1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Nguyễn Bình Phương Lục Đầu giang tiểu thuyết docx

9 385 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 9
Dung lượng 204,58 KB

Nội dung

Nguyễn Bình Phương - Lục Đầu giang tiểu thuyết Đi từ bản thể con người đến bản thể đời sống, mở rộng diện phản ánh, ở cấp độ này, tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy ghi một dấu mốc quan trọng trên hành trình sáng tạo của Nguyễn Bình Phương. Thể hiện những con người ở phương diện toan tính, hiếu sát, điên dại… như một hiện hữu bất thường, Nguyễn Bình Phương đã đặt ra vấn đề tiếp cận vô thức tập thể như là tư tưởng chủ chốt của tác phẩm. Trong tác phẩm, không chỉ nhân vật Tính hiện lên như một kẻ điên mà tất cả con người trong làng Phan đều hiện lên ở thế rộn rạo của một sự nhập cuộc vào thế điên loạn. Nguyễn Bình Phương đã sử dụng đậm đặc các biểu tượng ám ảnh để biểu hiện dấu hiệu của sự tha hóa ấy. Tác phẩm mang dáng dấp của một cấu trúc vòng tròn xoáy trôn ốc quanh biểu tượng con cú. Trong vòng tròn ấy, là tất cả những vận động dần đẩy con người đến trạng huống “thoạt kỳ thủy” của một xã hội tha hóa, phi nhân tính. Bởi cú mèo là loài vật sống về đêm, ngày ẩn ấp yên lặng. Ở khía cạnh đầu tiên, nó tượng trưng cho sự yên tĩnh, thanh lặng. Về sau, do chỗ thường xuất hiện khi có người chết, nó biểu trưng cho cái chết, cái ác. Vì vậy, mở đầu tác phẩm bằng sự tác động vào cái yên lặng, tiểu thuyết khởi đầu cho một quá trình; mở đầu bằng sự tác động vào cái chết, cái ác và kết thúc bằng hình ảnh con cú đạp nước bay lên kéo dòng sông tuột khỏi đôi bờ bằng đôi móng sắc, tác phẩm báo hiệu sự thắng thế của cái chết và sự hủy diệt. Tuy vậy, ở chiều sâu nhân bản, Nguyễn Bình Phương cũng cố gắng đem đến cho tác phẩm một hồi quang hy vọng. Đó là việc để cho cấu trúc tác phẩm có sự song hành hai biểu tượng con cú và ánh trăng. Tính sinh ra trong ánh trăng, nhưng là thứ ánh trăng đã bị lệch lạc, đã mất đi tính nữ (trăng lạnh, trăng vàng như mắt chó (- ác)…). Tính sống cả cuộc đời trong nỗi ám ảnh về ánh trăng. Cái lạnh lẽo của ánh trăng, rộng ra là cái nhạt nhẽo của nhân tình, khiến Tính tìm đến máu nóng (ám ảnh về máu) như một phản ứng, một khát vọng đạp đổ nên cũng là một bi kịch. Cái bi kịch của con người phải dùng đến cái điên riêng mình chống lại cái “điên” chung của cả cộng đồng như một biểu hiện của sự băng hoại. Nói cách khác, sự điên dại của của Tính (phần nào đó của cả Hiền và ông Phùng) chính là biểu hiện của tỉnh thức giữa sự bao vây của cộng đồng vô thức cho mình là tỉnh thức. Vì vậy, kết cục tất yếu là Tính sẽ bị loại bỏ hoặc tự loại bỏ. Hai khả năng này kéo theo hai hệ quả tương ứng. Tính bị loại bỏ nghĩa là cái ác sẽ bao trùm, thống trị. Tính tự loại bỏ nghĩa là hoặc cái thiện bị triệt tiêu hoặc nó đã vượt trên cái ác để tồn tại bằng hành động dứt khoát chối từ chung sống. Cái chết trên ngưỡng cửa nhận thức, khi bắt gặp ánh trăng tỏa ngời từ Hiền, như tính nữ hằng thường, đã đưa Tính hòa vào cái thiện. Cái chết của Tính mang trong nó tính chất của sự tái sinh. Cái thiện, cái đẹp dù nhỏ nhoi nhưng sẽ phát triển, sẽ lấn át cái ác và ngự trị. Phương