7. Cấu trúc của luận văn
2.1.1. Cái tôi giàu khát vọng và năng lượng cách tân thi ca
Với Mai Văn Phấn, cách tân thơ là điều tất yếu trong quy luật vận động thi ca, cũng là khát vọng tự thân mãnh liệt của người nghệ sỹ này. Điều đó được chứng minh qua hành trình sáng tạo của ông. Mỗi tập thơ ra đời là kết quả của một ý thức tìm tòi, cách tân mạnh mẽ, để không lặp lại người khác và quan trọng hơn là không lặp lại chính mình. Hành trình ấy cho thấy nhà thơ không ngừng học hỏi, tiếp thu, thể nghiệm nhiều bút pháp, khuynh hướng sáng tạo khác nhau, từ nhiều nguồn thi ca trên thế giới. Khát khao làm mới khuôn mặt tinh thần bản thân và thi ca, cái tôi Mai Văn Phấn không ngại phủ định và tự phủ định, để liên tục hướng tới những giá trị thẩm mĩ mới. Cái tôi ấy luôn hướng tới mục tiêu cách tân nghệ thuật, sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại, song luôn tuân thủ mục đích tạo ra không gian thơ, trường thơ riêng, coi thơ là tiếng nói khai mở một cõi thế giới riêng của trực giác, tâm linh. Ở đó, thi sỹ tìm về một tiếng thơ riêng, thuần khiết của người Việt hiện đại.
Nói như vậy cũng có nghĩa là sự đổi mới này, dĩ nhiên, không chỉ dừng lại ở những thể nghiệm kĩ thuật nhỏ lẻ, thuần túy. Ngược lại, nó luôn hướng tới và gắn liền với mục đích kiến tạo một quan niệm mĩ học hiện đại, nhất quán ở nhà thơ. Với Mai Văn Phấn, “Điều quan trọng trước hết trong sáng tạo là thiết lập không gian... Không gian ấy hàm chứa những vấn đề lớn tạo nên từ trường ảnh hưởng cho những bài thơ cụ thể sau này. Đó là những ám ảnh cốt lõi về thời đại, thời cuộc, những quan chiếu, hệ luỵ trong xã hội, thái độ sống, thái độ chính trị của thi sỹ; một cõi riêng của cảm giác hay linh giác mà người ngoài không thể
dụng ý chạm tới, và cả những vấn đề muôn thuở của văn chương, như khuynh hướng, giọng điệu, thể loại, tính nhân bản v.v...”[60; 1]. Đặc biệt, “Không gian sáng tạo này luôn mang giá trị biệt lập, độc sáng, không trùng hợp với những người khác, và, không lặp lại chính mình. Đây là thử thách lớn nhất với nghệ sỹ, đặc biệt nhà thơ, vì thường sau mỗi giai đoạn sáng tạo, các nhà thơ nhìn lại không gian mình vừa trải qua với thái độ tự hài lòng, cảm giác như mọi góc khuất đời sống, những bí ẩn của tâm trạng đều được ánh sáng thi ca soi tỏ; nói cách khác, nhà thơ như không muốn nói thêm điều gì, và, cũng thấy mọi ngả đường phía trước bị bịt lối...Nếu không mở được không gian nghệ thuật khác tiếp theo, nhà thơ sẽ rơi vào bế tắc, cùn mòn, thấy nặng nề nếu phải cố gắng nói những điều đã cũ” [60; 1].
Chính quan niệm cách tân mạnh mẽ này đã tạo nên đặc điểm nổi bật đầu tiên ở hình tượng cái tôi trong thơ Mai Văn Phấn: giàu khát vọng và năng lượng cách tân thi ca.
Trước hết, hiện diện trong thơ Mai Văn Phấn là cái tôi của những tìm tòi, thể nghiệm sáng tạo đa dạng. Trong các sáng tác trước 1995, như nhận xét của một nhà phê bình, Mai Văn Phấn đã có ý thức khác đi - so với chính ông và với người khác. Những bài thơ mang đậm dấu ấn thi pháp truyền thống đã bắt đầu cựa quậy với những dấu hiệu đổi mới trong thi tứ, thi ảnh. Chẳng hạn:
Tàn mùa chiếc lá lia qua Cho cô đơn ấy xẻ ra mấy phần Sáng thì làm trăng thượng tuần Lu thì ghép với mấy lần cong vênh
(Một mình) Hoặc:
Em ngủ say không biết/ anh đang nhìn hạt mưa/ bóng tối xơ xác ngoài cửa sổ/ tán cây đè nặng ngực mình/ .../ Những ngọn thác câm lặng đang đổ xuống rất mạnh/ những đế giày chuẩn bị vỡ tung/ chân tường mở cánh cửa thoát hiểm/ bụi mưa phùn hay châu chấu bay qua/ cả ngôi nhà lao đi chóng mặt/ sửng sốt, rã rời khi gặp bình minh... (Để nhận ra anh).
