Về hình thức cơ bản của thơ tự do là không ràng buộc vào các quy tắc, quy định về số câu, số chữ, niêm đối…nên nó mở ra chân trời rộng rãi cho sự thể hiện cái tôi trữ tình cũng như tài năng sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật của nhà thơ.
Sự xuất hiện câu thơ tự do như một tất yếu lịch sử, phù hợp với những thay đổi và sự phát triển của thơ ca thời đại mới: tăng cường trách nhiệm của thơ đối với cuộc sống chiến đấu của dân tộc, xu hướng chính luận trong thơ phát triển. Chất chính luận được gia tăng khiến cho tư duy thơ ca
được mở rộng sang phạm vi bàn luận, phân tích, triết luận. Mặt khác, thơ ngày càng gắn bó với cuộc sống, mở rộng biên độ để ôm lấy nhiều mảng đời sống của hiện thực cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc.
Thơ tự dần trở nên quen thuộc trong sự tiếp nhận của công chúng và đã có nhiều nhà thơ sáng tác chủ yếu với thể thơ này. Hàng loạt bài thơ tự do ra đời và có rất nhiều sáng tác đã phản ánh được hiện thực đất nước trong những năm chống Mỹ một cách thành công: Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, Vầng trăng và những quầng lửa
của Phạm Tiến Duật; Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ; Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân; Chuyến đò giáp hành của Hữu Thỉnh… đều là những bài thơ được nhiều người yêu thích, dù số câu, số dòng trong một bài không được ổn định, có lúc sử dụng cả hình thức câu thơ văn xuôi. Tuy thế hiện thực cuộc sống vẫn hiện lên một cách sinh động trên mạch thơ hồn nhiên, trong sáng, phóng khoáng.
Với ngòi bút chính luận sắc bén, Nguyễn Khoa Điềm đã vạch rõ bộ mặt bẩn thỉu, tàn ác, giả tạo của đế quốc Mỹ. Qua đó khẳng định bản lĩnh, khí phách anh hùng của con người, đất nước, dân tộc Việt Nam:
Một đất nước Từ buổi đầu tiên
Mang dấu hiệu cặp cánh tự do của bầy chim lạc Qua suốt bốn ngàn năm
Đến đôi dép Bác Hồ
Đạp lên đầu ba tên đế quốc
Là đất nước không bao giờ chịu nhục.
Chịu gói mình thành gói hàng của chủ nghĩa tư bản điên cuồng Là đất nước dám cầm vũ khí, dụng cụ, tài năng, sức lực
Xây dựng trên mặt đất này những giá trị to lớn, quang vinh. (Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)
Lâm Thị Mỹ Dạ đã diễn đạt nỗi lòng đau xót của nhân dân, đất nước mình trước sự hi sinh anh dũng của cô gái thanh niên xung phong mở đường qua khổ thơ tự do, câu thơ dài ngắn thoải mái, rất dễ lắng đọng lòng người:
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em Mưa đọng lại một khoảng tròi nho nhỏ Đất nước và nhân dân
Lấy nước trời xoa dịu những đau thương.
(Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ) Những câu thơ tự do dài ngắn cũng đã góp phần phát hiện tư thế, phẩm chất của cả dân tộc Việt Nam:
Đất nước của những người con gái con trai Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép Xa nhau không hề rơi nước mắt Nước mắt
Chỉ dành cho ngày gặp mặt
(Những cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ) Hình thức câu thơ tự do đã trở thành xu hướng biểu hiện chung của thơ ca thời kỳ này. Những câu thơ trần trụi, phá vỡ những quy phạm niêm luật, nhịp điệu, không bị ràng buộc vào số lượng câu chữ tưởng chừng cũng sẽ phá vỡ mạch cảm xúc của tác giả; nhưng ngược lại nó chính là công cụ, phương tiện đắc lực để chuyển tải chất men cảm xúc của người viết một cách chân thực, tự nhiên nhất:
Dấu chân chúng mình chắc đã gặp nhau Mùa thu trong thành phố với rừng sâu Đất nước rộng, ta đi nghe súng nổ
Những chiến trường nào ai đến trước đến sau.
Câu thơ như một lời nhắn gửi đầy chân thành của tác giả với bạn cùng đi bộ đội về những ý nghĩ, suy tư của bản thân với cuộc sống chiến trường. Hay những câu thơ giàu chi tiết chân thực:
- Đây Quảng Trị lần đầu ta gặp Bom B52 cắt dọc đội hình
- Dọc triền sông súng nổ đêm ngày - Sau trận đánh ta còn nghe súng nổ - Bom dội từ trời sâu, đạn nổ dưới chân trời.
