MỘT SỐ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CÔNG TÁC LẬP VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH KS. NGUYỄN TÀI DUY Bộ môn Kinh tế Xây dựng Khoa Vận tải - Kinh tế Trường Đại học Giao thông Vận tải Tóm tắt: Bài báo đề cập đến một số vướng mắc và hướng hoàn thiện trong lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Summary: The paper mentions some practical problems and offers several possible solutions in terms of the management of work construction investment expenditures. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình là một vấn đề hết sức phức tạp do lĩnh vực xây dựng cơ bản có nhiều đặc điểm riêng biệt. Những năm vừa qua Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành những văn bản về quản lý đầu tư xây dựng nói chung và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình nói riêng nhằm giúp cho công tác quản lý và triển khai được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, có một số vấn đề đã nảy sinh và tiếp tục cần được tháo gỡ. Bài báo đề cập đến một số vướng mắc và đề xuất để hoàn thiện công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. II. MỘT SỐ TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC LẬP VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH Nhằm tạo ra bước ngoặt quan trọng có tính đột phá trong cải cách cơ chế chính sách quản lý chi phí xây dựng công trình chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, Chính Phủ đã ra Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 về “Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình”. Bộ Xây dựng ban hành thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, khi triển khai áp dụng đang xuất hiện rất nhiều vướng mắc ở các góc độ sau: * Về đơn giá: trước đây căn cứ vào đơn giá XDCB khu vực thống nhất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW ban hành, nhưng nay đơn giá là đơn giá xây dựng công trình. Đơn giá này phản ánh chính xác giá của công trình. Đơn giá xây dựng công trình được lập trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và các yếu tố chi phí sau đây: - Giá vật liệu xây dựng được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật liệu sử dụng cho công trình xây dựng cụ thể. Giá vật liệu xây dựng xác định trên cơ sở giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp, báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã được áp dụng cho công trình khác có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự. Giá vật liệu đến chân công trình được tính theo phương pháp lập đơn giá xây dựng công trình; - Giá nhân công xây dựng được xác định theo mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, tỉnh, theo từng ngành nghề sử dụng. Giá nhân công xây dựng được tính toán căn cứ theo mức tiền lương tối thiểu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố; khả năng nguồn vốn, khả năng chi trả của chủ đầu tư và các yêu cầu khác. Như vậy, sẽ có rất nhiều căn cứ để xác định đơn giá vật liệu, đơn giá nhân công và sẽ có rất nhiều đơn giá khác nhau. Ở một khía cạnh khác, khi mỗi tư vấn quyết định sử dụng một căn cứ nào đó thì họ cũng không có gì để chứng minh tại sao lại là căn cứ này mà không phải căn cứ kia. Giá nhân công vừa yêu cầu “theo mặt bằng thị trường lao động” vừa căn cứ theo “khả năng nguồn vốn, khả năng chi trả của chủ đầu tư”, như vậy hai điều này có thể mâu thuẫn lẫn nhau. Với tinh thần này của Nghị định 99 sẽ khiến công tác lựa chọn, phân tích, quản lý giá vật liệu, chi phí nhân công trên thực tế không hề đơn giản và rõ ràng hơn mà sẽ trở nên khó khăn, phức tạp và không có chuẩn mực nào. * Về định mức xây dựng: - Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp lập định mức xây dựng, xây dựng và công bố định mức xây dựng. các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, công bố các định mức xây dựng cho các công trình, công việc đặc thù của ngành, địa phương. - Đối với công tác xây dựng đã có trong hệ thống định mức xây dựng được công bố nhưng chưa phù hợp với biện pháp, điều kiện thi công hoặc yêu cầu kỹ thuật của công trình thì chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chức tư vấn điều chỉnh những định mức đó cho phù hợp để áp dụng cho công trình. - Đối với các công tác xây dựng mới chưa có trong hệ thống định mức xây dựng đã được công bố thì chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chức tư vấn căn cứ theo yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và phương pháp xây dựng định mức do Bộ Xây dựng hướng dẫn để xây dựng định mức cho công tác trên hoặc áp dụng các định mức xây dựng tương tự ở các công trình khác. Với hướng dẫn như trên, các chuyên gia lập dự toán đều hiểu rằng định mức do Bộ Xây dựng lập chỉ có tính chất tham khảo, công bố, không phải là quy định, không có tính chất bắt buộc phải áp dụng. Song điều đó hoàn toàn không làm cho cách quản lý này giống như cách quản