Tạo tiếng cười từ các tình huống nghệ thuật giả tưởng

Một phần của tài liệu Cái hài trong truyện ngắn Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI (Trang 57)

6. Cấu trúc luận văn

3.1. Tạo tiếng cười từ các tình huống nghệ thuật giả tưởng

Mọi tình huống nghệ thuật đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Tình huống giả tưởng là một biểu hiện rõ rệt của nghệ thuật hư cấu. Nó mang màu sắc huyền thoại, hoang đường, dường như không tuân theo logic quen thuộc và không xảy ra trong thực tế. Để đón nhận nó, người đọc cũng phải phát huy cao độ trí tưởng tượng của mình.

Tình huống nghệ thuật giả tưởng ra đời từ rất sớm và đã trở thành một dòng chảy liên tục trong lịch sử văn học nhân loại. Nó giúp phản ánh hiện thực, chiếm lĩnh đời sống bằng thủ pháp lạ hóa. Trong văn xuôi Việt Nam đương đại, tình huống giả tưởng góp phần làm nên sự đổi mới tư duy nghệ thuật. Từ cuối thế kỉ XX, nó đã có mặt trong hầu hết các sáng tác của những cây bút tiêu biểu như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái… Sáng tạo ra tình huống giả tưởng cũng là một cách để nhà văn cất lên tiếng cười sảng khoái hay chua chát trước cuộc đời.

Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn sử dụng khá nhuần nhuyễn yếu tố này trong sáng tác, đặc biệt là truyện ngắn. Ở các tập truyện Mảnh vỡ của đàn ông, Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, anh đã làm biến dạng nhiều nhân vật hoặc sự việc, khiến nó hiện lên méo mó, dị thường, rất ấn tượng. Kiểu nhân vật tha hóa bị biến dạng ta đã gặp nhiều trong văn học dân gian. Nhưng ở đó, họ bị biến dạng là do phép màu của bên ngoài, bởi một lực lượng siêu phàm nào đó. Còn trong truyện Hồ Anh Thái, con người bị biến dạng bởi tự nó. Trong Vẫn tin vào chuyện thần tiên, có anh chàng người Việt nọ một sáng kia thức dậy ở nước Mỹ, “hoảng hồn thấy mình đã biến thành

người Mỹ”. Hậu quả đầu tiên anh phải gánh chịu là thất bại trong kế hoạch cưới vợ Việt kiều, vì gia đình cô này chỉ muốn có một chàng rể là “hàng quốc nội”. Tiếp đó, anh phải đối phó với đám người Việt sính ngoại ngay trên đất nước mình. Anh trở nên cô độc và đau khổ khi phải mang trên mình một cái lốt khác, phải “ù té chạy suốt cả một thời gian dài, ù té chạy ở khắp nơi”. Hiện tượng biến dạng này đã lột trần cái tâm lý vụ lợi - sùng ngoại đến lố bịch, trơ tráo của không ít người, là hệ quả của lối sống và cách sinh hoạt bị nhiễm thói Tây hóa.

Trước đó, truyện Món tái dê đã phản ánh một tình trạng tha hóa khác của con người khi họ thản nhiên chấp nhận sự biến dạng của mình. Truyện kể về sự kiện một xếp nọ vì thích xem phim sex mà biến thành dê, một con dê đeo dây chuyền vàng. Chính bà vợ của ông đã cho rằng bà luôn nhìn thấy ông như thế. Còn vợ Hốt lại thấy: “Dê trong nhà, ngoài phố. Dê đi xe đạp, dê đi Honđa, thậm chí dê ngồi cả trong xe Toyota nữa”. Cái nhìn bộc lộ thái độ châm biếm sâu cay sự xuống cấp của đạo đức, nhân cách con người thời hiện đại.

Hai truyện Cả một dây theo nhau điChạy quanh công viên mất một tháng đều kể về các sự việc kỳ lạ. Trong Cả một dây theo nhau đi là một chuỗi cái chết: của ông phó, ông xếp và bồ (đồng thời là con dâu ông phó), rồi “Đứng đầu bảng phải là bà công đoàn (…).Đầu bảng còn có mẹ già ngấm ngầm đợi chồng chết sẽ xử lý mẹ con cô Kiều chài được cái nhà của ông già thích của ngọt. Cũng có khi đầu bảng còn có cô Kiều kia. Hay là chị em hai cô cá sấu”. Người tưởng chết lại sống, người chuẩn bị đứng ra đọc điếu văn lại chết. Chết rồi nằm trong quan tài nhìn thấy hoặc dự đoán lần lượt những cái chết khác… Dưới cái vỏ bọc đạo mạo của đám công chức, quan lại kia, bản chất thực dụng, sa đọa, lối sống thủ đoạn hèn hạ cứ thế lần lượt bị bóc trần.

