Tính phức điệu Thế giới quan của văn học Nga những năm 1920-1930 Văn học Nga thế kỷ XX với hai dòng chảy của nó, mà nay đã được hoà làm một: văn học nơi chính quốc và văn học lưu vong - là một hiện tượng quan trọng xét cả ở bối cảnh dân tộc, lẫn bối cảnh thế giới. Và đỉnh cao mỹ học, triết học của nó, theo tôi, chính là văn học những năm 1920-1930, một nền văn học phong phú đến kỳ lạ và tươi rói những tài năng, đã đưa vào văn học dân tộc những tip người mới, những xung đột, vấn đề và chân trời tư tưởng mới Nó vừa tiếp tục thế kỷ vàng cổ điển và thế kỷ bạc của văn học Nga, vừa có những đào sâu mới về mặt nguyên tắc vào bản chất của con người và thế giới, cái ác xã hội và bản thể - trong giai đoạn bước ngoặt đại chúng hoá của lịch sử, những chấn động cách mạng, sự tấn công của văn minh công nghiệp- đô thị vào xã hội nông dân Kitô giáo truyền thống, những say mê mới và những thất vọng cay đắng, áp lực của những hệ tư tưởng khuyết tật… Từ các tầng lớp thấp của xã hội Nga, được kích hoạt bởi những biến động và bước ngoặt của thời đại, những rung chuyển dữ dội các nền tảng của cuộc sống, đã tràn vào văn học cả một thế hệ nghệ sĩ tài năng và táo bạo khác thường - các nhà thơ (chỉ cần kể tới Sergei Esenin, Vladimir Maiakovski và Nikolai Zabolotski…), và các nhà văn xuôi bằng một làn sóng rộng lớn những truyện vừa và truyện ngắn đã cày xới mảnh đất Nga rối ren, tắm trong máu (Vsevolod Ivanov, Artiom Vesiolyi, Andrei Platonov, Aleksandr Neverov, Aleksandr Phadeev, Isaak Babel…), để đi tới những bức tranh nghệ thuật tổng hợp, bao trùm, nhằm suy ngẫm sâu xa về những gì trải qua, về số phận bi thảm của nhân dân trong cách mạng. Nếu văn xuôi và đặc biệt là thơ ca ở chính quốc những năm 1920-1930 hoạt động nhiều trong môi trường không tưởng của lý tưởng cải cách tối cao, khi đưa ra cách tiếp cận sáng tạo mới với những mâu thuẫn định mệnh, và những giới hạn của số phận con người hữu tử, thì văn học thế hệ trẻ những kiều dân Nga các năm tháng đó lại đi sâu vào các vấn đề hiện sinh của "cái tôi" cá nhân, đối mặt với cái kết thúc và sự tuyệt vọng siêu hình (Gaito Gazdanov, Vladimir Nabokov, Boris Poplavski…). Phạm vi tư duy của các tư tưởng, cách tiếp cận đối với con người, Chúa, tự nhiên, xã hội và tương lai ở đây rất rộng, bao gồm cả những khuynh hướng đối lập nhau, lẫn gần gũi nhau bên trong, bổ sung cho nhau. Chúng ta đều biết là văn học Nga, bắt đầu từ thế kỷ XIX hoàng kim của mình, và có lẽ cũng không có nền văn học nào khác trên thế giới, rất quan tâm tới những vấn đề thế giới quan, hơn thế là những vấn đề tối cao, hướng tới những luận cứ và mục đích cuối cùng của sự xuất hiện con người trong thế giới, tới cốt lõi của bản tính đầy phức tạp, mâu thuẫn của nó, mối quan hệ với những thực tại nền móng của sự sinh tồn của nó: Chúa, tự nhiên, vũ trụ, cái ác, cái chết, tình yêu (eros), những người khác… Khá phổ biến là ý kiến cho rằng chính văn học Nga đã sinh ra tư tưởng triết học dân tộc hết sức độc đáo. "Dostoievski, - N.A. Berdiaev viết, - không chỉ là một nghệ sĩ vĩ đại, ông còn là một tư tưởng gia vĩ đại và một người thấu