Triết lý văn chương trên trang viết Nguyễn Huy Thiệp Võ Thị Thu Hằng “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp" [1]… Cuộc hành trình ấy đã chi chít những dấu chân… Trên con đường đã chi chít dấu chân đó, người ta đã tìm thấy ông? Không hiểu sao tôi cứ mường tượng cuộc hành trình này tựa như câu chuyện các thày bói đi xem voi - mỗi người sờ một bộ phận của con voi rồi ra sức khẳng định con voi là bộ phận đó, thành ra một cuộc cãi nhau ỏm tỏi. Nói như vậy, tôi không có ý và cũng không dám phủ nhận những bậc tiền bối đi trước, họ đã có những phát hiện và cả những linh cảm rất đúng, rất sâu sắc về Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng sao người ta cứ lấy vài ba nhân vật, vài ba hình tượng trong truyện của ông mà quy kết cho cả tư tưởng, cả quan niệm về văn chương, thậm chí, cả đạo đức của ông. Sao chưa ai đi tìm ông từ chính những quan niệm về văn chương mà ông trực tiếp hay gián tiếp phát biểu trong các truyện ngắn? Cơn bão táp mang tên Nguyễn Huy Thiệp, giờ đây đã tạm yên ả. Và tôi lại lên đường đi tìm Nguyễn Huy Thiệp với một niềm tin, qua bão táp, cái gì là giá trị sẽ tự khẳng định được mình! Có thể thấy, hầu hết những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều chứa đựng một hoặc vài lời triết lý của ông về văn chương. Điều đó chứng tỏ, Nguyễn Huy Thiệp là người hay trăn trở về văn chương và ý nghĩa của nó. Những triết lý đó, được phát biểu gián tiếp qua các nhân vật, qua tình huống truyện hoặc đôi khi phát biểu một cách trực tiếp. Trước đây, Nam Cao cũng thường thể hiện những quan niệm của mình trên trang viết của mình. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương không đơn giản và rành mạch như Nam Cao. Cái nhìn của ông về văn chương có gì đó rất phức tạp - phức tạp như chính cuộc đời, khi thì “văn chương là thứ bỉ ổi nhất” (Chút thoáng Xuân Hương), khi thì “văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải” (Giọt máu), khi thì: “văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” (Giọt máu). Với Thiệp, văn chương là một thế giới đầy bí ẩn, như “con gái thuỷ thần” chợt ẩn, chợt hiện: “Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì?Bởi lẽ gì? Cho tôi mượn màu son phấn ra đi”. Và Nguyễn Huy Thiệp đã ra đi gần hết nữa cuộc đời mình. Ra đi trong cô đơn, tìm kiếm trong cô đơn và trở về trong cô đơn… Bởi không như Nam Cao, cuối cuộc hành trình đó, Nguyễn Huy Thiệp không đưa ra bất kỳ một chân lý nào. Cái ông đem đến cho người đọc lại là một sự hoài nghi về chân lý. Và với những người đọc đã quen cái tâm thế đón chờ chân lý, người ta lạ lẫm trước trang văn của ông. Người ta thấy nó xa lạ với truyền thống, xa lạ với chuẩn mực. Và người ta ghẻ lạnh ông, vội vàng kết tội ông là giũ bỏ quá khứ, mắng ông là không có tâm, không nhân văn… Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp thừa sức viết ra những triết lý văn chương “chuẩn mực” cả nội dung và hình thức. Nhưng, Thiệp đã chọn cho mình một con đường khác, xây nên một thế giới khác. Để giải mã cái thế giới bí ẩn ấy, ta hãy thử làm một cuộc hành trình đến với các triết lý văn chương trên trang viết của ông. 1. Quan niệm về văn chương qua cái nhìn của những nhà chính trị Khi thống kê các quan niệm về văn chương trên trang viết của Nguyễn Huy Thiệp, có một điều rất bất ngờ mà ít ai để ý đến, đó là hầu hết những quan niệm văn chương của ông đều được thể hiện qua cái nhìn của những nhà chính trị. Đó là văn chương qua con mắt của Nguyễn Phúc Ánh (Kiếm sắc), của Thặng (Chút thoáng Xuân Hương), của viên quan trưởng (Trương Chi), của anh Lai (Quan Âm chỉ lộ)… Vì sao Nguyễn Huy Thiệp lại để văn chương hiện lên qua đôi mắt của những nhà chính trị? Văn chương và chính trị là một mối quan hệ hết sức nhạy cảm - một vấn đề mà mọi người đều tránh né. Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp lại cứ xông thẳng vào mảnh đất đó. Nhiều người bảo ông quá liều lĩnh - liều lĩnh đến tuỳ tiện. Cái chỗ người ta tránh, người ta né thì ông lại tự chui cổ vào. Tuy nhiên, lẽ phải có thể tạm thời bị vùi lấp chứ không bao giờ đánh lừa con người. Người ta biết đâu là sự thật, đâu là giả dối. Người ta tìm thấy ở văn ông cái thật của cuộc đời. Dẫu nó đê hèn, trần trụi, đôi khi còn ghê rợn. Lâu nay, chúng ta đã quá nặng tình với lịch sử. Nhưng lịch sử không tiến lên bằng lòng tốt. Nó cần sự thật. Văn học đã mắc nợ cuộc đời về sự thật. Và Nguyễn Huy Thiệp đã “nộp mình” để trả nợ cuộc đời! 1.1 Quan niệm văn chương qua cái nhìn của những nhà chính trị được thể hiện gián tiếp qua những hình tượng nhân vật. Ở truyện Trương Chi, Mị Nương không hiện lên như trong truyện cổ. Mị Nương và đám tuỳ tùng quan lại của nàng lại chính là biểu tượng của tiếng nói chính trị. Ba lần viên quan trưởng bảo Trương Chi hát: Lần thứ nhất: “Viên quan trưởng bảo: - Hát ca ngợi công danh đi!” Lần thứ hai: “Viên quan trưởng bảo: - Nên hát về sự nhẫn nhục” Lần thứ ba: “Viên quan trưởng bảo: - Hát ca ngợi tiền bạc đi!” Ca ngợi. Nhẫn nhục. Nhẫn nhục để ca ngợi. Để ca ngợi, văn chương một thời phải “nấu mình” trong những tiếng hô vang. Với Thiệp đó là một thứ văn chương “thô bỉ”, như một sự “nhẫn nhục đê hèn”: “Chưa bao giờ chàng hát một bài hát thô bỉ như thế. Bài hát chỉ toàn “ấy a” với lại “huầy dô”… Có chỗ còn bắt chước tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác, tiếng dê kêu nữa. Bài hát đông người”. “Đông người” thường ồn ào và náo nhiệt. “Đông người” thường là phong trào, là bắt chước. Văn chương đánh mất mình trong đám đông. Với văn chương, đánh mất mình còn đáng sợ hơn cả cái chết. “Chàng chỉ sợ chính bản thân chàng lâm vào tình thế phải tự hạ nhục bản tính của mình, thế là mất hết, không còn tiếng hát, không còn Trương Chi”. Nguyễn Huy Thiệp lại đề cập đến cái vấn đề muôn thưở của văn chương: Bản tính. Nhưng xã hội không ngừng đặt ra những yêu cầu, những nhiệm vụ quá khắt khe với văn chương. Còn khoảng trống nào cho văn chương được là mình, được thể hiện bản tính của mình? Khi Trương Chi hát ca ngợi công danh, tiền bạc - những khúc hát nhẫn nhục, lời chàng chỉ như những tiếng hô, tiếng chó sủa, dê kêu…Chỉ khi hát về tình yêu, chàng mới thực sự là mình, là Trương Chi thưở nào: “Đến lúc này, chàng biết chàng phải cất tiếng tự hát cho mình, bởi không chàng sẽ mất hết, mất cả cuộc đời. Chỉ bằng tình yêu của chàng, tình yêu chân thực và nồng cháy của chàng mới hòng cứu vớt được. Không phải Mị Nương, không chỉ là Mị Nương”. Hát về tình yêu - là hát về cái phần cá nhân, riêng tư nhất của của mỗi người - điều mà văn học trước đây gọi là cá nhân chủ nghĩa. Nhưng chính ở cái phần cá nhân chủ nghĩa này, văn học mới thực sự có ý nghĩa đối với con người. Văn chương cảm hoá được tất cả - cảm hoá cả chính trị, bằng tình yêu: “Những giọt nước mắt long lanh trên mắt Mị Nương. Nàng chưa từng được nghe ai hát như thế này. Bọn hoạn quan, những gã đồng cô, những tên hề lùn, bọn bói toán, tướng số, lang băm… đứng dạt cả ra”. Những giọt nước mắt ấy chính là ý nghĩa đích