thức huyền thoại có phần nhạt hơn trong Trí nhớ suy tàn và Ngồi. Thứ nhất là do đối tượng thể hiện có phần đặc biệt. Cả hai tác phẩm đều hướng đến một phạm vi thể hiện tương đối nhỏ, hẹp là trí nhớ và sự suy tàn của trí nhớ trong Trí nhớ suy tàn hay trạng thái lưng chừng, lừng khừng của xã hội Việt Nam trong Ngồi. Điều này hẳn nhiên đã thu hẹp khá nhiều mảnh đất làm nảy sinh cái kỳ ảo và vô thức. Vì vậy, sự hiện diện của phương thức kỳ ảo trong các tác phẩm này tuy chỉ ở mức độ là cái phụ trợ, bổ trợ như phần vô thức (có thể hình dung như vậy qua hình ảnh cây điệp vàng và người điên canh giữ cây điệp vàng) là sự nhắc nhớ việc giữ gìn mối tình cũ hay cái ám ảnh nhược tiểu luôn luôn hiện diện như những tràng mõ trong tâm trí những nhân vật của tiểu thuyết Ngồi, đặc biệt là Khẩn nhưng cũng không kém phần quan trọng trong việc thể hiện quan điểm nghệ thuật của tác giả. Cái làm nên thành công hay thất bại của những tác phẩm này, như đã nói, sẽ phần nhiều phụ thuộc vào những thế mạnh khác của Nguyễn Bình Phương mà trước hết là thi pháp kết cấu. 2. Thi pháp kết cấu Bên cạnh phương thức huyền thoại, thành công nổi bật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương phải kể đến thi pháp kết cấu tác phẩm. Điểm qua sáu tiểu thuyết đã nói ở trên, dễ thấy tính chất kết hợp thể loại trong các tiểu thuyết. Nguyễn Bình Phương là nhà văn thực sự đã dụng công trong việc xóa nhòa biên giới giữa các thể loại, đưa nhiều thể loại khác vào tiểu thuyết để mang đến một hình thức cấu trúc tiểu thuyết khác trước. Cùng với một số tiểu thuyết của Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Thuận,… tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thường mang cấu trúc tiểu thuyết lồng tiểu thuyết thậm chí đã có những đột phá táo bạo như: tiểu thuyết lồng nhật ký, điện ảnh hay âm nhạc. Tiếp nhận kỹ thuật tiểu thuyết phương Tây, chính sự nhập nhòa giữa biên giới các thể loại này đã khiến các nhà văn này mang được nhiều, đa dạng, đầy đủ và sinh động các trạng huống sống vào trong tác phẩm. Hiện thực vì vậy, bớt đi tính chất là cái được phản ánh để trở thành cái đang hiện sống. Cụm ba tiểu thuyết Vào cõi, Những đứa trẻ chết già và Người đi vắng thể hiện được nhiều nét riêng của Nguyễn Bình Phương khi sử dụng kỹ thuật lồng tiểu thuyết. Những biểu hiện của kỹ thuật này trong cấu trúc của Vào cõi vẫn còn đôi chỗ còn tỏ ra chưa bạo dạn trong cách lựa chọn điểm nhìn và người kể chuyện giữa hai mạch truyện. Chẳng hạn, đã để cho Tuấn là người tự bộc bạch tâm trạng trong mạch truyện về mình mà tiếp tục để Tuấn là người kể chuyện chủ đạo trong câu chuyện của hai chị em Vang, Vọng, chắc tiểu thuyết sẽ có những đột phá đáng kể. Bởi nếu sự thao thiết của Tuấn trong mạch hoài niệm về tình yêu một thuở đã đem đến cho tiểu thuyết chất thơ; thì chính việc cho Tuấn đi thẳng vào chất văn xuôi của đời sống hàng ngày, trực tiếp đối diện với nó, sẽ mang đến một góc tham chiếu trực diện và lý thú hơn là cách chỉ để cho Tuấn là một nhân vật phụ trong mạch truyện thứ hai của tác phẩm. Tuy vậy, đến hai tiểu thuyết sau, dù hiện thực có vẻ được nới rộng, ngồn ngộn và giàu có hơn nhưng kỹ thuật kết cấu