thị tâm linh vĩ đại" (1) . Ở mức độ này hay mức độ khác, cũng có thể nói đúng như thế về những tác gia lỗi lạc nhất của nước Nga, từ Pushkin, Lermontov, Tiutchev, Gogol, Tolstoi đến Andrei Platonov, Mikhain Prishvin, Leonid Leonov… Nếu nói về triết học đích thực như một ngành khoa học nhân văn riêng biệt, được nhận thức ở nước Nga trước hết như là thế giới học, nhân học, như là sự mò mẫm tiên tri những con đường tương lai của cứu rỗi, thì nó, quả thực, đã phát triển và chín muồi trong lòng văn học, trong thân thể sống động, rộng lớn của thơ ca, văn xuôi, phê bình, và đạt tới sự tồn tại độc đáo mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX - một phần ba đầu thế kỷ XX, khi nó thể hiện mình trước hết như một loại tư biện đạo đức-tôn giáo, đặt ra chủ yếu vẫn là những vấn đề cơ bản tương tự như trong văn học: về Chúa và con người, về viễn cảnh tiến hoá về mặt bản thể của nó và những trở ngại đối với điều đó, trước hết là những trở ngại bên trong, về lịch sử và hậu thế Tư tưởng cách tân sáng tạo xuất hiện ở Nikolai Phedorov và Vladimir Soloviev, Sergi Bulgakov và Nikolai Berdiaev, Pavel Florenski và Aleksandr Gorki và các đại biểu khác của phong trào Phục hưng triết học-tôn giáo, cũng như trào lưu triết học tự nhiên, thường được kết hợp lại trong khái niệm “thuyết vũ trụ Nga” (russkij kosmizm), về phần mình bắt đầu ảnh hưởng đến văn học của cả thế kỷ bạc lẫn văn học những năm 1920-1930. Hơn thế trong văn học nơi chính quốc, được đặc biệt phấn khích bởi niềm hứng khởi tái cấu trúc thế giới và con người, sự đột phá của lao động sáng tạo tập thể vào cái sau-lịch-sử tương lai, thì những tư tưởng ấy không hiếm khi thu lượm âm hưởng Promethée, âm hưởng Nhân-Thần, góp mặt vào tính phức điệu tư tưởng phức tạp, năng động-tương phản của văn học thời kỳ đó (2) . Chủ nghĩa Promethée và những phản biện của nó Cách mạng trong sáng tác của nhiều nhà thơ vô sản, cũng như các nhà thơ nông dân mới – từ Vladimir Kirillov, Mikhail Gerasimov, Ivan Philipchenko, Aleksei Gastev đến Piotr Oreshin, Nikolai Kliuev, Sergei Esenin - được tiếp nhận trong những năm đầu tiên của nó không chỉ đơn giản là một cuộc cách mạng xã hội thông thường, mà như một sự biến lớn lao, sự khởi đầu của một bước ngoặt bản thể, có sứ mệnh tái tạo không chỉ xã hội, mà cả trật tự các sự vật trong thế giới và cuộc sống của con người trên nền tảng bản tính tự nhiên của nó (ở đây đề cập đến cả việc điều chỉnh tự nhiên, lẫn việc đạt tới sự bất tử). Lý tưởng cách mạng và chủ nghĩa xã hội hóa ra đã thấm đẫm cảm hứng tôn giáo đã được biến hoá, với khát khao của nó vươn tới hạnh phúc tột bậc và cải tạo toàn bộ tự nhiên. Các luận điểm của chủ nghĩa Marx về “bước nhảy vọt từ vương quốc của thiết yếu sang vương quốc của tự do” được kết hợp với những hoài bão tôn giáo về “bầu trời mới và mặt đất mới”, về “tạo vật mới” sống trên đó, một “thiên đường của người mugich”, “thành quốc Kitezh”, những thứ luôn sống mãi trong tâm thức dân gian. Điểm chính yếu của hệ tư tưởng mới, hay có thể nói, đòn xeo của nó, mà các nhà sáng tác vô sản muốn dùng để xoay chuyển thế giới, là