Trong Chạy quanh công viên mất một tháng, một anh công chức nọ bị bắt cóc khi đang chạy thể dục buổi sáng. Anh vừa kịp nhìn thấy quả cau rơi ra từ túi áo bà cụ, định nhặt lên cho bà thì bị xốc nách lôi đi. Một tháng sau được đưa trở lại công viên, anh vẫn thấy quả cau đang lăn và cúi nhặt cho bà. Anh trở về nhà, người vợ không hề có phản ứng nào cho thấy chồng vừa vắng nhà bí ẩn suốt một tháng. Sự vô lý không hề được lý giải. Với dụng ý cuộc đời chỉ như một ảo ảnh, nhà văn đã dành cho nhân vật một khoảng trắng thời gian để nhìn lại chính mình, hồi tưởng về những người thân quen, để suy ngẫm về hành xử giữa con người với nhau. Từ đó, có cơ hội để hiểu mình, hiểu đời hơn.

Đọc truyện của Đoàn Lê, ta cũng bắt gặp nhiều tình huống giả tưởng nực cười. Trong Cổ tích ma-nơ-canh, một cặp tình nhân không danh chính ngôn thuận một lần ghé qua tiệm áo cưới trên đường phố Hải Phòng, bỗng biến thành manơcanh. Họ sống với nhau mười ngày bình yên trong thế giới manơcanh “hoàn toàn trẻ măng, lộng lẫy tuyệt hảo”. Đó là một thế giới “không một nỗi lo âu, thèm muốn, ganh ghét. Mọi thứ chả ai quan tâm (…) ngoại trừ sự không may mắn trong tình yêu đôi lứa”. Đến một hôm, nhân vật “anh” chợt nhớ đến bao nhiêu việc cần làm. Thế giới manơcanh trong hội đêm rằm hôm ấy bỗng trở nên hỗn loạn vì máu chính trị. Hai phe tranh cử trong cuộc “bầu Hiệp hội manơcanh toàn quốc” đã ẩu đả dữ dội, khiến đôi tình nhân lạc mất nhau.

Thế giới manơcanh trong tưởng tượng của Đoàn Lê ban đầu chỉ dành cho tình yêu trong sáng. Náu mình trong đó, đôi tình nhân nhận ra bộ mặt con người dửng dưng thật đáng sợ, cũng phần nào giống manơcanh. Những khuôn mặt lạnh lùng, không đủ nét, có thể che dấu nhiều toan tính: “Có những con người thích giấu mặt như mấy ông thầy dùi chính trị, lại có những ông giấu mặt theo dõi hành vi những ông thầy dùi ấy, lại có những ông giấu mặt mưu toan hất thủ trưởng, thủ phó cơ quan, lại có những anh tình nhân giấu mặt diệt tình địch…”.

Truyện Lên ruồi lại tạo ra một tình huống dị biệt khác. Anh diễn viên xiếc nọ trong một lần quyết tâm lên gặp người có thẩm quyền cao nhất Bộ để xin cấp nhà, nhận được lời thông cảm: “Anh biết cho cảnh… mật ít ruồi nhiều!”, thế là biến thành… ruồi. Những kẻ đi xin cấp nhà như anh nhiều vô kể, tất cả đều biến thành ruồi, một thứ ruồi-nhà-đất. Tưởng được “tiến hóa” lên kiếp ruồi sẽ thoát cái nợ nhà cửa, “chẳng sợ ấm ức với thứ thủ-trưởng- ruồi nào ăn lén hai, ba suất nhà” nữa. Nào ngờ, thế giới ruồi cũng tổ chức đại hội, cũng chống tham nhũng, phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, văn minh…

Thế giới ruồi của Đoàn Lê được đặt đối sánh với thế giới con người. Khối Ruồi-nhà-đất có hẳn một “guồng máy hoạt động đâu vào đấy”, cũng theo dõi, giám sát, phát hiện, tấn công... Những hoạt động của khối Ruồi-nhà- đất khiến ruồi “tôi” chột dạ nhớ lại các hình thức trấn áp, đối phó của chính quyền trước sự nổi loạn của con người, và lặng lẽ “chuồn” khỏi chiến dịch. Cuộc trốn chạy đã khiến ruồi “tôi” vỡ thêm một điều: “ở đâu có một chút danh vị, dù chuyến xuất ngoại, dù chút chức tước, ở mọi cấp độ sẽ xảy ra cảnh mật ít ruồi nhiều cả”. Chứng kiến cảnh có em ruồi bị Ruồi-Thứ-trưởng thuộc khối Ruồi-Danh-Lợi chiếm nhà, ruồi “tôi” ngao ngán nghĩ đến khi ruồi chật đất, lại phải tìm cách chuyển sang kiếp khác. Giả sử lúc đó mình đến lão anh họ Chủ-tịch-ruồi-nhà-đất xin chút chức vụ, chắc sẽ nhận được câu thông cảm: “Có mấy chức trưởng ban còn khuyết thì… mật ít người nhiều”.

