Đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP

Một phần của tài liệu CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ HỘ TỊCH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, THỊ TRẤN (Trang 28)

4. Đăng ký việc nuôi con nuô

4.1. Đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP

a. Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi

- Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

- Trong trường hợp trẻ được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi mà trẻ em đó chưa được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng, thì việc đăng ký việc nuôi con nuôi được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi lập Biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi.

- Trong trường hợp trẻ được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi mà trẻ em đó đã được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng, thì việc đăng ký việc nuôi con nuôi được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng.

b. Hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi Hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi gồm có: - Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi.

Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi phải do chính cha, mẹ đẻ và người nhận con nuôi lập, kể cả trường hợp cha, mẹ đẻ đã ly hôn. Trong trường hợp một bên cha hoặc mẹ đẻ của trẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì chỉ cần chữ ký của người kia; nếu cả cha và mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người hoặc tổ chức giám hộ trẻ em thay cha, mẹ đẻ ký Giấy thoả thuận.

Đối với trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng mà không xác định được địa chỉ của cha, mẹ đẻ, thì người đại diện của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em ký; nếu vẫn còn cha, mẹ đẻ và xác định được địa chỉ của cha, mẹ đẻ thì Giấy thoả thuận vẫn phải do cha, mẹ đẻ của trẻ ký.

Nếu người được nhận làm con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên, thì trong Giấy thoả thuận phải có ý kiến của người đó về việc đồng ý làm con nuôi (trừ trường hợp người đó bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự).

Trong trường hợp người nhận con nuôi không cư trú tại xã, phường, thị trấn, nơi đăng ký việc nuôi con nuôi, thì Giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người nhận con nuôi cư trú về việc người đó có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

- Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi.

- Biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi (nếu trẻ được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi).

c. Trình tự đăng ký việc nuôi con nuôi

Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi

Người nhận con nuôi phải trực tiếp nộp hồ sơ nhận con nuôi cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký việc nuôi con nuôi.

Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cần kiểm tra các giấy tờ có trong hồ sơ để xác định xem việc đăng ký nuôi con nuôi có đúng thẩm quyền hay không, đồng thời xác định giữa người nuôi và người được nhận làm con nuôi có đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hay không. Nếu xét thấy việc đăng ký việc nuôi con nuôi là đúng thẩm quyền, giữa người nuôi và người được nhận làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và hồ sơ nhận nuôi con nuôi đã đủ theo quy định của pháp luật, thì thụ lý hồ sơ.

Bước 2: Xác minh việc nhận nuôi con nuôi

Trước khi đăng ký việc nuôi con nuôi, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phải kiểm tra, xác minh kỹ các nội dung sau đây:

- Tính tự nguyện của việc cho và nhận nuôi con nuôi; - Tư cách của người nhận con nuôi;

- Mục đích nhận con nuôi.

Thời hạn kiểm tra, xác minh các nội dung trên không quá 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần phải xác minh thêm, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

Sau thời hạn nói trên, nếu xét thấy việc cho và nhận con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nuôi con nuôi.

Bước 3: Đăng ký việc nuôi con nuôi

Khi đăng ký việc nuôi con nuôi, bên cho, bên nhận con nuôi phải có mặt; nếu người được nhận làm con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên, thì cũng phải có mặt. Việc đăng ký thực hiện như sau:

- Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi và Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi;

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký 02 bản chính Quyết định công nhận nuôi con nuôi, cấp cho mỗi bên (bên cho, bên nhận con nuôi) một bản. Bản sao Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi được cấp theo yêu cầu của các bên cho và nhận con nuôi;

- Bên cho con nuôi có trách nhiệm giao cho cha, mẹ nuôi bản chính Giấy khai sinh của con nuôi.

Bước 4: Bổ sung, sửa đổi Giấy khai sinh của con nuôi (khi cha, mẹ nuôi có yêu cầu) - Trong trường hợp con nuôi là trẻ bị bỏ rơi mà phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi còn để trống, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã (nơi đã đăng ký khai sinh) căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi ghi bổ sung các thông tin của cha, mẹ nuôi vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”.

- Trong trường hợp giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thoả thuận thống nhất về việc thay đổi phần khai từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”. Việc đăng ký khai sinh lại phải được ghi rõ trong cột Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh trước đây. Sau khi đã đăng ký lại, bản chính và bản sao Giấy khai sinh của con nuôi được cấp theo nội dung khai sinh mới. Giấy khai sinh cũ của con nuôi phải thu hồi.

Lưu ý: Việc thay đổi phần khai từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi phải có sự đồng ý của con nuôi, nếu con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên.

- Tờ khai đăng ký việc nhận nuôi con nuôi (mẫu STP/HT-2008-TKNCN) được thay cho Giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi trong những trường hợp sau đây:

+ Trẻ được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi, không tìm được cha, mẹ đẻ mà chưa được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng;

+ Cả cha và mẹ đẻ của trẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người hoặc tổ chức giám hộ.

- Không giải quyết yêu cầu thay đổi phần khai về cha, mẹ đẻ sang khai về cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP trong những trường hợp sau:

+ Thay đổi phần khai về một bên cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang khai về cha nuôi hoặc mẹ nuôi mà giữ nguyên phần khai về mẹ đẻ hoặc cha đẻ còn lại;

+ Thay đổi phần khai về cha, mẹ đẻ sang khai về cha, mẹ nuôi trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên cha, mẹ đẻ đã chết.

- Trong trường hợp vào thời điểm giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh lại cho con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, cha, mẹ nuôi có yêu cầu thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha, mẹ đẻ sang họ của cha, mẹ nuôi, thì họ của con nuôi sẽ được ghi ngay theo họ của cha, mẹ nuôi khi đăng ký khai sinh lại mà không phải làm thủ tục thay đổi họ.

- Mẹ kế có quyền nhận con riêng của chồng, cha dượng có quyền nhận con riêng của vợ làm con nuôi khi có đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

- Việc nhận nuôi con nuôi mà làm thay đổi thứ bậc trong gia đình (như trường hợp ông, bà nhận cháu hoặc anh, chị nhận em làm con nuôi), thì không giải quyết.

d. Từ chối đăng ký việc nuôi con nuôi

Trong trường hợp một bên hoặc các bên không có đủ các điều kiện nhận nuôi con nuôi hoặc làm con nuôi, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn bản; nếu cha, mẹ đẻ, người giám hộ và người nhận nuôi con nuôi không đồng ý, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ HỘ TỊCH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, THỊ TRẤN (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(61 trang)
w