Một thế giới của những cảm giác siêu nghiệm

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong thơ mai văn phấn (Trang 68)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Một thế giới của những cảm giác siêu nghiệm

Thế giới hình tượng trong thơ Mai Văn Phấn đi từ việc khắc họa những gì tồn tại hiển nhiên đến chỗ biểu đạt thế giới bí ẩn bên trong mà nhà thơ khám phá nhờ cảm giác siêu nghiệm. Trả lời tạp chí Người Đương Thời, Mai Văn Phấn từng khẳng định: “Thơ ca, cũng như một số ngành nghệ thuật tiền phong khác, đang dần dà khai triển trong những tầng sâu của tâm thức và vì thế phần

nào trở thành chính chất lượng cuộc sống…Thơ ca gần như tôn giáo, nhưng không cao vợi và phải thờ phụng theo những nghi lễ. Thơ ca cũng là tâm linh, nhưng nhà thơ có thể làm biến đổi cả đời sống tinh thần con người và mở ra những không gian riêng biệt khi gặp được “duyên” cảm xúc” [55; 433-434].

Siêu nghiệm là những cảm giác được hình thành không cần trải qua những kinh nghiệm đời sống thông thường. Nó vượt lên những cảm giác kinh nghiệm để dấn sâu thể hiện đời sống tâm linh, vô thức, trực giác. Tuy nhiên, cần lưu ý sự khác biệt giữa cảm giác siêu nghiệm với cảm giác siêu việt – thần bí. Cảm giác siêu nghiệm không phải là cái không có thực, không tồn tại. Nhưng, đó là sự tồn tại không thể quan sát bằng cặp mắt thực của con người và vì thế, kinh nghiệm không thể lý giải, không thể minh giải. Nơi tồn tại những cảm giác siêu nghiệm không thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm nhưng lại được “chứng ngộ” bởi trực giác, tâm linh.

Mai Văn Phấn người có điều kiện tiếp tiếp thu kinh nghiệm sáng tác của những trường phái thơ hiện đại chủ nghĩa và luôn khát khao lí giải về thế giới trong chiều sâu bản chất của nó. Vì thế, trong sáng tác, nhà thơ đặc biệt chú ý đến tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đã nhận định: “Cho đến nay có thể anh (nhà thơ Mai Văn Phấn) là nhà thơ duy nhất trong thơ ca đương thời đã đưa vào thơ một cách có hệ thống và dày đặc đến thế những liên hệ siêu nghiệm, những hình ảnh siêu nghiệm” [46; 292].

Thế giới trong thơ Mai Văn Phấn không chỉ tồn tại trong không gian thực của cánh đồng, căn phòng, phố phường, dòng sông… mà còn hiện lên trong không gian hư ảo của giấc mơ, không gian đầy mộng mị, siêu thực của bóng người, bóng con vật, bóng đồ vật… Chẳng hạn:

Bóng ta không còn phân vân trên vách liếp muốn lưu giữ hư danh và sủng ái mơ hồ. Bóng minh bạch trên mặt gương, trên tường vôi, đá ốp, trong tơ nhện vô tình ràng buộc hạt sương làm thổn thức cỏ non.

Ta theo bóng những cây cầu bắc qua sông lờ lững, qua trễ nải lo âu của hoa cỏ đôi bờ, qua cái miệng xoáy nước ngây thơ chưa biết nói, qua hồn người chết đuối không biết bơi.

Còn bóng ai in trên quả chuông, loa kèn, tang trống. Nơi ấy Phật - Thích -Ca và Chúa Giê- Su cộng hưởng, làm sự lặng im cũng nhấp nhô chuyện trò trong khoảng rỗng ban mai.

Sinh ra từ ngọn lửa và ánh sáng, bóng chạy theo mình, cái có có không không duy nhất mắt ta nhìn thấy được.

(Chương III: Cộng hưởng I –Người cùng thời)

Chiều sâu tri giác của trực giác tâm linh, vô thức giúp con người nhận ra những vẻ đẹp đầy quyến rũ, ma mị, bí ẩn của thế giới mà một cái nhìn lí tính thông thường khó lòng đạt tới. Nó giúp con người lặn sâu xuống đáy bản thể để nhận ra sự tồn tại đích thực của mình giữa thế giới, như một bông hoa: Tóc và vai tôi màu trắng/ Chiếc cuống/ Bắt đầu ngả vàng…một cái cây: Không cần nước/ Tôi mọc cây non trên sa mạc…một quả trứng: Rũ lớp vỏ ánh sáng/ Tôi mở mắt đứng lên…Và khi biết dứt bỏ tạp niệm, trở nên trong suốt, vũ trụ và Tôi là một: Không khô cứng/ Không còn sắc nhọn/ Tôi bình đẳng/ Hòa trong thế giới…

Hướng tới những cảm giác siêu nghiệm, ngòi bút Mai Văn Phấn đặc biệt chú ý tới những trạng thái dịch chuyển mơ hồ, những phức hợp cảm giác mong manh, sự tương giao lạ lùng giữa hình ảnh, âm thanh, đường nét, sắc màu… Thế giới được soi ngắm bằng con mắt nghiêng và nhà thơ đưa người đọc tới những

miền đất xa lạ qua những giấc mơ của chính mình. Tất nhiên, ở đây những cảm giác siêu nghiệm không chỉ là cái được mô tả mà còn là một cách mô tả. Có khi ta thấy nhà thơ mượn cái vỏ vô thức để khẳng định ý thức tỉnh táo của con người trong xã hội hiện đại – nơi mà mọi giá trị đang bị lộn sòng: Nói rằng xin/ bởi nếu tôi không đồng ý/ của quý kia phải liệng xuống hố phân/ (chúng biết cả bí quyết thần chú)/ Tôi bảo:/ các ông có thể lấy hết/ nhưng cho tôi giữ lại chút riêng/ xin tự nguyện làm đồ chơi, giẻ lau, trâu chó…

Tóm lại, nhìn thế giới bằng con mắt siêu nghiệm, nhà thơ có thể mô tả và lý giải thế giới trong chiều sâu bản chất của nó. Một thế giới đầy những cảm giác siêu nghiệm – đó vừa là một đặc điểm, cũng là một nét đặc sắc nghệ thuật nổi bật của thơ Mai Văn Phấn.

Chương 3

PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN

3.1. Thể thơ

Mai Văn Phấn sử dụng đa dạng các thể thơ, nổi bật là thể thơ lục bát, thơ tự do, thơ văn xuôi và thơ cực ngắn. Khảo sát Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb Hội nhà văn (2011), Hoa giấu mặt, Nxb Hội nhà văn (2012), Vừa sinh ra ở đó, Nxb Hội nhà văn (2013), chúng tôi đưa ra bảng tỉ lệ các bài thơ theo các thể thơ khác nhau như sau:

Bảng 3.1

Thống kê số lượng các bài thơ theo các thể thơ

STT Thể thơ Số bài Tỉ lệ (%)

1 Lục bát 19 5.90

2 Tự do 164 50.93

3 Thơ văn xuôi 40 12.42

4 Cực ngắn 99 30.74

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong thơ mai văn phấn (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w