6. Cấu trúc luận văn
3.2. Tạo tiếng cười từ hình thức giễu nhại
Giễu nhại là một trong những đặc trưng nổi bật của phong cách sáng tác hậu hiện đại, ngày càng phổ biến trong đời sống văn học Việt Nam thời đổi mới.
Theo M.Bakhtin, giễu nhại là “nói bằng giọng của kẻ khác” nhưng đưa vào đó một khuynh hướng nghĩa đối lập. Chính cái “giọng thứ hai” này xung đột thù nghịch với chủ nhân của nó, làm đảo lộn những gì được coi là nghiêm túc, lột trần cái vỏ hào nhoáng, trơ ra cái lố bịch, giả dối, đáng cười. Trong văn xuôi hiện đại Việt Nam, tiếng cười từ hình thức giễu nhại đã xuất hiện đầu thế kỷ XX, qua sáng tác của các nhà văn trào phúng Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Giễu nhại ưa dùng ngôn ngữ dung tục của đời sống hàng ngày. Vì thế, nó không có chỗ trong văn học sử thi. Giễu nhại là tiếng cười mang tính xã hội. Nó bị chi phối bởi những hiện trạng cần công phá, lật tẩy, nên đặc biệt phù hợp với xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI.
Trong mỗi truyện ngắn của Hồ Anh Thái đều ít nhiều vang lên âm giọng này qua việc đưa vào các tiếng lóng, lối nói nhại, nói lái. Bằng cách ấy, nhà văn công khai bày tỏ thái độ của mình đối với sự rối ren, phi lý, bất công trong cuộc sống. Anh dám cười thẳng vào những vênh lệch trong xã hội Việt Nam thời đổi mới. Đó là tiếng cười vừa có tính phủ định, công phá mạnh mẽ đối với cái xấu xa, lỗi thời vừa có ý nghĩa khẳng định, xây dựng cái mới.
Ngôn ngữ bụi bặm, phố phường của thị dân hiện đại xuất hiện với mật độ dày đặc trong sáng tác của Hồ Anh Thái. Từ cái giọng tập tọng tiếng Tây của đám dân bán dạo quanh Bờ Hồ: “Háo a iu, Tây ngố? Oăn phôtô? Oăn mép? Không có bản đồ, đi lạc thì chết cha mày” (Vẫn tin vào chuyện thần tiên). Đến lối diễn đạt bằng tiếng lóng: “vũ khí của anh trên răng dưới súng, cái khẩu súng mọi đàn ông đều có (…), vợ anh thì ngày Tết ngày lễ anh chẳng tặng hoa, cứ tặng hoa súng với hoa đồng tiền, cười phe phé chẳng bao giờ
chán chồng (…). Bọn ấy chán cơm thèm đất thích ăn chuối xanh. Đang cười tóe loe vụt một cái lên bàn thờ ngửi hương trầm buôn hoa quả như không” (Anh xe ôm một chặng đường núi). Hoặc: “Một anh giai sáu mươi hai để cho một con hăm lăm nói với mình giọng ấy thì rõ ràng anh đã trót ngả bàn đèn nó trên cái giường tuyển diễn viên của anh rồi” (Trại cá sấu).
Nhại giọng triết lý cũng là một kiểu gây cười trong văn Hồ Anh Thái. Nó vừa thể hiện sự minh triết trong tư duy, hiểu biết xã hội, vừa cợt nhả, châm biếm. Ở Phòng khách, nhân vật “tôi” đã kết luận về “ông sử”: “Đàn ông nhiều nước mắt và trường giọng nỉ non luôn cần vợ làm chỗ dựa, mất chỗ dựa này thì phải mau dựa sang chỗ khác”. Chỉ cần thế đã đủ lột trần thói đạo đức giả của nhân vật. Ở Sân bay, “tôi” lại chiêm nghiệm về văn chương: “mốt hiện thực ngày xưa người ta chỉ viết chuyện danh nhân, người tốt việc tốt. Mốt hiện thực ngày nay chỉ ăn khách loại chuyện cô sinh viên thực tập và tổng thống chẳng biết ai ve vãn ai, chuyện người xấu việc xấu. Mốt viết tốt có viết tốt quá lên một tí nguyên mẫu còn để cho yên, mốt viết xấu thì hãy coi chừng, dây vào những nguyên mẫu bất hảo là dao là búa là tống tiền. Chung quy chỉ tại cái mốt hiện thực làm cho nhà văn không còn biết bịa nữa”. Những triết lý này đều nhân danh cá nhân, đúng sai mặc người đọc phán xét. Nội dung triết lý đều là những nghịch lý trong đời sống xã hội. Ngôn từ diễn đạt làm tầm thường hóa cái vốn được coi là nghiêm trang và trang trọng hóa cái vốn rất tầm thường. Vì thế, mọi triết lý đều hàm ý giễu cợt, mỉa mai.
