0
Tải bản đầy đủ (.doc) (87 trang)

Cái hài trong văn xuôi 1975 2000

Một phần của tài liệu CÁI HÀI TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI (Trang 25 -25 )

6. Cấu trúc luận văn

1.2.3. Cái hài trong văn xuôi 1975 2000

Trước 1986, khi cả đất nước đang phải loay hoay đối mặt với quá nhiều vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống thời bình, thì văn học vẫn trên quán tính sử thi, thưa thớt tiếng cười.

Từ 1986, văn học đã thực sự bước vào quỹ đạo đổi mới. Đổi mới toàn diện và quyết liệt, nhưng nổi bật nhất là hoạt động lý luận, phê bình và sáng tác. Sự đổi mới trong quan niệm về con người, về đời sống và về bản thân văn học nghệ thuật đã mở ra trước mắt các nhà văn một bầu trời sáng tác mới. Trong đó, văn xuôi là thể chủ đạo, xung kích. Theo nhà nghiên cứu văn học hiện đại Lã Nguyên: “Giọng lu loa, sừng sộ, tiếng gầm gào cuộn réo trong văn học thời đổi mới không thể cất lên thành tiếng hát. Cái vô lý, phi lý, chất văn xuôi và vẻ đẹp của đời sống phồn tạp chỉ có thể hóa thân vào tiếng cười trào tiếu, giễu nhại để văn học thế sự biến thành tiếng nói nghệ thuật” [38].

Tiếng cười trước hết xuất hiện trong các sáng tác về những mảng đời sống còn khuất tối. Mọi sự thật được phơi bày qua cái nhìn hài hước của nhà văn. Trên báo chí chính thống, những cái tên như Mai Ngữ, Vũ Bão cùng tiếng cười hả hê, giòn giã trong tác phẩm của họ được độc giả đón đợi nhiệt tình. Chuyện như đùa (1988) là một tập truyện ngắn đặc sắc của Mai Ngữ, viết về đời sống đất nước ta những năm 90 của thế kỷ XX. Trong đó hay nhất là truyện ngắn Chuyện như đùa. Những trang văn của Mai Ngữ đã khiến người đọc cười trong nước mắt trước thực trạng xã hội lúc bấy giờ. Đó là những lời cảnh báo, dự báo xót xa, được viết bằng một thái độ chân thật, thẳng thắn và xây dựng. Cái tên Chuyện như đùa về sau trở thành câu cửa miệng của nhân dân để nói về một cái gì đó thật viển vông, không thực tế. Với Chuyện như đùa, Mai Ngữ được ví như một Azit Nexin của Việt Nam.

Đời văn Vũ Bão kiên trì với giọng trào phúng, giễu cợt. Đối tượng châm biếm trong sáng tác của ông là những thói hư tật xấu tràn lan trong xã hội, “phủ sóng” mọi tầng lớp, địa vị, ngành nghề, vùng miền. Người vãi linh hồn là truyện ngắn nổi tiếng nhất của Vũ Bão. “Vãi linh hồn” nguyên là một sáng tạo ngôn từ của Vũ Bão, bây giờ đã trở thành một khẩu ngữ dân gian. “Người vãi linh hồn” trong truyện là kẻ đã sợ đến vãi đái trong một trận công đồn địch. Nhưng khi người ta cần dựng lại trận đánh đó để quay phim tài liệu, thì chính kẻ kia lại được chọn làm người phất cờ chiến thắng. Bộ phim được công chiếu, tấm ảnh người chiến sỹ phất cờ được in thành tem, thành lịch, người lính trong ảnh được mời sang tận nước Anh…

Tiếng cười hài hước bật ra từ tình huống nhầm lẫn trong truyện đã khẳng định một thái độ: có phải cái gì thuộc về lịch sử cũng là chân lý? Và: thời đại nào cũng tồn tại kiểu người Lý Thông. Các truyện ngắn khác như Ông khóc tôi cũng khóc, Người chưa có chiến công, Phó tiến sỹ không hữu nghị… đã cho thấy tiếng cười trong văn Vũ Bão mang đậm hơi thở của đời sống. Đó

là tiếng cười phanh phui, là những làn roi quất mạnh vào cái giả, cái xấu, cái đáng ghét trong đời sống. Tiếng cười, vì thế có sức mạnh điều chỉnh xã hội.

