Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đã thúc đẩy đất nước phát triển đa chiều về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và đặc biệt là thành tựu khoa học công nghệ đã giúp đất nước ta hội nhập với các nước phát triển trong khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung. Sự phát triển và hội nhập đã kết nối các quốc gia với nhau, các vùng miền với nhau, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế văn hóa – xã hội mà đặc biệt là khoảng cách giàu nghèo. Bên cạnh đó những vấn đề cấp thiết như thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, nghèo đói và ô nhiễm môi trường không chỉ mỗi Việt Nam mà còn cả quốc tế quan tâm. Giảm nghèo là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi cấp bách của toàn nhân loại. Trên thực tế, mặc dù kinh tế của chúng ta đang ngày càng phát triển, nhưng các vấn đề xã hội phát sinh đã hạn chế rất nhiều đến hiệu quả trợ giúp của các chương trình và dự án. Nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người nghèo. Đặc biệt là người nghèo dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang cần sự hỗ trợ của nhà nước để vươn lên thoát nghèo. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên phạm vi toàn quốc, tổng số hộ nghèo cả nước là 609.049 hộ; tỷ lệ hộ nghèo là 2,23%. Tổng số hộ cận nghèo là 850.202 hộ và tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,11%.(1) Để giải quyết được vấn đề giảm nghèo ở Việt Nam cần có sự chung tay của toàn xã hội, bên cạnh hệ thống các chính sách, vấn đề xây dựng nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực từ Trung ương đến địa phương, từ các nhà hoạch định chính sách đến những người tổ chức thực hiện các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở là một việc làm hết sức quan trọng. Công tác xã hội là một bộ phận không thể thiếu trong các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo ở nước ta. Tuy nhiên, hiện nay công tác xã hội nhóm đối với hộ đình nghèo chưa có chính sách cụ thể mà chủ yếu vẫn lồng ghép vào các hoạt động của ngành lao động thương binh và xã hội; mặt trận và các đoàn thể; các dịch vụ cung cấp cho hộ gia đình nghèo nói chung, hỗ trợ cho hộ gia đình nghèo sử dụng vốn vay trong phát triển kinh tế gia đình nói riêng còn bỏ ngỏ dẫn đến các chính sách được thực hiện song hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó vấn đề đặt ra là cần có những chính sách cụ thể nhằm phát triển nghề công tác xã hội nhóm, trong đó có chính sách nhằm phát triển công tác xã hội nhóm đối với hộ gia đình nghèo, hỗ trợ cho hộ gia đình nghèo sử dụng vốn vay trong phát triển kinh tế gia đình nói riêng, nhằm giúp họ tăng năng lực, chủ động tự tin thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nằm sát biên giới với Trung Quốc, có địa hình núi cao hiểm trở, người dân ở đây là dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tiếp nhận thông tin, khó khăn trong phát triển kinh tế văn hóa và có tỷ lệ hộ nghèo còn cao (hơn 189%). Các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn ở địa phương xã Hồ Thầu đã được triển khai, tuy nhiên xét về mức độ hiệu quả thì còn thấp. Do đó, để đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận với các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn tại địa phương, nhóm chúng tôi thực hiện đề tài Ứng dụng mô hình Công tác xã hội nhóm hỗ trợ nâng cao hiệu quả vay vốn ưu đãi cho các hộ nghèo tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang” làm đề tài nghiên cứu khoa học.