Nhân bản ngỡ chỉ là chuyện về sự sinh sản vô tính. Nhân vật “tôi” bốn mươi tuổi rất ghét soi gương vì không muốn nhìn thấy chính mình. Cái gã - tôi kia luôn tự hỏi: không biết mình “được nhào nặn từ nguồn cảm hứng nào?” Lên ba tuổi thì bố mẹ ra tòa, “tôi” miễn cưỡng trở thành “Trạng nguyên lưỡng quốc”. Mười tuổi đi bụi đời. Bốn mươi tuổi cả thân thể và tâm hồn găm đầy những vết sẹo, tìm trở về ngôi nhà thừa kế bố để lại. Cuộc sống

chưa kịp ổn định thì “tất cả đảo lộn tùng phèo trong sự kinh dị”: nhân bản của bố tìm về.

“Nhân bản” được sinh ra từ “tế - bào - da - nách” của bố, lớn lên ở một Trung tâm nghiên cứu bí mật. “Nó” hệt như bố, từ ngoại hình cho đến tính cách, lời nói, nghề nghiệp… Và đáng sợ nhất là sự xuất hiện của “nó” còn “nhân bản truyền đời một cuộc chơi bi thảm kiếp trước, nước mắt, ly hôn…”. Băn khoăn lớn nhất của “tôi” được giải đáp. Nhưng khi buộc phải đối diện với quá khứ đau lòng, “tôi” chỉ biết tức tưởi khóc trong cô độc. Tình huống giả tưởng trong Nhân bản thể hiện cách nhìn hài hước nhưng đầy lo lắng về cái vòng quay luẩn quẩn, đơn điệu của kiếp người.

Sáng tác của Trần Đức Tiến cũng thấp thoáng những tình huống thật giả lẫn lộn, bi hài đan xen, để lại trong lòng người đọc nhiều suy tư. Tập truyện

Lỏng và tuột [66] được coi là một thành tựu đáng ghi nhận của anh trong những năm đầu thế kỷ XXI. Truyện Trần Đức Tiến thuộc loại “không có chuyện”, chỉ là sự dắt dẫn, kết nối vài chi tiết vụn vặt đâu đó trong cuộc đời. Đọc nghe rất quen, nhưng sự hiện diện của nó lại đầy mới mẻ. Nhà văn dụng công cho xuất hiện cái phi lý để gửi gắm một cách nhìn đa diện về con người.

Trong Mù tăm, có người đàn ông đã luôn “bằng lòng với những bộ cánh may sẵn” suốt 50 năm qua, “đột nhiên muốn về hưu trước tuổi. Đột nhiên muốn đập cái nhà đang ở đi xây nhà mới. Đột nhiên thèm uống rượu. Đột nhiên nửa đem vùng đứng dậy nghe có người vừa gọi tên mình”. Thế là khoác túi ra đi. Đồng hành cùng ông là một “gã đàn ông”. Gã không lộ diện, chỉ chập chờn trong góc tối nào đó, dõi theo ông, tìm mọi cách để đối thoại với ông, cản trở, mỉa mai chuyến đi của ông. Gã là một kẻ đồng hành khó chịu, luôn kiếm chuyện để gây sự với ông. Gã khích lệ ông đi tìm xóm Mù Tăm với những lời lẽ như thốt ra từ gan ruột của chính ông: “Bố mày ra đảo lần này là để chạy trốn nỗi cô đơn hả? Nếu thế thì sai rồi, sai toét. Có chạy lên

giời cũng chả thoát. Với cái món cô đơn khó nuốt ấy chỉ có mỗi một cách là ngồi xuống, tự mình xơi nó, gặm sạch từng tí một, và tiêu hóa cho bằng hết”. Bằng nhân vật giả tưởng “gã đàn ông” và chốn tưởng tượng “xóm mù tăm”, tác giả đã đặt con người trong thế đối diện với chính mình, tự tra vấn mình, khích lệ mình trong hành trình trốn thoát cõi đời lạc lõng, đơn độc. Nhưng điều con người tìm kiếm ẩn mãi tận chốn “mù tăm”. Nếu có đến được xóm ấy, cũng chỉ gặp lại những tục lụy, vô nghĩa của đời mà con người đang cố trốn chạy.

