1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Tiếp nhận Gogol ở Việt Nam qua bản dịch "Những linh hồn chết" pdf

5 381 1

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 5
Dung lượng 187,53 KB

Nội dung

Tiếp nhận Gogol ở Việt Nam qua bản dịch "Những linh hồn chết" Theo những chuyên gia tiếng Pháp, thì bản dịch Những linh hồn chết của Hoàng Thiếu Sơn, về cơ bản, trung thành với bản dịch tiếng Pháp. Đây là một dịch phẩm hấp dẫn người đọc bởi nó giữ được tiết tấu, kết cấu của nguyên tác, phần nào đó thành công trong việc chuyển tải được những sắc thái hài hước vốn là sức mạnh của tác phẩm và chuyển những kiểu ngôn ngữ đa dạng trong nguyên tác sang những kiểu ngôn ngữ tiếng Việt tương đồng. Song, nếu chỉ bằng lòng với những gì mà bản dịch đã đạt được, thì không còn điều gì để nói. Khi so sánh những bản dịch Những linh hồn chết bằng tiếng Trung Quốc, Viện sĩ Riptin chỉ ra những kiểu dịch khác nhau, song cái đích mà các dịch giả Trung Quốc và Đài Loan nhắm tới, đó là: bên cạnh việc “chuyển đạt đủ và đúng những thông tin của nguyên bản về hiện thực được mô tả trong tác phẩm, bản dịch còn phải tôn trọng phong cách của nguyên bản: âm vực của ngôn ngữ, biệt ngữ xã hội và địa phương của nguyên bản và bản dịch phải tạo ra được một hiệu quả thẩm mĩ tương đương với nguyên bản (Formal-asthetique Aquivalence) (8) . Quan niệm dịch thuật này hiện được nhiều người ủng hộ. Cao Việt Dũng chia sẻ: “dịch thuật là công việc chuyển một văn bản từ một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác, với điều kiện cốt tử là văn bản sau phải thật giống với văn bản trước. “Giống” ở đây nghĩa là tạo được văn bản mới giữ nguyên được các tính chất và hiệu quả ban đầu của bản gốc”. Dịch giả trẻ tuổi này kêu gọi phải dịch sao cho “một người Pháp cảm thấy gì khi đọc Stendhal thì một người Việt Nam cũng cần được cảm thấy (ít nhất là gần) giống như thế” (9) . Trong quan niệm dịch thuật này, cái khó chính là truyền đạt chuẩn xác nội dung, phong cách của nguyên tác bằng một ngôn ngữ đích nhiều khi rất xa với ngôn ngữ gốc, đồng thời lại phải làm sao cho bản dịch phù hợp với tầm tiếp nhận của độc giả để họ có thể hiểu được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Vẫn biết dịch thế nào đó để một độc giả Việt Nam vốn xa lạ với ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, phong tục tập quán nước Nga, nhất là nước Nga thế kỉ XIX, cảm nhận Những linh hồn chết giống như một người Nga là điều cực kì khó (gần như không thể), song nó vẫn là cái đích để các dịch giả chúng ta vươn tới, giống như các tác giả của 17 bản dịch tiếng Trung Quốc và 6 bản dịch tiếng Nhật mà Riptin nhắc tới. Dịch theo quan niệm nêu trên, ngoài việc sử dụng điêu luyện ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích, còn đòi hỏi sự hiểu biết về nền văn hoá dân tộc sản sinh ra tác phẩm và bằng cách này hay cách khác luôn được thể hiện trong sáng tác của nhà văn, và một điều thiết yếu nữa là phải nắm được đặc trưng thi pháp của tác giả và tác phẩm chọn dịch. Thiếu một trong những điều kiện trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng bản dịch, tức ảnh hưởng tới sự tiếp nhận tác phẩm, tác giả. Dưới đây chúng tôi muốn làm sáng tỏ điều này dựa trên sự phân tích cụ thể một một số điểm trong bản dịch Những linh hồn chết. * Trước hết, chúng tôi muốn đề cập tới một lĩnh vực rộng lớn trong thiên trường ca này. Đó là lĩnh vực văn hoá, phong tục tập quán mà Gogol dầy công nghiên cứu, sưu tầm trong sách vở, trong những chuyến du hành của ông khắp nước Nga và mô tả tài tình trong tác phẩm của mình (10) . Chỉ cần nói về “văn hoá ẩm thực” của người Nga trong Những linh hồn chết cũng đủ thấy rõ điều này. Trong