Có khi nhà văn tạo ra một điệp khúc để cho nhân vật tự nhại lại chính mình, theo kiểu “Biết rồi! khổ lắm, nói mãi” của cụ cố Hồng trong Số đỏ, tạo cái cười hài hước thú vị. Đó là lối diễn đạt của nhân vật anh xe ôm trong truyện Anh xe ôm một chặng đường núi:
“câu đầu tiên anh hỏi là em từ đâu đến? Hà Nội anh ạ. - Ô không sao… Anh xe ôm kêu lên như thể Hà Nội là cái gì đó rất khó nói, nhỡ nói ra rồi thì cũng đừng ngại. Anh nói thêm, Hà Nội tốt chứ em.
… Anh xe ôm hỏi cô làm nghề gì. Em là giáo viên. Thế là anh lại vội vàng kêu lên: - Ô không sao… Như thể giáo viên là một cái nghề rất khó nói, nhỡ nói ra rồi thì cũng đừng lấy thế làm ngại. Ngừng một lát anh mới nói thêm, giáo viên tốt chứ em.
… Cô xuống xe, đưa tiền trả anh. Tiện mồm than một câu Tây Bắc gì mà chẳng thấy hoa ban. - Ô không sao… Anh xe ôm kêu lên như thể cô vừa lỡ lời. Rồi anh hạ giọng an ủi, muốn có hoa ban thì sẽ có hoa ban chứ sao” [75; 21,22].
Còn đây là lối phát âm không chuẩn, nói ngọng ứng dụng cả với ngoại ngữ: “Con ấy ngúng nguẩy, hênô đaninh lại nhầm rồi, em làm thơ đâu nào, em dịch thơ ấy chứ, dịch thơ là phải có ngoại ngữ, phải trên bọn nằm ngửa ăn sẵn một bậc. Nó cứ chiu chiu gọi ông là hani với lại đaninh, tiếng Anh úng lún đúng giọng đồng chiêm trũng” (Lọt sàng xuống nia).
Đây là kiểu kết hợp từ rất mới, nghe quen mà lạ: “Kỷ lục xe ôm thế giới đáng đưa vào ghi nét. Kẹp chả ba người. Cộng một cái bọc” (Anh xe ôm một chặng đường núi). Hoặc: “Bảo với chúng nó nhá, chúng nó cặp nhiệt độ nhau thì phải kiếm chỗ cho bất khuất, đừng có Nghĩa Lộ quá trước mắt bà, bà Lũng
Cú lên, bà thịt băm cho mấy nhát thì anh ả đứt phựt dây đàn” (Trại cá sấu)… Ngoài ra, truyện Hồ Anh Thái còn rất hay nhại lời các bài hát, tạo lối diễn ngôn đặc sắc cho văn chương. Đọc tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột hay nhiều truyện ngắn khác của anh, ta gặp lại nhiều giai điệu âm nhạc quen thuộc trong một lớp vỏ ngôn từ hoàn toàn mới mẻ, lém lỉnh:
“Mẹ thịt ngan đi! Mẹ thịt ngan đi! Cho con xin đôi cánh mơ màng, cho con xin mẹ thêm phao câu, cho con xin chén nốt cái đầu, cho con xin cả cái mình ngan”.
