Cái hài từ sự cọc cạch trong cấu trúc nhân cách của con người

Một phần của tài liệu Cái hài trong truyện ngắn Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI (Trang 44)

6. Cấu trúc luận văn

2.2. Cái hài từ sự cọc cạch trong cấu trúc nhân cách của con người

Con người là sinh thể duy nhất vừa gây cười vừa cười. Chính sự cọc cạch trong cấu trúc nhân cách của con người cũng trở thành một đối tượng thẩm mỹ vô cùng hấp dẫn của cái hài.

Văn xuôi sau đổi mới đã bổ sung những mảng hiện thực nghiệt ngã, khuất tối qua số phận nhỏ bé của nhiều loại người trong xã hội. Khác với con người - ý chí trong văn học trung đại, con người - công dân trong văn học kháng chiến, văn học đương đại tập trung khắc họa chân dung con người - đời tư, cá nhân.

Giã từ đám đông, con người được đặt vào các trạng huống phức tạp mới của cuộc đời: trong hiện thực phồn tạp, trong đời sống bản năng và trong đời sống tâm linh; con người có ý thức và vô thức. Những gì ít có điều kiện để nói tới trước đây, nay được công nhiên mổ xẻ, khơi sâu.

Hình ảnh nhân vật Phùng với cuộc tranh đua chức vụ khốc liệt dẫn đến cái chết đột quỵ do xuất huyết não trong truyện ngắn Đất màu của Ma Văn Kháng là một cảnh báo về lối sống thực dụng đến mức bệnh hoạn: “con đường khổ hạnh và triệt để tranh thủ cảm tình của cấp trên, cũng là con đường đã nhất thành bất biến của đời Phùng (…) Phùng thực hiện một cách sống khắc khổ cực đoan với mục đích hoàn toàn vụ lợi. Ăn uống kham khổ. Mặt khó đăm đăm. Suốt ngày tất bật, bận rộn công lên việc xuống. Lúc nào cũng tỏ ra là kẻ mẫn cán và hết lòng hết sức với trách nhiệm được giao (...) Trong y chỉ nấu nung một cao vọng duy nhất là dành lấy bằng được chức vị phó giám đốc nọ bằng mọi giá thôi” [44; 34,35].

Sống có lý tưởng là sống đẹp, là sự cống hiến tự nguyện, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho con người. Những toan tính mù quáng chỉ đem đến bi kịch. Cái vỏ bọc công chức tận tụy ấy là để che đậy một tâm tính nhỏ nhen, cục cằn thô lỗ, cạn tình của Phùng trong ứng xử với vợ. Giọng văn điềm đạm,

đậm chất mỉa mai hài hước của Ma Văn Kháng đã khéo léo cài vào tâm trí người đọc những trăn trở về được - mất trong lựa chọn lẽ sống ở đời.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm khảo sát các nhân vật thuộc tầng lớp thị dân - công chức, trí thức, văn nghệ sỹ. Theo quan niệm nghệ thuật mới, họ hiện lên “thân mật suồng sã” cả trong vẻ đẹp lẫn cái tầm thường, có cả hài lẫn bi. Nhiều truyện ngắn đặc sắc của các tác giả Trần Đức Tiến, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh… đã viết rất ấn tượng về họ.

Trong truyện ngắn Từng vòng khói thuốc, Nguyễn Việt Hà đã để cho một kẻ lắm tiền phác thảo thấm thía diện mạo của trí thức Việt Nam đương đại: “Tầng lớp trí thức Việt Nam thật buồn. Người già thì mệt mỏi luẩn quẩn trong những giá trị tinh thần cũ kỹ. Người trẻ thì ham mê vật chất tầm thường” [15; 99]. Và tiền thân của họ: “Các cậu sinh viên năm cuối tóc bù xù, phần lớn đeo kính không số, đăm chiêu nhai kẹo cao su. Các cô bé xinh như mơ, hoặc sơ mi thụng hoặc đồ đầm nhí nhảnh ngồi viết luận văn chừng được hai dòng rưỡi nghe nghé liếc trộm anh chàng đẹp trai ngồi đối diện. Nền học thuật tương lai của nước nhà đè nặng trên những đôi vai mảnh khảnh” [15; 97].