tư tưởng và lý tưởng tập thể, tập thể ở phạm vi khổng lồ, toàn hành tinh, được cổ vũ bởi niềm hứng khởi lao động và cải tạo trái đất bằng lao động. Mà hiện thời tất cả những tư chất cho một nhận thức tập thể như thế, theo A.A. Bogdanov - người thầy tư tưởng chính của các nhà thơ vô sản – thì chỉ giai cấp vô sản mới có. Khác với chủ nghĩa Marx chính thống, Bogdanov cho rằng “động cơ chung và chủ yếu của tiến bộ” không phải là cuộc đấu tranh “trong lòng xã hội” (giai cấp), ngược lại, nó biến thành cái kìm hãm sự phát triển, bởi nó "làm hao tổn sức lực và phát tán sự chú ý sáng tạo của con người", mà là "cuộc đấu tranh trực tiếp của con người với thiên nhiên" (3) , được ông hiểu rất rộng như sự nhận thức thế giới, chinh phục các thế lực tự nhiên, cải biến bản thân bản tính con người trong quá trình đó. Xuất hiện không phải "trong vầng hào quang của những bí ẩn thần thánh", mà là trong tiếng gầm gào và khói bụi của “các nhà máy, công xưởng và vùng ngoại vi", "vị cứu thế bằng sắt" của các nhà thơ vô sản có nhiệm vụ tối cao của mình, hoàn toàn theo kiểu Bogdanov, như chủ nhân ông của tự nhiên, người sai khiến các sức mạnh và hiện tượng của nó: Nơi nào tiếng thét uy quyền của anh vang lên - nơi đó lòng đất mở ra, Trong chớp mắt núi phải nhường lối trước anh, Các địa cực thế giới xích gần lại… (V. Kirillov. Vị cứu thế bằng sắt, 1918) Cảm hứng "dựng xây-kiến tạo" (A. Bogdanov) của lý tưởng chủ nghĩa xã hội được thể hiện mạnh mẽ và trọn vẹn nhất trong sáng tác của Ivan Philipchenko. Trong thơ ông, cái ý tưởng của Bazarov "thế giới là xưởng thợ, còn con người là người thợ trong đó" thực sự đã được thực hiện, hơn thế, thế giới - theo đúng nghĩa đen là toàn bộ trái đất, đã biến thành một xưởng thợ khổng lồ, rung chuyển bởi nhịp độ của những công việc chưa từng thấy, còn con người dường như đã không còn là con người, mà là siêu nhân với trái tim của Promethée, lao vào ngày mai, vào một bản thể mới bất tử, tràn đầy sức lực của vị thần khổng lồ, đầy sức mạnh kiến thiết, tỏa rạng sức khoẻ phi phàm và niềm lạc quan “Hây, những đôi vai, những đôi vai! Hây, những cơ bắp, những múi thịt sắt thép!"). Các nhà thơ vô sản nhận thức và biểu lộ mình trước hết như những người loan truyền niềm tin tập thể. Cái "chúng tôi" vĩ đại, thấm đẫm cảm giác mạnh mẽ phi thường của một tập thể khổng lồ toàn thế giới của những người lao động, các chiến sĩ và người dựng xây đã trở thành tên gọi của rất nhiều bài thơ, thành nhân vật chính trong đó. Có thể trích dẫn bất tận từ các nhà thơ khác nhau những câu như: "Chúng tôi, đoàn quân hung bạo, đông vô số kể" (Kirillov), "Chúng tôi và Các bạn - một Thân thể thống nhất, Các bạn và Chúng tôi - không thể chia tách" (Sadofiev), "Chúng tôi có thể làm tất cả, Chúng tôi phải cả gan" (Gerasimov). Trong bài thơ "Chúng tôi" nổi tiếng của Kirillov đã phát biểu thẳng thắn tín điều chính yếu của Nhân-Thần: "Tất cả là chúng ta, chúng ta - trong tất cả, chúng ta là lửa và ánh sáng bách chiến bách thắng, chính chúng ta là Chúa Trời, là Quan toà, là Luật lệ của mình". Chúa bị lật nhào khỏi bệ tượng, và con người được đặt