thực của văn chương. Văn chương không còn là những lời thuyết giáo về đạo đức. Những lời thuyết giáo chỉ làm cho người ta sợ chứ không làm cho người ta phục. Văn chương là sự ăn năn về đạo đức. Văn chương là nơi để người ta sám hối, để người ta xưng tội với chính mình. Đó cũng là thứ văn chương mà Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn và theo đuổi. Nguyễn Huy Thiệp ghét cái kết thúc truyền thống của truyện cổ. Cũng phải. Nó nhân văn quá, đẹp quá mà thành ra dối đời. Sự nhân văn phải đạo ấy, loài người thưở sơ khai có thể chấp nhận được. Nhưng loài người bây giờ thì không! “Mị Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý Lẽ đời là thế” Và văn chương phải dám đối mặt, dám nhìn thẳng với cái lẽ đời - vừa tàn nhẫn, vừa phi lý ấy. 1.2. Các nhà chính trị trực tiếp phát biểu về văn chương Trương Chi chỉ là cách thể hiện gián tiếp quan niệm của chính trị về văn chương. Có lúc Nguyễn Huy Thiệp đã để cho chính các nhà chính trị phát biểu quan niệm của mình một cách rất thẳng thắn. Trước hết là lời của tri huyện Thặng trong Chút thoáng Xuân Hương: “Hách chứ, Thặng giơ ngón tay như quả chuối nắm ra trước Ấm Huy. Không hách để văn chương các chú làm loạn à? Văn chương là miếng đất nghịch”. “Văn chương làm loạn” - Nó làm loạn trong tiềm thức của con người - một cuộc nổi loạn mà không có một thế lực nào có thể dập tắt được. Chính Thặng đã khẳng định: “Dân quen nô lệ, luật cứ ngặt nghèo, nghiêm khắc là xong. Không có bàn bạc gì cả”. Nhưng Thặng lại phải “hách” với văn chương – tức là Thặng sợ! Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Phúc Ánh trong Kiếm sắc: “Ta ghét bọn chữ nghĩa thôi. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện, xảo trá, tinh vi… Hành tung chúng ta chẳng lo. Toàn lũ ấm o như dòi chò, hèn mọn cả. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó, ta mệt lắm”. Nói là “ta chẳng lo” nhưng lại muốn “rửa đầu óc chúng nó”, tức là Ánh cũng sợ. Song dẫu Ánh muốn cũng không thể nào làm được. Ánh đã sai Lân đi chiêu mộ các danh sĩ Bắc Hà. Nhưng trớ trêu thay, chính Lân lại được văn chương “chiêu mộ”: “Thâm tâm Lân cũng không biết nên vui hay buồn, chỉ thấy trong lòng cảm động”. Đó cũng là sức mạnh phi thường của văn chương. Lân đã phải chịu tội, chết dưới lưỡi gươm gia truyền. Hay là văn chương đã hoá kiếp cho Lân?… Để từ đây và mãi mãi bàn tay của Lân sẽ không hề dính máu. Lân chết khi trong lòng đang cảm động - cái chết ấy có ý nghĩa hơn vạn lần kiếp sống vô tâm. Có thể, đó là ý nghĩa mà Nguyễn Huy Thiệp gởi gắm trong hình thức một câu chuyện lịch sử. Vậy mà khi đọc Kiếm sắc (cùng với Vàng lửa vàPhẩm tiết) người ta mặc sức gán cho Nguyễn Huy Thiệp biết bao nhiêu là tội danh. Tôi thì lại mừng cho Nguyễn Huy Thiệp, mừng vì ông đã đi đúng con đường của văn chương! Thể hiện những quan niệm văn chương qua con mắt của những nhà chính trị, Nguyễn Huy Thiệp không hề có ý muốn đối lập chính trị với văn chương. Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp luôn ý thức văn học phục vụ chính trị. Nhưng phục vụ chính trị không đơn thuần là là truyền bá những tư tưởng chính trị. Với Nguyễn Huy Thiệp, ý nghĩa cao nhất của văn học đối với chính trị là ở chỗ: Văn học giữ gìn lương tri cho chính trị. Ý nghĩa này thể hiện rõ qua một truyện ngắn gần đây của ông: Quan âm chỉ lộ. Câu truyện khơi nguồn từ mối quan hệ giữa nhà văn và anh Lai - vụ trưởng một vụ. Ở đó thông qua suy nghĩ của anh Lai về anh bạn nhà văn của mình (nhân vật xưng “tôi”), Nguyễn