Một số yêu cầu về nội dung và ngôn ngữ văn bản pháp luật nhìn

Một phần của tài liệu Ứng dụng phương pháp hình thức hóa trong việc thẩm định tính logic của các mệnh đề trong các văn bản pháp luật (Trang 45)

7. Kết cấu

1.2.3.Một số yêu cầu về nội dung và ngôn ngữ văn bản pháp luật nhìn

góc độ logic học

Văn bản pháp luật là phương tiện quan trọng và chủ yếu trong hoạt động quản lý Nhà nước. Trên thực tế, văn bản pháp luật thường có mối quan hệ nhất định với quan hệ xã hội và tác động vào đời sống xã hội ở những phạm vi và giới hạn nhất định. Hiệu quả của sự tác động này được xem xét từ nhiều yếu tố như: thẩm quyền ban hành văn bản, hình thức văn bản, phạm vi điều chỉnh và chất lượng của văn bản pháp luật. Nhìn chung, văn bản pháp luật thường thể hiện ở sự phù hợp với nhu cầu và mục đích của xã hội, ở mức độ và hiệu quả tác động tới các quan hệ xã hội, ở tính khả thi trong cuộc sống.

Vì vậy, để các văn bản pháp luật có thể phát huy được hiệu quả quản lý và điều chỉnh được đời sống xã hội thì chúng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

1.2.3.1. Yêu cầu về nội dung văn bản pháp luật

- Văn bản pháp luật phải có nội dung phù hợp với đường lối của Đảng

Trong chế độ ta, nội dung các văn bản pháp luật và phương hướng xây dựng văn bản pháp luật luôn chịu sự chi phối bởi chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy, nội dung quan trọng được quán triệt trong hầu hết các văn bản pháp luật đó là việc phản ánh kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực. Để đảm bảo sự phù hợp giữa văn bản pháp luật với chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu là cần hiểu đúng bản chất mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và thể chế hóa đường lối đó trong hoạt động ban hành văn hành văn bản pháp luật. Đối với văn bản quy phạm pháp luật, yếu tố chính trị thể hiện ở sự nhất quán trong việc đưa ra các quy định phù hợp với đường lối phát triển đất nước của Đảng và việc thể chế hóa đường lối, chủ trương đó thành những quy định chung thống nhất trên phạm vi toàn quốc hoặc địa phương.

Đối với văn bản pháp luật, yêu cầu này được xem xét qua việc các văn bản đó có kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng cụ thể của các cơ quan nhà nước.

- Văn bản pháp luật phải có nội dung phản ánh nguyện vọng, ý chí của nhân dân lao động.

Yêu cầu này cho thấy, nhân dân lao động vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của quyền lực nhà nước. Với vai trò là chủ thể của quyền lực nhà nước, nhân dân sử dụng pháp luật để thể hiện ý chí của mình trong việc đóng góp ý kiến và thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương, của cả nước. Với vai trò là đối tượng của quyền lực nhà nước, nhân dân là đối tượng chủ yếu thực thi pháp luật.

Việc xây dựng các văn bản pháp luật có nội dung phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của nhân dân suy cho cùng chính là sự đảm bảo yếu tố phù hợp giữa nhu cầu của xã hội và chủ trương xây dựng pháp luật của Nhà nước. Nội dung này xuất phát từ quan điểm cho rằng cần thiết phải tạo ra sự dung hòa về lợi ích giữa các nhóm đối tượng trong xã hội mà trước hết là sự dung hòa về lợi ích giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý khi chủ thể quản lý đưa ra các quyết định quản lý. Đây là nội dung vô cùng quan trọng vì trong nhiều trường hợp, hiệu quả tác động của văn bản pháp luật thường phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của các bên liên quan, vào việc Nhà nước có thể hiện và đáp ứng được những lợi ích của các giai tầng trong xã hội hay không. Vì vậy, khi xây dựng văn bản pháp luật, người có thẩm quyền cần thận trọng cân nhắc, lựa chọn cách thức điều chỉnh để bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích của các nhóm đối tượng có liên quan, cao hơn nữa là bảo đảm sự hài hòa lợi ích của toàn xã hội, của Nhà nước, của các nhóm xã hội khác nhau, của mỗi cá nhân hay tổ chức.

- Văn bản pháp luật phải có nội dung hợp pháp

Khi xem xét nội dung hợp pháp của văn bản pháp luật cần xét tới mối quan hệ giữa các văn bản trong hệ thống văn bản pháp luật. Trong những phạm vi điều chỉnh nhất định, văn bản pháp luật thường không tồn tại biệt lập mà luôn có mối quan hệ với nhau. Vì vậy, khi soạn thảo văn bản pháp luật, cần đối chiếu các nội

dung của văn bản đang soạn thảo với nội dung của những văn bản có liên quan, để đánh giá về sự phù hợp và thống nhất giữa các văn bản này.

