Phê bình văn học Phương Tây ở Việt Nam – Tiếp nhận và ứng dụng Ngay từ thời Cổ đại, phê bình văn học đã xuất hiện từ những văn bản bình giải, từ các cuộc tranh luận về tác phẩm, các thể loại (những bài luận về thi ca, về tu từ học). Cuối thế kỉ XVII, ở Pháp đã nổ ra cuộc Tranh cãi giữa Phái Cũ và Phái Hiện đại. Vào năm 1800, bà de Stael xuất bản tác phẩm Về một nền văn học được xem xét trong các mối quan hệ với những thể chế xã hội. Phê bình văn học, theo nghĩa hiện đại của thuật ngữ này, chỉ xuất hiện từ thế kỉ XIX, dưới ảnh hưởng của Sainte-Beuve (1) (1804-1869). Theo ông, để hiểu tác phẩm, trước hết cần hiểu về nhân cách của nhà văn: “Tôi có thể thưởng thức một tác phẩm, ông khẳng định, nhưng tôi khó mà phán xét một cách độc lập sự nhận biết về chính con người anh ta; và tôi sẽ sẵn sàng nói rằng: cây nào, quả nấy. Nghiên cứu văn học đương nhiên sẽ dẫn đến nghiên cứu về đạo đức” (Những ngày Thứ Hai Mới, 1863-1870). (Sau này Gustave Lanson, Proust sẽ phê phán phương pháp tiểu sử này của Sainte-Beuve. Proust viết: “Một cuốn sách là sản phẩm của một cái tôi khác với cái tôi mà ta vẫn biểu lộ trong các thói quen, trong giao tiếp, trong các thói tật”). Những người bảo vệ chủ nghĩa thực chứng (positivisme) đã phản ứng lại với kiểu phê bình về cơ bản là chủ quan này, và nghĩ tới việc có thể thiết lập một phương pháp khoa học, “khách quan” cho phân tích văn học. Với Hippolyte Taine(2) (1828-1893), những điều kiện xã hội, lịch sử, tâm lí học đã quyết định nên tính cách độc đáo của một nhà văn (Luận về La Fontaine và những truyện ngụ ngôn của ông, 1853; Luận về phê bình và lịch sử, 1858. Ferdinant Brunetière (1849-1907) đề xuất một sự phân loại và một lịch sử của các thể loại văn học, khai mở cho một nền phê bình uyên bác (érudite) được trình bày vào cuối thế kỉ XIX bởi émile Faguet (1847- 1916) hoặc Gustave Lanson (1857-1934). Bước sang thế kỉ XX, Phê bình văn học với nhiều trào lưu, trường phái đã ra đời, phát triển, thay thế nhau: Chủ nghĩa Hình thức Nga; Xã hội học văn học; Thi pháp; Phê bình Đức; Phê bình ý thức; Phê bình tưởng tượng; Ngôn ngữ và văn học; Kí hiệu học văn học; Phê bình cấu trúc; Phê bình Huyền thoại; Phê bình tâm phân học; Phê bình Mới(3) bởi những tên tuổi lớn cả về văn xuôi và thơ: Jakobson, Goldmann, Georges Lukacs; Mikhail Bakhtine, Jean-Yves Tadié, Gérard Genette, Paul Ricoeur, Charles Mauron, Gaston Bachelard, Erich Auerbach… Phê bình văn học đã thực sự trở thành một khoa học thực sự. 1. Phê bình văn học ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX Phê bình văn học Việt Nam trước thế kỉ XX chưa có những công trình với tư cách là phê bình hiện đại. Thanh Lãng quy gọn ra 3 loại phê bình: Hình thức những bài tranh luận về lập trường;Hình thức những bài vịnh tán thưởng nguyên văn và Lối thẩm định cách trực tiếp(4) qua các cuộc tranh luận giữa những Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái, Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị hoặc Phạm Quí Thích, Chu Mạnh Trinh thẩm định cách trực tiếp qua việc vịnh Kiều. Thanh Lãng coi Huỳnh Tịnh Của (1834-1897) và Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là những người đầu tiên phê bình văn học theo lối Tây phương đã “áp dụng phương pháp phê phán các tài liệu, đối chiếu các văn bản vào công việc sưu tập các văn kiện cổ như Kiều, Lục Vân Tiên”. Chúng tôi nghĩ có lẽ ngày nay ta gọi đó là phương pháp so sánh văn bản. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu hiện nay đều gọi đó là phê bình “chủ quan”, “giáo điều”, “công thức”, “phê điểm”, tóm lại là “phê bình cổ điển”, chưa có một “thể văn phê bình” độc lập. Sang nửa đầu thế kỉ XX, trên Đông dương tạp chí đã có hẳn một mục: “Bình phẩm sách mới”. Nhưng đến Nam phong tạp chí, và tiếp theo đó, giai đoạn 32-45, phê bình văn học đã trưởng thành vượt bậc. Báo chí phát triển cũng giúp cho văn phong phê bình sắc bén hơn. Cũng trong giai đoạn này, nhân “Vụ án” Truyện Kiều, còn có các tên tuổi: Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, Trần Trọng Kim đứng về phe bênh vực Phạm Quỳnh; còn Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng phê phán Phạm Quỳnh quá đề cao Kiều và lần đầu tiên Kiều đã bị cụ Huỳnh gọi là “con đĩ”. Lê Thước với tác phẩm Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ mà ông Ưng Quả, trong bài diễn thuyết đọc tại Hội trí tri ở Huế ngày 20 tháng 3 năm 1932, đã coi đó là: “Quyển sách phê bình về văn học ra đời trước nhất…” để so sánh với lối phê bình của các nhà nho thủa trước “khen câu thơ này, bẻ câu thơ kia, cắt nghĩa qua một ít điển tích vậy thôi”(5). Mặc dù gọi cuốn sách của Lê Thước là “tiểu thuyết”, nhưng Ưng Quả vẫn coi đây là “phê bình”. Lê Thước đã “biết lợi dụng cuộc đời của nhà văn để biện minh cho tác phẩm”, nghĩa là ông đã bước đầu đặt chân lên địa hạt phê bình tiểu sử của Sainte-Beuve. Cũng chính trong giai đoạn đầu này, bên cạnh mặt bảo thủ, công lao lớn của Phạm Quỳnh đối với sự phát triển của văn học là những bài phê bình tiểu thuyết Pháp và những bài có tính chất lí luận: Văn thuyết (1918), Khảo về tiểu thuyết (1921), Khảo về diễn kịch (1921), Thơ là gì? (1921)… cùng công việc dịch thuật một số tiểu thuyết Pháp. Giai đoạn (32-45) phê bình lớn mạnh về số lượng lên đến hàng trăm người chia làm các “chiến tuyến” cựu học, tân học, thủ cựu, cấp tiến, duy vật, duy tâm… tranh luận nhau dữ dội trên các báo lúc bấy giờ. Thanh Lãng đã tường thuật lại khá kĩ càng một số vụ tranh luận lớn trên báo về chữ Hán; về quốc học, về Truyện Kiều; Duy tâm/Duy vật; Thơ mới/Thơ cũ; Nghệ thuật vị nghệ thuật/ Nghệ thuật vị nhân sinh. Bức tranh về đời sống tinh thần, vật chất của xã hội Việt Nam trong những năm 32-45 đã có những thay đổi lớn trong lối sống: “Cá nhân phát triển, đòi quyền sống cho mình, đòi được biệt cư, được tự do kết hôn, được yêu đương, được mơ mộng. Tình yêu với chữ “Y” hoa gia nhập xã hội An Nam, tạo ra từ Tố Tâm đến Đoạn tuyệt bao nhiêu nước mắt đau thương mới đi đến đắc thắng”(6). Văn học Pháp đã tác động đến sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Phạm Thế Ngũ cho biết Hoàng Ngọc Phách trong một lần phỏng vấn đã kể tên các nhà văn đã ảnh hưởng tới ông: Rousseau, Chateaubriand, Lamartine, Hugo, Musset, Vigny. Những người này đều đã được dạy ở nhà trường Việt Nam lúc đó. Ngoài ra, “Những trường phái Pháp: lãng mạn, tả chân, tượng trưng, siêu thực, đã lần lượt in dấu vết vào trong sáng tác của ta. ở Xuân Diệu, Huy Cận, người ta thấy vết tích Baudelaire, Verlaine, Khái Hưng đã chịu bao nhiêu ảnh hưởng của Anatole France. Người ta có thể phân tích cả một “gidisme” ở tiểu thuyết Việt Nam thời này từ Nhất Linh đến Nguyễn Tuân”(7). Thanh Lãng và Phạm Thế Ngũ đã phác họa nên đời sống văn học và phê bình Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ XX một cách tương đối đầy đủ. “Chúng ta có thể thấy hiện diện trong công trình của hai ông, một khối lượng tư liệu cực kì phong phú, liên quan đến mọi mặt của đời sống văn học”(8). Sang đến phê bình: Dương Quảng Hàm quan niệm về “thể