Truyện kể về nhân vật Thúc - Việt kiều Pháp đang muốn làm một cuốn phim nhựa về Hà Nội thay cho lễ ra mắt bố vợ sắp cưới (một bộ phim “kha khá hàng chợ”, kể lại chuyến về thăm quê của vợ sắp cưới của Thúc). Nhân vật tôi là bạn thân của Thúc tỏ ra rất thông cảm trước nỗi vất vả “lấy vợ nhà giàu”của anh ta, hứa giúp đỡ bằng cách đưa kịch bản nhờ “ba tôi” đọc hộ và kiếm cho Thúc một nhà Hà Nội học đóng vai học giả trong phim.

Phó tiến sĩ Trần Minh Quân - học trò của “ba tôi” được giới thiệu: “giỏi tiếng Hán thạo Anh văn thông Pháp ngữ”; cũng là người “trọng lễ, chai không vuông không uống, bia mà ôm không ngồi”. Quân nhất định không chịu đóng phim vì “anh là nhà khoa học chứ không phải đứa ưỡn ẹo diễn tuồng”, chỉ “tư vấn những vấn đề thuần túy chuyên môn”.

“Ba tôi” là người soạn từ điển, từng có một thời gian dài giảng dạy tại một trường đại học lớn. Ông thuộc về “một trong số ít trí thức ở miền Bắc được báo đài nói nhiều về học thuật và nhân cách”. Có vài quan chức Bộ Văn hóa là học trò của ông nên Thúc muốn nhờ ông giúp “một vài thủ tục hành chính” cho bộ phim. Mặc dù “tôi” đã tự tin khẳng định “ông già chỉ biết có học thuật”, nhưng Thúc cũng tự tin: “tao có nhiều tiền” và “biết tôn trọng trí thức”.

Họ gặp nhau ở căng tin thư viện - một không gian thuần túy văn hóa. Ở đó, “tôi” sững sờ chứng kiến cảnh thầy trò phó tiến sĩ “bán rẻ” nhau, “cướp không” của nhau. Bên họ, “bạn tôi thỏa mãn nhả từng vòng khói thuốc tròn tròng vào cổ ba tôi và anh Quân”. Trí thức đã bị đồng tiền đốn ngã. Quan hệ thứ bậc giữa thầy và trò đã bị đồng tiền cào bằng. Khoa học được đồng tiền quyết định: “cậu là người có tiền, cậu toàn quyền”.

Đọc Nguyễn Việt Hà, chúng ta còn được tiếp xúc với nhiều vị giáo sư

khả kính khác. Có người “tâm huyết đi viết hộ luận án” (Mãi không tới núi). Có người “là bạn của bố tôi và sau đó là người tình của mẹ tôi” mà vẫn chiếm được lòng tin của “tôi” bởi “đa phần khi bàn về học thuật cả hai chúng tôi đều nằm trên giường không mặc quần áo gì cả” (Mưa vào ngày cưới)…

Và đây nữa: “Vợ tôi là sự tập trung tinh hoa mọi đức tính của người phụ nữ thời mở cửa, đã nói có mà trời can (…). Vợ tôi có trình độ đại học, biết ngoại ngữ và hàng tuần đều đặn cãi nhau với bốn bên hàng xóm” (Thiếp cưới của vợ).

Triết lý của Nguyễn Việt Hà là: “những người có học hay ở chỗ luôn có đủ chữ nghĩa để biện minh cho các hành vi của mình”. Đây cũng là điều mà nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nêxin từng tâm đắc: “Những nhà bác học, sở dĩ là bác học, bởi vì họ biết cách trình bày thế nào để những điều hết sức dễ hiểu cũng trở thành những cái rất khó hiểu” [40; 125].

