6.1. Quyền nhận cha, mẹ, con
- Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó.
- Người được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình không phải là cha, mẹ hoặc là con của người đó.
Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình quy định xác định con như sau:
- Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.
- Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình quy định quyền nhận cha, mẹ như sau:
- Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. - Con đã thành niên nhận cha không đòi hỏi phải có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ không đòi hỏi phải có sự đồng ý của cha.
6.2. Đăng ký việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP CP
a. Điều kiện để đăng ký việc nhận cha, mẹ, con
Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con theo thủ tục đăng ký hộ tịch chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con phải còn sống vào thời điểm đăng ký việc nhận cha, mẹ, con;
- Quan hệ cha, mẹ, con được xác lập trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên; - Không có tranh chấp liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp đặc biệt: khoản 2 Điều 32 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã có quy định mở về việc giải quyết nhận cha, mẹ, con tại cơ quan hộ tịch: Người con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự cũng được làm thủ tục đăng ký nhận người cha, người mẹ đã chết, nếu việc nhận cha, mẹ là tự nguyện và không có tranh chấp.
Lưu ý: Trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con thì việc nhận cha, mẹ, con sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng dân sự.
b. Thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con
Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
c. Thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con Giấy tờ phải nộp:
Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định.
Trong trường hợp người cha hoặc người mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện là mẹ hoặc là cha (trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự).
Giấy tờ phải xuất trình:
- Giấy khai sinh của người con (bản chính hoặc bản sao);
- Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).
d. Thời hạn và trình tự đăng ký việc nhận cha, mẹ, con Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con
Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cần kiểm tra các giấy tờ có trong hồ sơ đã hợp lệ chưa, việc nhận cha, mẹ, con có đúng thẩm quyền hay không?
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng thẩm quyền, đồng thời việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn kéo dài thêm không quá 5 ngày. Bước 2: Đăng ký việc nhận cha, mẹ, con
Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Việc đăng ký thực hiện như sau:
- Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ghi vào Sổ việc đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký 02 bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cấp cho mỗi bên (bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con) một bản. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên cho và nhận con nuôi.
Bước 3: Bổ sung, cải chính Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con sau khi có Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con
Căn cứ vào Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống.
Trong trường hợp Sổ đăng ký khai sinh đã được chuyển lưu 01 quyển tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã đã thực hiện việc ghi bổ sung có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện để ghi tiếp vào sổ lưu đó.
Trong trường hợp phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giâý khai sinh của người con đã ghi tên người khác, không phải là cha, mẹ đẻ, thì đương sự phải làm thủ tục cải chính hộ tịch.
Lưu ý:
- Trong trường hợp cha, mẹ của trẻ chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn, người mẹ để con lại cho người cha và bỏ đi không xác định được địa chỉ, thì khi người cha làm thủ tục nhận con, không cần phải có ý kiến của người mẹ. Khi đăng ký khai sinh, phần ghi về người mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai
sinh được ghi theo Giấy chứng sinh. Trường hợp không có Giấy chứng sinh, thì ghi theo lời khai của người cha; nếu người cha không khai về người mẹ, thì để trống.
- Trường hợp con sinh ra trước ngày cha, mẹ đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận, thì tên của người cha sẽ được ghi ngay trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của người con mà người cha không phải làm thủ tục nhận con.
6.3. Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài đối với các xã thuộc khu vực biên giới vực biên giới
Là việc đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, nhưng thuộc thẩm quyền đăng ký của Uỷ ban nhân dân cấp xã (thực hiện theo quy định tại Điều 65, Điều 66, Điều 67 và Điều 70 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP).
a. Phạm vi áp dụng:
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con này chỉ được áp dụng đối với việc đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới với Việt Nam với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
(Danh sách các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - xem danh mục kèm theo Thông tư số 179/2001/TT-BQP ngày 22 tháng 01 năm 2001).
b. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
Hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con trong trường hợp này gồm các giấy tờ sau: Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai nhận cha, mẹ, con (theo mẫu Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với nhau ở trong nước);
- Giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ (nếu có) để chứng minh giữa người nhận và người được nhận có quan hệ cha, mẹ, con.
Các giấy tờ nói trên được lập thành 02 bộ hồ sơ và nộp tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân Việt Nam được nhận là cha, mẹ, con.
Giấy tờ phải xuất trình:
- Công dân Việt Nam phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân biên gới; trong trường hợp không có giấy chứng minh nhân dân biên giới, thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc thường trú ở khu vực biên giới kèm theo giấy tờ tuỳ thân khác của đương sự để kiểm tra;
- Công dân của nước láng giềng phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước láng giềng cấp; trong trường hợp không có giáy tờ tùy thân này, thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam lèm theo giấy tờ tùy thân khác của đương sự để kiểm tra.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ và tiến hành niêm yết việc nhận cha, mẹ, con trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Uỷ ban. Sau khi thẩm tra hồ sơ và niêm yết việc nhận cha, mẹ, con, Uỷ ban nhân dân cấp xã có công văn gửi Sở Tư pháp, kèm theo 01 bộ hồ sơ để xin ý kiến.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được công văn xin ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp xã, Sở Tư pháp xem xét hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con và có ý kiến trả lời bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến của Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định việc nhận cha, mẹ, con và trao Quyết định cho các bên đương sự như đối với trường hợp đăng ký việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với nhau ở trong nước theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.
Lưu ý: So với việc đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thì việc đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng ở khu vực biên giới với Việt Nam thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp xã có những ưu tiên sau đây:
- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức của nước láng giềng cấp hoặc công chứng, chứng thực cho công dân của họ để sử dụng tại Việt Nam vào việc đăng ký nhận cha, mẹ, con ở khu vực biên giới với Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự;
- Các giấy tờ nói trên nếu lập bằng ngôn ngữ của nước láng giềng chỉ cần dịch ra tiếng Việt và có cam kết của người dịch về việc dịch đúng nội dung, không cần công chứng bản dịch.
d. Lệ phí đăng ký nhận cha, mẹ, con:
Đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với nhau ở trong nước, kể cả đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng ở khu vực biên giới với Việt Nam lệ phí không quá 10.000 đồng.
đ. Xử phạt trong đăng ký nhận cha, mẹ, con:
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp thì các hành vi vi phạm trong đăng ký nhận cha, mẹ, con sẽ bị xử phạt gồm:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Cố tình làm chứng sai sự thật;
b) Tự ý sửa chữa, tẩy xoá hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm thủ tục theo quy định.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc thực hiện hành vi gian dối khác để làm thủ tục theo quy định nhằm mục đích trục lợi.
Tịch thu giấy tờ đã bị sửa chữa, tẩy xoá, bị làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ giả mạo đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này.