BAN GIÁM ĐỐC
3.3.1. Kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước
NHNN là cơ quan có chức năng quản lý và điều hành hoạt động của hệ thống NHTm, có nhiệm vụ định hướng hoạt động cho các NHTM, trong đó có hoạt động có huy động vốn. Để thực hiện được giải pháp tăng cường huy động vốn của ngân hàng thương mại, đòi hỏi các NHNN cần phải tiếp tục thực hiện một số nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các NHTM, như sau:
* Tiếp tục kiềm chế làm phát ở mức thấp nhất, ổn định giá trị đồng tiền
Việc làm này có tác dụng thu hút tiền gửi của dân chúng vào ngân hàng, tránh việc tích trữ vàng, ngoại tệ và đầu tư vào bất động sản; mặt khác, có tác dụng giảm áp lực tăng lãi suất huy động. Khi đó, ngân hàng vừa thu hút được tiền nhàn rỗi vừa có thể cho vay. Nếu tăng lãi suất huy động vốn thì các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay, gây khó khăn cho các doanh nghiệp thiếu vốn, xảy ra tình trạng các ngân hàng thừa vốn trong khi các doanh nghiệp rất cần vốn nhưng không thể vay vì lãi suất cao.
Để kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền NHNN cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với biến động của thị trường thông qua việc sử dụng hữu hiệu các công cụ chính sách tiền tệ. NHNN cần đổi mới điều hành chính sách tiền tệ theo hướng sử dụng đồng bộ các công cụ, sử dụng hiệu quả các công cụ gián tiếp.
* Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.
Cùng với chính phủ, NHNN cần hoàn thiện toàn hệ thống pháp lý trong thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thúc đẩy hoạt động này phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM thu hút được nguồn vốn lớn, chi phí thấp trong thanh toán, nhờ đó mà nâng cao hiệu quả huy động vốn. NHNN cần ban hành quy chế về phát hành và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử như thẻ thanh toán, thẻ tín dụng…nhằm giúp các NHTM nhanh chóng triển khai các dịch vụ có hiệu quả.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cần tạo ra sự đồng bộ về hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, phần mềm và chương trình ứng dụng trong thanh toán giữa NHTM nhằm đem lại những điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp, liên kết dịch vụ thẻ cũng như những hoạt động thanh toán khác giữa các NHTM. Để làm được điều này NHNN cần đứng ra chỉ đạo hay làm đầu mối chủ trì phối hợp, hợp tác… và cần có sự hướng dẫn cụ thể đối với các NHTM.
Mặt khác, để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển NHNN nên mở rộng phạm vi thanh toán của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, nên có sự điều chỉnh quy định về phí thanh toán để các NHTM chủ động hơn trong quy định các mức phí cụ thể của mình đối với khách hàng.
* Hoàn thiện hệ thống pháp lý về cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng
Như chúng ta đã biết, hiện tại Việt Nam Luật cạnh tranh là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh về cạnh tranh thương mại. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động ngân hàng không phải là một công việc dễ dàng, mà nó là một lĩnh vực hết sức phức tạp. Do hoạt động ngân hàng vừa có những đặc điểm tương đồng với các lĩnh vực khác, nhưng bản thân nó cũng có những điểm khác biệt nhất định. Những điểm khác biệt đó có ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động ngân hàng. Điều này đòi hỏi trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cạnh tranh phải được làm rõ để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi của pháp luật cạnh tranh, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, có tính cạnh tranh cho các TCTD hoạt động.
NHNN nên xem xét việc ban hành quy chế về cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm hai vấn đề chính: một là bảo vệ cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng, hai là ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng.
Việc xây dựng một quy chế cạnh tranh như trên sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng, từ đó tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các NHTM, thúc đẩy các NHTM cạnh tranh lành mạnh và nâng cao được hiệu quả hoạt động của mình.
NHNN cần tiếp tục duy trì các mức lãi suất chính thức như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu… ở mức hợp lý, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường và mang tính ổn định cao. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM trong việc xác định các mức lãi suất huy động và cho vay, bởi lẽ các mức lãi suất do ngân hàng công bố là cơ sở để các NHTM xác định lãi suất huy động và cho vay của mình. NHNN cần phải duy trì các mức lãi suất chính thức ở mức độ hợp lý sao cho luôn đảm bảo được mức lãi suất thực dương có lợi cho người gửi tiền, người đi vay và ngân hàng.
* Phát triển nghiệp vụ thị trường mở
Phát triển nghiệp vụ thị trường mở sẽ giúp các NHTM sử dụng vốn có hiệu quả và năng động hơn trong kinh doanh vốn. Bởi lẽ, thông qua hoạt động của thị trường mở, tính thanh khoản của các giấy tờ có giá do các NHTM nắm giữ được tăng cường. Điều này góp phần thúc đẩy hoạt động của thị trường sơ cấp, giúp cho các NHTM yên tâm hơn khi đầu tư vào các trái phiếu dài hạn của chính phủ, khuyến khích các hoạt động mua bán trái phiếu Chính phủ.
Nhiều NHTM không chỉ coi việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc là hình thức đầu tư an toàn mà còn là hình thức dự trữ thanh khoản có hiệu quả cao. Khi cần thiết để đảm bảo khả năng thanh toán, các NHTM có thể sử dụng các giấy tờ có giá trong các giao dịch trên thị trường mở cũng như các nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ nói chung, tạo điều kiện cho các NHTM điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng tăng tỷ suất đầu tư, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn.
Chính vì thế NHNN cần đẩy mạnh sự phát triển của nghiệp vụ thị trường mở trên cơ sở mở rộng các loại hàng hóa giao dịch trên thị trường. Việc đa dạng hóa các hàng hóa giao dịch trên thị trường sẽ tạo ra nhiều cơ hôi đầu tư hơn cho các NHTM, các NHTM có thể đa dạng hóa các danh mục đầu tư của mình, từ đó sử dụng vốn có hiệu quả hơn. Đồng thời, NHNN cũng cần phối hợp với Bộ tài chính trong việc phát hành các giấy tờ có giá như tín phiếu NHNN, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc… nhằm làm tăng tính đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, NHNN cần tiếp tục nâng cấp và đồng hóa các trang thiết bị phần cứng, hoàn thiện chương trình phần mềm ứng dụng một cách nhanh chóng, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển nghiệp vụ này. Mặt khác, tăng cường an ninh trên mạng máy tính, nhất là các thông tin mang tính nhạy cảm của NHNN, nhằm ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra trong nghiệp vụ này.
* Hỗ trợ các NHTM trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng cán bộ
Đổi mới công nghệ là một việc làm cần thiết đối với các NHTM, do vậy NHNN cần phải hỗ trợ về mặt tài chính cho các NHTM trong việc đổi mới công nghệ. NHNN có thể hỗ trợ các NHTM thông qua hình thức cho vay ưu đãi.
Liên quan đến công tác đào tạo, NHNN với tư cách là đại diện quốc gia, có nhiều quan hệ với hệ thống ngân hàng thế giới cần phải là một đầu mối liên hệ giúp cho công tác đào tạo của các NHTM, Hiệp hội Ngân hàng- một đầu mối thực hiện công tác đào tạo cho các NHTM hội viên cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các khóa đào tạo, càng làm cho các khóa đào tạo thực sự bổ ích và có hiệu quả cho các NHTM, đặc biệt là các khóa đào tạo nước ngoài cần theo hướng chuyên sâu, tránh theo kiểu tham quan, khảo sát.