DẤU ẤN SƠN NAM Nhà văn Sơn Nam tên khai sinh là Phạm Minh Tài sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926 tại Rạch Giá. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1977. Ông được coi là nhà Nam bộ học với các tác phẩm nổi tiếng: Chuyện xưa tình cũ (1958), Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959), Hương rừng Cà Mau (1962), Chim quyên xuống đất (1963), Vạch một chân trời (1968), Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1981), Bến Nghé xưa (1981) Nhà văn đã tạ thế hồi 12h 40 ngày 13 tháng 8 năm 2008 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định để lại niềm tiếc thương vô hạn ở hàng triệu độc giả yêu nước văn chương ông. Tạp chí Văn nghệ Quân đội trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của nhà văn Nguyễn Quốc Trung về nhà Nam bộ học Sơn Nam yêu quý. Những ngày cuối đời, sau cú té xe vào giáp tết Nguyên Đán Mậu Tý, phải nằm liệt giường, Sơn Nam đau đáu về những truyện ngắn, những cuốn sách khảo cứu, ông ấp ủ từ rất lâu, nhưng lần lữa hoài không đặt bút viết, bây giờ muốn viết, lại không đủ sức. Nhà văn là vậy, không bao giờ thỏa mãn với mình, họ luôn luôn nghĩ tới những việc chưa làm được, tác phẩm tâm huyết nhất là đang dự định viết. Mà đời viết văn, làm báo của Sơn Nam đâu có bình thường, ông đã viết hơn bốn mươi tác phẩm, bao gồm truyện ngắn, tiếu thuyết, khảo cứu. Khi nói tới một nhà văn nào, người đọc thường nhắc đến những nét đặc sắc của tác phẩm nhà văn ấy. Với Sơn Nam, tác phẩm của ông không lẫn với bất cứ ai. Trải qua nửa thế kỷ cầm bút, dù sống ở đô thị lớn, tiếp xúc với nhiều trào lưu văn học, nhưng trước sau ông vẫn bám sát vào mảng đề tài đất và người miệt vườn mà viết. Ngày trước, các ông chủ bút thường khuyên và phân công mỗi người viết, cộng tác viên, chuyên viết về mảng đề tài quen thuộc. Sơn Nam được nhà văn đàn anh Bình Nguyên Lộc khuyên nên viết sâu về đất và người vùng châu thổ sông Cửu Long. Sơn Nam đã nghe theo lời khuyên chân tình ấy, quả nhiên, tác phẩm của ông được các báo chọn đăng, một vài tờ nhật báo đặt bài thường xuyên. Thời đó, phương tiện đi lại khó khăn, chủ yếu bằng ghe, nên người đọc ở Sài Gòn thấy những chuyện rất kỳ lạ trong truyện ngắn Sơn Nam. Từ đó, Sơn Nam chuyên khai thác về đề tài con người và đất đai vùng đồng bằng sông Cửu Long, hay nói cách khác là miệt vườn. Miệt vườn một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu với những nét văn hóa dân gian pha trộn giữa các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, tạo nên nền văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc. Sơn Nam viết về giới bình dân, nghĩa là những người sống bên các kinh rạch, trong làng ấp giữa rừng đước, rừng tràm. Tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, bao gồm những câu chuyện nói về cuộc mưu sinh với những phong tục, tập quán của người đất mũi với những nghề câu cá sấu, bắt rắn, bẫy heo rừng… Tác giả chẳng cần đến việc lạ hóa câu chuyện, cứ ghi lại đúng như nó xảy ra. Với vùng đất ấy có biết bao nhiêu chuyện và con người mang những yếu tố lạ cuốn hút thị hiếu người nơi khác. Đó là một ông Hai Tước, một kẻ từng hành nghề đạo chích, với mười bà vợ, vẫn phong tình như thường; Một lão có tên là Chòi Mui, là nghề thầy chà, thầy cúng cho dân làng; Một ông thầy Quýt, phát ruộng, be bờ giỏi, hễ nhà nào động dao thới là tới, tưởng đâu đó là người bê tha, nhưng trong con người ấy vẫn có những nét thật đáng yêu. Nhân vật của Sơn Nam chỉ hoạt động trong môi trường làng rừng, trong xóm ấp còn hoang dã, họ biểu hiện tính cách bằng hành động và giọng nói mang tính hài hước. Và, cũng chính vùng đất ấy, thời xa xưa có rất nhiều người tự xưng là hảo hớn, lập nên những băng đảng quậy phá trong các làng ấp, trên kênh rạch. Các truyện ngắn Đảng buồm Đen; Đảng xăm mình… ghi lại dấu tích một thời vùng đất cuối đất cùng trời còn chìm trong cảnh tăm tối. Sơn Nam sử dụng một thứ ngôn ngữ đặc biệt Nam Bộ, nhưng ông không lẫn giữa phương ngữ và tiếng nói trại như một vài cây bút cùng thời. Truyện ngắn Sơn Nam thường viết về những ông già, đó là những người trải nghiệm cuộc đời với những hạnh phúc và cay đắng, biết đối nhân xử thế vì thấy rằng cuộc đời mỗi người có hạn, lại phải đối mặt với mưu sinh. Nhân vật của Sơn Nam nói năng khiêm cung, như tự hạ mình, nhưng thực ra bên trong họ có những trí khôn và sức mạnh tiềm tàng. Những ai từng quen biết Sơn Nam đều thấy nhân vật trong truyện ngắn của ông đều thấp thoáng bóng dáng tác giả. Bề ngoài Sơn Nam gầy gò, nói năng nhỏ nhẹ, nhưng đó là cách ông giấu mình để được yên ổn hành nghề, cái nghề đã trở thành nghiệp mà ông yêu thích. Tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, khi ra đời, vào năm 1962, đã gây tiếng vang, tạo cho Sơn Nam một thương hiệu riêng trong làng văn, đó là nhà văn viết khá hay về đất và người miệt vườn. Sau đó, ông còn viết thêm nhiều truyện, với tiêu đề Hương rừng Cà Mau tập 2, tập 3.Vẫn là những câu chuyện theo mô típ cũ, tuy vậy, khi lạm dụng quá nhiều về một mảng đề tài, dễ nhàm, câu chữ chai đi, thiếu sự hồn nhiên. Nhưng bù lại, Sơn Nam có giọng điệu rất riêng. Văn của Sơn Nam cũng không trau chuốt với những câu chữ lạ, nhưng chữ luôn có sức sống, câu văn tãi ra, đó là lối nói của người dân quê mộc mạc. Có một lần, trong lúc nhàn đàm ở quán cà phê, Sơn Nam tâm sự rằng, không phải ông không biết các cách viết thức thời nhưng ông biết chạy theo như vậy sẽ không bằng được người viết xuất thân ở thành phố, được học hành chu đáo, tiếp cận với tác phẩm nước ngoài nguyên bản, vì vậy, ông cày sâu vào đất mà mọi người không biết đến. Trung thành với lối kể chuyện theo mô típ chuyện dân gian của người miệt vườn, đôi lúc phóng đại câu chuyện theo kiểu chuyện Ba Phi, Sơn Nam dẫn người đọc về thế giới rất riêng của vùng sông nước, và cách dựng truyện cũng theo lớp lang, tuần tự theo thời gian, không phải truyện nào cũng đặc sắc, nhưng trong mỗi truyện đều có những chi tiết rất ấn tượng. Ông đã có những truyện ngắn hay như Mùa len trâu; Hương rừng; Hát bội giữa rừng; Đảng xăm mình Sơn Nam viết nhiều tiểu thuyết. Tiểu thuyết của Sơn Nam có thể gọi là tiểu thuyết phong