II. Tìm hiểu và đánh giá tình hình SXKD và tình hình tài chính của công ty CP xi măng vicem Hoàng Mai.
3. Tình hình nguồn vốn của công ty.
a) Bảng phân tích
b) Nhận xét
Nhận xét chung.
Nhìn vào bảng phân tích ta thấy, cuối năm 2013 tổng nguồn vốn là 2.004.769 triệu đồng, giảm 140.064 triệu đồng, giảm 6,53% so với thời điểm cuối năm 2012. Trong đó, nợ phải trả cuối năm 2013 là 1.157.861 triệu, chiếm 57,76% tổng nguồn vốn, giảm 55.302 triệu đồng, tương ứng giảm 4,56% so với thời điểm cuối năm 2012. Vốn
chủ sở hữu cuối năm 2013 đạt 846.908, chiếm 42,24% tổng nguồn vốn, giảm 84.716 triệu đồng , tương ứng giảm 9,1% so với thời điểm cuôi năm 2012.
Năm 2013, các chỉ tiêu về nguồn vốn hầu hết đều giảm so với cuối năm 2012. Trong đó, giảm nhiều nhất là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: giảm 111.074 triệu, giảm ít nhất là phải trả người lao động: giảm 4.635 triệu. Ngược lại năm 2013 cũng có những nguồn vốn có xu hướng tăng lên. Tăng nhiều nhất là vay và nợ ngắn hạn: tăng 46.657 triệu, tăng ít nhất là chi phí phải trả: chỉ tăng 4.310 triệu. Về so sánh tương đối cũng có những nguồn tăng, giảm khác nhau.Nguồn người mua trả tiền trước tăng mạnh nhất: tăng 282,77% so với cuối năm 2012, tăng ít nhất là vay và nợ ngắn hạn: tăng 7,69% so với cuối năm 2012. Ngược lại, nguồn lợi nhuận chưa phân phối giảm nhiều nhất: giảm 98,55% so với cuối năm 2012. Nguồn phải trả cho người bán giảm ít nhất: giảm 7,76% so với cuối năm 2012.
Về cơ cấu nguồn trong tổng nguồn vốn cũng có những thay đổi tăng giảm khác nhau. Trong đó, vay và nợ ngắn hạn năm 2013 chiếm 32,61% tổng nguồn vốn, tăng 4,3% so với năm 2012. Nguồn lợi nhuận chưa phân phối lại có xu hướng giảm mạnh: năm 2013 chiếm 0,08% tổng nguồn vốn, giảm 5,17% so với năm 2012.
Như vậy qua nhận xét ta thấy sự thay đổi của nguồn vốn là không có gì bất thường. Nguyên nhân của những khoản nợ ngắn hạn tăng là do công ty tiếp tục vay vốn theo những hợp đồng tín dụng đã kí trước đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là kết quả hơp lý của quá trình kinh doanh chưa hiệu quả. Tuy nhiên, về cơ cấu nguồn vốn thì vẫn có những điểm chưa hợp lý khi mà nợ ngắn hạn chiếm tới hơn nửa tổng nguồn vốn mà kết quả kinh doanh lại giảm mạnh. Để biết rõ những nguyên nhân của những thay đổi trong nguồn vốn thì ta cần phải tiến hành phân tích chi tiết.
Tổng hợp nguyên nhân.
*) Nguyên nhân làm tăng nguồn vốn.
- Quá trình kinh tế khó khăn làm các nhà cung cấp nguyên, vật liệu cho công ty đòi hỏi cần phải thanh toán nhanh, ngoài ra công ty cũng cần thêm tiền để phục vụ cho dự án còn dang dở. Đây là những nguyên nhân chính phát sinh khoản vay của công ty với NH đầu tư và phát triển Hoàng Mai.
- Doanh nghiệp có nền tảng hoạt động, làm ăn lâu năm nên đã xây dựng một giá trị thương hiệu lớn. Trên cơ sở mối quan hệ đó dù kinh tế đang giai đoạn khó khăn, nhưng vẫn có những doanh nghiệp khách hàng trả tiền trước cho doanh nghiệp.
- Theo quyết định phân chia cổ tức năm 2012, công ty đã quyết định chia cổ tức 10%/ năm với số tiền 69.228 triệu. Bởi quyết định trên mà khoản cổ tức phải trả năm 2012 đã làm tăng khoản phải trả, phải nộp khác. Cũng theo quyết định này thì nó cũng trở thành nguyên nhân làm tăng quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự phòng tài chính.
- Do có sự chênh lệch về ước tính thời gian sử dụng của tài sản cố định của kế toán và thuế, nhưng công ty lại được ưu đãi về thuế TNDN nên đây là nguyên nhân làm khoản thuế TNDN hoãn lại phải trả tăng.
*) Nguyên nhân làm giảm nguồn vốn.
- Do trong năm có sự tăng về chi phí nguyên, vật liệu đầu vào nên ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh. Từ đó kéo theo các nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm mạnh. Lợi nhuận chưa phân phối giảm cũng là nguyên nhân kéo theo những khoản thuế và những khoản phải trả cho nhà nước giảm mạnh.
- Ảnh hưởng của kinh tế khó khăn làm những doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu cho công ty yêu cầu phải thanh toán trong ngắn hạn. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới nguồn phải trả cho người bán giảm mạnh.
- Dù doanh nghiệp làm ăn khó khăn, nhưng một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là phải tiến hành trả lương đầy đủ. Đây gần như đã là một đặc thù trong ngành, khi mà kinh tế khó khăn dẫn tới sự leo thang về giá cả hàng hóa, mặt khác công nhân làm việc chủ yếu tại công ty đều làm việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại.. nếu không trả lương đầy đủ thì động lực làm việc sẽ thấp. Như vậy, kết hợp những nguyên nhân trên là lí do hợp lí làm nguồn phải trả người lao động giảm.