(Trường ca sư đoàn – Nguyễn Đức Mậu) Thể thơ tự do không chỉ giúp phản ánh được hiện thực cuộc sống chiến trường và ngợi ca dân tộc mà còn là một phương thức biểu hiện cái tôi trữ tình của các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ.
Đôi khi các nhà thơ trẻ tìm đến thể thơ tự do như một cách thức kìm nén nỗi xúc động trước nhiều mất mát hay đó có thể là cách để thẩm nghiệm nỗi đau chiến tranh, sự hy sinh của những người lính đã dâng hiến cả sự lành lặn của thân thể cho cuộc chiến dân tộc:
Không thể xông lên đồn thù bằng đôi chân được nữa Và bàn tay xém lửa, xù xì
Thành bàn chân: như trẻ nhỏ - anh đi
(Bàn tay biết đi – Nguyễn Đức Mậu) Thơ tự do không có quy định bắt buộc về số câu, số chữ trong câu, về vần, bằng trắc và nhịp điệu…, số dòng trong một khổ không nhất định, số chữ trong từng dòng có thể ít nhiều khác nhau:
Tôi bước đi
mưa mỗi lúc mỗi to
sao hôm nay lòng thấy chật
như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Với dòng thơ càng được kéo dài, cảm xúc của chủ thể trữ tình như được đẩy căng. Người thơ mong muốn đi tìm lời giải thích vì sao cõi lòng mình như đang hẫng đi giữa không gian giăng mắc nỗi niềm, ở đó có một con người nặng lòng với Tổ quốc. Thơ trẻ vì thế nói được rất nhiều nỗi lòng thành thật của con người: “Họ trao nhau – giọt nước mắt và nụ cười hai mươi sáu năm xa dành dụm lại – giọt nước mắt cũng đã già như tuổi – riêng nụ cười là vẫn trẻ trung” (Giọt nước mắt và nụ cười – Nguyễn Duy). Chính sự co giãn linh hoạt của thể thơ tự do tạo ra những khoảng trắng trong thơ, những khoảng lặng, thậm chí là những khoảng chết lặng trong tâm hồn. Nỗi đau mất mát không chỉ là nỗi đau nữa mà còn là thảng thốt. Cấu trúc câu thơ cứ thu ngắn lại, tưởng mọi cảm xúc của con người như lịm đi, trong hàng loạt lời chất vấn xót đau. Những câu thơ dài ngắn nối tiếp nhau diễn tả rất thấu tâm trạng khúc mắt, dằn vặt của cái tôi khi ngẫm ngợi về những điều còn – mất trong thời kỳ đạn lửa:
Tất cả ở đây đều chưa định Cuộc đời như sấp sửa đi xa Tuổi trẻ đến phát lo
Ồn ào mà sâu hút
(Viết cho em từ cửa biển – Lưu Quang Vũ) Với một số nhà thơ trẻ, đồng hiện nhịp thời gian đã trở thành một nghệ thuật ứng xử với đời của một con người đam mê sống. Thời gian đồng hiện kéo con người vào cơn lốc của cảm xúc; mà ở đó, cảm thức về cuộc đời trở nên sâu hơn và thấm thía hơn. Đây là sự hòa quyện giữa mặt tưởng đối lập trong đời sống nội tâm của nhà thơ, khi dự cảm là cảm thức thời gian chủ đạo, chi phối một đời sáng tác. Như vậy, cái tôi thơ trẻ thể hiện sâu sắc triết lý về dòng đời riêng tư phần nhiều từ cái nhìn đồng hiện thời gian nhờ vào tiết tấu linh hoạt của thơ tự do.
thơ tự do chính là cách để các cây bút trẻ thể hiện đầy đủ cung bậc cảm xúc của chủ thể trữ tình. Chính kết cấu linh hoạt đó kết hợp với nhịp điệu câu thơ, tạo nên tâm sự thiết tha của một thế hệ vẫn chưa hết bàng hoàng trước hiện thực chiến trường:
Đêm nghe tằm ăn dâu
Tưởng dòng sông đôi bờ đương vỡ Con lớn lên bỡ ngỡ
Ôm ngọn súng trường dắt mặt trong mưa
(Quê hương – Thu Bồn) Với độ dồn nén của những dòng thơ cực ngắn, thơ trẻ đã tạo nên những tiếng tự tình trầm buồn, gây nên một nguồn cảm xúc mới mẻ trong thơ. Cùng với cách gieo cảm xúc vào những khoảng lặng cuối đoạn thơ, các nhà thơ trẻ có lúc đã để tiếng yêu thương - lẽ ra phải nén tận vào sâu tâm thức - bật thốt thành lời:
Tôi không thể nào không nghĩ về anh Khi trở lại bến này - Anh đã vì Tổ quốc! Thắt lòng tôi không khóc
(Bức Ký họa trên bờ biển – Thúy Bắc) Thơ tự do không phải là một hình thức định trước trong quá trình sáng tác mà đó là sự tìm đến tất yếu khi tâm hồn nhà thơ đạt đến độ nhuần chin, ở góc độ độc giả như được trải lòng trong những trạng thái cảm xúc tế vi của người nghệ sĩ. Không chỉ tự do trong hình thức câu thơ, thể thơ này còn kéo dài biên độ của đoạn thơ, bài thơ. Đó là khi cái tôi có nhu cầu bộc bạch đến cạn cùng nguồn cảm xúc thẩm mĩ, khi tiếng nói bức bối của chủ thể trữ tình gần như không thể kiềm nén. Chính vì những lí do khách quan, do quan niệm thơ ca mang hơi thở thời sự, thơ trẻ miền Nam gắn với những bài thơ có khuôn lượng câu thơ rất dài. Đặc điểm này đã góp phần chứng minh cho tư duy nghệ thuật của thơ trẻ, đặc biệt là thơ trẻ trong lòng đô thị miền Nam - đi vào những chi tiết vụn vặt của chiến trường và cuộc sống đời thường.