văn phê bình” trong Việt Nam văn học sử yếu như sau: “Thể văn phê bình là một thể văn ta mới mượn của Pháp văn. Không phải xưa kia các cụ không hề phê bình, nhưng các lời phán đoán khen chê của các cụ chỉ xen vào trong một bài văn hoặc một cuốn sách chứ chưa hề biệt lập thành một văn thể riêng. Mãi đến gần đây, các văn gia mới phỏng theo thể phê bình của người Pháp mà viết tác phẩm thuộc thể ấy”(9). Về mặt lịch sử, xã hội, các nhà phê bình Việt Nam, (kể cả một số nhà thơ, nhà văn) lúc đó đều sử dụng thành thạo tiếng Pháp (nhiều người biết cả chữ Hán), nên việc đọc thẳng nguyên bản là chuyện bình thường. Vấn đề đặt ra là: việc đọc thẳng nguyên tác đó là đọc tác phẩm văn chương hay đọc phê bình? Bởi chỉ có thể nói được rằng các nhà phê bình Việt Nam hồi đó đã tiếp thu và ứng dụng phê bình phương Tây nếu ít ra là họ có dẫn phương pháp này hoặc kia hoặc từ nguồn nào đó. Dưới đây bài viết tập trung khảo sát một vài tác giả phê bình văn học những năm đó. Phan Khôi (1887-1959) là một tên tuổi nổi đình nổi đám lúc bấy giờ trong báo giới. Chính Phan Khôi đã châm ngòi cho “Vụ án” Kiều bùng nổ trở lại khi ông viết Cảnh cáo các nhà học phiệt trên Phụ nữ tân văn vào 24 tháng 7 năm 1930, trực tiếp “bắn” vào Phạm Quỳnh và gắn cho Phạm Quỳnh cái “huy hiệu học phiệt” sau mấy năm làm thinh không trả lời ông Ngô Đức Kế, nhưng nguyên nhân khác là do Phạm Quỳnh đã viết bóng gió phê Phan Khôi khi Phan Khôi phê bình Nho giáo mà bị “nguội lạnh” không có ai hưởng ứng. Có thể nói Phan Khôi sinh ra để làm báo. Nội trong hai năm 1929, 1930 mỗi năm ông viết đến 7, 8 trăm trang chữ nhỏ(10). Chỉ cần lướt qua mấy cái tên bài báo cũng đủ cho thấy một trí óc mau lẹ, tinh quái, hóm hỉnh: Khổng giáo cùng Âu hóa gặp nhau, An Nam là chồng “tinh thần” của nước Pháp, ối chào chà là Hán học, Cái xứ dở dang, Luận về phụ nữ tự sát, Đàn bà không nên đọc, Tú tài chó, Đường sanh nhai của hưu quan, Lạy ông đừng “ngôn tự”, Theo ông nào rồi cũng chết, Thế nào mới là dốt?, Nước nào nhiều thầy chùa nhứt?, Lập hội lõa thể, Con chó giống ông trời Phan Khôi chủ yếu viết về những vấn đề thời sự mọi mặt của đời sống. Ngoài ra, ông còn nói chuyện thơ. Lí giải vì sao thi ca xưa nay chủ yếu do người đàn ông làm ra, nhưng lại thường mang hình ảnh, tình tự của đàn bà, ông viết: “Một là vì cái đẹp là cái cốt của văn học và đàn bà là biểu hiện cho sự đẹp, cho nên trong văn học hay tả về đàn bà cũng như trong mỹ thuật hay đắp hoặc vẽ hình mỹ nhân. Hai là vì văn học trọng đường tình cảm mà nói chuyện đàn bà thì khiến người ta dễ cảm. Cho nên hay nói chuyện đàn bà nhiều hơn”(11). Nhưng có lẽ công lao lớn của Phan Khôi là ở trong lĩnh vực xây dựng chữ viết, ngôn ngữ quốc văn sáng sủa, chính xác, nhất là cách phát âm và cách viết ở miền Nam khi đó. Cuốn Việtngữ nghiên cứu của ông đã được Hoàng Tuệ trân trọng giới thiệu: “Công trình này cần được đưa vào tủ sách các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay, đặc biệt các sinh viên đại học khoa Ngữ văn”(12). Như vậy, mặc dù có một trí tuệ và học vấn rất rộng và sâu về cả chữ Hán, chữ Pháp cũng như văn hóa, văn học của hai quốc gia này, nhưng phê bình của Phan Khôi không hoàn toàn ở trong lĩnh vực văn học. Thiếu Sơn (1908-1978), với cuốn Phê bình và Cảo luận in năm 1933 và tái bản trong tuyển tập năm 2000 có tên là Nghệ thuật & Nhân sinh. Ngay trong lời Tựa, Thiếu Sơn đã nhắc đến “lịchsử vấn đề” về “thể văn phê bình” ở nước ta, nhưng thấy vẫn “không thành hẳn một sự nghiệp” như các ông Emile Faguet hay Jules