Đối với văn bản quy phạm pháp luật, nội dung hợp pháp thể hiện ở việc văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật phải phù hợp và thống nhất với nội dung các văn bản do cấp trên ban hành. Hay nói cách khác, nội dung văn bản có hiệu lực pháp lý thấp phải phù hợp với nội dung của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Ví dụ, để đánh giá nội dung hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cần đối chiếu và đặt văn bản đó trong mối quan hệ với những văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương và văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân cùng cấp đã ban hành trước đó.

Đối với văn bản áp dụng pháp luật, sự hợp pháp về nội dung thể hiện ở việc các mệnh lệnh đưa ra phải phù hợp với các quy phạm pháp luật hiện hành về nội dung và mục đích điều chỉnh. Trên thực tế, văn bản áp dụng pháp luật là sự cụ thể hóa các quy phạm pháp luật vào những tình huống xác định để giải quyết những vấn đề cụ thể. Bởi vậy, để đánh giá nội dung hợp pháp của các văn bản áp dung pháp luật cần căn cứ vào một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến nội dung được đề cập trong văn bản áp dụng pháp luật đó. Ví dụ, bản án tử hình của tòa án có nội dung hợp pháp khi các mệnh lệnh cá biệt trong đó phù hợp với những quy phạm pháp luật của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và những văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan tới vụ án được đưa ra xét xử.

Đối với văn bản hành chính, do nội dung có thể là các quy định mang tính quy phạm, cũng có thể là những mệnh lệnh cá biệt nên sự hợp pháp của chúng được xem xét tương tự như đối với văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản áp dụng pháp luật. Đối với văn bản hành chính có nội dung là những quy định mang tính quy phạm thì nội dung đó phải phù hợp với các quy định của văn bản pháp luật hiện hành có liên quan. Ví dụ, công văn có nội dung hướng dẫn đối với cấp dưới về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực thuế được coi là hợp pháp khi nội dung phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về thuế. Đối với văn bản hành chính có nội dung là những mệnh lệnh cá biệt thì các

nội dung đó, bên cạnh việc phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn phải phù hợp với nội dung của các văn bản áp dụng pháp luật có liên quan trực tiếp tới văn bản hành chính đó. Ví dụ, thông báo cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có nội dung cá biệt được coi là hợp pháp khi phù hợp với các quy phạm pháp luật trong Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính và các mệnh lệnh trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Văn bản pháp luật phải có tính khả thi

Trong văn bản pháp luật, tính khả thi thường được đánh giá ở sự phù hợp giữa nội dung văn bản với các điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại. Sự phù hợp này phản ánh rất rõ mối tương quan giữa trình độ pháp luật với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu văn bản phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, chứa đựng những nội dung phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của quản lí nhà nước sẽ tạo những “đòn bẩy” tăng trưởng kinh tế - xã hội góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Trường hợp văn bản không phù hợp, không phản ánh đầy đủ các hướng vận động của đời sống xã hội, với những quy định quá cao hoặc lỗi thời, sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội, là nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả quản lý nhà nước. Do vậy, yêu cầu đặt ra là văn bản pháp luật phải vừa phản ánh được những quy luật chung về sự phát triển của xã hội, vừa phản ánh được những quy luật mang tính đặc thù trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực.

Ngoài ra, yêu cầu về tính khả thi còn đòi hỏi văn bản pháp luật phải có các quy định, các mệnh lệnh chi tiết, cụ thể để dễ dàng triển khai trong thực tiễn, phù hợp với khả năng của các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện văn bản và phù hợp với nhận thức pháp luật của đối tượng có liên quan đồng thời cũng cần tạo ra sự kịp thời, đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong hoạt động ban hành văn bản và tổ chức thực hiện văn bản.

Bên cạnh đó, tính khả thi của văn bản pháp luật còn được xem xét dưới góc độ khoa học pháp lí thông qua việc sử dụng ngôn ngữ, xây dựng kết cấu văn bản, bố cục logic, chặt chẽ. Các thuật ngữ pháp lí được sử dụng chính xác, một nghĩa;

cách diễn đạt, trình bày nội dung văn bản phải cô đọng, khoa học, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của đông đảo nhân dân để tạo ra sự thuận lợi trong việc thực hiện văn bản pháp luật trên thực tế.

- Văn bản pháp luật phải có nội dung tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết

Sự tương thích về nội dung văn bản giữa hệ thống pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc kí kết phản ánh nhãn quan chính trị của giai cấp lãnh đạo và xu thế phát triển tất yếu của xã hội. Yêu cầu về sự tương thích chủ yếu được đặt ra đối với các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này thể hiện trong việc đòi hỏi về sự phù hợp, tương ứng với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế của các văn bản quy phạm pháp luật. Trong xu hướng hội nhập và phát triển, tính tương thích trong văn bản pháp luật được đánh giá là vấn đề quan trọng khi Việt Nam là thành viên của một số tổ chức lớn trên thế giới và khu vực. Vì vậy, ngoài yêu cầu phù hợp với quy định của hiến pháp, các văn bản pháp luật còn phải bảo đảm yếu tố bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Như vậy, sự tương thích, đặc biệt là tính minh bạch, rõ ràng và khả thi trong văn bản quy phạm pháp luật mà Nhà nước Việt Nam ban hành liên quan trực tiếp đến các nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, có tác dụng to lớn trong việc phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

1.2.3.2. Yêu cầu về ngôn ngữ văn bản pháp luật

Ngôn ngữ văn bản pháp luật là phương tiện dùng để giao tiếp giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Chủ thể quản lý tác động đến đối tượng quản lý thông qua việc ban hành các văn bản, trong đó ngôn ngữ đóng vai trò trung gian.

Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng hàng đầu để thể hiện ý chí của cấp có thẩm quyền. Thông qua ngôn ngữ, chủ thể ban hành văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình và khi đọc văn bản, người tiếp nhận thực hiện những hành vi cần thiết, phù hợp với văn bản đã nhận được, đáp ứng yêu cầu của chủ thể ban hành. Do đó, để có thể chuyển tải đúng, đủ, ngắn gọn và thực hiện được những

văn bản pháp luật trong thực tế thì việc quy định thành pháp luật một số quy tắc sử dụng ngôn ngữ sẽ góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất những quy tắc tiên tiến, khắc phục những hiện tượng tùy tiện trong việc xây dựng và ban hành một số văn bản pháp luật.

- Ngôn ngữ trong văn bản pháp luật phải đảm bảo tính nghiêm túc.

Nếu ngôn ngữ văn bản pháp luật thiếu tính nghiêm túc sẽ ảnh hưởng đến sự trang nghiêm, uy quyền của hoạt động quản lý nhà nước, tạo ra tâm lý coi thường Nhà nước, coi thường pháp luật đồng thời có thể ảnh hưởng tới tính chính xác của văn bản. Ngược lại, nếu ngôn ngữ văn bản pháp luật bảo đảm tính nghiêm túc, lịch sự sẽ tạo ra sự thiện chí và tự giác thực hiện ở những đối tượng có liên quan, nhờ đó pháp luật được tôn trọng. Để đảm bảo tính nghiêm túc của ngôn ngữ văn bản pháp luật, người viết cần lưu ý không sử dụng khẩu ngữ, tiếng lóng, tiếng tục; tránh dùng những từ ngữ thiển cận, thiếu nhã nhặn, đả kích hoặc châm biếm. Ví dụ: Gọi bị cáo là y, thị, hắn, tên côn đồ... thể hiện thái độ xúc phạm, thóa mạ bị cáo. Cũng nên tránh sử dụng các yếu tố ngôn ngữ mang sắc thái biểu cảm, như dấu chấm than (!), dấu hỏi chấm (?), văn tả cảnh, văn vần hay lối viết hoa, sáo rỗng.

- Ngôn ngữ dùng trong các văn bản pháp luật cần chính xác, dễ hiểu và hiểu thống nhất. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, Hồ Chủ tịch đã dạy chúng ta : “Khi viết,

khi nói phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: ta viết cho ai xem, nói cho ai nghe? Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết. Trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận…, sau khi viết rồi, phải xem lại ba, bốn lần; nếu là tài liệu quan trọng phải xem lại chín, mười lần” [14; Tr 109]

Trong lời dạy trên, Người đã khuyên chúng ta: Muốn viết, muốn nói có kết quả tốt, phải chú ý bảo đảm một điều kiện tiên quyết là phải lập ý thật tốt, nắm chắc, nắm rõ điều cần nói, cần viết; nói gì, viết gì, nói cho ai nghe, viết cho ai

xem, để nhằm mục đích gì. Lập ý tốt thì diễn đạt dễ dàng thành lời, thành văn điều mình định nói, định viết.

Ngôn ngữ chính xác giúp cho việc thể hiện ý chí của Nhà nước được rõ ràng, tạo ra cho người tiếp nhận văn bản một cách hiểu chung, thống nhất về ý đồ của người ban hành văn bản, loại trừ được tình trạng một nội dung được hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Yêu cầu về việc sử dụng ngôn ngữ chính xác được biểu hiện ở nhiều nội dung khác nhau:

Thứ nhất, ngôn ngữ văn bản pháp luật phải chính xác về chính tả, nghĩa là viết đúng các âm, vần, tiếng, từ, chữ viết hoa, viết tắt, tên riêng tiếng Việt, tên riêng nước ngoài... theo tiêu chuẩn quốc gia. Dùng từ chính xác về chính tả là điều kiện tiên quyết để đảm bảo được nghĩa cơ bản của từ. Nếu mắc lỗi chính tả trong văn bản pháp luật sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự chính xác của pháp luật đồng thời có thể làm giảm sút uy tín của Nhà nước.

Một phần của tài liệu Ứng dụng phương pháp hình thức hóa trong việc thẩm định tính logic của các mệnh đề trong các văn bản pháp luật (Trang 45)