VIRUS DENGUE

11 1.7K 21
VIRUS DENGUE

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

Thông tin tài liệu

Sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever, DHF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus gây bệnh (giống muỗi Aedes aegypti). Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, chủ yếu tập trung tại những khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của muỗi. Trước đây, trẻ em là đối tượng chủ yếu mắc sốt xuất huyết Dengue, nhưng hiện tại rất nhiều trường hợp người lớn cũng mắc bệnh và nguy cơ tử vong khá cao. Cho đến nay, chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết Dengue. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi sau khoảng một tuần. Đối với những trường hợp nặng, việc điều trị bệnh chủ yếu là hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.

VIRUS DENGUE MỤC TIÊU 1. Mô tả được 4 đặc điểm sinh học của virus dengue. 2. Trình bầy được khả năng và cơ chế gây bệnh của virus dengue. 3. Mô tả được phương pháp chẩn đoán vi sinh vật virus dengue. 4. Nêu được nguyên tắc phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết dengue. Bệnh sốt xuất huyết dengue đã được nói đến cách đây hơn 200 năm, nhưng mãi tới năm 1944 căn nguyên gây bệnh mới được phát hiện bởi Sabin, đó là virus dengue. Gần đây các vụ dịch xuất hiện càng nhiều không những ở các nước Đông Nam Á mà còn lan sang các nước khác như Polynnesia, Brazil, Venezuela và Trung Quốc, gây thiệt hại lớn cả về người lẫn kinh tế. 1. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC 1.1. Cấu trúc Virus dengue hình cầu, đối xứng hình khối, chứa một sợi ARN dương với khối lượng phân tử là 3,8.10 6 Dalton. Vỏ envelop là lipoprotein, capsid được cấu thành bởi 32 capsomer. Đường kính có kích thước khoảng 35-50 nm. Các virion trưởng thành có 3 loại protein cấu trúc gồm protein lõi C, màng M có chức năng gắn với màng lipid của tế bào ký chủ và protein võ E. Protein võ E có nhiệm vụ kết hợp với thụ thể gây ngưng kết hồng cầu và kích thích cơ thể tạo kháng thể trung hoà. Tỷ lệ ARN/Protein/lipid/glucid bằng 6/66/17/9, tỷ lệ này có thể thay đổi chút ít do kỹ thuật tinh chế và loại tế bào virus xâm nhiễm. 1.2. Nuôi cấy Có thể nuôi virus dengue trên các tế bào nuôi như Hela, KB, đặc biệt là tế bào muỗi C6/36. Virus dengue dễ dàng nhân lên trong não chuột nhắt trắng 1-3 ngày tuổi, virus phát triển làm cho chuột bị liệt từ ngày thứ 3 trở đi. Người ta còn nuôi cấy virus vào cơ thể muỗi Toxorhynchites hoặc Aedes aegypti. 1.3. Khả năng đề kháng Virus dengue nhạy cảm với các dung môi hoà tan lipid như ether, natri desoxycholat, formalin dưới tác dụng của tia cực tím, virus bị phá huỷ dễ dàng. Ở 60°C, virus bị tiêu diệt sau 30 phút, ở 4°C bị tiêu diệt sau vài giờ, nhưng nếu ở trong dung dịch glycerol 50% hay đông lạnh bảo quản ở -70°C thì virus có thể sống được vài tháng tới vài năm. 1.4. Tính chất kháng nguyên Virus dengue có kháng nguyên kết hợp bổ thể, trung hoà và ngăn ngưng kết hồng cầu. Dựa vào sự khác biệt giữa các điểm