Ngày nay, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự phát triển của quá trình toàn cầu hóa, truyền thông đại chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người hiện đại. Từ những nấc thang đầu tiên là in ấn, radio, ti vi và đến nay là sự phủ sóng của Internet. Qua đó có thể nhận thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của truyền thông đại chúng nhằm phục vụ những nhu cầu đa dạng và phức tạp của con người trong từng giai đoạn khác nhau. Từ bị động trong tiếp nhận thông tin, con người dần chủ động nắm bắt và chia sẻ thông tin. Không những vậy, con người còn có nhu cầu thể hiện giá trị bản thân và kết nối với mọi người xung quanh. Những nhu cầu đó đã tạo điều kiện cho các mạng xã hội ra đời và nhanh chóng phổ biến trên khắp thế giới. Trong đó, Facebook được xem là bước ngoặt mới cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến bởi vô vàn tính năng mới. Trước tình hình đó, những nghiên cứu về mạng xã hội nói chung và đặc biệt là mạng xã hội Facebook đang được các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực quan tâm. Đối với khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, những nghiên cứu về mạng xã hội hay Facebook chủ yếu là những nghiên cứu của các nhà Ngôn ngữ học, Tâm lý học, Xã hội học,…Trong khi các nhà Ngôn ngữ học thường tập trung vào việc phân tích sự biến đổi ngôn ngữ của giới trẻ khi sử dụng mạng xã hội hay còn gọi là “ngôn ngữ teen” thì các nhà Tâm lý học thường chú ý tới những tác động của mạng xã hội đến tâm lý người dùng, nhất là các tác động tiêu cực như nghiện lướt mạng xã hội, trầm cảm khi tham gia mạng xã hội,…Còn các nhà Xã hội học thì thường khai thác những vấn đề về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với đời sống xã hội, cả về hành vi lẫn nhận thức của con người như hành vi phạm tội, ý thức về bất bình đẳng,… So sánh với những lĩnh vực trên, số lượng những công trình nghiên cứu về mạng xã hội dưới góc nhìn Văn hóa học vẫn còn khá khiêm tốn và chủ yếu là thông qua góc nhìn Văn hóa truyền thông. Trong khi việc nghiên cứu mạng xã hội, mà nhất là mạng xã hội như Facebook dưới góc nhìn Văn hóa đại chúng cũng là một yêu cầu cấp thiết vì suy cho cùng sự phát triển của Facebook hiện nay phần lớn là nhờ có sự tiếp nhận và sử dụng của đại chúng. Bên cạnh đó, khi nhìn nhận Facebook với tư cách là một sản phẩm văn hóa đại chúng, ta có thể dễ dàng hiểu và lý giải những đặc điểm và vai trò của nó đối với số đông người dùng. Từ đó, mỗi cá nhân hoặc mỗi cộng đồng có thể cân nhắc về việc sử dụng Facebook sao cho phù hợp để vừa tận dụng tối đa những tiện lợi vừa hạn chế tối thiểu những rủi ro mà mạng xã hội này mang lại. Từ thực trạng nêu trên, tác giả quyết định chọn đề tài “Mạng xã hội Facebook dưới góc nhìn Văn hóa đại chúng” làm đề tài cho tiểu luận cuối kỳ môn Văn hóa đại chúng.