“Hôm qua em đốt nhà, mẹ đánh em gần chết ớ ơ. Hôm nay mẹ đi xa, một mình em đốt tiếp. Con gà kêu chiêm chiếp, con chó kêu gầu gầu, con mèo kêu như thét, em với nhà đen thui”.
“Em ơi nghe chăng nhạc réo rắt, trong muôn xe tang, trong muôn cánh hoa, trong muôn điếu văn ngọt ngào lời yêu thương”… (Tin thật lòng).
Nhà văn hướng ngòi bút giễu nhại sắc nhọn của mình vào mọi lớp người trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sỹ. Từ ông giáo sư dạy sử Mỹ mù tịt ngoại ngữ, chưa một lần sang Mỹ, có thói quen đưa những cái ly ngoại trong Phòng khách về làm “con nuôi”. Đến đám ca sỹ “lạm dụng luyến láy, hát một nốt thành bảy nốt, hát theo lối rất mất vệ sinh môi trường Anh trương Chi anh đừng đi anh đừng đi í ì… ị” (Trại cá sấu). Hay dịch giả “đi tắt qua thơ ca nước ngoài, dịch thơ Pháp thành lục bát không vần, thơ lãng mạn bị dịch thành câu Giấc mộng kê vàng sùng sục đồng quê” (Lọt sàng xuống nia). Đến chàng họa sĩ “thấp bé như cái dải khoai héo” đã xong bốn đời vợ, lại có biệt tài “biến tất cả những người đàn bà từng lên giường với chàng thành họa sĩ” (Trại cá sấu). Sự giễu nhại tìm đến tận cùng những cái phi lý, vô nghĩa, ngớ ngẩn của hiện thực xã hội. Văn bản tác phẩm, vì thế, ngổn ngang những ghép nối thật giả. Kết cấu truyện trở nên lỏng lẻo, mang tính ngẫu hứng kiểu tùy bút, tản văn.
Tác giả còn đưa cả chính mình ra để đối thoại, tạo châm biếm dí dỏm: “Tôi sẽ tham khảo ý kiến nhà văn Hồ Anh Thái xem có nên lấy câu này đặt làm tên cho bài viết tản mạn của một kẻ đứng chờ trước cửa ngõ nước Mỹ” (Tờ khai visa) hay: “Nàng mua táo Mỹ đến cho chị em ăn bảo táo Hồ Anh Thái hôm qua đi Mỹ mang về. Chị em lại cười thầm, Bảo Ninh Nguyễn Quang Thiều còn nghe được chứ Hồ Anh Thái bọ không ăn của ai thì thôi, ai mà ăn được gì của bọ” (Trại cá sấu).
Đọc Hồ Anh Thái, ấn tượng về những dòng thác ngôn từ tuôn trào ào ạt, xô dỡ mọi chuẩn mực trang nghiêm của văn học truyền thống, mới thấy rằng trong văn xuôi đương đại, cái được biểu đạt đã bị lấn át bởi cái biểu đạt, văn bản ngôn từ có xu hướng lấn át văn bản hình tượng. Một thế giới mới
được xác lập trong thế hỗn độn, không có ý nghĩa và trật tự. Đây cũng là một biểu hiện của dấu ấn hậu hiện đại trong cảm quan sáng tạo của nhà văn.