quyết định kháng nguyên, người ta chia virus dengue ra làm 4 týp khác nhau, được ký hiệu là: D1, D2, D3 và D4. Mặc dù 4 týp dengue có tính chất kháng nguyên khác nhau nhưng chúng có một số quyết định kháng nguyên chung, nhất là các kháng nguyên ngăn ngưng kết hồng cầu, nên chúng có hiện tượng ngưng kết chéo giữa các týp. Trong phản ứng ngưng kết hồng cầu, pH 6,4 là thích hợp nhất cho virus ngưng kết với hồng cầu ngỗng hoặc gà. 1.5. Sinh bệnh học: 1.5.1. Thúc đẩy nhiễm virus phụ thuộc kháng thể Đáp ứng sơ nhiễm: Lần đầu nhiễm virus dengue, cơ thể tạo kháng thể IgM xuất hiện sớm, thường vào ngày 5 của bệnh, kháng thể này tăng cao nhất vào 2 tuần đầu rồi giảm dần. IgG xuất hiện muộn hơn và có nồng độ thấp. Đáp ứng tái nhiễm: Tái nhiễm thường xảy ra với type huyết thanh virus dengue khác, IgG xuất hiện sớm và tăng cao trong 2 tuần lễ đầu, IgM ở mức thấp. 1.5.2. Nhiễm virus phụ thuộc kháng thể: Theo Halstead, biểu hiện nặng của sốt xuất huyết dengue (Sốt xuất huyết dengue / Sốc sốt xuất huyết) xảy ra ở những trường hợp tái nhiễm virus dengue do hiện tượng kháng thể “tăng cường”. Khi lao sơ nhiễm, cơ thể tạo ra kháng thể trung hoà chéo với kháng nguyên virus dengue khác tái nhiễm hình thành phức hợp miễn dịch. Phức hợp miễn dịch này làm tăng khẳ năng thực bào của bạch cầu đơn nhân. Virus dengue vào bạch cầu đơn nhân, nhân lên mạnh mẽ dẫn đến nhiều tế bào bị nhiễm nhanh hơn, làm hoạt hoá các tế bào lympho gây độc tế bào. Các tế bào lympho gây độc tế bào sẽ ly giải bạch cầu đơn nhân bị nhiễm. Các bạch cầu đơn nhân bị nhiễm chết sẽ phóng thích các hoá chất trung gian (cytokine) gây thất thoát huyết tương và biểu hiện xuất huyết trong sốt xuất huyể Dengue / Sốc sốt xuất huyết. 1.5.3. Độc lực của virus Dengue: Khi nhiễm virus Dengue gây sốc do độc lực của virus. Nồng độ virus trong máu có lien quan đến độ nặng của bệnh và nồng độ virus trong máu cao phản ánh độc lực của virus, tốc độ tăng trưởng nhanh của virus góp phần thúc đẩy sốt xuất huyết dengue hay sốc sốt xuất huyết. 1.5.4. Sinh bệnh miễn dịch: Sản xuất quá mức cytokine: IL-2, IL-6, IL-8, IL-10, gama-IFN và alpha-TNF. Sự gia tăng các cytokine này được xem là dấu hiệu chỉ điểm sốt xuất huyết dengue hay sốc sốt xuất huyết. Giảm tiểu cầu và kháng thể kháng tiểu cầu: Có nhiều giả thiết được đưa ra Virs ức chế tuỷ xương do đó giảm sản xuất tiểu cầu. Denguye-2 có thể kết hợp tiểu cầu có hiện diện kháng thể đặc hiệu làm tiêu huỷ tiểu cầu đưa đến số lượng tiểu cầu giảm. Sự tiêu thụ tiểu cầu trong đông máu nội mạch lan toả và tiểu cầu kết dính tại chỗ tế bào nội mạch bị tổn thương cũng làm cho số lượng tiểu cầu giảm. Rối loạn đông máu: Do tăng tính thắm thành mạch, giảm tiểu cầu và giảm các các yếu tố đông máu do giảm tổng hợp và tăng tiêu thụ trong quá trình đông máu nội mạch. Rối loạn đông máu thường gặp trong trường hợp nặng. 2. KHẢ NĂNG GÂY BỆNH Virus dengue nhân lên rất tốt ở chuột nhắt trắng mới đẻ (1-3 ngày tuổi) khi gây nhiễm vào não và ổ bụng. Nhiễm trùng thể ẩn có thể gây được ở một số loài