lên chỗ của ngài, nhưng không đơn thuần là con người, không phải cái "tôi" riêng lẻ, mà là một "chúng tôi" không đếm xuể, một siêu sinh vật cỡ hành tinh nào đó có tinh thần và ý chí thống nhất. Trong một khoảng thời gian nào đó điều này trở thành đức tin tiên tri mới đối với một loạt nhà thơ nông dân mới. Chỉ cần chúng ta nhớ tới bản trường ca nổi tiếng của S. Esenin "Inonia" (1918), trong đó những đặc điểm của cơn cuồng nộ chống Chúa, của chủ nghĩa “người khổng lồ” có kích thước hành tinh- vũ trụ đã xích nó gần với thơ ca vô sản, với các tác phẩm của Maiakovski cuối những năm 1910. Cũng xin nói thêm, Nhân-Thần của Khlebnikov ở tham vọng điên cuồng cao nhất của mình cũng không thua kém gì Nhân-Thần của Maiakovski: Nếu người ta nói: anh là Chúa Trời,- Hãy giận dữ trả lời: thật là vu khống, Ông ta chỉ với tới gót chân tôi! Mà chân có thể bằng vai được không? (Zangezi, 1920-1922) Đồng thời lý tưởng của Khlebnikov hướng tới một thời đại tôn giáo tổng hợp mới nào đó mà có thể dung hoà một cách tốt đẹp và làm giàu cho nhau điện thờ của các vị thần đa thần giáo, các vị thần dân tộc và khu vực của phương Đông và phương Tây, của các nền văn hoá mọi thời đại, khi mà các tôn giáo lớn của thế giới vốn đang chia rẽ nhân loại tự nguyện nhường chỗ cho một sự nhận thức linh thiêng hóa đối với mọi sự vật, nó sẽ bao chứa vào một tích hợp thống nhất toàn thể loài người, toàn bộ tự nhiên và tất cả hoàn vũ (hình tượng Pho sách thống nhất vĩ đại trong tác phẩm Những Az từ những Uz, 1919-1920-1922). Cái Chúng Tôi vô sản được thần thánh hoá, dám cả gan làm một nấc thang phát triển mới cho nhân loại, là một hiện tượng mâu thuẫn và hoàn toàn không đơn nghĩa. Trong đó có cả cảm giác hân hoan đặc biệt được giải phóng khỏi nhà tù cá nhân của "cái tôi" vây bọc lấy nó, sự thống nhất huynh đệ với những người khác, cả sự tiên đoán những khả năng sáng tạo diệu kỳ của một tập thể khổng lồ chung trên toàn trái đất - mặc dù còn dưới dạng sai lệch, nhưng đã bắt đầu đột phá nhận thức hành tinh (mà tư tưởng trí quyển vũ trụ sau này đã hình thành trên sự cần thiết khách quan của nó). Nhưng đồng thời cái nhận thức đột phá đó thường xuyên bị xáo động và vẩn đục bởi những năng lượng đấu tranh và xung đột, bởi sự phân định thành người "của ta" và "của những kẻ khác", người "trong sạch” và "không trong sạch". Cái cổ mẫu vô sản lý tưởng, cái nguyên mẫu mà những người xây dựng "thiên đường trên mặt đất" muốn làm cho giống, và hướng những hoài bão và hành động của mình tới,- không phải là Thần -Nhân, như đối với các nhà triết học tôn giáo luận Nga, mà là Promethée, vị anh hùng-người khổng lồ, kẻ nổi loạn chống lại các thần linh. Chúng ta gặp ở Philipchenko cái định thức cổ điển về Nhân-Thần, được Feurbach khởi dựng đầu tiên ("Người với người là thần"): “Anh sẽ là thần của tôi, tôi sẽ là thần của anh!". Trong số các nhà văn xuôi lớn không ai biểu hiện được một cách thẳng thắn, thậm chí ngây thơ một cách chân thành đến thế cái logich của hệ tư tưởng Nhân-Thần mới đang được hình thành như Gorki. Nhà văn này đã nhiều lần thú nhận với thành bang và thế giới là