Huy Thiệp đã để cho chính trị lên tiếng về văn chương. Anh Lai nói: “Chú là ai? Tại sao chú lại viết ra những thứ làm cho người ta dằn vặt lòng mình? Chú có quyền gì? Ai cho chú cái quyền năng ấy? Tư cách chú tôi gạt sang một bên. Tôi không hiểu vì sao mọi người lại vị nể một người như chú? Ở chú có phẩm chất gì? Cao thượng ư? Không phải! Nghiêm cẩn ư? Cũng không phải nốt. Tôi chỉ nhận ra chú dục vọng hão huyền và cái khả năng đánh thức cái dục vọng ghê gớm ấy ở mỗi người. Điều đó là tốt ư? Không phải? Xấu ư? Không phải! Từ bản chất tôi vừa căm ghét vừa sợ hãi, cảm phục những người như chú”. Một câu trong mạch đối thoại mà ngỡ như một lời độc thoại - đúng hơn là đối thoại với chính mình. Hầu như tất cả đều tồn tại ở dạng câu hỏi. Hỏi nhà văn, nhưng chính anh Lai lại trả lời. Anh Lai nói là “không thể hiểu”. Nhưng thật ra, anh đã hiểu và hiểu rất rõ. Văn chương chính là như thế, như chính những lời anh Lai nói: làm ta dằn vặt, có khả năng đánh thức cái dục vọng ghê gớm ở mỗi người”… Điều đó là tốt hay xấu? Chính anh Lai cũng đã nói - không tốt - nhưng cũng không xấu. Văn chương đang đứng ở một độ chênh rất mỏng manh giữa nhân văn và giả dối, giữa nói lên sự thật và thóa mạ con người. Chỉ cần nhà văn chệch chân một chút thôi, sẽ rơi vào hố sâu thăm thẳm. Và Nguyễn Huy Thiệp đã giữ văn chương ở cái độ chênh ấy. Chính tại đây, văn chương thể hiện ý nghĩa của nó đối với chính trị. Văn chương giữ gìn lương tri cho chính trị – giữ gìn bằng chính những điều anh Lai nói: sự tự dằn vặt. Tại sao chị Hỷ lại mang trả bức tượng Quan Âm chỉ lộ? Phải chăng vì những giọt nước mắt trên tượng Quan Thế Âm Bồ Tát? Bồ Tát nhân từ cũng đâu thể cứu rỗi con người. Vậy thì văn học cũng đâu có tham vọng làm được điều đó. Với Thiệp, văn chương chỉ giữ cho con người không bị rơi xuống thẳm sâu của cái ác, và đánh thức ở họ cái ý thức tự cứu rỗi chính mình. 2. Nguyễn Huy Thiệp tự phát biểu những triết lý của mình về văn chương Xen lẫn với những lời phát biểu của những nhà chính trị về văn chương là những trăn trở của chính Nguyễn Huy Thiệp. Cuối truyện Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp đã khái quát về công việc viết văn của mình: “Công việc viết văn vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa”. Nhọc nhằn, phức tạp vì văn Nguyễn Huy Thiệp không phải là thứ văn dễ dãi. Người ta viết văn như một sự giải thoát. Nguyễn Huy Thiệp viết như một sự chất vấn chính mình – chất vấn về nghĩa lý của văn chương, về ý nghĩa của cuộc đời cầm bút. Vì thế, trang viết của ông như một sự trăn đi trở lại, như một sự dằn vặt, cào xé chính mình: “Ở trường Đại học, tôi đã thuyết giảng về sự vô minh của con người và thế giới, lòng khao khát của cá nhân tôi với cuộc sống mà thượng đế đã ban cho. Giờ nhớ lại những điều tôi nói hôm ấy thật xa xỉ và phù phiếm, thậm chí dối trá” (Quan Âm chỉ lộ). Nguyễn Huy Thiệp sợ mình trở thành một thằng lừa đảo. Với Thiệp, những kẻ lừa đảo trong văn chương còn đáng sợ hơn nhiều những kẻ lừa đảo tiền bạc, tài sản. Nhưng thật trớ trêu, vì sự thật bao giờ mà chẳng đắng và khó nghe. Ông đau đớn nhận ra thứ văn chương sự thật của mình đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho người đời: “Văn chương là thứ bỉ ổi nhất. Nó gây ra sự nổi lọan trong đời thường. Cuộc đời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại để làm gì? (Chút thoáng Xuân Hương). Nhưng rồi, ông không thể làm khác được. Ông không thể viết ra thứ văn chương dễ dãi, sẵn sàng ca