khỉ. Sốt dengue: Khi muỗi mang virus dengue đã đủ thời gian nung bệnh đốt người, virus xâm nhập qua vết đốt vào máu gây bệnh sốt Dengue. Tuỳ theo số lượng virus vào cơ thể mà thời gian nung bệnh khác nhau (từ 2 đến 15 ngày). Bệnh khởi phát đột ngột, nổi cơn rét run, sốt cao 39-40°C, đau đầu, đau mình mẩy, đặc biệt đau nhiều ở vùng lưng, các khớp xương, cơ và nhãn cầu. Thường gặp ở trẻ lớn và người lớn. Sốt xuất huyết dengue: với các triệu chứng của sốt dengue kèm xuất huyết ở da, niêm Thường gặp ở trẻ nhỏ hiếm gặp ở người lớn. 3. CHẨN ĐOÁN VI SINH VẬT 3.1. Phân lập và xác định virus 3.1.1. Bệnh phẩm - Bệnh nhân: lấy 2-4 ml máu trong giai đoạn sốt chưa quá 4 ngày kể từ cơn sốt đầu, có chất chống đông. - Tử thi, lấy tổ chức gan, lách, hạch lympho cần lấy ngay sau khi chết chưa quá 6 giờ, được bảo quản trong glycerin 50%. - Vectơ: Bắt 20-40 con muỗi A. aegypti. Bệnh phẩm được bảo quản lạnh, riêng muỗi giữ cho sống, ghi rõ tên, tuổi, giới tính, số bệnh phẩm, địa chỉ, ngày phát bệnh, ngày vào viện, ngày lấy bệnh phẩm và những dấu hiệu lâm sàng chính rồi gửi ngay tới phòng xét nghiệm. 3.1.2. Phân lập virus Hiện nay người ta thường dùng 3 kỹ thuật để phân lập virus dengue: - Kỹ thuật phân lập trên chuột nhắt trắng 1-3 ngày tuổi: Bệnh phẩm được tiêm vào não chuột 1-3 ngày tuổi, theo dõi hàng ngày. Nếu chuột bị bệnh, chuột sẽ liệt 2 chi sau. Mổ lấy não để tiêm tiếp hai lần nữa. Sau khi gây nhiễm 1 tuần, nếu chuột không ốm cũng mổ để lấy não phát hiện virus. Dùng kỹ thuật này, người ta đã phân lập được cả 4 týp virus dengue, nhưng kỹ thuật này đòi hỏi nhiều thời gian, độ nhạy thấp, lại tốn kém, do đó ít được dùng. - Kỹ thuật phân lập trên muỗi sống: Bệnh phẩm tiêm vào ngực muỗi Toxorhynchites. Sau khi tiêm, nuôi muỗi trong lồng ở 28°C trong 14 ngày, bắt những con muỗi còn sống, giữ trong - 70°C để xác định virus. Phương pháp này có độ nhạy cao nên được dùng trong các trường hợp quan trọng như: Xuất huyết nặng, hoặc những trường hợp nguy kịch có thể dẫn đến tử vong. - Kỹ thuật phân lập trên tế bào nuôi: Cho bệnh phẩm vào tế bào nuôi một lớp C6/36. Sau 7 ngày, thu hoạch tế bào để xác định virus. Phương pháp này giúp cho việc phân lập virus được nhanh hơn và ít tốn kém hơn, tuy nhiên nó không nhạy bằng phương pháp gây nhiễm trực tiếp vào muỗi. 3.1.3. Định loại virus Sau khi nuôi cấy phân lập được virus, chúng ta phải định loại virus. Hiện nay có 4 kỹ thuật thường dùng: - Kỹ thuật kết hợp bổ thể. - Kỹ thuật trung hoà giảm mảng hoại tử: Kỹ thuật này dựa trên nguyên tắc: khi virus nhiễm vào tế bào thì virus sẽ tạo ra những mảng hoại tử (plaque) trên các tế bào nuôi cấy một lớp cảm thụ. Những mảng hoại tử này bị trung hoà bởi sự có mặt của các kháng thể đặc hiệu đã biết. - Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang trực tiếp. - Kỹ thuật khuếch đại chuỗi gen (PCR). 3.2. Chẩn đoán huyết thanh 3.2.1. Bệnh phẩm Người ta lấy máu bệnh nhân ngay từ khi bệnh nhân mới vào viện, gọi là máu 1; sau đấy 7 ngày, lấy máu lần 2, gọi là máu 2. Để máu đông, chắt lấy phần huyết thanh; huyết thanh được bảo quản ở -20°C cho tới khi làm xét nghiệm. 