2.2.1.1 Công tác tuyên truyền, xúc tiến, vận động đầu tư
Tỉnh đã tiến hành xây dựng, cập nhật và quảng bá thông tin về môi trường đầu tư tỉnh Thái Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của Thời báo kinh tế Việt Nam, báo Thái Bình… thường xuyên tiến hành tuyên truyền về chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh. Website của sở Kế hoạch & Đầu tư hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư, cung cấp các thông tin về các văn bản pháp luật, các thủ tục và các ưu đãi về đầu tư.
Hàng năm, tỉnh Thái Bình đều lập kế hoạch xúc tiến đầu tư cụ thể, xác định rõ mục tiêu, xây dựng nội dung xúc tiến chi tiết và lập dự toán kinh phí. Tỉnh tổ chức gặp gỡ với các nhà đầu tư, mời các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Thái Bình tham quan, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, cử người tham gia cùng các đoàn xúc tiến vận động đầu tư, bố trí ngân sách cho công tác xúc tiến. Tham gia các triển lãm do Cục Đầu tư nước ngoài và VCCI tổ chức ở trong và ngoài nước, tổ chức khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong thu hút vốn FDI vào tỉnh Thái Bình.
2.2.1.2 Các chính sách thu hút vốn FDI của tỉnh Thái Bình
Ngoài các chính sách thu hút chung của Nhà nước, tỉnh Thái Bình đã không ngừng cụ thể hoá và ban hành các văn bản phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương. Quan điểm của tỉnh là tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư vào tỉnh Thái Bình, nhận thức rõ đầu tư đúng và đủ mạnh là giải pháp quan trọng nhằm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững, thời gian qua tỉnh Thái
Bình đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích… nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau:
- Quyết định số 378/2001/QĐ-UBND ngày 05/07/2001 của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Thái Bình.
- Quyết định số 252/2001/QĐ-UBND ngày 04/10/2001 của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại tỉnh Thái Bình.
- Quyết định số 52/2002/QĐ-UBND ngày 25/07/2002 UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Thái Bình thay thế Quyết định số 378/2001/QĐ-UBND ngày 05/07/2001 của UBND tỉnh.
- Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND ngày 02/02/2007 quy định một số chính sách khuyến khích thu hút đầu tư tại Thái Bình. Nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại Thái Bình và phù hợp với sự thay đổi của chính sách Nhà nước, năm 2009, tỉnh ban hành Quyết định số 07/2009/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND và đến năm 2012 tiếp tục ban hành Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 10/05/2012 thay thế Quyết định số 07/2009/QĐ- UBND. Nội dung cụ thể của các quyết định trên bao gồm:
- Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư:
Thái Bình khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: Sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác và các cấu kiện, linh kiện điện tử; sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ; sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế; chế biến nông sản thực phẩm; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án đầu tư phát triển công nghệ cao và sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
- Ưu đãi về đơn giá thuê đất: Đơn giá thuê đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng 1,0% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp do ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
Đơn giá thuê đất tại các khu vự khác (ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và địa bàn huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải) tính bằng 1,5% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp do ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
Đơn giá thuê đất vào mục đích kinh doanh thương mại dịch vụ tính bằng 2% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp do UBND tỉnh quy định.
Các dự án đầu tư tại địa bàn các huyện Thái Thụy và Tiền Hải hoặc thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh, đơn giá thuê đất bằng 0,8% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp do UBND tỉnh quy định.
Nhà đầu tư có thể chọn phương án thuê đất trả tiền hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất.
- Ưu đãi về thuế thuế thu nhập doanh nghiệp: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hai năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 4 năm tiếp theo, thuế suất ưu đãi 20% trong thời gian 10 năm.
- Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật: Ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu gồm: Hệ thống thoát nước (đã qua xử lý), đường giao thông đến chân hàng rào khu công nghiệp. Các công trình hạ tầng khác ngoài hàng rào khu công nghiệp do các ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm đầu tư xây dựng và kinh doanh.
Các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư được tỉnh hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng với mức 35.000 đồng/m2. Đối với dự án công nghệ cao thì được hỗ trợ 100% kinh phí san lấp nhưng không vượt quá 70.000 đồng/m2.
- Hỗ trợ về đào tạo lao động: Dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tuyển dụng lao động có hộ khẩu thường trú tại Thái Bình được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn với mức không quá 600.000 đ/người/tháng và không quá 2.000.000 đ/người/khóa học, mỗi lao động chỉ được hỗ trợ một lần; hỗ trợ kinh phí cung ứng lao động từ 20.000 đ đến 100.000 đ/lao động. Kinh phí này được hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng lao động khi có đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và bản cam kết sử dụng số lao động này từ 12 tháng trở lên của doanh nghiệp.
2.2.1.3 Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư
Thái Bình đã xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư và được cụ thể hóa bằng các quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Cụ thể:
Ngày 03/04/2009 UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 682/QĐ- UBND về việc phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT.
Ngày 29/8/2011, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1737/QĐ- UBND về việc phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT và lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn 2011-2015.
Năm 2013, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1852/QĐ- UBND ngày 26/08/2013 về việc phê duyệt danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của tỉnh Thái Bình năm 2013 với 21 dự án trọng điểm trong các lĩnh vực công nghiệp (Nhà máy sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử; Nhà máy chế tạo lắp ráp động cơ ô tô, máy nông nghiệp; Nhà máy chế tạo lắp ráp các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ...), lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp (Xây dựng trung tâm sản xuất giống ngao ven biển, sản xuất tiêu thụ rau an toàn phục vụ tiêu dùng), lĩnh vực thương mại, dịch vụ (Xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Vành, Cồn Đen), và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng giao thông. Đối với các dự án này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư của nhà nước như ưu đãi về giá thuê đất: 7.000 - 8.200 đ/m2, được hỗ trợ giá san lấp mặt bằng 35.000 đ/m2. Ngoài ra, đối với dự án lớn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nộp ngân sách lớn, thân thiện môi trường, tỉnh áp dụng chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc thù riêng; điển hình đã ban hành Quyết định số 3283/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đối với Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Sen; Quyết định số 3304/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 ban hành quy chế ưu đãi đối với 2 Dự án đầu tư của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam,…
2.2.1.4 Cải cách thủ tục hành chính
định số 19/2009/QĐ - UBND về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư và Quyết định số 21/2009/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế một cửa tại Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Nhà đầu tư đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư được thực hiện thông qua Bộ phận một cửa liên thông của tỉnh đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thời gian giải quyết đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư trung bình là 3 ngày và hồ sơ đề nghị cấp hoặc thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư từ 8-20 ngày. Cho đến nay, việc thực hiện các thủ tục đầu tư đã đi vào nề nếp, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, hồ sơ dự án chất lượng tốt hơn, thuận tiện hơn, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đặc biệt, năm 2010 và năm 2012 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thái Bình được cải thiện đáng kể (năm 2010 xếp hạng thứ 22, năm 2012 xếp hạng thứ 25).