không vì thế mà chìm khuất đi, thậm chí, càng được khẳng định một cách rõ rệt. Hai mạch truyện về cõi âm và cõi dương trong Những đứa trẻ chết già là nỗ lực và cũng là kết quả đầu tiên (cùng với vấn đề huyền thoại) làm nên sự thành công trong nỗ lực đổi mới tiểu thuyết của tác giả. Bản thân mạch truyện phức tạp về cõi dương xoay quanh hai gia đình ông Trường hấp và lão Trình đã đủ sức để tiểu thuyết thành một tác phẩm hư cấu độc đáo. Thêm phần hiện thực cõi âm, nhịp đều đều theo tiếng xe trâu như vọng về từ quá khứ, tác phẩm rõ ràng đã mở ra được một bình diện khác ở bề sâu tư tưởng. Tính chất triết luận được làm bật lên và trở thành ý hướng xuyên suốt tác phẩm. Xoay quanh một loạt những nghịch lý trong đời sống thế sự nhân sinh, rồi thể hiện sự lắng lọc, kết tụ của nó trong chiều sâu huyền thoại, tiểu thuyết đã mang đến một cảm thức mới về thời gian và thân phận con người. Người đi vắng cũng dựa trên chiều kích không - thời gian như thế để cấu trúc tác phẩm với ba mạch: mạch truyện về cõi thường, mạch truyện về cõi ảo và mạch truyện về lịch sử. Gần như đã có một tiểu thuyết lịch sử tương đối hoàn chỉnh về khởi nghĩa Thái Nguyên, từ đêm trước ngày khởi nghĩa đến ngày cuối cùng, sau mấy tháng bị giặc Pháp truy quét, lãnh tụ Đội Cấn phải tự sát. Nhưng mạch truyện này, khi được gia tăng thêm hai sự kiện lịch sử rất nhỏ khác: cảnh công chúa Diên Bình lên Thái Nguyên và cảnh Lưu Nhân Chú vươn cổ chịu chết chém dưới lưỡi đao của Lê Sát đã đem đến một sức vươn khá đáng kể trong việc soi tỏ hiện tại. Nếu như Diên Bình đã trở thành bà chúa làm nên sự linh thiêng của đền Xương Rồng, Lưu Nhân Chú gửi hồn hòa trong không khí và cỏ cây vùng đất Đại Từ, thì các lãnh tụ của Thái Nguyên quang phục quân chắc cũng có được một vai trò như vậy với mảnh đất Thái Nguyên, với con người Thái Nguyên. Nói cách khác, lịch sử đã được Nguyễn Bình Phương tái tạo ở cả hai phương diện thực sử và huyền sử. Nếu thực sử minh định một cách chính danh đóng góp của nhân vật lịch sử để ghi nhớ công trạng họ thì huyền sử mới thực sự là nơi chủ yếu khẳng định sự trường tồn của sự thực lịch sử ấy. Chỉ có điều, huyền sử không chỉ lưu giữ con người công trạng mà còn lưu giữ cả con người đời thường của các yếu nhân. Và chính ở chỗ này, huyền sử đã mở ra cánh cửa tiếp cận con người lịch sử ở khía cạnh bản thể đầy đặn. Hóa ra các vĩ nhân xét đến cùng vẫn là con người thường hằng với đầy đủ những khuyết thiếu mà đã sinh ra là con người thì đều không tránh khỏi. Nó là phần vô thức chi phối hiện thực lịch sử và sau lại tác động đến tương lai của cộng đồng mà sự kiện lịch sử đó chi phối. Tuy nhiên, thành công nổi bật ở thi pháp kết cấu của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương phải là ở Trí nhớ suy tàn và Thoạt kỳ thủy. Là người đến với thơ trước tiểu thuyết, cái căn cốt thi sĩ vẫn đậm nét trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Và chính căn cốt này đã đem đến cho Nguyễn Bình Phương một tiểu thuyết độc đáo, có ý nghĩa như một thể nghiệm thành công của trào lưu cách tân tiểu thuyết Việt Nam những năm gần đây. Thụy Khuê đã dựa vào các đặc trưng của tiểu thuyết mới để chỉ ra những dấu