3.2.2. Các kỹ thuật chẩn đoán - Kỹ thuật ngăn ngưng kết hồng cầu. - Kỹ thuật kết hợp bổ thể. - Kỹ thuật trung hoà. - Kỹ thuật ELISA. - Kỹ thuật huỳnh quang gián tiếp. Dựa vào kháng nguyên đã biết, người ta tìm hiệu giá kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân. Trừ kỹ thuật Mac-ELISA tìm kháng thể IgM không cần làm 2 lần, các kỹ thuật còn lại đều phải làm 2 lần trong cùng điều kiện. Chỉ khi nào hiệu giá kháng thể của máu 2 lớn hơn hiệu giá kháng thể của máu 1 bốn lần trở lên, mới được coi là mắc bệnh. 4. Dịch tễ học Ổ chứa virus dengue là người và khỉ nhiễm virus. Virus truyền sang người lành qua muỗi đốt. Muỗi truyền bệnh chủ yếu là Aedes aegypti có trong nhà, Aedes albopictus có trong rừng. Sau khi hút máu nhiễm virus từ 8 đến 11 ngày hoặc có thể kéo dài hơn, tuỳ theo số lượng virus mà muỗi hút được và tuỳ theo nhiệt độ môi trường, muỗi có khả năng gây nhiễm. Chu trình nhiễm virus như sau: Muỗi Aedes 1: Aedes albopictus; Muỗi Aedes 2: Aedes aegypti Muỗi Aedes aegypti có nhiều ở châu Á , châu Phi, châu Mỹ và châu Úc. Ở Việt Nam, muỗi Aedes phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam, phát triển quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa. Do đó, bệnh sốt xuất huyết dengue là bệnh lưu hành rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt ở một số vùng như tây Thái Bình Dương, New Guinea, Indonesia, Ấn Độ, vùng Caribe và các nước dọc bờ biển miền nam Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.Chúng có thể bay với tốc độ 1,5 đến 2,5 km/h. Một số loài muỗi có khả năng là vật trung gian truyền bệnh giữa người với người, hay giữa động vật và người. Các bệnh do muỗi truyền có thể gây tử vong cao gồm sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da Muỗi Aedes. aegypti đang đốt người Ở Việt Nam, vào mùa hè và mùa mưa hàng năm, sự phát triển của muỗi thường xuyên gây nên các vụ dịch làm tử vong nhiều bệnh nhân. Hàng chục nghìn người bị mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có khoảng vài chục ca tử vong do muỗi truyền. Trên thế giới, có khoảng hơn Aedes (1) Khỉ Khỉ Người Người Aedes (1) Aedes (1) Aedes (2) nửa tỷ người mắc bệnh sốt rét hàng năm, tập trung ở Châu Phi, với thủ phạm truyền bệnh là muỗi. Một vài đặc điểm sinh thái: Bọ gậy (ấu trùng của muỗi) thường xuyên bơi lên mặt nước, lấy ôxy trong không khí thông qua một ống thở ở đuôi. Đa phần chúng ăn các vi sinh vật trong nước để sống. Muỗi sinh trưởng chủ yếu trong các đầm lầy, ao hồ hoặc các vũng nước đọng. Chúng đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành ấu trùng gọi là bọ gậy hay lăng quăng. Bọ gậy sống trong nước một thời gian, sau phát triển thành nhộng, rồi biến thái thành muỗi trưởng thành, bay lên khỏi mặt nước. Nhiệt độ thích hợp cho muỗi sinh trưởng và phát triển là khoảng 20 đến 25 độ C. Vì vậy chúng xuất hiện ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Vòng đời của muỗi phụ thuộc loài và nhiệt độ, thay