Secmenđi sinh ngày nào? là công trình nghiên cứu suốt đời của một nhà bác học Thổ Nhĩ Kỳ trong truyện ngắn cùng tên của Azit Nêxin. Trong truyện, vị giáo sư nọ đã viết một cuốn sách dài 600 trang chỉ để bác bỏ hoàn toàn các tài liệu văn học sử cho rằng Secmenđi (một nhà thơ cổ) sinh ngày mồng 4 tháng 5. Người ta dự kiến rằng sang tập 2, tập 3, mà có khi cả tập 4 nữa, giáo sư mới dùng mọi lý lẽ để chứng minh rằng cái ngày mồng 4 tháng 5 ấy là sai. Tiếp đến, sang tập 5 và tập 6, ông mới cho biết ngày sinh chính xác. Bởi, “nếu viết vài dòng, thì một bác học như giáo sư, còn gì là bác học nữa?”

Trong hai tập truyện ngắn Bốn lối vào nhà cười Tự sự 265 ngày của Hồ Anh Thái, tiếng cười là phương tiện để hướng vào cõi nhân sinh đương đại, thể hiện phản ứng gay gắt của tác giả trước những cái xấu xa, giả dối của con người thời buổi kinh tế thị trường.

Giới trí thức là “đối tượng cười” đặc biệt của Hồ Anh Thái. Theo Hỏa Diệu Thúy, có hai loại trí thức trong truyện ngắn của anh: một là “trí thức ngu ngơ”, thuộc về số ít, thường bị dè bỉu, khó chịu vì không ăn nhập được với thời cuộc; loại thứ hai là “lưu manh giả danh trí thức”, thuộc về số đông, hình thái rất đa dạng. Loại này “có khi là một cá thể, có lúc là một nhóm, thậm chí một “tập thể” khoác áo “công chức”, “viên chức”. Chúng đu lại với nhau để cộng sinh, để tìm kiếm cơ hội trục lợi và để cùng tô vẽ, che đậy cho cái áo trí thức”.

Đó là anh chàng kiến trúc sư thiết kế một tòa nhà kiểu Pháp “có một hàng cột đá trắng Hilạp, có những vòm cửa Gôtích, có ngọn tháp Alibaba”; khiến cho nhân vật “tôi” phải đưa ra một nhận xét thật “mát mẻ”, gọi công trình này là “trụ sở của hội kiến trúc sư quốc tế” (Vẫn tin vào chuyện thần tiên). Đó là các viện sĩ “chả ai phục ai nhưng chỉ chê bai, bôi bác sau lưng, trước mặt thì bắt tay ca mừng đời đời ta tươi đẹp” (Chạy quanh công viên mất một tháng). Hay là một ông giáo sư sử học hèn hạ tắt mắt từng cái ly ngoại

trong Phòng khách. Hay là loại “mèo mả gà đồng” kiểu “chị viện phó, em khó nhằn” với những ham muốn đồi bại: “Người đàn ông quanh năm ngồi lì ôm lấy cái bàn tưởng đâu chỉ thú mình ngồi với mình, lưỡi mình vờn răng mình (…). Trong tưởng tượng ông lưỡi vờn răng ao ước vờn vã, sấp ngửa với đám đàn bà con gái trong phòng. Ông mơ ông ngủ với suốt lượt: từ bà phó tiến sĩ mua bằng trong nước sắp về hưu đến cô sinh viên năm cuối đang thực tập, từ cô đánh máy bàn tay búp măng đến cô tạp vụ thay giấy vệ sinh toilet cũng tay búp măng” (Chim anh chim em).

Có khi, nhà văn đã lật tẩy sự ngu dốt, “không đủ chữ” của cả một tổ chức: “cái cờ thơ treo ngược, con cò bay lộn đầu xuống sân Văn Miếu. Thế mà cả hội thơ mê man chẳng ai phát hiện ra. Cái biểu ngữ tiếng Anh do nữ dịch giả thầu, chữ vàng rõ to festivan of Porety sai chính tả đến mức chẳng biết đây là liên hoan gỉ gì” (Lọt sàng xuống nia).

Với Hồ Anh Thái, loại trí thức “giả cầy” này là “một thứ sản phẩm bất thành thời nào cũng có”. Họ méo mó, dị dạng về nhân tính, què quặt tâm hồn, ngớ ngẩn trong nhận thức. Cái vỏ ngoài hào hoa, đạo mạo của họ không che nổi bản chất trống rỗng, dốt nát bên trong. Dưới ngòi bút “sắp đặt” tài tình của nhà văn, họ đã “diễn” thành công vai hài của mình trên sân khấu cuộc đời thời mở cửa, đem đến cho người đọc những nụ cười đầy dư vị chua chát.

Hình ảnh các nhà chính trị, những vị tai to mặt lớn cũng thấp thoáng đâu đó trong sự phồn tạp bộn bề của cuộc sống phố phường thời hiện đại. Đó là một ông Vụ trưởng trạc năm mươi tuổi, mỗi sáng com lê cà vạt, lần lượt “khóa điện khóa càng rồi khóa xích” chiếc Dream bóng lộn trước khi ăn bát phở đứng bán rong ở vỉa hè. Nhưng “chỗ ngồi luôn là thước đo nhân cách”. Trong cách ăn uống, ông có vẻ “tội nghiệp, có cái gì đó chỉn chu vất vả nô tài”. Nhưng lên chốn công đường, “trông ông vô cùng hoành tráng” với “cái nhìn thật vời vợi sang trọng kiêu hùng” (Cố rồi sẽ nhớ - Nguyễn Việt Hà).

Trong Những trang báo ma quái, đó là ông Thứ trưởng “thanh lịch thì thật và đạo đức thì giả”. Vị này chỉ mới nghe đến tên một sếp cấp trên “đang khinh khỉnh bỗng hấp tấp cung kính đứng lên, ánh mắt vụt đầy những hoang mang hãnh diện sợ sệt”. Cũng chính vị này đã “tham ô một cục tiền của cơ quan góp vào quỹ xóa đói giảm nghèo để đi mua trinh một con bé mười ba tuổi bần hàn khốn khổ”. Còn cái vị “đại đại lớn” mà chỉ cái tên cũng đủ khiến cho người khác phải giật mình hoảng hốt kia, rút cục cũng là “con yêu râu xanh đã lộ nguyên hình là một quan chức tệ hại tham nhũng”.

Nguyễn Việt Hà đã hóm hỉnh phơi trần thói ăn hối lộ tinh quái, sự tham lam vô độ của ông “đại đại lớn” ấy qua giọng kể thản nhiên của quý công tử được học hành tử tế: “Sinh nhật ông ngập đầy ngồn ngộn là quà tặng sách. Tất cả đều buộc nơ loại sợi sa tanh dai và chắc vì hầu hết phía trong có kẹp phong bì. Những quyển buộc hai hoặc ba nơ chỉ riêng mẹ tôi được phép giở. Và không hiểu sao những quyển có nhiều nơ đều là những kiệt tác văn học. Tôi nhớ có lần bố mẹ tôi đều hơi choáng khi giở bộ Tam quốc diễn nghĩa. Từ sau trận đại chiến khốc liệt Xích Bích đến trước chiến dịch thê thảm Hào Đình là nhan nhản những tờ xanh một trăm đô Mỹ. Mẹ tôi ấp úng cười hoan hỉ như Tôn phu nhân được tin cầu hôn, còn bố tôi bối rối vụng về như Lưu Huyền Đức phiêu lưu sang Giang Đông lấy vợ” [15; 259].

Đám công chức nhà nước là một đối tượng hài được quan tâm trong truyện ngắn đương đại. Hình ảnh họ hiện lên trần trụi, vẹo vọ dưới nhiều lớp vỏ bọc hào nhoáng. Các cây bút trào phúng đã không ngại phanh phui, mổ xẻ tận ngọn nguồn căn cơ lối sống thực dụng, đạo đức giả của họ. Trong xã hội hiện đại, họ là rường cột của nước nhà, nhưng là rường cột đang bị mục ruỗng bởi sự gặm nhấm của mối mọt thói quen và những dục vọng tầm thường. Đó là “những khuôn mặt đồng phục đều đặn nhàn nhạt một nỗi lo âu không duyện cớ”, nhưng lại có “thói thóc mách và tính xúc động vặt” (Biển lạ -

Nguyễn Việt Hà). Họ là những nữ công chức có thâm niên tụ họp lại thành “một vườn hoa hồng không hoa, lằng nhằng nhiều gai”. Họ được quý trọng vì biết “kể rành mạch nhiều tập phim truyền hình trên kênh Hà Nội”, đều đặn đi làm từ bảy rưỡi sáng đến bốn rưỡi chiều, chuyên “nhặt nhạnh và kiểm chứng” mọi việc qua những lời thì thào đồn thổi.

Azit Nêxin cũng từng viết nhiều về loại người này: “chúng tôi không có ai bỏ việc trong giờ chính quyền, mỗi người đàng hoàng một ghế… Tôi ở sở này chín năm mà không nhớ là có một việc gì hữu hiệu hay không” [40; 62].

Truyện ngắn Cố rồi sẽ nhớ của Nguyễn Việt Hà phác thảo diện mạo “một phòng rất quan trọng thuộc một ngành kinh tế rất quan trọng”. Lãnh đạo cơ quan ấy, người cũ “tuổi trẻ tài cao” thì vừa bị bắt đột ngột vì một “tội danh vớ vẩn, dụ dỗ mua dâm trẻ vị thành niên”; người mới “để tóc dài vừa vừa quần áo có màu sắc vừa vừa và khi thiếu nữ chắc cũng xinh vừa vừa”, nhưng có đến “hai bằng đại học tại chức”. Lãnh đạo cấp trên là ông phó Tổng từng “hơn một lần được thưởng huy chương “Vì thế hệ trẻ” nên rất thích cặp bồ với các thiếu nữ mười sáu mười bảy”. Cấp dưới, là những “hòn vọng quan” trước đây vào được đại học nhờ công bố mẹ lặn lội tìm kiếm các loại giấy ưu tiên, qua năm năm giảng đường nhờ chăm chỉ họp Đoàn để bù cho sức học hơi yếu.

Ở một công sở khác, có những công chức mẫn cán yêu rồi lấy nhau do “cùng chung một nỗi sợ sâu xa về sếp”, có người “chồng là lái xe cùng cơ quan nhưng lại cặp bồ với Tuấn là phó giám đốc cũng cùng cơ quan”. Cơ quan ấy đã có vài truyền thống và “truyền thống nổi bật nhất là ngủ gật” (Hồn của bướm - Nguyễn Việt Hà).

Trong truyện của Hồ Anh Thái, công sở bị biến thành một cái chợ buôn tin: “bao nhiêu chuyện bổ tai bổ mắt, bổ tất tật ngũ quan cửu khiếu bày ra làm

quà sáng điểm tâm” cho đám công chức “một đống mặt, một đống bụng mà vẫn đói tin giật gân” (Tự truyện).

Quay cuồng trong nhố nhăng, hỗn tạp của đời sống thường nhật, con người không tự điều chỉnh được chính mình. Khi ý thức vượt khỏi tầm kiểm soát, họ trượt dài theo bản năng. Bản năng là phần “con” khởi thủy của con người, nó song hành với phần “người” bị đóng khung bởi ý thức xã hội, chúng chi phối lẫn nhau. Sự thù hận và cái ác cũng có thể cầm tù con người trong đời sống bản năng. Nhưng con người bản năng tồn tại rõ rệt nhất với nhu cầu tình dục. Ý thức được điều này, cái hài hước phồn thực trở thành một

Một phần của tài liệu Cái hài trong truyện ngắn Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w