SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒNG NAI TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM MỘT SỐ BIỆN PHÁP VỀ CÔNG TÁC CAN THIỆP SỚM CHO TRẺ KHIẾM THÍNH TẠI GIA ĐÌNH I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Hiện nay công tác giáo dục trẻ khuyết tật rất được quan tâm, hầu như các tỉnh thành trên cả nước đều có trường chuyên biệt để chăm sóc giáo dục cho trẻ khuyết tật. Chiến lược Giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chủ yếu là giáo dục hòa nhập. Hướng tới các trẻ khuyết tật sẽ được tạo cơ hội học tập như trẻ bình thường. Để thực hiện được mục tiêu trên thì vai trò công tác can thiệp sớm cho trẻ có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật, là bước đầu quyết định sự thành công của giáo dục hòa nhập và được tiến hành trong giai đoạn trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại Đồng Nai hiện nay hiệu quả chưa cao, xã hội và phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác can thiệp sớm nên gia đình có con em bị khuyết tật nói chung và các em khiếm thính nói riêng còn gặp nhiều hạn chế trong cuộc sống, học tập và sinh hoạt giao tiếp. Có những trẻ nếu được can thiệp sớm có thể phục hồi chức năng nghe, nói bình thường, mang lại hiệu quả rất cao nếu chậm trễ trẻ sẽ bị thiệt thòi rất lớn mất đi khả năng nhận thức, khả năng phát triển ngôn ngữ. Có nhiều gia đình vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không mua được máy trợ thính phù hợp cho con em để hỗ trợ phục hồi sức nghe cho trẻ. Trẻ em không được phát hiện sớm về tật thính giác, nhất là ở vùng sâu vùng xa chưa được quan tâm sâu sát, trẻ không có cơ hội được hợp tác can thiệp sớm kịp thời như những trẻ em khác có đủ điều kiện hơn. Mạng lưới phục vụ y tế tâm lí, giáo dục… chưa phối hợp chặt chẽ cùng gia đình , nhà trường và xã hội. Chính vì thế, tôi chọn đề tài “Một số biện pháp về công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại gia đình” mong muốn được chia sẻ những kiến thức, kỹ năng trong công tác giáo dục trẻ khiếm thính tại gia đình nhằm tạo mọi điều kiện cho trẻ hòa nhập và phát triển tốt hơn so với trẻ phát hiện và can thiệp muộn. II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. Cơ sở lý luận Chương trình can thiệp sớm tại Việt Nam được thử nghiệm tại Hà nội và TP. Hồ Chí Minh vào năm 1993 và nhận được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia nước ngoài như Australia, Hà Lan … Chương trình từ số lượng ban đầu rất ít, dần dần được nhân rộng ra các tỉnh thành ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Hiện nay, đã có một số công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính như Luận án Tiến sĩ khoa học giáo dục của Nguyễn Thị Hoàng Yến (2001) đề cập tới “Các biện pháp tổ chức Giáo dục hòa nhập chuẩn bị cho trẻ khiếm thính vào lớp Một”; Luận án: “Một số biện pháp quản lý giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính của hiệu trưởng các trường mầm non dạy hòa nhập ở Hà Nội” của Thạc sĩ Hoàng Kim Phượng (2003); đề tài “Biên soạn tài liệu hướng dẫn giáo viên và phụ huynh có con em khiếm thính, dưới 6 tuổi tham gia chương trình can thiệp sớm” của Nguyễn Thị Thanh Bình (2000) nhằm xây dựng tài liệu, phục vụ chương trình can thiệp sớm … Một số cán bộ, giáo viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai cũng được tham gia tập huấn, tìm hiểu về chương trình can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính nhằm nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ công tác giáo dục trẻ khiếm thính và để có sự chuẩn bị tốt, hỗ trợ tốt cho trẻ khiếm thính tại gia đình. Hiện tại, những trẻ khiếm thính trong chương trình được can thiệp sớm đã có phát triển ngôn ngữ và nhận thức rất tốt. Được các chuyên gia thính học và các giáo viên Trung tâm dạy trẻ điếc hỗ trợ nên phụ huynh có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ học nghe, học nói ngay từ khi được chẩn đoán là bị khuyết tật thính giác và mang lại hiệu quả cao hơn. Năm học 2011-2012, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai tiếp tục điều tra, tìm hiểu để hỗ trợ cho trẻ khiếm thính tại gia đình nhằm phục hồi chức năng nghe cho trẻ, tư vấn phụ huynh suốt giai đoạn trẻ từ 0 tuổi đến 6 tuổi được can thiệp sớm trước khi trẻ vào học lớp Một. 2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài 2.1. Nội dung thực hiện a) Một số khái niệm công cụ Khái niệm về Can thiệp sớm: can thiệp sớm là việc trợ giúp nhằm vào tất cả trẻ em có nguy cơ bị điếc, là quá trình bao gồm toàn bộ từ phát hiện, chẩn đoán sớm cho đến lúc trẻ đến tuổi đi học tiểu học. Can thiệp sớm liên quan đến trẻ, cha mẹ, gia đình và cả mạng lưới phục vụ y tế, tâm lí, giáo dục… Bản chất của can thiệp sớm là sự hỗ trợ trẻ khiếm thính thông qua gia đình, nhằm giúp các em học nghe, học nói ngay từ khi được chẩn đoán là khuyết tật thính giác. Dựa vào độ tuổi trẻ sống tại gia đình hay lên lớp mà chương trình can thiệp sớm chia làm hai giai đoạn: từ 0-3 tuổi là giai đoạn hướng dẫn phụ huynh và từ 3-6 tuổi giai đoạn trẻ học mẫu giáo. Công tác hướng dẫn phụ huynh được thực hiện trong suốt quá trình giáo dục trẻ khiếm thính bao gồm cả giai đoạn trẻ học mẫu giáo. Máy trợ thính: máy trợ thính là loại thiết bị điện tử dùng khuếch đại âm thanh, giúp người khiếm thính có thể tiếp cận âm thanh một cách tốt nhất. Thính lực đồ: là biểu đồ ghi lại kết quả, kiểm tra thính lực do nhà thính học ghi lại, độ lớn (cường độ) âm thanh mà trẻ bắt đầu nghe được ở mỗi độ cao (tần số) được đo. Hay nói cách khác thính lực đồ cho ta biết cường độ âm thanh nhỏ nhất mà trẻ nghe được ở mỗi tần số còn gọi là ngưỡng nghe. Ví dụ: nói thầm 30 dB, nói thường 60 dB, tiếng xe tải chạy 85 dB, tiếng máy bay 120 dB. b) Nội dung can thiệp sớm Can thiệp về thính học cho trẻ khiếm thính: Đối với trẻ khiếm thính, nếu càng được phát hiện và chẩn đoán sớm, chỉ định đeo máy trợ thính thì trẻ càng có cơ hội học nghe nói, càng có nhiều cơ hội hiểu và vận dụng ngôn ngữ nói trong giao tiếp. Phát hiện trẻ khiếm thính: không chỉ bằng cách quan sát các dấu hiệu khác thường, chương trình khám sàng lọc tật khiếm thính mà còn sử dụng các phương pháp đo sao cho phù hợp độ tuổi của trẻ. Chẩn đoán: tập hợp những phương pháp đo khám nhằm mục đích xác định mức độ, loại điếc cũng như nguyên nhân gây điếc. Kết quả chẩn đoán là cơ sở chỉ định đeo máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai…, xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ khiếm thính. Chăm sóc thính học: các dịch vụ chăm sóc thính học sẽ chỉ định, hiệu chỉnh, duy trì và bảo quản máy trợ thính hay những thiết bị hỗ trợ thính học khác. Chăm sóc thính học do chuyên gia thính học hay các kĩ thuật viên các cơ sở dịch vụ tư vấn, hướng dẫn. Hướng dẫn phụ huynh trẻ khiếm thính: Cán bộ can thiệp sớm hướng dẫn phụ huynh, cung cấp cho phụ huynh những kiến thức về tâm sinh lí trẻ khiếm thính, cách thức giúp trẻ tiếp nhận ngôn ngữ và phát triển khả năng giao tiếp, hỗ trợ phụ huynh về tâm lí. Do đó, cán bộ can thiệp sớm cần phải xây dựng kế hoạch hướng dẫn cụ thể theo nhu cầu, đặc điểm riêng của từng trẻ ở từng gia đình. Hỗ trợ trẻ khiếm thính trong trường hòa nhập: Trẻ khiếm thính học ở lớp mẫu giáo hòa nhập như trẻ bình thường khác, được tham gia các hoạt động vui chơi và học tập. Ngoài ra trẻ còn được học tiết học cá nhân nhằm rèn kĩ năng nghe nói và giao tiếp dành riêng cho trẻ khiếm thính. Tiết học này do giáo viên mẫu giáo hoặc cán bộ can thiệp sớm phụ trách. 