đổi từ vài ngày đến khoảng một tháng. Muỗi cái có vòi dạng đặc biệt có thể xuyên thủng da người và động vật để hút máu. Muỗi cái cần hút thêm máu để có nguồn protêin để sản sinh ra trứng. Thức ăn bình thường của muỗi là nhựa cây và hoa quả, không chứa đủ protêin cho muỗi cái. Muỗi đực không có vòi thích hợp để hút máu, và chỉ ăn nhựa cây và hoa quả. Tuy nhiên cũng có một loài muỗi tên là Toxorhynchites không hút máu. Muỗi cái xác định mục tiêu hút máu qua mùi vị và cảm nhận nhiệt. Chúng đặc biệt nhạy cảm với CO 2 trong hơi thở động vật và một số mùi trong mồ hôi. Một số người, ví dụ nam giới, béo và thuộc nhóm máu O, hấp dẫn muỗi nhiều hơn. Muỗi cảm nhận được tia hồng ngoại phát ra từ vật có thân nhiệt cao, nên dễ tìm được đến động vật và chim máu nóng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 2,5 tỷ người có nguy cơ nhiễm bệnh sốt xuất huyết và 50 triệu trường hợp sốt xuất huyết được phát hiện trên phạm vi toàn cầu; trong đó khu vực Đông Nam Á (ASEAN) có dịch sốt xuất huyết phát triển mạnh nhất với 25.000 đến 75.000 ca bệnh, 60 đến 120 trường hợp chết do sốt xuất huyết mỗi năm. Tại Việt Nam trong năm 2010, có 128.831 ca mắc và 109 trường hợp tử vong, nhiều tỉnh miền Trung-Tây Nguyên số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với các năm trước đây, nhiều tỉnh phải công bố dịch sốt xuất huyết; ngay trong 5 tháng đầu năm 2011, cả nước đã ghi nhận 15.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 11 trường hợp tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2011 cả nước ghi nhận 17.518 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD), 14 trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2010 (19.829/20) số mắc giảm 11.6%, tử vong giảm 6 trường hợp. Trong đó khu vựcmiền Nam có số mắc cao nhất với 15.861 trường hợp (chiếm 90.5% số mắc cả nước), 14 trường hợp tử vong(chiếm 100% số tử vong cả nước); khu vực miền Trung có 1.147 trường hợp mắc (chiếm 6.5% so với cả nước), không có tử vong; khu vực Tây Nguyên có 138 trường hợp mắc (chiếm 0.8% số mắc cả nước), không có tử vong; khu vực miền Bắc có 372 trường hợp mắc (chiếm 2.1% số mắc cả nước), không có tử vong. Qua các dẫn liệu nêu trên, nhìn chung số mắc SXHD tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung, còn khu vực miền Bắc và Tây Nguyên số mắc chiếm tỷ lệ thấp. Riêng tại khu vực phía Nam so với cùng kỳ năm 2010 (12.955/16) số mắc tăng 22.4%; tại một số tỉnh ghi nhận số mắc tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2011 là Cà Mau (1.383/2) tăng gấp 20 lần, TP. Hồ Chí Minh (4.787/1) tăng 77%, Đồng Nai (1.104/3) tăng 79.5% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn Ban dự án phòng chống sốt xuất huyết Trung ương tổng kết sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm). 5 NGUYÊN TẮC PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ 5.1. Phòng bệnh không đặc hiệu 5.1.1. Tiêu diệt côn trùng tiết túc Là diệt môi giới trung gian truyền bệnh bằng mọi hình thức như: - Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để muỗi không còn nơi trú ẩn và đẻ trứng. - Phun thuốc diệt muỗi theo định kỳ. 5.1.2. Tránh và hạn chế muỗi đốt Khi ngủ phải nằm màn, những nơi có nhiều muỗi có thể thấm màn bằng permethrin 0,2 g/m 2 . 