tục, Bà Chúa Hòn; Biển cỏ miền Tây…được tác giả khai thác theo hình thức ấy. Các tiểu thuyết này có giá trị về mặt tư liệu, nhưng chất văn không cao, bởi vì chuyện không có xung đột, giọng văn đều đều, có phần hơi cũ, nhân vật có diện mạo nhưng không có tính cách. Tiểu thuyết Bà chúa Hòn, như là một tích chuyện dân gian kéo dài, chất sáng tạo ít. Nói về nghề văn, Sơn Nam tỏ ra rất sành. Trong quá trình hành nghề, tiếp xúc với các nhà văn đàn anh, ông tự rút ra những kinh nghiệm. Trong nghề văn, kinh nghiệm về nghề rất quan trọng, thông thường người viết truyền cho nhau trong các cuộc trò chuyện. Sơn Nam không chỉ thành công ở mảng sách sáng tác, ông còn có nhiều công trình khảo cứu, biên khảo về vùng đất Nam Bộ. Đó là những cuốn Bến Nghé xưa; Đất Gia Định xưa; Văn minh miệt vườn; Đồng bằng sông Cửu Long và những nét sinh hoạt xưa Tổng cộng khoảng 20 cuốn. Công trình biên khảo của Sơn Nam thường ghi chép về sự hình thành đất đai viên trạch, phong tục tập quán ở Nam Bộ. Giá trị tư liệu các công trình này rất lớn vì thời gian qua đi những dấu tích, sự kiện thời xa xưa cũng lùi vào dĩ vãng. Giới nghiên cứu thường đáng giá rất cao các cuốn Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Thiên địa hội và cuộc Minh Tân của Sơn Nam. Sống ở Sài Gòn nhưng khi viết khảo cứu, Sơn Nam thường có những chuyến đi điền dã dài ngày, ông khảo sát, lấy thêm tư liệu, để viết về lịch sử khẩn hoang đất Nam Bộ, ông đã ra tận Quảng Bình, quê hương Nguyễn Hữu Cảnh để tìm hiểu. Nhà văn viết nghiên cứu, khảo cứu có ưu điểm là văn phong trôi chảy, có nhiều chi tiết, hình ảnh rất dễ đọc. Tuy vậy, đôi lúc cao hứng, Sơn Nam cũng không ngàn ngại phóng tác thêm. Ông là người trung thực, trích dẫn của ai đề có chua thêm lời chú thích, chứ không phải ém nhẹm đi như người nào đó. Cuộc đời nhà văn Sơn Nam phong phú, ông được chứng kiến nhiều bước ngoặt của lịch sử, đời ông có những thăng trầm, ông tham gia cách mạng từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, từng là tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá, sau hiệp định Genève, ông ở lại miền Nam làm báo, viết văn. Trong cuộc sống hàng ngày, ông sống giản dị, chân tình. Ông để lại dấu ấn đẹp với bạn bè, đồng nghiệp. Hơn thế, ông đã để lại khối lượng lớn tác phẩm lớn. Chắc chắn, mai sau, khi muốn tìm hiểu về đất và người Nam Bộ xa xưa, người ta phải đọc tác phẩm của ông. Đó là những cống hiến mà không phải ai cũng có được . DẤU ẤN SƠN NAM Nhà văn Sơn Nam tên khai sinh là Phạm Minh Tài sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926 tại Rạch Giá. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1977. Ông được coi là nhà Nam bộ học với. của nhà văn Nguyễn Quốc Trung về nhà Nam bộ học Sơn Nam yêu quý. Những ngày cuối đời, sau cú té xe vào giáp tết Nguyên Đán Mậu Tý, phải nằm liệt giường, Sơn Nam đau đáu về những truyện ngắn, những. những chi tiết rất ấn tượng. Ông đã có những truyện ngắn hay như Mùa len trâu; Hương rừng; Hát bội giữa rừng; Đảng xăm mình Sơn Nam viết nhiều tiểu thuyết. Tiểu thuyết của Sơn Nam có thể gọi là