Cõi tục của Trần Đức Tiến là một truyện ngắn độc đáo trên nhiều khía cạnh. Mở đầu là chuyện xảy ra “vào quãng hai giờ sáng ngày hai lăm tháng tư”, trên cái bệ xi măng trong vườn hoa Trang Nhã - nơi ả gái điếm Thúy Lảnh đang nằm ngủ vì “ế khách”, pho tượng Đức Ngài oai phong “bỗng dưng đổi tư thế, chân chùng, lưng khom, hai tay thu thu dưới bụng (…) để tiến hành cái công việc giải thoát ra khỏi cơ thể chất thải dưới dạng nước”. Đây là tình huống giả tưởng thể hiện tinh thần “giải thiêng”, tầm thường hóa cái vốn được tôn thờ, ngưỡng vọng mà ta thường gặp trong văn xuôi đương đại.

Tiếp theo là chuyện cô Thảo Châu chuyên dùng thứ “nước cốt đặc biệt” tiết ra từ cặp vú của mình pha thêm vào sữa đậu nành để bán, “mỗi lít sữa một giọt”. Hàng ngày, vào lúc cô “tiến hành khai thác nguồn tài nguyên vô giá” của mình, cả con hẻm bẩn thỉu hôi hám bỗng “sực nức một mùi hương”, khiến lũ chuột cũng phải chui ra khỏi cống, “đi đứng vật vờ như mộng du”. Đó chính là người đàn bà đã cho xây pho tượng Đức Ngài. Nhiều chi tiết bi hài, bí ẩn liên quan đến những người đàn ông từng ăn nằm với bà được thêu dệt: hai người chồng, luật sư H, cai thầu Q, chủ tiệm vàng M, Việt kiều X, gia sư K, Thợ làm vườn T, tẩm quất dạo V…, đặc biệt là tài xế S, và cả lũ chuột nữa. Khi bức tượng mới hoàn thành, nó đã trở thành đề tài đàm tiếu của dân chúng. Họ thấy đường nét trên khuôn mặt tượng là của H, Q, M… Thậm chí

thấy có một tí giống mình, giống người hôm nay, giống cả người đời trước. Cuối cùng “mới té ngửa: thì ra lâu nay mọi người cũng giống nhau đến thế mà không ai để ý”.

Trong Cõi tục, tục và thiêng lẫn lộn. Ở đó, con người và cuộc sống hiện lên qua tiếng cười hóm hỉnh mà rất thâm thúy.

Tuyển tập Văn mới 5 năm 2006 - 2010 có những truyện để lại ấn tượng sâu sắc nhờ biết kết hợp giữa tình huống tưởng tượng với lối kể chuyện độc đáo. Đạo bùa hóa giải của Đỗ Trí Dũng là câu chuyện hoang đường liên quan đến một câu nói dân gian: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Truyện mở ra nhiều thời gian, từ xa xăm mơ hồ cho đến hiện tại: “Năm Hàm Thông thứ 6… Vào ngày Xuân phân, tiết Hạ vũ, năm Hàm Thông thứ 8… Tới cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21… Vào ngày Kỷ Ngọ, tháng Tân Dần, năm Ất Dậu (tức là năm dân chủ cộng hòa Việt Nam quốc thứ 61)…” [45; 59-68]. Nội dung xoay xung quanh nhân vật Cao Biền trong quá trình làm “Tiết Độ sứ” ở đất “Lĩnh Nam (tức An Nam hay Việt Nam)”. Biền vốn thông thạo thuật phong thủy, phù phép âm binh, tỏ thái độ kiêu căng ngạo mạn, coi thường thần linh sông núi, nên bị trù úm. Sau đó nhờ đồng cô bói toán mà giải được tai họa. Biền nuôi chí báo thù bằng cách “luyện âm binh và lén lút yểm sông Tô Lịch”. Kế hoạch không thành, Biền để lại lời nguyền: “Các con sông Lĩnh Nam chảy trong khu thị tứ sẽ tự thu hẹp lại. Rồi tự bốc mùi hôi thối, cạn dần mà biến…”

Với nội dung ấy, chuyện xem ra có vẻ nghiêm trọng. Nhưng lối diễn ngôn hiện đại đã biến cái nghiêm trọng cổ xưa thành ra mới mẻ, hài hước. Đỗ Trí Dũng khoác lên nhân vật tưởng tượng của mình đủ thứ phục trang, phương tiện của người hiện đại: thần sông Tô Lịch thì “trên mình vận độc chiếc áo pull rộng lùng bùng kiểu hip hop (…), rồi nhảy lên con Harcley Davidcopefeeld 750 cm2 mà lặn xuống sông mất tăm”; Tiết Độ sứ Cao Biền thì coi Decolgen là thần dược, “cưỡi Toyota Camry 8.0”; đồng cô Nhũ Hoa thì nghiên cứu trước tác của Marco Polo Proust “Đi tìm thời gian đã mất”…

Một phần của tài liệu Cái hài trong truyện ngắn Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w