Một thế giới của sự viên mãn và thuần khiết

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong thơ mai văn phấn (Trang 60)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Một thế giới của sự viên mãn và thuần khiết

Như một số nhà phê bình đã nhận xét, thế giới trong thơ Mai Văn Phấn được tái hiện tất độc đáo qua “nhãn quan phồn sinh”. Ở đó, vạn vật đều được

nhìn ngắm trong sự sinh sôi, nảy nở và tràn đầy năng lượng. Nhà phê bình Văn Giá nhận định: “Toàn bộ thơ Mai Văn Phấn đã dựng lên một thế giới phồn sinh và hóa sinh bất tận” [46; 529 ].

Thế giới qua lăng kính phồn sinh là “thế giới phì nhiêu, nhiều tầng, nhiều cá thể cộng sinh chen chúc đầy hoan lạc, tựa như cánh rừng nhiệt đới vậy” [46; 529]. Xuyên suốt sáng tác thơ Mai Văn Phấn là sự xuất hiện dày đặc các hình tượng: mùa màng, cây cỏ; đất đai, cánh đồng,…tượng trưng cho sự sinh sôi, vĩnh hằng của thế giới. Ở đó, những câu thơ tôn vinh thế giới phì nhiêu thật ấn tượng: Ghé môi vào miệng thời gian/ Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non (Tản mạn về cỏ); Chỉ còn ta lại với ta/ Cỏ run đầu ngõ như đà cắn câu (Lơ lửng); Mắt vừa mở với rạng đông/ Chân trời hổn hẻn phập phồng ngón chân (Kinh cầu ban mai); đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/ dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời/ Những mùa tái sinh trổ đòng chín rục/ Sấm nổ vang trong lòng tay mầm hạt/ Vòng phù sa tươi ròng ấp ôm thớ đất (Bài hát mùa màng); Thiên nhiên động tiếng mùa sang/ Dấu chân trong cỏ mỡ màng trổ hoa/ Quả thơm trĩu ngọt la đà/ Tạ ơn sương đọng vái xa chân trời (Chương VIII: Trái tim giải thoát)…Thiên nhiên tràn đầy sức sống trong con mắt tác giả.

Nhãn quan phồn sinh hướng về thiên nhiên thực chất là hướng về con người, hướng về đời sống nhân thế. Hình ảnh “Em” trong thơ Mai Văn Phấn là hiện thân của đất đai, mùa màng, tươi tốt và sự gieo trồng: Em chợt hiện/ Từ hương thơm trái chín/ Trong dập dờn bãi ngô mùa thụ phấn/ Lá giật mình/ Cá lặn xuống chân/ Hút mãi về em/ Từng hơi thở đất/ Anh hạn hán/ Cơn mưa chiều tất bật (Nỗi nhớ mùa thu)…Và “Anh” khao khát đón nhận sự gieo trồng của “Em”:Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ bàn tay dịu dàng vun vào da thịt/ Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào/ Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp (Bài ca

buổi sớm)…

Thế giới phồn sinh viên mãn còn được thể hiện qua khát vọng nhục cảm trong tình yêu nam nữ, trong cái khát khao gieo trồng và sinh nở: “Tìm miệng anh gieo hạt/ Gió níu chân tay đất dịu dàng”, để rồi “Anh dìu em lộng lẫy váy hoa/ Hôn em, ngón tay út/ Nâng em lên trăng”; “Mỗi nụ hôn mở thêm cánh cửa/ Níu chặt tay nhau/ Bám chặt tay nhau/ Không thất lạc”…Trong một cái nhìn mang tính lý tưởng hóa, hành động tính giao trong tình yêu được nhà thơ ví như một nghi lễ xiết bao kì vĩ và thiêng liêng: Yêu nhau. Là những nghi thức dâng tụng trời đất. Bây giờ là mùa xuân. Anh mệnh Kim và em mệnh Hỏa. Từ lửa làm ra Thổ, ra Mộc, ra Thủy. Đất rùng mình. Sông chảy. Ngàn vạn lá mầm từ thân thể nở bung (Anh anh em em)…Nơi đó, con người sẽ luôn cảm nhận được sự nồng nàn mà tình yêu mang lại: “Chạm vào anh biết viên sỏi rất mềm, cọng rơm khô trĩu nặng, sợi tóc thở nhẹ (Tỉnh dậy trong mưa).

Thơ Mai Văn Phấn đưa ta đến thế giới của sự sống, sự sinh sôi, nảy nở. Đó là sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và con người: Dòng sông vừa chảy/ vừa sinh nở (Đất mở); Ngựa thở dốc/ bời ngợp cảm giác cỏ/ chùm lưỡi dìu nhau đứt cuống/ xuyên qua tim lăn vào đât tơi/ nở những bàn tay sau lưng tươi tốt (Được quyền nghĩ những điều đã ước)…Người đọc dễ dàng bắt gặp trong thơ Mai Văn Phấn những tính từ chỉ trạng thái, cảm giác về sự sung mãn, tràn trề năng lượng:

căng tràn nhựa mật, ứ căng dòng nhựa, chật căng mầm hạt, bạt ngàn cây lá, lá mầm che mặt đất sum suê, lá lên xanh thắm…; các động từ chỉ hoạt động sinh nở, phát triển: nứt vỡ vỏ cây, chồi lên thành lộc biếc, rộ lên từng đợt lá non;

vùi vào nhau hạt mầm bé nhỏ; đọt mầm bật dậy

Tuy nhiên, bên cạnh tính chất phồn sinh viên mãn, thơ Mai Văn Phấn còn đưa người đọc vào một thế giới của sự thuần khiết, trong trẻo. Ta có thể thấy

điều này rất rõ qua nhiều tác phẩm của ông, tiêu biểu là tập Vừa sinh ra ở đó.

Vừa sinh ra ở đó tái hiện không gian thiên nhiên thật đẹp và thuần khiết. Đó là không gian làng quê Việt Nam với những Màu xanh lá mạ/ Đọt mầm/ Nõn chuối/ Bãi dâu non; Vườn cây/ Dòng mương/ Khoảng không lặng im/ Trong suốt…gợi lên sự gần gũi, thân quen và bình yên. Nơi đó, con người tìm về tâm hồn thiên nhiên để gạt bỏ bao phiền muộn, u sầu trong công việc, trong cuộc sống: Dang tay vươn thở/ Sải mình/ Mở cùng nước/ Cơ thể anh/ Cánh cửa nhỏ bé/ Gập mình dịu mát/ Thả lỏng/ Sắp đặt lại xương cốt/ Dòng nước cuốn từng tế bào chết (Tỉnh dậy trong mưa).

Đó cũng là không gian của gió, của nắng, của ban mai, của bình minh mà thiên nhiên mang đến cho con người:

- Nắng hây hây, nắng xế/ Làm cánh đồng lúa chín rộ lên

- Kéo mặt đất lên cho hơi mát, tiếng chim/ Dồn vào nơi thanh vắng/ Ánh ngày reo trong đất sâu

- Nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi/ Làm trong suốt lòng đất, lòng cây - Tiếng chim thổi bung gió lộng

- Ánh sáng phát ra từ đó/ Bình minh phát ra từ đó/ soi rõ chân đồi, lối ra bìa rừng…

Ánh sáng tràn ngập trong các bài thơ. Chẳng hạn, trong bài Tĩnh lặng “ánh sáng”, “quầng sáng”, xuất hiện 13 lần, trong bài Quang phổ, “ánh sáng” xuất hiện 12 lần. Ánh sáng mang nguồn năng lượng sống, xua tan sự hắc ám, thanh lọc tâm hồn con người.

Đó cũng là không gian của hương hoa, sắc hoa ngọt ngào và tinh khôi: - Hương thơm/ Nhẹ tinh khôi

- Rừng nụ chờ em bước đến mới nở, điệp trùng hoa trắng lan nhanh - Nhụy hồng tươi/ Cánh trắng tinh khôi/ Mở bầu trời hơi thở

- Xương cốt mùa đông/ da thịt mùa xuân/ Hoa loa kèn mở cánh trắng muốt…/ Cuống hoa tựa vào anh biếc xanh

-Từng cánh hoa trắng muốt/ Giăng kín khoảng không - Từng chùm hoa rạng rỡ trong mưa….

Trong không gian này, con người hướng về thiên nhiên - hướng về những gì thuần khiết nhất:

- Anh là cây mận trắng trong mưa xuân se lạnh, càng quay quắt nhớ hoa càng trắng muốt. Mắt nhìn, hơi thở rung rinh. Vầng hoa đang rụng bớt những cánh mỏng.(Mùa hoa mận).

- Mỗi ngày anh được hồi sinh từ vòm lá, chập chững, biết lo toan, để sớm mai bắt đầu một đời sống khác. Biết bao lần anh hạc gày khắc khổ, rồi sum suê bên cây. Là đứa trẻ mải chơi bóng mát, mỗi vui buồn anh lại ngước lên. (Giấc mơ cây).

- Nhắm mắt anh hình dung quả chín rụng vào cơ thể, nước quả óng vàng loang chảy, ấp ủ anh thành hạt nhân bùi trong ruột mát thơm.Tưởng tượng em nhặt anh lên, hít hà, cắn ngập vào lớp vỏ mịn. Nâng niu không vỡ hạt. Bao bọc. Chờ mưa phùn gieo anh nơi đất ẩm. (Giấc mơ cây).

Thế giới trong thơ Mai Văn Phấn là thế giới vừa viên mãn, sinh sôi, nảy nở vừa hết sức trong trẻo, tĩnh lặng, thuần khiết. Sự viên mãn, nảy nở và sự thuần khiết là hai đặc tính thẩm mĩ gắn liền nhau, tạo nên nét đặc thù của thi giới thơ Mai Văn Phấn.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong thơ mai văn phấn (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w