- Những hạt giống vừa chạm vào ánh sáng/ Đã gặp những gì chẳng thấy trong mơ/ Rơm rạ mục dâng lên từ đất ẩm/ Gió xước qua bụi gai trong lúc giao mù/ Ngày mới đến đưa bàn tay nắng ấm/ Để lấy đi những hạt cuối cùng/ Tôi chếnh choáng rỗng không chiếc hũ/ Đợi những mùa vàng rạo rực hiến dâng” (Tự thú trước cánh đồng).
Ngay trong những sáng tác ở giai đoạn đầu, thơ Mai Văn Phấn đã đem lại cho người đọc những liên tưởng mới lạ nhờ các ẩn dụ tinh tế. Chẳng hạn: Vầng trăng em đứng giữa trời/ Để rơi ngàn mảnh gương ngời mặt sông/ Ngày tràn đêm vỡ lên bông/ Mình ta khua động cả dòng tịch liêu (Trương Chi); Anh đi níu gió trên trời/ Lùa râm mát tới những nơi em chờ/ ... / Mắt người buông xuống sông xưa/ Ru con thuyền ấy trong mưa mỏi mòn/ ... (Bâng quơ).
Đấy vẫn là một cái tôi mang trong mình những vẻ đẹp cổ điển: Em nhòe nắng mới ngây thơ/ Ấm ran khắp tầng vũ trụ/ Anh thành bông cúc thẫn thờ/ Cuối mùa vàng lên vội vã (Cuối xuân đầu hè), nhưng không nằm im trong khuôn khổ mà luôn cựa quậy tìm lối, chuyển động: “Lỡ vin vào bóng mây qua / Lỡ nghe đắm đuối tiếng ma gọi đò / Đầu kim tựa có ai chờ/ Khâu ta vào với ỡm ờ xửa xưa” (Gom nhặt cuối mùa). Con người luôn tìm cho mình một lối đi riêng với khát vọng thay đổi: “Những hạt giống vừa chạm vào ánh sáng / Đã gặp những gì chẳng thấy trong mơ / Rơm rạ mục dâng lên từ đất ẩm / Gió xước qua bụi gai trong lúc giao mùa / Ngày mới đến đưa bàn tay nắng ấm / Để lấy đi
những hạt cuối cùng / Tôi chếnh choáng rỗng không chiếc hũ / Đợi những mùa vàng rạo rực hiến dâng” (Tự thú trước cánh đồng).
Có thể thấy, cái tôi trong sáng tác ở giai đoạn đầu của nhà thơ vừa mang vẻ đẹp của cái tôi truyền thống vừa có dấu hiệu bắt đầu cựa quậy để bứt phá, đổi mới.
Từ 1995 đến 2000, thơ Mai Văn Phấn cách tân thi pháp mạnh mẽ. Khát khao nhận thức hiện thực ở “bề sâu, bề rộng, bề xa” buộc phải đổi mới cách nhìn, cách lí giải về hiện thực. Hình tượng cái tôi trong thơ Mai Văn Phấn giai đoạn này là sự “cộng hưởng” của ý thức cá nhân và tinh thần công dân, dân tộc được thể hiện ấn tượng qua hệ thống hình ảnh, ngôn từ mới, lạ:
Nghe trong đám đông cộng hưởng những giai điệu cá tính, tựa hào quang hắt lên từng khuôn mặt, đan xen nhau rồi kết thành nhọn tháp. Ở đó qua chuông trái tim đã được kéo lên…
Cá tính hòa đồng với quy luật thiên nhiên, cho ta nhịp nhàng, cho ta nguôi ngoai, cho ta thổn thức…
Tuân theo luật mà dồi dào cá tính. Cái Tôi tận cùng dẫn tới cái ta”
Hay:
“Cộng hưởng cùng bạn bè, đồng chí, vợ con…Cùng giấc mơ trước thềm thế kỉ, để không còn những ngón tay rã rời (ngón duy cảm, ngón thì duy lý). Mà tất cả là những ngón tay chân thực, hòa đồng trên một bàn tay.”