hiệu chịu ảnh hưởng của Trí nhớ suy tàn (3) . Xét riêng ở khía cạnh kết cấu tác phẩm, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi làm nên vẻ đẹp riêng có của nó. Trí nhớ suy tàn dường như chỉ mang lời văn tâm lý, rất ít tính chất sự việc trong nó. Câu văn không hàm ẩn chủ thể phát ngôn là nhân vật xưng em thì cũng là những lời vắng chủ từ. Nó mang cấu trúc của lời thơ hơn là cấu trúc của lời văn tiểu thuyết. Đó là điểm đặc biệt thứ nhất. Điểm đặc biệt thứ hai nằm trong chủ thể của phát ngôn: nhân vật xưng em. Chính ngôi xưng này khiến cho người đọc như được tham dự vào tác phẩm, trở thành một “nhân vật” ở trong thế đối thoại với nhân vật chính. Nội dung của đối thoại hầu như cũng không đi quá xa những câu chuyện vụn vặt trong đời sống thế sự. Cảm giác khoảng cách giữa nhân vật và người đọc hầu như đã được xóa nhòa. Nhân vật như đang tâm sự, đang bộc bạch hay cật vấn chính bản thân mình còn người đọc tham gia vào đó như một người lắng nghe, cảm thông và chia sẻ. Không tìm thấy bàn tay sắp đặt, tác giả dường như đã lui về phía sau, nhường toàn bộ sàn diễn cho nhân vật và người đọc. Rõ ràng, trong bối cảnh này, việc người đọc tham gia trực tiếp như một nhân vật của tác phẩm, tức một thành tố cấu thành cấu trúc tác phẩm, là hoàn toàn hợp lý. Tạo cho tác phẩm sự luân chuyển điểm nhìn giữa người kể và người nghe, Nguyễn Bình Phương đã thành công về kỹ thuật tự sự khi chọn cho Trí nhớ suy tàn điểm nhìn từ ngôi thứ hai. Sự nhuần nhuyễn trong cách lựa chọn đề tài, cách viết câu văn, đã khiến cho tiểu thuyết có độ mở đáng kể, thu nạp vào nó tất cả mọi cách tiếp nhận, đánh giá về nhân vật chính - với tư cách là người trực tiếp đối thoại - để làm nên sự năng sản ngữ nghĩa. Sự mở rộng của biên độ trí tưởng tượng như một dụng ý nghệ thuật không chỉ góp phần phơi mở phần vô thức mà còn làm rỗng nghĩa thông tin của lời văn, đưa lời văn tiểu thuyết sang địa hạt của thơ ca. Nếu coi Trí nhớ suy tàn như một sự “lại giống” của con người thi ca thì Thoạt kỳ thủy lại vừa như một nỗ lực đổi mới thường xuyên, một đề tài trăn trở, cùng một bước đột phá của Nguyễn Bình Phương trên địa hạt tiểu thuyết. Thoạt kỳ thủy xứng đáng được coi là đỉnh cao nhất, là sự hội tụ trọn vẹn và sung mãn của bút lực tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.Thoạt kỳ thủy là tiểu thuyết tiêu biểu cho phương thức kỳ ảo trong lối viết của Nguyễn Bình Phương như đã nói. Nhưng đồng thời cũng là nơi thể hiện nhiều nét thành công nhất trong việc xây dựng cấu trúc nghệ thuật. Để làm được cả hai điều đó trong cùng một lúc, Nguyễn Bình Phương đã hướng vào con đường tiếp cận điện ảnh trong thể loại tiểu thuyết. Như đã phân tích ở trên, ngay hình thức ba phần (A - Tiểu sử; B - Chuyện; C- Phụ chú) đã đem đến cho tiểu thuyết một cấu trúc lạ, dần tiến đến cấu trúc của một tác phẩm điện ảnh. Có thể hình dung thước phim ấy theo mạch truyện về con cú mà mỗi cảnh quay tương đương với một lần nó hiện lên sáng rỡ rồi khuất lấp đi để nhường chỗ cho sự sống sinh động của làng Phan. Con cú như là hình dung đầu tiên hiện lên trong trí nhớ của người kể chuyện mà mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời con cú lại hé mở những ký ức khác về ngôi làng ven sông. Hiện thực trong cuốn phim vì vậy bị mờ nhòa đi những nét hiện hữu để mang mang màu sắc huyền thoại. Người kể chuyện tưởng chừng như không tham gia vào tuyến sự kiện của tác phẩm, chỉ là người đứng ngoài quan sát, người quay phim nhưng thực chất ở một quá vãng nào đó, lại là một nhân vật chính yếu trong câu chuyện về ngôi làng. Cấu trúc mới mẻ, độc đáo mà tiểu thuyết có được chính là nhờ vào việc tạo lập một người kể chuyện nhập nhòe như thế. Nhưng những thành công về mặt thi pháp kết cấu của Nguyễn Bình Phương ở tiểu thuyết này còn được thể hiện ở những cấu trúc vi tế hơn. Ở đây, tôi muốn nói đến cách tác giả đưa ra một hiện dạng xã hội ở bờ vực của sự băng hoại, cái xã hội làng Phan đang chớm vào hoại tử ở tất cả các yếu tố cấu thành nên nó. Trước hết, làng Phan được Nguyễn Bình Phương thể hiện ở cả hai chiều âm - dương, cõi sống - cõi chết, cõi hữu thức - cõi vô thức. Ở cõi con người không thể tri nhận, làng Phan luôn luôn hiện lên trong sự mờ ảo, linh dị, hoang đường,… như được đùn lên từ đất, lan vào từ sông, vọng ra từ núi để độc chiếm không gian Linh Nham. Ở cõi con người có thể nhận thức được, thì có hàng loạt những dấu hiệu thể hiện sự lụi tàn, sự dần méo mó,… với những toan tính, rình rập, thoái hóa, biến chất. Nghĩa là cái dương tính đang dần teo tóp đi trong khi cái âm tính lại trương phình lên, thú tính phát triển lấn át nhân tính, tất cả được bày biện như một thế đẩy lùi sự sống. Yếu tố vô thức đã được triệt để khai thác nhằm thể hiện quá trình tiệm thoái này. Sau nữa, trong xu hướng ấy, Nguyễn Bình Phương đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các biểu tượng nghệ thuật. Thoạt kỳ thủy có lẽ là tác phẩm mang trong nó nhiều nhất những biểu tượng của văn hóa phương Đông. Từ con cú như sự tượng trưng cho cái xấu, cái ác đến dòng sông tượng trưng cho sự sống, làng xóm, nhân quần ở mạch truyện thứ nhất. Từ quan niệm tiêu trưởng âm dương đến cấu trúc của ngũ hành trong mạch truyện thứ hai. Nguyễn Bình Phương đã kỳ công cho một sự sắp đặt như thế. Trong thế giới hiện sinh của làng Phan, luôn trở đi trở lại các biểu tượng của hành kim (con dao chọc tiết lợn, tiếng búa đập đá, súng), hành thủy (dòng sông), hành hỏa (lửa đốt nhà ông Điện, chiến tranh), hành thổ (vườn rau, bãi Nghiền sàng). Duy chỉ có hành mộc là ít xuất hiện (hoặc có nói đến thì cũng rất mờ nhạt như việc tưới rau, bán rau). Phải đợi đến phần phụ lục, nó mới hiện lên như một yếu tố độc tôn trong truyện ngắn Và cỏ của ông Phùng. Thêm hành mộc trong Và cỏ, Nguyễn Bình Phương đã hoàn tất quá trình thể hiện một cách đầy đủ, sinh động sự băng hoại, suy đồi của xã hội làng Phan. Trong tiểu thuyết, Tính là nhân vật hiện lên như một biểu tượng có tính hai mặt trong bản chất con người. Ngay từ khi chưa sinh, Tính đã nhận được từ người cha những trận đòn qua người mẹ, sinh ra liền chịu ám ảnh bởi tiếng gặm chén man dại của người cha, lớn lên trong sự dẫn dắt về cách thức giết lợn kiếm ăn của ông Điện, trưởng thành trong kích động cắn cổ quân thù của Hưng, và chết trên ngưỡng cửa nhận ra ánh sáng của sự sám hối (ngỡ ngàng trước làn bụi vàng tỏa ra từ cây thánh giá rồi ngoặt đầu dao đâm thẳng vào cổ mình). Nói cách khác, ở bề mặt, Tính là con người bị coi là tha hóa nhưng ở đáy sâu của sự thức nhận, Tính là con người hướng thiện. Vì vậy, Tính cũng là nhân vật tiêu biểu cho tính phức tạp, đa tầng trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Bình Phương. Thoạt kỳ thủy lôi cuốn người đọc không chỉ bởi tài năng nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương mà còn ở thái độ tiếp cận hiện thực của tác giả. Trưng ra một thế giới đang trên đà rơi tuột xuống bờ vực của sự tha hóa, hủy diệt, Nguyễn Bình Phương đã không chỉ nêu ra nguyên nhân, lên tiếng cảnh báo mà còn thắp nên niềm tin vào sự sám hối, sửa đổi. Sự thức tỉnh của Tính và hành mộc tượng trưng cho sự phát triển tươi tốt được hiện lên ở phần phụ lục như tiếng nói tố cáo toàn bộ cái tha hóa của thế giới trong chính văn vừa thắp nên hi vọng vào một sự đổi thay. Với tất cả ý nghĩa đó, ở kết tinhh cao nhất cả hai phương diện làm nên phong cách tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Thoạt kỳ thủy là đỉnh cao nhất của một lối viết tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Cõ lẽ, sau Thoạt kỳ thủy, để tiếp tục viết tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương cần phải rẽ theo hướng khác. HÀNH TRÌNH TỚI BIỂN So với các cây bút tiểu thuyết Việt Nam đương thời, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có được một tiếng nói riêng chính bởi cách thức xây dựng kết cấu huyền thoại. Bảy tiểu thuyết trong khoảng chưa đầy hai mươi năm thâm canh, trong đó có những tiểu thuyết đứng được như Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn và Thoạt kỳ thủy, là một thành công đáng kể với người cầm bút. Phương thức huyền thoại đã là nhân tố đầu tiên khu biệt tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Dù đậm nhạt, gia giảm khác nhau, phương thức huyền thoại luôn được Nguyễn Bình Phương triệt để khai thác trong các tác phẩm. Thậm chí, có thể chỉ ra được mạch vận động của phương thức này trong tư duy nghệ thuật Nguyễn Bình Phương. Nếu ở Bả giời, Vào cõi, Nguyễn Bình Phương mới thể hiện cái kỳ ảo như một yếu tố, mới bắt đầu đặt ra vấn đề về cái vô thức thì đến Những đứa trẻ chết già và Người đi vắng, huyền ảo đã là đối tượng của tiếp cận nghệ thuật. Thoạt kỳ thủy nâng phương thức này lên đến cao trào, làm nên một thành công đáng kể của Nguyễn Bình Phương. Có lẽ, đó cũng là lý do để nhiều người đồng tình cho rằng Nguyễn Bình Phương là nhà văn đã đã đi được sâu nhất vào vô thức của con người (4) . Kết cấu huyền thoại cũng là một điểm nhạy cảm trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Hình như đây chính là cái hàn thử biểu để nhận diện những thành công và thất bại trong hành trình sáng tạo của tác giả. Bởi Nguyễn Bình Phương hết sức chú trọng đến vấn đề này trong sáng tác. Chưa một tiểu thuyết nào của Nguyễn Bình Phương không thấy xuất hiện từ ý thức kết hợp các thể loại (hay xóa nhòa biên giới thể loại) đến kết cấu từng tác phẩm, hình tượng. Và phần nhiều thành công mà tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có được cũng là nhờ vào kiểu kết cấu này. Nếu quan niệm như vậy, thì một sự diện điểm các tác phẩm sẽ thấy ở hai tiểu thuyết Vào cõi và Ngồi, Nguyễn Bình Phương đã thất bại về mặt cấu trúc. Và nữa, nếu các tác phẩm sau Vào cõi đã khắc phục được hạn chế về mặt kết cấu, thậm chí đẩy cao trong Thoạt kỳ thủy để hô ứng với phương thức huyền thoại, thì Ngồi là một bước lùi trong nghệ thuật tự sự của Nguyễn Bình Phương. Hình như đã có một sự vênh lệch hay một kết hợp thiếu tương ứng giữa đề tài và bút pháp ở tiểu thuyết này. Nguyễn Bình Phương định bao trọn cả tâm thức dân tộc Việt ở chiều sâu vô thức của nó hay đã đi quá đà trong việc sử dụng kỹ thuật tiểu thuyết, hay giản dị hơn, cái tâm thức dân tộc Việt mà Nguyễn Bình Phương muốn chiếm lĩnh cũng chẳng mấy khác tâm thức của một cái “làng”, là điều đã được thể hiện đậm nét qua Thoạt kỳ thủy? Vì rõ ràng khát vọng đi từ bản thể con người đến tâm thức cộng đồng rồi tâm thức dân tộc là mạch vận động nhất quán trong tư duy nghệ thuật Nguyễn Bình Phương. Tuy vậy, Nguyễn Bình Phương vẫn xứng đáng là cây bút có phong cách độc đáo của văn học Việt Nam đương đại, có nhiều sáng tạo trong nỗ lực đổi mới tư duy và nghệ thuật tiểu thuyết. Như một kết quả bước đầu của văn học Việt Nam theo hướng hòa nhịp với văn học thế giới, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, ở cả việc đưa đến hiện thực mang màu sắc huyền thoại đến những lời văn đã dần có sự rạn vỡ sự độc tôn của lời văn tiểu thuyết, đã hàm chứa trong nó nhiều vấn đề của cảm thức hậu hiện đại. Trước hết ở sự từ bỏ đại tự sự, sau nữa là sự xóa nhòa ranh giới (hay kết hợp các thể loại văn học) với nhau trong việc thể hiện hiện thực như một hiện hữu sống động. Song cũng cần nói thêm rằng, thâm canh ở phương thức huyền thoại, nhất là các vấn đề vô thức, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thực sự kén chọn độc giả. Sáng tác của Nguyễn Bình Phương ít đem cho người đọc một sự khoái cảm dễ dãi mà thường chỉ có được sau một quá trình vật lộn với sự đọc. Với những trang viết thành công là một nhẽ, ở những trang viết mà hình như cả người viết cũng phải lao động cật lực mà nghệ thuật vẫn ngoài tầm với, hoặc nhà văn chỉ chạm hờ được vào đó, thì thực sự, sẽ ít nhiều trở thành sự thách đố với người đọc. Nói cách khác, dòng sông mà bấy lâu Nguyễn Bình Phương bồi tụ phù sa có cần thêm một sự nắn dòng? . cách tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Thoạt kỳ thủy là đỉnh cao nhất của một lối viết tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Cõ lẽ, sau Thoạt kỳ thủy, để tiếp tục viết tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương. cấu của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương phải là ở Trí nhớ suy tàn và Thoạt kỳ thủy. Là người đến với thơ trước tiểu thuyết, cái căn cốt thi sĩ vẫn đậm nét trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. . khác vào tiểu thuyết để mang đến một hình thức cấu trúc tiểu thuyết khác trước. Cùng với một số tiểu thuyết của Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Thuận,… tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thường

Ngày đăng: 23/07/2014, 10:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN