Kích cỡ mẫu phụ thuộc vào phương pháp phân tích, trong nghiên cứu này có sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy.
Theo Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) thì cỡ mẫu phải lớn gấp 4 hoặc 5 lần so với số biến quan sát trở lên.
Theo Nguyễn Đình Thọ (2011) để phân tích hồi quy đạt được kết quả tốt thì cỡ mẫu phải đạt yếu cầu theo công thức:
n ≥ 50 + 8k Trong đó: n là kích cỡ mẫu
k là số biến độc lập của mô hình.
Số biến quan sát và số biến độc lập theo mô hình nghiên cứu lần lượt là 39 và 7, do vậy, kích cỡ mẫu bằng khoảng 250 là hoàn toàn phù hợp với điều kiện về cỡ mẫu.
Phương pháp chọn mẫu trong nghiên cứu là phương pháp chọn mẫu thuận tiện với việc khảo sát khoảng 250 nhân viên SCB. Bảng câu hỏi khảo sát được gửi đến nhân viên SCB thông qua thư điện tử (email) với đường dẫn kết nối đến bảng câu hỏi được thiết kế trên mạng internet.
Thang đo Likert gồm 5 bậc được sử dụng trong khảo sát, trong đó: bậc 1 tương ứng với mức độ hoàn toàn không đồng ý và bậc 5 tương ứng với mức độ hoàn toàn đồng ý.
Phương pháp phân tích dữ liệu: dữ liệu thu được từ việc trả lời bảng câu hỏi sẽ được xử lý và phân tích bằng chương trình SPSS như: kiểm định thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach Alpha và loại bỏ các biến quan sát có hệ số tương quan với biến tổng nhỏ. Ngoài ra, dữ liệu cũng sẽ được xử lý bằng phân tích nhân tố khám phá (EFA) để rút gọn các biến quan sát và xác định lại các nhóm trong mô hình nghiên cứu. Sau đó, dữ liệu sẽ được phân tích hồi quy để xem xét mức độ ảnh hưởng của các yếu tố hài lòng trong công việc đến dự định nghỉ việc của nhân viên SCB. Và sau cùng mức độ trung bình dự định nghỉ việc được kiểm định theo các đặc điểm cá nhân bằng công cụ kiểm định T-test, Anova và phân tích sâu Anova.
Tóm tắt chương 3
Chương này đã trình bày phương pháp nghiên cứu và quy trình nghiên cứu sẽ thực hiện trong đề tài, và xây dựng các thang đo để đo lường các giả thuyết nghiên cứu từ mô hình nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu được thực hiện qua 2 giai đoạn chính: điều chỉnh thang đo (nghiên cứu định tính) và nghiên cứu chính thức (nghiên cứu định lượng). Điều chỉnh thang đo được thực hiện bằng cách phỏng vấn một số nhân viên SCB đã nghỉ việc và một số nhân viên đang có dự định nghỉ việc để điều chỉnh và hoàn thiện bảng câu hỏi khảo sát. Nghiên cứu định lượng được tiến hành bằng việc khảo sát khoảng 250 nhân viên SCB. Sự hài lòng trong công việc được đo lường thông qua 7 thành phần bao gồm 35 biến quan sát và dự định nghỉ việc được đo lường thông qua 4 biến quan sát. Dữ liệu sau khi được thu thập sẽ được tiến hành nhập vào chương trình phân tích số liệu thống kê SPSS để xử lý và phân tích kết quả.
CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Chương 3 đã trình bày phương pháp nghiên cứu khoa học để xây dựng các thang đo dùng để đo lường các khái niệm và quy trình thực hiện nghiên cứu, cũng như đã đề ra các giả thuyết nghiên cứu. Chương này sẽ giới thiệu tổng quan về ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn và các kết quả của nghiên cứu từ việc khảo sát thực tế, bao gồm: thông tin về mẫu khảo sát, kết quả đánh giá thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach alpha, kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA), kết quả phân tích hồi quy và kết quả kiểm định mức độ trung bình dự định nghỉ việc theo các đặc điểm cá nhân.