(Cộng Hưởng II)
Không dừng lại cái tôi với những khát vọng của đời sống hiên hữu, nhà thơ còn muốn “hóa thân” để được sống lại với những cảm giác vô thức trong từng giấc mơ – hay chính là những suy tư của con người, thông qua tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh. Đây là giai đoạn cách tân mạnh mẽ của nhà thơ
với nhiều thử nghiệm bút pháp hiện đại: tượng trưng, siêu thực, tân hình thức… Xin lấy ngẫu nhiên một bài thơ để chứng minh - Ngậm em trong miệng:
Luôn tin có em trong miệng Nơi không chiến tranh, dịch hạch Mũi tên bắn lén tẩm độc
Thị phi, cạm bẫy, lừa lọc Lối em đi không còn gai nhọn Bão tràn qua anh dựng tường ngăn Bình yên trong miệng anh
Em thúc nhẹ bờ vai
Vòm ngực, ngón chân vào má Huyên thuyên và hát thầm
Hồn nhiên cho lưỡi và răng anh chạm vào cơ thể Anh là con cá miệng dàn dụa trăng
Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động
Đấy là một hình tượng thơ độc đáo. Cái tôi trữ tình “Luôn tin có em ở trong miệng”, để có thể che chở, bao bọc em khỏi một thế giới đầy rẫy dịch hạch, thị phi. Có lẽ, sự hy sinh của anh đã được em đền đáp xứng đáng: Em thúc nhẹ bờ vai/ Vòm ngực, ngón chân vào má - siêu thực, mộng mơ nhưng lại rất thực. Đặc biệt là hình ảnh: Anh là con cá miệng dàn dụa trăng/ Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động… Ở đây, cái tôi đang có một hành động quyết liệt “rời bỏ bầy đàn”, để khẳng định mình trong một thế giới đầy biến động. Chỉ một từ “quẫy” đã làm bật nổi sự khó khăn khi rời bỏ đám đông, rời bỏ những bộ đồng phục tinh thần, tư tưởng, để có thể đạt tới tự do sáng tạo. Ta cũng có thể thấy rõ
điều này qua nhiều tác phẩm khác: Chỉ là giấc mơ, Kể lại giấc mơ, Giấc mơ vô tận, Quay theo mái nhà, Bài học, Hội chứng từ một tin đồn, Tỉnh táo tột cùng,..
Về diện mạo cách tân của thơ Mai Văn Phấn, một nhà phê bình đã nhận định: “Có thể thấy thơ Mai Văn Phấn là một hành trình liên tục cách tân, tìm tòi. Vượt lên những hạn chế nhất định, mỗi giai đoạn sáng tác của ông đều ghi dấu bằng những tác phẩm đáng chú ý. Ý thức học hỏi nghiêm túc hướng về những nền thơ lớn trên thế giới, đặc biệt là thơ Âu – Mỹ hiện đại, cộng với “tham vọng” hướng tới xây dựng một tiếng thơ Việt “thuần khiết” là động lực thúc đẩy ông không ngừng hăng hái tìm kiếm và thử nghiệm. Dĩ nhiên, song song với việc tiếp thu có chọn lọc là ý thức xây dựng một thẩm mĩ quan cá nhân độc lập. Bởi vậy, thế giới thơ ông dù biến đổi hết sức đa dạng song vẫn rất nhất quán ở tinh thần vận động hướng về cái mới, không hoàn tất, khép kín mà ngược lại, sẵn sàng “mời gọi” những diễn dịch đa chiều” [62; 3]. Quả đúng như vậy.
2.1.2. Cái tôi say đắm, nồng nàn trong tình yêu
Bên cạnh cái tôi tràn đầy năng lượng và khát vọng cách tân nghệ thuật, hiện diện trong thơ Mai Văn Phấn còn là một cái tôi say đắm, nồng nàn trong tình yêu.
Tình yêu là một đề tài vĩnh cửu. Trong phong trào Thơ Mới, đã xuất hiện nhiều nhà thơ tình xuất sắc như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu...Trong đó, Xuân Diệu từng được mệnh danh “nhà thơ tình bậc nhất” (Hà Minh Đức), “vị hoàng tử của thi ca Việt Nam trên lĩnh vực thơ tình”
(Đoàn Thị Đặng Hương). Với Xuân Diệu, yêu là sự hòa cảm, sự sát kề của hai thể xác:
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực. Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt! Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt. Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng: Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!
(Xa cách)
Ý thức “Yêu là chết trong lòng một ít” nhưng thi sỹ vẫn lao vào để “yêu”, “được yêu”, “mời yêu”. Ông nồng nàn và quyết liệt khẳng định:
Làm sao sống được mà không yêu Không nhớ, không thương một kẻ nào Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa
Cho từng tia mắt đọ tia sao
(Bài thơ tuổi nhỏ)
Có thể thấy, cái tôi nồng nàn nhục cảm trong thơ Xuân Diệu thường được bộc lộ qua các hành động thụ hưởng trực tiếp về thân xác (ôm, riết, hôn, say...). Khao khát mãnh liệt nên cái tôi Xuân Diệu luôn giục giã, vội vàng “gấp đi em!”, “gần thêm nữa, thế vẫn còn xa lắm!” (Xa cách), kêu gọi “phải nói yêu trăm bận đến ngàn lần” (Phải nói), năn nỉ, van xin “mở miệng vàng, và hãy nói yêu tôi/ Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi!” (Mời yêu).
