưởng tới ông là tiểu thuyết gia Nguyễn. kị trong giai đoạn văn học đó trở về trước. Không táo bạo và sống sượng như một số tiểu thuyết gia cuối thế kỷ XX miêu tả, cũng không né tránh bằng điển cố như các nhà tiểu thuyết lịch sử cùng