Futabatei Shimei và tiểu thuyết mới đầu tiên: "Ukigumo" 2. Ukigumo và những đóng góp cho văn học Nhật Bản hiện đại Ukigumo chỉ có bốn nhân vật, là câu chuyện xoay quanh một chàng thanh niên tên là Utsumi Bunzo, con trai của một lãnh chúa thời Mạc phủ Tokugawa. Truyện mở đầu bằng sự kiện Bunzo bị đuổi việc không phải vì thiếu năng lực mà vì không chiều ý cấp trên. Khi anh báo tin với Omasa, một người họ hàng và là chủ nhà trọ của anh, bà rất đỗi lo lắng. Trước đó, Omasa định gả con gái là Osei cho Bunzo, nhưng bà không muốn chấp nhận một chàng rể thất nghiệp. Do đó, bà đổi ý và chuyển sang dành thiện cảm cho Noboru, một thanh niên cần cù, thân thiện và biết cách thu phục tình cảm người khác. Trái ngược với Bunzo, Noboru chẳng những không bị mất việc mà còn được tăng lương. Cô con gái Osei, mặc dù trước đó cũng dành tình cảm cho anh chàng Bunzo nhút nhát và có tác phong đạo đức của một samurai nhưng đã nhanh chóng bị chinh phục bởi những lời tán tỉnh ngọt ngào của Noboru. Mối quan hệ giữa Osei và Noboru tưởng chừng sắp đi đến hôn nhân thì Noboru lại gặp một sự quyến rũ mới - cô gái xinh đẹp là em vợ của thủ trưởng đơn vị. Do sự xuất hiện của nhân vật mới, những cuộc viếng thăm gia đình Osama của Noboru trở nên thưa dần. Cuốn tiểu thuyết dừng lại ở tình trạng dang dở như thế. Nhiều nhà phê bình cho rằng Futabatei cố ý để ngỏ câu chuyện, nhưng cũng có người cho rằng tác giả ngụ ý Osei sẽ quay trở về với Bunzo. Ukigumo là một tiểu thuyết có cốt truyện đơn giản và rất ít nhân vật, trong đó tác giả chú trọng đến vấn đề miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật hơn là tạo ra những tình tiết xung đột hấp dẫn. Ý nghĩa của nhan đề tác phẩm là “mây trôi”, ám chỉ số phận trôi nổi của nhân vật nữ Osei trong câu chuyện, do những toan tính của bà mẹ trong việc dàn xếp một cuộc hôn nhân theo hướng thực dụng. Thông qua số phận của nhân vật đó, tác giả muốn phê phán lối sống chú trọng vật chất là một khuynh hướng phổ biến trong xã hội Nhật Bản thời Minh Trị, mặt trái của trào lưu học hỏi theo khuôn mẫu phương Tây. Về mặt hình thức, Ukigumo đóng góp cho văn đàn Nhật Bản thời Minh Trị một lối kể chuyện hoàn toàn mới, do Futabatei chủ trương đưa văn nói vào tiểu thuyết, xoá bỏ sự phân biệt giữa văn nói và văn viết, giữa ngôn ngữ thông tục và ngôn ngữ trau chuốt trong tác phẩm văn chương. Tuy rằng ở thời điểm mà cuốn tiểu thuyết xuất hiện, lối viết mới mẻ của Futabatei không phải là một thành công lớn thuyết phục được các nhà phê bình nhưng nếu xem xét vấn đề ở một tầm nhìn bao quát hơn thì chủ trương “ngôn văn nhất trí” của tác giả Ukigumo là một nỗ lực đáng được trân trọng. Trước hết, lối viết này mang lại một nét mới trong nghệ thuật kể chuyện của tiểu thuyết Nhật Bản, khác với dòng chảy đơn điệu của văn phong trau chuốt trong những tác phẩm văn học cổ điển. Hơn nữa, việc sử dụng ngôn ngữ nói trong tiểu thuyết giúp chuyển tải những câu chuyện, tình tiết có nội dung phong phú hơn và cũng gần với cuộc sống đời thường hơn. Chẳng hạn, để khắc hoạ chân dung nhân vật là một thương nhân không có trình độ học vấn và chỉ quan tâm đến những khía cạnh vật chất như tiền tài, danh vọng, việc sử dụng ngôn ngữ thông tục trong văn nói là cần thiết và sẽ làm cho tác phẩm đạt hiệu quả nghệ thuật cao hơn. Về nội dung, Ukigumo đã thành công trong việc miêu tả hiện trạng xã hội Nhật Bản thời Minh Trị với những vấn đề tiêu cực cần được phản ánh và phê phán. Tuy là một tiểu thuyết rất ít nhân vật nhưng các nhân vật chính trong câu