Lemaợtre. Sau đó ông định nghĩa về nhà phê bình, có chua tiếng Pháp ngay bên cạnh: “Nhà phê bình là kẻ đọc giùm người khác, Le critique est celui qui lit pour les autres” và có trích dẫn Jules Lemaợtre: “Sự phê bình văn học có thể là một việc thú vị vô cùng, và có thể có giá trị ngang, hoặc hơn, những tác phẩm bị phê bình nữa”. Ông xác định rõ Cảo luận là dịch từ chữ Essais của Pháp và phân biệt sự khác nhau giữa phê bình và cảo luận. Sách của ông có tên Phê bình và Cảo luận từ sự định danh ý nghĩa của từ ngữ như vậy. Ta thấy ảnh hưởng rất rõ từ phê bình Pháp của Thiếu Sơn qua việc trích dẫn các nhà phê bình cùng với việc đặt tên sách. Trong bài Nói chuyện tiểu thuyết, Thiếu Sơn phân biệt ba loại: “tả thực” khác với “cổ điển” và “lãng mạn” và trích dẫn Crébillon fils (?) mấy câu bàn về nội dung cần thiết của tiểu thuyết. Nhìn chung, phê bình của Thiếu Sơn vẫn chỉ dừng lại ở những nhận xét về nội dung văn chương trong khi so sánh, dẫn chứng khá nhiều các nhà văn Pháp (Rousseau, Bernadin de Saint Pierre, Hugo…). Trong bài Nhà phê bình văn học có tính lí luận, định hướng cho phê bình văn học, ông có dẫn Henry Bidou, Vương Thánh Thán và tóm tắt lại ý của Ste Bewve (nếu đúng thì phải viết là Sainte-Beuve) về hình thức và nội dung của văn phê bình(13). Ông quan niệm nhà phê bình văn học phải: “biết giới thiệu với quần chúng những cái tinh hoa của dân tộc và biết giới thiệu với nước ngoài những cái đặc sắc của giống nòi”. Những quan niệm về phê bình và nhà phê bình của Thiếu Sơn có thể nói là đúng đắn và trong những bài viết của ông dấu vết về phê bình và văn học Pháp khá rõ. Thanh Lãng xếp Thiếu Sơn vào “Phê bình giáo điều cổ điển” có lẽ ở một trong ba “công tác” là: “Dựa vào lý thuyết nghệ thuật cổ điển Đông phương nhất là Tây phương để nghiên cứu, phê bình, đánh giá các tác phẩm văn chương”(14). Ngày nay, nếu nói về tính “chuyên nghiệp” của phê bình dựa trên sự ra đời của công trình thì Lê Thước xuất hiện trước Thiếu Sơn; còn tính “hiện đại” thì Thiếu Sơn hơn một chút. Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa), Kinh thi Việt Nam(15), được viết xong, theo lời đề cuối sách, là: “Tháng Tám năm 1940”. Ngay trong lời mở đầu, ông đã dẫn P. Lafargue một đoạn ngắn về nguồn gốc, xuất xứ của ca dao. Sau đó, ở Chương X, nói về “Đời sống bản năng” trong nội dung của ca dao, ông đã dẫn Freud: “Gần đây, nhà bác học Freud có xướng ra một cái thuyết rất táo bạo…” (tr.141) để nói về bản năng tính dục của con người. Còn lại, chủ yếu Nguyễn Bách Khoa liên hệ với “phong dao” Tàu về lai lịch và sự phát triển của nó. Nhiều nhận định trong cuốn sách khá thuyết phục như mối quan hệ giữa lịch sử với ca dao; về “tâm lý công cộng” - cái có lẽ được diễn đạt hiện đại là vô thức tập thể. Dấu vết của phê bình văn học phương Tây có chứng lí và được viện dẫn cụ thể, tuy không nhiều, nhưng vẫn cho thấy một cách làm khoa học của nhà nghiên cứu này. . hội học văn học; Thi pháp; Phê bình Đức; Phê bình ý thức; Phê bình tưởng tượng; Ngôn ngữ và văn học; Kí hiệu học văn học; Phê bình cấu trúc; Phê bình Huyền thoại; Phê bình tâm phân học; Phê bình. Phê bình văn học Phương Tây ở Việt Nam – Tiếp nhận và ứng dụng Ngay từ thời Cổ đại, phê bình văn học đã xuất hiện từ những văn bản bình giải, từ các cuộc tranh luận. Gaston Bachelard, Erich Auerbach… Phê bình văn học đã thực sự trở thành một khoa học thực sự. 1. Phê bình văn học ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX Phê bình văn học Việt Nam trước thế kỉ XX chưa có những