tập 1, có hai buổi dạ tiệc lớn ở nhà quan tỉnh trưởng với bao nhiêu chi tiết bên trong: ăn uống, nhảy múa, chơi bài và rất nhiều những bữa ăn phong phú, đa dạng khác được mô tả một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Trong cuộc phưu lưu mua bán những linh hồn chết, tới bất cứ nơi nào, ngoại trừ điền trang của Pluskin - kẻ keo kiệt đã trở thành thành ngữ, Tsitsikov cũng được khoản đãi. Trong tác phẩm, tính hiếu khách, hào phóng “đốt nến cả hai đầu”, kiểu “ăn to nói lớn”, “ăn thùng uống vại” của người Nga, qua ngòi bút đầy chất tạo hình của Gogol, đã trở thành một đặc tính dân tộc. Chính vì vậy, khi bước vào khu vực lắm rắc rối này, nếu không tra cứu kĩ, người dịch rất dễ bỏ chi tiết, dịch sai câu chữ, dẫn tới sự “xa nguyên tác” và sự vô lí của câu văn. Xin chỉ đưa ra đây một ví dụ nhỏ. Bữa tối đầu tiên của Tsitsikov ở khách sạn tỉnh lị N.N gồm toàn món thông thường. Song nếu dịch ngược thực đơn với “món súp bắp cải kèm theo một miếng patê xếp thành lá dành cho khách lữ hành đã để từ mấy tuần”, thì người Nga sẽ không công nhận đây là món ăn của họ, họ không ăn súp bắp cải với patê. Trong nguyên tác, món súp này được ăn với bánh mì, và chỉ có bánh mới để được vài tuần. Sự sai sót này xuất phát từ bản dịch tiếng Pháp, trong đó, không hiểu do lỗi người dịch hay lỗi của nhà xuất bản (nhà Gallimant nổi tiếng!?), thay vì pâte (patê - danh từ giống cái chỉ chiếc bánh) đã nhầm thành pâté (patê – danh từ giống đực). Những món ăn Nga trong tác phẩm bị dịch sai khá nhiều. Không chỉ vậy, ngay cách ăn uống của các nhân vật đôi khi cũng không được chú ý. Chẳng hạn, dịch Tsitsikov “ăn một mẩu thịt bò non nguội” (trong nguyên bản là “một xuất thịt bê nguội”) là không đúng với thói phàm ăn của y. Ăn “mẩu” thịt bê chỉ có thể là lão già keo kiệt “vá chằng vá đụp” Pluskin, chứ không thể là Tsitsikov, càng không thể là “con gấu” Sobakaevich hay “con gà” Petux (Tsitsikov có thể chỉ ăn một xuất, chứ hai gã này phải đánh cả đùi, thậm chí nửa con bê ). Tính thân xác, nhục thể là một trong những điểm nhấn quan trọng trong chân dung những nhân vật của Gogol. Gien ăn uống vô tư khoẻ mạnh của tổ tiên, ở các nhân vật của Gogol đã phát triển thành “tâm hồn ăn uống” thuần tuý. Mô tả cái “tâm hồn” này đầy đủ và kĩ lưỡng bao nhiêu, Gogol càng cho ta thấy cái thế giới tinh thần của các nhân vật của ông trống rỗng khủng khiếp bấy nhiêu. Nếu không hiểu khía cạnh thi pháp này, người dịch rất dễ vi phạm ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Sự vi phạm tương tự cũng sẽ xẩy ra khi dịch các tục danh của người, vật, cũng như các thành ngữ tràn ngập trong tác phẩm. Nếu trong cái thế giới mà thân xác, vật chất lấn át tinh thần, khiến những kẻ sống chỉ còn là “những linh hồn chết”, thì ngược lại, tên đặt, tục danh người, vật, vốn là một phần của ngôn ngữ dân gian ngập tràn sự sống, thứ ngôn ngữ theo Gogol, chảy từ “những chốn sâu thẳm của nước Nga mà ra nơi ngự trị của trí tuệ Nga linh hoạt, táo bạo, tươi như mới ra đời; cái trí tuệ không có sẵn lời nói trong túi, không ấp ủ từng tiếng nói như gà mái ấp con; mà đem gán cho anh một chữ, chỉ một lần thôi, nhưng mà anh sẽ phải mang như một tấm hộ chiếu suốt cả đời; không cần phải thêm vào hình dạng của mũi hay của môi anh; vì chỉ một nét là đã vẽ xong chân dung anh toàn vẹn từ đầu đến chân rồi!”