2.2. Hướng giải quyết cụ thể trong việc chọn “Một số biện pháp về công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại gia đình” Để tiến hành cho công tác can thiệp sớm tại gia đình, ta cần thực hiện các bước sau: a) Phát hiện - chẩn đoán Phát hiện Trẻ bị khiếm thính do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể bị điếc bẩm sinh, cũng có thể do tác động các yếu tố bên ngoài như dùng kháng sinh liều cao, bị tổn thương về cơ quan thính giác… Ở mỗi nguyên nhân điếc khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đến khả năng nghe và phát triển ngôn ngữ của trẻ. Phát hiện là tìm những dấu hiệu cho thấy sự phát triển của trẻ có nguy cơ đang tiến triển một cách không bình thường. Phát hiện sớm bao gồm quan sát bằng mắt hoặc sử dụng các biện pháp khoa học để tìm ra những dấu hiệu bất thường trong sự phát triển của trẻ. Phụ huynh có vai trò quan trọng trong việc phát hiện trẻ điếc. Nếu phát hiện sớm và chủ động tìm đến sự giúp đỡ của giáo viên và chuyên gia thính học thì trẻ sẽ có cơ hội phục hồi chức năng và phát triển tốt hơn. Ngoài phụ huynh phát hiện trẻ điếc, thì các dịch vụ y tế về chăm sóc thính học tại địa phương, cơ quan chăm sóc bảo vệ bà mẹ và trẻ em cũng cần quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn phụ huynh, khảo sát điều tra về nhu cầu và năng lực của trẻ. Chẩn đoán Khi nghi ngờ trẻ có vấn đề về thính giác, hãy đưa trẻ đi kiểm tra tại Trung tâm thính học. Kết quả về bệnh lý và mức độ khuyết tật chỉ có thể có được sau quá trình chẩn đoán để tìm ra biện pháp chữa trị hoặc điều trị phù hợp. Khi kết quả chẩn đoán khẳng định trẻ bị mất thính lực, Trung tâm thính học sẽ khuyến nghị gia đình nên cho trẻ sớm tham gia chương trình can thiệp sớm. b) Can thiệp Việc chẩn đoán và đánh giá là bước đầu của quá trình thực hiện can thiệp sớm, nhờ đó ta có cái nhìn khái quát, chính xác về khả năng của trẻ, nắm được những thông tin về tính cách, sở thích, đặc điểm khuyết tật của trẻ. Từ đó, có cơ sở lập kế hoạch chăm sóc giáo dục phù hợp khả năng của trẻ. Bước 1: Đánh giá ban đầu Đánh giá ban đầu là việc làm rất quan trọng đối với trẻ khiếm thính. Trước khi tiến hành can thiệp sớm các chuyên gia cần tiến hành đánh giá ban đầu về sự phát triển và những khó khăn của trẻ. Tìm hiểu về nhu cầu, sở thích, khả năng của trẻ; nguyên nhân gây điếc, mức độ điếc và mức độ ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ, trí tuệ của trẻ. Tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, những việc làm của các phụ huynh cũng như các thành viên trong gia đình khi tiếp xúc với trẻ. Đánh giá ban đầu có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần mới có được thông tin cần thiết qua các trắc nghiệm chuẩn, quan sát, phỏng vấn…, phụ thuộc vào từng trẻ cụ thể, điều mà chẩn đoán không thể làm được. Những thông tin và kết quả thu thập được sẽ là cơ sở cho việc lập kế hoạch tư vấn, hướng dẫn từng gia đình và có kế hoạch giáo dục cá nhân trong công tác can thiệp sớm. Bước 2: Xây dựng kế hoạch hỗ trợ từng gia đình và kế hoạch giáo dục cá nhân Khi phát hiện trẻ có vấn đề về thính giác, các gia đình cần có sự hỗ trợ về tình cảm và tinh thần. cán bộ can thiệp sớm nên cùng chia sẻ giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn từ khi phát hiện cho đến khi chấp nhận trẻ bị khuyết tật. Tùy tình hình thực tế, cán bộ can thiệp sớm bố trí thời gian đến gia đình thăm hỏi hỗ trợ hoặc giúp gia đình đến trường học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và giáo dục trẻ. từ giáo viên. Nếu ở xa, cán bộ làm công tác can thiệp sớm chủ động đến thăm gia đình để tư vấn và thường xuyên giữ liên lạc qua điện thoại hoặc thư từ, thư điện tử, … bố trí thời gian để trao đổi thông tin về sự tiến bộ của trẻ. Trên cơ sở thông tin thu được, để lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ và hỗ trợ cho gia đình trẻ. Kế hoạch cá nhân được chuẩn bị dựa vào sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên. Mỗi phòng giáo dục thiết lập một mẫu kế hoạch giáo dục cá nhân riêng, nhưng bao gồm những thông tin sau đây: Mô tả ngắn gọn mức độ phát triển hiện tại của trẻ. Mục tiêu hàng năm dành cho trẻ. Ghi rõ dịch vụ giáo dục và những dịch vụ liên quan cần được cung cấp. Ngày cung cấp dịch vụ (bắt đầu và kết thúc) Ghi rõ thời gian của toàn bộ chương trình và cả thời gian dự kiến đưa trẻ đi học hòa nhập. Trách nhiệm của từng cá nhân trong chương trình. Kế hoạch đánh giá định kỳ thực hiện ít nhất 1 lần/năm. Kế hoạch phục vụ từng gia đình là mối thiết lập giữa gia đình và người cung cấp dịch vụ, trong đó trình bày những vấn đề và mối quan tâm của gia đình về trẻ có nhu cầu đặc biệt, trong hoàn cảnh cụ thể của gia đình. Nhấn mạnh sự cộng tác giữa gia đình và các chuyên gia, xác nhận quyền của gia đình trong việc lựa chọn quyết định thực hiện những gì tốt nhất cho trẻ. Hình thức can thiệp sớm tại nhà Theo hình thức này, chuyên gia can thiệp sớm sẽ đến nhà để hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc và giáo dục trẻ, dựa trên kế hoạch giáo dục cá nhân và kế hoạch phục vụ tại gia đình, hình thức này đòi hỏi nhà trường phải có đội ngũ chuyên trách làm công tác can thiệp sớm. Cán bộ chuyên trách là những người vừa có kiến thức và kĩ năng làm việc với trẻ nhỏ vừa có kĩ năng tư vấn và hướng dẫn phụ huynh. Ngoài ra, để phụ huynh có thể làm tốt nhiệm vụ giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của trẻ, chương trình cần tổ chức các buổi hội thảo hay các buối tập huấn nhằm trang bị những kiến thức và kĩ năng nuôi dạy chăm sóc trẻ có nhu cầu đặc biệt cho phụ huynh, hoặc tổ chức nhiều hình thức khác nhau để phụ huynh cùng sinh hoạt, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm nuôi dạy con tốt nhất. Hình thức thăm viếng tại nhà Theo hình thức này, chuyên gia cũng đến thăm trẻ tại nhà theo định kỳ nhưng ít hơn nhiều so với can thiệp sớm tại nhà. Trẻ sẽ tham gia học một số buổi tại các trường, nhà trẻ, mẫu giáo của địa phương và một số buổi tại nhà. Trong thời gian này, các chuyên gia đến để cùng gia đình theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của trẻ và hướng dẫn phụ huynh làm tốt hơn việc nuôi dạy trẻ ở nhà đồng thời phối hợp giáo viên ở trường một số cách hỗ trợ đặc biệt cho trẻ. Hình thức này, đòi hỏi các chuyên gia can thiệp sớm vừa có kĩ năng tư vấn phụ huynh, vừa có kiến thức và kĩ năng dạy trẻ mầm non và giáo dục đặc biệt. Kết luận: Trong quá trình can thiệp sớm, trẻ khiếm thính được hỗ trợ để phục hồi chức năng nghe còn lại, được làm quen với hình thức trò chuyện, học được cách đọc hình miệng, phân biệt được các màu sắc, đồ vật, sự vật … và bắt đầu hòa nhập vào cộng đồng trong các lớp mầm non, các trung tâm giáo dục trẻ khiếm thính. Trẻ được dạy ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, chữ cái ngón tay, hình thành và phát triển vốn từ, giao tiếp và phát triển tư duy là nền tảng cho giai đoạn học ngôn ngữ khi bước vào lớp Một. Vì vậy, can thiệp sớm có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục trẻ khiếm thính, là tiền đề cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, công tác này có thể thực hiện ngay tại gia đình hoặc tại các lớp mầm non chuyên biệt. Trẻ được can thiệp sớm càng tốt, sẽ hạn chế những vấn đề về hành vi và cư xử không phù hợp trong cuộc sống sau này. Trẻ được