Cái tôi trong thơ Xuân Diệu thể hiện tình yêu thật mạnh mẽ, nồng nàn. Còn trong thơ Mai Văn Phấn, điều đó được thể hiện như thế nào?
Thơ Mai Văn Phấn viết về tình yêu đậm tính dục nhưng không hề tạo ra cảm giác trần trụi, thô tục, ngược lại vẫn giữ được nét kín đáo mà không kém
phần mãnh liệt, thông qua các biểu tượng, hình ảnh giàu sức liên tưởng. Bài thơ
Gió thổi sau đây là một ví dụ tiêu biểu:
Chúng mình hôn nhau trong hành lang hẹp trên cỏ xanh, trong những góc tối
trên tháp chuông, bên gốc cây cổ thụ... Bốn bề nước tràn ướt chân
lúc ấy gió thổi rất mạnh
Con sâu đo em đu lên người anh thì thầm gặm hết những xanh non Con ong vẫn nhởn nhơ bay
thác đổ đều đều, mưa rơi rất chậm
nhưng tất cả ngọn cây đều bạt về một phía.
(Gió thổi)
Cái tôi nhà thơ khát khao giao cảm, khát khao thể hiện xúc cảm tình yêu trong mọi không gian: “hành lang hẹp”,“bên gốc cây cổ thụ”,“những góc tối”,... Tình yêu được thể hiện mạnh mẽ qua những nụ hôn nồng nàn, say đắm. Trong những cảm xúc thăng hoa, Em biến thành “con sâu đo đu lên người anh” để “gặm” tất cả những gì “ xanh non”. Động từ “gặm” được sử dụng rất tài tình: em cảm nhận cơ thể anh, hòa vào cơ thể anh và muốn tận hưởng cảm giác đó thật lâu, mãi mãi.
Với con mắt nhân sinh – thẩm mĩ hiện đại, nhà thơ không ngần ngại mô tả tình yêu gắn liền với tính dục, với những khát khao nhục cảm. Tính dục
không đơn thuần chỉ tồn tại ở con người mà tồn tại ở mọi sinh vật trong vũ trụ. Mai Văn Phấn thường sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, mùa màng, sự kết giao, sinh nở của vạn vật để diễn tả về tình yêu đôi lứa của con người. Đó là một tình cảm mang tính phổ quát, thể hiện sự hợp nhất cao độ giữa các mặt đối lập Âm – Dương, Đất – Trời, Sáng – Tối..., mang đậm tính triết học:
Vươn thẳng
Tán cây quang hợp mặt trời Lá chồng lên nhau hoan hỉ Bật dậy thở chung dòng nhựa Máu từ đất đau chảy qua bàn chân
Do đó, cảm xúc ấy có thể hết sức mãnh liệt:
Nhoài lên mỏn đá sắc Thân thể gió trầy xước ...
Giang tay núi đạp chân vào đất Vò nát
Xé toang thân gió Ánh sao rơi
Buổi sớm vỡ òa
Mà cũng rất đỗi tinh tế, gợi cảm:
Đu cành cao
Chạm ngực em trái chín Thân bỏng rát
Anhsấm rền gót chân
hút lên sạch bụi rì rào
Anh nhai lá khô ngấu nghiến lưng tròn khép lại vòng tay
(Hái từ đất)
Hình tượng Em trong con mắt thi sỹ là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở và cho những gì tinh túy nhất của con người. Thông qua Em, Anh có thể nhận ra được chính mình, và hơn thế, bản chất sâu xa của thế giới. Em là nơi Anh luôn khao khát hướng tới và chờ đợi không chỉ trong hiện thực mà còn trong cả dòng suy nghĩ, trong giấc mơ:
Anh mơ được em gieo trồng trên ngực Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp
Gió sẽ đến vỗ về từng chiếc lá
Lật phía bên kia che cơn bão đang về Mùa đông em phủ lá vàng lên mặt
Nỗi ưu phiền mục ra trong lấm chấm mưa xuân. Từng giọt mát lành thấm nhuần trong đất
Tươi từ môi anh đến gót chân em
Anh ngỡ mình được phép lành thánh thể Đêm vừa qua hay đã mấy nghìn năm.
Em - một nửa cuộc đời Anh, em người luôn mang đến cho anh cảm giác được yêu thương, chăm sóc. Ở bên em mọi nỗi ưu phiền của cuộc sống thường nhật đều mục ra tan dần và mất đi, em đưa đến một luồng khí tinh nguyên để anh như được hồi sinh và ngỡ mình được phép làm thánh thể. Một cử chỉ nhỏ của em cũng làm Anh phải chìm đắm trong yêu thương Cầm bàn tay/ Mình đã nuốt em/ Không còn lọn tóc, và mỗi nụ hôn nồng nàn cũng được Anh cảm nhận,