. Thứ ngôn ngữ này được sử dụng điêu luyện và sáng tạo trong tác phẩm, chỉ bằng vài từ nó khắc hoạ sinh động, hồn nhiên, hóm hỉnh hình ảnh những nông phu đã chết. Chính vì thế, việc không dịch chính xác nghĩa các tục danh sẽ dẫn tới những cái tên nghe ngô nghê, vô lí và hiệu quả nghệ thuật hiển nhiên sẽ bị giảm bớt. Tuy nhiên, dịch những tục danh rất khó, có những lắp ghép từ quá lạ khiến các dịch giả bó tay và đành dịch theo kiểu “từ ốp từ”. Chẳng hạn, tục danh của một nông phu nghe rất lạ tai “Gạch cho bò cái” (bản tiếng Pháp - “Brique-à-vache”). Trong nguyên bản, từ này là “Korovyi kirpist”. Khi tra đại từ điển tiếng Nga của Dal, chúng tôi mới vỡ lẽ, ở nước Nga thủa ấy, nhiều nơi lấy phân bò đánh nhuyễn, đóng thành bánh như những viên gạch, không phải để xây, mà phơi khô dùng để đốt.“Korovyi kirpist” là tục danh của một nông phu chuyên làm việc này. Do đó, thay vì “gạch cho bò cái” (không hiểu tại sao lại là“bò cái”?), cần phải là “gạch phân bò”, thậm chí “than phân bò” (như kiểu than tổ ong của ta) và có chú thích ở dưới. Một bộ phận quan trọng khác của ngôn ngữ dân gian được sử dụng nhiều và tài tình trong Những linh hồn chết, đó là những thành ngữ. Dùng thành ngữ của ngôn ngữ đích để dịch thành ngữ trong nguyên tác là rất khó, vì ít khi thành ngữ ở các thứ tiếng khác nhau lại trùng hợp hoàn toàn. Do vậy thành ngữ thường được dịch nghĩa kèm theo chú thích. Trong bản dịch của Hoàng Thiếu Sơn, phần lớn các thành ngữ được dịch nghĩa khá chuẩn, song ở những chỗ ông cố công chuyển thành ngữ Nga sang thành ngữ Việt Nam, thì sự thiếu chính xác của nghĩa đã dẫn tới sự vô nghĩa của câu. Chẳng hạn đoạn sau đây: “Kết thúc ngày hôm ấy, hình như khách ăn một mẩu thịt bò non nguội, điểm một chai kvax sủi bọt rồi đi ngủ, “cửa đóng then cài cẩn thận” như người ta thường nói ở một số miền trong đế quốc Nga rộng lớn”. Dịch giả Pháp hiểu thành ngữ “vo vsiu nasosnuiu zavertku” (“cái bơm chạy hết tốc lực”), có nghĩa ngủ ngáy rất to, đã dùng một thành ngữ khác để chuyển nghĩa: “ngáy như sấm”. Song thành ngữ “cái bơm chạy hết tốc lực” chỉ tiếng ngáy to, nhưng dồn dập, vậy nên dịch một cách chính xác phải là “ngáy như kéo bễ”. Thành ngữ “cửa đóng then cài” trong bản dịch tiếng Việt hoàn toàn không liên quan đến kiểu ngáy của Tsitsikov trong nguyên tác. Tính thân xác của nhân vật, vì vậy, cũng trở nên mờ nhạt (Gogol hay mô tả cách đi đứng, ăn ngủ và những kiểu ngáy của các nhân vật). Khi viết về đặc thù thi pháp Gogol, Belyu nhận xét: “Chủ đề của Gogol có một đặc điểm nổi bật: nó không thu gọn mình trong những đường biên thường được đo đạc cho nó; nó phình ra bên ngoài; nó hà tiện, giản đơn, thô sơ trong cốt truyện, bởi vì được vẽ kẻ tận tường, được đẽo sâu trong các chi tiết tạo hình, trong các sắc màu, bố cục, nước đi âm vi, tiết điệu của sự tạo hình ấy. Trong nội dung, như nó thông thường được hiểu, không nhiều “nội dung” lắm; nơi mà người ta chỉ thấy những chi tiết trình bầy, những sắc thái được tô đậm - ở đấy chủ đề của Gogol biểu hiện sức mạnh đặc biệt của nó; bố cục, màu sắc, từ ngữ tựa hồ như chìa khoá mở ra trong nội dung giả cái nội dung thật ” (11) . Chi tiết và thủ pháp mô tả chi tiết, móc nối chi tiết quan trọng như thế, nên chỉ cần bỏ một chi tiết, hoặc dịch sai, là câu văn sẽ sộc sệch, nhiều khi phi lí, làm mất đi tiếng cười vốn ẩn sâu trong từng chi tiết, thậm chí là những chi tiết nhỏ nhất. . Tiếp nhận Gogol ở Việt Nam qua bản dịch "Những linh hồn chết" Theo những chuyên gia tiếng Pháp, thì bản dịch Những linh hồn chết của Hoàng Thiếu Sơn, về cơ bản, trung. những kiểu ngôn ngữ tiếng Việt tương đồng. Song, nếu chỉ bằng lòng với những gì mà bản dịch đã đạt được, thì không còn điều gì để nói. Khi so sánh những bản dịch Những linh hồn chết bằng tiếng Trung. văn bản sau phải thật giống với văn bản trước. “Giống” ở đây nghĩa là tạo được văn bản mới giữ nguyên được các tính chất và hiệu quả ban đầu của bản gốc”. Dịch giả trẻ tuổi này kêu gọi phải dịch

Ngày đăng: 25/07/2014, 01:22

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w