can thiệp sớm sẽ được phục hồi chức năng thính giác, tạo cho trẻ có cơ hội nghe nói tốt hơn và khả năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ, cơ hội đến trường học của trẻ cũng tốt như bao trẻ bình thường khác. Một nền tảng tốt sẽ giúp trẻ có cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa và tạo điều kiện tốt để trở thành người hữu ích cho xã hội. III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI Thực trạng công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính hiện nay rất được chú trọng và ngày càng được xã hội, phụ huynh quan tâm. Thực tế cho thấy vai trò các nhà quản lý giáo dục và giáo viên đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao công tác can thiệp sớm. Qua tìm hiểu ta nhận thấy, giáo viên và phụ huynh đã có sự nhìn nhận và có thái độ tích cực hơn đối với công tác can thiệp sớm. Vì vậy, cần có biện pháp tác động mạnh vào bởi họ chính là người trực tiếp quyết định sự thành công của công tác can thiệp sớm. Một số trường hợp cụ thể được can thiệp sớm tại gia đình trong năm học 2011-2012 của cán bộ can thiệp sớm Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, kết quả đạt được như sau: 1. Em: Lê Hiến Quyết, sinh năm 2007, đeo máy sau tai, loại máy Una SP A2, số máy 0935 XON 3D, ngày đeo 11/5/2010. Cơ quan chẩn đoán bệnh viện Tai Mũi Họng TP. Hồ Chí Minh và nhà cung cấp máy trợ thính là Trung tâm Thính học Sài Gòn. Kết quả: tai trái 80 db, tai phải 90 db. Ngày kiểm tra MTT lần 2: 01/8/2011. Ngày tham gia can thiệp sớm cùng gia đình: 20/9/2011. Hoàn cảnh gia đình: là con thứ ba trong gia đình, kinh tế khó khăn, đông anh em, ba và mẹ là công nhân, là người trực tiếp chăm sóc và giáo dục em. Địa chỉ: 105/3A,KP1,P. Tân Biên, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai. Tình trạng ban đầu: có phản ứng với âm thanh, còn nhút nhát. Trẻ được can thiệp sớm tại Trung tâm điếc Thuận An từ 5/2010 và đi nhà trẻ. Sau 1 năm can thiệp trẻ có chuyển biến một ít. Đến ngày 20/9/2011 trẻ được giáo viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai hỗ trợ. Kết quả học tập trên tiết cá nhân: trẻ linh hoạt, hiếu động hơn, nghe nói tốt các từ: ông, bà, ba mẹ, đu quay, bóng; nói được câu ngắn: con đi chơi, em ăn cơm, em đi học,… Nhận xét chung: Trẻ học lớp mẫu giáo bình thường, có giáo viên trường chuyên biệt hỗ trợ học tập trên tiết cá nhân 2 buổi/ tuần để luyện nghe, luyện nói tốt hơn. 2. Em: Nguyễn Đức Thành, sinh ngày 16/10/2006, đeo máy sau tai, loại máy PHONAX (Naida) số III, đeo từ lúc cháu được hai tuổi rưỡi. Nguyên nhân điếc do mẹ mang thai bị sốt Rubella. Cơ quan chẩn đoán, bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP. Hồ Chí Minh. Kết quả: tai trái 70db, tai phải 100db. Hoàn cảnh gia đình: là con thứ nhất trong gia đình, được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt, ba mẹ thường xuyên trò chuyện cùng trẻ. Ba là bộ đội, mẹ là công nhân; người trực tiếp chăm sóc và giáo dục em là mẹ, cô giáo dạy mầm non và giáo viên trường chuyên biệt. Địa chỉ: ấp An Hòa, xã Hóa An, phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tình trạng ban đầu: nhút nhát, trẻ có phản ứng với âm thanh, biết hợp tác Qua 1 năm can thiệp trẻ có chuyển biến tốt. Biểu hiện học tập trên tiết cá nhân: tự tin, chịu khó học tập, chú ý lắng nghe và làm theo hiệu lệnh của cô giáo. Nói được câu ngắn: mẹ Trang ơi; mẹ ơi, cho con uống nước; bố đi làm rồi; cháu học trường mầm non Vân Thủy; … Vốn từ nhiều, hiểu biết và giao tiếp tốt ở mức có thể. Nhận xét chung: Trẻ học mẫu giáo bình thường, phát triển tốt, nghe nói tốt có khả năng học trường tiểu học hòa nhập và có giáo viên trường chuyên biệt hỗ trợ học tập trên tiết cá nhân tại gia đình. 3. Em: Nguyễn Hoàng Bách, sinh ngày 21/4/2007, đeo máy trợ thính hiệu Simens 50L, phát hiện và cho đeo máy trợ thính từ lúc cháu được ba tuổi rưỡi. Cơ quan chẩn đoán, bệnh viện Nhi Đồng 1. Kết quả: tai trái 80db, tai phải 70db. Hoàn cảnh gia đình: Hoàng Bách là con thứ nhất trong gia đình, thiếu sự chăm sóc đặc biệt của gia đình, ba và mẹ là nhân viên kế toán; người trực tiếp chăm sóc và giáo dục trẻ là bà, chị. Trẻ được can thiệp sớm tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện Nhi Đồng 2, đang theo học trường mầm non tư thục Sơn Ca. Hiện tại, trẻ được giáo viên trường chuyên biệt can thiệp sớm tại nhà Địa chỉ: B 11 , khu phố Long Điềm, phường Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tình trạng ban đầu: hiếu động, chưa có phản ứng với âm thanh, ít hợp tác. Qua 1 năm can thiệp tại nhà khả năng của trẻ có chuyển biến một ít. Biểu hiện học tập trên tiết cá nhân: nói được từ: con bò, con mèo, xe máy, xe đạp, máy bay, quả cam, màu đỏ,… và nói được câu ngắn: em chào cô em về; em ăn cơm; em uống nước;… Nhận xét chung: Trẻ học mẫu giáo bình thường và có giáo viên trường chuyên biệt hỗ trợ học tập trên tiết cá nhân tại gia đình. Để có được những thành quả trên là nhờ có sự kết hợp tốt giữa gia đình và nhà trường trong vấn đề can thiệp sớm cho trẻ tại gia đình. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục: Do không được can thiệp sớm (từ 0 tuổi -3 tuổi) và phụ huynh ít dành thời gian tiếp xúc trẻ, động viên, khuyến khích trẻ giao tiếp bằng lời nên vốn từ của trẻ còn ít. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên một số trẻ sử dụng máy trợ thính trợ giúp với kĩ thuật chưa cao. Phụ huynh chưa được tập huấn về kĩ năng giao tiếp và chăm sóc trẻ trong giai đoạn can thiệp sớm. IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG Trên đây, là “Một số biện pháp về công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại gia đình”, chúng tôi mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm về công tác giáo dục trẻ khiếm thính đến với các phụ huynh để có cách nhìn nhận và có hướng đi đúng nhằm giúp con em mình có đủ điều kiện được học hòa nhập cùng cộng đồng như những trẻ em bình thường khác.Những năm tháng đầu tiên của cuộc đời là những năm tháng rất quan trong đối với mọi trẻ, trong đó có trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng, những năm này nền tảng cuộc sống của trẻ được hình thành và phát triển nhân cách con người mới toàn diện. Can thiệp sớm góp phần phát hiện ngăn ngừa những nhân tố nguy hiểm tới đứa trẻ, thực hiện chức năng chữa bệnh, phục hồi chức năng thính giác cho trẻ khiếm thính. Trẻ được can thiệp sớm càng tốt, hạn chế những khiếm khuyết của bản thân trẻ sau này, trẻ sẽ nhận thức được tốt hơn về mọi vấn đề trong lĩnh vực đời sống và xã hội. Để công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại gia đình có hiệu quả ta cần có sự phối hợp các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện can thiệp sớm như cơ quan chương trình can thiệp sớm, cơ sở y tế, sở thương binh và xã hội, các tổ chức xã hội, những mạnh thường quân, cơ quan tuyên truyền thông tin … công tác can thiệp sớm thật sự có hiệu quả khi có sự hợp tác giữa các ban ngành trên. Hiện nay, bằng những thiết bị hiện đại trong y học, công tác phát hiện sớm được thực hiện ngay khi trẻ còn trong thời kì thai nhi, trong bụng mẹ; đối với đối tượng có nguy cơ, gia đình có người bị điếc, khuyết tật trí tuệ, mẹ ốm trong thời kì mang thai đều được khám sàng lọc và có kết quả để phòng ngừa ngăn chặn kịp thời. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các bà mẹ mang thai được khám kịp thời và có biện pháp can thiệp thích hợp ngay từ khi trẻ mới sinh ra, tránh những thiệt thòi cho trẻ sau này. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác can thiệp sớm đi vào hoạt động ở từng địa phương. Xây dựng phòng thính học chuyên dùng luyện nghe, luyện nói cho trẻ khiếm thính nhằm phục hồi chức năng nghe. Các trang thiết bị phục vụ can thiệp sớm như phương tiện nghe nhìn ti vi, máy thu thanh, thu hình, gương, các đồ chơi phát ra âm thanh, tranh, ảnh, vật thật, máy trợ thính, … Những thiết bị kể trên sẽ giúp trẻ học tập tốt hơn. Đối với phụ huynh: cha mẹ là người gần gũi và hiểu trẻ nhiều nhất đồng thời là ngưòi có trách nhiệm cao trong việc chăm sóc nuôi dạy con em mình. Đa số các trường hợp can thiệp thành công là nhờ sự tích cực của cha mẹ, gia đình trẻ. Công tác can thiệp sớm có sự phối hợp của phụ huynh, cán bộ can thiệp sớm, giáo viên mầm non và phụ huynh được coi là thành viên quan trọng có vai trò cung cấp những thông tin về sự tiến bộ của trẻ hỗ trợ nhà trường có kế hoạch giáo dục cho trẻ. Vì thế, cần khuyến khích phụ huynh cùng dự các buổi hội thảo, tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để phụ huynh thấy được triển vọng cũng như tầm quan trọng của công tác can thiệp sớm, từ đó có sự hợp tác với giáo viên và nhà trường cùng thực hiện. Thường xuyên cung cấp tài liệu, băng hình để cha mẹ trẻ tìm hiểu, giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình kịp thời có biện pháp hỗ trợ cho trẻ tốt nhất. Coi trọng việc đào tạo và bồi dưỡng cho giáo viên có kĩ năng dạy học mẫu giáo chuyên biệt, mẫu giáo hòa nhập, hiểu biết tâm lý trẻ, hiểu biết về thính học… Có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo giáo viên trẻ kế thừa đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ khuyết tật ngày càng cao. Chương trình can thiệp sớm rất hữu ích và thiết thực không những cho trẻ từ 0-6 tuổi mà còn giúp trẻ phát triển, lớn lên ở giai đoạn tiếp theo của trẻ. Để đạt hiệu quả cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của trường chuyên biệt và sự quan tâm giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài về chuyên môn cũng như tài liệu, sách báo về can thiệp sớm nhằm phục vụ tốt cho chương trình can thiệp sớm. V. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Một số biện pháp quản lý GDHN cho trẻ khiếm thính của hiệu trưởng các trường mầm non dạy hòa nhập ở Hà Nội - Luận văn Thạc sĩ khoa học QLGD - Hoàng Kim Phượng (2003). 2. Biên soạn tài liệu hướng dẫn Giáo viên và phụ huynh có con khiếm thính dưới 6 tuổi tham gia chương trình can thiệp sớm - Đề tài nghiên cứu Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường. Trung tâm Giáo dục trẻ khiếm thính TP. Hồ Chí Minh - Huỳnh Thị Thanh Bình (2000). 3. Đại cương giáo dục trẻ khiếm thính - Nguyễn Thị Hoàng Yến (2007) - NXB Sư phạm Hà Nội. 4. Tìm hiểu thực trạng công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại một số trường chuyên biệt TP. Hồ Chí Minh - Đề tài nghiên cứu Khoa học Công nghệ cấp cơ sở - Đặng Thị Mỹ Phương (2010) Biên Hòa, ngày 28 tháng 4 năm 2012 Người thực hiện Nguyễn Thị Ba . giải quyết cụ thể trong việc chọn Một số biện pháp về công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại gia đình Để tiến hành cho công tác can thiệp sớm tại gia đình, ta cần thực hiện các bước. đề tài Một số biện pháp về công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại gia đình mong muốn được chia sẻ những kiến thức, kỹ năng trong công tác giáo dục trẻ khiếm thính tại gia đình nhằm. DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM MỘT SỐ BIỆN PHÁP VỀ CÔNG TÁC CAN THIỆP SỚM CHO TRẺ KHIẾM THÍNH TẠI GIA ĐÌNH I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Hiện nay công tác giáo dục trẻ