5.2. Phòng bệnh đặc hiệu Vacxin phòng bệnh sốt xuất huyết dengue hiện nay vẫn chưa có. 5.3. Điều trị Cần chú ý chống choáng, chống hạ nhiệt đột ngột và xuất huyết ồ ạt. Nâng cao thể trạng bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn nhiều đạm, hoa quả và tăng lượng vitamin nhất là vitamin C. Phương pháp đánh giá Câu hỏi 1. Mô tả 4 đặc điểm sinh học của virus dengue? 2. Trình bày khả năng và cơ chế gây bệnh của virus dengue? 3. Nêu các phương pháp chẩn đoán vi sinh vật virus dengue? 4. Trình bày nguyên tắc phòng và điều trị bệnh dengue? Trắc nghiệm 1. Vật trung gian truyền bệnh chính là: a) Culex và Aedes b) Culex c) Aedes * d) Tất cà các loài muỗi. 2. Cá thể bị bệnh sốt xuất huyết Dengue: a) Chim b) Lợn c) Người và khỉ * d) Tất cả đều đúng TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Thanh Bảo và cộng sự (2004). Vi rus học. Bộ môn Vi sinh, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. 2. Lê Huy Chính và Cộng sự (2007). Vi sinh vật y học. Nhà xuất bản Y học. 3. Lý Văn Xuân và cộng sự (2008). Vi rus học. Nhà xuất bản Y học. 4 .Brunhes, J.; Rhaim, A.; Geoffroy, B. Angel G. Hervy J. P. Les Moustiques de l'Afrique mediterranéenne French/English. Interactive identification guide to mosquitoes of North Africa, with database of information on morphology, ecology, epidemiology, and control. Mac/PC Numerous illustrations. IRD/IPT [12640] 2000 CD-ROM. ISBN 2-7099-1446-8 5.Clements, Alan (1992). The biology of mosquitoes. 1: Development, Nutrition and Reproduction. London: Chapman & Hall. ISBN 0-85199-374-5. 6. Davidson, Elizabeth W. (1981). Pathogenesis of invertebrate microbial diseases. Montclair, N.J: Allanheld, Osmun. ISBN 0-86598-014-4. 7. Gillett, J. D. 1972. The Mosquito: Its Life, Activities and Impact on Human Affairs. Doubleday, Garden City, NY, 358 p. ISBN 0-385-01179-2 8. .Jahn GC, Hall DW, Zam SG (1986). “A comparison of the life cycles of two Amblyospora (Microspora: Amblyosporidae) in the mosquitoes Culex salinarius and Culex tarsalis”. Coquillett. J. Florida Anti-Mosquito Assoc. 57: 24–7. 9. Kale, H.W., II. (1968). “The relationship of purple martins to mosquito control”. The Auk 85: 654–61. 10.Spielman, A., and M. D'Antonio. 2001. Mosquito: A Natural History of Our Most Persistent and Deadly Foe. Hyperion Press, New York, 256 p. ISBN 0-7868-6781-7 VIRUS VIÊM NÃO NHẬT BẢN (Japanese Encephalitis Virus) MỤC TIÊU 1. Mô tả được 4 đặc điểm sinh học của virus viêm não Nhật Bản. 2. Trình bầy được khả năng và cơ chế gây bệnh của virus viêm não Nhật Bản. 3. Mô tả được phương pháp chẩn đoán vi sinh vật virus viêm não Nhật Bản. 4. Nêu được nguyên tắc phòng và điều trị bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh viêm não Nhật Bản đã được mô tả từ năm 1871, nhưng cho mãi tới năm 1934 virus viêm não Nhật Bản mới được Hayshi phát hiện tại Nhật Bản. Virus viêm não Nhật Bản được xếp vào nhóm B (Flavivirus) của Arbovirus, do vậy người ta còn gọi là virus viêm não Nhật Bản B. 1. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC 1.1. Cấu trúc Virus viêm não Nhật Bản hình cầu, đối xứng hình khối, chứa ARN một sợi dương chiếm 6% trọng lượng của virion, kích thước virus vào khoảng 40-50 nm, có vỏ envelop, hằng số lắng là 44S, trọng lượng phân tử là 4.10 6 Dalton. 1.2. Nuôi cấy Có thể nuôi cấy virus viêm não Nhật Bản trên tế bào nuôi như: tế bào thận khỉ, tế bào thận lợn, đặc biệt virus phát triển tốt ở tế bào muỗi C6/36. Người ta còn nuôi cấy virus vào não chuột nhắt trắng 1-3 ngày tuổi, virus phát triển làm cho chuột bị liệt. Cũng có thể nuôi cấy virus vào lòng đỏ trứng gà ấp được 8-9 ngày, sau 48-96 giờ, virus phát triển làm cho bào thai chết. 1.3. Khả năng đề kháng: Tương tự như virus dengue. 1.4. Tính chất kháng nguyên Virus viêm não Nhật Bản có kháng nguyên chung với những virus cùng nhóm Flavivirus, chính vì vậy trong phản ứng ngăn ngưng kết hồng cầu, nó có phản ứng chéo với các virus cùng nhóm, nhưng trong phản ứng ELISA thì ít có phản ứng chéo hơn. pH 6,2 là thích hợp nhất cho việc ngưng kết hồng cầu của virus. 2. KHẢ NĂNG GÂY BỆNH 2.1. Dây chuyền dịch tễ học Virus viêm não Nhật Bản lưu hành rộng rãi ở châu Á. Trong khi Nhật Bản hiện nay đã căn bản thanh toán được bệnh này thì các nước như Ấn Độ, Banglades, Nepal, Thái Lan, Việt Nam , số người bị bệnh viêm não Nhật Bản lại tăng. Các vụ dịch thường xẩy ra vào mùa hè. Virus được duy trì ở động vật có xương sống hoang dại (ĐVCXSHD), một số loài chim (chim liếu diếu) và gia súc (GS) như lợn, chó bò, ngựa Vật trung gian truyền bệnh là muỗi thuộc giống Culex và Aedes trong đó muỗi Culex tritaeniorhynchus là vectơ chính, truyền virus qua các động vật có xương sống và từ đó truyền sang người. Chu trình nhiễm virus như sau: ĐVCXSHD (chim) Gia súc (lợn) Người 2.2. Khả năng gây bệnh cho động vật Virus viêm não Nhật Bản phát triển tốt trên chuột nhắt trắng mới đẻ và trưởng thành, khi gây nhiễm vào não và ổ bụng. Các loại chim như cò, diệc, gà cũng bị nhiễm virus. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc lan truyền của virus. 2.3. Khả năng gây bệnh cho người Khi bị muỗi nhiễm virus viêm não Nhật Bản đốt, người có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh thường mắc ở trẻ em, tập trung ở lứa tuổi dưới 10 tuổi, phần lớn là thể ẩn, thể điển hình gặp rất ít, thời kỳ ủ bệnh từ 6-16 ngày. Ở các trường hợp nhẹ thì lâm sàng biểu hiện nhẹ như nhức đầu, sốt nhẹ, khó chịu trong vài ngày. Thể điển hình là viêm não có thể từ thể nhẹ hoặc bắt đầu đột ngột như: nhức đầu nặng, sốt cao, cứng cổ và thay đổi cảm giác, ở trẻ em có thể bị co giật. Bệnh nhân thường tử vong trong giai đoạn toàn phát. Bệnh nhân có thể bị di chứng, thường là biến loạn tinh thần, giảm trí tuệ, thay đổi cá tính, cũng có khi di chứng sau 2 năm mới xuất hiện. 2.4. Cơ chế gây bệnh Virus nhiễm qua vết đốt vào máu. Sau thời