Sự linh hoạt trong việc mở rộng biên độ như thế không chỉ phản ánh hiện thực phức tạp của chiến trường mà còn phù hợp với việc tái hiện cuộc sống đời thường. Như: Máu (Mỹ Lai), Nước mắt và niềm uất hận (Nguyễn Văn Phụng), Đi giữa rừng súng máy (Trần Phá Nhạc), Vì sao những lời quyết liệt (Lê Văn Ngăn)…
Thể thơ tự do còn giúp các nhà thơ trẻ thể hiện sự ngập ngừng, e thẹn trong cảm xúc riêng tư. Mảnh đất tình yêu dường như cũng tỏ ra phù hợp với lối thơ ngắt dòng. Người đọc không chỉ cảm nhận được cái thẹn thùng trong tình yêu trong trẻo mà còn như được tận mắt chứng kiến cái dùng dằng, bịn rịn không thành lời qua hình thức rơi dòng như thế:
Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực Anh lên đường
hương sẽ theo đi khắp Họ chia tay
vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi
(Hương thầm – Phan Thị Thanh Nhàn) Các nhà thơ trẻ có ý thức tìm tòi, thể nghiệm những hình thức biểu hiện của thơ tự do. Một số cây bút trẻ kéo dài câu thơ bằng lối viết rơi dòng vói những chữ đầu không được viết hoa. Đây được xem là phương thức vắt dòng, vừa tạo độ dài cho câu thơ, truyền hết được những ý tưởng mà những câu thơ theo hình thức thông thường không có khả năng diễn đạt trọn vẹn. Cách ngắt dòng bất ngờ đó làm cho mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình tác động rất mạnh đến tâm hồn người đọc. Thường những chỗ không viết hoa và đột ngột xuống dòng chính là điểm dừng để nguồn cảm xúc chất chứa của chủ thể trữ tình được đẩy lên cao trào.
Tôi cũng có một cái làng không bao giờ tôi được khi em mở bàn tay những đường chỉ xa xôi run run định mệnh
những người chỉ mơ hồ lẫn khuất dẫn anh về một cái làng xưa đã mất
(Những chiếc lá rơi – Lưu Quang Vũ) Đồng thời lối vắt dòng này còn tạo ra nhịp điệu cho lời thơ, thể hiện được những điểm nhấn trong cảm xúc của chủ thể trữ tình;
Chuyến xe chở đầy người với sương mù và núi đi theo và cô đơn lăn đều trên bánh chuỗi cười để lại đằng sau
(Hành trình – Ngô Kha) Có thể khẳng định thơ tự do là một trong những phương thức thể hiện đắc địa của thơ trẻ. Các nhà thơ trẻ đã thể nghiệm và gặt hái được khá nhiều thành công ở thể loại này, góp phần khắc họa sắc nét những biểu hiện của cái tôi trữ tình và hiện thực cuộc sống chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với việc sử dụng linh hoạt thể thơ này, các nhà thơ trẻ đã tạo ra một sức hấp dẫn riêng cho thế giới nghệ thuật của mình, đưa người đọc đến được với những góc cạnh của đời sống chiến trường và đưa thơ đi vào cuộc sống.
Thực tế cho thấy thơ tự do vừa có khả năng to lớn trong việc khai thác sâu rộng những đề tài lớn, mới mẻ trong hiện thực đời sống để phản ánh cho được không khí sôi nổi, khẩn trương, quyết liệt, muôn màu muôn vẻ của đất
nước; vừa có khả năng bộc lộ mọi cung bậc tình cảm, cảm xúc của nhà thơ dành cho quê hương, đất nước mình.