ngợi, tung hô, sẵn sàng dối trá. Ông thà để người ta đau đớn trong đời thật còn hơn chìm đắm trong thứ hạnh phúc giả tạo. Thật ra mà nói, đó cũng là một sự lựa chọn đầy khó khăn của Nguyễn Huy Thiệp. Như trên đã nói, Nguyễn Huy Thiệp suốt đời kiếm tìm nghĩa lý của văn chương, nhưng ít khi nào ông phát biểu một ý nghĩa rõ ràng về văn chương. Và đây là một trong số những định nghĩa hiếm hoi của Nguyễn Huy Thiệp – hiếm hoi và khác thường: “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đó là chí thành” (Giọt máu). Chính tại đây, nhiều người đã phê phán Nguyễn Huy Thiệp. Văn chương vốn cao quý sao Thiệp lại nỡ nhấn nó xuống bùn? Thật ra lâu nay, văn học của chúng ta đã quen đứng trên bùn mà chỉ trỏ, mà phê phán: bùn đó, ghê lắm, tránh đi! Và chỉ thế thôi. Nguyễn Huy Thiệp thì khác, bất chấp hết, ngập trong bùn rồi còn sục tung lên. Từ “bùn” chuyển sang “bướm và hoa” là một sự lột xác đầy phiêu lưu, mạo hiểm. Vì nếu không khéo sẽ dễ dàng ngập sâu trong vũng bùn. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã chấp nhận cuộc phiêu lưu này. Đúng lý ra, chúng ta phải mang ơn Nguyễn Huy Thiệp. Bởi nếu không có sự “liều lĩnh đến tùy tiện” kia thì văn chương sẽ chỉ là thứ để người ta chiêm ngưỡng về sự đạo mạo, thanh khiết của nó. Và chính con người sẽ ngập sâu xuống vũng bùn đen tối! Như vậy, những triết lý văn chương trên trang văn Nguyễn Huy Thiệp dẫu có được nhìn qua đôi mắt của các nhà chính trị hay là những trăn trở của chính nhà văn thì vẫn có sự thống nhất. Văn chương mà Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn là thứ văn chương dấn thân. Dấn thân cả hai chiều – nhà văn dấn thân và chính người đọc cũng phải dấn thân. Từng mang khuôn mặt của một kẻ kiêu ngạo cô đơn, Nguyễn Huy Thiệp đã ý thức được nỗi cô đơn tột cùng trong sáng tạo. TrongGiọt máu, ông đã từng thốt lên đau đớn: “Thằng bé mơ hồ hiểu rằng học đòi văn chương là nó bước vào một cõi mà ở đấy, nó không thể nương tựa vào bất cứ thứ gì, ngoài bản thân nó”… Nguyễn Huy Thiệp cô đơn trong sáng tạo, hay cô đơn để sáng tạo? Ông chấp nhận sự cô đơn để được là mình. Để viết đúng mình. Tức là viết khác người. “Người đời bao giờ chẳng bạc bẽo” - ông từng than vãn. Người ta bảo ông có tài nhưng không có tâm, người ta bảo ông bán rẻ quá khứ, người ta bảo… Người ta còn bảo nhiều lắm. Còn ông, ông đã tự bảo mình không trông chờ vào lòng hào hiệp của người đời. Mà văn chương cũng chẳng cần đến lòng thương hại. Ông cứ ung dung mà đi tiếp con đường của mình, đúng hơn đi tiếp trên một sợi dây mảnh, như thể một nghệ sĩ xiếc trong một pha mạo hiểm… Và ông biết, chỉ cần ông chệch chân ra khỏi sợi dây, người ta sẽ phỉ báng ông, vùi lấp ông như thể vùi lấp một ngôi mộ. Đời vốn nghiệt ngã! Đời người sáng tạo còn nghiệt ngã hơn! Khuôn mặt “nhàu nát” ấy hình như vẫn đang mỉm cười - một nụ cười nhân ái, thiết tha với đời, với người… . với các triết lý văn chương trên trang viết của ông. 1. Quan niệm về văn chương qua cái nhìn của những nhà chính trị Khi thống kê các quan niệm về văn chương trên trang viết của Nguyễn Huy Thiệp, . triết lý văn chương trên trang văn Nguyễn Huy Thiệp dẫu có được nhìn qua đôi mắt của các nhà chính trị hay là những trăn trở của chính nhà văn thì vẫn có sự thống nhất. Văn chương mà Nguyễn Huy. Triết lý văn chương trên trang viết Nguyễn Huy Thiệp Võ Thị Thu Hằng “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp& quot; [1]… Cuộc hành trình ấy đã chi chít những dấu chân… Trên con đường đã chi