kỳ nhiễm virus huyết, virus gây thương tổn ở não, viêm tế bào thần kinh, hạch thần kinh đệm và viêm quanh mạch. Những biến đổi thường xẩy ra ở chất xám và ảnh hưởng trước tiên lên não trung gian và não giữa, làm cho bệnh nhân rối loạn ý thức, hôn mê ở nhiều mức độ khác nhau, có kèm theo liệt vận động. 3. CHẨN ĐOÁN VI SINH VẬT 3.1. Phân lập và định loại virus 3.1.1. Bệnh phẩm Máu: lấy từ 2-4 ml máu bệnh nhân sau khi phát bệnh 1-3 ngày. Nước não tuỷ: Lấy 2-4 ml nước não tuỷ bệnh nhân sau khi phát bệnh 1-3 ngày. Não tử thi: Lấy trước 6 giờ kể từ khi chết, lấy ở các phần khác nhau của não: đại não, tiểu não, các nhân xám. Vectơ : bắt 20-40 con muỗi Culex tritaeniorhynchus cho vào ống nghiệm. Bệnh phẩm được bảo quản lạnh, riêng muỗi giữ cho sống, ghi rõ tên, tuổi, giới tính, số bệnh phẩm, địa chỉ, ngày phát bệnh, ngày vào viện, ngày lấy bệnh phẩm và những dấu hiệu lâm sàng chính rồi gửi ngay tới phòng xét nghiệm. 3.1.2. Các kỹ thuật phân lập Người ta thường dùng 2 kỹ thuật để phân lập virus viêm não Nhật Bản: - Kỹ thuật phân lập trên chuột nhắt trắng 1-3 ngày tuổi. - Kỹ thuật phân lập trên tế bào muỗi C6/36. 3.1.3. Xác định virus Thông thường người ta xác định virus viêm não Nhật Bản bằng 3 kỹ thuật: Culex Culex Culex - Kỹ thuật ngưng kết hồng cầu. - Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang trực tiếp. - Kỹ thuật ELISA. 3.2. Chẩn đoán huyết thanh: áp dụng như ở virus dengue. 4. NGUYÊN TẮC PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ 4.1. Phòng bệnh chung: áp dụng như ở virus dengue. 4.2. Phòng bệnh đặc hiệu Hiện nay người ta dùng vacxin tiêm phòng cho trẻ em dưới 10 tuổi để phòng bệnh, nhất là vùng có dịch lưu hành. Khi xẩy ra dịch, cần tiêm nhắc lại cho trẻ em trong lứa tuổi cảm thụ (dưới 15 tuổi). 4.3. Điều trị Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trong thời kỳ khởi phát và toàn phát, phải tập trung giải quyết các vấn đề sau: - Chống phù nề não. - Chống co giật. - Bù dịch, dinh dưỡng tốt. - Chống bội nhiễm, nhất là đường hô hấp. - Hạn chế di chứng: thời kỳ lui bệnh cần xoa bóp nhiều, vật lý liệu pháp, hoặc châm cứu đồng thời luyện tập lại chức năng nói, viết Phương pháp đánh giá Câu hỏi 1. Mô tả 4 đặc điểm sinh học của virus viêm não Nhật Bản? 2. Trình bày khả năng và cơ chế gây bệnh của virus viêm não Nhật Bản? 3. Nêu các phương pháp chẩn đoán vi sinh vật virus viêm não Nhật Bản? 4. Trình bày nguyên tắc phòng và điều trị bệnh viêm não Nhật Bản? Trắc nghiệm 1. Vật trung gian truyền bệnh chính là: e) Culex và Aedes f) Culex * g) Aedes h) Tất cà các loài muỗi. 2. Virus thường trú ở: e) Chim f) Lợn g) Người h) Tất cả đều đúng * TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Thanh Bảo và cộng sự (2004). Virus học. Bộ môn Vi sinh, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. 2. Lê Huy Chính và Cộng sự (2007). Vi sinh vật y học. Nhà xuất bản Y học. 3. Lý Văn Xuân và cộng sự (2008). Vi rus học. Nhà xuất bản Y học.

Ngày đăng: 12/05/2014, 00:43

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan