0
Tải bản đầy đủ (.doc) (87 trang)

Cảm quan hậu hiện đạ i một nhân tố quan trọng thúc đẩy cái hài phát triển

Một phần của tài liệu CÁI HÀI TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI (Trang 30 -30 )

6. Cấu trúc luận văn

1.3.2. Cảm quan hậu hiện đạ i một nhân tố quan trọng thúc đẩy cái hài phát triển

hài phát triển

Hậu hiện đại là một thuật ngữ mới xuất hiện ở nước ta trong khoảng hơn một thập kỷ. Khi được dùng để nói về những tìm tòi mới trong văn học Việt Nam đương đại, nó thường đi kèm với các từ: dấu hiệu, dấu ấn, tinh

thần, cảm quan... Ở Việt Nam đã có chủ nghĩa hậu hiện đại (trong văn học) hay chưa, hiện nay, đó vẫn còn là một vấn đề còn nhiều ý kiến tranh cãi.

Theo các tài liệu phổ biến, thời hậu hiện đại là sự tiếp nối tự nhiên của thời hiện đại. Đây là thời đại của những lựa chọn không ngừng, hệ quả của sự bùng nổ thông tin, là “thái độ hoài nghi đối với mọi đại luận thuyết”. Chủ nghĩa hậu hiện đại được xem là một trào lưu văn hóa và là một thời kỳ lịch sử, có khi nó được đánh giá là tiến bộ, được ủng hộ, nhưng có khi lại bị coi là phản động, bị kết tội, bị lên án… Đó là một thứ chủ nghĩa nhị nguyên đầy nghịch lý, một tên gọi lai ghép cho thấy một sự kế tục và siêu việt hóa của chủ nghĩa hiện đại. Quan điểm chung của các nhà hậu hiện đại là: thế giới như một sự hỗn độn và bất khả nhận thức. Họ cho rằng những tri thức và chân lý của chủ nghĩa hiện đại là những thứ quyền uy, và chống lại nó.

Theo Đỗ Ngọc Thạch trong bài Vài đặc điểm văn xuôi hiện đại Việt Nam, cảm quan hậu hiện đại “là một kiểu cảm nhận đời sống đặc thù thể hiện trạng thái tinh thần của thời đại: nhận thấy sự đổ vỡ của những trật tự đời sống, tính áp đặt của cái chính thống, của các “đại luận thuyết”, sự đảo lộn trong các thang giá trị trong đời sống xã hội, sự mất niềm tin, bơ vơ, lạc loài, vong thân, tâm trạng hồ nghi tồn tại và tình trạng bất an của con người…”.

Biểu hiện của nó khá phức tạp. Trên nét lớn, đó là sự khủng hoảng niềm tin của con người. Đời sống, xã hội hỗn loạn, không lý tưởng. Con người méo mó, đáng thương, mất sức đề kháng, thậm chí tê liệt. Trạng huống bi - hài trở nên phổ biến. Cái đẹp thưa vắng, mà, nếu có thì cũng yếu ớt, mong manh, lạc lõng, chẳng cứu vớt được ai…

Với cảm quan hậu hiện đại, văn xuôi Việt Nam đương đại đang có những chuyển động đa dạng và phức tạp trên nhiều bình diện. Nhà văn không cần khái quát, chỉ làm đầy hiện thực bằng cách phơi bày các hiện tượng đời sống. Tiếp nhận hiện thực ấy thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào kinh nghiệm

sống, trình độ, môi trường văn hóa… của người đọc. Mỗi sáng tác như một mảnh ghép, giúp con người tiếp cận cuộc đời một cách sống động. Quá trình sáng tác cũng được giải phóng bằng các phương tiện hiện đại, có tính cập nhật cao như blog, facebook.

Sáng tác của các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái… từ cuối thế kỷ XX đã ít nhiều thể hiện cảm quan hậu hiện đại của chủ thể sáng tạo.

Trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà, cuộc đời như một cõi loạn, như những mảnh vỡ, điểm nhìn và ngôi kể dịch chuyển liên tục, mỗi sự kiện đều được nhìn từ nhiều phía: Cơ hội của Chúa (1999) bày tỏ lý tưởng con người “chơi cùng cái hỗn loạn”, Khải huyền muộn (2005) miêu tả kẻ tha hóa như người bình thường… Ở đó, con người không còn niềm tin, lí tưởng, sống loay hoay trong cõi nhân sinh thiếu vắng tình người.

Còn sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp “là câu chuyện về một thế giới vô nghĩa, vô hồn. Thế giới ấy “loạn cờ”, “không có vua”, có văn minh mà chẳng thấy tiến bộ, khó tìm thấy một gương mặt đích thực của con người, nhưng đâu đâu cũng có những ham hố phàm tục, những sự thật trớ trêu, những thảm bại ê chề, tương lai đợi chờ ở phía trước gắn với dự cảm về những cuộc lìa bỏ, chia xa…” [37].

Để thể hiện ý thức về dân chủ và cảm quan hậu hiện đại, văn học phải có những hình thức nghệ thuật đặc thù. Yếu tố hài, hay cảm hứng trào lộng, giễu nhại, giải thiêng… đã được nhiều tác giả lựa chọn và trở thành một đặc điểm nổi bật của văn xuôi đương đại. Với tinh thần tôn trọng đa nguyên văn hóa, xóa nhòa ranh giới giữa trung tâm - ngoại biên, thiểu số - đa số và biệt tài sử dụng các thủ pháp gây cười, những đề tài sáng tác quen thuộc trở nên mới mẻ, có sức hấp dẫn lạ thường. Một khi tiếng cười đã quay trở lại, độc giả cũng mặn mà, khăng khít với văn học hơn.

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Những ngọn gió Hua Tát là chùm truyện giả cổ tích, Con gái thủy thần nhại huyền thoại, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết nhại truyền thuyết, lịch sử…

Ở nhiều truyện khác, “lời” và “vật” như bị tách thành hai nhân vật, nhân vật này giễu nhại nhân vật kia. Đây là một đoạn trong truyện Không có vua: “Khảm bảo: "Hai anh em mình mang tiếng có học mà Tết nhất đến, một bộ quần áo hẳn hoi không có". Đoài bảo: "Chỉ có con đường lấy vợ giàu thôi. Tối nay mày đưa tao đến con ông ánh sáng ban ngày đấy nhé". Khảm bảo: "Được thôi. Nếu anh tán được thưởng em cái gì?”. Đoài bảo: "Thưởng cái đồng hồ". Khảm bảo: "Được rồi. Anh ghi cho em mấy chữ làm bằng". Đoài hỏi: "Không tin tao à?". Khảm bảo: "Không". Đoài ghi vào giấy: “Ngủ được với Mỹ Trinh, thưởng một đồng hồ trị giá ba nghìn đồng. Lấy Mỹ Trinh, thưởng 5% của hồi môn. Ngày... tháng... năm... Nguyễn Sĩ Đoài". Những cái tên rất đẹp (Khảm, Đoài); những nghề nghiệp rất lương thiện (một là sinh viên đại học, một là công chức ở ngành giáo dục), nhưng chẳng ăn nhập tí nào với chuyện họ mặc cả cùng nhau. Hóa ra, mọi thứ danh xưng đều vô nghĩa, vênh lệch với bản chất thật của con người.

Phạm Thị Hoài là người ưa đặt lại tên cho những gì vốn đã có tên. Chẳng hạn: một tiệm may dạy nghề được gọi là “Toa tàu đen chật ních ước mơ” - nơi “treo đầy sơ mi hàng chợ và áo gió đóng mác Nam Triều Tiên” (Tiệm may Sài Gòn). Hay: cả một thời đại được gọi là “Second Hand” (Second Hand).

Theo Lã Nguyên, “thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài là thế giới phân mảnh, đứt gãy mạch lạc, hình tượng được kiến tạo theo nguyên tắc lạ hóa, văn bản ngôn từ nổi trên bình diện thứ nhất của văn bản văn học, “lời” và “nghĩa” xô đẩy, giễu nhại nhau đưa nghệ thuật ngôn từ đến với các hình thức ngoài thể loại. Loại hình tư duy ấy không

phải từ trên trời rơi xuống, mà gắn với những nguyên tắc kiến tạo hình tượng, tổ chức văn bản của đồng dao, câu đố có nguồn cội từ thời tiền văn học, trong sáng tác dân gian” [37].

Ý thức về dân chủ và cảm quan hậu hiện đại của chủ thể sáng tạo đã thể hiện tiếng cười trong văn học bằng mọi chất liệu. Chính nhu cầu cởi mở của thời đại và những vận động tự thân của lịch sử văn học là cơ sở cho sự trở lại của tiếng cười. Đến lượt nó, với tư cách là một phạm trù mỹ học, tiếng cười đã bồi đắp cho văn học sức sống mới, bắt kịp cùng thời đại và trở nên gần gũi hơn với cuộc đời.

Chương 2

ĐỐI TƯỢNG CỦA CÁI HÀI TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI

Một phần của tài liệu CÁI HÀI TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI (Trang 30 -30 )

×