mình thuộc về "tôn giáo của nhân loại", "tôn giáo mới <…> của những người tin vào khả năng có sự trị vì của con người trên trái đất" (4) . Hơn thế, ở Promethée, "thiên tài của nhân loại" (5) , ông nhìn thấy hình ảnh biểu tượng chính của tôn giáo Nhân-Thần mới, vận hành bởi xung năng tự lập siêu hình sự tự khẳng định mình trong sinh tồn của con người, cái xung năng chế ngự các thế lực tự nhiên của thế giới, bắt thiên nhiên thuần phục mình (câu thơ nổi tiếng trong trường ca Con người viết năm 1904 của ông: "Tiến lên phía trước và cao hơn, lúc nào cũng tiến lên và cao hơn"). Chính trong sáng tác của Gorki bộc lộ công khai mối quan hệ giữa chủ nghĩa Promethée những năm 1920-1930 với cội nguồn phương Tây xa xưa của nó, với sự bành trướng của quá trình hiện đại hoá công nghiệp phương Tây xâm lấn xã hội truyền thống nước Nga nông nghiệp, với lối sống và hình thái tôn giáo-đạo đức của nó, với những giá trị công xã-thân tộc của nó. Thật kỳ lạ là sự mù quáng và điếc đặc hoàn toàn của nhà văn này trước ý nghĩa của nông thôn và công việc của nó, trước phẩm chất và chiều sâu nhận thức đặc biệt của người nông dân, mà lao động của họ gắn liền với tuệ giác về đất đai và bầu trời, các chu kỳ của tự nhiên và vũ trụ, những quan hệ tương tác tinh tế trong thế giới sống. Trong sách Về giới nông dân Nga (1922), trong đó vang lên bản ca khúc vừa ngợi ca đô thị, kẻ sáng tạo ra "thiên nhiên thứ hai", vừa ngợi ca phương Tây, xứ sở của những điều kỳ diệu nhân tạo, thì làng quê Nga, với “kỹ thuật lao động nguyên thủy”, lại hiện lên như một tương phản tăm tối, gây kinh hãi, nơi có những con người gần như hình dạng thú, thường độc ác đến mức "sành sỏi quỷ quyệt", những kẻ ngu tối, thụ động tuân phục định mệnh, thù địch với thành phố, tư duy và khoa học… Từ đâu mà Gorki có thứ định kiến lộ liễu, có sự bất công quá quắt như vậy trong thái độ đối với tầng lớp nông dân, xương sống của cơ thể nước Nga? Tất cả chính là từ cái chủ nghĩa Promethée thần thuật đó, nó làm méo mó tất cả những gì tự nhiên, gốc rễ, truyền thống như những thứ không hoàn thiện, bất hợp lý từ trong tiềm thức. Chủ nghĩa Promethée ấy cực kỳ lạc quan - nó không nhìn thấy những mảng tối, những mâu thuẫn của tiến bộ kỹ thuật, của công nghiệp và khoa học đô thị. Nhà văn của chúng ta đã tìm thấy ở phương Tây, trong không gian địa lý-triết học lý tưởng đó cái chuẩn mẫu Promethée trong cách tiếp cận đối với sinh tồn. Gorki gọi châu Âu là "người giữ gìn đích thực và duy nhất ngọn lửa của Promethée" (6) trong những thư từ gửi Rolland, nhân thể xin nói thêm, ông này đã buộc phải không ít lần bối rối phản đối lại sự tán dương thái quá cho nền văn minh mà ông biết rất rõ từ bên trong, cũng như phản bác lại sự hạ thấp phương Đông, minh triết phương Đông và những nguyên tắc sống của nó. Không phải ngẫu nhiên mà những người phản biện chính của chủ nghĩa Promethée trong văn học Nga thời kỳ đó lại chính là các nhà thơ nông dân Nga mới - và trước hết là Nikolai Kliuev - với cách nhìn khác của họ về bản thân kiểu tổ chức sinh tồn của nhân dân, những giá trị và lý tưởng tối cao của họ. Khi những ảo tưởng nhiệt thành gắn với cách mạng đã qua đi, những hy vọng táo bạo về con đường tiến thẳng từ tháng Mười đến thành quốc Kitezh đã sụp đổ, thì một trong những vị trí quan trọng trong sáng tác của các nhà thơ nông dân mới là nhận thức về một hiểm họa to lớn: lối sống truyền thống, nông dân - Kitô giáo, tự nhiên thuần phác đang bị tấn công trước bước tiến nặng nề, xoá sổ mọi thứ của "Vương quốc sắt thép" đô thị với kỹ thuật tàn phá tất cả của nó. Cùng với các nhà thơ nông dân khác, Kliuev từ chối nhìn thấy "số phận bí mật" của tổ quốc mình trong "những nhà chọc trời đầy sắt, ống khói các nhà máy". "Đứa con của sắt thép và nỗi buồn sỏi đá", kẻ thị dân vô cảm, thờ ơ với thiên nhiên hoặc xem nó như một thứ vật liệu vụ lợi, đang "ngốn ngấu thiên đường bạch dương" (Kliuev). Chính các nhà thơ nông dân mới là những người đầu tiên nhận thấy những dấu hiệu của cái sau này được gọi là khủng hoảng sinh thái, diễn ra trước sự bóc lột không thương tiếc và sự lạm dụng tự nhiên của xã hội kỹ trị. Và Kliuev đã trở thành đối thủ tư tưởng kiên định nhất chống lại sự thống trị thô bạo, thế tục hoá của đô thị, đang lấn tới, hơn thế, không chỉ đơn giản chống cái hình thức xô viết của nó, mà chính văn minh công nghiệp-tiêu dùng nói chung. Trong thơ ca Nga ông mãi là người cầu xin và khóc mướn cho những di huấn bị chà đạp của nước Nga Thần Thánh, cho niềm tin của tổ tiên, cho nghệ thuật dân gian và lối sống linh thiêng hoá (các trường ca Kain, Hỏa hoạn, Bài ca về Mẹ Vĩ đại). Sự đối lập mang tính ý thức hệ thành thị - làng quê, sự đồng nhất chính thể xô viết với quyền lực của thành thị, mà nhân vật Semion Rakhleev trong tiểu thuyết Lũ chồn (1923-1924) muốn bắt đầu một cuộc thập tự chinh để chống lại, tiếp theo là sự tấn công của công nghiệp hoá vào lối sống cổ truyền, vào thiên nhiên nguyên sơ trong tiểu thuyết Sông Sot(1928-1929) mà những người nông dân gốc cảm nhận như sự tiếp tục cuộc hành binh của thành thị tấn công làng quê, đã bộc lộ sự thấu hiểu sâu sắc của Leonid Leonov về tiến trình toàn cầu của thế giới, ẩn khuất sau hình thức chính trị-xã hội của nó. Và truyền thuyết về Kalaphat trong Lũ chồn là một câu chuyện ngụ ngôn mang tính răn dạy, một biến tấu mang sắc thái nông dân Nga của truyền thuyết về tháp Babilon trong Kinh thánh, có thể hình dung nó như lời tựa đề dân gian mỉa mai cho các tiểu thuyết sau này của Leonov về các nhân vật của ngày mới, ngày của đô thị cải tạo, lời can ngăn những cuộc tấn công dồn dập chinh phục cái thế giới "chưa hoàn thiện". . Tính phức điệu Thế giới quan của văn học Nga những năm 1920-1930 Văn học Nga thế kỷ XX với hai dòng chảy của nó, mà nay đã được hoà làm một: văn học nơi chính quốc và văn học lưu vong. đều biết là văn học Nga, bắt đầu từ thế kỷ XIX hoàng kim của mình, và có lẽ cũng không có nền văn học nào khác trên thế giới, rất quan tâm tới những vấn đề thế giới quan, hơn thế là những vấn đề. là một hiện tượng quan trọng xét cả ở bối cảnh dân tộc, lẫn bối cảnh thế giới. Và đỉnh cao mỹ học, triết học của nó, theo tôi, chính là văn học những năm 1920-1930, một nền văn học phong phú đến