chuyện đều mang tính cách điển hình cho những nhóm người trong xã hội với tư tưởng và lối sống khác nhau. Bunzo là người rụt rè, ít bộc lộ bản thân, sống theo quan niệm đạo đức của giới samurai đề cao những giá trị tinh thần trong đó giá trị quan trọng nhất là lòng trung thực. Noboru là người khôn ngoan, nhạy bén, nhiều tham vọng, sống thực dụng và dễ thay đổi. Omasa là một thương nhân chạy theo những lợi ích vật chất trước mắt và vì những mối lợi này mà có thể thay lòng đổi dạ. Osei thì nhẹ dạ, không có lập trường, chuộng lối sống phương Tây nên dễ bị lôi cuốn bởi những cám dỗ vật chất và không nhìn nhận được chân giá trị. Nhờ thành công trong việc xây dựng các nhân vật điển hình, Ukigumo tuy chỉ là một câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật chính nhưng đã nêu lên được những vấn đề lớn của xã hội đương thời. Vấn đề trước hết là sự tồn tại đan xen giữa cái cũ và cái mới, giữa giá trị truyền thống mang tinh thần Nhật Bản và yếu tố ngoại nhập mang dấu ấn của văn hoá, xã hội phương Tây. Đạo đức samurai là đại diện cho yếu tố truyền thống, trong khi lối sống thiên về vật chất, dễ thay đổi là trào lưu mới, là mặt trái của chủ trương học hỏi phương Tây. Từ bối cảnh đó nảy sinh vấn đề thứ hai là nguy cơ về chuẩn mực đạo đức trong một xã hội mà những giá trị truyền thống đang bị lấn át, bị chìm lấp sau những đam mê vật chất của cuộc sống phù hoa, giống như hoàn cảnh nhiều thất bại của nhân vật chính Utsumi Bunzo. Đó là những vấn đề không chỉ có ở Nhật Bản mà còn xảy ra ở nhiều xã hội khác trong buổi giao thời, khi một đất nước phải tiến hành cải cách để cơ cấu lại xã hội theo một hướng phát triển mới. Những bất ổn trong lòng xã hội trong thời gian mà cấu trúc mới chưa hoàn thiện cần phải được phản ánh qua các loại hình nghệ thuật để việc định hướng phát triển được thực hiện tốt hơn, giảm thiểu những khuyết tật về văn hoá, đạo đức. Theo quan niệm này,Ukigumo đã thực hiện được vai trò quan trọng của một tác phẩm văn học qua việc phản ánh những tiêu cực trong xã hội với cách nhìn phê phán, đồng thời hướng đến việc nhìn nhận và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp về đạo đức và lối sống. Là một người yêu thích và am hiểu về văn học Nga, Futabatei đã thành công trong việc sử dụng kỹ thuật viết tiểu thuyết trong văn học phương Tây để xây dựng một tác phẩm mang tính hiện thực cao và phù hợp với bối cảnh văn hoá, xã hội Nhật Bản. Sự kết hợp khéo léo này đã làm nên giá trị quan trọng nhất của tiểu thuyết Ukigumo, khác với sự mô phỏng đơn giản và không mang giá trị nội tại của những tiểu thuyết phóng tác theo văn học nước ngoài. Một thành công khác của tiểu thuyết Ukigumo là cách xây dựng hình tượng nhân vật. Đây là tiểu thuyết đầu tiên của Nhật Bản thể hiện rõ nét sự dụng công của nhà văn trong việc xây dựng tâm lý nhân vật và cho thấy sự chi phối của tâm lý, tư tưởng trong hành động, ứng xử của nhân vật đó. Tiểu thuyết Tosei shosei katagi của nhà văn tiền bối Tsubouchi Shoyo chỉ dừng lại ở mức độ mô tả sự kiện, nên Ukigumo với khuynh hướng đi sâu vào tư tưởng và đời sống nội tâm của nhân vật được đánh giá là tác phẩm thành công hơn và có tính nghệ thuật cao hơn. Để thể hiện điều đó, có nhà phê bình đã dùng cách nói hình ảnh, với đại ý rằng nếu những tiểu thuyết trước Ukigumo là tranh khắc gỗ thì tác phẩm này là tranh sơn dầu, ngụ ý là tác phẩm nghệ thuật nhiều chiều kích và có độ sâu. Khuynh hướng thiên về phân tích tâm lý đã được thể hiện ở phần đầu tiên của tiểu thuyết và càng phát triển rõ rệt hơn ở phần thứ hai. Đồng thời, thông qua việc phân tích tâm lý, tác giả gửi gắm vào suy nghĩ và tình cảm của nhân vật những trăn trở của chính mình, những quan điểm trong việc nhìn nhận giá trị bản thân và cảm nhận cuộc sống. Nhờ đó, tiểu thuyết trở nên thực tế hơn và hình tượng con người trong tác phẩm cũng trở nên gần gũi hơn. Một đặc trưng về cách xây dựng nhân vật của Futabatei - không chỉ thể hiện trong Ukigumo mà còn lặp lại trong những tiểu thuyết sau đó - là chủ trương không xây dựng nhân vật chính thành hình tượng anh hùng. Đó là một biểu hiện khác biệt so với khuynh hướng quen thuộc trong văn học Nhật Bản truyền thống. Utsumi Bunzo, cũng giống như các nhân vật chính trong những tiểu thuyết sau này, là một người bình thường, không bị cường điệu hoá về phương diện nào đó để trở nên nổi bật. Điều đó trước hết tạo nên sự mới lạ và độc đáo của một tác phẩm văn học hiện đại, thoát khỏi sự lặp lại đơn thuần một truyền thống cũ. Nhưng quan trọng nhất là sự khác biệt này mang tính tiên phong, khơi nguồn cho một trào lưu văn học mới phản ánh cuộc sống một cách chi tiết và chân thực. Nếu nhân vật chính trong tiểu thuyết luôn được xây dựng là một anh hùng, một sự nổi trội về vị trí hay tính cách thì câu chuyện không tránh khỏi tẻ nhạt vì sự lặp lại về tư tưởng. Ngược lại, trong tác phẩm của Futabatei thì những đặc điểm hết sức bình thường của nhân vật chính tạo nên ấn tượng về tính chân thực, tính khách quan của câu chuyện đồng thời làm cho tác phẩm trở nên gần gũi, sinh động, thoát khỏi vẻ cứng nhắc khuôn khổ của tiểu thuyết truyền thống. Chẳng hạn như nhân vật Osei là một kiểu người có thể đánh giá theo nhiều cách. Cô là nạn nhân của lối sống thực dụng, trọng vật chất và chỉ biết đến lợi ích trước mắt, nhưng cũng là người đã từ chối nhìn nhận chân giá trị để theo đuổi một cuộc sống hào nhoáng nhưng đầy bất ổn. Nếu phải gò ép câu chuyện theo khuôn khổ của tiểu thuyết truyền thống thì không thể phản ánh được những tính cách như vậy, trong khi cuộc sống thực thì luôn có những trạng thái không phân biệt rõ ràng giữa tốt và xấu, như trường hợp nhân vật Osei. Hay Bunzo tuy không phải là một anh hùng và không có thành tựu gì nổi bật nhưng lại có những giá trị đạo đức mang vẻ đẹp riêng mà một người có vẻ thành đạt như Noboru không có được. Với cách xây dựng nhân vật như trên, Futabatei đã thực hiện được bước đột phá của văn học Nhật Bản hiện đại. Nhờ đó, tiểu thuyết hiện đại có thể đi vào những góc khuất của cuộc sống, miêu tả được những tính cách phức tạp, không rõ ràng và do vậy có thể phản ánh những vấn đề xã hội một cách uyển chuyển nhưng trung thực và chính xác. Mặc dù nội dung câu chuyện chưa được giải quyết để có một kết thúc rõ ràng, và vẫn còn nhiều điểm yếu kém về mặt kỹ thuật, nhờ những thành công nói trên mà Ukigumo cho đến nay vẫn được công nhận là tiểu thuyết đầu tiên, là điểm khởi đầu thực sự của văn học Nhật Bản hiện đại và là một tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Futabatei . Futabatei Shimei và tiểu thuyết mới đầu tiên: "Ukigumo" 2. Ukigumo và những đóng góp cho văn học Nhật Bản hiện đại Ukigumo. Trị một lối kể chuyện hoàn toàn mới, do Futabatei chủ trương đưa văn nói vào tiểu thuyết, xoá bỏ sự phân biệt giữa văn nói và văn viết, giữa ngôn ngữ thông tục và ngôn ngữ trau chuốt trong tác. trị nội tại của những tiểu thuyết phóng tác theo văn học nước ngoài. Một thành công khác của tiểu thuyết Ukigumo là cách xây dựng hình tượng nhân vật. Đây là tiểu thuyết đầu tiên của Nhật Bản