lý định mức xây dựng ở các nước phát triển. Nếu nghiên cứu định mức xây dựng ở một số quốc gia tiên tiến sẽ thấy chúng được thể hiện đơn giản nhưng lại khoa học và chi tiết, đảm bảo đầy đủ cơ sở để lập dự toán phù hợp với các loại công trình cụ thể, bằng việc sử dụng các hàm, công thức, các bảng tra từ định mức cơ bản, rất thuận tiện trong sử dụng. * Về dự phòng phí cho yếu tố trượt giá dựa trên cơ sở độ dài thời gian xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng hàng năm phù hợp với loại công trình xây dựng. Chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng công trình theo thời gian và làm cơ sở cho việc xác định tổng mức đầu tư và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Chỉ số giá xây dựng được xác định theo loại công trình, theo khu vực và được công bố theo từng thời điểm. Bộ Xây dựng công bố chỉ số giá xây dựng và phương pháp xây dựng chỉ số giá xây dựng. Tuy nhiên Nghị định lại chưa nói rõ thời gian xây dựng tính từ thời điểm nào, sẽ lựa chọn thời điểm thiết kế lập dự toán hay thời điểm bắt đầu khởi công xây dựng công trình để tính toán. Đồng thời Bộ Xây dựng mới chỉ công bố chỉ số giá xây dựng ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh theo từng quý. * Những khác biệt khi so sánh giữa chi phí dự toán và chi phí trong giá dự thầu: Hiện nay, nhiều nhà thầu đang gặp nhiều khó khăn trong việc lập giá dự thầu, do những bất cập của Nghị định 99 và Thông tư 05. Chẳng hạn, chi phí huy động, di chuyển thiết bị và lực lượng lao động theo Thông tư 05 nằm ở Chi phí khác, nhưng đối với nhà thầu thì nằm ở trong chi phí xây dựng công trình (phần huy động, chuẩn bị công trường); Chi phí đảm bảo giao thông phục vụ thi công theo Thông tư 05 nằm ở Chi phí khác nhưng đối với nhà thầu chi phí đảm bảo giao thông phụ thuộc vào biện pháp tổ chức xây dựng cho từng công trình cụ thể vì vậy chi phí cho công tác này phải được đưa vào giá gói thầu. * Một tồn tại khác: đó là cùng một vấn đề nhưng chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan kiểm toán vẫn còn bất đồng ý kiến về tính pháp lý khi đưa ra các kết luận hậu kiểm. III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC LẬP VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG Để khắc phục những tồn tại kể trên, tác giả đưa ra một số đề xuất sau: - Do hiện nay chỉ số giá xây dựng mới được xây dựng theo từng quý và cho ba khu vực là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng đưa ra chỉ số giá xây dựng theo từng tháng và cho từng tỉnh để làm căn cứ điều chỉnh giá cho các công trình ở nhiều địa phương khi có sự biến động. - Đồng thời Bộ Xây dựng nên lập một ngân hàng dữ liệu về giá vật liệu, giá ca máy, giá nhân công từng tỉnh trong những khoảng thời gian nhất định và được lưu trữ trong nhiều năm phục vụ cho công tác quyết toán và kiểm toán. - Sự khác biệt về chi phí huy động lực lượng thi công, chi phí đảm bảo giao thông trong các khoản mục của chi phí dự toán và chi phí dự thầu cần được Bộ Xây dựng hướng dẫn và thống nhất quan điểm khi lập. IV. KẾT LUẬN Quản lý quá trình đầu tư xây dựng nói chung và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình nói riêng là một quá trình thường xuyên, liên tục hoàn thiện để cho phù hợp với cơ chế thị trường. Những tiền đề ban đầu là các nghị định của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các Bộ đã có. Tuy nhiên khi nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán đứng trên quan điểm của mình xem xét các văn bản này thì vẫn đưa ra các ý kiến khác biệt nhau gây khó khăn trong công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Với nội dung đã đề cập trên, tác giả hy vọng làm giảm những khó khăn trong việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Tài liệu tham khảo [1]. Luật Xây dựng ngày 26/11/2003. [2]. Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/06/2007 Nghị định của Chính Phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. [3]. Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. [4]. Thông tư số 07/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp lập và quản lý giá ca máy và thiết bị xây dựng. [5]. Văn bản số 1599/BXD-VP ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng công bố phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng ♦ . một số vấn đề đã nảy sinh và tiếp tục cần được tháo gỡ. Bài báo đề cập đến một số vướng mắc và đề xuất để hoàn thiện công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. II. MỘT SỐ. pháp lý khi đưa ra các kết luận hậu kiểm. III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC LẬP VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG Để khắc phục những tồn tại kể trên, tác giả đưa ra một số đề xuất. chi phí dự toán và chi phí dự thầu cần được Bộ Xây dựng hướng dẫn và thống nhất quan điểm khi lập. IV. KẾT LUẬN Quản lý quá trình đầu tư xây dựng nói chung và quản lý chi phí đầu tư xây dựng