Vào ngày đẹp trời người nhổ khoai mì bị rắn độc cắn của Nguyễn Ngọc Thuần [45; 261-264] từng đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn 1200 chữ do báo Tuổi trẻ tổ chức từ tháng 4/2006 đến tháng 12/2007. Đây là loại truyện ngắn ngắn, đạt độ nén cao, tạo sức khơi mở lớn. Nhan đề của truyện được lặp lại nguyên xi 8 lần ở vị trí mở đầu của 8 trên tổng số 10 đoạn văn trong truyện, trở thành một điệp khúc. Mỗi đoạn văn kể ngắn về một sự việc tưởng như không có gì liên quan đến nhau. Người đọc thật khó xác định đâu là chuyện chính, chỉ biết tất cả cùng xảy ra trong thời điểm “ngày đẹp trời người nhổ khoai mì bị rắn độc cắn”. Điệp khúc ấy nhắc cho người ta biết sự việc trung tâm. Thế là đảo lộn hết, thế là tất cả mười mươi sáng rõ giữa thanh thiên bạch nhật: người nhổ khoai mì và bà góa có con riêng; thằng cha công ty mai táng thoát sô bệnh viện X lại gặp sô bệnh viện Y, đưa bồ nhí đi Vũng Tàu mà chưa kịp hưởng cái đoạn tắm nước ngọt bằng gáo dừa; chuyện buôn lậu động vật quý hiếm và tắc trách của cán bộ hải quan; chuyện điện lực, điện thoại, taxi… Chỉ bấy nhiêu chữ mà bao nhiêu chuyện. Đúng như lời thán phục của Ma Văn Kháng trong Người làm câu đối ở tỉnh nhỏ: “Oái ăm chưa cái chữ nghĩa! Nó thật là cái cách quỷ biện của con người để gọi tên sự vật. Nó giấu cái tiềm ẩn ở sau cái nông sờ. Nó vừa thành thật sáng tỏ vừa chập chờn ý tưởng siêu linh trong bản tính uyển chuyển của nghệ thuật” [25; 164].
Nguyễn Việt Hà cũng là nhà văn vận dụng thành công hình thức giễu nhại trong sáng tác. Một phần giá trị quan trọng của những truyện ngắn trong tập Của rơi được đánh giá qua “những phát ngôn trào lộng, dí dỏm, những motive nhại rất bỡn cợt và thách thức” [15; 283].
Mở đầu truyện Sếp và tôi và… tác giả viết: “Lâu lắm, mini Hotel nơi tôi làm việc mới có không khí trang trọng, đứng đắn theo kiểu Mã Giám Sinh hỏi
Kiều”. Đó là không khí của một cuộc thi tuyển nữ tiếp viên khách sạn. Có ba chánh chủ khảo: ngồi giữa là tôi - kiểm tra ứng xử và trình độ Anh ngữ, bên trái là “một thằng đểu mang tầm thế kỷ” - nhìn đối tượng “từ cạp quần trở xuống”, và bên phải là sếp - nhìn phần còn lại. Nguyễn Việt Hà có biệt tài ném lên trang sách mọi cái trớ trêu, lố bịch của đời sống bằng một thứ ngôn từ dửng dưng mà đầy hàm ý. Anh luôn biết đặt cái trang trọng, tử tế trong thế hài hước hoặc dùng thứ ngôn từ dửng dưng, vô tội để cười cợt đối tượng. Có khi là hình ảnh đồng dạng về các quan chức: “bụng tròn, mặt tròn, trong cặp da có nhiều dấu tròn”. Hay những so sánh thuyết phục: “Ý sếp là ý Chúa. Tôi là kẻ có đức tin”. Có khi là một phát hiện thú vị: “Bậc ẩn lớn làm quan ẩn trong xe Toyota, nhà lầu. Bậc ẩn vừa vừa ẩn trong chợ Đồng Xuân, Bắc Qua. Chỉ có bậc nhỏ mới ở rừng” (Thiền giả).
Trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà, mảng đề tài tâm linh, tín ngưỡng chiếm một vị trí quan trọng. Anh không ngại ngần, né tránh khi phanh phui sự thật về những kẻ giả đạo, lợi dụng tín ngưỡng để mưu cầu dục vọng. Hình ảnh họ trở thành một đối tượng giễu nhại đặc sắc. Ở Thiền giả, đó là “ấn tích di lại” cho tay họa sỹ sau ba năm ngồi thiền: “Ngoài chứng đau cột sống, cơ thể của thiền sư họa sỹ cũng ngộ được thêm bệnh trĩ”; đó là việc nêu cao “đạo hạnh” của thiền sư qua số lượng đệ tử “đã lên tới xâm xấp số những người hâm mộ các hoa hậu”.