Bên cạnh thế hệ lão thành, một đội ngũ các nhà văn mới đã làm thay đổi hẳn diện mạo của cái hài trong văn xuôi đương đại. Nổi bật nhất trong số đó là Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, rồi đến Đoàn Lê, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh.

Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều về phong hóa, thế sự: Tướng về hưu,

Không có vua, Những người thợ xẻ… Đó là những câu chuyện thật giả lộn sòng, thiện ác khó phân ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Đó có khi lại là những chuyện hoang đường, huyền thoại. “Có thể gọi Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của những câu chuyện về cái “trớ trêu”. Từ trong chiều sâu của mạch văn, người đọc thấy toát lên một tinh thần cốt lõi: “trớ trêu” vừa là chuyện cực kỳ tàn nhẫn, vừa là chuyện nực cười: nực cười trước cái vô lý, phi lý gợi ra cảm giác về cái vô nghĩa của đời sống (…). Ý tôi muốn nói, phạm trù thẩm mỹ trung tâm trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là cái

hài hước, nghịch dị” [37].

Còn Phạm Thị Hoài lại nhìn cuộc đời như một cõi nhân gian thiếu vắng sự sống. Trong Thiên sứ, các hình mẫu lý tưởng đều trở nên “mất giá” dưới ngòi bút của tác giả: trí thức thì nhếch nhác, đớn hèn, cái đẹp, cái thiện bị bỏ quên, bị tha hóa, những cái quái thai lại đủ sức mạnh chi phối con người… Trong Man Nương, chân dung con người hiện đại hiện lên méo mó, vô hồn, thậm chí đời sống tình dục cũng chạy theo bản năng, hình thức, đua đòi. Phạm Thị Hoài có biệt tài sử dụng thứ ngôn ngữ suồng sã đầy biến hóa. Vì thế, mỗi sáng tác của bà đều tạo ấn tượng nhờ thủ pháp giễu nhại về ngôn từ, tạo vẻ bề ngoài nghiêm túc nhưng bên trong chứa đầy sự giả dối.

Sáng tác của Đoàn Lê, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh nối tiếp bằng những tiếng cười đầy cá tính, góp phần làm phong phú

thêm sắc điệu của cái hài đang trỗi dậy trong văn xuôi lúc này. Ở mỗi tác phẩm của họ, hiện thực cuộc đời được soi chiếu từ nhiều góc độ. Nhìn đâu cũng thấy những oái ăm, sự tha hóa, dục vọng: trong gia đình, nơi công sở, chốn hội hè…; tầng lớp trí thức, văn nghệ sỹ, công chức…; già, trẻ, nam, nữ… Cuộc đời giống như một trò diễn. Ở đó, các nhân vật được nhà văn đeo cho nhiều loại mặt nạ khác nhau, tha hồ mà múa may. Người đọc lạc vào sân khấu ấy, như quen như lạ, bị dẫn dắt bởi ma lực ngôn từ của nhà văn, cười không dứt…

Xin trở lại với vấn đề cái hài. Nhiều người thường nhầm lẫn cái hài với tiếng cười. Dĩ nhiên, hài là một hiện tượng gây cười. Nhưng không phải tiếng cười nào cũng trở thành cái hài với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ. Chúng tôi muốn lưu ý đến tính vũ khí, tính phương tiện của cái hài. Đúng như lời của nhà triết học dân chủ cách mạng Nga Ghecxen đã viết: “Tiếng cười là một công cụ phá hoại hùng mạnh nhất. Nó đánh và thiêu cháy như sét. Do tiếng cười mà những thần tượng sụp đổ” [24; 167].

Trên thực tế, có tiếng cười chỉ nhằm mục đích đả kích những thói hư tật xấu của con người. Nhưng còn có những tiếng cười đa cung bậc: vừa đả kích một thói tật, vừa phơi bày một thực trạng, vừa đem đến không khí dân chủ cho đời sống. Chỉ những nhà văn có năng khiếu thẩm mỹ, có khát vọng hoàn thiện cuộc sống mới nắm bắt và thể hiện được tiếng cười này trong văn học, góp phần làm thay đổi xã hội. Đó chính là diện mạo của cái hài có khả năng làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của người đọc.

Một phần của tài liệu CÁI HÀI TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI (Trang 25 -25 )

×