Tầng lớp trí thức, công chức, thị dân vẫn là đối tượng được giễu nhại nhiều nhất. Trong Từng vòng khói thuốc, có nhà thơ đẹp giai được vợ nuôi “làm cảnh” từ cái thuở “người Hà Nội chưa nuôi chó Nhật”; có chàng công chức trẻ “đạo đức hoen ố những món nợ đầm đìa ở các quán bia ôm”; có cả bậc đại trí “trọng lễ, chai không vuông không uống, bia mà ôm không ngồi”. Trong Thiếp cưới của vợ, đó là ông “giảng viên quèn, vĩnh viễn không có bằng phó tiến sỹ, nổi tiếng khắp bộ đại học vì tài nấu rượu”; là người phụ nữ
“có trình độ đại học, biết ngoại ngữ và hàng tuần đều đặn cãi nhau với bốn bên hàng xóm”…
Nguyễn Việt Hà thản nhiên, hóm hỉnh và hết sức sâu sắc trong việc định dạng một số lớp người trong xã hội qua các đặc điểm nổi bật: “mặt nhỏ vẻ nhờn nhợt thị dân” (Chiều muộn); “một vườn hoa hồng không hoa, lằng nhằng nhiều gai” (Nhạt một chuyện tình); “những khuôn mặt đồng phục đều đặn nhàn nhạt một nỗi lo âu không duyên cớ” hoặc “mặt đám này trông no nê nhưng luôn căng thẳng vì overtime nhợt nhạt xanh phảng phất màu của giấy bạc Mỹ” hay “thói thóc mách và tính xúc động vặt” (Biển lạ); “một hòn vọng quan” (Cố rồi sẽ nhớ); “truyền thống nổi bật nhất là ngủ gật” (Hồn của bướm) … Không cầu kỳ, dài dòng trong miêu tả mà chỉ cần vài nét chấm phá, ký họa nhân vật đã hiện lên sống động, ấn tượng vô cùng.
Giọng giễu nhại, bỡn cợt được coi là một yếu tố thẩm mỹ nổi bật trong văn xuôi đương đại, là phương tiện để nhà văn mổ xẻ những ung nhọt của xã hội. Giễu nhại là vừa nhại vừa giễu, trong cái này có cái kia. Châm biếm, mỉa mai, trào lộng, hài hước đều là những nhân tố mang sắc thái giễu nhại. Có người cho rằng: bi kịch là khóc thương những cái đáng sống đã bị chết, còn hài kịch là cười những gì không đáng có mà cứ nhăn nhở sống giữa cuộc đời. Giễu nhại thường hướng tới những điều “không đáng có” ấy.
Đầu thế kỷ XX, để châm biếm các “quan bà”, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dùng lối cường điệu làm biến dạng sự vật: “Chỉ riêng bộ mặt cũng đã đủ long trọng. Người ta tưởng chiếc bánh giầy đám cưới, ở giữa đặt một quả chuối ngự, và ngay đầu quả chuối, nằm dài hai múi cà chua. Rồi khi hai múi cà chua tách ra để theo nhịp với cặp mắt híp, đưa quan ông vào chốn nát bàn, thì ai cũng phải thấy một cái hố sâu thăm thẳm, sâu như bụng dạ một người đàn bà” (Đàn bà là giống yếu). Sau một thế kỷ, đây là chân dung hai nàng “cá sấu” trong truyện của Hồ Anh Thái: “một mắt nhìn núi Đôi một mắt nhìn
sông Nhị, một thân hình rắn giả lươn một thân hình cá trắm lai cá chép trứng, một khuôn mặt sủi cảo một khuôn mặt mưng mưng thủ lợn thiu, răng cửa phi nước đại răng hàm đi nước kiệu” (Trại cá sấu). Một sự tiếp nối thật ngoạn mục đã thỏa mãn nhu cầu “cười trở lại” của văn học và công chúng.
Kiệt Tấn là một nhà văn hải ngoại, được coi là hiện tượng văn học từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước với nhiều cái dám: “dám sống hết mình,